LÊ TUYẾT THỰC HIỆN
GS Nguyễn Đăng Hưng – một nhà cơ học người Việt tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Trong suốt những năm tháng xa quê, ông vẫn không ngừng tìm hiểu, tiếp nhận thông tin trong nước qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là báo chí. Với ông, báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, vừa là nơi nói lên tiếng nói của nhân dân, của chính bản thân mình.
– Tôi đọc nhiều tờ báo trong nước, trong đó, tôi dành tình cảm rất đặc biệt cho Báo Lao Động. Với cá nhân tôi, Báo Lao Động là tờ báo nghiêm túc có tầm ảnh hưởng cả nước. Với lịch sử hình thành hơn 85 năm, tờ báo của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không những nói lên tiếng nói, bảo vệ người lao động, mà tờ báo đã luôn đứng về lẽ phải, nói lên tiếng nói của người dân, đặc biệt là chuyển tải những thông tin về biển đảo.
Ngày 17.1, tôi tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên núi Thới Lới, đảo lớn Lý Sơn (Quảng Ngãi) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi… tổ chức. Sự kiện hôm đó đã để lại cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ từ những câu thơ Thần của Lý Thường Kiệt được vang lên hào hùng, những lời chia sẻ rất hợp tình, hợp lý của ông Đặng Ngọc Tùng (nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – BT) “Ngày 19.1.1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này. Cuộc hải chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa là minh chứng lòng yêu nước Việt của những con dân Việt. Họ là những người con đất Việt đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của Biển Đông, những đêm giông tố, những ngày gió bão. Vị mặn của nước Biển Đông hơn 40 năm nay mặn đắng hơn, vì đó là vị mặn của muối, của máu và của nước mắt… Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với tổ quốc thì khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối”.
Tôi đã gặp khá đông các nhân chứng sống của cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, có sự tham gia của thân nhân các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa, những ngư dân bị tàu Trung Quốc đánh phá trên biển… lắng nghe những câu chuyện của họ, tôi thật sự rất xúc động. Ấn tượng với tôi hơn cả, cái hồn của buổi lễ đó chính là câu hò của người phụ nữ Lý Sơn Nguyễn Thị Hảo “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có nhưng không thấy về/Ầu ơ ờ ơ ơ…! Đến mùa tu hú kêu thanh.
Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ…! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về. Ầu ơ…!/Hoàng Sa đi có về không, chứ lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi…/Ơ ơ ơ! Con ơi con ngủ cho mau! Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng/Ơ ờ ơ! Ốc u đã thổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Ơ ớ ơ (chớ) Hoàng Sa là của nước ta. Để người ngoại quốc xâm vào chẳng an…”.
Tôi đã không thể nào cầm được nước mắt, xung quanh tôi có nhiều tiếng nấc, tôi biết họ cũng đang xúc động mạnh như tôi… Những ngày sau và tới tận bây giờ, tôi không sao quên được những giây phút đó. Tôi đã tỏ bày lòng kính trọng này với tổ chức công đoàn, trong đó có Báo Lao Động trong quá trình vận động xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa và trước đó là Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Tôi cho rằng đó là những chiến tích trong thời đại hôm nay, những việc làm này không phải hôm nay mà ngàn năm sau sẽ luôn được ghi nhớ bởi đó là hành động vì dân tộc, vì chính nghĩa.
Những nghĩa sĩ Hoàng Sa nằm xuống vì đất nước này họ đã tranh đấu đến chết dù thất bại nhưng công đức của họ mình phải nhớ, để con cháu sau này luôn hãnh diện cha chú của mình đã hy sinh vì Tổ quốc và không phân biệt xu hướng chính trị của người lính đó! Làm được điều này, chính là góp phần hun đúc tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
* Những thông tin đó có tác động như thế nào tới Giáo sư?
– Trong lúc thông tin về chủ quyền biển đảo còn nhiều hạn chế nhưng Báo Lao Động, ngoài những bài viết thẳng thắn lên án những hành động phi pháp, xâm chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì cùng với tổ chức công đoàn Việt Nam đã có những tác động mạnh mẽ, những chương trình hướng về biển đảo như Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Trường Sa – Hoàng Sa, Xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa… khiến cho tôi có sự sảng khoái về tinh thần, khởi dậy lòng yêu nước.
Tôi cho rằng, những việc đó không chỉ tác động đến chính tôi mà còn tác động đến nhân dân. Ngay lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, hầu hết các tờ báo của Việt Nam lúc đó đều đưa tin, đó là một sự kiện mà người dân hôm nay, mai sau sẽ còn ghi nhớ.
Và với cá nhân tôi nghĩ rằng, trong khi Trung Quốc đang rêu rao những luận điểm sai trái về “đường lưỡi bò” trên Biển Đông thì những thông tin trên báo chí, những chương trình như của tổ chức công đoàn Việt Nam, Báo Lao Động là những lời đáp trả của nhân dân Việt Nam.
* Được biết ngoài nghiên cứu và giảng dạy, giáo sư còn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền, giáo sư có thể chia sẻ thêm với bạn đọc Báo Lao Động?
– Tôi cùng nhiều nhà khoa học, trí thức Việt Nam khi đọc những bài báo quốc tế viết sai trái về Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi đều lên tiếng phản đối bằng nhiều cách như viết thư yêu cầu ban biên tập gỡ bài, gửi những bằng chứng cụ thể để không được đăng những bài như vậy. Có tờ báo cử biên tập viên sang Việt Nam gặp chúng tôi, tôi đã từng tiếp biên tập viên tờ báo khoa học Nature David Cyranoski tháng 12.2011 tại tư thất để lấy thông tin sau đó họ thừa nhận mình thiếu sót và ra thông cáo không cho phép đăng tải đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc nữa! Hay như Google thay vì trước đây ghi Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc thì giờ đã sửa lại dùng tên quốc tế và ghi rõ đây là vùng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam…
Hiện nay, tôi và một số nhà khoa học đang xin phép thành lập Viện Văn hóa về Biển Đông, huy động các nhà trí thức các nước Đông Nam Á nói về văn hóa, lịch sử Biển Đông để bảo vệ Biển Đông, góp phần để Biển Đông trở thành vùng tự do lưu thông, trả Biển Đông về đúng với lịch sử.
Ngoài ra, đối với Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, tôi được biết, Qũy Tấm Lòng Vàng Lao Động là nơi nhận sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân. Tôi rất hoan nghênh việc đóng góp này vì như vậy, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa mới thực sự là khu tưởng niệm của lòng dân. Với bản thân tôi, tôi cũng sẽ có những bài viết, lời kêu gọi hưởng ứng đóng góp về tài chính trong kiều bào quốc tế vào quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động để góp sức xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.