Những tin tức về một ngôi làng (kỳ 5)

Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện

29.

cứ hát, mà không biết hát thế là sao, hát về gì, bài hát cứ thế tồn tại qua những năm tháng, ngó lên hòn núi Chớp Vung, thì ở làng tôi ngày ngày mở cửa là thấy núi, ai lại không nhìn thấy ngọn Chớp Vung, nhìn thấy ở đây là nhìn lên, vì núi cao hơn người, nhìn, tương quan vừa có tính cách vật thể: khi hai sự vật gần nhau, vừa hàm súc nghĩa thiêng liêng: con người và sông núi, cuộc gắn bó làm nảy sinh những khái niệm vĩ đại về tổ quốc, về đất nước non sông, núi Chớp Vung nằm trong dãy núi Mun ở phía nam làng tôi, vào những ngày mùa nắng, tựa cửa nhìn thì thấy núi xanh tươi, nhưng vào mùa đông, sau những cơn mưa, tạnh nước, mây bắt đầu vần vũ trên dãy núi Mun, đứng tựa cửa nhìn, một chặp, núi Chớp Vung ngập trong mây, chỉ còn nhìn thấy cái đỉnh núi trông tựa chiếc vung (nồi) úp lơ lửng giữa bầu trời buồn bã, hồi học trường huyện, trong bài luận văn thầy ra, tả về mẹ, tôi ví ngọn núi Chớp Vung như bầu sữa mẹ tôi, nếu dân tộc tôi sinh ra từ sữa mẹ Âu Cơ, thì vú mẹ Âu Cơ không lớn hơn núi Chớp Vung là gì, nhưng ngó lên hòn núi Chớp Vung/thấy đôi con thỏ nằm chung với mèo thì câu hát ru mẹ tôi ru tôi thuở ấy lại chuyển sang một thứ không gian thời gian bắt người ta phải nghĩ ngợi, ở làng tôi, từ em bé lên năm đến bà cụ chín mươi đều thuộc câu hát ru vừa lạ vừa quen này, chờ để nhìn thấy thỏ và mèo xuất hiện ở núi Chớp Vung là một trong những niềm vui (lớn) buổi ấu thơ của bọn trẻ chúng tôi, phải là mùa mưa để toàn bộ ngọn núi được thu nhỏ lại, chỉ còn là một chiếc vung úp nơi bầu trời, lúc bọn trẻ chúng tôi cho là dễ nhìn thấy nhất lũ thỏ và mèo, những con thú hoang trên núi, cứ tụ tập thành đám nơi hiên hè nhà ai đó trong làng, có khi là ngồi suốt buổi, suốt ngày, chờ, tưởng tượng về một thế giới hoang vu đã thành niềm háo hức của tuổi ấu thơ chúng tôi, chúng tôi đã chờ suốt buổi ấu thơ, và lũ thú ấy vẫn còn nguyên trong trí tưởng tượng của mình, sao lại có hai con thỏ nằm chung với mèo ở đây vậy mẹ, lúc học ở trường huyện tôi còn theo hỏi mẹ tôi, thì mẹ tôi cũng như những bà mẹ khác trong làng, ru con bằng câu hát có lũ thú trên núi, hát mà không biết hát thế là sao, tôi muốn hỏi mẹ là tại sao có chuyện thỏ nằm chung với mèo (một con nhút nhát, một con hay rình rập kẻ khác, khó có chuyện hòa hợp giữa hai tính cách ấy) mẹ tôi có lẽ bí, xưa nay vẫn hát nhưng nào hiểu hết nghĩa của câu hát, hai hay ba bốn năm sáu con thỏ gì nằm chung với mèo cũng được con ạ, mẹ tôi trả lời để cho có chuyện, tôi hát thử trong đầu (ngó lên hòn núi Chớp Vung/thấy bốn con thỏ nằm chung với mèo) thì thấy quả âm vận câu hát vẫn không đổi, nhưng ở núi Chớp Vung không phải chỉ có mỗi chuyện lạ thỏ nằm chung với mèo, chính núi là hóa thân của lòng thủy chung, chàng đi hái lá bần bần cho nàng uống lúc sinh con, hai năm rồi ba năm rồi sáu bảy chục năm chàng vẫn chưa về, nàng ôm con chờ, và đã chết hóa thành ngọn Chớp Vung (vẫn kiểu vọng phu tồn tại trên khắp mặt đất) rừng núi ở đây đã giấu trong nó lòng chung thủy, rốt cuộc, tôi cũng chỉ loanh quanh với những khái niệm duy lý (về sự hòa hợp, về lòng thủy chung) chẳng thể giải quyết được vấn đề vì sao có một câu hát ru khó hiểu (sao không nhìn thấy những thứ dễ nhìn thấy hơn khi nhìn lên núi, rừng cây xanh tươi chẳng hạn, hay con suối nước đổ trắng xóa, hay mây vần vũ đình núi vào những ngày mưa…) tôi cũng bí như mẹ tôi cho đến khi đọc được những gì ông nghè Quân chép trong văn tập Rối Rắm.

(bấy giờ ta bỗng thốt lên những lời chẳng ăn nhập vào đâu)

bấy giờ ta cũng thấy tâm can nhừ nát như bao nhiêu người khác trong làng, cái ngả ba lịch sử chết tiệt ấy, bấy giờ ta thấy như mình đang rơi vào thứ trận đồ lầm than, mộng mị, giống như những gì ta đọc thấy trong những cuốn tiểu thuyết cổ trang, chứ còn gì nữa, làng xóm thân thuộc bỗng trở thành trận địa vừa có tiếng súng nổ vừa ẩn giấu trong sự im lặng giả tạo những mưu đồ,

có đến hai nhà, không phải, có đến ba nhà, đúng hơn là ba nhà, dù đang thất thế, hay đang đổ nát, hay đang khởi lên, phải kể ra lúc bấy giờ có cả thảy là ba triều đại, mà dường như cả ba đều thấy ở mình bóng dáng chiêu dương, đều nghĩ mình là buổi sớm mai đầy hoa thơm cỏ lạ, thứ chủ quan luôn mang trong mình bóng dáng của chết, sự thật thì bấy giờ ở đâu cũng có thể nói là đêm trường lịch sử, thì chuyện mới xảy ra đó, ngay ở trong làng, nhưng đố ai có thể nói sự thật nó là thế nào, bấy giờ thì chẳng ai có thể nói được sự thật, kẻ qua sông Linh Giang truyền hịch gọi kẻ khác là giặc, kẻ bước ra từ núi rừng Tây Sơn thượng đạo gọi kẻ khác là thù chung của muôn dân, kẻ bôn tẩu phương nam gọi kẻ khác là kẻ thoán nghịch, đêm nằm nghe tiếng chó sủa trong làng và những bước chân vội vã trên con đường trước ngõ, ta cứ nghĩ là mình sắp bị mang đi, mang đi đâu ta chẳng biết, nhưng cứ có cảm tưởng là sắp bị người ta mang đến một ngõ ngách nào đó, bấy giờ lịch sử như những ngõ ngách tối tăm, bụi bặm, thường trực trong nghĩ ngợi của ta là nỗi sợ hãi, sợ ngã xuống nơi không còn có tiếng cười nói của con người, vào một đêm cuối xuân, cây cỏ trong làng còn gượng tươi xanh, vừa mới tối lũ chó trong làng đã sủa ối óng, như thể có đám người nào đó đang tràn vào làng đuổi giết lũ chúng, lũ chó sợ cũng phải, thường, kẻ lạ, đêm vào làng bắt ai đó trước phải giết lũ chúng, lần này thì như hết thảy lũ chó trong làng cùng sủa lên, tiếng chó sủa khiến tâm can ta nhừ nát như thể đang bị ai đó băm ta thành mảnh, sáng ra, ta cứ tưởng rất nhiều trai tráng trong làng đã bị người ta bắt đi như những lần trước, nhưng không phải, chỉ có mỗi ông hương trưởng Thời bị mất tích (bấy giờ thì gọi người đứng đầu trong làng là hương trưởng cũng được mà gọi là lý trưởng cũng được) người làng ta âm thầm tỏa đi tìm, nhưng chẳng thấy ông hương trưởng cũng chẳng thấy xác ông đâu cả, vợ con ông hương trưởng Thời đóng cửa khóc, ở cái thời đâu phải cứ muốn khóc là khóc muốn cười là cười, vợ con ông hương trưởng chờ, cả làng chờ, một tháng, hai tháng, rồi sáu bảy tháng, chẳng có tin tức gì, một hôm có người làng trông thấy ở sườn núi Chớp Vung xác người chết đã thối rữa, nhờ bộ râu và con dấu của trưởng làng còn nằm trong thắt lưng quần, người ta mới biết đó là ông hương trưởng Thời, nhưng chẳng ai dám nói chắc ông hương trưởng sợ, đi trốn, rồi chết trên núi, hay là người ta giết ông rồi đem bỏ trên núi, người làng ta lại âm thầm mang xác ông hương trưởng về nhà ông để khâm liệm, ta đến thăm, nhìn kẻ chết, cố nén nước mắt, thời buổi mạng sống con người nhỏ biết bao, ta chợt ngó lên hòn núi Chớp Vung thấy đôi con thỏ nằm chung với mèo.

________________

Ghi chú:
đoạn văn trên là trích trong văn tập Rối Rắm của ông nghè Lê Quân, tựa đề là do tôi đặt, văn tập chắc được làm vào khoảng cuối thế kỷ 18, ai đó bấy giờ đã đọc văn ông nghè Quân, và câu thơ lục bát đã truyền ra ngoài thành câu hát ru.

30

tôi lại đi núi Mun, tôi đi núi Mun bao nhiêu lần rồi nhỉ, chẳng còn nhớ, chưa có gì cả, chỉ là giấc mơ, lũ chim núi đã bắt đầu đổi giọng, như không còn nghe thấy thứ âm vực trầm buồn trong cách thúc bách những đám mây lẻ loi hãy mau quay về phương bắc nơi sản sinh những âm vang màu xám, tiếng chim thánh thót, có phần cao trào, gấp rút, nhưng vẫn lắng đọng những kết tập nghìn năm, hót là sự kết tập tinh hoa của một loài giống lấy chốn trời cao làm chỗ nương thân

phủ lên câu chuyện kể là những lời nguyền rủa đã tan thành những bụi bám vào chỗ thâm cùng trí nhớ, nhưng ai nguyền rủa và nguyền rủa ai là chẳng thể diễn giải, thứ ký ức trắng ấy tựa thứ thi ca vô thức luôn trỗi dậy vào những lúc cảm nhận được nỗi thống khổ đẹp nhất, mà cũng chẳng cần nói ra tên triều đại ấy, tên vì vua ấy, bởi tất cả những triều đại tội lỗi và những ông vua tội lỗi là cùng chung danh mục

cứ phủi đi rong rêu bám trên mặt đá sẽ nhìn thấy dấu vết

nói lên chùa Nước Nâu thực ra là tôi lên suối Nước Nâu trên dãy núi Mun tương truyền có ngôi chùa ngay cạnh suối đã đổ nát tự những thế kỷ trước để tìm lại những thứ chỉ có kẻ ngu ngốc như tôi mới cất công đi tìm, thứ tôi tìm là một khái niệm mong manh thỉnh thoảng người ta lại lôi ra khỏi dòng chảy lịch sử rồi lại hô hoán là không phải, cả suối Nước Nâu lẫn dãy núi Mun là nằm trong số những sông núi hạng bét của đất nước tôi, có nghĩa, nếu tôi không nói ra, thì chẳng ai biết chúng ngoài những kẻ cày ruộng dưới chân dãy núi ấy, vào một sáng một ngày nắng nóng những người làm than củi ở làng tôi vào núi Mun phát hiện thấy một ngôi chùa mái tranh vách lá đã được dựng lên bên bờ con suối đá, vị trụ trì là một chàng trai trẻ bảo người đệ tử duy nhất của mình, một ni cô xinh đẹp, đón những người làm rừng vào chùa để nghe giảng kinh, chuyện kể bắt đầu như vậy, mấy trăm năm qua vẫn cứ bắt đầu như vậy

cứ phủi đi rong rêu bám trên mặt đá sẽ nhìn thấy dấu vết 

tôi ngồi nơi bờ suối Nước Nâu, đã sang hạ, nhưng suối vẫn còn dòng chảy, cố tìm trên con nước lung linh chút dấu vết của kẻ đang đêm thoát khỏi cuộc truy sát của một vương triều đang rũ rượi trong tranh giành ngôi báu, núi Mun… núi Mun, chỉ nhìn thấy trong niềm lặng yên sử lịch tiếng thì thầm của xứ sở, ngày ấy… đã để lại lời truyền tụng: Nguyễn Phúc Lan, con trai thứ của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) vừa lên ngôi báu đã giết sạch đồng đảng của em ruột mình, Nguyễn Phúc Anh, nhưng lại bỏ sót một viên quan trẻ của Anh vốn là người tình của quận chúa Ngọc Khoa, con gái thứ ba của Sãi vương… (việc một người sống sót trong cuộc thanh trừng đẫm máu lại dẫn đến một cuộc tu, một cuộc tình, và một cuộc thanh trừng đẫm máu khác)

cứ phủi hết rong rêu trên mặt đá là thấy được thứ khái niệm mong manh thỉnh thoảng người ta lôi ra khỏi dòng chảy lịch sử rồi lại hô hoán là không phải: khái niệm về một khúc sử tăm tối

cũng có lúc người ta nghĩ đến một lúc nào đó vị trụ trì chùa Nước Nâu, sư Minh Từ, người thoát chết trong thanh trừng ở kinh, và ni cô xinh đẹp, vốn là quận chúa Ngọc Khoa trẻ tuổi, sẽ cho ra đời một anh sư con, nhưng không, nơi bờ suối Nước Nâu có đủ thứ rau quả đủ đổi gạo nấu cho nhà chùa, đêm người xứ Rừng Trên nghe tiếng kinh kệ từ trên núi vẳng xuống, ai cũng nghĩ đất Phật là chốn bình yên, thầy trò sư MinhTừ vừa kinh kệ vừa cuốc đất trồng rau, đêm đông khí núi buốt xương, Ngọc Khoa trải tóc làm chăn đắp cho Từ bớt lạnh, nắng rừng nung đốt trưa hè, Từ xuống nằm nơi lòng suối đá, có Ngọc Khoa kề cạnh, thịt da truyền cho nhau sức vĩnh hằng, chẳng lẽ Phật chẳng vui khi thấy giữa chốn trần ai nảy sinh cuộc tình duyên kỳ tuyệt, núi không nói ra, chim rừng không nói ra, người Rừng Trên không nói ra, giấu kỹ đoạn đời đày đọa của một kiếp người là trái với đạo trời sao, năm tháng chẳng làm vơi chút nào sự kỳ tuyệt kia, chỉ khiến cho tóc của Từ và Ngọc Khoa bớt đi màu trẻ trung

núi Mun, núi Mun… dãy núi gắn liền với lịch sử làng tôi, mãi mãi, tôi muốn nói những lời thật lòng về nó, để cho tôi không còn phải khổ sở nghĩ hoài về nó, núi, như hình ảnh, hay như những lời lặng lẽ và cẩn mật, bởi núi chứa đựng quá nhiều những sự tích như những gì được nén giữa đằng đẵng tháng năm (nén, và vang động) chốn vũ trụ nhỏ nhoi nhưng chạm vào lại vang lên những ngữ nghĩa huyền nhiệm

cứ phủi đi rong rêu bám trên mặt đá sẽ nhìn thấy dấu vết 

vào một sáng, khi mặt trời soi rõ núi rừng, những người làm rừng vào núi Mun đã nhìn thấy cảnh hành hình diễn ra ở chùa Nước Nâu: vị sư trụ trì và ni cô của chùa đều bị trói chặt, đặt nằm sát bên nhau ở sân chùa, lúc người cầm đầu đám lính triều hô chém, thì đầu của hai người cùng văng ra một lúc… mấy trăm năm qua truyện vẫn được kể như thế 

hay núi là mật ngôn

31.

với trường hợp ông Hoành (Lê Hoành, cháu mấy chục đời của ông nghè Lê Quân) thì không phải mật ngôn, mà là triết ngôn, rượu vào ta, trời đất vào ta, ông Hoành nói, triết ngôn về rượu của ông, triết ngôn là cách nói của tôi, người chép sử làng, để cho thấy tầm quan trọng của một sự kiện mang tính chất xã hội học, thật ra thì chẳng có hệ thống triết học nào ở đây cả, triết ngôn chỉ là từ ngữ người chép sử làng muốn cường điệu một chút cho sang trọng ngôi làng quê heo hút của mình, sự vĩ đại không thuộc về ngôn từ, mà thuộc về việc làm của ông Hoành, đậu tú tài văn chương, rồi đi làm thông dịch cho lính Mỹ trong chiến tranh, rồi bị người mình bắt làm tù binh, rồi được người mình cho về ngôi làng của mình, ông Hoành cày ruộng, nuôi dê (cày ruộng để có lúa ăn và nuôi dê để có sữa uống) thằng cha này định chống lại cuộc toàn cầu hóa trong cái thế giới phẳng này chắc, mấy nhà thông thái ở kinh nghe chuyện ông Hoành thì phát biểu thế, đùng cái, ở cái tuổi bảy mươi, ông Hoành neo lại với thứ triết học về rượu của ông: rượu vào ta, trời đất vào ta, con người đã đi khắp mặt đất, uống đủ thứ rượu Âu rượu Mỹ, đọc đủ các thứ sách vở văn chương triết học, bỗng phát hiện ra con đường đi của rượu, một cuộc hành trình khép kín, như kiểu triết học vòng tròn của miền phù sa Ấn Hằng, con người làm ra lúa gạo, rồi đem lúa gạo chưng cất thành rượu, rồi rượu lại vào trú ngụ trong con người (con người – lúa gạo – rượu – con người…) ông Hoành nghĩ ra thuyết lý, và thực hành thuyết lý, nhưng thưa cụ, vì sao cơm rượu phải ủ giáp năm mới đem ra chưng cất, tôi hỏi (bấy giờ, ở trong làng, mọi người đều gọi ông là cụ Hoành, mà ông Hoành, ý chừng cũng rất thích người ta gọi mình là cụ) hạt gạo vốn mang trong mình tiếng nói của trời đất giờ đem ấp ủ chúng giữa trời đất suốt cả năm là để cho tiếng nói ấy rõ hơn, ông Hoành giải thích, đấy là cuộc trò chuyện đầu tiên về rượu giữa tôi và ông Hoành, bao nhiêu năm qua, ở dưới chân dãy núi Mun, làng tôi, vẫn âm thầm diễn ra sự kiện như thể cơn gió trong lành chợt thoảng qua giữa cái oi bức của thời thế và những áp lực chết người của cơm áo, cũng ngắn ngủi thôi, nhưng những nói cười vui vẻ đã cất lên, một khoảnh bình yên, một hai ngày gì đó thôi, rượu vào ta, trời đất vào ta, một cuộc giao hòa kỳ tuyệt giữa con người và trời đất đã được xác lập giữa cuộc chuyển động ồ ạt của thế giới: ngày rượu ông Hoành, cũng chỉ một vài vuông thóc gì đó thôi (thóc tự tay ông Hoành làm ra) đem xay thành gạo, mồng bảy tháng chạp (âm lịch) năm trước đem ủ làm cơm rượu, mồng bảy tháng chạp năm sau đem ra chưng cất, rượu của lão Hoành này có đủ thi vị của mùa, uống rượu của lão Hoành này là nhảy tỏm vào giữa cuộc chuyển động của mùa, bài phát biểu của ông Hoành trong ngày rượu ông Hoành, hàng năm, vào mồng bảy tháng chạp âm lịch, cả làng tôi kéo đến nhà ông Hoành để uống rượu với ông, rượu chính tay ông Hoành đứng ra chưng cất, rượu chưng cất tới đâu uống tới đó, uống rượu nóng, uống cho đến khi không còn giọt rượu nào mọi người mới được về, vào ngày ấy, ở làng tôi, chỉ trừ những em bé, còn lại, tất cả đều say (cả những ông bà lão cũng sắp kết thúc cuộc đời) có thể đều say nằm cho đến ngày hôm sau, có nghĩa, dừng lại chuyện cày bừa, heo qué, dừng lại tất cả, để trải qua những phút bình yên giữa cuộc sống bất trắc, mỗi năm uống rượu một lần, say một lần, để được bình yên một lần, đó, cốt lõi triết học về rượu của ông Hoành, nếu muốn nói đó là triết học, nhưng đó có phải là khởi xướng cho một nền văn hóa mới dưới chân dãy núi Mun thì tôi không biết.

_____

Tôi phỏng vấn (chớp nhoáng) ông Hoành:

(Có một cái gì đấy đang cựa quậy)

thưa cụ, để cho dễ nhớ đối với mọi người, cụ có thể tóm tắt cuộc đời cụ, cho tới hiện giờ, một cách vắn tắt?

được sinh ra dưới chân dãy núi Mun, gần gũi với gió chướng sơn lâm, ngày ngày nằm nôi, bú sữa mẹ, và có thể nghe cọp gầm trên núi, rồi ăn cơm, uống nước, lớn lên, đi lòng vòng trong làng, để cày ruộng, chăn bò, rồi ăn chữ, rồi ra khỏi làng, lòng vòng trên mặt đất, chán, quay về, thì làng xóm cũ hơn xưa, có thể là rất buồn, tự làm ra rượu, để uống

và những ngày đi lòng vòng trên mặt đất, có thể nói vắn tắt, cụ đã nhìn thấy những gì?

nhiều lắm, nhưng có thể nói gọn thế này, thấy con người đang đi trên đường, đông lắm, có lúc dừng lại khóc, rồi lại đi, có khi lại dừng lại, cười, hay nhảy múa, hay ca hát, hay la hét, có khi lại dừng lại để ca ngợi nhau, hay chửi bới nhau, hay bắn giết nhau… nói tóm, ta có cảm tưởng tất cả là đang lạc đường

chỉ có thế sao?

chỉ có thế

nhưng cụ, thì cụ có nghĩ mình lạc đường?

không đời nào, vì ta đã trở về nơi ta sinh ra

xin cụ nói cho dễ hiểu hơn một chút?

còn nhớ đường trở lại nơi ta từ lòng mẹ chui ra mặt đất tức trong ý thức của ta còn nguyên hình ảnh nguyên sơ

như thế, kẻ không bao giờ lạc đường là kẻ không bao giờ đánh mất cái đã làm nên hình dạng người nguyên sơ của mình?

nói như thế cũng được, nhưng nó có vẻ im lìm quá, phải thêm vào như thế này, sở dĩ ta không thể đánh mất ta, tức ta không thể để ta biến thành đồ vật, bởi trong ý thức ta có một cái gì đấy đang cựa quậy.

32.

và bây giờ là chuyện ăn chữ tôi trích trong văn tập Rối Rắm của ông nghè Quân:

chúng ăn chữ no nê rồi thì nhả ra đủ thứ, lúc đầu là ta thấy chúng nhả ra hoa bướm lượn lờ trên những đài, những các, những lâu, những biệt thự, biệt phủ, chúng ra khỏi nhà là rập rình xa mã, tiếng ngựa hí vang lừng giữa buổi chiều dạ hội mỹ nữ mỹ nhân hoa khôi hoa hậu dập dìu như nước chảy hoa trôi, nhưng đi đâu chúng cũng nhớ về nơi ăn nằm của chúng như thứ hang ổ sầm uất và vĩ đại theo cách nhìn đương đại, chữ vào bụng chúng rồi thì biến chúng thành những hoa bướm lượn lờ trên da tóc giai nhân, chữ vào bụng chúng thì làm cho thân thể chân tay chúng dịu dàng ra, làm cho tiếng cười nói của chúng mềm ra, để ôm ấp những hoan lạc cuộc đời luôn làm cho kẻ khác lầm tưởng những vòng tay của chúng là vòng tay của kẻ thanh cao, mà thật, chữ vào thì những đồng tiền chúng kiếm được qua những ngõ ngách dơ bẩn lập tức biến thành những đồng tiền có vẻ danh giá (vì những xuất xứ của chúng được hô lên luôn mang tính toàn cầu, tiền được chuyển từ ngân hàng thế giới, tiền được chuyển từ ngân hàng xuyên quốc gia, vân vân- những chữ tôi thêm vào(*) nói cách khác, không ẩn dụ, đồng tiền dơ bẩn sau khi được chữ nghĩa làm phù phép thì biến thành những chốn trú ngụ như chốn thần tiên trên mặt đất, mà thật, đứng giữa những chen chúc nghèo nàn, những khu phố ổ chuột, những mái ấm dưới gầm cầu, những dịch chuyển vô chừng giữa nắng mưa, sẽ sững sờ, hay sẽ thẫn thờ, rất lâu, trước những gì như phép màu của các vị thần có những cái tên vô cùng mới mẻ (corporation, hay group, hay tập đoàn, cũng thế- những chữ tôi thêm vào) ngày đêm chúng dùng chữ nghĩa mỹ miều hoa gấm khêu gợi, mời mọc tưng bừng, rằng mọi người hãy đến với chúng, ăn chữ no nê rồi thì ngoài việc nhả ra hoa bướm, chúng còn nhả ra những cách thức làm ra thức ăn, chữ và thức ăn, chúng đã dùng chữ huy động cả những động vật, cả những thực vật, cả những khoáng vật, tức cả những sinh vật lẫn bùn đất, cộng tác với chúng, ở những nơi kín cổng cao tường, một cuộc nghìn năm lồng lộng bóng dáng của chuyển động ồ ạt như những bước đi ồ ạt của các vị thần, để làm ra các thứ thức ăn cho con người, ngày đêm quay cuồng với niềm đam mê nhan sắc giàu sang, chúng đã quên bẵng, hay chẳng còn nhớ chút nào, rằng con người là ăn những thứ thức ăn khác hẳn với những thức ăn của loài cầm thú, ôi, thời chữ làm ra thức ăn, thời con người ăn chữ, ăn chữ no nê rồi, ngoài việc nhả ra hoa bướm và nhả ra thức ăn, ta còn thấy chúng nhả ra thứ sản vật đẹp như những đám mây ngũ sắc trên trời buổi sớm mùa xuân có tiếng hót của chim sơn ca thơm lừng mùi đất, không, còn đẹp hơn thế, bởi đây là những sản vật con người ăn vào sẽ thấy mình bay bổng tận chốn cao ngất cao sang cao cả còn có tên là cõi hạnh phúc, cõi tự do, nó là cõi đời mới (chữ của ông nhà thơ Tản Đà hồi những thế kỷ trước- chú thích của tôi) sau khi ăn những sản vật của chúng, con người sẽ bỏ lại tất cả tất cả những lầm than thống khổ, vạn tuế chữ nghĩa, lũ người chế biến hạnh phúc và tự do luôn mồm ca ngợi, o bế chữ nghĩa, ăn chữ no nê rồi, ngoài việc nhả ra hoa bướm, thức ăn, nhả ra hạnh phúc và tự do, ta thấy chúng còn nhả ra những cách thức chế biến rác, tức, chế biến từ những thứ thế giới đã vứt bỏ từ lâu, những thi văn ca tụng đám vua chúa tàn bạo, những cuốn sử chép không thật, những thuyết lý từng mang lại chết chóc cho con người, ta thấy chúng cong môi lại để nói lại thành những lời mới mẻ từ những gì từ lâu đã thành rác rưởi, ôi, thời con người chế biến chữ cũ thành chữ mới, thời con người chế biến chữ từ rác, ta đã gặp đứa ăn chữ, thằng bạn nối khố của ta, đến chết ta cũng chẳng thể tha thứ cho thằng đó, vào một sáng mùa hạ, nơi kinh sư, các quan triều đi chầu buồi sáng nhiều kẻ vẫn còn cho ngựa đủng đỉnh trên đường phố, ta rời làng quê đi kinh sư lần này là để thăm thằng bạn cùng làng đang làm quan ở bộ lễ, ta phải đi cho biết vì có nhiều lời đồn rằng bạn ta đang xu nịnh vua để ngoi lên địa vị cao hơn, ta biết anh ta đang làm chức quan nhỏ, chỉ là nằm nhà để sao chép các thứ sử sách cho bộ lễ, do đi ngựa cả đêm nên mới sáng sớm ta đã có mặt ở kinh sư, bạn ta có vẻ bối rối khi thấy ta xuất hiện đột ngột, anh ta vội vã cất vào hộc bàn những giấy tờ đang viết hay đang đọc gì đấy lúc ta vừa bước chân đến cửa, ta có hồ nghi về một việc làm không đàng hoàng, xa bạn lâu ngày chưa kịp mừng đã thấy tức giận, ông đang giấu ta chuyện gì có phải không, ta hỏi, và nhìn thấy trên mép bạn ta đang dính đầy những mẫu tự hình nêm, có giấu gì đâu, bạn ta lắp bắp nói, ta liền lôi trong hộc bàn ra: một bản viết trên giấy papyrus với chằng chịt những chữ hình nêm, một bản viết trên giấy hẩm bằng chữ Nôm, những lời bàn của các pharaong, các vua Ai Cập cổ đại, về cách trị nước, hắn đang học làm vua ư, vừa thoáng nghĩ thế ta đã nghe như máu trào lên óc, chẳng nửa lời từ biệt, ta lẳng lặng lên ngựa, quay về, biết đâu chữ nghĩa lại giúp hắn trèo lên chỗ ngồi hắn mong ước, trên đường về lại quê, ta nghĩ mãi nghĩ mãi về thằng bạn nối khố của ta

_____

(*) Xin lỗi cụ nghè Lê Quân, cũng chỉ vì muốn cho bài viết của cụ hợp với đương đại mà tôi đã thêm một số từ vào bài viết của cụ

33.

nhưng ở làng tôi, có một người, ông Hai khép cối xay lúa, lúc sinh thời chẳng có mấy chữ nghĩa, sau khi chết lại ra người thông thái, ông đã trở lại làng chỉ để làm mỗi công việc là giải đáp chất vấn của tôi, thứ chất vấn nghịch ngợm của tuổi thơ, hồi ấy, tôi đã buột nói ra vào lúc ông ấy vừa hoàn tất một công trình vào thời ấy có thể nói là thành quả trí tuệ của những người đi chân đất (có phải ông Hai đương lái cỗ máy xay lúa đi chơi hay không?) nói rõ ra là tôi đã đưa ra câu hỏi đúng vào lúc ông Hai khép cối xay lúa đang làm thử công việc xay lúa, tức là lúc cái cối xay lúa đương thử chức năng xay của nó.

qua cũng phải nói cho em rõ là hồi ấy qua dư sức để trả lời em, có điều bấy giờ cứ mở miệng ra để nói thì lại thấy mình thiếu hụt lời lẽ để nói ra một sự việc mà chưa chắc là ông cha ta thời trước đã có thể nói ra

với tuổi thơ của tôi hồi ấy thì ông Hai khép cối xay lúa là một tay đầy quyền lực, dám lấy đất ở mấy ụ mối chỗ miếu âm hồn đầy ma quỉ để khép cối xay lúa chẳng phải quyền lực là gì, cái cối xay lúa của nhà tôi chưa phải đến lúc bỏ đi, nhưng cha tôi vốn là tay đi chân đất thuộc loại chơi sang trong làng, mẹ lũ nhỏ hãy đi kêu ông Hai khép cối xay, quyết định đưa ra vào bữa ăn tối, tờ mờ sáng bữa sau là tôi đã thấy ông thợ cối xay lúa đầy quyền lực ấy đến gặp cha tôi, cái cối xay mới khép có hơn năm đã hư rồi sao, ông Hai hỏi, chưa, nhưng mẹ của lũ nhỏ muốn có cái cối xay mới để ở trong nhà, cha tôi nói, bản hợp đồng thi công vắn tắt được ký kết giữa tay đi chân đất chơi sang là cha tôi với tay khép cối xay đầy quyền lực.

thì em cũng thấy đấy, hồi ấy thì coi như một mình qua phải đi khắp nơi để làm thứ công việc coi như ngoài qua là chẳng còn ai, đương hai cái vỏ cối là mất một buổi, khép thớt cối trên cũng mất một buổi, nhưng khép thớt cối dưới là phải mất một ngày, thì em cũng biết đấy, dòng họ nhà qua đến qua là đời thứ bảy làm nghề khép cối xay lúa, tại sao không nói làm cối xay lúa mà là khép cối xay lúa em biết không, là ý nói cối xay lúa cốt ở bộ răng của nó, mà làm bộ răng tức là khép những mảnh gỗ ấy lại với nhau cho thành cái thế trận răng sao cho nó làm được công việc chủ yếu của cái cối xay lúa là sau khi xay thì lúa được bóc hết vỏ

bấy giờ tôi mê việc xem khép cối xay lúa đến nỗi cứ mong cho cái cối xay lúa của nhà mình phải hư gấp đi để cho tôi lại được gặp con người đầy quyền lực ấy, từ chiếc bao lác cũ kỹ là ông ấy bắt đầu trút ra một công cuộc, đối với tôi lúc bấy giờ, nếu nói theo cách nói ngày nay, là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những vật dụng thần kỳ là được trút ra từ một chiếc bao cũ kỹ, tôi nhớ, hết thảy chúng là được làm từ tre, gỗ, những mảnh gỗ vuông vức khoảng bàn tay của con người là được bào chuốt bóng láng mà ông ấy gọi là bộ răng xay, những vồ, đục, hết thảy chúng là được tạo ra từ thứ gốc tre khô rắn chắc, cho nên khi một chiếc vồ chạm vào một chiếc đục thì vang lên rặt thứ âm vang đồng ruộng, những đất ụ mối dẻo dai cướp từ tay lũ ma quỉ ở gò miếu âm hồn là được cho vào các vỏ cối, có phải đấy là lúc ông ấy muốn tỏ cho cả thế giới biết sự tồn tại của ông như một thứ quyền lực, những động tác mạnh mẽ nhất của cơ thể là được ông đem ra dùng vào việc nén thứ đất mang mùi ma quỉ vào các vỏ cối, và, cái giờ phút quyết định của công trình là chẳng phải kém phần long trọng khi đem so một cách khập khiễng với chuyện lắp nối phi thuyền của ngày hôm nay, bấy giờ là ông nghiêm cẩn rải những chiếc răng gỗ lên thứ đất mang mùi ma quỉ, tức khắc, đám răng gỗ chuyển thành thế trận, và dường như toàn bộ trí não của ông lúc bấy giờ là được đem phổ hết vào cái thế trận răng như một thứ hòa âm kỳ tuyệt của nền cơ học cổ điển, thì chẳng phải việc tạo tác một chiếc cối xay lúa là thuộc về những khám phá cơ học cổ điển hay sao, tôi nói là hòa âm bởi bấy giờ là ông bắt đầu cúi xuống với những đục, vồ, và bắt đầu nén, vỗ, nện, thứ âm vang đồng ruộng là cứ tiếp tục vang lên, đam mê và cuồng nhiệt, cho đến lúc ông ấy ngẩng lên, vung nhẹ người một cái như thể để rũ bỏ hết những sai lầm khiếm khuyết trong công cuộc điều chỉnh thế trận răng

phải rồi, là qua cũng phải nói cho em biết, là hồi ấy qua nghe nói ở bên Tây họ muốn làm một cỗ máy gì đó là phải làm bằng kim khí, chứ không như ở xứ mình, phải nói là cha ông ta rất tài giỏi mới nghĩ ra được cái cách làm một cỗ máy xay lúa mà chỉ làm bằng đất với tre với gỗ.

như thế là ông ấy trở lại làng tôi chỉ để làm mỗi công việc nói cho tôi hiểu một cách tường tận về cái cối xay lúa, ông Lê Quí Đôn, tiếng là nhà bác học của nước ta, nhưng hồi cuối thế kỷ 18, khi vào ngồi làm quan ở Phú Xuân, viết sách Phủ Biên Tạp Lục, lúc nhắc đến đất Thuận Hóa, tức cũng là nhắc đến làng tôi, chỉ nói nhiều đến dệt vải, dệt chiếu, làm nón, đúc nồi, đúc mâm, tiếng là nhà bác học mà khi nói đến việc làm ruộng là cái nghề chính của dân đi chân đất ở Thuận Hóa, chỉ nói một câu Ba phủ Qui Nhơn Quảng Ngãi Gia Định thì thóc gạo không kể xiết, không hề có nửa câu nói đến cái cối xay lúa, là thứ không thể không đi kèm với thóc gạo, còn ông Phan Huy Chú, cũng là nhà bác học của nước ta, hồi đầu thế kỷ 19 bắt đầu soạn sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, đến hơn nghìn trang, nhưng cũng chẳng có nửa câu nói về cái cối xay lúa.

thì qua cũng phải nói thiệt với em, là hồi ấy, lúc em hỏi có phải là qua lái cỗ máy xay lúa đi chơi hay không, thì thiệt tình là cầm cái giằng xay, qua vừa xay thử cái cối xay mình vừa khép xong, qua vừa nghĩ tới mấy nước Chà Và, Ấn Độ, thiệt tình là bấy giờ qua cứ ao ước làm sao mình có được một cái quần lãnh, hay một cái áo lụa, là lãnh với lụa của mấy nước ấy đấy.

phải nói là ông ấy chết chỉ mấy chục năm mà cách thức nói năng khác hẳn với hồi còn sống, ông mô tả về sự tồn tại của một cái cối xay lúa như là sự tồn tại của cái yếu tố là làm sao cho bộ răng xay của nó làm được công việc bóc vỏ lúa, sự tồn tại của cái này là đặt trên sự tồn tại của cái kia, cái cách nói của một kẻ có tư duy hẳn hoi, chẳng lẽ sau khi chết thì ông Hai khép cối xay lúa đã trở thành nhà tư tưởng.

chẳng có gì đâu, thời trước xa thời của qua thì nghe nói là thằng Tàu nó làm tê liệt, rồi tới thời của qua thì thằng Tây nó cũng làm tê liệt, dân đi chân đất bọn ta cũng dễ bị tê liệt lắm, thì có sao đâu, em cứ nói với con của em, rồi con của em nó sẽ nói lại với con của con của em, những điều qua nói ra đây là do qua nghĩ ra, là tổ tiên ta tài giỏi mới nghĩ ra được cái cối xay lúa, cầm cái giằng xay để xay thì thấy mình như đang đi đâu đó thiệt xa, thấy đi thiệt xa mà là chửa đi, cầm cái giằng xay để xay thì thấy mình đang ở yên một chỗ, ở yên mà không phải là ở yên, tức là thấy mình đang lẩn quẩn ở trong cõi, mà dẫu biết mình chỉ lẩn quẩn trong cõi thì cũng tránh được cái nạn tê liệt trí não. 

thì cứ coi như ông ấy là cha đẻ hệ thống triết học ấy

34.

một niềm thống khổ ngự trị từ lâu, hay một niềm vui vừa ngang qua cuộc đời ai đó, hay một tỉnh thức sau những năm tháng u mê, hay một cuộc trở về tưng bừng của một người chết đã quá lâu… rốt cuộc ngôi làng tôi đã sinh ra ở đó có phải là chốn trải nghiệm của tồn tại hay không, ba mươi người chứ không phải bốn mươi người như nhiều người tưởng, đến Rừng Trên, vùng rừng núi kéo dài của dãy núi Mun trùng điệp, ở đấy không phải chỉ có ba mươi người, còn có rừng cây sầm uất, còn có những con suối đầy muỗi vắt, còn có lũ chim kêu réo suốt ngày, có lũ thú hiền hậu, thỏ, nai, có lũ thú hung dữ, voi, gấu, cọp, một cuộc tranh giành chỗ ở, âm thầm và khốc liệt, hàng ngày có bao nhiêu thứ ngã xuống, đám cây rừng ngã xuống, lũ thú rừng ngã xuống, chim chóc ngã xuống, con người ngã xuống, sơn lâm chướng khí ăn con người, muỗi vắt ăn con người, rắn rít và voi cọp ăn con người, còn con người thì ăn cây rừng, ăn chim chóc, ăn nai thỏ voi cọp, cuộc ăn qua ăn lại diễn ra trong bao nhiêu năm tháng không ai biết, cuối cùng thì trong số những người đến Rừng Trên có người trò chuyện được với muông thú, người ấy nói những gì với lũ chúng không ai biết, cuối cùng, lũ muông thú lùi sâu vào chỗ núi rừng sâu hơn, nhường đất Rừng Trên cho con người, khi con suối Tượng (hợp lưu của hết thảy những con suối phát nguồn từ núi Mun, con suối còn mưa còn nước, hết mưa hết nước) chảy ngang qua miền đất có lúa khoai lên xanh, và người ta gọi nó là sông Tượng, thì những người đã đến Rừng Trên buổi ấy chỉ còn lại ba người, mấy trăm năm chuyện vẫn được kể như thế, khiến những kẻ hậu sinh luôn sống trong niềm thao thức rằng có phải nơi mình sinh ra là chốn thể nghiệm về một cộng đồng xã hội gồm có cả những sinh vật tư duy, những loài giống con người, và những sinh vật không có tư duy, những rắn rít, chim chóc, voi, cọp, và tạo tác đã thất bại, nửa khuya tôi nằm nghĩ ngợi về cuốn sử làng tôi đang viết, nhưng anh có biết mọi chuyện bắt đầu từ đâu không, ông Quân (ông nghè Lê Quân ở làng tôi hồi cuối thế kỷ 18) chợt xen vào khiến tôi nghĩ ngợi rất nhiều, sao lại là ông nghè Quân nhỉ, nếu là chuyện thật thì cuốn sử tôi đang viết có thêm những kiến giải của một bậc đại bút mấy trăm năm trước, thưa, kẻ hậu sinh đang lắng nghe đây, tôi nói, ngoài bờ rào vườn nhà tôi con ấp muỗi đã thức dậy, một tiếng vỗ cánh nhẹ gõ lên bóng đêm như đang khắc vào dịch chuyển một cuộc hội ngộ chưa từng, bao giờ cũng là một tiếng vỗ cánh của con ấp muỗi, có vẻ như một cách nói ra thành lời của tồn tại, nhưng cách nói của ông nghè Quân lại giống như một cuộc làm chậm lại, hay ngưng lại chốc lát rồi lại tiếp tục trôi, của một dòng chảy trôi qua những ngõ ngách bất trắc, khởi đầu mọi sự là im lặng chăng, ông nghè Quân bắt đầu câu chuyện, nhưng không được, nếu thế cái gì sinh ra những vang động sau đó, tiếng rền của núi, hay tiếng gào khóc của con người nơi mặt đất, hay khởi đầu của mọi sự là cuộc vang động lớn nhất trong những vang động, nhưng nếu thế cái gì sinh ra những im lặng sau đó, nghìn năm bờ đá lặng câm nơi bờ suối, mà trời đất cũng có nói gì đâu, trời đất vẫn lặng im theo nghĩa rộng nhất của từ này, hay khởi đầu mọi sự là cả im lặng lẫn vang động lưng trời, nhưng nếu thế thì cái gì sẽ giải thích cho những gì đã xảy ra sau đó, chỉ là thế này, hoặc chỉ là thế kia, hoặc là chân lý, hoặc là sai lầm, một ngày tháng bảy, nắng, lúa trên đồng làng đang khô héo vì những tháng liền không mưa, ở trong vườn nhà ta đám cây ăn trái cũng đang chờ nước như lúa trên đồng làng, ta thấy chúng bơ phờ như thể đang lạc lõng giữa một thế giới có vẻ như không còn có mối liên quan nào giữa các sự vật, có, bên dưới những tàng cây của chúng lũ gà đang trốn nắng, nhưng đấy đâu phải chốn nương thân của đám gia cầm chỉ còn trông chờ vào mỗi việc tìm kiếm các thứ côn trùng gần như đã cạn kiệt ở bên dưới mặt đất trong vườn nhà, cái buổi, chỉ có mỗi chuyện nắng, đã làm rối tung lên mọi thứ trong một ngôi làng nhỏ bé, ta cứ cảm thấy như có kẻ nào đấy, ai nhỉ, đang mỉm cười nhìn ngắm bọn ta: lúa héo trên đồng làng, đám cây cối và đám gà đang đói khát ở trong vườn, và ta, kẻ như đang bị tước hết mọi quyền lực trong việc cai quản đất đai, chẳng lẽ có ai đó đang đùa giỡn với bọn ta, nhưng bà lão nhà bên lại chạy sang như để cầu cứu ta, kẻ có nhiều chữ nghĩa nhất trong làng, hãy cứu lấy con trai của già này, bà lão phều phào, bà ấy cứ tưởng chữ nghĩa của ta sẽ ngăn được cơn giận dữ của lịch sử, ta đã chạy sang nhà bà lão, thì một mảnh hồn trần đang bị hất tung ra khỏi cuộc tồn tại, một người đàn ông đang giãy dụa trên máu, kẻ xóa sổ cuộc sống của một con người là một kẻ nỗi giận dữ gần như để lộ ra hết trên nét mặt và trong cung cách cầm cây gươm, ai muốn ngược chính nghĩa thì chết, kẻ ấy thét, rồi lệnh cho đám tùy tùng rời khỏi nhà bà lão, ta biết khi một người nhân danh chính nghĩa nhất định là phải đến từ một ngõ ngách lịch sử nào đó vẫn tự coi mình chính nghĩa, nhưng nực cười, con trai bà lão, con người vốn là kẻ hiền lành nhất làng trong cách nhìn của kẻ nhân danh chính nghĩa lại là kẻ ngược chính nghĩa, tự dưng lũ quạ lại kéo đến dày đặc bầu trời trên đầu ta, để tiễn biệt một con người vừa mới rời bỏ cuộc sống, hay chỉ vì mùi máu, hay chỉ vì lũ gà đang sắp chết trong những khu vườn trong làng, lũ quạ, nếu kéo tới tìm mồi, lại cũng là một lũ sát thủ, ta, kẻ nhiều chữ nghĩa nhất làng, vẫn không hiểu tại sao chỉ trong một khoảnh ngắn ngủi thế lại có thể diễn ra bao nhiêu thứ , cũng như sau đó, khi ấy ta chết cũng đã khá lâu, cũng không hiểu tại sao lại diễn ra như thế, ta đã gặp lại đúng cái thằng cha đã xách gươm chém chết con trai bà lão hồi ấy, bây giờ thằng cha ấy cũng cầm đầu một đám người cũng có vẻ buồn bã như lúc thằng cha ấy chém chết con trai bà lão, chết rồi cũng có những nỗi buồn giống như khi chưa chết hay sao, và khi nhìn thấy ta, thằng cha ấy, vẻ mặt cũng kiêu căng như hồi ấy, là người chép sử làng anh có biết như thế là thế nào hay không, chẳng lẽ loài người chỉ có mỗi thứ lịch sử, nay diễn ra ở nơi này, mai diễn ra nơi kia, một cuộc đùa nghịch ư… một giấc mơ vô cùng rối rắm, thức dậy, tôi nằm nghĩ mãi nghĩ mãi những lời ông nghè Quân trong mơ

35.

cuối cùng thì chúng tôi cũng có được cuộc đoàn tụ, cha mẹ tôi, anh Hai Lực tôi, và tôi,

liệu con có làm được hay không, thấy anh tôi loay hoay sắp xếp lại những xương chân xương tay, cha tôi nói,

còn mẹ tôi chỉ ngồi lau nước mắt,

anh trai tôi chết trước cha mẹ tôi, chết đến hai lần, lần đầu là bị treo cổ trong cuộc thanh trừng đẫm máu của làng, và lần sau là bị trúng bom chết ở gò thổ mộ của làng,

mấy cái xương chết tiệt hành hạ con suốt, anh Hai Lực tôi nhìn cha mẹ tôi, nói, chẳng tỏ chút đau đớn, nhưng tôi cũng phải đi lấy cuộn băng để giúp anh ấy băng bó lại chân tay,

đêm tháng ba, lũ côn trùng nơi bờ rào trước nhà đã bắt đầu tấu lên bản dạ khúc giữa đêm, tôi gọi là dạ khúc là để cho cuộc đoàn tụ chỉ có thể diễn ra trong đêm trở nên sang trọng,

buồn, cha tôi kêu buồn khi nghe tiếng côn trùng nơi bờ rào, tôi nói đêm nào chúng lại chẳng ra rả như thế,

mẹ tôi đi kiếm cái rổ trầu, tôi nói để con đi lấy cho, ba mươi mấy năm tôi vẫn giấu kỹ cái rổ trầu của mẹ trong tủ gỗ,

uống trà đi kẻo nguội, tôi nói với cha tôi và anh tôi, tôi đã pha sẵn trà tự lúc cha tôi nhắn gửi qua ngọn gió đầu hôm rằng đêm nay cha mẹ và anh trai tôi sẽ trở về nhà,

cuộc đoàn tụ như giấc mơ thế kỷ, anh Hai Lực tôi nói, nhúc nhắc đến bên bàn nước, bưng trà uống, 

thế nào, con thương lượng có được không, cha tôi hỏi,

dạ không được, không thể có bất cứ một cuộc gặp gỡ nào giữa những người còn sống và những người đã chết, đó là thứ học thuyết mới nhất nhà cầm quyền vừa phổ biến trong xứ sở chúng ta, tôi nói, tôi biết cha tôi đang để hết tâm trí vào việc làm sao duy trì cuộc đối thoại ông cho là cần thiết cho sự tồn tại của nhân loại, cuộc đối giữa những người chết và những người đang sống, với ông, cuộc trò chuyện giữa quá khứ và hiện tại như những kinh nghiệm sinh tử trong cuộc tiến hóa đầy gian truân của con người, trở về lần này tôi thấy cha tôi có vẻ gì khác hơn những lần trước, buồn và âu lo, hay là ông muốn nói với tôi điều hệ trọng gì đó trước khi mãi mãi không còn được gặp lại tôi, cho đến lúc sắp sáng, ông mới nói ra,

ta đã qua chín mươi chín cõi chết, nói bằng ngôn ngữ của kẻ lưu đày, nhìn bằng đôi mắt của một người đã rời bỏ thế gian, ta rời bỏ thế gian đã lâu, nhưng vẫn cứ vương vất trong thứ trí nhớ có vẻ đã ra khỏi ta ngày ấy, tiếng con nghé con lạc mẹ buổi chiều hôm, và nửa khuya, con chim ấp muỗi vỗ cánh bay lên khỏi bờ rào trước ngõ, ảo ảnh, hay không là ảo ảnh, có vẻ như vẫn chưa ra khỏi thứ trí nhớ có vẻ đã ra khỏi ta ngày ấy, trưa ra, thấy ai ngửa mặt nhìn trời hát dưới nắng, rằng con rắn đen đang trườn bò đi giữa đất nước, ai có thể kể ra cho hết những cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật, tối ra, thấy có ngọn gió thổi qua hàng cây trước ngõ, một người đi, rồi trăm nghìn người đi, những nghìn năm qua người ta vẫn cứ đi tìm, thế giới như một cuộc tìm kiếm bất tận, ta đã qua chín mươi chín vương quốc của những người chết, ở đây không có cái lớn nhất, không có cái không lớn nhất, ở đây, ta nhìn thấy những ngu xuẩn và cố chấp đang chập choạng như không chốn nương thân, những ngu xuẩn và cố chấp vẫn ẩn náu trong thứ sách vở văn chương không làm cho con người ta vui, ẩn náu trong sự tàn bạo của loài người, ở đây là những vương quốc của bình đẳng, sự bình đẳng về cái chết, ta đã qua chín mươi chín vương quốc của sự bình đẳng, vừa giả làm vua vương quốc vừa giả làm thần dân của vương quốc, ta trò chuyện với ta, thưa quốc vương, có phải học thuyết về cái chết là nền tảng cho sự tồn tại của vương quốc chúng ta, ở đây chẳng có học thuyết nào cả, học thuyết chỉ là ngôn ngữ của trần gian nhằm để an ủi nhau về sự nhỏ bé và ngắn ngủi của kiếp con người, vị quốc vương nói, và nhìn ta với ánh mắt nghiêm khắc, ta sợ, sờ thử lên đầu, sờ thử lên chân tay, thì thấy như là máu đang lưu chảy trong châu thân,

tôi thấy cha tôi khóc, lần đầu tiên, sau khi ông chết, tôi đã thấy cha tôi khóc, 

nhưng lão trưởng làng ấy có còn sống hay không, cha tôi chợt quay sang hỏi tôi,

và đã có tiếng gà gáy sáng đâu phía cuối làng vọng lại, 

gà nhà ai gáy lớn tiếng quá vậy, mẹ tôi nói, vẻ luyến tiếc, vì chẳng còn có thể ở lại được nữa,

con phải đi trước đây, anh Hai Lực tôi nói, và vội vã băng ra ngõ, đã có nhiều tiếng gà rộ lên trong làng, tôi biết anh ấy rất sợ nhìn thấy lại ngày của trần gian, 

lão trưởng làng đã bỏ tù cha vì tội đọc sách suốt ngày suốt đêm đã chết lâu rồi, tôi cũng chỉ kịp thông báo với cha tôi mỗi thông tin ấy của làng, vì ông đã dắt mẹ tôi đứng lên,

mẹ rất tiếc là không thể đem theo cái rổ trầu, mẹ tôi nói, nhìn tôi, và lau nước mắt,

lịch sử chỉ là một thứ bản nháp, chẳng có gì là chắc chắn hết, chẳng có gì là thật hết, con ạ, cha tôi dặn tôi, rồi dắt mẹ tôi băng ra ngõ,

giã tháng 8.2014 tháng 12.2017

Comments are closed.