Nhạc Nguyễn Đình Toàn, tiếng kêu bi thương của thời đại

T.Vấn

(Nhân ĐÊM NHẠC NGUYỄN ĐÌNH TOÀN: MỘT NGÀY SAU CHIẾN TRANH do CLB Văn-Nghệ Viện Việt-Học vào Thứ Bảy 13/4/2019 từ 7:00 PM đến 10:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt.)

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (Ảnh: Lưu Na)

Để giới thiệu một người đã thành danh như Nguyễn Đình Toàn, quả là một việc làm thừa thãi. Và khó. Dù vậy, cảm giác mình mang món nợ gần hết một đời người với ông, cứ làm tôi vào suy, ra nghĩ, lấn cấn không yên. Cho đến khi nhận được mấy CD nhạc ông gởi “nghe chơi” qua người bạn trẻ Lưu Na, và lời “tiết lộ” rằng ông phải mày mò tìm chỗ này một bài, chỗ kia một bài mới tạm gom lại được những đứa con âm nhạc của mình, tôi chợt nghĩ ra cách để… trả ơn ông, món nợ càng mang càng nặng, vì lãi đẻ ra lời, lời đẻ ra lãi.

Gần 50 năm, kể từ ngày tôi đọc những dòng chữ đầu tiên của tiểu thuyết “Con Đường” (Sài Gòn 1972, Giao Điểm xuất bản), làm quen với thế giới văn chương Nguyễn Đình Toàn, và từ đó, không nỡ buông ra, không thể buông ra, tôi đã nghiện cái không khí ẩm ướt của những trang chuyện, với những nhân vật không thật mà như có thật, không tên mà như có tên, mỗi người đều mang nỗi buồn riêng, như nỗi buồn của chính tôi. Từ ngày ấy, tôi biết thế nào là văn chương, qua chữ nghĩa Nguyễn Đình Toàn. Trên trang viết T.Vấn & Bạn Hữu, tôi đã hơn một lần nhận ông là người thầy chưa một lần gặp, dù quanh tôi, luôn phảng phất bóng dáng ông.

50 năm sau, nhà văn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã khẳng định mình ở bộ môn âm nhạc. Dù ông chưa bao giờ tự nhận, nhưng danh xưng nhạc sĩ để trước cái tên Nguyễn Đình Toàn bây giờ đã là điều mặc nhiên. Vì ông xứng đáng với danh xưng ấy hơn rất nhiều những người tự/được gọi là nhạc sĩ. Với tôi, nếu trước đây nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã chinh phục tôi như thế nào, thì giờ này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng chinh phục tôi như thế ấy. Ông chứng minh cho tôi thấy rằng một bài hát, bằng vào sự phối hợp tuyệt diệu giữa nốt nhạc và lời nhạc, tạo nên một ấn tượng sâu sắc nơi người nghe hơn hẳn một bài thơ hay, chuyên chở nhiều ý nghĩa hơn một bài văn hay, và ở lại trong lòng người nghe lâu hơn bất cứ lọai hình nghệ thuật nào. Ít nhất, với tôi, nhạc của Nguyễn Đình Toàn đã làm được công việc ấy, một cách xuất sắc. Nghe nhạc của Nguyễn Đình Toàn, là bước vào một thế giới nội tâm đau xót, không phải chỉ của tác giả, không phải chỉ của người hát, mà còn của chính mình, người nghe. Sau cơn đau xót, là nỗi bi phẫn. Trong nhạc của Nguyễn Đình Toàn, tôi nhìn thấy sự tang thương của đất nước tôi, bao năm trôi qua kể từ ngày chiến tranh chấm dứt vẫn còn chia rẽ, hận thù, dối trá, lừa lọc. Dấu vết thời đại hằn rõ nét trong nhạc của ông, nên người ta nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn không phải để giải trí, mà là để tự đắm mình trong những dằn vặt không bao giờ nguôi ngoai. Mà hình như nhà văn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết nhạc không phải như một cuộc phiêu lưu vào những bộ môn nghệ thuật khác để chứng tỏ với người/với mình về một khả năng đa dạng. Theo tôi, ông chọn âm nhạc như phương tiện hữu hiệu nhất để phát biểu tiếng nói chân thực của trái tim con người trước những biến đổi tàn nhẫn của lịch sử. Và ông đã thành công. Cuối đời, với vai trò người viết nhạc, Nguyễn Đình Toàn đã khắc họa được những tiếng kêu bi thương nhất của con người thời đại. Bi thương ở cả nghĩa đen của âm thanh (nốt nhạc) và nghĩa bóng của ngôn ngữ (lời nhạc).

Người bạn trẻ Lưu Na của trang T.Vấn & Bạn Hữu đã nhận xét khá thú vị về nhạc Nguyễn Đình Toàn:

Lời nhạc của ông thường cứ như dao lách vào lòng người nghe, vào những ngõ ngách của tâm hồn mà không phải ai cũng gọi được tên. Khen chữ của Nguyễn Đình Toàn là khen phò mã tốt áo. Nhưng đọc lời nhạc Nguyễn Đình Toàn thì mình nghĩ hay không vì chải chuốt mượt mà hay cầu kỳ văn hoa. Nó hay ở cái chỗ giản dị mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn. Không cầu kỳ, không phóng đại, chỉ đúng chỗ đúng mức đúng tâm tư…

Nhạc giản dị, nhưng không dễ hát và lại kén giọng. Range rất rộng, từ Sol (G) dưới Do trung (C) lên đến Mi (E), khó chuyển giọng, và thích hợp với giọng nam nhiều hơn giọng nữ… Thêm nữa là ông thả nhiều nốt bất ngờ, không như lẽ thường theo đúng hợp âm. Thường nghe nhạc, ai nghe một câu cũng có thể lái theo câu kế, nhưng rồi Nguyễn Đình Toàn lại thả vào một nốt khác cái khung dự đoán. Vì vậy nghe lạ và thành mới!

Với mình, đặc sắc chính ở chỗ giản dị, giản dị từ nhạc đến lời, không ở chỗ cầu kỳ chải chuốt; đặc sắc ở chỗ chọn đúng chữ đúng lời, chọn đúng nốt nhạc để láy. Nhạc Nguyễn Đình Toàn như tấm áo cắt khéo, mũi chỉ đường kim sắc sảo trên nền vải lựa đúng hàng đúng màu sắc đúng chiều sớ vải. Tấm áo sang chính vì cái giản dị có cân nhắc có nghệ thuật. Chiếc áo sang làm đẹp vóc người mặc mát mắt người nhìn. Bài nhạc sang làm rõ bản lãnh người hát và đẹp tâm hồn người nghe. Nhưng đồng cảm, phải có cả một tâm hồn, không biết có bao nhiêu người thấm thía với Nguyễn Đình Toàn?… (Lưu Na – Nguyễn Đình Toàn: Của Chữ và Người).

Trong nỗ lực nhận diện Nguyễn Đình Toàn với tư cách một nhạc sĩ, tôi thấm thía vô cùng cảm tưởng của một người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi khi nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn:

“…khi tiếng nói của mỗi con người bị tắt nghẹn, chúng ta có âm thanh nào để nói lên nỗi khổ đau? Đứng dưới đáy vực sâu con thú còn có tiếng kêu bi thương, sao chúng ta phải đành nghẹn ngào nhìn đời sống tàn lụi, giọt nước mắt cho mình cho người phải đành chảy ngược vào hồn? Chính trong nỗi đau quê hương con người bị tàn phá mà dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn mang lại cho mình một điểm tựa, một niềm tin.

Dòng nhạc ấy giữ lại cho mình một tình yêu đơn sơ, một niềm yêu lãng mạn dẫu đất đen dường đã len vào hồn ta, dẫu đời chẳng còn ai. Một giọt sương trong một mầm lá mỏng, một ánh trăng phai một chiếc lá mừng đổi hương nồng… Ngôn ngữ mến yêu của chúng ta đẹp hơn khi dội được vào lòng những hình ảnh những cảm niệm những tiếng khóc những nỗi niềm. Chẳng biển rộng sông dài, chẳng núi cao vực sâu, chỉ là những tiếng võ vàng khua động giữa thâm tâm. Nơi những lời không nói được, Nguyễn Đình Toàn đã gói vào những âm vang ray rứt khổ đau cho mình cất tiếng. Nghe với nhau để chung hoà, hát một mình để khóc. Để khóc… Và mừng, vì chính lúc thoát ra được những âm vang ray rứt khổ đau ấy mà mình tìm lại được mình tìm lại được nhau. Mai sau dù có bao giờ… (Lưu Na).

Sáng tác âm nhạc, khác với những lọai hình nghệ thuật thơ văn, đến với người thưởng ngọan qua trung gian người trình bày. Với nhạc của Nguyễn Đình Toàn , tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly là một trung gian tuyệt vời nhất. Người nghệ sĩ già dặn kinh nghiệm ấy đã chuyển tải trọn vẹn tiếng lòng người viết nhạc, và đôi khi còn nâng những gịot âm thanh lên một độ cao nghệ thuật rất bất ngờ, và cũng rất buốt lòng. Đặc biệt với CD Hiên Cúc Vàng gồm 10 bài nhạc tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tiếng hát Khánh Ly đã chứng tỏ sự thành công cuối đời của bà gắn liền với nhạc Nguyễn Đình Toàn, như cách đây 50 năm, sự thành công đầu đời của bà đã gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn.

Trang T.Vấn & Bạn Hữu, với sự cho phép và hiệu đính của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, sẽ lần lượt giới thiệu và lưu trữ tất cả những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ, như “một bông hồng tạ ơn” gởi đến con người tài hoa đã dành cả đời mình cho nghệ thuật. Đúng ra, công việc chính của chúng tôi là thu gom và lưu trữ những tác phẩm của ông đã được thính giả khắp nơi đưa lên rải rác ở các trang lưu trữ âm nhạc, mà như trên đã nhắc đến, chính tác giả cũng không có được trong tay đấy đủ những đứa con tinh thần của mình.

Chuyên mục “Góc Nhạc” của trang T.Vấn & Bạn Hữu sẽ là nơi chuyên chở gia tài âm nhạc Nguyễn Đình Toàn. Và vì tầm vóc của gia tài ấy, việc thực hiện sẽ cần nhiều thời gian. Chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ của người yêu nhạc Nguyễn Đình Toàn, để cùng nhau, chúng ta gởi đến ông một bông hồng đẹp tạ ơn.

Rồi đây, ông sẽ trăm tuổi. Lúc ấy, được nhìn thấy công trình một đời của mình “thu về một mối”, há chẳng phải là sự mãn nguyện cho ông (và cho tôi, kẻ mang nợ) hay sao?

Người đời sau, có ai muốn biết đến tác phẩm của một nhạc sĩ có tên Nguyễn Đình Toàn, hẳn cũng sẽ có một nơi tìm đến mà lắng nghe tiếng kêu bi thương của một thời đại và nhỏ đôi dòng nước mắt cho những tiền nhân rất không may trong lịch sử.

Comments are closed.