Nước Mỹ, Súng đạn và Lương tâm

T.Vấn

clip_image002

Joe Raedle / Getty

Thêm một vụ nổ súng trong trường học ở nước Mỹ. Chỉ trong vòng chưa tới 2 tháng của đầu năm 2018, người ta đếm được có tới 18 vụ có liên quan đến súng ống xảy ra tại các trường học khắp nơi. Đại học có. Trung học có. Và cũng không loại trừ cả trường Tiểu học, nơi có những em bé lần đầu tiên cắp sách đến trường.

Lần mới nhất xảy ra ngày 14-2-2018 tại một trường Trung học thuộc tiểu bang Florida. Một cựu học sinh bất thần xách cây súng máy AR15 vào trường bắn giết vô tội vạ. Kết quả: 17 học sinh và thầy giáo bị giết hại.

Nguyên nhân của hành động cuồng sát nói trên được suy đoán từ những chi tiết cá nhân của hung thủ. 19 tuổi, vừa mới bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, đi ở nhờ một gia đình người bạn, luôn cảm thấy cô đơn, thất vọng với các mối quan hệ xã hội. Anh ta lại sở hữu một số vũ khí: súng ngắn, súng dài, súng liên thanh, đạn dược. Để làm gì không ai biết. Nhưng qua điều tra, người ta biết anh ta sở hữu súng hợp pháp theo đúng như Tu Chính Án Thứ Nhì của Hiến Pháp Hoa Kỳ: Quyền tự do sở hữu vũ khí.

Sau quá nhiều những vụ nổ súng điên khùng trong các trường học, những nơi công cộng, lần này các học sinh thoát chết trong vụ nổ súng ngày 14-2-2018 ở Florida nói trên cương quyết bảo nhau phải làm gì đó để vụ việc xảy ra trong trường học của họ khiến 17 người, vừa thầy vừa bạn bè của họ phải chết tức tưởi sẽ không xảy ra ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ nữa.

Và họ đã lập tức bắt tay vào hành động, ngay cả khi những người chết chưa kịp chôn cất, còn nằm ở nhà quàn chờ người thân khóc cho hết nước mắt.

Họ tổ chức thắp nến cho người chết, không chỉ cầu nguyện cho linh hồn kẻ quá cố, mà còn tuyên hứa trước vong linh bạn bè không may của mình rằng họ sẽ làm hết sức để những cái chết vô tội này sẽ là lực đẩy tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong nền văn hóa súng ống của nước Mỹ. Ngày hôm sau, hàng trăm học sinh mới 17, 18 tuổi ấy lên đường đến thủ đô tiểu bang, nơi các viên chức dân cử họp hành làm việc, xin được gặp gỡ họ, yêu cầu họ phải làm gì để bảo vệ cho các học sinh. Họ chất vấn, họ đòi hỏi, họ vạch ra tên tuổi những viên chức dân cử nào nhận đồng tiền máu của bọn lái súng. Qua các ống kính truyền hình chiếu đi trên toàn quốc, họ đanh thép bảo với những viên chức dân cử Liên Bang, Tiểu Bang khắp nước Mỹ rằng, với tư cách những nạn nhân của súng ống bạo lực, họ sẽ vận động để bất cứ ai nhận tiền từ bọn lái súng sẽ không bao giờ được tái tín nhiệm qua lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử.

Không ngừng lại ở đó, họ yêu cầu và đã được gặp gỡ viên chức cao nhất của hành pháp là Tổng thống Trump để đề đạt nguyện vọng. Không còn lựa chọn nào khác, vị tổng thống có nhiều mối quan hệ với bọn lái súng phải đã phải ra vẻ nhượng bộ, và… hứa hẹn sẽ làm “một điều gì đó”.

Trước thái độ dấn thân can đảm ấy, công chúng đã hết lòng ủng hộ những thanh niên non trẻ mới hôm qua còn chưa ý thức hết trách nhiệm của chính mình trong gia đình. Giữa khoảnh khắc mong manh của sống và chết, họ may mắn sống sót. Sự sống sót sau cơn bạo lực súng ống vô nghĩa, như một phép màu, nhanh chóng biến hình ảnh những thanh niên thiếu nữ ấy trở thành lương tâm của nước Mỹ, lương tâm những con người còn biết đau nỗi đau mất con của bậc làm cha mẹ, lương tâm những viên chức chính quyền, viên chức dân cử đã bất lực không chu toàn được nhiệm vụ bảo vệ công dân của mình.

Và chỉ chưa tới một tuần, số hiện kim mà công chúng gởi về ủng hộ cho những người trẻ can đảm ấy đã lên tới con số hơn 3 triệu Mỹ Kim. Họ sẽ dùng số tiền ấy tổ chức tuần hành chống bạo lực súng đạn, ủng hộ việc giới hạn sở hữu vũ khí khắp các thành phố lớn trên nước Mỹ và tất nhiên, ngay tại thủ đô Liên bang Washington D.C.

Trong lúc tôi viết những dòng này, vào ngay lúc này, buổi sáng ngày 22-2-2018, những kẻ tôn sùng súng ống đang họp nhau lại, cùng với bọn lái súng, tìm mọi cách biện minh cho sự hiện hữu của súng ống, của bạo lực. Rằng chỉ có súng mới chống trả được súng, chỉ có bạo lực mới chống trả được bạo lực. Hãy trang bị súng ống cho thầy cô giáo thì học sinh sẽ được bảo vệ. Quyền tự trang bị súng ống là quyền của mỗi công dân Hoa Kỳ như Hiến Pháp đã quy định. Hạn chế sở hữu súng, dù là súng máy giết người hàng loạt, là tìm cách tước đi quyền tự do ấy, là xâm phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ. Và họ kết luận, đó là cách hữu hiệu nhất bảo vệ con em tại các trường học, bảo vệ công dân nơi công cộng. Có nghĩa là, nơi nào có súng, hãy đem thêm súng vào nơi ấy, thì mọi người sẽ được an toàn.

Ôi nỗi cùng quẫn của những kẻ biết mình bất lực, nhưng lại không dám đối diện với lương tâm mình mà thẳng thắn với chính mình một lần cuối, trước khi (có thể) mình sẽ là một trong số những kẻ vô tội nằm quằn quại trên vũng máu kia, mắt trừng trừng không chịu nhắm vì không bao giờ biết câu trả lời cho câu hỏi: Tại Sao? Tại Sao? Tại Sao?

Súng ống ở nước Mỹ như đám âm binh của bọn phù thủy, nay không còn chịu nghe lệnh của kẻ tạo ra chúng nữa. Chúng đã tự cho mình một thế giới hành động riêng, phục vụ bất cứ ai, tâm thần hay sáng suốt, anh hùng hay gian hùng, độc ác hay hiền lành. Vì chúng được phép hiện hữu. Vì chúng là biểu tượng của tự do cá nhân (với một số người).

Ngay lúc này đây, có những xác chết chưa được chôn cất, những nước mắt chưa kịp lau khô, những ánh mắt thất thần chưa kịp hoàn hồn, thì giữa hội trường nguy nga lộng lẫy ở National Harbor, tiểu bang Maryland*, bọn lái súng và những người ủng hộ chúng vang rền tiếng vỗ tay hoan hô nhau cuồng nhiệt. Hình như họ tự mãn với câu trả lời: Người giết người, chứ súng không biết giết người. Bạo lực súng đạn ở Mỹ, có nguồn gốc từ người, chứ không phải từ súng.

Nghe âm thanh ấy, nhìn vẻ mặt tự tin của tay trùm lái súng**, tôi bỗng nghi ngờ ngay chính sự phán đoán của mình.

clip_image004

Wayne LaPierre (CEO/NRA)

(Time.com)

Tôi không tin đây là hình ảnh tiêu biểu của nước Mỹ, mà tôi, kẻ khốn cùng năm xưa, đặt chân đến đây với sự ngưỡng mộ vô biên.

Sau hơn 25 năm sống trên đất Mỹ, đã đóng góp phần trách nhiệm một công dân Mỹ, đã sinh ra và giáo dục hai công dân Mỹ gốc Việt trưởng thành, tôn trọng luật pháp, chưa bao giờ tôi cảm thấy nước Mỹ trở nên xa lạ với mình như ngày hôm nay, ngay trong giây phút này.

Đó là một nước Mỹ mà tôi đã chọn là quê hương thứ hai đó sao?

Tôi không dám tưởng tượng, ngày mai, ngày mốt, một ngày nào đó, tôi có thể sẽ là một trong những người cha, người mẹ, đứng trước cổng trường thất thần tìm xem trong những học sinh sống sót, sau một cuộc nổ súng điên khùng đang hốt hoảng túa ra, có con gái của mình hay không. Hay nó đã…

Liệu lúc đó, tôi có đủ can đảm làm tất cả những gì làm được để sẵn sàng đối đầu với bọn phù thủy âm binh mà đòi mạng cho những học sinh vô tội đã chết vì bạo lực súng ống ngày hôm nay, ngày hôm qua, ngày mai, nhiều ngày mai nữa, trên mảnh đất văn minh trù phú nhất thế giới năm 2018 hay không?

Còn bây giờ thì tôi đang cố gắng làm bất cứ điều gì để khỏi phải nghe, nghĩ về những gì đang diễn ra trong hội trường bọn lái súng và những kẻ ủng hộ chúng.

Và cầu nguyện xin các đấng Tối Cao, Phật, Chúa, Mohamed, các Thần Linh phù hộ cho những người trẻ can đảm ở trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas High School (Florida).

Chân cứng đá mềm nhé hỡi những thiên thần nhỏ của tôi!

T.Vấn

22-02-2018

Chú thích:

*CPAC (Conservative Political Action Conference) lần thứ 45 hiện đang diễn ra ở National Harbor, tiểu bang Maryland từ ngày 21 đến 24 tháng 2 năm 2018 với các diễn giả chính: Chủ tịch NRA (National Rifle Association) Wayne LaPierre, Tổng thống Trump, v.v. Điều đáng chú ý là trong danh sách các diễn giả sẽ phát biểu tại hội nghị ba ngày này, tổ chức CPAC đã không liệt kê tên của Wayne LaPierre để tránh những cuộc biểu tình phản đối bên ngoài hội trường. Nhưng sáng ngày thứ hai của hội nghị (Thứ Năm 22-02-18), LaPierre đã chính thức phát biểu.

**Wayne LaPierre, chủ tịch của Hiệp Hội Súng Hoa Kỳ (NRA), một tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất nước Mỹ với trên 5 triệu hội viên.

Comments are closed.