Nguyễn Duy – nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) (kỳ 1)

Lã NguyênNGUYEN DUY

MỤC LỤC

Tựa – Trần Đình Sử

Chương 1. Hình tượng tác giả. Kiểu nhà thơ

Chương 2. Nhân vật trữ tình

Chương 3. Thể tài và cảm hứng

Chương 4. Ngôn ngữ và giọng điệu

5. Vĩ thanh

Phụ lục:

Thơ Tố Hữu – Kho kí ức thể loại của văn học từ chương

Bạt – Đỗ Lai Thúy

KHI NHÀ PHÊ BÌNH THÁCH THỨC

VĂN HỌC SỬ ĐƯƠNG ĐẠI

(Tựa)

Trần Đình Sử

Tập sách nhỏ về thơ Nguyễn Duy của Lã Nguyên nêu ra một vấn đề rất lớn đối với văn học sử đương đại Việt Nam. Đó là vấn đề loại hình hóa các dòng văn học trong nội bộ của nó. Bấy lâu nay ta quen nhìn văn học đương đại từ cách mạng tháng Tám 1945 như một dòng thống nhất, duy nhất, như sản phẩm quy tụ của nhiều dòng khác biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các dòng lệch lạc đã bị phê phán, đánh đổ hết rồi. Sự đa dạng được tính bằng phong cách cá nhân. Sự khác biệt của nền văn học được xét theo giai đoạn lịch sử: văn học kháng chiến chống Pháp, văn học thời chống Mĩ, văn học thời Đổi mới, hậu Đổi mới

Với thực hành phân tích diễn ngôn nghệ thuật thơ Nguyễn Duy, Lã Nguyên chứng minh thơ Nguyễn Duy, tuy hợp lưu với dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử của nó, song đó không phải là thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa, bởi nó không phải là thơ ca của tính Đảng, không phải thơ của nghệ sĩ – chiến sĩ theo mẫu hình “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa” (Tố Hữu). Thơ Nguyễn Duy là thơ của chúng sinh, của Dân trong suốt đường thơ của ông. Lã Nguyên đã tiến hành một cuộc giải phẫu, đối sánh giữa một bên là thơ Tố Hữu, loại hình thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa của Đảng tiêu biểu nhất và một bên là thơ Nguyễn Duy, nhà thơ của chúng sinh trên các mặt hình tượng tác giả – kiểu nhà thơ như người sáng tạo một loại hình thơ, nhân vật trữ tình (trả lời câu hỏi ai nói trong thơ), thể tài và cảm hứng (trả lời câu hỏi thơ nói gì), ngôn ngữ và giọng điệu (thơ nói bằng ngôn ngữ nào), và cuối cùng rút ra kết luận như đã nói từ đầu: “Nguyễn Duy là nhà thơ hiện – đại – cổ – điển Việt Nam, sáng tác của ông không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Việc so sánh, đối chiếu được tiến hành rất chặt chẽ bằng những khái niệm có độ tin cậy cao, mang nội hàm thế giới quan sâu sắc, và hàng loạt các ví dụ thơ cùng loại và khác loại mà mọi người đều có thể kiểm tra bằng hiểu biết của mình.

Sự khác biệt của kiểu nhà thơ Nguyễn Duy so với kiểu nhà thơ – chiến sĩ của Tố Hữu hoàn toàn không phải khác biệt về cá tính hay phong cách cá nhân, mà khác biệt về nguyên tắc trong nhãn quan nghệ thuật. Bởi vì trong mỗi kiểu ấy, mỗi nhà thơ lại có phong cách riêng của họ. Một đằng là kiểu nhà thơ – chiến sĩ, được sinh ra từ sự kiện cách mạng, mang sứ mệnh thiêng liêng, đảm nhiệm việc tuyên truyền lí tưởng, ngợi ca chế độ, lãnh tụ và quần chúng nhân dân đi theo Đảng, “sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, vạch ra những chân lí lớn của thời đại, cổ vũ chiến đấu cho lí tưởng sáng ngời, chỉ nói tiếng nói của Đảng và cách mạng. Một đằng là kiểu nhà thơ chúng sinh, sinh ra như mọi đứa trẻ ở thôn quê, lớn lên trong mọi hoàn cảnh đời thường, nói tiếng nói của tầng lớp dưới đáy, đời thường, tình cảm cha mẹ, vợ con, bà cháu, với chủ nghĩa yêu nước sâu xa mà giản dị, thuần phác và khát vọng về cuộc sống mộc mạc, yên bình, phóng khoáng. Sở dĩ có sự khác biệt thế là vì, tuy cùng sống trong một bầu không khí mang tinh thần thời đại, nhưng Tố Hữu là người lãnh đạo, ông quán triệt tính Đảng sâu hơn, còn với nhà thơ – người lính như Nguyễn Duy, ông chỉ cảm nhận thế giới như người thường, quan tâm sự sống, cái chết, buồn vui của đời người thường dân, không mảy may quan tâm đến những chuyện lớn lao dời non lấp biển.

Nếu chứng minh của nhà phê bình văn học Lã Nguyên có đủ sức thuyết phục mà được thừa nhận phổ biến, thì việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam từ năm 1945 đến nay đứng trước một viễn cảnh khoa học rất khả quan. Chúng ta sẽ bằng phân tích diễn ngôn mà chỉ ra, bên cạnh dòng văn học chủ lưu do Đảng lãnh đạo hùng mạnh, thu hút nhiều nhân tài, phục vụ cho cuộc đấu tranh của Đảng, còn có các dòng sáng tác khác nhau trong mỗi thời, nhỏ hơn, yếu thế hơn, theo những nhãn quan nghệ thuật khác, xuất hiện trong các thời kì của lịch sử. Đó có thể là những dòng văn học đã xuất hiện và đã bị phê phán, bị thủ tiêu, gắn cho những nhãn mác thù địch, suy đồi, xa lạ với vô sản, thiếu tính đảng. Đó có thể là nhiều nhà văn có quan điểm khác, tương tự như kiểu nhà thơ chúng sinh của Nguyễn Duy, chẳng hạn như kiểu nhà thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hoàng Hưng, Lưu Quang Vũ, Ý Nhi, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo và nhiều người khác. Và ngay trong các nhà thơ kiểu chiến sĩ, bên cạnh sáng tác theo đơn đặt hàng của Đảng, họ còn sáng tác theo kiểu nhà thơ khác. Bởi vì theo lí thuyết và lịch sử, một nhà thơ có thể đồng thời sáng tác theo những kiểu nhà thơ khác nhau. Ngay cả Tố Hữu trong tập Một tiếng đờn cũng đã chuyển qua một kiểu nhà thơ khác. Điều này không mới lạ gì đối với lí luận của Liên Xô trước đây. Năm 1954, sau khi Stalin mất, trong Đại Hội lần thứ 2 của Hội nhà văn Liên Xô, các nhà văn đã yêu cầu nới rộng các hạn chế của phương pháp. Từ đó cho đến những năm 1966 các dòng văn học khác nhau xuất hiện, và năm 1966, M. B. Khrapchenco, G. N. Pospelov đã đề nghị phân biệt văn học xô viết với văn học sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ví như Trái tim chó, hay Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov là những tác phẩm văn học xô viết, nhưng chúng tuyệt nhiên không thuộc dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1971, D. Markov đề xuất quan niệm văn học xã hội chủ nghĩa là một hệ thống mở, nghĩa là trong hệ thống đó, bên cạnh dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn có nhiều dòng khác. Từ thực tế đó quay lại nhìn nhận văn học cách mạng Việt Nam, ta sẽ thấy nó là một hệ thống mở với nhiều kiểu tác giả khác nhau. Cách nhìn của chúng ta trước đây đối với các dòng ấy quá nghiệt ngã, nhưng rồi từ ngày Đổi mới đến nay, quan điểm của ta trở nên mềm mại hơn, bao dung hơn, có đánh giá lại, trao giải thưởng, in tác phẩm, và theo logic, nên chấp nhận có các kiểu sáng tác khác nhau trong nền văn học đương đại Việt Nam. Đặc biệt từ sau năm 1986, các nghị quyết của Đảng liên quan đến văn nghệ đều không nhắc đễn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đồng thời khuyến khích tìm tòi phương pháp và phong cách khác nhau. Tuy nhiên các nhà văn học sử Việt Nam dẫu đã có lối mở như vậy mà hình như vẫn thận trọng, vẫn tư duy như cũ. Phải chăng họ chờ một cú hích như công trình này của Lã Nguyên rồi mới động chân động tay?

Cuốn sách của Lã Nguyên không chỉ là một đề xuất về văn học sử, mà bản thân còn là một đề xuất thực hành phân tích diễn ngôn về văn học, về thơ, có thể giúp gợi mở một cách tiếp cận thi ca để khắc phục cái tệ “diễn, bình, tán” trong phê bình, mà sinh thời học giả Hoàng Ngọc Hiến đã chỉ ra. Công trình này, cũng tựa như công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của chúng tôi mà tác giả có nhã ý nhắc đến đôi chỗ, nhằm xác định địa vị lịch sử của thơ Tố Hữu trong văn học Việt Nam, còn gợi lên cách tiếp cận chuyên luận về sáng tác của một tác giả có tầm cỡ.

Nguyễn Duy là một nhà thơ nổi tiếng. Song địa vị lịch sử của thơ ông trong nền thơ Việt Nam đương đại thế nào, rõ ràng Lã Nguyên đã có một câu trả lời rất sáng tỏ. Hy vọng công trình này sẽ kêu gọi xuất hiện thêm nhiều chuyên luận tương tự, phân biệt với loại sách đại chúng chỉ giới thiệu sơ lược “Tác giả, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn” hiện đang rất phổ biến.

TĐS

Hà Nội, 10/12/2020

Comments are closed.