Tấm mạng được vén lên

Vĩnh Quyền

Hơn năm năm qua tôi ba lần xem phim này và lần nào cũng cảm kích đặc biệt. https://www.youtube.com/watch?v=i1hi5yaaPoA

Lịch sử chứng minh ở đâu và lúc nào có trấn áp tự do sáng tạo thì nơi ấy và lúc ấy có phản kháng, bằng nhiều hình thức. Đôi khi người nghệ sĩ vô tình “mang ơn” quyền bính tăm tối: Chính tham vọng kiểm soát tất cả đã tạo tình thế thúc bách, sức nén dữ dội để bật ra tác phẩm đặc sắc.

Điện ảnh Iran gần đây được thế giới chú ý bởi sự xuất hiện những tiếng nói phản kháng như thế. Tất nhiên không phải lời thẳng tuột kiểu mạng xã hội. Những tác phẩm điện ảnh này với nghệ thuật ngụy trang/ẩn dụ đã khám phá ngọn nguồn các vấn đề thời sự và lâu dài về con người, đất nước và thời đại trong sắc màu riêng thế giới Hồi giáo.

Ấn tượng nhất là trường hợp Jafar Panahi, đạo diễn vào tù hai lần và nhiều phim bị cấm chiếu. Tòa án đã tuyên ông không được làm phim trong 20 năm kể từ tháng 12-2010.

Nhưng gần như ngay sau đó, trong vòng mười ngày đầu tháng 3-2011, với chi phí khiêm tốn tương đương 3.000 euro, và một máy quay kỹ thuật số cầm tay, đôi khi dùng cả smartphone, cùng sự cộng tác của bạn thân, đạo diễn Mojtaba Mirtahmasb, người sau đó bị tù, Panahi đã “quay” một bộ phim truyện-tư liệu có cái tên như một phép ngụy trang đầy khiêu khích lệnh cấm: This is not a film.

Hành trình vượt qua phong tỏa để bước ra thế giới bên ngoài của phim không-phải-là-phim hội đủ chất liệu, tình huống đắt giá để dựng một phim tư liệu nghệ thuật đặc sắc khác, thậm chí một phim truyện hành động ly kỳ.

Tháng 9 năm ấy, vợ và con gái đạo diễn xin phép xuất ngoại với lý do dễ chấp nhận: đi dự sinh nhật người thân định cư ở Pháp. Hai mẹ con đã thành công trong việc đưa ổ bánh giấu USB lưu phim ra khỏi Iran để rồi ra mắt toàn thế giới qua buổi chiếu đặc biệt tại Liên hoan phim Cannes.

Nhiều nhà phê bình và nhà báo gặp nhau trong nhận định ngắn gọn: Điện ảnh mới là đây. Năm sau, phim được xếp vào danh sách 100 phim tư liệu hàng đầu của Viện hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ.

Bản án được tăng cấp độ thi hành khi "tiếng nói" cất lên từ sau tấm mạng. Nhưng rồi phim Closed Curtain (Tấm mạng che kín) lại bí mật xuất hiện năm 2013 cho thấy Jafar Panahi không từ bỏ. Hình thức trừng phạt lập tức khắc nghiệt hơn, biện pháp giám sát và ngăn chặn tinh vi hơn, tất nhiên.

Bất ngờ đầu tháng 2-2015, Liên hoan phim Berlin công chiếu phim Taxi Tehran của Jafar Panahi và trao giải cao nhất, Gấu vàng.

Lần này đặc trưng “ngụy trang” không chỉ dành cho “tiếng nói” của phim. Bản thân đạo diễn cũng ngụy trang theo nghĩa đen và hầu hết nhân vật có mặt trong phim không biết mình đang tham gia làm phim.

Bị cấm hành nghề đạo diễn, Jafar Panahi đăng ký lái taxi. Chỉ bằng camera hành trình ô-tô ông đã sáng tạo và tài hoa thực hiện một bộ phim gây chấn động thế giới. Những góc phố Tehran đủ hạng người và số phận, hành khách dọc đường với những mẩu chuyện ngẫu nhiên bật ra cho nhẹ lòng hoặc chỉ là những đôi mắt u trầm trong lặng lẽ, tất cả là… phim.

Đạo diễn chấp hành án không rời nơi cư trú, vì vậy Hana Saeidi cô cháu mười tuổi xinh xắn ngây thơ liến thoắng mà ông đưa đến trường mỗi ngày, cũng là người tham gia bộ phim, đại diện ông nhận giải tại buổi lễ long trọng. Với cả nước mắt ngậm ngùi người vắng mặt.

Taxi đã vén tấm mạng đặc trưng để một thủ đô Iran huyền thoại và hiện đại hiện ra rực rỡ cùng những góc khuất tổn thương.

Phim và cách làm phim của Jafar Panahi nhắc lại: Bão táp quyền bính không thể vùi lấp mầm tự do sáng tạo. Phần tiếp theo thuộc bản lĩnh và tài năng của nghệ sĩ sáng tạo.

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Comments are closed.