Văn học miền Nam 54-75 (528): Nghiêm Xuân Hồng (kỳ 2)

TRONG KHI CHỜ THƯỢNG ĐẾ

HỒI MỘT

Màn mở lên vào một buổi chiều tà, trên một bến nước quạnh vắng. Ánh chiều đỏ rực sau rặng núi tím sẫm phía chân trời. Không khí nơi đây bập bềnh, hình như bàng bạc một niềm khát vọng khó nói nên lời, nhưng cũng phảng phất sự tuyệt vọng câm lặng và vô biên của những ngày gần như Tận Thế.

Một căn nhà gỗ sơ sài, trang trí đạm bạc. Một người đàn ông (trạc ba mươi tuổi ăn bận theo kiểu nho sinh) ngồi trước bàn, trên có thắp cây nến, đăm chiêu giở đi giở lại một trang sách, nhưng mắt hình như không nhìn thấy chữ. Y ngồi như thế có lẽ đã lâu rồi. Hãy tạm gọi y là Cuồng Nhân.

CUỒNG NHÂN

(dằn nhẹ cuốn sách, giọng nói như người vừa tỉnh giấc) Trời đất! Thực là nực cười! Thực là điên rồ! Còn bút nghiên làm chi nữa! đèn sách làm gì nữa! Kim cổ Ðông Tây có lẽ cũng chỉ hão huyền! (đập tay vào sách) Chỉ là ngôn từ và ngôn từ! (bật cười khẽ) Người xưa cũng khờ và ta đây cũng khờ nốt! (giọng càng lúc càng uất ức) Dùng những ngôn từ để dệt nên những tâm tưởng, dùng những tâm tưởng để dệt nên những hình bóng, để làm gì chứ? (đập ngực) Ðể lại dùng những hình bóng ấy trở lại trói buộc lấy chính ta! (đứng dậy đi đi lại lại) Nực cười thay cho những kẻ như ta! Ta đã chẳng phải lén lút tránh ra nơi đây, sống giữa xóm người dân chài, để trốn tránh những hình bóng đó sao?… Mà những hình bóng ấy là cái gì chứ? Mà chính ta đây cũng là cái gì mới được chứ? (buông tay lắc đầu) Mà tại sao ta lại không thể sống bình dị như những người khác, buông xuôi hai tay, bận một bộ áo đẹp rồi nhởn nhơ rong chơi ven đường đời, đôi lúc buồn những nỗi buồn bình dị như những kẻ khác, khóc những mối đau thương bình dị như những kẻ khác, vui những nỗi vui mong manh nhỏ bé bình dị như những kẻ khác? Tại sao lại không thể thế được? Tại sao? Tại sao?

Chợt có tiếng hát nghêu ngao phía xa dưới bến, xen lẫn tiếng nói ồm ồm, chắc của hai người ngư phủ. Tiếng nói lại gần.

TIẾNG I

Thôi ta chia tay, bác về nhé!

TIẾNG II

Hừ! Chú mày về! Nhưng liệu chú mày còn nhớ được đường về không?

Cả hai cất tiếng cười lớn. Tiếng cười xa dần. Chiếc cửa bên hông kẹt mở, lão ngư phủ ló đầu.

NGƯ PHỦ

(bước vào) A! Thày giáo! Thày giáo ở đây vắng vẻ có thấy buồn không? (lôi trong bọc một chai rượu, đặt xuống bàn) Lão đi biển về, ghé quán uống, mua cho thày giáo cái này.

CUỒNG NHÂN

(ánh mắt trìu mến) Lão tốt quá! Chiều nào cũng nhớ mua cho tôi.

NGƯ PHỦ

Thày giáo tới đây được mấy bữa, tôi sợ đêm buồn, nên tôi phải nhớ mua… ở đây rẻ lắm mà, tiền thày giáo gửi tôi còn đủ.

CUỒNG NHÂN

(thoáng sợ hãi) Ðừng gọi tôi là thày giáo! Tôi đâu phải thày giáo!

NGƯ PHỦ

Thì gọi là gì mới được chứ! Tôi gọi thế cho tiện. (ngẫm nghĩ) Tôi gọi là thày giáo, vì chắc thày giáo có nhiều chữ nghĩa. (Cuồng Nhân phá lên cười. Ngư Phủ ngỡ ngàng, với lấy cái chén.) Thày giáo uống chưa? Tôi rót nhé?

CUỒNG NHÂN

(im lặng nhìn Ngư Phủ)

NGƯ PHỦ

(hơi bối rối) Thày giáo làm gì nhìn tôi dữ thế? (sờ mặt) Chắc mặt tôi đỏ lắm!

CUỒNG NHÂN

(giọng thấm buồn) Tôi thích nhìn mặt lão, vì… đã lâu lắm, tôi mới được nhìn một bộ mặt lương thiện.

NGƯ PHỦ

Mặt lương thiện à? Nhưng lương thiện là gì cơ chứ?

CUỒNG NHÂN

Lương thiện là lương thiện. Lương thiện cũng như là đẹp.

NGƯ PHỦ

(vỗ đùi) Trời đất quỉ thần! Ðẹp à! Mặt tôi thế này mà đẹp à! Bây giờ tôi mới thấy thày giáo nói là một. (nhỏ giọng) Ngày xưa, lúc mới cưới, vợ tôi nó vẫn chê tôi là xấu xí. Nhưng mụ ấy, tuy ngoài miệng chê tôi thế, mà trong bụng thương tôi lắm.

CUỒNG NHÂN

(đi tới gần bàn, rót hai chén rượu, đưa một chén cho Ngư Phủ) Thôi, trời cũng tối rồi. Mời lão ngồi đây uống thêm với tôi một chén. Rồi lão kể chuyện đi biển cho tôi nghe đi. (cả hai uống cạn)

NGƯ PHỦ

(ngồi xuống) Ði biển thì có gì mà kể? Chỉ có sóng nước bập bềnh thôi. Nhiều lúc cũng sợ lắm thày giáo! Trước kia, hồi còn trẻ, tôi ra khơi xa lắm, đi tới bảy, tám buổi mới về. Bây giờ sức yếu, tôi chỉ đi gần thôi… (như bỗng nghĩ ra) À này, tôi có một chuyện này, tôi cũng hơi thấy hồ nghi, nhưng ở đây, từ bao đời nay ai ai cũng tin thế cả, và mụ vợ tôi cũng tin thế.

CUỒNG NHÂN

Chuyện gì thế lão?

NGƯ PHỦ

Chuyện này thì thực ra dân chài lưới chúng tôi vẫn kiêng không dám nhắc tới, và không dám nói với người ngoài nghề. Nhưng vì thấy thày giáo đọc nhiều sách, mà tôi thì hồ nghi quá, nên tôi mới mang hỏi, có khi thày giáo đọc sách nhiều mà biết cũng nên?

CUỒNG NHÂN

Lão cứ yên tâm nói đi. Tôi không nói lại với ai đâu.

NGƯ PHỦ

Chả là ngoài biển có nhiều cái lạ lắm! Trong nghề chúng tôi, các cụ vẫn thường dặn lại là khi ra khơi, gặp lúc sóng gió, sợ nhất là khi nào nhìn thấy ba cái mặt trời!

CUỒNG NHÂN

(ngạc nhiên) Ba cái mặt trời!

NGƯ PHỦ

Vâng, ba cái mặt trời! Những lúc đó, các cụ dặn rằng phải lập tức lèo buồm lèo lái chạy thật nhanh về phía ngược lại ba cái mặt trời.

CUỒNG NHÂN

Lão nói gì kỳ vậy?

NGƯ PHỦ

Không kỳ đâu thày giáo! Có thật đấy, các cụ đã dặn vậy mà! (giọng nhỏ) Chả là ba cái mặt trời, thì một cái là mặt trời thật, còn hai cái kia là mắt một con cá, các cụ gọi là cá Ma Kiệt Ngư. Thày giáo có thấy ở trong sách nói tới con cá đó không?

CUỒNG NHÂN

Có! Có! Hình như trong kinh Phật có nói tới con cá đó.

NGƯ PHỦ

Ðấy! Ðấy! Thầy giáo thấy không? Có thật đấy chứ, các cụ đã dặn vậy mà. Con cá đó lớn lắm, lớn gần bằng cái núi Tu… Tu … gì đó!

CUỒNG NHÂN

Núi Tu Di.

NGƯ PHỦ

(vỗ đùi) Ðúng! Ðúng! Núi Tu Di. Thầy giáo đọc sách hay thật! Ở cái thời loạn này, có nhiều kẻ tham tàn độc ác giết nhiều người lắm, những kẻ đó lúc chết xuống, có khi phải đầu thai làm loài cá đó. Vì mang nặng nghiệp ác, nó phải mang trong kẽ vây vô số vô vàn những con sâu luôn luôn rỉa rói vào da thịt nó đau như dao cắt, nó dãy dụa đập mình vào núi khiến máu chảy ra đỏ lòm cả biển suốt mấy trăm dặm. Sau đó, mệt quá, nó quấn mình vào núi ngủ vùi một giấc dài. Nó ngủ một giấc dài một trăm năm. Khi tỉnh giấc, đói quá, nó mở lớn đôi mắt, mở lớn cái miệng rộng hàng vạn trượng, hít vào một hơi thật dài. Thế là nước biển nổi sóng chảy cuồn cuộn vào miệng nó, lôi theo cả các thuyền bè. Vì thế, dân chài chúng tôi phải chạy… Thầy giáo có thấy trong sách nói vậy không?

CUỒNG NHÂN

(đăm chiêu) Có! Có nói thế!

NGƯ PHỦ

Thầy giáo đọc sách hay thật!… Nhưng mụ vợ tôi nó còn dặn cái này nữa. “Nếu ông mày nhìn thấy ba cái mặt trời, thì chỉ việc niệm danh hiệu đức Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn, thì lập tức cá Ma Kiệt Ngư động lòng từ bi, chịu nhịn đói và ngậm miệng lại, thì thuyền bè sẽ không chảy vào miệng nó nữa.” Tôi thì không hiểu ra sao cả, vì chưa nhìn thấy ba cái mặt trời bao giờ. Thày giáo nghĩ xem có đúng không?

CUỒNG NHÂN

(suy nghĩ lung) Tôi cũng không biết thế nào mà nói.

NGƯ PHỦ

Thế thày giáo cũng không rõ sao? Vợ tôi thì nó quả quyết lắm. Nó sùng đức Bồ Tát không thể nói, cứ bắt tôi đi chùa luôn. Tôi cũng ríu ríu đi theo, nhưng có biết câu kinh tiếng kệ nào đâu! Nó còn muốn tôi bỏ cái nghề chài lưới này nữa, vì sát sinh nhiều cá. Nhưng thày giáo tính, bỏ nghề này lấy gì mà ăn? Ấy ngay đêm nay này, lúc nửa đêm, có lập đàn chay tại ngôi chùa phía sau này. Tôi có về cũng đánh được một giấc ngắn, rồi chắc lại phải đi với nó. Thôi thày giáo cho tôi về nhé.

CUỒNG NHÂN

Vâng, lão về.

NGƯ PHỦ

(ra cửa, hấp tấp trở lại) Ấy chết! Tôi còn quên việc này… (nhỏ giọng) Lúc nãy ở ngoài quán tôi thấy một người đàn bà lạ mặt, hỏi thăm xem có người nào mới tới đây cư ngụ không? Có lẽ cô ta muốn kiếm thày giáo đấy.

CUỒNG NHÂN

(hơi sững sốt) Kiếm tôi ư? Sao lại kiếm tôi?

NGƯ PHỦ

Vâng, chắc kiếm thày giáo. Cô ta có tả cả hình dáng nữa mà, nhưng theo lời thày giáo dặn, tôi chẳng chỉ gì cho cô ta hết. Thôi, tôi về, chúc thày giáo ngủ ngon.

CUỒNG NHÂN

(đi đi, lại lại) Hừ! Ngủ ngon! Ngủ ngon! Bây giờ, ta làm sao có thể ngủ ngon được! Làm như tâm thức ta có thể dễ dàng cụp những chiếc cánh mong manh xao động để buông mình trong quên lãng. Làm sao ta có thể quên được, (đập ngực) quên được cái đêm tàn khốc đó nó làm ta bạc nửa mái đầu! Cái đêm ngơ ngác tại trấn Yên Lăng! Ta nghĩ đến nó, như nghĩ đến một kiếp khác, một thằng người khác! Ta muốn cắt đứt với cái dĩ vãng đó, với bọn người say mê tàn độc đó, nhưng không biết có nổi không? Ta đã có lúc nẩy ý nghĩ muốn đi nạp mình, nhưng hừ! (cười mai mỉa) cái bọn tham quan ô lại chuyên nghề áp bức dân lành làm sao có quyền phán xét được ta? Ta cũng có cái ý nghĩ nực cười và thống khoái là tự hủy diệt cái sinh mạng này để chuộc lại cái lỗi lầm của đêm đó. Hủy diệt sinh mạng này cũng chẳng khó khăn gì mấy! Ðánh đổi cái kiếp sống phù du ê chề nặng chĩu này để chuyển hóa trong cõi u minh mênh mang thành một kiếp sống khác có lẽ tươi thắm hơn chắc cũng không có gì là lỗ vốn… Quả thực, ta chưa quyết định ra sao. Ta chỉ muốn tạm lánh mình ra nơi hẻo lánh này, lắng nghe sự xao động trong tâm tư mình như lắng nghe ngọn gió xào xạc trong lùm cây. Chung qui có lẽ cũng chỉ là tại ta cả. Ta đã quá say mê sách vở, say mê ngôn từ, say mê những mộng tưởng. Hừ! Cái gì là Cứu Dân, cái gì là Ðộ Thế?! Cái gì là Hội này Hội nọ? Làm như con người có thể trở thành một thứ thần linh để cứu vớt những kẻ khác! Ðể đến lúc nửa đường, ta trở thành một kẻ ngỡ ngàng ngơ ngác. (ngoài thinh không bỗng vẳng lên xa xa vài tiếng chuông chùa)

CUỒNG NHÂN

(bỗng cất tiếng ngâm)

“Ðời nửa khói mơ chìm bóng mộng

Gọi đò một tiếng lạnh hư không”(1)

Một lát yên lặng. Bỗng phía ngoài cửa có tiếng đàn bà cất tiếng khẽ ngâm.

TIẾNG NGOÀI CỬA

“Ðời nửa khói mơ chìm bóng mộng

Gọi đò một tiếng lạnh hư không”…

Cuồng Nhân lặng người giây lâu. Hắn từ từ đi ra phía cửa, đẩy rộng cánh cửa, rồi lùi lại mấy bước. Một thiếu phụ bước vào, trạc hăm lăm hăm sáu tuổi, vóc dáng thanh thoát. Tạm gọi nàng là Thương Nữ.

CUỒNG NHÂN

(chậm rải) Tôi biết ngay là cô.

THƯƠNG NỮ

(hơi cúi đầu, như mắc cỡ) Vâng, em đây.

CUỒNG NHÂN

Ngay từ khi ông lão chài nói chuyện, tôi đã biết ngay là cô.

THƯƠNG NỮ

(ngẩng mặt, ánh mắt reo vui) Anh vẫn được bình an chứ! (bỗng ngồi thụp xuống ghế, tay ôm nửa mặt) Trời! Em sợ quá! Em chỉ sợ không gặp lại được anh nữa. Em đã đi khắp các chỗ quen thuộc của anh, em xuống cả nhà anh nữa, mà vẫn không tìm được tin tức gì về anh.

CUỒNG NHÂN

Cô có xuống nhà tôi? Cô có thấy gì lạ không? Có ai tới khám xét chưa?

THƯƠNG NỮ

Cách đây hai hôm, vẫn chưa có gì.

CUỒNG NHÂN

Chắc họ chưa khám phá ra. Cô có gặp em Tiểu Thanh không?

THƯƠNG NỮ

Thì vẫn có mình cô em anh ở nhà thôi. Cô ấy cũng hỏi thăm tin anh, nhưng chính em cũng không biết nốt.

CUỒNG NHÂN

Kể ra cô tìm người cũng hay thiệt! Làm sao cô lại đoán biết tôi ở đây?

THƯƠNG NỮ

Cũng chính do anh nói với em chứ ai? Anh đã chẳng có lần nói với em về cái bến nước hoang vắng này và thôn Hoàng Nê là gì?

CUỒNG NHÂN

Mươi ngày nay, tình hình trấn Yên Lăng ra sao?

THƯƠNG NỮ

Còn ra sao nữa anh? Trời! Các anh thực là liều lĩnh quá! Sau cái đêm hôm đó, cả nhà viên tri huyện bị tán mạng, viên tuần phủ đã chỉ thị cho tri phủ Lang Châu phải đích thân tầm nã thủ phạm, mọi người tại Yên Lăng đều nơm nớp sợ hãi, cuộc sống như ngừng lại. Chợ búa cũng ít người qua lại, và ngay tại nơi bến đò em sinh sống cũng vắng hẳn bóng những khách tới nghe hát.

CUỒNG NHÂN

Còn dư luận dân chúng thì sao?

THƯƠNG NỮ

Dân chúng có lẽ vui mừng vì viên tham quan phải đền tội. Nhưng họ cho rằng mất viên tham quan này sẽ có viên tham quan khác tới, chưa chắc đã hơn gì. Nên họ có vẻ khiếp đảm hơn!… (bước lại gần, nắm lấy cánh tay Cuồng Nhân) Này anh! Anh ở đây cũng chưa chắc có được yên ổn không. Nơi đây còn gần Yên Lăng quá. Hay là anh cùng về nơi làng em, nơi thôn Cổ Bích. Nơi đó cách đây chừng năm, sáu ngày đường và ở đó chắc không ai hỏi đến mình đâu. Anh chỉ việc làm như là… chồng của em.

CUỒNG NHÂN

(chậm rải, lắc đầu) Có lẽ tôi ở đây thôi! Tôi không muốn đi đâu nữa hết…

THƯƠNG NỮ

Nhưng em vẫn thấy lo ngại lắm! Mấy hôm trước, khi đi qua huyện đường, em thấy có yết thị treo giải một vạn quan tiền để bắt những người cầm đầu.(2)

CUỒNG NHÂN

(sửng sốt) Cô thấy hắn ư? Thế hắn có thấy cô không?

THƯƠNG NỮ

Anh ấy chắc cũng nhìn thấy em. Nhưng em thấy anh ấy khựng bước lại, thì em đã vội lẩn bước ngay vào đám đông trong ngõ. Không hiểu sao em vẫn sợ không muốn gặp anh ấy! Từ trước tới nay, em vẫn nói với anh như vậy mà! Anh ấy vẫn có một vẻ gì, một vẻ sắt đá, tàn độc, làm em cứ thấy ngài ngại (như chợt nghĩ ra) À anh này, có thể anh ấy đi tìm anh cũng nên…

CUỒNG NHÂN

(thẫn thờ) Có thể… Có thể…

THƯƠNG NỮ

Anh này! anh ở đây không biết có được yên không? Em chỉ sợ có kẻ thấy món tiền thưởng nảy lòng tham…

CUỒNG NHÂN

Không! Tôi chắc không! Tôi có linh cảm như vậy. Tới đây được mười ngày, tôi thấy trong lòng thư thái hơn. Người ở đây đều là dân chài thuần phác, chẳng có ai biết chữ, và có ai đi tới trấn Yên Lăng đâu?! Chỉ có một ông lão chài tới đây mang cơm thôi. Tôi nói tôi mắc một chứng bệnh nan y; muốn dưỡng bệnh và muốn viết một cuốn sách. Chắc ông ta cũng tin như vậy…

THƯƠNG NỮ

(giọng reo vui) Anh định viết sách thực ư? Trước kia, anh chỉ hay viết những tờ hịch kể tội bọn tham quan. Văn anh thì hùng tráng, nhưng nghe kể đến những tội ác của người, em vẫn thấy buồn buồn. Bây giờ, anh định viết sách gì vậy?

CUỒNG NHÂN

Sách gì đâu! Tôi cũng nghĩ vậy mà chẳng biết có viết nổi không? Mà viết cũng khó lắm! (chợt như cao hứng) Tôi đôi khi mường tượng viết một cuốn sách nói về cái mông lung, cái mênh mang của kiếp sống con người, nói lên những vẻ êm đềm phù du của nó, nói lên những niềm hiu hắt không thể dứt nổi, vẽ lên đôi môi đỏ mọng của đứa trẻ thơ cắn ngập vào trái táo chát, tiếng cười của một cô gái trong đêm sâu, ánh trăng trên bến nước, tiếng hát (có lẽ của cô) vọng lên từ một đám lau sậy xào xạc, những mùi hoa đêm phảng phất khi định tâm ngửi lại không thấy gì, những buổi chiều tà, những tia nắng quái đỏ rực sau rặng núi tím sẫm ở chân trời, nói về cái hình hài phù du này, nói về những giấc mộng lúc tàn canh, nói về cái tâm thức tuyệt vời, về cái thế giới này và mường tượng đến trăm ngàn thế giới khác.

THƯƠNG NỮ

(như xao động) Trời! Thôi anh ngưng lại đã! (ôm ngực) Anh làm em xốn xang quá! Anh làm sao có thể nói dễ dàng như vậy được?… Em đôi lúc cũng mường tượng thấy lù mù như vậy, nhưng em không làm sao nói rõ ra được.

CUỒNG NHÂN

(cầm lấy tay Thương Nữ) Này Tuệ Hương! Không biết cô có thấy thế không nhỉ? Cô có thấy rằng cuộc sống này có một cái gì lạ lắm, nó có vẻ đẹp khó tả, vì vẻ đẹp đó não nùng hiu hắt, tương tự như một người con gái nhan sắc như ngọc nhưng lại câm và điếc, như một trái cây thơm ngon ngọt ngào nhưng bao giờ cũng lưu lại một dư vị chát lịm… Hình như đó là thân phận của kiếp người.

(1) Thơ Quách Tấn (N.X.H.)

(2) Tiếp đây hình như thiếu mất mấy dòng, dù sao nhân vật “hắn” không có vai trò quan trọng trong hồi kịch này.

Nguồn: http://gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?702

Comments are closed.