Những tháng ngày ngột ngạt – nhật ký Hà Nội 1974 (kỳ II)

Vương Trí Nhàn

26/5

Hình như tất cả các khu vực của đời sống đều là đang ở vào chung một tình trạng. Đi đâu cũng gặp những điều làm mình nản lòng, mà những điều đó lại thật giống nhau, khiến người ta có cảm giác không sao thoát nổi. 

Như đối với tôi hôm nay. Tôi ghê tởm xã hội. Nhưng tôi cũng khó chịu ngán ngẩm mỗi khi về với gia đình, cũng sợ hãi chán chường khi nhận ra những manh nha thói xấu nẩy sinh trong ngay những người mà mình gần gũi và quý mến ở cái cơ quan tôi đang làm việc. Đi ra đường, tôi ghê sợ tai nạn, và tôi càng hiểu những tai nạn đó bao vây mình dày đặc trong đời sống, chỉ cần một chút không may nào đó, là nó va phải con người mình.

Không có ai là trùng khít với ai cả – tôi hiểu điều đó. Nhưng trong con người, sao chỉ thấy nẩy nòi lên những cái xấu, những cái dở, những cái dốt nát. Quá ít những người để cho mình yêu mình phục, đó là điều làm tôi đau khổ hơn cả. Hình như hôm nọ chính Nguyễn Khải có nói, lắm lúc trong người cứ dậy lên những điều hằn học, khinh ghét mọi người, không dám nhìn vào mặt ai, không dám gặp ai cả. Thế thì ý nghĩa đời sống, còn là chỗ nào? Chỗ nào bây giờ. Chịu.

Những tiếng trẻ con khóc, và cùng với nó là mũi dãi bẩn thỉu. Những đoạn đường nhênh nhang nhếch nhác. Những lời chửi bới hằn học, những câu đùa nhạt nhẽo. Một câu nói tục gây phản cảm chẳng khác một câu nói chính trị suông. Bao nhiêu thứ hàng ngày dồn ép vây bủa lấy tôi, và tôi hiểu rằng chính nó lại là cái gì đời sống nhất, cái phần đời sống mà nếu tôi xa rời, thì cũng rất tiếc.

27/5

Những dấu hiệu của tình hình mới:

– Đêm quan họ vẫn diễn như mọi năm, nay không hiểu sao làm nhiều người khó chịu. Chậm quá. Trong khi đó, trẻ con hát Oan ta mê la đầy đường. Một nhịp điệu mới đang len lỏi.

– Những tổ chức tan rã. Đội, Đoàn chỉ còn là nghi thức… Chính các thành viên trong các tổ chức đó rất biết điều đó.

– Bất cứ cái gì mới nảy sinh, cũng gây phiền phức cho những người khác, cho những gì đã cũ. Trong khi đó, thì không có cách nào khác, là cuộc đời phải có sự nảy sinh.

– Cái lớn nhất của xã hội này, là sự di chuyển: chuyển từ một đạo quân sang một xã hội thật sự với những nguyên lý bình thường của nó. Những quy luật sẽ chi phối đại khái bao gồm: sống theo những quy luật giá trị, sống với nhau như những cá nhân, sống lật bài, mỗi người nói rõ mình…

Cái thấy rõ nhất trong việc việc chuyển đổi, là những cái hôm qua ta tưởng nghịch lý, lại làm nên bản chất của hiện thực. Những trường hợp đột xuất lại biểu hiện đúng đắn quy luật. Những hiện tượng không bình thường, lại tiêu biểu cho cuộc sống bình thường.

30/5

Nóng bức. Cái nóng bức của thời tiết, cái nóng bức của những đòi hỏi riêng tư trong một người thanh niên như tôi. Nhưng còn là những nóng bức của tình hình xã hội.

– Nhất định là phải tiếp tục đánh nhau. Cái đích vẫn là như cũ, không thể thay đổi.

Mọi việc chuẩn bị xây dựng XHCN ở miền Bắc chỉ là tạm bợ. Để ổn định tình hình trước mắt. Còn thì trông chờ ở những năm tới 1975, 1976.

– Đất nước đã từng là một đạo quân, đang là một đạo quân – và sẽ còn là một đạo quân. Lính tráng được ưu tiên mọi mặt. Và người ta nắm lính tráng chắc số một. Anh có thể sai lầm, hư hỏng, nhưng anh không thể phản chiến.

– Cho đến cái vốn của đất nước, để mang ra chào hàng trước thế giới, thì vẫn chỉ có chiến tranh. Hiện đang dồn sức tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, rồi lấy vốn tổng kết đó, làm ngọn cờ tinh thần và cũng là một cách trấn an dân chúng.

Ở phía bên kia, cũng như ở phía bên này, thì cái cách để ràng buộc con người vẫn chỉ là một. Vẫn chỉ là tổ chức + tư tưởng. Ràng buộc nhau, hành hạ nhau, xô đẩy con người ta theo công việc đánh nhau. Thật là khốn khổ cho dân tộc này.

Bao giờ yên ổn? Không biết.

Không biết người Việt Nam sẽ ra sao, nếu như không đánh nhau, không sao hình dung ra nổi.

… Nếu như tôi nói về người Việt Nam trong lúc này, thì ở Bắc cũng như ở Nam, tôi đều muốn nói trên lập trường dân đen. Nói trên vị trí của gia đình tôi, bè bạn tôi. Có thể, tôi hiểu biết nhiều chuyện hơn một người dân đen bình thường, nhưng tôi không thể tiến sang vị trí khác.

13/6

Chuyện xã hội. Ông Chưởng Cần một thầy phủ thuỷ nghe nói chữa được bệnh. Hai nhà khoa học lao vào, cho là một thứ điện sinh vật. Những tướng tá mới lên, bị ốm bị thương, tiếc đời, cũng đổ đến chạy chữa. Mang cả phim đến quay ông này. Tuyên giáo có ý kiến “thật là nhục cho những người cộng sản.” Và thế là dẹp hết. Người ta rũ bỏ “nhà khoa học” kia, ông bị xem như một thằng vô lại. Kiện đến đâu bây giờ? Không có chỗ.

Thời buổi của những chuyện nhảm nhí. Tất cả các cơ quan đều chia ra hai phái: người ủng hộ, kẻ phản đối Chưởng Cần. Nhưng mà làm gì? Mọi chuyện dẹp đi rất nhanh.

Đến cái nạn đói vừa rồi cũng thế. Cũng kết luận đó là một cái đói giả tạo. Thế thì còn gì không bị coi là giả tạo nữa. Chiến thắng giả tạo, cuộc chiến tranh giả tạo. Cho đến cả bộ mặt cuộc chiến tranh này, khi trình ra thế giới, cũng là giả tạo nốt.

Có một luận điểm: Chúng ta kiên quyết hoàn thành di chúc của Người lãnh đạo cao nhất đã đặt ra là thống nhất đất nước. Từ nay đến lúc tất cả chúng ta nằm xuống. Còn xây dựng tương lai sẽ là công việc của các thế hệ kế tiếp.

Chỉ sợ cái thế hệ này sau khi chiến thắng sẽ nằm đấy ăn vạ, và không cho tương lai ngóc đầu dậy. Vả chăng tương lai nào chẳng bắt đầu từ hiện tại?

23/6

Chưa năm nào nóng như năm nay. Mọi người như đang bị luộc đi, bị nhúng vào nước sôi và từ đấy lôi ra, mặt mũi đỏ lựng, mắt nhớn nhác.

Đúng hơn, cái đang hành hạ người ta, là những dục vọng, là một cách sống, cách quan hệ không còn tương xứng với sự phát triển cá nhân.

Nguyễn Minh Châu: Chật chội đến nỗi người nào ở nguyên nhà ấy. Người ta không dám sang nhà nhau. Chỉ cần sang, là anh chiếm một chỗ mà người trong gia đình vốn có. Có khi họ phải ra đường.

Cũng Nguyễn Minh Châu: Mỗi người đang phải đánh nhau với một thằng người trong mình.

… Một đất nước không có mùa xuân. Một đất nước quá nóng nực. Nóng là một dấu hiệu của không gian bị dồn ép, của một sức ép mà người ta không khống chế nổi.

Hân: Cái đáng tiếc nhất ở mình, là một thứ gì như là chủ nghĩa tài tử, chủ nghĩa nghiệp dư trong lãnh đạo kinh tế. Chính ở nước Tiệp, bọn báo chí bảo cũng thế, huống chi ở nước mình.

Nhàn: Ở nước mình, xưa nay, người ta đều đến với quyền hành bằng làm chíến tranh, chứ có ai biết làm kinh tế.

Trên một vài phương diện trọng yếu xã hội này còn là quay ngược về phía lạc hậu của thời phong kiến.

Ví như xu hướng cát cứ địa phương. Nó chưa bao giờ mãnh liệt như bây giờ. Các địa phương có quyền hành như những lãnh thổ độc lập.

Có nước đời nào như thế này: Nước Việt Nam chuyên môn sợ các nước khác là “hữu”, là đầu hàng.

Đến lượt trong nước, các tỉnh “cách mạng” hơn “cấp tiến” hơn Trung ương, và huyện hơn tỉnh, xã hơn huyện, trong quân đội thì các quân khu hơn tổng cục, trung đoàn hơn sư đoàn. 

Cứ xem việc cho du nhập sách vở phim ảnh thì biết. Có nhiều phim trên đã cho nhập dưới vẫn cấm. Đúng là theo quy luật “càng đi xuống, càng cách mạng” nói ở trên. Còn thế nào là cách mạng thì có giời mà biết!

Nếu lùi xa, tính cả mấy năm nay, thấy người ta ngày càng bảo thủ đi.

… Bây giờ tôi mới hiểu cái ý ông Khải hay nói: sau này lịch sử có nhắc lại những ngày này, cũng chỉ nhắc vài ba câu. Có phải như thế nghĩa là chúng ta sống rất nhiều ngày lắp đi lắp lại, chán chường, và không có một biến đổi nào tích cực cả.

29/6

Cùng một lúc, trong văn học có từng này chuyện.

1/ Cây táo ông Lành (báo Văn nghệ 1-6-74) phạm huý. Và bắt đầu thì cũng bằng đồn thổi. Người ta suy ra: Tại sao lại có sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa các tên tuổi. Rồi những chi tiết tổ kiến, cái nhà đổ…

Hoàng Cát đi đâu cũng bị người ta… từ chối không tiếp. 

Gặp Ng Khải: Tôi là Hoàng Cát đây, tác giả Cây táo ông Lành đây. 

Ng Khải phải bảo ông làm gì mà cứ phải kêu toáng lên thế. Bây giờ cũng đừng nên đi đâu, đừng thanh mình, đừng gây gổ gì. Rồi sẽ qua đi thôi.

2/ Chuyện thứ hai, thơ Phạm Tiến Duật, một bài thơ về cái vòng tròn, trong đó có những câu cái vòng tang như con số O. Người ta cho là một bài thơ phản chiến, đánh giá tội rất nặng. Hiện nay, thơ Phạm Tiến Duật không được ngâm trên đài, bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây không được hát. Quân đội (Vũ Cao, Chính Hữu) kết luận chỉ là một bài thơ yếu về tư tưởng, đăng lúc này không có lợi gì. Nhưng người ta vẫn không tha Duật.

Khi bọn tôi ngờ rằng chẳng qua Duật say mê về kỹ thuật, làm thơ tìm được một ý hay, nên cứ làm theo mãi thì Hoàng Trung Thông bảo các ông hơi đơn giản quá đấy.

3/ Kỷ niệm Ngô Tất Tố, một cụ già bạn cụ Tố viết bài kỷ niệm, có nhắc đến chuyện đói một năm trước 1945 và bảo là “đói tất sinh biến”. Tuyên giáo Trung ương cho thế là không nhạy bén, tình hình này lại nói thế. Không biết có phải vì thế mà Hoàng Tùng nhận định “Thời buổi này mà có người kêu gọi nông dân nổi loạn!”.

4/ Nhưng cũng có thể ý Hoàng Tùng là để chỉ kịch rối Sự tích Thăng Long của Tô Hoài.Vì trong vở kịch đó, có những ý ngầm lấp lửng.

Một ông vua đối diện với những người dân thường, ăn nói toàn những câu ghê gớm. Vua bảo một người dân, bác có nghe không, trời đất phập phồng thế nào ấy… Trời đất này bác với trâu cũng đến đi ngủ với giun….

Cuối kịch vua Lý Công Uẩn lại đi học làm vua, v.v. 

Toàn truyện vậy, giọng cứ tưng tửng tưng tửng, hiểu thế nào cũng được, vận vào đâu cũng được.

Có thể nghĩ Tô Hoài đã cố ý viết thế, vì cách đây ít lâu, dưới bút danh Hồng Hoa, ông đã nói vỗ mặt Tố Hữu. 

Một quyển Kiều mới in, lại đặt mấy câu thơ của Tố Hữu lên đầu. Hồng Hoa bảo làm thế ít ra cũng là vô duyên, nếu không nói là chướng. Thơ Nguyễn Du không cần gì phải trang điểm thêm. Chỉ tiếc là ông không còn sống để mà lên tiếng phản đối.

Bài Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân, cũng đã từng bị nhiều người kêu là láo! Như vậy, là Tô Hoài đã nói Hà Huy Giáp là nịnh, và Tố Hữu là láo với tiền nhân.

Lại còn vụ ông Khải, các bài Nếp sống nếp nghĩ trên báo Nhân dân mà tôi đã ghi vào cuốn sổ riêng.

Phản ứng của người trong cuộc ra sao? Như Tô Hoài, bây giờ người ta có thể nói đúng là một gã phiêu lưu, sự phiêu lưu lặng lẽ.

Nguyễn Khải kể, khi hỏi sao viết vậy, Tô Hoài bảo thì mình cũng tưởng trên cho làm ăn thật thà. Và tủm tỉm cười.

Vụ Cây táo ông Lành, mọi người đang rất hốt hoảng. Xuân Diệu đang đề nghị Ng Khải viết một ít chân dung cho tạp chí Tác phẩm mới, lập tức phải thôi. Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh đang định nghỉ sáng tác. Hoàng Trung Thông bảo là hãy ở lại để lo chuyện bài báo Văn nghệ cho tốt cái đã.

Ý kiến nghe được thì tản mạn và mâu thuẫn.

Như Xuân Diệu, người ta đồn có lúc ông đã nói với Hoàng Cát người vốn được Xuân Diệu nhận làm em nuôi: “Em ơi, trong lúc này, đồng chí Tố Hữu còn đang bận bịu, em lại làm cho đồng chí phải vất vả thêm”.

Nhưng một lúc khác, ông lại bảo với những người chung quanh, thế này tức là địch nó thắng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn đâu cũng ra nó hết cả rồi!

Có một người đang khổ sở là Vũ Tú Nam. 

Ông này nổi tiếng là nghiêm chỉnh, vậy mà toàn mắc cạm (Sau này, anh em giải thích: Vì ông ta trong sáng quá, ông chỉ có thực tế bàn giấy và chỉ thị nghị quyết cấp trên, mà không có chuyện ở ngoài quán bia). 

Người duyệt bài Cây táo ông Lành là ông. Trong số đó, ông lại có bài Từ Thức, lấy chuyện cổ tích ra kể lại, nhưng cũng bị bới móc. Từ Thức trong truyện của ông đi gõ cửa bên đông, cửa bên tây không được, bây giờ về làng cũ, dân làng đã già.

Vũ Tú Nam than thở:

– Thế hoá ra văn nghệ không được sai? Các ngành sai không nói gì, Văn nghệ mà sai là làm rầm rĩ cả lên, thế là thế nào? Lúc nào cũng bảo văn nghệ là dễ sai cơ mà.

… Nhưng nhìn rộng ra thật đáng lo. Bao nhiêu chuyện xấu xa trong xã hội, văn nghệ chỉ là một chuyện rất nhỏ.

Phạm Tiến Duật cho rằng thôi, chẳng qua tình hình này chỉ yêu cầu người ta nên im lặng. Mà im lặng là phải. Ví như bây giờ cái xe đang đi qua đoạn cua khó khăn. Chúng mình thì ngồi sau xe. Sợ hãi không được. Mà nhìn lên cao, reo hò phong lan đẹp quá cũng vô duyên.

Một cách giải thích hợp lý hơn: Cứ khi nào xã hội có chuyện, muốn răn đe dân chúng nói chung, thì người ta mang văn nghệ ra đánh.

Khi vào ném bom miền Bắc, thường có hiện tượng máy bay Mỹ ném không hết bom. Trước khi trở lại tàu sân bay, phải ném nốt số bom này đi, nếu không hạ cánh nguy hiểm. Có những vùng tự nhiên bị vạ. Là địa điểm để hứng chỗ bom thừa đó.

Văn nghệ là một vùng ném bom tự do như thế.

Không biết ai là người nói ra cái ý này đầu tiên? Nghe bảo là ông Tô Hoài.

30/6

Xã hội gì mà… bất cứ chuyện giai thoại, tiếu lâm nào cũng vận vào mình. Rất nhiều chuyện đồn đại. Điều đáng sợ, là đồn đại luôn luôn… đúng. Người ta sống bằng những bản năng tự vệ, và những bản năng đó, cứ thế hoành hành.

Nguyễn Tuân: Thời nào, người ta hay nói về những chuyện to tát, thì lại thường hay khổ vì những chuyện vặt.

Xuân Diệu: Xã hội này là xã hội lý tưởng của những thằng mê-đi-oóc (mediocre = kẻ tầm thường).

3/7

Một cô con gái mới ở nông thôn ra, làm nhà bếp quân đội, cũng muốn ăn, muốn diện, muốn làm quen với các bạn bè khác, nhưng lại chưa biết làm thế nào. Những câu đưa đẩy bắt quen của cô rất dại dột. Bọn thanh niên không chơi với cô. Cuối cùng, cô lại rơi vào bẫy một lão già khốn nạn.

Những khu nhà Hà Nội đã không chứa nổi người lớn, và càng không chứa nổi trẻ con. Trẻ con đổ ra đầy đường, bây giờ nghỉ hè, tối người ta lại dạy hát cho bọn nó, sáng người ta lại bắt chúng nó tập thể dục. Ở những phố vắng, người ta rào đường lại để làm sân chơi cho trẻ.

Cuộc sống hôm nay là thế nào? Là cách sống chung không còn phù hợp với sự sống và sự phát triển của cá nhân nữa. Là người ta đang cần phải sống khác đi, nhưng không sao khác được, loay hoay không biết sống như thế nào cả. 

Tôi nói ngay như chuyện giải trí. Lúc nào chúng tôi cũng thèm nhưng xã hội không mở ra bất cứ phương hướng nào và mỗi cá nhân không biết thỏa mãn nhu cầu của mình bằng cách nào. 

Lại như nhu cầu làm việc. Khi một con người biết rằng mình cần làm việc như thế nào, tức con người đó đã trưởng thành.

4/7

Như là đang có một thứ dịch, dịch phát hiện những cái xấu, xỏ xiên, hai mặt trong văn học. Ngoài những chuyện vừa kể trên, ngày càng lần ra những chuyện khác, có chuyện đúng, có chuyện sai, có chuyện do hớ hênh, vớ vẩn mà buồn cười, có chuyện thật không đâu vào đâu, song người ta cứ vận vào mình, hết sức lẩm cẩm.

– Báo Văn hoá nghệ thuật tiến hành một cuộc phỏng vấn những đức tính của dân Việt Nam.

Kết quả, những đức tính như cần cù, giản dị, được 79-80% coi là quan trọng. Những đức tính như trung thành với Đảng, với Cách mạng, số phiếu rất thấp. Đúng là lạy ông tôi ở bụi này, mấy người ở báo rất dại dột, rất hớ hênh, không ra làm sao cả.

– Bài ông Lê Đình Kỵ viết về Hải Triều, trong đó có những đoạn trích rất ác. Giai cấp thống trị độc quyền, tự chuốc lấy sự thoái hoá. Người nghệ sĩ trong những điều kiện đó như một thứ thầy tuồng, một thứ nhắc vở.

– Những Người về đồng cói, Bão biển lâu nay không sao, bây giờ cũng có ý kiến. Câu hỏi đặt ra với Người về đồng cói: Lấy đâu ra cái kiểu có một người đi xa về làm ầm lên mọi chuyện như vậy.

– Ông Thông đi nói chuyện ở các nơi: Chủ tịch huyện có vấn đề. Ông Khải không hiểu gì về CNXH.

– Chuyện liên quan đến Nguyễn Đình Thi: Kịch Hoa và Ngần và tập thơ Dòng sông trong xanh. Mặc dù phần chủ yếu trong tập, những bài hay nhất là lấy từ Bài thơ Hắc Hải, nhưng Dòng sông trong xanh vẫn bị coi là yếu đuối, uỷ mị.

Thời buổi khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là khó khăn để có thể tin, vì chỉ có thể, người ta mới làm được một ít việc cần làm.

Lòng tin, đâu phải là chuyện của những nhân vật lớn. Vì khái niệm thiên tài đã bao hàm trong nó khái niệm về lòng tin mất rồi. Chỉ những người bình thường chúng tôi, mới cần đến lòng tin đến thế!

19/7

Khải: 

– Cơ sở tâm lý của chủ nghĩa McCarthy ở Mỹ – Sau chiến tranh, trở về, người lính không thể trở lại làm một người bình thường nữa. Người ta không biết làm nghề gì. Người ta phải tìm một con đường ngắn nhất để kiếm sống.

Đang có cuộc trao đổi trên báo Nhân dân về làm ăn thật thà.

Hữu Mai:

– Xã hội mình thì làm ăn thật thà sao được. Sản xuất nhỏ không thể làm ăn thật thà. Phải có một nền sản xuất lớn cơ!

Nguyễn Đình Thi: 

–Lão chủ hãng Peugeot có thể làm ăn thật thà, còn như anh chữa xe đạp đầu đường Hà Nội, nhất định phải sống bằng gian dối.

Cái chính là sau chiến tranh, người ta phải thấy sợ, biết sợ, tuân thủ chặt chẽ những gì quy luật cuộc sống đòi hỏi. Sự dũng cảm mà chiến tranh mang lại có những mặt tiêu cực của nó. Là nó làm cho người ta không còn biết sợ là gì nữa, kể cả sợ những quy luật tất yếu.

Trong hai ngày 10, 11-7, ở Ninh Bình có một cuộc phiến loạn. Thương binh dùng bạo lực, làm chủ thị xã. Có khẩu hiệu, khẩu hiệu thay đổi nhanh. Thông tin liên lạc vững chắc, tổ chức như một chiến dịch. Nhận định: đây có bàn tay địch. Từ nay về sau, cho phép bắn bỏ.

Chiến tranh chỉ có ý nghĩa duy nhất, khi nó đồng nghĩa với chiến thắng.

Dân số thủ đô: 1.378.000 người. Dưới 15 tuổi: 570.000 người. Dưới 6 tuổi: 240.000 người.

Ngoài phố, ngày nào cũng có những tin đồn về những vụ bắn nhau, giết nhau. Có một trăm lý do khác nhau, giải thích quanh một vụ giết người như vậy. Nhưng chỉ có một lý do duy nhất – chiến tranh. Chiến tranh làm cho người ta không còn biết kỳ cương là gì nữa, không còn biết sợ hãi, không còn nói với nhau bằng lời lẽ, pháp luật.

Cái chính là một xã hội làm thì ít, ăn thì nhiều, đầu tư sức lực vào việc làm ra của cải thì ít, lo phân phối của cải thì nhiều. 

Cái chính là sự công bằng không có, khiến mọi người không cảm thấy yên tâm làm việc. Làm hay làm dở ai biết cho mà cố? Làm chết xác trong khi kẻ khác phá hoại thì làm làm gì? 

Nhiều lần, tôi muốn kêu to lên. Xã hội gì thì xã hội, tôi không cần biết tên, tên gì cũng được, nhưng tôi cần cái này – cần làm sao mọi người lao động, lao động làm thêm ra của cải. Nếu không có lao động, thì mọi chuyện sẽ sụp đổ.

Dạo này, tôi muốn đi tới những chuyện gốc rễ của vấn đề, đi tới như một cách kết luận cuối cùng.

– Có những vấn đề thuộc về chiến tranh. Nhưng có những vấn đề thuộc về cái mạch chung của xã hội này, 30 năm nay. Tôi muốn nói Cách mạng tháng 8, hình như đó là một trường hợp ăn may. Và những người cầm đầu cứ thế mà kéo mình đi, tưởng rằng có thể làm liều như vậy mãi mãi. Không phải chỉ là chiến tranh và cũng không phải do người ta già yếu. 30 năm nay, ngay lúc người ta khoẻ mạnh, người ta đã chẳng ra sao rồi.

– Có những vấn đề thuộc về chủ nghĩa nọ lý thuyết kia, những vấn đề chính trị. Nhưng cũng có những vấn đề thuộc về cái cách sống của người dân thường ở đây nữa. Có ở đâu, người ta sống tạm bợ, hèn hạ như ở đây. Xấu đều hơn tốt lỏi. Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau. Đọc những ca dao, những truyện cười, thấy người ta loanh quanh chế giễu nhau trong những chuyện rất tầm thường. Cái dân tộc tính ứ đọng trì trệ như vậy, là mảnh đất tốt để nhân tính biến hình, thay đổi, mốc đi, rỉ đi, không sao ngóc đầu lên được.

Nhìn quanh lắm lúc bàng hoàng kinh sợ cả người.

Sao dân mình nhiều người tồi tàn như vậy. Ở những nơi khác, thêm một người, là đóng góp thêm cho công việc, là thêm bao nhiêu điều tốt đẹp. Ở đây, thêm một người, là thêm những đòi hỏi. Và đẻ thêm ra sự hỗn loạn, đẻ thêm ra bao nhiêu lo toan. Tôi còn tin tưởng được ai nữa.

4/8

Tháng 7 âm lịch oi nồng là tháng 7 sống trong đe doạ của bệnh tật, nước sông, lụt lội, và cả bão nữa. Trời đất phập phồng như thế nào ấy. Không ai có thể yên tâm làm việc gì.

Có xã hội nào như cái xã hội sau chiến tranh, người cứ đổ cả ra đường, người không biết làm gì, ai cũng tính phải sống khác, mà không biết sống thế nào.

Cuộc sống là tươi đẹp quá, không ai muốn từ giã nó mà đi, nhưng ai cũng cảm thấy mình đã bị làm hỏng, mình không xứng đáng, chẳng qua cùng sống ngắc ngoải với nhau cho xong –, một tình cảnh không sao tha thứ được.

… Những buổi tối nghe Lâm kể chuyện Vũ. Hình như tất cả những người có tài đều xấu, xấu đến ghê gớm, đến làm cho mình căm ghét lên được. Nhưng họ lại tài. Còn những người tốt, như tôi, như Lâm, mới nhạt nhẽo làm sao, vô duyên làm sao. Cái xấu đứng đó để chứng nhận cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi sống khó khăn như thế nào, và giá có bị chửi là yếu đuối, nhạt nhẽo, thì cũng là dễ hiểu thôi, không thể khác.

21/8

Đằng sau các vụ văn nghệ, nhiều người nghe ra hơi các vấn đề chính trị. Hình như đang có một sự chạy đua vào Trung ương, đang có một sự phân công lại công việc, và thế là bên nào cũng muốn phô trương lực lượng.

Người ta thường khớp tất cả những việc báo Nhân Dân làm, từ Làm ăn thật thà, đến Minh Chi, qua những bài Nguyễn Khải như là những đòn tấn công, tập trung vào một hướng, và những đòn phản công toàn bộ hoạt động trên, làm nên cái hướng ngược lại.

Ở cấp trung gian, chắc những nhân vật cỡ tương tự như Xuân Trường, Hoàng Trung Thông… phải tính toán nhiều hơn, và có lợi cho họ cụ thể hơn.

Nhưng chỉ là đoán thế.

Một người như Duật thì chịu. Ngay như ông Khải cũng thường nói:

– Tôi cũng thấy có những nguyên nhân mơ hồ nào đó, nó thổi bài tôi lên, gây những tác động bất ngờ. Đỗ Thân bảo do xôn xao việc chạy vào Trung ương nên nhiều người chú ý tới bài Đối mặt của Khải. Xưa nay những người làm văn nghệ vẫn chỉ là cái bung xung, ai mà hiểu được.

23/8

Có đến bao nhiêu năm, tôi không chú ý gì tới mùa thu. Nhưng năm này, tôi yêu quá màu hoa phượng còn sót lại khi cây lá đã lưa thưa. Tôi yên tâm đứng bên cửa sổ, nhìn những đoá hoa đại rơi trên đường. Buổi sáng vào thành để bơi, đạp xe trên những con đường vắng, phải cố tránh đừng chẹt vào quả bàng. Mới hôm nào lá bàng bắt đầu nẩy mầm mà hôm nay quả đã rụng, như từ lâu lắm đã chín lên như vậy.

Tôi yêu những buổi tối trong cơ quan vắng vẻ, cây cối hương hoa chợt thức dậy. Yêu những con đường sau cơn mưa. Những gì thuộc về ước ao bản năng của một người con trai, tôi hiểu là chính đáng, tôi không từ chối. Tôi bắt đầu cảm thấy tự hào vì cánh tay tôi mập khoẻ, thân hình tôi rắn chắc, tôi bắt đầu thích ăn mặc những bộ quần áo đẹp, để một kiểu đầu được mọi người chú ý. Tôi muốn yêu cuộc sống. Và cũng cần được cuộc sống yêu lại… Giá như tôi có một gia đình, một đứa con, tôi sẽ trông nom cẩn thận.

Nhưng tôi lớn lên vào những năm khốn khó quá chừng. Một cuộc sống êm đềm hạnh phúc và có tri thức là cuộc sống ở đâu kia, làm sao mà tôi với tới được… Chung quanh, toàn những chuyện vô học, bỉ ổi, lừa gạt, xoay sở. Nói một cách khái quát, thì thực tế cứ có những chỗ vênh váo, mà tôi không sao chấp nhận. Tôi có thể sống với Th. nhưng Th. đau yếu và bạc nhược thế, làm sao có hạnh phúc. Ngược lại bao nhiêu người con gái khác lại không có cái khôn ngoan và từng trải như Th. Làm sao vừa thoả mãn được cả những yêu cầu cụ thể của đời sống hôm nay lẫn yêu cầu hạnh phúc lâu dài? Làm sao vừa có bản năng, vừa có trí tuệ?

20/11

Những điều người ta viết ra đã ghê gớm.

Nhưng những điều con người chưa viết ra, lại còn kinh khủng hơn biết bao nhiêu nữa.

Ví như, có lẽ chưa ai viết về việc trong đời sống hôm nay, cái xấu nó lấn át, nó vây ép cái tốt ra sao. Mà đây lại là một tình hình có thật, ít ra là trong hoàn cảnh của quanh tôi hôm nay. Tôi đã được thấy những đám đông rối ren. Nhưng khi sự rối ren đã trở thành sự kiện thường xuyên trong một đầu óc, thì mới là đáng kể.

Ngay giữa hai người bất kỳ thôi, nhiều khi cũng có giời mà biết những gì hai người ấy nói với nhau.

4/12

Còn biết nói cách nào khác, nỗi kinh khủng của chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh thất bại.

Một ít người ở chiến trường về, không biết làm gì, nhưng lại công thần, điệu bộ. Tôi biết họ có lý của họ, vào địa vị họ tôi cũng phải làm thế. Nhưng nghĩ trên cái đại cục cứ thấy có gì không phải.

Còn lớp người ở hậu phương là cả một đống hỗn tạp, kẻ xấu hoành hành người tốt cắn răng nhẫn nhục. Luôn luôn cảm thấy như một mắc nợ, mình phải nợ những người ở chiến trường về, trong khi họ gây ra bao nhiêu phiền phức cho mình, họ chẳng biết làm gì cả.

Giữa hai bên là một thứ tình cảm thù hằn ngấm ngầm.

Nhìn chung, con người bắt đầu sống theo quy luật của rừng, người nào cũng giương vây lên, xù lông xù cánh ra. Một người CA tát người lái xe già. Người lái xe bị xúc phạm dùng xe đâm chết người CA. Khi kẻ thù của mình ngắc ngoải, ông ta còn lao vào đâm một lượt nữa mới hả. Sau đó tự tử chết.

Chuyện ở đâu vậy? Chuyện ngay ở đây, những người cùng thành phố của tôi. Tôi ghê tởm cái thực tế này. Tôi biết chỉ có một cách sống là mềm ra như bún, là nhắm mắt nhắm mũi sống cho qua ngày. Nhưng tôi biết rằng sức lực của tôi bị bào mòn. Và sức lực của bao nhiêu người khác cũng bị bào mòn tương tự.

24/12

Bây giờ mới biết mùa đông là đẹp. Hỡi ôi, đến cái mờ nhạt lạnh lẽo của cuộc đời này cũng đẹp. Cây cối xác xơ. Trời đất ong ong tai tái. Những đốm đỏ trên đường, màu áo của bao nhiêu người, mà tôi đã thấy trong bao nhiêu năm, giờ đây lại càng hấp dẫn. Tôi yêu trời đất này không thể tả.

Nhưng mà sao, nghĩ sao về mảnh đất này, về những con người, mà hôm nay tôi gặp.

Không thể yêu nổi, đó là cái cảm giác sau cùng, cái cảm giác quán xuyến về những người chung quanh tôi.

Rất đau khổ, nhưng không biết cách kết luận nào khác.

Sao mà đất nước này nghèo vậy. Vì nghèo mà sinh ra bao nhiêu chuyện – dốt nát, thấp hèn. Vì nghèo mà sinh ra tồi tàn, mưu mẹo, bẩn thỉu. Những gì ở một cái chợ. Những gì ở một đám học trò. Những gì ở câu chuyện ngồi lê đôi mách nơi các công sở. Tôi tưởng đáng lẽ người ta phải sống có văn hoá hơn và chăm chỉ hơn. Đúng thế, tôi tưởng thế nào cơ. Sao đi đâu cũng gặp những nghèo nàn và biếng lười, nó sinh ra bao nhiêu chuyện khác. Người ta không biết sống với nhau. Người ta đang muốn sống khác đi, mà không khác nổi. Chắc thế, chỉ có một cách kết luận như thế.

26/12

Những đêm lạnh, trời rét, cái rét ngấm vào phòng, và trừ những lần ngủ quên đi, còn thỉnh thoảng trong tôi cũng có những đêm như đêm nay. Tôi muốn thức đến sáng. Tôi như được đối diện với cả cuộc đời. Tôi miên man duyệt lại những cảm giác lớn nhất của cuộc đời này. Lòng ham sống, bất cứ thế nào cũng sống. Những bàng hoàng khi hé nhìn ra cả thế giới này. Sự tẻ nhạt. Sự bất lực. Một ít biến động nửa vời. Một ít thèm muốn trở đi trở lại dù biết là không bao giờ đến được. 

Không, tôi không thể sống như ngày hôm qua nữa.

Nhưng không, tôi cũng lại không thể sống khác những gì tôi đã sống và đang sống.

 

Theo blog Vương Trí Nhàn.

Comments are closed.