Ý thức sáng tác truyện ngắn (kỳ 11)

Phong cách truyền đạt văn chương hậu hiện đại

Ngu Yên


Về học thuật, có thể nói rằng, sau khi truyện hiện đại nỗ lực xây dựng những qui tắc, những tiêu chuẩn giá trị cao, tiến đến đỉnh hoàn hảo cho sáng tác, đã tự tạo thành sự tù túng và vây hãm sáng tạo. Yếu tính này vốn nghịch ngạo với văn chương. Sự thoát ly của Magic Realism là một thành công dẫn chứng cho sáng tác hậu hiện đại cần đi tìm những con đường sáng tác mới.

Những qui tắc, luật lệ sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết trong tinh thần hiện đại, có chủ ý tạo ra tiêu chuẩn phổ quát và phổ thông. Là siêu bản để giáo dục, kiểu mẫu hóa văn chương, mang tính thống trị. Là mục tiêu bị hậu hiện đại bài bác và nỗ lực thay thế.

Hậu hiện đại nhắm đến học thuật vi mô, mảnh rời, mang bản sắc và kỹ thuật của cộng đồng hoặc xã hội mà tác phẩm thành hình. Văn chương hậu hiện đại không chỉ là một phần của văn hóa xã hội và lịch sử, mà còn là phương cách đặc biệt để mô tả đời sống, văn hóa và nỗi nghi ngờ sau thời hiện đại.

Sự khủng hoảng khi nhận diện con người, bao gồm dân tộc, tình dục, xã hội, văn hóa, tâm lý, tôn giáo… Sự khủng hoảng khi tương tranh để hợp thức vào môi trường giả hình. Ví dụ, những tranh đấu nhân quyền, sắc tộc quyền, thiểu số quyền, nữ quyền, giới tính quyền…, những đấu tranh trả lại thuộc địa và đòi hỏi quyền bình đẳng chung sống của các quốc gia…. Những khủng hoảng này là vấn đề giải quyết của hậu hiện đại, thể hiện trong văn chương hậu hiện đại.

Vì không có siêu bản cho học thuật về kỹ thuật và thủ pháp, những vi mô bản của học thuật hậu hiện đại tìm thấy trên từng tác giả thành danh và từng tác phẩm giá trị. Những vi mô bản mang tính độc lập, không cần thiết tập hợp hay thống nhất, dẫn đến kết quả nghệ thuật và xác định kỹ thuật, thủ pháp trở nên rời rạc và bất nhất. Người đọc sẽ tìm thấy những đặc điểm chung như: nghịch biện, phân mảnh, kể truyện một cách nghi vấn …

Tuy vậy, học thuật đến từ học thuyết. Kỹ thuật và thủ pháp sáng tác của hậu hiện đại không thể ra ngoài phạm vi và yếu tính của hậu hiện đại. Nghệ thuật sáng tác vẫn phải cưu mang đặc tính và yếu tố của thời đại mà nó được xây dựng.

Một tác phẩm hậu hiện đại là tác phẩm hội đủ chủ đề và bản sắc của hậu hiện đại. Bao gồm luôn đặc điểm, đặc tính, thủ pháp, kỹ thuật và tinh thần. Tuy vậy, những điều vừa nêu ra nằm trong ý thức giả định vì rốt ráo hậu hiện đại là một học thuyết tự nghi ngờ chính bản thân.

Đặc điểm văn chương hậu hiện đại

Quan niệm của văn chương hậu hiện đại xây dựng trên khái niệm “siêu văn bản” và “vi mô bản” của Lyotard, trên quan điểm “chơi” của Derrida, trên khái niệm “quyền lực” của Foucault, trên khái niệm “cận giả mạo” của Baudrillard và những tư tưởng liên quan đến quyền lực của chủ thể (tức là cá nhân) nhỏ hơn và bị áp đảo bởi quyền lực xã hội mà cá nhân sinh hoạt bên trong.

1- Từ những khái niệm tư tưởng đưa đến những đặc điểm giả định dễ nhận ra: mỉa mai, khôi hài, u mặc trong văn bản. Những nhà văn hậu hiện đại trong đội ngũ u mặc tân thời, (phân biệt với u mặc của Thiền) như John Barth, Joseph Heller, William Gaddis … Kurt Vonnegut và Bruce Jay Friedman. (U mặc hiện thời không còn cư ngụ nơi triết học hoặc tư tưởng cao kỳ mà đi sâu vào đời sống bình thường, kể cả những địa phương tục tằn và kém trí thức).

Tính mỉa mai là phản ứng của thiểu số kém quyền lực. Trình bày một quan điểm chủ quan ngược lại với sự công nhận hoặc chấp nhận của đám đông, của chính sử, của quyền hành. Tính mỉa mai cũng nói lên tâm trạng không chắc hoàn toàn đúng, nhưng không hài lòng. Một sự tự ý thức trong văn chương. Tính mỉa mai thường xuyên xuất hiện trong văn chương hậu hiện đại. Nói một cách khác, mỉa mai không hẳn đã đúng, hoặc có một ý tưởng đúng hơn, chỉ là một nhận thức, thông thường đến từ trực giác trước khi ý thức thành hình. Cảm tưởng mỉa mai đến từ không vừa ý, thấy sai lầm, biết hậu quả tai hại, nhưng không đủ quyền lực để thuyết phục đám đông. Hậu hiện đại vì nghi ngờ chính quyền lực và khả năng của bản thân, nên phản ứng nghi ngờ là bản sắc. Mỉa mai không đến từ ý tưởng hoặc tưởng tượng bịa đặt hay hoang tưởng mà đến từ kinh nghiệm sống.

2- Trình bày và diễn đạt theo mảnh rời

Vượt ra phạm vi cấu trúc căn bản của truyện hiện đại, đòi hỏi mở, kết và thân truyện. Đòi hỏi một luận lý mạch lạc và một thứ tự hợp lý xảy ra trong một khoảng thời gian dàn dựng. Hậu hiện đại chọn một cách trình bày khác, không phải là chỉ nam, chỉ là hình thức văn phong: diễn đạt theo từng mảnh rời.

Những phần truyện trong các mảnh rời như những mặt kính khác nhau, ráp lại thành một khối. Tuy không theo luận lý xuyên suốt nhưng có luận lý tổng hợp. Bản chất ngắn và tính nhất quán vẫn giữ nhưng không quyết tôn trọng như xưa.

Ưu điểm của mảnh rời là câu truyện có thể nhảy vọt và thay đổi dễ dàng, không đòi hỏi sự liên kết. Do đó, tác giả có thể quyền biến cốt truyện, gây ra nhiều kinh ngạc, và cho văn học một thể loại kể truyện khác với truyền thống.

Mỗi mảnh rời có thể độc lập, có thể liên hợp, tùy vào ý định và khả năng sáng tạo. Nghệ thuật kể truyện theo mảnh rời, đòi hỏi thủ pháp mô tả và dàn dựng khác hơn lối viết dàn trải bày tỏ tâm lý, tình cảm và ý tưởng. Mỗi mảnh rời không thể quá dài, sẽ làm cho người đọc lạc mất những mảnh rời khác. Vì vậy, kỹ thuật chọn lựa chi tiết nào nên kể và trình bày chi tiết theo cách nào là tài năng và kinh nghiệm của mỗi tác giả.

Mô hình thứ nhất, những mảnh rời như những cửa sổ, mở hé, mở rộng, che màn hoặc vén màn, mục đích để độc giả có cơ hội nhìn vào trung tâm và toàn bộ câu truyện.

Mô hình thứ hai, những mảnh rời mở cửa lớn, cho phép độc giả đi từ phòng này qua phòng kia, đi hết các phòng không cần thứ tự, miễn sau khi xem, nhận thức được toàn truyện muốn nói điều gì, căn nhà đẹp hay xấu, phẩm chất xây cất ở cấp độ nào, và hữu dụng ra sao.

Mô hình thứ ba, những mảnh rời chồng lên nhau như tòa lầu nhiều tầng. Tác giả dẫn độc giả đi thăm viếng từng khu vực, không cần theo thứ tự. Lối đi có thể là thang máy, thang tầng cấp, hoặc trèo qua cửa sổ, miễn là độc giả không bỏ cuộc giữa chừng. Việc này đòi hỏi tài khéo léo sắp đặt và kể lể của tác giả.

3- Sự biến dạng của thời gian

Truyện hậu hiện đại sử dụng sự biến dạng của thời gian trong nhiều cách khác nhau. Trước tiên và thông dụng là truyện băng qua thời gian để vào một thế giới xa xưa hay viễn lai. Nhưng đặc biệt hơn là sử dụng thời gian sai lệch với sự kiện thực tế, tạo ra một ảo cảnh, để diễn đạt ý định. Ví dụ trong truyện Flight to Canada của Ishmael Reed, kể về tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln sử dụng điện thoại. Ông Lincoln sống trong giai đoạn 1809-1865. Alexander GrahamBell phát minh và nhận bằng sáng chế ngày 7 tháng 3 năm 1876. Sự sai biệt này có mục đích chế giễu khoa học thực dụng. Trong một số truyện khác, những chuyện rời xảy ra trong cùng một thời điểm. Đồng loạt nhấn mạnh về quan điểm hoặc ý nghĩa của truyện.

Sự sai biệt nghịch lý về thời gian luôn luôn là một ám chỉ, gợi ý, một hình thái ẩn dụ động, một biến dạng, mang ý nghĩa mạnh mẽ ẩn giấu bên trong hoặc móc nối với liên văn bản. Những nghịch lý chẳng những điềm chỉ sự nghi ngờ về sự kiện, sự vật, mà còn nói lên sự nghi ngờ về kiến thức và kinh nghiệm nội tâm.

4- Tái lập

Sự Tái Lập (parody) trong tư tưởng của Lind Hutcheon (A Theory of Parody, 1985), của Margaret Rose, của Fredric Jameson khác với áp dụng Tái Lập trong chủ nghĩa hiện thực. Tái Lập trong nghĩa hiện thực gần gũi với Tái Tạo. Trong khi Hutcheon xác định Tái Lập “như một kỹ thuật tự phản thân, nhưng cũng đưa đến nghệ thuật như sự nhảy vọt không thể tránh khỏi đến thẩm mỹ và ngay cả xã hội thời đã qua.” Điều mà ông muốn mở rộng ở đây là nói về những hình thức nghệ thuật cũ, bao gồm thể loại và văn phong truyền thống như: trinh thám, chuyện tình, chuyện dâm, chuyện miền Viễn Tây, chuyện khoa học giả tưởng, chuyện kinh dị … được hậu hiện đại viết lại, đưa vào bối cảnh đương thời và bất ngờ.

Viết lại, chuyển đổi, thay đổi kiểu mẫu và văn phong từ những tác phẩm văn học nổi tiếng, hậu hiện đại tái lập một nhãn quan khác về thực tế, lịch sử và vị trí cho các sắc tộc thiểu số, các xã hội địa phương, và những thành phần thất thế. Tóm lại, sự tái lập và tái dụng cho thấy sự khác biệt giữa thời hôm nay và thời quá khứ.

Tái lập vừa là nghệ thuật, vừa là thủ pháp, quan trọng trong cách thành hình tác phẩm hậu hiện đại. Chưa có quy luật nào kiểm soát sự tái lập văn chương và nghệ thuật, nhưng có một số điều bất thành văn căn cứ vào đời sống và đạo đức sáng tác. Ví dụ, tái lập không được chấp nhận khi có đính kèm ý đồ lừa đảo.

5- Tái dụng

Từ pastiche, cóp nhặt, phỏng tác, đến từ ngôn ngữ Ý pasticcio, nghĩa là một hỗn hợp của các thành phần khác nhau.

Tác phẩm hậu hiện đại bao gồm các phong cách, thể loại, sắc giọng, và phương thức khác nhau. Mỗi yếu tố trên đóng vai trò quan trọng trong thành phần tạo ra tác phẩm.

Khởi đầu, sự cóp nhặt và phỏng tác bị phê phán, chê bai vì thiếu giá trị nghệ thuật và nhất là mục đích không tốt đẹp, không văn chương. Về sau, hậu hiện đại nghiêng về tái dụng, tức là bắt chước, vay mượn, nhưng viết lại với mỹ thuật khác, trong bối cảnh ngôn ngữ khác, và xã hội, văn hóa khác. Như Wiiliam S. Burroughs sử dụng khoa học giả tưởng phối hợp tiểu thuyết trinh thám và truyện miền Viễn Tây, Margaret Atwood dùng khoa học giả tưởng với truyện cổ tích, Umberto Atwood dùng khoa học, trinh thám và cổ tích… Rõ rệt nhất là Thomas Pynchon, ông dùng tất cả thể loại, thêm vào ca khúc, và văn hóa Pop… Có những tác phẩm vượt qua tái dụng, tạo thành một loại “phỏng sáng tác”. Đi xa hơn là tiểu thuyết The Unfortunates của B.S. Johnson, 1969. Cuốn tiểu thuyết được sắp xếp trong hộp, không đóng gáy. Độc giả có thể ráp đặt, dàn xếp lại theo ý riêng.

Những tác phẩm hậu hiện đại thường cưu mang hoặc thể hiện những đặc điểm, đặc tính của hậu hiện đại. Vì có nhiều tác phẩm trong thời hậu hiện đại nhưng vẫn là tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện đại. Nói một cách đúng đắn, trong thời hậu hiện đại đang ngự trị vàng son (1960-1980), tác phẩm mang tính Hiện Đại không phải chết yểu hoặc biến mất, chúng vẫn có mặt, tuy âm thầm và số lượng ít.

Nhìn chung, thủ pháp, kỹ thuật, văn phong hậu hiện đại thể hiện một cách riêng rẽ, không cần phải qui tắc hóa. Tính mô phỏng, bắt chước và giả mạo xây dựng trên những gì đã có. Nghĩa là, hậu hiện đại phải dựa vào một số quy tắc đã được công nhận. Sáng tác không nhất thiết cần tìm mẫu số chung của học thuật, mà cảm nhận những học thuật riêng của từng tác phẩm và từng tác giả, của từng phong trào hoặc từng học thuyết văn chương.

Dù vậy, giới nghiên cứu phê bình vẫn nỗ lực đi đến những giả định nét đặc biệt trong học thuật:

1- Hậu hiện đại không chấp nhận sự tồn tại giữa bản chất nghệ thuật “cao” và “thấp”.

2- Duy trì tính tự phản ảnh và tự ý thức, sự phân mảnh, và mơ hồ.

3- Chủ yếu là đối tượng luôn luôn bị nghi ngờ vì vậy sự truyền đạt về đối tượng luôn luôn trong ý thức nghi vấn.

Tuy chưa phải chính thức, nhưng bước sang thời đương đại, một số người gọi là thời Hậu Hậu Hiện Đại (Post-Postmodernism). Cụm từ này cho thấy sự lưỡng lự trong việc định danh. Bản chất và hiệu quả hậu hiện đại vẫn kéo dài ảnh hưởng. Nhất là diện văn chương, truyện ngắn có khả năng nhạy cảm và dễ thay đổi, trong khi tiểu thuyết bao giờ cũng chậm hơn. Vì vậy giữa hậu hiện đại và hậu hậu hiện đại sẽ là một khoảng hỗn độn và sự biến dạng của tác phẩm, sự thay đổi của tác giả và sự ngập ngừng của văn học thế giới.

Về mặt tư tưởng, sự trưởng thành và chứng minh được giá trị của học thuyết cần thời gian. Có những học thuyết bắt đầu với hậu hiện đại nhưng nảy nở hoặc phá triển mạnh vào đầu thế kỷ 21, như Mô Phỏng Hiện Đại, Thuyết Tối Thiểu, Tuyết Tối Đa, Thuyết nữ quyền, Thuyết giới tính, v.v.

Không một nhà phê bình nào, không một kết quả nghiên cứu nào có thể xác định rõ ràng về khả năng, hiệu quả, và những biến dạng trong tương lai của hậu hiện đại, vì rõ ràng không bao giờ có thể rõ ràng. Ngay cả việc đơn giản như xác định thời điểm khởi đầu hoặc chấm dứt của hậu hiện đại cũng không chắc chắn, chỉ có giá trị tương đối.

Sự kiện chồng chéo lên nhau của các thời đại thường gây rối mù cho nghiên cứu phê bình trong công việc đánh mốc, phân biệt lịch sử, xác định tư tưởng, phê phán tác phẩm và sắp loại tác giả. Sự khó khăn này sẽ là mấu chốt mà văn học thế giới sẽ phải đối diện khi đưa ra một tên gọi tương ứng cho thời đương đại.

Comments are closed.