Hoàng Lệ
Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 452
Bài sau đây đáng lưu giữ làm tư liệu như một bằng chứng cho thấy “cảnh sát tư tưởng” có thể bịa chuyện và vu cáo trắng trợn như thế nào. Như nói IDS “bị giải thể do hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam” trong khi thực ra Viện không bị ai giải thể, mà là tuyên bố tự giải thể (và đến nay, thủ tục giải thể vẫn chưa xong), không phải vì vi phạm pháp luật, mà là vì phản đối quyết định số 97/2009/QĐ-TTg buộc các tổ chức nghiên cứu khoa học có phản biện ngược với chính sách của Chính phủ không được công bố. Như nói sau khi IDS giải thể, nhóm nhân sĩ trí thức của IDS mới thành lập Quỹ Phan Châu Trinh, trong khi Quỹ Phan Châu Trinh thực ra thành lập năm 2006 dưới tên Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, đến năm 2008 được đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mà Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, một năm trước khi IDS tuyên bố tự giải thể. Như nói Quỹ Phan Châu Trinh được thành lập là “để kêu gọi tiền tài trợ, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc”, “hợp lý hóa ngân sách để nuôi một đội ngũ trí thức chống đối chính quyền”. Như nói trong số 61 thành viên của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, có những người “đã từng vào tù vô khám vì lý do làm gián điệp cho nước ngoài, tham nhũng”. Như nói Mai Thái Lĩnh, Hoàng Hưng bị khai trừ khỏi Đảng trong khi hai người chưa bao giờ là đảng viên. Vân vân và vân vân.
Điều đáng nói không phải là một kẻ nói bậy, mà là lời nói bậy đó được đăng đàng hoàng trên báo chính thống mang danh tổ chức văn nghệ của TP. HCM. Nhan đề bài báo cho thấy tác giả của nó tập trung tấn công vào Viện Phan Châu Trinh – một tổ chức được thành lập hợp pháp do nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Bình là Chủ tịch danh dự. Qua đó, tác giả còn kết án Viện IDS, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, trang mạng Bauxite Việt Nam, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam. Sau lời tuyên bố “không sợ đối thoại” của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên Giáo, bài này cho thấy thực sự người ta sợ đối thoại như thế nào và không ngần ngại dùng những thủ đoạn cũ rích để bịt mồm những ai có ý kiến riêng. Nếu “đối thoại” được hiểu là buộc tất cả phải nói theo đúng sự áp đặt của nhà cầm quyền, thì “đối thoại” chỉ là “đối thọi”. Có nên nhắc một bài học kinh nghiệm chăng? Ngày xưa, trước khi xảy ra vụ án Nhân Văn – Giai phẩm, Đảng học tập ông anh Trung Quốc, phát động phong trào “bách hoa tề phóng” (trăm hoa đua nở), kết quả nói như cụ Phan Khôi, cái vườn tưởng có trăm hoa, chỉ nở ra tuyền một loại cúc vạn thọ! Văn Việt |
Viện Phan Chu Trinh vừa được thành lập ngày 7/2/2017 thì ngay lập tức, Phạm Chí Dũng – quản trị của Hội nhà báo độc lập đã lên tiếng phê phán và được VOA đăng tải công khai ngày 22/2 với tiêu đề “Viện Phan Chu Trinh có hướng đến tinh thần Phan Chu Trinh”. Và cũng ngay lập tức, Bùi Minh Quốc – một “nhân sĩ trí thức” có nhiều bài đăng tải với ý vị chống Nhà nước trên các trang như Bauxite Việt Nam, Văn Việt… đã vội lên tiếng bênh vực “Viện Phan Chu Trinh, Nguyên Ngọc, tôi tin”. Thông qua cuộc tranh cãi này, ta có thể thấy không chỉ có phe dân chủ vô học đang đánh nhau mà cả dân chủ có học cũng đang thanh trừng nhau. Nhưng sự việc không chỉ dừng ở đây. Liên tục trên các mạng xã hội và những bài viết trên blog, các phát biểu trong các video clip, nhiều vấn đề của Viện Phan Chu Trinh do ông Nguyên Ngọc và Chu Hảo cầm đầu đã được dư luận phân tích, làm rõ sự nguy hiểm đối với trật tự xã hội của nó.
Buôn bán cổ nhân
Phan Chu Trinh là một chí sĩ yêu nước của Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ XX, tuy nhiên cần phải nói rõ, việc buôn bán tư tưởng của nhà yêu nước Phan Chu Trinh cho những mục đích xấu xa không phải bây giờ mới có. Trước đây vài năm, lớn tiếng tuyên bố khai giảng khóa đầu của trường Đại học Phan Chu Trinh do ông Nguyên Ngọc làm hiệu trưởng, ông Chu Hảo làm hiệu phó như một mô hình đào tạo mới, tự do và dân chủ, hai ông đã tưởng đó sẽ là một nơi đào tạo cán bộ đấu tranh của hai ông. Ai ngờ, mô hình này thất bại thảm hại vì lượng sinh viên quá ít, chương trình học không thực tế và gặp nhiều vấn đề về tài chính dù đã bỏ không ít công sức đi ngửa tay xin tiền các bên trong và ngoài nước. Và ngay trong năm 2016, trường Đại học Phan Chu Trinh đóng cửa, mặt bằng bị thu hồi. Trường Đại học Phan Chu Trinh đã đóng cửa, thay vào đó hóa thân thành Viện Phan Chu Trinh để tiết kiệm tài chính và các nguồn lực nhân sự, lại vẫn được tiếng tốt là tổ chức học thuật. Quảng bá Viện Phan Chu Trinh chẳng qua chỉ để xóa đi cái sự kiện đau lòng đối với Nguyên Ngọc và Chu Hảo, đó là ngôi trường đã bị đóng cửa.
Cùng với trường Đại học Phan Chu Trinh, Quỹ Phan Chu Trinh cũng là một trò về buôn bán tên tuổi nhà yêu nước. Quỹ Phan Chu Trinh là một quỹ trao giải cho các sách hay được xuất bản hàng năm liên quan đến chủ đề nghiên cứu học thuật. Thế nhưng, quỹ này đa phần không trao hay khuyến khích các nghiên cứu học thuật có tính khoa học mà chỉ trao cho các nghiên cứu học thuật mang tính chính trị (có thể là bản thân công trình hoặc tác giả) mà toàn là các nhà chính trị “có vấn đề” với lịch sử cách mạng. Thông qua việc trao giải thưởng này, quỹ đã tác động đến giới học thuật, lái hướng nghiên cứu sang phục vụ các mục đích chính trị mà nhóm nhân sĩ trí thức này đề ra.
Nói thẳng, những hoạt động này chính là để làm sống lại cái thây ma IDS, tập hợp các trí thức bất đồng với chính quyền, viết bài trên báo chí và Internet để tạo dư luận nhằm thúc ép chính quyền theo những yêu sách họ đưa ra. Viện IDS bị giải thể do hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Sau đó, nhóm nhân sĩ trí thức này đã cùng nhau cổ vũ nhóm Bauxite Việt Nam, thành lập Quỹ Phan Chu Trinh để kêu gọi tiền tài trợ, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc nhưng thực ra là để gây hỗn loạn, thành lập Diễn đàn Xã hội dân sự, thành lập Văn đoàn độc lập… và đến giờ là thành lập Viện Phan Chu Trinh. Vẫn là những con người ấy, tư tưởng ấy, cách thức hoạt động ấy mà sân nào cũng đá một tí, cứ mỗi lần thất bại lại “ve sầu thoát xác”, đội lên cái lốt mới với cái tên gọi mỹ miều hơn.
Phan Chu Trinh là một chí sĩ yêu nước của Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ XX, thế nhưng sang đầu thế kỷ XXI, cái tên của ông được nhắc đi nhắc lại như một tấm bình phong cho phong trào dân chủ ở Việt Nam với khẩu hiệu khá quen thuộc “nhân quyền”, “dân quyền”, “khai dân trí”… Để dựng lên một thần tượng thu hút quần chúng, việc chọn cụ Phan đáng kính cho thấy rõ mưu đồ tạo vỏ bọc mà chính quyền và người dân khó có thể lên án, nhằm thúc đẩy một mô hình dân chủ cải lương hay còn gọi thẳng ra là ngụy dân chủ. Cách thức này không khác mấy phong trào chống dự án Bauxite của nhóm ông Huệ Chi cũng núp dưới ủng hộ ý kiến của tướng Võ Nguyên Giáp để thúc đẩy hình thành phong trào đối lập vậy. Đi đầu trong phong trào ngụy dân chủ này là các trí thức thuộc Viện IDS cũ.
Quỹ Phan Chu Trinh là bước đi đầu tiên của chiến lược này. Quỹ này hỗ trợ học thuật chỉ là vỏ bọc, trên thực tế chủ yếu làm 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là tạo biểu tượng Phan Chu Trinh gắn liền với công cuộc “khai dân trí” (thực chất thúc đẩy đi theo mô hình dân chủ phương Tây). Mục đích thứ hai là hợp lý hóa ngân sách để nuôi một đội ngũ trí thức chống đối chính quyền. Nếu nhìn lại danh sách các trí thức được giải của Quỹ Phan Chu Trinh, ta sẽ thấy rằng họ đều công khai hoặc ngầm ẩn tỏ thái độ bất bình với chính quyền. Quỹ Phan Chu Trinh còn hỗ trợ các nhóm “chém gió” trẻ tuổi tổ chức các sự kiện tại VUSTA 53 Nguyễn Du do ông Chu Hảo dìu dắt để truyền bá tư tưởng chống đối, mạo nhận là tinh thần Phan Chu Trinh.
Khi đã tập hợp được một lượng trí thức chống đối đông đảo, dù không thật sự giỏi chuyên môn nhưng rất giỏi chém gió, một loạt những hoạt động ồn ào khác được dấy lên. Nào là sự ra đời của Diễn đàn Xã hội Dân sự, nào là Ban vận động Văn đoàn độc lập, hết góp ý Hiến pháp không dựa trên cơ sở lý luận khoa học, lại vận động bầu cử phi pháp, rồi lại đến xuất bản sách ngoài luồng… Những trí thức này không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để kêu gọi một đám đông gắn mác “nhân sỹ trí thức” (không ít chẳng có tí chữ nghĩa nào cũng như chưa bao giờ hành nghề liên quan đến trí thức) để gây sức ép với chính quyền, ép chính quyền phải thực hiện các yêu sách của họ, ép chính quyền cho họ ngang nhiên nhận tiền của các thế lực chính trị nước ngoài. Họ tự thành lập một “thinktank”, nhưng “thinktank” này không đặt quyền lợi quốc gia làm trọng mà chủ yếu dùng để chống đối chính quyền, và quan trọng hơn, dễ dàng thu hút các nguồn đầu tư của nước ngoài cho họ nhiều hơn. Đáng nói hơn, gắn với tên ông Nguyên Ngọc còn có Văn đoàn độc lập hay là nơi tụ tập của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi. Lướt qua 61 gương mặt nhà văn trương tên lần đầu trong tổ chức này, ta thấy ít nhất là 15 người đã từng vào tù vô khám vì lý do làm gián điệp cho nước ngoài, tham nhũng, lợi dụng tự do để viết bậy, vài người là chiêu hồi chạy trốn đang sống lưu vong ở nước ngoài, 12 người là gốc Việt có quốc tịch nước ngoài. Hầu hết họ đều là những người có ân oán với Dân tộc! Những nhà văn nói trên trừ Nguyên Ngọc chẳng ai có gương mặt sáng sủa và có tác phẩm nào đáng giá để cho công chúng đọc. Nếu có chăng là một vài tác giả vì “nhận thức lại” đã bị khai trừ khỏi Đảng như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh, Hoàng Hưng… Đằng sau tất cả những điều ấy là một mưu đồ làm chính biến của những trí thức nửa vời mà Quang A, Nguyên Ngọc là tiên phong, còn Chu Hảo ở trong màn trướng chỉ huy.
Mượn danh người đã khuất để làm chính trị, núp bóng những lãnh đạo Đảng là con cháu cụ Phan đã nghỉ hưu, đây quả thực là một thứ chính trị ký sinh. Tức là sao? Tức là tự bản thân nó không sống được, phải tạo vỏ bọc, không danh chính ngôn thuận, không dám thể hiện đúng “bản chất” của mình. Bản chất của những người núp bóng cụ Phan không hề thực tâm khai dân trí, không mang lại nhân quyền, dân quyền, họ chỉ muốn biến người dân thành công cụ cho mưu đồ đen tối.
Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/vien-phan-chu-trinh-mot-to-chuc-dang-nghi-ngo/