(Why Vietnam?)
Archimedes L.A. Patti
Lê Trọng Nghĩa dịch BẢN DẠO ĐẦU CON CHIM HẢI ÂU CỦA NƯỚC MỸ (Prelude to America’s Albatross) Đây chỉ là một sự cố gắng nhằm giải đáp cho nhiều người Mỹ hai câu hỏi khá phức tạp và tiếp liền nhau: “Tại sao Việt Nam?” và “Cái gì đã xảy ra ở Đông Dương vào năm 1945?”. Lịch sử viết về thời kỳ đó hiển nhiên còn có một khoảng trống mà cuốn sách này hy vọng có khả năng góp phần bù đắp được. Các bản tường thuật thiên vị hoặc rời rạc của người Pháp và người Việt cũng đã không trình bày nổi một cách khách quan vai trò của nước Mỹ trong giai đoạn lịch sử bi thảm của Pháp, Việt và Mỹ này. Trong nhiều năm qua, các nhà chức trách Washington cũng đã tốn rất nhiều lời giải thích cho những câu hỏi dai dẳng về việc dính líu của người Mỹ chúng ta vào Việt Nam. Một số những lời giải thích đó đã không làm thoả mãn được ai và đã bị rơi rụng dần vì không đáng tin cậy. Số còn lại, đã từng được dùng làm chứng cứ cho lập luận rằng chúng ta phải ở đấy để giành lấy “hoà bình trong danh dự” cũng đã bị vứt bỏ qua sự kiện 30/04/1975. Các bản tuyên bố chính thức của Nhà Trắng, các tập hồi ký muộn mằn của các Tổng thống và các cố vấn thân cận của họ, các bản thuyết trình dày cộp ở Quốc hội mà nổi bật là tập hồ sơ Lầu Năm Góc “phơi trần mọi việc”; tất cả chỉ cố gắng nhằm biện bạch cho việc sa lầy càng ngày càng lún sâu của chúng ta và cũng chỉ có tác dụng bôi mờ, che giấu những mục tiêu cơ bản thực sự của chúng ta bằng những lập luận mơ hồ, những lời biện hộ và xác nhận sự bất hạnh của người Mỹ chúng ta ở đó. Là một bản tường thuật trực tiếp về sự có mặt đầu tiên của người Mỹ ở Đông Dương, “Tại sao Việt Nam?” ít ra cũng đáp lại được phần nào câu hỏi tại sao người Mỹ chúng ta đã ở đó, đồng thời lại cho thấy những chủ trương cao siêu cua những năm 1940 đã làm chúng ta xa rời những tình cảm đã được diễn đạt một cách cao thượng trong Hiến chương Bắc Đại Tây Dương – các dân tộc có quyền tự do lựa chọn Chính phủ mình muốn và phải được trả lại chủ quyền, quyền tự trị đã bị tước đoạt. Cuốn sách cũng không phải là một lời bào chữa hoặc một bản án kết tội ai mà chỉ là một sự trình bày thẳng thắn các sự kiện đúng như chúng đã diễn ra và được tác giả ghi lại theo dòng thời gian. Từ những sự việc được dẫn chứng, người đọc có thể tự rút ra những kết luận riêng của mình. Từ đó đến nay, cả một thế hệ con người đã trôi qua nên trong phần I của bốn phần của cuốn sách này, tôi thấy cần phải nhắc đến bối cảnh tình hình từ đầu năm 1942 đến thời điểm 1945. Phần II dành nói về các kinh nghiệm của bản thân tôi trong việc giao dịch với người Pháp, Trung Hoa và Việt Nam ở Trung Quốc và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Hồ Chí Minh. Phần III thuật lại việc phái đoàn của tôi tới Hà Nội, vai trò của tôi trong công tác đối với người Nhật, Pháp và Việt. Phần này tả lại thời kỳ sôi động Tháng Tám, Tháng Mười 1945, việc nảy sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập đầu tiên, sự thất bại trong mưu toan của người Pháp định trở lại kiểm soát Đông Dương, cuộc chiếm đóng tàn phá của người Trung Hoa, cái chết của trung tá A. Peter Dewey, người Mỹ nạn nhân đầu tiên ở Việt Nam và việc đầu hàng chính thức của Nhật Bản. Phần IV “Hậu quả” nêu lên những điểm nổi bật trong chính sách sau Thế chiến thứ hai của Mỹ, chính sách đã đưa đến sự dính líu trực tiếp của chúng ta vào Việt Nam và sơ lược tóm tắt những vấn đề tồn tại mà chúng ta còn phải đương đầu. Khi kể lại các cuộc nói chuyện riêng giữa tôi với Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn chuyển đến người đọc một vài suy nghĩ sâu sắc nhất của tôi về nhà cách mạng bí ẩn đó cùng với những khát vọng đối với nhân dân, đối với tiền đồ đất nước Việt Nam mới mẻ của ông. Đã có nhiều người Việt Nam coi cuộc rút lui vừa qua của can thiệp quân sự Mỹ ở Việt Nam như là trận thất bại cuối cùng của Chủ nghĩa thực dân trên đất nước họ. Nhưng từ 1945, Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ rằng dân tộc của ông sẽ còn vấp phải vô vàn khó khăn trong sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của kẻ thù. Điều mong muốn lúc đó của ông Hồ để Mỹ giữ một vai trò hoà bình và ổn định trong công cuộc phát triển đất nước ông, chưa bao giờ thể hiện xác đáng như hiện nay. Vì vậy trong khi chúng ta đang còn tiến từng bước ngập ngừng và chậm chạp trong việc lập quan hệ bình thường với nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, rõ ràng là đã đến lúc phải xem xét lại các nhận định cơ bản của chúng ta và xác định xem thực sự lợi ích tối cao của người Mỹ chúng ta là ở đâu. Người đọc có thể hỏi ngay tại sao đến nay tôi mới thuật lại câu chuyện này. Từ năm 1946, tôi đã phác thảo ra một bản tường thuật ngắn gọn về thời kỳ này nhưng còn vướng nhiều điều ràng buộc khác nên đành phải bỏ dở. Sau sự sụp đổ của Pháp ở Điện Biên Phủ, bản thảo của tôi cũng đã sẵn sàng để được cho in nhưng lúc đó đã là quá muộn. Đất nước chúng ta bị lôi cuốn vào tình trạng rối ren của thời kỳ chủ nghĩa chống Cộng điên cuồng Mac Carthy hoành hành. Bộ Lục quân rất nhạy cảm với những lời phê phán thù địch của giới quân sự đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, đã thông báo cho biết rằng việc tiết lộ công khai mọi tin tức hoặc ý kiến của tôi về vấn đề dính líu của Mỹ vào Việt Nam sẽ không làm cho chính quyền hài lòng và tôi có thể sẽ bị kỷ luật. Tôi phản đối nhưng vẫn phải chấp hành lệnh cấm của Bộ. Chỉ sau khi quân đội ta đã rút hết khỏi Việt Nam vào tháng 3-1973, tôi mới tập hợp lại các bản ghi chép cũ trong thời kỳ chiến tranh và dựng lại các sự kiện và tình huống, các chính sách và các hoạt động ban đầu của Mỹ ở Đông Dương. Công việc thu thập tài liệu khá phức tạp vì nhiều bức điện và báo cáo của tôi đã bị phân tán ở các cơ quan lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bộ Lục quân và Cục Tình báo Trung ương. Việc sưu tầm những tài liệu đó ở Bộ Lục quân đã không mang lại kết quả. Nhưng ở Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo Trung ương CIA thì mọi thứ còn gần như nguyên vẹn và các tài liệu đã rất có ích cho tôi. Ở đây tôi xin tỏ lời cám ơn sự giúp đỡ tận tình của R.M. Blum, nhân viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội của nghị sĩ Fulbright, R. Spector thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Quân sự của quân đội Mỹ và Gail F. Donnalley, nguyên cán bộ lưu trữ Cục Tình báo Trung ương. Sự giúp đỡ của họ đã giúp tôi tìm thấy được những tài liệu gốc, nguyên bản, các bản viết tay, các hồ sơ thông báo, gồm cả tập “Những quan hệ Mỹ – Việt Nam”, tập Romanus – Saunderland nói về các hoạt động của Mỹ ở Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, hồ sơ của OSS/SSU – những tài liệu vô cùng quí giá cho bản thảo 1946 của tôi. Quyển sách cũng sẽ không thể có được nếu như không có sự ủng hộ và giúp đỡ hào hiệp, được đánh giá cao của các bạn đồng nghiệp của tôi trong Chính phủ Liên bang, Viện Hàn lâm, những chuyên gia kỳ cựu về Đông Dương mà ở đây tôi chỉ nêu lên được một số tên. Tôi đã được sử dụng rộng rãi các tập hồ sơ lưu trữ quốc gia Mỹ, Thư viện Quốc hội, các phương tiện của Trung tâm Thư tín Quốc gia Washington ở Suitland, thư viện Mill Memorial ở Rollins College… Tôi đặc biệt cảm ơn F.E Taylor, cán bộ lưu trữ ngành Quân sự hiện đại trong sở Lưu trữ Quốc gia, P. Dowling, cán bộ lưu trữ ngành Ngoại giao, Sở Lưu trữ Quốc gia. J.L. Mc Farland, phụ trách thư viện Mill Memorial… và nhiều người khác đã giúp tôi rất nhiều trong việc kiên trì xác định, sưu tầm và cung cấp cho tôi những văn kiện quân sự chủ yếu, hồ sơ của Bộ Ngoại giao, tài liệu tham khảo trong thư viện Quốc hội. Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn Mai van Elliot, Gareth Porter, Ngô Vinh Long và Trương Đình Hùng đã khéo léo giúp tôi làm sáng tỏ những điều rối ren trong nền chính trị và xã hội Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao và đặc biệt cảm ơn ba nhân vật đã bảo trợ, khuyến khích giúp dỡ tôi: Elizabeth Mc D. Mc Jintosh, đồng sự và bạn chiến đấu của tôi ở Trung Quốc đã góp ý kiến cho bản thảo đầu tiên, Ch.E. Cuningham khi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản trường Đại học Washington đã giúp tôi xử lý và sử dụng một cách có hiệu quả một số lớn tài liệu, A. Wang, Giám đốc nhà xuất bản Hill và Wang, đã soát lại bản thảo thứ ba và đã khích lệ tôi rất nhiều. Tôi hân hạnh nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của nhân viên Nhà xuất bản Đại học California, đặc biệt là trợ lý giám đốc Stanley Holwitz đã giúp tôi nhiều trong việc soát lại và và làm dễ dàng việc ấn hành cuốn sách này. Sau hết, xin cảm ơn Margaret, vợ tôi, người đã chép lại các bản thảo từ bản đầu tiên đến bản thứ năm và bản cuối cùng luôn luôn với một phong cách riêng, trong sáng và sâu sắc, cảm ơn con gái Julie của chúng tôi đã bỏ thời gian nghỉ hè để sắp xếp các bản phụ lục. Đối với hai mẹ con phải chịu đựng nhiều bận rộn, phiền hà trong sinh hoạt gia đình với từng chồng sách vở, tài liệu, bản đồ đuợc bày ra, tôi thân ái mến tặng cuốn sách này. Archimedes Patti |
Nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=2619.0
Trích vài chương theo giới thiệu của FB Trịnh Lữ
Chương 19
Câu chuyện về hai thành phố
MỘT CUỘC HỌP BÁO
Sự mong đợi của tôi về tin tức những gì xảy ra ở Sài Gòn vẫn là điều cấp bách. Dù có sự phân chia mới đây ở vĩ tuyến 16, nhưng chúng tôi trong OSS vẫn coi Việt Nam là một dân tộc và quan tâm đến các sự kiện ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Thực may mắn mà tôi đã tìm được một nguồn thông tin tuyệt vời từ những cơ quan báo chí địa phương. Tôi không biết gì về việc người Sài Gòn đang tổ chức lễ mừng thắng lợi khá to vào ngày 25-8 khi chúng tôi tiếp một nhóm độ 12 người Việt Nam đại biểu cho những tờ báo lớn ở Hà Nội. Họ đã đến gặp “Phái bộ Đồng minh” để xin ý kiến về việc viết xã luận và kiểm duyệt tin tức. Chúng tôi mời họ vào phòng khách lớn và nói với họ rằng chúng tôi không phải là “Phái bộ đại diện Đồng minh” và công việc của chúng tôi chẳng có liên quan gì đến vấn đề kiểm duyệt và chỉ đạo các bài xã luận(1).
Họ tỏ ra lúng túng khi thấy có được một nền báo chí tự do nhưng vẫn tiếp tục xúc tiến chương trình đã định. Ông Minh(2), với tư cách là người phát ngôn và phiên dịch, xin đọc một bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn. Mở đầu bằng nhũng lời chào đón nồng nhiệt, bài nói sa vào việc kể về những sự xấu xa của Pháp, rồi quay sang nói về lòng mong muốn giành độc lập dân tộc của người Việt Nam, kết luận là yêu cầu Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ sự nghiệp của họ.
Tôi cám ơn họ vì sự đón tiếp thân mật và mời họ ở lại đến bất cứ lúc nào họ thấy cần. Nhưng trước việc họ cố coi chúng tôi như là một phái đoàn đại diện, tôi giải thích về vai trò phi chính trị của chúng tôi và đặc biệt nhắc nhở rằng mặc dù Mỹ có thiện cảm đối với nguyện vọng của họ nhưng chính sách của Mỹ vẫn là một chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Dưới ánh sáng những năm chiến tranh sau này của chúng ta ở Việt Nam, lời phát biểu đó có thể làm cho người đọc kinh ngạc, nhưng vào 1945 thì điều đó hoàn toàn xác thực và phản ảnh một cách rõ ràng chính sách đã được xác định.
Họ hỏi nhiều về ý đồ của người Pháp và người Trung Quốc, về thái độ của Đồng minh đối với Việt Nam và phản ứng của tôi trước những thành công của Việt Minh ở Sài Gòn. Tôi trả lời hầu hết các câu hỏi, trừ những gì về Sài Gòn và nói với họ rằng tôi rất cảm ơn về bất cứ một thông tin nào mà họ có thể cho biết về tình hình Sài Gòn và cả Nam Kỳ hiện nay… Người của các báo hàng ngày thì bảo nên trích các mẩu tin từ các báo cáo của họ. Một số khác lại muốn ngồi tường thuật tỉ mỉ cho chúng tôi nghe. Tôi đồng ý và cử Robert Knapp làm việc này(3).
Bắng cách đó, chúng tôi đã có thể nắm được toàn diện tình hình miền Nam vào ngày 31-8. Đó là những thông tin đầu tiên về vùng này mà Côn Minh, Trùng Khánh và Washington đã nhận được, sau khi Nhật đã đầu hàng 3 tuần lễ. Trong khi Knapp chuẩn bị cho bản báo cáo, tôi đã có điều kiện để nắm bức tranh toàn cảnh miền Nam khi chúng chưa kịp bị thời gian làm phai mờ, và điều đó đã hết sức có ích cho những cố gắng hàng ngày của chúng tôi nhằm ngăn chặn bùng ra rối loạn ở miền Bắc.
CUỘC “CÁCH MẠNG” Ở SÀI GÒN
Năm 1945, cũng như hiện nay, thành phố Sài Gòn, trung tâm của Nam Bộ, hoàn toàn khác với Hà Nội ở miền Bắc. Về mặt địa lý, khí hậu, không khí xã hội, và triết lý chính trị của nó đều khác biệt. Đầu 1945, khi Việt Minh nắm được quyền kiểm soát khu giải phóng Bắc Bộ thì quyền lãnh đạo của phong trào đã được củng cố và không ai có thể tranh cãi được. Và khi ủy ban địa phương nắm chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8 thì việc đó không phải là một hành động hoàn toàn độc lập mà chính là đi theo đường lối, chủ trương lâu dài của Trung ương đã vạch ra từ trước. Đối với miền Nam lại khác hẳn.
Nam Bộ là một lãnh địa trù phú riêng của thực dân Pháp, ít giống với tình trạng kém giàu có của Trung Bộ và Bắc Bộ. Những sự kiện tháng Tám ở Hà Nội và Huế chỉ có những tiếng vọng xa xôi đối với Sài Gòn. Không phải vì ngọn đuốc độc lập không bùng cháy ở miền Nam, cũng chẳng phải ở đó thiếu các phong trào dân tộc chủ nghĩa và thiếu các môn đồ hăng hái. Ngược lại, ở đó đã có quá nhiều phong trào, và tất cả cố gắng của họ đang hướng một cách mạnh mẽ vào việc tranh luận về tư tưởng và xã hội, nên đã dẫn đến những cuộc đấu tranh đảng phái gay gắt. Tình trạng đó vẫn còn đang tồn tại.
Ngoài đảng Cộng sản ra, các nhóm quốc gia nổi bật nhất ở Nam Bộ gồm có những phần tử Troskism, nhóm thân Nhật Phục quốc và Đại Việt, các giáo phái chính trị Cao Đài và Hòa Hảo và Đoàn Thanh niên Tiền phong, cùng rất nhiều đảng phái nhỏ bé khác. Tất cả đều chủ trương độc lập dân tộc với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng chỉ có đảng Cộng sản là có chương trình hành động và tổ chức tốt.
Điểm đáng lưu ý nữa là đặc tính tự trị của đảng Cộng sản miền Nam(4). Sau cú 9-3, Nhật vẫn tiếp tục duy trì sự phân chia về hành chính và chính trị giữa Nam, Trung, Bắc Bộ được đặt ra từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến ngày 14-8, khi Nhật cho phép Bảo Đại cử một viên Khâm sai (Phó vương)(5) để nắm quyền cai trị Nam Kỳ. Do kết quả của sự phân chia độc đoán về địa lý giũữ các nước ở Đông Dương như vậy nên đảng Cộng sản miền Nam có sự cách biệt lớn đối với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ và thiếu những sự chỉ đạo cụ thể cho đến tận sau Hội nghị Tân Trào của Đảng ngày 13-8.
Ngay sau cú 9-3, người Nhật bị thúc bách phải tìm những người Việt trung thành để thay thế bộ máy quan liêu Pháp (lúc đó phần lớn đang ở trong tù) và để bảo vệ cho tuyến giao thông ở hậu phương chống lại sự đe dọa phá hoại của Đồng minh. Họ lấy một số người thân Nhật trong các nhóm quốc gia tập hợp trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất do Nhật đỡ đầu(6) để cung cấp cho Nhật một số người họ cần trước khi để cho Mặt trận này tàn lụi dần.
Nhưng khi những người lãnh đạo cái Mặt trận đang ngủ yên này đột nhiên nhận thấy Việt Minh ở Bắc Kỳ, trong tháng 8, đã xuất hiện để chiếm lấy quyền kiểm soát của phong trào độc lập trên toàn quốc, họ liền thúc cho các hội viên hoạt động trở lại. Ngày 14-8, Ban chấp hành Mặt trận nhanh chóng tiến vào chiếm các vị trí mà người Nhật bỏ trống và họ tiếp quản việc kiểm soát Sài Gòn vào ngày 16-8. Điều đó đã được chào đón như là một cuộc “Cách mạng ở Sài Gòn”, tuy cũng rất khó mà được coi là một cuộc tiếp quản. Bộ máy cai trị thân Nhật vẫn còn được giữ nguyên và cũng không một ai ở Sài Gòn biết đến chuyện một cuộc “cách mạng” đã nổ ra.
Người Nhật có thời vận động ngầm, đã giữ một vai trò quyết định trong cuộc “cách mạng” ở Sài Gòn này. Nguyễn Văn Sâm, Khâm sai của Bảo Đại, đến Sài Gòn ngày 19-8 (đúng vào ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội). Hành động đầu tiên của ông ta là điều đình với Nhật, nhằm xin một số lớn vũ khí để tổ chức lực lượng bán vũ trang thuộc quyền ông ta. Và người Nhật đã cấp vũ khí cho ông(7).
Mặt trận thống trị ở Sài Gòn đúng một tuần. Trong thời gian đó, tin Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và Huế cũng như tin Hoàng đế có thể thoái vị đã lan tới Sài Gòn.
Tại Huế, Bảo Đại đã được báo tin về những quyết định ở Tân Trào về việc Việt Minh nắm chính quyền ở Hà Nội. Với một quyết tâm sắt đá nhằm duy trì vị trí lung lay của mình, ngay 19-8, Bảo Đại ra lời kêu gọi dân chúng ủng hộ. Đối vớ thế giới, ông ta nói rằng nhân dân Đông Dương “có khả năng tự quản và đã tập trung toàn bộ sức lực để củng cố nền tảng độc lập của họ”. Với nhân dân Việt Nam, ông ta yêu cầu hợp tác và nói rằng: “Tôi đã sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho mục đích bảo vệ nền độc lập của vương quốc và các quyền lợi của nhân dân tôi”. Ông ta đã bắt đầu dao động và đó cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông có thể thoái vị nếu cần thiết.
Bất chấp chức tước, triều đình và quyền lực của ông trên trường quốc tế, địa vị hợp pháp của Bảo Đại với tư cách là người đứng đầu Nhà nước đã được xem xét lại. Sáu tháng trước đó, ngày 11-3, ông đã công bố nền độc lập của Việt Nam bằng cách công khai hủy bỏ Hiệp ướv bảo hộ Pháp – Việt 1884 và chấp nhận sự đỡ đầu của Nhật. Nhưng Pháp đã không biết tới lời tuyên bố độc lập của Bảo Đại và coi Nhật đã chiếm đóng thuộc địa của Pháp là một “sự kiện chiến tranh thuần túy” cần phải được sửa lại bằng việc đánh bại Nhật. Về pháp lý, đã chẳng có gì thay đổi. Đến khi Nhật thất bại, địa vị của Bảo Đại là người đứng đầu nước Việt Nam độc lập bị lâm nguy. Ngày 20-8, Bảo Đại gửi điện riêng cho Tổng thống Truman, Vua George VI, Thống chế Tưởng và tướng De Gaulle để tranh thủ sự đồng tình và công nhận chính thức của các vị này.
Vào lúc đó, ở Hà Nội (hoàn toàn độc lập với các biện pháp tiến hành ở Tân Trào và không có sự hiệp đồng với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương), các sinh viên Đại học cánh tả đã tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng với danh nghĩa của Tổng hội Sinh viên. Họ đưa ra một quyết nghị mạnh mẽ kêu gọi Bảo Đại thoái vị và thành lập một Chính phủ kiểu cộng hòa dưới sự bảo trợ của Mật trận Việt Minh, yêu cầu Mặt trận Việt Minh mở các cuộc thảo luận với tất cả các đảng phái chính trị để lập ngay một Chính phủ lâm thời, và cuối cùng là kêu gọi nhân dân và các đảng phái chính trị hãy ủng hộ Chính phủ lâm thời để thực hiện sự độc lập của dân tộc. Ngay chiều hôm đó, họ đã điện quyết nghị trên tới Hoàng cung.
Bảo Đại bị áp lực thúc ép phải hành động một cách có tính chất quyết định. Việt Minh đã phát động công nhân thành thị và nông dân các thôn xã tiến hành cướp chính quyền; trí thức và sinh viên đại học đấu tranh đòi hỏi những cải cách triệt để trong Chính phủ và những người Quốc gia thì yêu cầu đánh đổ tất cả bọn vua chúa ở trong cũng như ở ngoài nước. Trước những áp lực đó, Bảo Đại trả lời là không chịu thoái vị, mà chỉ cố đứng vững ít lâu nữa, bằng cách mời Mặt trận Việt Minh thành lập một Chính phủ mới thay cho chính phủ Trần Trọng Kim. Ông chia xẻ với đồng bào ông lòng mong muốn được độc lập, sau khi đã có quá đủ những sự bảo hộ của nước ngoài. Ông cũng không có hận thù cá nhân với Việt Minh và muốn họ tham gia vào Chính phủ của ông, sau khi họ đã xuất hiện như là một lực lượng chính trị. Nhưng hành động của ông đã quá muộn: Tại Huế, Sài Gòn và Hà Nội, các Bộ trưởng của ông đã từ chức và do đó, tất nhiên ông không còn có Chính phủ nữa.
Tuy thế, Bảo Đại luôn luôn là người dễ bảo, đã điện cho các nhà chức trách Việt Minh ở Hà Nội là ông sẵn sàng thoái vị và mời Mặt trận Việt Minh ra thành lập một Chính phủ quốc gia. Lời đề nghị của ông tới Hà Nội ngày 22-8. Nhưng Việt Minh đã lập xong một Chính phủ lâm thời, đã nắm quyền kiểm soát ở nhiều thành phố lớn, và tất nhiên cũng đã yêu cầu Bảo Đại thoái vị để nhường chỗ cho một nước cộng hòa mới.
Các đảng phái miền Nam, cả Mặt trận Dân tộc Thống nhất cũng như các tổ chức đại diện cho Việt Minh đều cảm thấy áp lực phải thay đổi mạnh. Việc chuyển giao vũ khí giữa người Nhật và viên Khâm sai không thoát khỏi được sự chú ý của Trần Văn Giàu, người bạn tin cậy của Hồ Chí Minh. Điều hiển nhiên đối với Giàu là một cuộc đối đầu với kẻ địch được vũ trang đầy đủ sẽ làm cho Việt Minh cực kỳ khó khăn, nếu không nói là không thể giành được một chỗ đứng chân ở Nam Bộ. Cố nắm lấy cơ hội mỏng manh, Giàu tìm cách được trình bày trong hội nghị Mặt trận Dân tộc Thống nhất được triệu tập vội vã vào ngày 22-8.
Ông khôn khéo nêu ra vấn đề là Mặt trận Dân tộc Thống nhất sẽ bị Đồng minh, hiện lúc đó đã đến Hà Nội(9), coi như một phong trào do Nhật đỡ đầu, và vì thế sẽ nhanh chóng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tất nhiên, dù không chỉ đích danh, Giàu cũng đã đề cập đến các nhóm thân Nhật như Phục quốc, Đại Việt, Cao Đài, Hoà Hảo, và các nhóm nhỏ bé khác với tinh thần tương tự như vậy. Sau đó, ông đề nghị một sự lựa chọn khả dĩ có thể chấp nhận được là Việt Minh – đã được nổi tiếng về thái độ chống Pháp của họ, “lại được Đồng minh giúp đỡ mạnh mẽ bằng vũ khí, trang bị và huấn luyện” và đã được công nhận là một lực lượng tiền phong của phong trào dân tộc. Giàu cũng nhắc cho họ hay là Việt Minh cũng là một liên minh của nhiều đảng phái khác nhau đấu tranh cho độc lập dân tộc, và ông khẳng định rằng Mặt trận Dân tộc Thống nhất chắc chắn sẽ được hoan nghênh và ủng hộ trong Mặt trận Việt Minh.
Trong khi hội nghị đang tiến triển thì họ nhận được tin sửng sốt là Hoàng đế “đã chỉ thị cho đảng Cách mạng Việt Nam, phái Quốc gia cánh tả, thành lập Nội các mới… để thay thế cho nội các của Thủ tướng Kim đã từ chức toàn bộ…”(10). Mặc dù có sự chỉ định mờ ám đó, họ cũng vẫn tin tưởng chắc chắn rằng trọng trách đã được giao phó cho Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh của ông gánh vác.
Lập luận của Giàu có thể không hoàn toàn thuyết phục được mọi người có mặt nhưng điều ông nói rằng Đồng minh thiên về phía Việt Minh, gắn liền với việc hoàng đế tỏ ý muốn giao phó số phận đất nước cho Việt Minh đã làm cho mọi người tin tưởng hơn. Lời Giàu nói đến lực lượng vũ trang của Việt Minh với ý nghĩa là được sự ủng hộ của Đồng minh, cũng như quyết định để cho đội Thanh niên Tiền phong có vũ trang(11) đứng về phía những người Cộng sản, đều là những nhân tố thuyết phục mạnh mẽ.
Suốt đêm 22 và ngày 23, các đường dây điện thoại và điện báo giữa Sài Gòn, Huế và Hà Nội không lúc nào ngớt các điện ưu tiên. Ngày 23, kinh thành Huế yên tĩnh đã phải chịu đựng một chấn thương hết sức nặng nề là quang cảnh một cuộc biểu tình “hòa bình” vĩ đại do Ủy ban Giải phóng tiến hành với sự ủng hộ của Việt Minh. Họ đưa quần chúng đông tới hơn 10 vạn người (hơn gấp đôi số dân kinh thành) ra yêu cầu Bảo Đại chuyển giao chính phủ cho Việt Minh.
Ngày 23 cũng là ngày Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp lần cuối cùng để quyết định rút lui khỏi sự lãnh đạo cách mạng và nhường chỗ cho một ủy ban chấp hành Nam Bộ lâm thời mới được thành lập(12) do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Ủy ban đóng trụ sở ngay tại Nam Bộ phủ và Tòa thị chính, và cho phát ra một bản tuyên bố công khai tự xác định là một bộ phận phía Nam của Chính phủ Hà Nội và Huế.
Ở Huế, tối hôm đó Hoàng cung cùng nhận được bức điện của Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam yêu cầu nhà vua thoái vị(13). Nếu Bảo Đại còn bất cứ sự dè dặt nào đối với Việt Minh thì các sự kiện ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn cũng đã gạt tan hết. Nhà vua, cũng như phần lớn nhân dân Việt Nam lúc đó, tin chắc rằng Việt Minh đã may mắn được sự ủng hộ của Đồng minh nên cũng chẳng còn có lý do gì để chống lại với phong trào “dân chủ” đang lên nữa. Ngày hôm sau, 24-8, theo lời khuyên của người bí thư riêng trong triều(14), Bảo Đại trả lời Ủy ban Giải phóng Dân tộc ở Hà Nội; rằng ông ta quyết định thoái vị “để không làm trở ngại cho công cuộc giải phóng đất nước và giành độc lập của nhân dân tôi”. Đồng thời, ông ta đề nghị Ủy ban cử người đại diện được chỉ định tới Huế để hợp pháp hóa sự chuyển giao quyền lực và trách nhiệm(15).
GẶP LẠI ÔNG HỒ
Ở trong nhà, Lê Xuân đứng nóng lòng chờ tôi. Anh ta chuyển lời ông Hồ mời tôi tới ăn cơm và đã có sẵn một xe và lái xe để đưa tôi đi. Tôi xem nhanh các điện từ Côn Minh mới gửi tới, nhưng cũng chẳng thấy được điều gì nói về việc đầu hàng, mà chỉ thấy có điện của Helliwell ra lệnh cho các đại úy Conein và Spaulding đang chỉ huy hai toán ở biên giới Đông Dương phải về Côn Minh để đáp máy bay đi Hà Nội và không được đưa người Pháp đi cùng.
Lê Xuân và tôi ngồi vào một chiếc xe Citroën cũ và lên đường. Đã gần một giờ nên Xuân rối lên vì tôi được hẹn vào giữa trưa. Tôi thì vui và đảm bảo có thể giải thích được sự chậm trễ này vì dù sao thì Chủ tịch chắc cũng đã biết việc gì đã xảy ra.
Người lái Việt Nam đã điều khiển cái xe cũ kỹ một cách khá thông thạo, vừa tránh người tản bộ ngày chủ nhật, vừa tránh các luồng xe đạp và lách trong dòng đủ các xe cộ. Chúng tôi đi hết đường này đến đường khác, cứ như là đi vòng tròn. Gần 10 phút đi quanh và tôi cho rằng người lái xe đã cố để cho không bị theo dõi. Cuối cùng, chúng tôi đã dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng bình thường trong khu thành phố cũ(5). Không có bóng một người Âu hoặc người Nhật. Một thanh niên đứng đón chúng tôi ở cửa, trao đổi một vài câu với Xuân, rồi dẫn chúng tôi vào nhà và bật đèn.
Khi tôi lên đến buồng gác, một bóng nhỏ nhắn tiến lại gần và giang rộng hai tay đón chào thân mật. Tôi rất vui được gặp lại ông nhưng cũng rất sửng sốt. Ông Hồ chỉ còn là một cái bóng của con người mà 4 tháng trước đây tôi đã gặp ở Chiu Chou Chich. Tôi cầm lấy tay ông nhưng hình như tay ông hơi run. Trên đôi chân đi dép, thân hình xương xẩu trái ngược với cái trán khá rộng với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Trang phục của ông, một tấm áo nâu sẫm và quần rộng, lại càng làm đậm thêm một vẻ hoang tàn.
Tôi bắt đầu xin lỗi vì đến chậm, nhưng ông Hồ không chú ý và nói đó không phải lỗi tại tôi và nhìn về phía Giáp mỉm cười. Còn tôi cũng vui khi thấy Giáp ở đây, mặc dù trước đó ông vẫn lặng thinh chẳng nói gì với tôi về bữa cơm. Đưa tôi về phía những người còn đứng yên ở một góc, ông Hồ giới thiệu, “người bạn Mỹ từ Washington của chúng ta”. Tôi hơi lúng túng và không muốn để bị hiểu lầm về quy chế chính thức của tôi, tôi sửa lại “xin lỗi, từ Côn Minh tới”, mọi người cười xòa, và ông Hồ cũng nhắc lại “từ Côn Minh tới”. Tôi đã cố nhớ lại những người có mặt buổi hôm đó, nhưng chắc chắn chỉ có ông Hồ, Giáp, Trường Chinh và có thể cả Nguyễn Khang.
Tôi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, ông Hồ cho biết có bị sốt nhẹ và đau bụng, nhưng bằng một cử chỉ khoáng đạt, ông gạt chuyện đó sang bên và hỏi tôi về những tin tức ở Côn Minh và Washington. Trước khi tôi trả lời, người thanh niên đón chúng tôi đã bưng vào một cái khay với 6 cốc và một chai Vermouth. Người thanh niên rót rượu và ông Hồ mời tôi đầu tiên. Tôi đã nghĩ ngay đến một lời chúc từ chính trị phiền hà, nhưng ông Hồ đã chẳng làm tôi phải lúng túng và chỉ nói “à votre santé”(6). Tôi cũng đáp lại “à la vôtre”(7). Tôi không ngạc nhiên khi thấy ông chỉ chạm môi vào ly cốc vì đã nghe nói ông là một người ăn uống thanh đạm.
Ông Hồ mời chúng tôi sang phòng bên, ở đó đã có bày bàn cơm cho 6 người, món ăn thanh đạm nhưng rất ngon… Tôi ngồi chỗ bên phải ông Hồ và là chỗ duy nhất bày đồ dùng theo kiểu Âu Châu, đồ Trung Quốc và bằng bạc. Đó là một sự chiếu cố, nhưng tôi sử dụng khá thành thạo bát đũa nên đã hỏi xem có thể có bát đĩa được không. Mọi người thích thú và bát đũa được đưa tới ngay. Không khí chan hòa. Ai cũng thoải mái.
Câu chuyện diễn ra bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng có xen lẫn tiếng Anh. Tôi thấy chỉ mình ông Hồ biết tiếng Anh, nhưng còn ít sử dụng để giữ cho mọi người đều có thể tham gia câu chuyện. Và một cách nhẹ nhàng, ông nhắc sơ lại việc nhân dân ông đã cộng tác với AGAS, GBT, OWI và tất nhiên là cả OSS khi ông nói tới việc người Mỹ đã có ý định tuyển mộ ông làm việc cho OWI ở San Francisco năm 1944-1945. Theo ông nói thì ông đã hy vọng là nếu như người Mỹ thực hiện điều đó thì ông đã có thể gặp được đại diện Liên Hợp Quốc để trình bày nguyện vọng độc lập của nhân dân ông. Nhìn lại, ông nói, chắc cũng không thể thành công hơn việc đã làm ở Versailles vào 1919.
Cơm xong, chúng tôi chuyển ra ban công để dùng cà phê, bốn người kia rút lui và chỉ còn lại ông Hồ và tôi. Mở đầu câu chuyện, ông cảm ơn tôi đã có nhã ý nhận lời mời và mong rằng sẽ được cùng nhau nhận định về tình hình hiện tại. Tôi cho rằng điều đó thực là bổ ích nhưng phải xác nhận rằng địa vị của tôi rất bị hạn chế bởi các chỉ thị của cấp trên và tôi không được phép để cho mình dính líu vào các vấn đề chính trị Việt – Pháp. Ông Hồ lắc đầu nhiều lần, giơ tay và cười nói: “Tôi hiểu! Có thể sau này, chứ bây giờ tôi không yêu cầu gì cả. Còn hôm nay chúng ta có thể nói chuyện với nhau như những người bạn, chứ không phải là những nhà ngoại giao”. Tôi cũng cười đáp lại: “Đúng! Và như thế là ông không nghĩ rằng tôi sẽ báo cáo nội dung câu chuyện của chúng ta cho Côn Minh?”. “Không!”, ông Hồ nói, “cho tới khi cả người Pháp lẫn người Trung Quốc cũng không hay biết gì về tôi”.
Trong hai giờ liền sau đó, chúng tôi đã soát lại một số sự kiện và các vấn đề đặt ra từ khi có cuộc gặp gỡ với toán “Con Nai” cho tới các “Cuộc khởi nghĩa” ở Sài Gòn và Hà Nội. Ông Hồ rất nóng lòng muốn cho tôi biết hết những tình hình mới nhất và tôi cũng rất muốn nắm trọn được mọi tinh huống.
Khi nhắc lại một cách buồn cười sự việc của Montfort, ông Hồ hỏi tôi tại sao người Pháp lại bỏ qua những đề nghị gặp gỡ của ông Hồ dạo tháng 7. Đặc biệt trong lúc bấy giờ, ông rất chú ý không những đến việc làm sáng tỏ bản tuyên bố mơ hồ ngày 23-4 của Pháp(Cool mà còn việc mở ra các cuộc thương lượng với các nhà chức trách Pháp tại Trung Quốc. Tôi thú thực không biết gì về ý đồ của Pháp, ngoài việc OSS đã nhờ AGAS chuyển những bức điện của ông cho họ. Ông Hồ thất vọng và cảm thấy bị xúc phạm bởi sự kiêu căng của Pháp khi ông phê phán cuộc vận động chống Việt Nam của Pháp tại Trung Quốc. Ông đặc biệt tức giận đối với Sainteny và nhấn mạnh là chẳng ai còn lạ gì “Sainteny, trưởng đoàn M.5, là người đại diện của De Gaulle”. Theo ông thì phái đoàn Sainteny chống đối với người Việt Nam và do đó sẽ gây ra nhiều vấn đề cho Chính phủ Lâm thời.
Về “kíp người” ở dinh Toàn quyền, ông Hồ hỏi “Họ hy vọng làm được gì nhỉ? Không biết có lúc nào họ nghĩ rằng họ lại có thể ngăn chặn được sự tiến triển của lịch sử Việt Nam không?”. Tôi không thể trả lời thay cho người Pháp và chỉ có thể giải thích rằng chúng tôi đã để họ đi theo là nhằm để giúp đỡ chúng tôi trông nom số khá lớn tù binh Pháp và do đó chúng tôi đã hạn chế chỉ để cho họ có 5 người. Ông Hồ rất mực không tin. “Đó có thể là mục đích của các ông nhưng chắc chắn không phải mục đích của họ”.
Để ông bớt lo ngại, tôi gợi ý xem có thể lợi dụng nhóm Sainteny làm cái cầu để sớm bắt liên lạc với người Pháp được không, thậm chí cũng có thể thử dẫn dắt họ tới việc phải công nhận trên thực tế việc Việt Minh đã nắm chính quyền. Ông Hồ không nghĩ như vậy. Trong lúc này, ông không sẵn sàng thương lượng. Tình hình sau này cũng có thể sẽ thay đổi khi người Pháp nhận thức được họ không thể giữ mãi được những tham vọng của họ trước. Nhưng cho đến lúc đó thì họ vẫn cứ phải ở tại Dinh và cần phải được canh giữ. Tôi gợi ý một lần nữa về một cuộc đối thoại với Sainteny nhưng ông Hồ vẫn khăng khăng không chịu và cho rằng không được kết quả gì tích cực. Song, vì nhã ý đối với tôi, ông nói về vấn đề này, tôi có thể tùy ý quyết định.
Nhưng ông Hồ không phải chỉ lo lắng về người Pháp không thôi, ông còn gặp khó khăn đối với những mưu toan của người Anh và Trung Quốc. Ông nói một cách thông thạo về sự hợp tác Pháp – Anh ở Lào, Kampuchia và Nam Bộ. Trong các khu vực này, rõ ràng quyền lợi của Anh trùng hợp với các mục tiêu của Pháp với mục đích lâu dài nhằm khôi phục lại khu vực thuộc địa trước chiến tranh của họ ở Đông Nam Á. Còn đối với người Trung Quốc, ông Hồ xác định lợi ích của họ chính là những vụ “trấn lột về chính trị”. Có tin từ Trùng Khánh cho biết, Quốc dân Đảng (Trung Quốc) đang xúc tiến thương lượng với Chính phủ Paris về nhiều vấn đề đặc quyền ở Đông Dương và ông Hồ tin chắc rằng hoạt động của các cường quốc Pháp, Anh, Trung Quốc sẽ gây nguy hại cho sự toàn vẹn của phong trào giải phóng dân tộc.
Câu chuyện trở nên chán ngán. Tôi chuyển sang hỏi về mối quan hệ giữa Nhật và Chính phủ Lâm thời. Ông Hồ khẳng định là Nhật không can thiệp và đã có thái độ hợp tác tốt từ sau cuộc “khởi nghĩa” ở Hà Nội, đã có một sự thông cảm ngầm không qua những mối quan hệ chính thức hoạt động thương lượng. Người Nhật đã rút lui một cách có trật tự và Việt Minh tiếp quản dần từng ngành chính quyền. Nhưng ông không biết phải chờ đợi gì ở Đồng minh sau khi Nhật rút đi và ông cũng chẳng rõ ai thay thế họ. Tôi nói có thể là người Trung Quốc như đã thỏa thuận ở Potsdam. Ông Hồ không ngạc nhiên vì ông cũng đã nghĩ là tình hình cũng có thể sẽ như thế nhưng chưa chắc chắn lắm. Tôi ngầm tự hỏi không rõ ông có hy vọng gì vào việc Mỹ chiếm đóng không.
Ông rất khó chịu về việc người Việt Nam phải tiếp đón quân đội Trung Quốc và cho rằng việc một số lớn người Trung Quốc tràn vào Việt Nam, cộng với số quân Nhật ở đây sẽ làm cho tài nguyên đất nước khánh kiệt một cách ghê gớm. Một cách tinh vi, ông đã liên tưởng đến những rối loạn mà quân đội chiếm đóng Tưởng có thể gây ra nếu họ cướp bóc lan tràn và lộng hành đối với dân chúng. Ông yêu cầu tôi báo trước cho Đồng minh về những khả năng này, và tôi đã hứa sẽ làm đầy đủ.
Đó là một số vấn đề đã ám ảnh ông Hồ, đều là những vấn đề giải quyết không dễ dàng và chúng tôi cũng chỉ có thể tác động tới được rất ít.
Không kể đối với một số ít người thân cận và một số người Trung Quốc, tên tuổi và con người Hồ Chí Minh còn được ít người Việt Nam biết đến, và đối với các lãnh tụ thế giới đang chia cắt Đông Nam Á thì lại càng không biết tới. Những cố gắng trước đây của ông để tranh thủ sự công nhận của Mỹ đã không đi tới đâu. Ông Hồ cảm thấy khẩn thiết phải tìm được cách làm cho Đồng minh chú ý đến chính phủ của ông trước khi quân đội chiếm đóng của họ tới. Ông đã xem bản kêu gọi công nhận nền độc lập Việt Nam của Bảo Đại gửi cho những người cầm đầu các nước Đồng minh mấy ngày trước. Điều đó làm cho ông lo lắng vì lời kêu gọi đã tăng cường địa vị hợp pháp là người đứng đầu quốc gia của Bảo Đại và không nói gì đến sự tồn tại của Chính phủ Lâm thời. Ông phải nhanh chóng hành động để sửa lại điều sai trái này.
Theo ông Hồ thì Bảo Đại đã không cầm quyền từ lâu. Chính phủ duy nhất hợp pháp lúc bấy giờ là Chính phủ Lâm thời của ông. Tôi không thảo luận ý kiến của ông có liên quan tới Hà Nội và ngay cả Bắc Bộ nhưng nêu vấn đề là đối với cả nước thì Bảo Đại vẫn là người đứng đầu quốc gia. Với nụ cười quen thuộc, ông báo cho tôi biết rằng đúng vào lúc đó, một phái đoàn Chính phủ đã lên đường đi Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Và khi việc thoái vị xong, ông dự định sẽ công bố một bản Tuyên ngôn độc lập, thành lập một nội các, đưa ra một chính phủ hoàn chỉnh, và tranh thủ cho được sự công nhận của quốc tế. Với một giọng tự nhiên, ông hỏi: “Mỹ sẽ làm gì nhỉ?”. Tôi không thể phát biểu thay cho chính phủ nhưng đưa ra ý kiến riêng là Mỹ sẽ xem xét lại tình hình dưới ánh sáng các sự kiện mơi. Ông Hồ tỏ vẻ thất vọng nhưng cũng không nài ép gì tôi thêm.
Điều quan trọng đối với ông Hồ là Mỹ tiếp tục chính sách chống thực dân của Mỹ đối với Đông Dương. Ông cũng tìm cách để xua tan điều “hiểu lầm” cho ông là “một phái viên của Quốc tế Cộng sản” hay là một người Cộng sản. Mối quan tâm sốt sắng của tôi đã tạo cho ông con đường duy nhất có giá trị để đặt quan hệ với Washington. Và ông đã cố tận dụng điều thuận lợi đó. Ông công nhận một cách thẳng thắn ông là một người Xã hội, ông đã cộng tác và làm việc với những người Cộng sản Pháp, Trung Quốc và Việt Nam, nhưng nói thêm “Các ông ở đây nữa cũng thế phải không?”. Ông tự gán cho mình nhãn hiệu là một người “Quốc gia – Xã hội – Cấp tiến”, có một sự mong muốn mãnh liệt muốn giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ của nước ngoài. Ông nói một cách lưu loát không điệu bộ, nhưng với một vẻ thành thật, quyết tâm và lạc quan.
Vào khoảng 3 giờ 30, có người tới và nói với ông Hồ điều gì. Ông xoa tay vui vẻ và quay lại phía tôi, với nụ cười rạng rỡ, ông báo cho biết: “Viên Khâm sai ở Nam Kỳ vừa điện cho Triều đình xin từ chức. Ông ta đã chính thức đặt chính quyền miền Nam vào trong tay Ủy ban Hành chính Nam Bộ”. Tôi không ngạc nhiên lắm vì hôm trước đã được nghe nói Việt Minh do Trần Văn Giàu lãnh đạo đã nắm quyền kiểm soát ở đó. Ông Hồ giải thích là Bảo Đại chỉ mới tuyên bố có “ý định” thoái vị. Nhưng người cuối cùng trong số 3 viên Khâm sai cũng đã rút lui thì không còn có trở ngại chính thức gì cho việc thoái vị hiện nay của ông ta nữa. Rõ ràng đó là một điều hân hoan đối với ông Hồ.
Tôi cho rằng các bạn ông đang chờ để gặp ông, nên xin rút lui. Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa và nói ông sẽ không bao giờ quên buổi chiều vui vẻ này của chúng ta và tỏ ý mong rằng tôi sẽ vui lòng giữ quan hệ mật thiết với ông. Tôi đáp lại xin sẵn sàng gặp ông sớm. Người lái xe đã đợi sẵn và 5 phút sau tôi đã trở lại nhà Gauthier.