Cảm nhận khi đọc bài viết về bánh chưng của Phạm Thị Hoài

Lê Học Lãnh Vân

Bài viết về Bánh Chưng của tác giả Phạm Thị Hoài có tựa là “Các vua Hùng đã có công” khiến dư luận ồn ào. Đương nhiên thôi, bài viết đã động tới truyền thống, tình cảm ngàn năm của người Việt.

Bài viết này không bàn tới chuyện có nên bỏ bánh chưng, bỏ truyền thống nấu bánh chưng ngày Tết. Người viết muốn trình bày cảm tưởng khi đọc bài của chị Hoài theo cách đọc giữa các dòng chữ. Ý tứ của bài “Các vua Hùng đã có công” chắc cũng không khó nhìn ra vì tác giả có định giấu kín chúng đâu. Những ý tứ đó, tôi đoán thế, được đặt nửa kín nửa hở trên toàn bộ bài viết. Những dòng chữ trong ngoặc kép và viết nghiêng dưới đây là những dòng về Bánh Chưng của chị Hoài, chúng đánh thức trong tôi nỗi lo sợ âm ỉ…

Cái kiệt tác của ẩm thực dân tộc ấy đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng”. Tôi đọc trong câu này nguy cơ của những hủ tục khiến chúng tôi bị hư hỏng, nghĩa là không theo kịp đà tiến của văn minh nhân loại, bị nghèo đi giữa thế giới thịnh vượng vì người bên ngoài nước đang tiến nhanh hơn chúng tôi, do đó khoảng cách tụt hậu ngày càng nhanh chóng xa hơn (nhão nhoét, thiu). Nguy cơ chúng tôi trở thành thô lậu, không hiểu, không biết quý những giá trị cốt lõi của thế giới văn minh như tôn trọng con người, dân chủ, tự do, nhân quyền, bình đẳng, trung thực (mốc, sống)… Nguy cơ chúng tôi trở thành những kẻ không biết lý lẽ, nói lấy được, nói dối và thậm chí biết rõ người nghe biết mình nói dối mà vẫn mở miệng dối!

Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn”. Câu này nhắc nguy cơ chúng tôi kêu to nhưng thiếu thông tin có chất lượng, thậm chí tiếng kêu không chứa thông tin! Nguy cơ chúng tôi chỉ biết la lớn các mong muốn nhưng không chịu kiên trì đầu tư thực hiện ước mơ! Nguy cơ lời chúng tôi nói dài dòng nhưng không chứa ý nghĩ sâu sắc. Nguy cơ chúng tôi lầm tưởng và tự hào mình có lý luận. Nhưng than ôi lý luận đó, nếu được gọi là lý luận, chỉ là lý luận không chặt chẽ, không hợp lý, không gắn với thực tế và do đó không dẫn tới tương lai…

Đã thế lại là văn cúng cụ, nhất định phải đặt lên bàn thờ”. Nguy cơ chúng tôi sẽ cứ lặp lại lời của bao nhiêu năm nay, học lời nói của các cụ đã mất từ hàng bao chục năm trước. Cứ dịp đến chúng tôi lại lôi văn bản trên bàn thờ xuống, phủi bụi và cắm cúi đọc cho cộng đồng nghe, cho dù thời đại đã rất khác xưa. Chúng tôi tự ngăn chặn mình học cái mới, ngăn chặn mình học những chuyển biến tư tưởng và cách tổ chức xã hội của nhân loại, một nhân loại đang tiến rất nhanh vào thời phẳng hoá.

Tóm lại, cảm nhận chung của tôi là nỗi lo sợ cái nguy cơ chúng tôi bị đông cứng trong trong thời kỳ băng hà trắng xoá xa xưa cho dù đất trời hiện nay đang ấm áp, hoa cỏ đang muôn sắc đua tươi. Cho dù tất cả các cơ quan thực thể của chúng tôi đang tồn tại trong thời nay nhưng riêng tư duy của chúng tôi lại là tư duy của bộ não nằm trong xác ướp hàng trăm năm trước! Con người đang mở ra kỷ nguyên du lịch lên sao Hoả nằm xa Trái đất trung bình khoảng trên hai trăm triệu km còn chúng tôi vẫn là những sinh vật đứng trên cây cày sau đít con trâu, cắm mặt lầm lũi đi theo đường cày được vạch ra từ thủa kiếp nào!

Ngày 08 tháng 02 năm 2021

Comments are closed.