Nguyễn Văn Trung – Đổi mới phê bình văn học miền Nam

Trần Đình Sử

Vĩnh biệt giáo sư Nguyễn Văn Trung - Ảnh 1.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung là học giả nổi tiếng, có hoạt động đa dạng: triết học, báo chí, biên khảo, hoạt động xã hội, “có tầm ảnh hưởng lớn” (Võ Phiến). Trong bài này chúng tôi chỉ nói về vai trò và tính độc đáo của ông trên phương diện lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học.

Nguyễn Văn Trung sinh năm 1930 trong một gia đình công giáo ở làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông đã học trường Dòng và chủng viện sau mới học trường Chu Văn An, Hà Nội. Từ năm 1950 ông được du học Pháp và Bỉ, đậu cử nhân triết tại Đại học Louvain ở Bỉ. Năm 1955 về Sài Gòn dạy trường Chu Văn An, sau đó 1957 dạy Đại học Huế. Năm 1961, ông 31 tuổi sang Bỉ bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài Phật giáo. Sau khi trở về ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Văn khoa Sài Gòn có khi ông làm Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).

Sau năm 1975 ông mới 45 tuổi đã bị thôi dạy, chuyển sang nghiên cứu, năm 1993, 63 tuổi ông sang định cư ở Canada và mất ở đó năm 2022, thọ 92 tuổi. Thôi dạy là một điều rất tiếc đối với ông, bởi sinh viên là đối tượng khích lệ ông nghiên cứu.

Nguyễn Văn Trung viết rất nhiều. Khoảng những năm 60-70 ông viết nhiều nhất. Sách triết học, luân lí, tôn giáo nhiều cuốn. Sách tiểu luận như Nhận định đã in 6 tập, còn nhiều tập chưa in. Sách chuyên khảo về lí luận văn học như Lược khảo văn học 3 tập (1963, 1965, 1968), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962), về các hiện tượng văn học và chính trị như Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, thực chất và huyền thoại (1963), Vụ án Truyện Kiều (1972), Chủ đích Nam Phong (1975), Nguyễn Văn Vĩnh, về các vấn đề triết học và văn học như Ca tụng thân xác (1967), Ngôn ngữ và thân xác (1967), Chữ và văn quốc ngữ thời kì đầu Pháp thuộc (1974) , Câu đố Việt nam (1986), Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1987), Về sách báo của các tác giả công giáo thế kỉ XVII-XIX (1993), Lục châu học (viết xong năm 1986, xuất bản năm 2015).

Là nhà triết học xét theo chuyên ngành đào tạo, người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng hiện sinh của J-P. Sartre, Nguyễn Văn Trung với tinh thần dấn thân, đã tham gia vào nhiều mặt hoạt động xã hội. Về mặt giáo dục văn học, ông là người đầu tiên viết giáo trình lí luận văn học ở miền Nam. Nếu ở miền Bắc giáo trình loại này chỉ viết theo quan điểm mác xít và theo mô hình giáo điều của Liên Xô, Trung Quốc, thì ở miền Nam, Nguyễn Văn Trung phải hoàn toàn sáng tạo, bởi ở Pháp lúc ấy có lẽ cũng chưa có một cuốn sách tương tự loại này. Khi bắt tay viết bộ sách này có thể ông không tham khảo tập Theory of Literature của R. Wellek và Austin Warren (1949), và nói chung không thấy ông đề cập về phê bình mới Anh Mĩ và thi pháp học Nga. Nếu có các tri thức ấy thì có thể ông sẽ viết một kiểu khác. Vì thế tập 1 sách sắp xếp có đặc điểm riêng, nghiêng về triết học hơn là lí thuyết văn học. Tập 1 Những vấn đề tổng quát, tương ứng với phần “Những nguyên lí chung” của giáo trình miền Bắc. Ở đây Nguyễn Văn Trung giải quyết sáu vấn đề: Văn chương và văn học, Viết là gì, Viết cái gì, Tại sao viết, Viết thế nào, Viết cho ai.

Cách nêu các câu hỏi kiểu Sartre là cách tiếp cận lí luận văn học bằng cách tra vấn, giúp người học đi sâu, song với tư cách là một cuốn giáo trình, cách hỏi như thế có thể giúp hiểu sâu sắc văn học là gì, mà chưa giúp có quan niệm về một bộ môn nghiên cứu văn học. Theo quan điểm của tôi, cái ý muốn định nghĩa phân biệt văn họcvăn chương bằng duy danh định nghĩa của Nguyễn Văn Trung có lẽ không thích hợp, bởi vì nghĩa của khái niệm do thói quen sử dụng từ ngữ lâu đời tạo thành. Nó có tính chất lịch sử, không phải ai muốn định nghĩa thế nào cũng được. Ông ĐặngThai Mai trước cũng đã từng dùng cách này từ năm 1944, trước ông cũng có nhiều người, cũng đã không mấy ai theo. Nếu có điều kiện đọc lịch sử khái niệm “văn học” thời cuối Thanh, đầu Dân quốc ở Trung Quốc, sẽ thấy quan niệm rất bề bộn. Còn nhớ sau 1975, một số người ở miền Bắc vào Nam, đọc được sách của ông Nguyễn Văn Trung, tưởng mới, liền đem ra áp dụng, gây ra hiểu lầm, sau phải bỏ[1]. Bây giờ thì người ta vẫn hiểu văn học là văn học, còn nghiên cứu văn học vẫn là nghiên cứu văn học. Văn chương chỉ là một từ cũ chỉ văn học mà thôi, ngày nay ai muốn dùng thì cứ dùng, thỉnh thoảng dùng cho nó đa dạng. Nói về văn chương, ông dựa vào trào lưu văn học đương thời để nói “văn chương như một phủ nhận văn chương.”

Tuy nhiên khi đi vào khoa học thì Nguyễn Văn Trung đã nêu ra những điểm rất mới mẻ, sâu sắc và quan trọng, mà đương thời ở miền Bắc chưa thấy ai nói đến và ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Ông đối lập cắt nghĩa, giải thích văn chương bằng các nguyên nhân bên ngoài với “lí hội” (tức hiểu) ý nghĩa bằng các tiêu chí nội tại; văn học phải cần nhiều mĩ học, chứ không phải một mĩ học; tính độc đáo thể hiện ở lối nhìn đời và kĩ thuật xây dựng của mỗi người; nghiên cứu bao giờ cũng phải bám sát vào tác phẩm và rút ra lí luận, nguyên lí về sáng tác, phê bình từ chính tác phẩm; quan niệm coi phê bình là ý thức của sáng tác, thì ý thức ấy đã có và đã cũ, người sáng tác muốn tìm cái mới thì phải phủ nhận ý thức ấy, và phê bình phải biết chờ đợi những sáng tác mới như là giới hạn của nó. Tôi hoàn hoàn toàn chia sẻ những quan niệm này, nhưng cái ý sau cùng có lẽ chỉ đúng một nửa, bởi vì phê bình có tính độc lập của nó. Chương Viết là gì trình bày khái niệm tác phẩm văn học, ông cũng nói đến hình tượng nghệ thuật nhưng lưu ý cái viết ra là cái không muốn nói lên, còn cái muốn nói lên thì không viết ra. Tác phẩm văn chương là một công trình hoàn toàn tinh thần, ngôn ngữ văn chương là tiếng nói trong im lặng (gián tiếp), khẳng định tính hàm hồ (ambigu) của ngôn ngữ văn chương. Ông không chấp nhận nội dung và hình thức như là hai sự khác biệt nhau. Hình thức trong văn chương chính là yếu tố cấu tạo văn chương, Nó không phải là yếu tố tùy thuộc, nó xác định ý nghĩa và giá trị tác phẩm, làm cho cái nội dung được biểu lộ. Hình thức gắn với bút pháp, thể hiện cái nhìn, thế giới quan, từ đó hình thức và nội dung là một. Chương Viết cái gì, ông khẳng định văn học phản ảnh xã hội theo nghĩa bày tỏ, bộc lộ, biểu hiện hiện thực, là điều tất nhiên, trong đó có quan hệ các giai cấp, văn học với đạo đức, văn học và ý nghĩa của việc miêu tả cái xấu. Ông lưu ý viết “cái không nói ra” và phân tích các ví dụ để chứng tỏ. Chương Tại sao viết, ngoài các yếu tố điều kiện bên ngoài, ông nhấn mạnh yếu tố sứ mệnh, sự lựa chọn tự do, một phản kháng, đồng thời nhấn mạnh viết văn là chọn nhìn đời như một bi kịch, một tấn kịch, nghĩa là chọn các sự kiện của đời sống, khác hẳn mọi sự lựa chọn khác, nhất là chính trị. Chọn viết văn là chọn duy trì văn hóa dân tộc và lương tâm nhân loại. Câu hỏi Tại sao viết có chiều sâu hơn là câu hỏi Viết để làm gì, mặc dù chúng có nhiều cái chung. Chương Viết thế nào, ông lưu ý bút pháp cá nhân và là một yêu cầu của xã hội. Chương Viết cho ai, ông lưu ý viết cho người khác, viết cho mọi người. Cách đặt câu hỏi thế này để trình bày tác phẩm văn học có cái hay, sâu sắc, nhưng cũng có cái hạn chế là không thấy rõ cấu trúc của tác phẩm, không thấy nhiều yếu tố khác của nó như một toàn thể. Vấn đề tác phẩm lẫn với các vấn đề thuộc các nguyên lí khác. Nhưng vào đầu những năm 60 trình bày như thế là có tính chất mới mẻ, đặc biệt nó làm sáng tỏ bản chất văn học như một hiện tượng xã hội và thẩm mĩ, một sản phẩm sáng tạo. Đồng thời nó cho thấy bên cạnh một quan niệm rất khác với lí luận văn học miền Bắc đương thời, Nguyễn Văn Trung cũng có sự gần gũi nào đó khi nói đến phản ánh hiện thực, nội dung xã hội, đấu tranh giai cấp, trích dẫn Đặng Thai Mai.

Tập 2 Lược khảo văn học bàn về ngôn ngữ văn chương (thơ và tiểu thuyết), ngôn ngữ kịch, coi như là bàn về các thể loại (loại hình văn học). Tác giả đã phân biệt văn vần với văn xuôi; diễn biến ngược chiều của ngôn ngữ thơ và tiểu thuyết. Một bên từ quy phạm sang tự do, ngược lại một bên từ tự do sang có bút pháp, có chất thơ. Mục Khả năng văn chương của ngôn ngữ đã trình bày một quan niệm kí hiệu học văn học theo quan điểm ngữ học cấu trúc kết hợp với hiện tượng học đến nay vẫn còn ý nghĩa. Nó cho thấy Nguyễn Văn Trung là người sớm nhất bàn đề kí hiệu học văn chương ở nước ta. Dĩ nhiên đó chủ yếu là kí hiệu học theo trường phái F. de Saussure. Nguyễn Văn Trung mới lưu ý ở tính khả năng, mà chưa đi đến chỗ là văn học có ngôn ngữ riêng, mỗi tác giả có ngôn ngữ riêng như là hệ kí hiệu độc đáo riêng. Chương về kịch có phân biệt tuồng chèo, kịch nói. Chương ba sách này dành bàn về văn chương và chính trị, một vấn đề có ý nghĩa thời sự. Cách đặt các câu hỏi như trên của Nguyễn Văn Trung, cũng như của Sartre đã dẫn đến câu trả lời văn học từ bản chất của nó đã là một sự “dấn thân” đối với chính trị và xã hội, tự nó không hề thoát li xã hội. Nhà văn vị nghệ thuật cũng đã vị nhân sinh, nhưng coi là thứ yếu, còn phái vị nhân sinh thì tìm chứng cớ và lí tưởng ở ngoài văn chương. Nhà văn có cách thế riêng để đảm nhận vai trò của mình.

Lược khảo văn học tập 3 (1968) dành bàn về phê bình văn học. Ở đây lần đầu tiên có sự phân biệt phê bình cũ (lấy dữ liệu bên ngoài) và phê bình mới (tìm hiểu tác phẩm từ bên trong), và có sự giải phẫu một cách khách quan các nhược điểm thiếu khoa học của phê bình cũ và mở ra triển vọng của các kiểu phê bình mới. Thực ra phân biệt phê bình mới/cũ đã được Nguyễn Văn Trung đề xuất mười năm trước từ năm 1958 trên tạp chí Đại học ở Huế tháng 8 năm ấy trong bài Đặt lại vấn đề truyện Kiều hay là phê bình phê bình văn học. Đến cuối năm 1972 ông cùng Bùi Hữu Sủng nhắc lại trên hai số Bách khoa. Tôi cho rằng Nguyễn Văn Trung đã làm một sự kiện lớn trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam, cảnh tỉnh cho các nhà phê bình tự ý thức về nghề của mình. Ông đã chỉ ra rất nhiều nhược điểm của phê bình văn học Việt Nam trước 1945, như quá chú trọng đến tác giả mà ít nói đến tác phẩm (tr.102), rất ít người làm với thái độ thận trọng như phương Tây (tr.100), do thiếu thốn tư liệu, chân lí lịch sử là một ảo tưởng (tr.194).

Ông cũng nêu lên nội dung phân tích giai cấp và các mâu thuẫn của phê bình văn học xã hội học mác xít. Ông đã phân tích các tác phẩm Lược thảo lịch sử văn học, Sơ thảo lich sử văn học, Tâm lí và tư tưởng của Nguyễn Công Trứ của Nguyễn Bách Khoa, Tản Đà khối mâu thuẫn lớn của Tầm Dương như các mẫu mực của phê bình mác xít. Rồi ông kết luận: Lối phê bình mác xít “giải thích tất cả về xã hội, chính trị, nhưng chưa giải thích về văn chương” (tr. 226), “một lối phê bình thừa xét về phương diện nhận thức lí thuyết, và là thiếu xét về phương diện nhận thức văn chương” (tr. 227), “nó bỏ quên con người cụ thể, những đặc điểm của văn chương như là văn chương” (tr.231). Theo tôi phê bình như vậy là khách quan, trung thực, bởi phê bình mác xít lúc ấy (trước năm 1960) và nói chung còn còn thô sơ, chỉ quan tâm nội dung xã hội, không quan tâm đến hình thức nghệ thuật cũng như cá tính sáng tạo của nhà văn. Các công trình phê bình mác xít sau năm 1960, tuy có quan tâm đến nghệ thuật, mĩ học ít nhiều, nhưng về cơ bản thì vẫn không thay đổi.

Nguyễn Văn Trung đề xuất phê bình “lấy văn chương [tức tính văn học – TĐS] làm đích, lấy tác phẩm làm căn bản.” Tiếp theo ông chỉ trích lối phê bình ấn tượng, chủ quan, giáo điều, phê bình giáo khoa, phê bình luân lí, phê bình tâm lí, phâm tâm học và những ngộ nhận. Nhưng lấy văn chương làm đích lấy tác phẩm làm căn bản là thế nào? Theo ông muốn lãnh hội tác phẩm văn nghệ thì phải “tìm vào trong tác phẩm”, tìm “ý nghĩa của ý hướng sơ thủy của tác giả”, “ý hướng văn chương biểu lộ một cách thế ở đời trong tương quan thiết yếu đối với người khác.” Vấn đề này ông sẽ gặp sự phản đối của các nhà phê bình mới Anh, Mĩ, những người phản đối “những ngộ nhận về ý đồ” (Intentional Fallacy, 1946)[2]. Nhưng phê bình mới Anh, Mĩ chỉ thiên về chữ nghĩa, phong cách, ít quan tâm quan niệm về con người. Sau này ông sẽ gặp quan niệm Tác giả đã chết của R. Barthes. Nếu Nguyễn Văn Trung có điều kiện phản biện vấn đề này thì thật hay. Quan niệm Nguyễn Văn Trung về nội dung tác phẩm bao gồm “một lối nhìn về con người, cuộc đời, trở thành chủ đề chủ đạo (thèmes privilégies)” là một vấn đề thú vị. Đã đành khoa học không giải quyết được tất cả, nhưng các yếu tố lặp lại có tính quy luật của từ ngữ, biểu tượng sẽ cho ta manh mối để phát hiện chủ đề. Về “hình thức biết xử lí khéo léo các quy ước thẩm mĩ học,về nội dung chú trọng ở tính cách chân thực.” Trong tập sách này Nguyễn Văn Trung nêu thực trạng phê bình văn học Việt Nam, những nghi án văn chương, chỉ ra các bệnh của phê bình như: các lệch lạc, lạm dụng; tính chất cá nhân chủ nghĩa, ảo tưởng về chân lí lịch sử. Về phê bình, ông chỉ ra các kiểu phê bình cũ, phân tích cụ thể từng nhà phê bình; giới thiệu các kiểu phê bình hiện đại chưa được áp dụng vào văn học Việt nam như phê bình của Ch. Mauron, phân tâm hiện sinh của J-P. Sartre, Phân tâm vật chất của G. Bachelard, phê bình chủ đề (ý thức) của J. P. Richard, Paul Weber, G. Poulet, Phê bình cơ cấu (cấu trúc) của Goldmann, R. Barthes. Ông đã trình bày các lí thuyết một cách sáng rõ. Cuối cùng ông nêu các giới hạn của phê bình văn học. So với các giáo trình ở miền Bắc Việt Nam thời đó, có thể thấy Nguyễn Văn Trung không có quan niệm giáo điều, ông đi sâu vào thực tiễn phê bình, gợi mở cho người học những phương pháp và những giới hạn của việc phê bình. Các phê bình văn học của ông lúc đó, tuy chưa nói hết được các trường phái như sách của T. Eagleton năm 1983 sau này, chỉ nói được phân tâm học và phê bình ý thức, phê bình hiện sinh, song cũng đã có tính chất đa nguyên. Ngày nay, 60 năm sau đọc lại, trong bầu không khí hậu hiện đại, hậu cấu trúc, tất nhiên có nhiều vấn đề đã cũ, vì lúc ấy ông chưa đề cập tự sự học của Todorov, diễn ngôn tự sự của Genette, liên văn bản của Kristeva, thuyết đối thoại của Bakhtin và toàn bộ phê bình Anh, Mĩ, chủ nghĩa hình thức Nga, nhưng dù thế, ở thời điểm đương thời Nguyễn Văn Trung là một bậc tiên phong. Đáng tiếc là ông đã dừng lại ở thời điểm năm 1968, sau đó không tiếp tục quan tâm sự phát triển của lí luận phê bình Pháp nữa, chứ đừng nói mở rộng sang phạm vi lí thuyết văn học Anh, Mĩ, Nga. Có lẽ là vì ông có nhiều bận tâm quá.

Thực ra mạch lí luận văn học Nguyễn Văn Trung bắt đầu từ cuốn Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962). Sách gồm có hai phần, phần 1 Tổng quát về văn chương, gồm hai chương: tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm văn học. Cả hai chương nói về tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm văn học theo quan niệm hiện tượng luận của Heidegger và Dufrenne. Yếu tính của tác phẩm nghệ thuật là cái tưởng tượng phi thực có ý nghĩa, nhưng cũng không phải cái hư vô tuyệt đối. Ông hiểu tác phẩm dưới giác độ triết học ngôn ngữ hơn là thi pháp học. Phần 2 mới có nội dung “Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết”. Phần 1 tác giả trình bày những vấn đề mà sau này tập I Lược khảo văn học đã không nói kĩ nữa. Phần này nêu những ý tưởng mới như câu hỏi tại sao viết, để thấy viết như môt nhu cầu nội tại; ngôn ngữ và thực tại, viết như là một phản bội thực tại. Mục tiểu thuyết như một vũ trụ đặc biệt đã lưu ý đến tính khả thể của nó, do đó tiểu thuyết không bao giờ là thực, mà chỉ có vẻ thực. Ông còn bàn về quan hệ nhà văn, người đọc với tác phẩm. Tên của Phần 2 trùng với tên sách, thể hiện một quan niệm mới về thể loại tiểu thuyết. Không có tên chương 1. Chương 2 có tên “Nhân vật và con người trong tiểu thuyết”. Có quan niệm tiểu thuyết có con người và có loại hoài nghi về con người. Trong loại có con người, có loại lãng mạn và loại tả chân. Trong loại lãng mạn con người cá nhân chủ nghĩa, hiến dâng cho tình yêu như Hồn bướm mơ tiên. Nhóm tả chân băn khoăn về số phận người khác. Ông xác nhận Nam Cao là nhà văn lớn và truyện Chí Phèo thể hiện “con người bị từ chối quyền làm người”. Loại hoài nghi về con người có Kafka và các nhà văn khác. Loại thứ 3: một vũ trụ vắng bóng con người, chưa có nhân vật, cốt truyện, chỉ có đồ vật. Về kĩ thuật xây dựng tiểu thuyết có ba loại. Nguyễn Văn Trung đã khái quát thành ba quan niệm tiểu thuyết: tiểu thuyết như một quang cảnh, tiểu thuyết như một ý thức và tiểu thuyết như một phản tiểu thuyết. Ngày nay, trong giới lí thuyết người ta đã hiểu tiểu thuyết là thể loại văn học hiện đại, đối lập với sử thi, là thể loại luôn luôn biến đổi, không cố định, chưa hoàn thành. Nói cách khác tiểu thuyết là thể loại văn học phi quy phạm. Có thể nói trước ông, ở Việt Nam chưa ai quan niệm tiểu thuyết được như thế. Đối với mỗi loại ông chỉ quan tâm đến nhân vật và quan niệm về con nguời. Là nhà triết học, không phải người chuyên về lí luận văn học, cho nên ông không sa vào các vấn đề cốt truyện, ngôn ngữ, đối thoại, kết cấu, mà đi ngay vào quan niệm tiểu thuyết, quan niệm về con người, đem lại một cái nhìn mới mẻ. Và quan niệm này gắn bó với kĩ thuật viết, phải phân tích kĩ thuật này mới thấy được quan niệm. Chương 4 về “Không gian của tiểu thuyết”, đề cập tới ba vấn đề; không gian quen thuộc, không gian nội tâm, không gian đối nghịch và vật giới trong tiểu thuyết của A. Robbe-Grillet. Vì không tham khảo tài liệu Anh Mĩ, cho nên ông chưa nói đến điểm nhìn trần thuật hay hình thức không gian của tiểu thuyết đã được đề xuất từ những năm 20, 40. Dù thế đây là một tác phẩm đầy tính sáng tạo.

Trong Ngôn ngữ và thân xác (1967) Nguyễn Văn Trung nêu một vấn đề rất mới là ngôn ngữ Việt và ý thức về thân thể (thân xác) của người Việt, vì ngôn ngữ là một sự ý thức của con người, trong đó có vấn đề triết lí thân thể, con người và các hình thức ngôn ngữ thể hiện. Rất thú vị là chương nói về Ngôn ngữ tục, chủ đích cái tục, cách tạo ra cái tục. Ca tụng thân xác (1967) là tác phẩm triết học của Việt Nam viết về chủ đề thân thể con người, mà sự hiểu biết sẽ giúp người ta lí giải việc miêu tả con người trong văn học, nghệ thuật. Nếu biết rằng về chủ đề này cuối những năm 80, 90 thế kỉ XX mới có những cuốn sách ở Mĩ viết về chủ đề này, và ở Trung Quốc, Nga sang đầu thế kỉ XXI mới có, thì có thể thấy sự nhạy bén sắc sảo của Nguyễn Văn Trung đi trước thời gian như thế nào.

Vấn đề Nguyễn Văn Trung nêu các câu hỏi “Viết cho ai”, “Viết để làm gì” là có dụng ý riêng của ông ấy, để sau đó ông nêu vấn đề quan hệ văn học và chính trị, mà sự đối lập của hai lập trường văn nghệ vị nghệ thuật hay vị nhân sinh đã thành đối tượng của cuộc tranh luận kéo dài. Ở trong phần lịch sử phê bình văn học Việt Nam, tôi đã nói, hai vấn đề ấy không hẳn đối lập nhau, vị nghệ thuật cũng phải vì nghệ thuật vị nhân sinh, mà muốn vị nhân sinh, thì cũng phải vị nghệ thuật, nếu mà phi nghệ thuật thì còn ai cần nghệ thuật ấy nữa? Ông Nguyễn Văn Trung nêu như thế để đặt vấn đề văn chương dấn thân. Ông nêu vấn đề văn chương phải dấn thân bằng chính sáng tác văn chương, nhà văn phải có trách nhiệm đối với cuộc đời, với xã hội, nhưng cụ thể thế nào là một vấn đề nan giải, theo ông, – “còn cần phải bàn cãi.” Văn học không thể thay cơm thay áo, không thể thay súng ống đạn dược. Văn học đúng phải là lương tâm của nhân loại, của dân tộc, của xã hội, thể hiện bằng sáng tạo nghệ thuật, nói lên sự thật ở đời, đến với người đọc bằng sự hấp dẫn, quyến rũ tác động đến lòng người, làm nảy sinh tình yêu ghét, cảm xúc về sự chính nghĩa. Văn chương phải đứng về phía đói rét, lầm than, nước mắt, phía đạo đức và cái đẹp, không thể đứng về phía áp bức, bóc lột, tàn bạo, tội ác. Đó chính là nội dung chính trị của văn học. Còn như đứng trước một sự việc cụ thể, nhìn ra nó là đạo đức hay tội ác, tiến bộ hay phản động, nhà văn phải có con mắt tinh đời mới nhìn thấy, không bị mờ mắt. Nhưng có vẻ như Nguyễn Văn Trung đứng về phía chính trị hóa văn hóa, văn học, hiểu theo nghĩa xã hội học. Ông có một loạt tác phẩm nghiên cứu trường hợp về mối quan hệ văn học và chính trị, như Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại (Nxb Nam Sơn, 1963), Chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nxb Nam Sơn, 1974), Trường hợp Phạm Quỳnh (Nxb Nam Sơn, 1974), Chủ đích Nam Phong (Nxb Trí Đăng, 1975), Vụ án truyện Kiều (Sài Gòn 1965). Với nhãn quan chính trị phiến diện, ông nhìn mọi sự vật méo đi. Cuốn Chủ đích Nam Phong có phụ đề là “Phê bình một quan điểm phê bình”, nói rõ trong Lời Tựa rằng: “Ý định của chúng tôi là muốn nhấn mạnh vào đòi hỏi phải có một quan điểm chính trị khi viết văn học sử, phê bình văn học thời kì cận đại, hiện đại (thời Pháp thuộc)”, “coi văn học như một trận tuyến tranh đấu chính trị,” “vì thực tế văn học là chính trị, vì văn học đã bị chính trị hóa, nên không thể hiểu đúng đắn thứ văn học bị chính trị hóa đó bằng một cái nhìn phi chính trị”[3] và từ đó giản đơn hóa mọi vấn đề phức tạp. Như vậy, ông tách khỏi văn học một loại văn học bị chính trị hóa, và đối với loại này phải phê bình theo quan điểm chính trị. Nhưng việc tách bạch này không dễ, cho nên phương pháp của ông hóa ra giản đơn. Có vẻ như ông đã phủi sạch quan niệm phê bình phải “đi tìm tác giả từ bên trong” mà ông đã nói trong Lược khảo tập 3 hoặc là ông tự mâu thuẫn. Chẳng hạn việc Alexandre de Rhodes cùng các cha cố sáng tạo chữ quốc ngữ, ông quy kết thành mưu đồ của thực dân Pháp muốn tách rời người Công giáo ra khỏi cộng đồng dân tộc. Ông phê phán Phạm Quỳnh là tay sai chính trị, tay sai văn hóa của thực dân Pháp dùng để ru ngủ người dân Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh, Petrus Ký, Paulus Của đều là kẻ ăn lương của Pháp, tay sai của Pháp, và là “kẻ lừa bịp”[4]. Bác sĩ Ngô Thế Vinh (sinh 1941) gọi đó là “những bước lỡ” của Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Văn Trung sớm có ý thức “giải thực” – giải hậu thực dân so với Edward Said (1978), nhưng đáng tiếc là bị trói trong lí thuyết chính trị, không tìm được cách tiếp cận văn hóa chính trị. Vấn đề mà Nguyễn Văn Trung gợi ra vẫn còn đang là một vấn đề cần nhìn nhận theo quan điểm lí thuyết hậu thực dân của E. Said.

Không thể giới thiệu hay điểm ra cho hết các công trình khoa học của giáo sư Nguyễn Văn Trung vì ông viết rất nhiều. Nhưng qua những công trình nêu trên, từ điểm nhìn hiện đại để nhìn lại các công trình của ông hơn nửa thế kỉ trước, có thể thấy ông là một nhà khoa học tầm cỡ hiếm có của nước ta. Tính độc đáo và sáng tạo của ông là nét nổi bật nhất. Ông không chỉ nêu các vấn đề lí thuyết mà điều quan trọng còn vận dụng chúng vào thực tiễn văn học, nghiên cứu văn học Việt Nam, chỉ ra các đặc điểm của văn học Việt Nam, điều mà trước ông và sau ông ít người làm được thế. Có những người chuyên rao giảng lí thuyết nước ngoài mà không hề biết liên hệ một tí gì với văn học Việt nam. Ông không hề là một nhà lí thuyết chay. Mặc dù ông cũng có những hạn chế này nọ, thì đó chỉ là chuyện thường tình của thực tiễn nghiên cứu. Đặc biệt công trình của ông không chỉ có lí thuyết sâu, mà còn có tư liệu phong phú, xác thực, thể hiện một thái độ khoa học đáng kính nể. Ông để lại hình ảnh một nhà khoa học tự do và trách nhiệm.


[1] Các ông Nguyễn Đức Nam và một số bạn trẻ có ý định theo. Có người đem mục phê bình văn học trên tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi là “Văn học”. Sau một thời gian thấy hiểu lầm, lại gọi là “Bình luận văn nghệ”.

[2] Tập luận văn của Phê bình mới, Triệu Nghị Hành tuyển chọn, nhiều người dịch, Nxb Bách Hoa, Thiên Tân, 2001, tr. 232.

[3] Nguyễn Văn Trung, Chủ đích Nam Phong, Sài Gòn 1972, tr. 3-9.

[4] Nguyễn Văn Trung, Chữ, văn quốc ngữ thời kì đầu Pháp thuộc, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr. 9.

Comments are closed.