Nguyễn Thị Hải chuyển ngữ
Hứa Lập Chí sinh năm 1990, quê quán Yết Dương, Quảng Đông, Trung Quốc. Anh chỉ học hết phổ thông trung học rồi đi học nghề, sau đó làm công nhân điện tử ở nhà máy Foxconn, Thâm Quyến. Trong khoảng thời gian này, Hứa Lập Chí đã sáng tác khá nhiều thơ, đăng ở một số nơi như “Nhà thơ công nhân”, “Văn học công nhân”, Văn học đặc khu”, “Báo đặc khu Thâm Quyến”, “Nhà thơ Thiên Tân”… Nhưng vào đêm 30.9.2014, đêm trước ngày quốc khánh Trung Quốc, anh đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy từ tầng 17 tòa nhà Long Hoa, Thâm Quyến. Chỉ mới 24 tuổi.
Sau khi Hứa Lập Chí qua đời, bạn bè thu thập được khoảng 200 bài thơ, in thành tập “Một ngày mới”. Thơ của Hứa Lập Chí là thơ của một người công nhân trẻ, một người lao động nhập cư xuất thân từ nông thôn, thơ anh cho thấy một nội tâm nhạy cảm, phản kháng một cách đầy đau đớn, tuyệt vọng với đời sống máy móc, dây chuyền, tước đoạt gần như sạch sẽ nhân tính của con người, đồng nhất họ trở thành một bộ phận của cỗ máy khổng lồ. Tuổi trẻ, ước mơ, tình yêu, lý tưởng… bị che khuất sau bộ đồ đồng phục, chịu áp lực với chỉ tiêu sản lượng, tăng ca và đồng lương ít ỏi. Cuộc sống nơi thành thị của những người công nhân ấy trở nên quá sức chịu đựng với một số người, trong đó có Hứa Lập Chí. Trong nhiều bài thơ, anh đã báo trước sự ra đi của mình, điều đó cuối cùng cũng trở thành sự thực.
Hứa Lập Chí đã viết một cách chân thực, tài hoa về hành trình phiêu bạc ngắn ngủi của mình. Trong thơ có máu, nước mắt, phẫn nộ, khinh miệt, bi thương, tuyệt vọng, … và có cả nét hài hước đen, một nét nghệ thuật độc đáo trong một số bài thơ của anh.
Những bài thơ được dịch dưới đây là số ít những bài thơ được lưu hành trên mạng internet, chỉ là một phần nhỏ trong số 200 bài thơ được in thành tập của Hứa Lập Chí.
Nhà thơ Hứa Lập Chí
Những chiến binh đất nung trên dây chuyền
Đứng dọc theo dây chuyền
Hạ Khâu
Trương Tử Phượng
Tiêu Bằng
Lý Hiếu Định
Đường Tú Mãnh
Lôi Lan Kiều
Hứa Lập Chí
Chu Chính Vũ
Phan Hà
Nhiễm Tuyết Mai
Một nhóm công nhân làm việc bất kể ngày đêm
Trang phục hoàn bị
Áo tĩnh điện
Mũ tĩnh điện
Giày tĩnh điện
Găng tay tĩnh điện
Vòng tay tĩnh điện
Tề chỉnh sẵn sàng
Trang nghiêm đợi lệnh
Sau một hồi chuông
Tất cả trở về Tần triều
(5.12.2013)
Báo cáo về cái chết của một hạt đậu phộng
Tên sản phẩm: Bơ đậu phộng
Thành phần: Đậu phộng, đường mạch nha, đường cát, dầu ăn thực vật, muối ăn, phụ gia thực phẩm (Kali sorbat).
Số tiêu chuẩn sản phẩm: QB/T1733.4
Cách sử dụng: Ăn trực tiếp sau khi mở nắp.
Cách bảo quản: Trước khi mở nắp, bảo quản ở nơi khô thoáng trong nhiệt độ thường. Sau khi mở nắp, đạy kín và bảo quản trong tủ lạnh.
Nhà sản xuất: Công ty hữu hạn thực phẩm Hùng Ký, thành phố Sán Đầu.
Địa chỉ nhà máy: Nhà máy B2, khu công nghiệp Viễn Đông, thôn Bắc Trung, thị trấn Tân Khê, khu Long Hồ, thành phố Sán Đầu.
Điện thoại: 0754-86203278 85769568
Fax: 0754-86203060
Hạn sử dụng: 18 tháng
Xuất xứ: Sán Đầu, Quảng Đông
Website: www.stxiongji.com
Ngày sản xuất: 10.08.2013
(16.11.2013)
Thực đơn một món: Gia tộc thịt xào kiểu Tứ Xuyên
Thịt xào với ngồng tỏi
Thịt xào với khổ qua
Thịt xào với ớt chuông
Thịt xào với tàu hũ ky
Thịt xào với khoai tây
Thịt xào với bắp cải
Thịt xào với măng
Thịt xào với củ sen
Thịt xào với hành tây
Thịt xào với đậu hũ khô
Thịt xào với ngồng rau diếp
Thịt xào với cần tây
Thịt xào với cà rốt
Thịt xào với giá đỗ
Thịt xào với đậu que
Thịt xào với đậu que muối chua
Thịt xào với Hứa Lập Chí
Tôi nuốt chửng một mặt trăng bằng sắt
Tôi nuốt chửng một mặt trăng bằng sắt
Thứ mà người ta gọi là ốc vít
Tôi nuốt chửng nước thải công nghiệp và đơn đăng ký thất nghiệp
Tuổi thanh xuân đứng thấp hơn cỗ máy và rồi sẽ chết yểu nay mai
Tôi nuốt chửng những bôn ba, nuốt chửng những lang thang phiêu bạc
Nuốt chửng cầu vượt bộ hành, nuốt chửng cuộc sống đầy rẫy cặn bám
Tôi nuốt đến không nổi nữa
Tất cả những thứ tôi đã nuốt vào, bây giờ đang từ cổ họng tôi ồ ạt phun ra
Trải bày trên đất đai của tổ quốc
Một bài thơ sỉ nhục
(19.12.2013)
Thành phố này…
Thành phố này từ từ vươn lên từ đống hoang phế
Phá dỡ truyền thống dân tộc, xương cốt tổ tiên
Thành phố này nhồi nhét nhà máy công xưởng vào dạ dày công nhân nhập cư
Truyền nước thải công nghiệp vào huyết quản tắc nghẽn của họ
Thành phố này trước nay không đổi kim tiêm nhiễm AIDS
Thành phố này để cho bệnh viện phụ khoa và bệnh viện nam khoa giao cấu hằng đêm
Khiến mỗi người đều phải mang theo bên mình bao cao su, băng vệ sinh, viagra, thuốc phá thai
Khiến mỗi người đều mắc phải chứng viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung
Xói mòn cổ tử cung, liệt dương, xuất tinh sớm, viêm tuyến tiền liệt, gai sinh dục, vô sinh
Thành phố này hát nhạc đỏ, nghiền ngẫm văn kiện đầu đề chữ đỏ, chảy máu đỏ
Thành phố này kim tiền sát diệt đạo đức, quyền lợi chôn sống pháp luật
Thành phố này gan ruột dẫu còn nhưng gan ruột nát
Thành phố này làng đô thị cách trung tâm thành phố mười vạn tám nghìn dặm
Thành phố này người dân phải quỳ gối trước kẻ đầy tớ nhân dân
Thành phố này đêm đêm ca múa, say tiền đắm bạc, tôn nghiêm, lương thiện rách nát đầy đường
Câu lạc bộ cao cấp cất chứa chính trị gia, rượu Mao Đài và mỹ nữ
Thành phố này Lý Bạch chết đói đầu đường, ca sĩ nước bọt công thành danh toại
Thành phố này tuổi mụ là 1980 ——– 2013
Thành phố này tuổi thật là 1966 ———1976
Ca đêm
Tôi gần như đã bò đến xưởng, chốn hành hình bất kể ngày đêm
Nghe họ ca ngợi ước mơ và tuổi trẻ, thật du dương, rổn rảng
Hãy đợi tôi quẹt thẻ chấm công để bước vào thiên đường hạ giới, nơi mười tám tầng cờ xí tung bay
Trong bóng tối, tôi bật bóng đèn trắng sáng bên trong cơ thể mình, một bóng neon ho hắng
Soi rọi vào ruột gan cỗ máy tối om, rạch thủng những huyết mạch
Huyết mạch ca đêm, huyết mạch công xưởng, huyết mạch nhà máy, huyết mạch tổ quốc
Sau đó rút ra những khúc xương, xương trắng, xương buồn ngủ, xương bệnh tật
Khuôn mặt non choẹt của tôi biến mất lặng lẽ vào kẽ hở những khúc xương và mạch máu
Tiếng máu chảy không còn róc rách nữa, tiếng ho mỗi lúc một vang to
Sau những ca đêm, mơ ước lớn nhất của tôi chỉ là sáng đi làm, tối về nhà
Rạng sáng, khi mọi người vẫn còn say ngủ, thì tôi và những người công nhân khác vẫn gắng mở to hai vết thương tuổi trẻ
Hai con mắt màu đen đó, có thật sẽ mang tới ánh sáng cho chúng tôi không?*
(2.1.2014)
* Từ ý thơ của Cố Thành (1956-1993):” Đêm tối cho tôi đôi mắt màu đen/ Tôi dùng nó kiếm tìm ánh sáng”.
Một con ốc vít rơi xuống đất
Một con ốc vít rơi xuống đất
Trong đêm tăng ca
Nó rơi thẳng, phát ra âm thanh nho nhỏ
Chẳng thu hút sự chú ý của bất kỳ ai
Giống như ở đây lúc trước
Trong một đêm tương tự đêm nay
Có người buông mình rơi thẳng xuống đất
(9.1.2014)
Lời sấm
Những người già trong làng đều nói
Tôi trông giống hệt ông nội tôi thời trẻ
Ban đầu tôi không tin
Nhưng sau mọi người nói mãi
Tôi đâm tin chắc và không còn nghi ngờ gì cả
Tôi và ông nội
Không chỉ tướng mạo càng nhìn càng giống
Ngay cả sở thích, tính tình
Cũng như từ cùng một bào thai sinh ra
Ví như biệt hiệu của ông tôi là sào tre
Còn biệt hiệu của tôi là giá áo
Ông tôi thường im hơi nín tiếng
Còn tôi thường vâng vâng dạ dạ
Ông tôi thích những câu đố
Còn tôi thích những lời tiên tri
Mùa thu năm 1943, bọn giặc vào làng
Ông tôi bị chúng thiêu sống
Chỉ thọ 23 tuổi
Tôi năm nay cũng vừa 23
(18.6.2013)
Xung đột
Mọi người đều bảo
Tôi là thằng bé rất ít nói
Tôi không hề phủ nhận
Nhưng sự thực là
Tôi nói hay không nói
Cũng vẫn xung đột
Với xã hội này
(7.6.2013)
Hãy bớt lại
Trừ cơn mưa nước mắt đầu thu
Còn những gì có thể bớt thì hãy bớt
Bớt vật chất, bớt tiền bạc
Bớt tuyệt vọng, bớt đau thương
Bớt cô độc, bớt buồn bã
Tình thân tình bạn tình yêu, bớt tất cả đi
Bớt hết những thứ ấy đi
Hãy dành dụm cho cái nghèo về sau
Ngày mai đâu còn có gì ngoài sự lặp lại
Ở phương xa ngoài cái nghèo vẫn là cái nghèo
Cho nên mi chẳng có lý do gì để mà xa xỉ, phải bớt hết lại đi
Bớt da của mi lại, bớt máu của mi lại
Bớt tế bào của mi lại, bớt xương của mi lại
Đừng nói mi chẳng còn cái gì để có thể bớt
Mi hãy còn chính mi, chí ít có thể bớt lại
(1.9.2011)
Người cổ xưa
Thời gian phiêu bạc ở thành phố càng dài
Tôi càng thấy mình giống một người cổ xưa
Luồn lách dưới những bóng đèn neon nhưng đầu đội nón lá
Trước cửa quán bar, tôi lại nhìn ra một ngôi miếu cổ
Trong tiệm KFC, tôi thầm gọi:
“Chưởng quầy, tiểu nhị”
Hát karaoke, tôi hát:
“Trăng sáng có từ bao giờ, nâng chén hỏi trời xanh”*
Đêm về, mở trang thơ cổ trên mạng
Tôi nằm nghiêng
Ôm ấp từng con chữ, từng bài thơ
Cùng ngủ
(2.10.2013)
*câu thơ của Lý Bạch.
Chiều thu
Trong buổi chiều thu
Tôi có thể là
Một tấm áo liệm, một chiếc vòng hoa
Một cỗ quan tài, một gian linh sàng
Một tấm bia mộ, một nấm mồ hoang
Nhưng tôi tuyệt nhiên không thể là
Một con người
Tĩnh tọa
Khi viết xong bài thơ này
Tôi sẽ đến ngồi dưới gốc liễu
Tôi có thể ngắm nhìn bầu trời trên đỉnh núi và mặt trời lặn
Để cho tiếng ve với nước hồ
Gột rửa tâm tư của một người khách qua đường trên trần thế
Trong bóng mờ tối, tôi sẽ nói khẽ: cảm thông, bao dung, tha thứ, thương xót…
(2.10.1013)
Chuyện tình
Em đến một cách thầm lặng
Anh đón nhận em
Cũng thật thầm lặng
Anh nắm bàn tay em
Em tựa vào vai anh
Thời gian trôi qua chúng ta
Tóc em đã bạc trắng
Răng anh đã rụng sạch
Chúng ta vẫn nhìn nhau như thế
Không nói năng
Chúng ta vẫn ôm lấy nhau như thế
Hết nhẵn một đời
Gửi cục cưng
Sau khi anh ra đi
Sẽ không còn ai gọi anh là đồ sâu bọ
Hay đồ con lợn nữa
(9.9.2013)
Chiếc hôn đầu
Khi hai đôi môi rời nhau
Cô đưa tay trái chùi miệng liên hồi
Giọng trách móc: sao mà lắm nước bọt thế
(5.11.2013)
Hãy cho tôi cái tát
Hãy cho tôi cái tát
Tôi là con trai mà bất tài vô dụng
Không đỗ đạt thành người công chức, không làm rạng rỡ vinh hiển tổ tông
Tôi xấu hổ với cha tôi
Hãy cho tôi cái tát
Hãy cho tôi cái tát
Tôi làm cha mà sợ đau
Không dám bán thận để mua cho con trai iphone 5s
Tôi xấu hổ với con tôi
Hãy cho tôi cái tát
Hãy cho tôi cái tát
Tôi làm chồng mà không có tiền
Không mua nổi xe, không mua nổi nhà
Để vợ tôi phải theo tôi chịu khổ
Tôi xấu hổ với vợ tôi
Hãy cho tôi cái tát
Hãy cho tôi cái tát
Tôi là nhà thơ mà sợ chết
Tôi sống đến tận hôm nay mà vẫn chưa tự sát, cũng không có ý định tự sát
Tôi xấu hổ với truyền thông, xấu hổ với đại chúng
Tôi xấu hổ với nhà phê bình, xấu hổ với lịch sử thơ ca
Hãy cho tôi cái tát
Nhà thơ và thợ mộc
Tôi là thợ mộc
Lúc rảnh rỗi thích viết mấy câu xuống dòng
Kể cũng lạ
Mấy món đồ gỗ gia dụng tôi làm
Thường hay bị chê này chê nọ
Nhưng mấy câu viết xuống dòng
Lại được người ta ngợi khen tới tấp
Thật khiến tôi dở khóc dở cười
Sáng nay
Mới có người bảo tôi
Cậu làm thợ mộc uổng phí quá
Cậu nên đổi nghề làm nhà thơ
Không chừng có thể trở thành Lý Bạch đương thời
Lúc nghe ông ta nói thế
Tôi đang đứng một bên
Thanh thản tự đóng cho mình
Một cỗ áo quan
Trở về quá khứ
Có một năm tôi trở về cố hương
Trên triền đồi thuở nhỏ
Tôi ngồi dưới gốc long nhãn, dưới gốc lệ chi
Dưới khóm trúc hồ lô, dưới gốc bạch đàn
Ngắm nhìn nhà cửa, ruộng lúa, khói bếp ven chân núi
Lần đầu tiên tôi cảm nhận sự hư vô của những phương trời xa
Tôi nằm trên bụi cỏ, dưới làn mây trắng bao la vô định
Nếu có thêm dòng suối chảy qua
Thì tôi đích thị là một đứa trẻ
Mẹ
Con không thể ngờ mẹ lại bị thấp lùn đi như vậy
Thấp đến nỗi không với tới vai con
Mẹ nói mẹ còn gánh nổi gánh lúa trăm cân
Nhưng con thấy rõ là mẹ gồng gánh cả gia đình này
Mẹ nói do mẹ lau nhà
Nhưng con thấy rõ là do những năm tháng qua
Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua
Bỗng một ngày con thấy mẹ nhỏ lại
Nhỏ đến nỗi không với tới vai con
Con đứng nguyên tại chỗ, thẫn thờ
Mẹ dường như nhận ra điều gì, quay đầu lại nhìn con rồi nói
“Con trai, con đã cao lớn quá”
Mẹ ơi, con đã cao lớn
Nhưng gánh nặng cuộc sống đã đè lên lưng mẹ
Làm mẹ thấp nhỏ lại
Nếu lấy năm tháng đo lường tấm lưng còng của mẹ
Thì chính là bằng chiều cao của con lúc khôn lớn trưởng thành
(12.7.2011)
Lương dân
Trong thời buổi lao nhao bạo loạn
Tôi tự răn mình, phải làm một người dân tốt
Tuân thủ kỷ cương pháp luật
Tôi không dựng cờ nổi dậy
Tôi cũng cự tuyệt khoác hoàng bào
Một mình rong ngựa, trở về làng cũ
Đến lúc về già
Tôi chết đi cũng không phiền hà đến chính phủ hay con cháu
Tự tôi đào mộ, tự tôi kết liễu
Ngẫm lại một đời, tôi kể cũng là người hạnh phúc
Chỉ tiếc nuối mỗi một điều
Trên chiếc vòng hoa tôi tự kết cho mình
Thiếu mất hoa hồng
Và ngọc lan
(16.12.2013)
Nỗi hổ thẹn muộn màng
Mỗi ngày ăn xong bữa cơm ở quán ăn nhanh
Tôi đều làm theo thói quen
Phủi mông đứng dậy
Tới tối hôm nay
Một lần nữa tôi lặp lại động tác đó
Đột nhiên thấy giống hệt cảnh tượng
Ở nhà tôi ngày trước
Bốn cha con tôi khi ăn cơm xong
Cũng phủi mông đứng dậy
Để lại một chiếc bàn ăn bừa bộn
Mặc kệ cho mẹ tôi một mình
Từ từ dọn dẹp
(6.11.2013)
Gia đình
Ánh đèn nhập nhoạng hắt lên người tôi
Mơ màng như thể được trở về nhà
Những buổi chiều ngày xưa chìm ngập trong ánh hoàng hôn
Giống hệt như Lý Thanh Chiếu viết: mặt trời lặn nung chảy cả vàng
Tôi và hai anh trai dọn bàn ghế
Mẹ tôi bưng lên những món ăn nóng hổi
Cha tôi lúc đó dựa khung cửa hút loại thuốc lá rẻ tiền
Nhàn thay thích thay*
“Ăn cơm thôi”, mẹ tôi ngân nga thật to như hát
Mấy con gà trống vươn đầu bước qua bậu cửa
Mổ những hạt cơm rơi vãi dưới sàn
Cũng trong khoảng mơ màng của nhiều năm trước
Trong những buổi chiều nào đó
Những con gà trống đã bị nhà tôi làm thịt
Còn những chiếc bàn ghế, nghe cha tôi bảo
Đã cũ mục, bị chẻ thành củi nấu nước
Lưng mẹ tôi đã còng, tóc hai bên thái dương cha tôi đã bạc
Anh cả làm thợ sửa chữa ở cửa hàng điện tử nhỏ
Anh hai lái xe tải
Cuối cùng là tôi, đứa bé cao không tới một mét của những buổi chiều xưa
Nay đã cao tới 1m75
Đang phủ phục xuống bàn, viết bài thơ dài không đầy một thước
(12.7.2011)
*nguyên văn là 悠哉游哉 (du tai du tai), chữ trong văn cổ.
Năm tuổi
Năm tuổi như một cái ngưỡng
Tôi sợ mình sẽ bước không qua
(2.7.2014)
Đoàn tụ
Đâu tính là ngắn ngủi
Bấm đốt ngón tay
Cuộc đời tôi đã trải qua hai giáp
Tôi cũng nên biết đủ
Sót lại mấy ngày cuối cùng
Tôi trở về làng
Mang theo một mớ bùng nhùng tuổi đời và đau bệnh
Căn nhà rách nát của cha ông thời trước
Sau khi con cháu lần lượt ra đi
Không biết từ đêm nào
Đã đổ xuống chỉ còn trơ lại mỗi bức tường
Ôi, bức tường cũng thật hiểu chuyện
Cho dù đổ nát, cũng nát thành hình dạng một tấm bia mộ
Như sợ tôi, đứa con cháu bất hiếu, không nhớ nổi đường về
Tôi xa nhà đã lâu
Đã quên mất ba quỳ chín lạy trước phần mộ tổ tiên
Xin tha thứ cho con, các bậc tiền nhân
Con không còn là đứa trẻ của hơn mười năm trước
Con bây giờ chỉ còn mỗi tấm thân
Mà linh hồn đã âm thầm rời bỏ con lúc nào không biết
Về sau nó cũng sẽ không trở lại với con
Con đã đi xa lâu đến thế, tổ tiên cũng quạnh quẽ quen rồi
Hãy lại đây, ở đây con có rượu có thịt, có nến có giấy tiền
Uống xong đốt xong, con cũng sẽ hóa thành tro bụi
Phiêu tán tứ phương, đoàn tụ với các người
(20.7.2014)
Phút lâm chung
Một muốn nhìn thấy biển một lần nữa
Nhìn lại nước mắt mênh mang của nửa cuộc đời tôi
Tôi muốn trèo lên đỉnh núi cao một lần nữa
Thử gọi linh hồn đã đánh mất của tôi quay trở lại
Tôi muốn nằm dài trên đồng cỏ
Lật đọc quyển “Kinh thi” mẹ tặng cho tôi
Tôi còn muốn thử chạm tay bầu trời
Sờ khẽ lên đám mây xanh mỏng
Thế nhưng những điều ấy tôi không kịp làm nữa
Tôi sắp phải rời xa thế giới này
Những người từng quen biết tôi ơi
Đừng vì sự rời đi của tôi mà thảng thốt
Cũng đừng than thở, đừng xót xa
Tôi đến tốt đẹp, khi ra đi, cũng tốt đẹp cả thôi