Văn học miền Nam 54-75 (348): Túy Hồng (8)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 5)

Con gái tôi ra đời, mắt lớn, tai to, tóc rậm xồm xoàm tiền sử, chiếc hình hài đỏ hỏn bốn mươi tám phân hai ký rưỡi. Chiếc vỏ ốc đặt trên bàn viết của bố ghi thanh những tiếng khóc dạ đề, viên gạch vứt đầu hè đã nung nhiệt độ khi bà mụ nhỏ lầm thuốc Tizine vào mũi con tôi vùi nó vào giấc sốt mê man. Khanh Hiền ơi, hai mươi bốn giờ sau khi con đột nhập cuộc đời giữa tiếng nổ pháo kích, mẹ đã tập cho con bú những giọt huyết ngà đầu tiên, sữa người mẹ. Mẹ đã dạy cho con cách táp, tập cho con chụp bắt, tập nút, tập vò ngấu nghiến và rúc đầu vào ngực mẹ. Con thông minh, con học mau biết ghê, con cố gắng, con kiên nhẫn, trì chí vật lộn lăn lóc kêu gào, nhưng ngực mẹ chỉ là một bầu hư vô sương khói. Ngực mẹ là sa mạc, con bú sữa bò, sữa Guigoz nóng quá con đi tiêu khó khăn. Ngực mẹ đã khô đi những giọt ngọc lỏng đáng lẽ phải rỉ rả chạy không dứt từ hai mô thịt nhỏ tình mẫu tử, con phải ăn thêm cam từ ngày thứ tám để hóa giải chất độc của sữa bò… Bố con hát ngạo mẹ:

“Ngày nào, khi con bị hút ra đời…”.

Đôi mắt tôi lườm lườm chàng thật cong, tôi nói:

– Đẻ đau không bằng nuôi cực. Nuôi con thật cực khổ: từng giọt sữa, từng giọt sữa bú mãi không hết một hộp Guigoz.

Mẹ tôi bảo:

– Ngày khẩm tháng con bé Hiền mi nên đi ra đường một tí để bán phong long.

Xấp giấy vàng bạc đốt cho khói bay lên trời, hạt muối nào ném thật cao, hột nổ nào gieo thật giòn, lễ đầy tháng con là mười hai con cua, mười hai miếng thịt, mười hai cái trứng, cho mười hai bà mụ. Mười hai bà mụ và ba bà tiên, ba bà tiên ba phần thật lớn. Lễ cúng mụ phải đầy đủ để mụ dạy cho con khôn khéo. Nghiễm bàn:

– Phải tổ chức một bữa ăn cho con bé ra mắt họ hàng, bạn bè.

Nghiễm hăm hở đi đặt xôi vò, heo quay, bánh, trái cây, đồ ăn lạnh, chàng trao cho Thảo ba tấm phiếu đặt đồ:

– Mai mười giờ em đi lấy bánh, lấy giò chả để anh đi lấy heo quay cho.

Những tiếng súng nổ lục đục cả đêm, nổ lắc rắc trên con đường Phát Diệm và những con đường khác. Càng về sáng càng nhiều tiếng nổ lớn và tiếng nổ phụ. Tôi cho Khanh Hiền bú cữ sáu giờ xong vào giường nằm ngủ lại đến gần tám giờ mới thức giấc thì Nghiễm vừa đi ra ngoài về bảo:

– Đánh lớn! Tấn công đợt hai… giới nghiêm hai mươi bốn trên hai mươi bốn.

Câu nói dằn mạnh tôi xôn xao:

– Thế không ai đến ăn mừng con mình cả?

– Chịu chết chớ sao!

– Mất mấy ngàn tiền cọc… Lại đồ ăn ở nhà làm ra ê hề không ai ăn giúp.

Ngày hôm đó nhà không thổi cơm làm món ăn. Nghiễm bế con đặt nằm ở giường cúi xuống nói nựng: “Ờ ờ con của bố đấy hả? Ôi chà, ôi chà, mếu, mếu thương quá, thương quá. Ba tháng bố tập cho uống bia nhé! Không uống bia không phải con bố”. Tôi quay lại trừng mắt: “Bộ tốt đẹp lắm hay sao cái tật uống rượu mà truyền lại cho con”. Nghiễm kêu lớn: “Khanh ơi, nó giống anh quá. Mắt giống bố này, tay chân dài giống bố này, môi cong giống bố này. Trời ơi, đôi mắt đẹp quá sau này nhiều người chết mệt. Con tôi con tôi thương quá thương quá. Có con rồi bố không còn đơn chiếc nữa, bố biết rằng từ đây có một người yêu thương bố nhất đời là con… Ui ui ui sao mà bé tí xíu thế này, thôi bố không uống rượu nữa, bố không mê rượu nữa, từ đây bố dành bố cho con”.

Tôi nguýt dài:

– Thôi đi! Từ đây bố không uống rượu nữa… Mấy chai rượu chát, rượu champange người ta cho tui, một mình anh nốc hết.

Đôi mắt Khanh Hiền đen như satin là hai hạt nhãn thông minh chớp chớp. Tôi nói:

– Gái Huế có khác, mắt đẹp hớp hồn đàn ông.

Nghiễm vuốt đùi con bé:

– Gái Bắc chớ sao gái Huế!

Khanh cười:

– Gái Huế lai bắc.

Nghiễm cãi:

– Gái Bắc lai Huế!

Khanh Hiền dễ nuôi, cách ba giờ cho bú một lần, bú xong cho vào cái nôi không bồng không ẵm, ngủ suốt đêm đến sáng chẳng hề khóc. Nó bú bò nên hay ọc sữa. Ba tháng biết lẫy bảy tháng biết bò. Bột Guigoz đã nuôi con qua thời kỳ hóng chuyện, biết lật, biết gọi mờ mờ bên vành môi, biết bò, biết vỗ tay. Nụ cười đầu tiên trong vô thức của con nở vào ngày mười bốn tháng tư sáu tám. Chiếc răng cửa thứ nhất nhú lên một lần với thời kỳ con biết bò. Rồi con mọc hai cái răng giữa để cười toe toét, rồi con biết vịn thành giường mà đứng, rồi mẹ trân trọng cầm cái kéo hớt đợt tóc nguyên thủy của con, bà ngoại gọi đó là tóc máu, cho tóc khỏi đâm vào mắt.

Bích Khuê mỗi lần đến thăm đều nói:

– Giống cha quá, con gái giống cha giàu ba họ.

Bích Khuê cũng thường bảo:

– Nè liệu mà mau mau đi ở riêng đi, ở chung không được đâu. Mình ở nhà mẹ mình sướng thiệt… nhưng rồi sẽ mất tình nghĩa, mất ruột thịt.

– Ai mà không biết, ngặt cái là không đủ tiền thuê nhà. Ở nhà cha mẹ mình thì nhàn rỗi thật nhưng khổ tinh thần lắm lắm, mình ở giữa bên này giằng bên kia kéo.

– Bà ngoại trông cháu cho mi rồi, mi rảnh rang vậy sao không đi học thêm?

– Ừa… hay là tau đi học thêm, nhưng Nghiễm là người ít sẵn sàng… ảnh còn cấm không cho tau đi làm nữa mà!

– Càng lấy chồng càng ngày càng ngu ra, không đọc sách, đọc báo.

Tôi gật gù:

– Ngày xưa mình say mê đọc sách, say mê chép thơ vào giấy màu xanh xanh vàng vàng.

Bích Khuê bước vào phòng lại bên môi con tôi:

– Ở đây có mấy dì săn sóc, sướng nhé… cho bú, thay tã.

– Bọn nó chơi búp bê mà… khi nào con tau sạch sẽ thơm tho thì bọn nó xúm lại, còn khi con bé ỉa thì bỏ chạy hết…

Bích Khuê nói:

– Hôm qua lu bù lu bù.

– Lại đánh tứ sắc với mấy ông tướng?

– Một lệnh một trăm bạc.

Bích Khuê vừa thay tã cho con nhỏ vừa hỏi:

– Nghiễm có ghen không mi?

– Tau có bước ra khỏi nhà đâu. Nhiệm sở của tau là gia đình, làm sao có thể xảy ra chuyện ghen tương được.

Quá khứ nằm trong chiếc khuôn chật hẹp. Những cuộc tình không có chiều dài, những hẹn hò hai đứa hai bàn tay ra nắm biến thành những chuyến đi dạo, những buổi chiều đu người trên chiếc périssoire bơi vùn vụt ra sông Hương, những đĩa đồ chay mỗi lần lên chùa ngày vía Phật, lăng tẩm, biển Thuận An, đèo Vọng Cảnh… Quá khứ tôi chỉ có chừng ấy, quá khứ rất đơn sơ không đủ sinh lực tạo nên một cơn ghen nhỏ dù tôi đã bao lần kể say sưa: “Anh Nghiễm ạ! Cá voi đực si tình lắm. Ngày xưa có một ông mê em như cá voi đực, mê kỳ lạ, mê đến mọc mộng ra”. “Ừ…”. Tôi nghĩ đến những thành công trên đường tình của người khác, Khanh ơi, chồng tau dễ nuôi như heo con, ngày nào tau cũng bắt ăn món sườn xào chua ngọt. Chồng tau ghen quá trời, mỗi lần tau đi đâu về là anh ấy đòi giết tau rồi tự sát theo. Chồng tau tội lắm, tau bắt làm việc cả ngày; tau có bao nhiêu cái xì líp ảnh đều biết, tau có kinh ngày nào ảnh đều nhớ… Tôi nghĩ đến Như Ngân, nghĩ đến một mối tình có ba quả tim mà báo chí đã nhất loạt loan tin. Con Như Ngân đấy, nụ cười với chiếc răng chó mọc lỗi dễ thương chi lạ, da đen mịn với một tí má hồng đánh loãng, ngực không có mà vẫn ngoại tình một cách hiên ngang. Ngày còn đi học thì thầy mê bạn mến, ngày lên xe hoa thì hai giáo sư khóc thành thơ. Như Ngân ngoại tình trong nhẫn nhục tha thứ của chồng để rồi đi đến kết cục là hai cái chết. Người tình địch chết, người em trai chết và người chồng sát nhân xong quay lại sum họp cùng vợ… Tôi lẩm bẩm mình không dám đòi hỏi một kỳ công như Như Ngân, nhưng lạy Trời mình được chồng ghen, lạy Trời Nghiễm mê mình đến phát ghen… Lạy Trời… Lạy Trời Nghiễm mê mình đến phát ghen. Tôi lặp đi lặp lại lời nói như ca sĩ hát ba lần câu cuối bài nhạc.

Tôi pha một lúc ba bình sữa chưng nguội cho vào tủ lạnh chạy lên lầu dặn mẹ:

– Con đi có việc. Mẹ nhớ là cách ba giờ mẹ xuống nhà lấy bình sữa trong tủ lạnh ra chưng nóng cho cháu bú nhé!

Tôi hấp tấp không kịp thoa kem lót mặt, đánh vội một lượt phấn nụ rồi bước ra đón ngay được taxi đến thẳng nhà Bích Khuê.

– Ô Khanh …

Tôi lăn tròn mắt nhìn quanh:

– Mi giàu quá. Nhà tau không bằng cái bếp nhà mi.

– Mi ăn sáng chưa? Dưới đường có chỗ bán bún bò ngon lắm.

– Thôi, hôm qua mới làm ăn ở nhà rồi.

Có tiếng huýt gió bản “Phố buồn” rồi người đàn ông bước ra.

– Ô, anh Sanh, vào bao giờ vậy? Sao không lại thăm Khanh?

– Sợ chồng Khanh đánh lắm!

Tôi háy Bích Khuê:

– Mi nghe thằng anh mi ăn nói không? Anh ham ở Huế mà tranh đấu, nào là chủ nghĩa, nào là này nọ… Anh ở lì ngoài Huế bắt tau đợi mòn mỏi ở Saigon. Anh bỏ không tau, anh giam tau trong một căn nhà mà không khóa.

Bích Khuê khoát khoát tay:

– Anh khùng rồi mi ạ, khùng nặng lắm. Không hiểu sao cái tết Mậu Thân năm ngoái…

Bích Khuê ngậm ngang lời nói ừ à một chút rồi tiếp:

– Tết Mậu Thân năm ngoái thôi thì trốn chui trốn nhủi dưới hầm hai chục ngày, thế mà vào tới Saigon râu tóc chưa cạo, áo quần chưa thay, đã mở miệng nói xấu chính phủ rồi.

– Cái nết của phần đông người Huế mình là vậy.

Sanh lừng khừng:

– Khanh trẻ đẹp ra.

Bích Khuê cười oang oang:

– Thôi đừng điên nữa, anh Sanh, anh làm con Khanh nó tưởng anh mê nó rồi ngoại tình tư tưởng.

– Ừa ừa, anh Sanh của mi điên rồi. Bây giờ mình phá đầu tóc anh cho bù xù ra rồi ngắt cho anh một cành cây thật nhiều lá để anh cầm vừa đi vừa phất phất, vừa hát vừa nói lải nhải.

Những tiếng cười không lớn nhưng kéo thật lâu. Tôi ngậm miệng lại:

– Thôi thôi không giỡn nữa… Bích Khuê cho tau mượn sáu chục nghìn.

– Mấy?

– Sáu chục nghìn.

– Dữ vậy! Mượn tiền để làm chi?

– Tau mua một cái máy rang bắp đặt ở trước mặt nhà. Người ta bảo một ngày kiếm được một nghìn đấy!

– Áp phe lớn quá ta! Sao mi không mua sách báo Pháp, học những kiểu cắt may áo đầm, mỗi ngày chỉ nhận may một cái cũng có được năm bò.

– Thôi! Mà ni có cho tau mượn không?

– Cho thì cho, cho mượn chứ…, nhưng tau tức cười quá!

– Răng mà tức cười, tức cười cái chi?

– Mi muốn noi gương mấy ông Tàu bán đậu phộng rang… bán đậu phộng rang rồi trở thành triệu phú. Mi bán bắp rang…

– Tau chỉ hy vọng lời đủ tiền chợ thôi.

Bích Khuê vào trong mang ra xấp bạc và chùm chìa khóa đặt trên bàn bảo tôi cất vào xách tay. Sanh hỏi tôi trước khi đi mượn tiền có coi ngày không. Tôi bảo tôi chỉ sợ con số mười ba thôi còn ngoài ra không tin nhiều thứ như những người đàn bà khác. Bích Khuê rủ tôi ở lại để vào Phú Lâm coi bói. Tôi trả lời:

– Chừ hơi mắc, khi mô rảnh rồi đi. Sanh còn ở đây lâu mà. Tau phải đi bói cho anh thử bao giờ lấy vợ.

Sanh xua tay:

– Đừng bói vô ích, anh biết số mạng anh rồi. Anh đã biết anh ế vợ từ năm anh hai mươi tuổi cơ!

Tôi đứng lên chào về. Sanh nhìn tôi từ tóc tới chân, mắt chàng êm mát như lụa và ngọt sắt như quýt Hương Cần. Tôi sực nhớ một câu văn tôi đã ghi vào bìa cuốn vở giảng văn năm đệ nhị: “Đừng nhìn nhau lâu quá, sợ rồi thương mến nhau, chỉ cần quen biết thôi, tình đừng nên tìm sâu”. Hồi đó Bích Khuê nói: “Con Khanh hắn yêu anh Sanh như sanh như sứa”. Yêu như sanh như sứa, từ ngữ dùng rất chính xác. Hồi đó, những bước chân của tôi thật chậm, Sanh dắt xe đạp đi sát bên những bước chân chậm. Suốt cuộc đời mòn con gái tôi đi con đường Phan Chu Trinh nằm bên trên dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong. Tôi đi tà tà trên vạt cỏ, mắt nhìn dải nước xanh đục, lềnh bềnh bèo rác, mắt nhìn hai con đò lừ đừ nằm trên mặt sóng chở dừa mía xuống chợ Đông Ba bán. Tôi đi và Sanh xuống xe đạp dắt theo một bên, tôi đi và tôi trèo lên bên sau chiếc xe đạp cho Sanh chở đến chùa, đến điện Hồng Chén trong mùa đồng bóng. Những chiếc tháp năm bậc bảy từng, những ngôi nhà mười màu xốn mắt được xếp trên những con đò khổng lồ cho các bà đồng cô cốt cậu quần là áo lượt sặc sỡ, chói chang, bôi mặt vẽ mày thoa son từng nét đậm ngát hôn mê la hét múa may quay cuồng như trên sân khấu hát bội. Những chiếc thuyền hoa hòe rực rỡ đó gọi là bằng. Bằng đi trên con nước Hương giang đến điện Hồng Chén dự lễ trong năm bảy ngày. Sanh bảo: “Sở dĩ anh mê coi lên đồng vì anh thấy trong mắt bà đồng ông đồng có một luồng điện kỳ lạ, yếu ớt”. “Anh có cái thứ đam mê gì mà ngu dốt i tờ nhà quê”. Sanh và tôi đứng bên bờ sông Hương đón xem bằng về trong nắng chiều. Tôi đội nón và bận bộ đồ vải phin trắng. Trước khi ra đường, tôi xếp chiếc khăn mùi soa trắng làm tư làm tám làm mười sáu cầm vào tay phải, tay trái tôi cầm chiếc hộp Craven “A” màu đỏ in hình con mèo, bên trong đựng cây bút máy, kim chỉ, vài đồng bạc và tấm hình. Chiếc hộp đó là món trang sức của Huế-con-gái mà bất cứ cô Đồng Khánh nào cũng cầm trên tay diện đi ra đường. Chiếc hộp đó bán ở trước hiệu sách Tân Hoa giá năm đồng bạc. Có chị Đồng Khánh giấu thư tình vào hộp đó bị giáo sư bắt được đem ra hội đồng kỷ luật. Mấy chị đồn đãi:

– Con Khanh lớp đệ tứ BI mèo với cái thằng Sanh điên điên tàng tàng dập dập!

– Có mèo điên mà không biết dị!

– Ừa… dị quá hí!

Tôi tham dự cuộc tình như rước đèn tháng tám, như xem đồng bóng ở điện Hồng Chén… Bích Khuê bảo tôi yêu Sanh như sanh như sứa, từ ngữ dùng thật chính xác, yêu trong một cơn lốc rồi hết rồi lặng.

Tôi về đến nhà thấy Nghiễm đang ngồi xem báo gác hai chân lên bàn.

– Sao hôm nay anh về sớm vậy?

– Về bất thình lình như vậy mới bắt gặp cô bỏ nhà bỏ con đi chơi một mình!

– Ở nhà mấy thế kỷ hôm nay mới đi tí công chuyện.

– Đi đâu?

– Em lại nhà con Bích Khuê, tra hỏi lục vấn gì om sòm vậy? Anh cất em như cất nước mắm, anh đậy kín em như đậy nước mưa kinh niên, anh giấu em như giấu rượu bạch nhật.

– Bỏ con ở nhà đi đấu láo sướng nhé!

Tôi vào thay tã cho con, cất mấy món ăn vô tủ lạnh nói lớn:

– Anh Nghiễm à… Bà ngoại cho bú rồi, lúc anh về nhà con đã bú chưa?

– Đang bú. Cô đi làm cái gì từ tám giờ đến gần mười hai giờ mới về?

– Cứ gặp con Bích Khuê rồi cười ha ha quên hết.

– Quên cả chồng con!

– Em quên anh thôi, chứ con thì nhớ quá!

Ba giờ chiều Nghiễm đi làm. Hầu giấc ngủ con xong, tôi mới lên lầu đưa sáu chục nghìn cho mẹ.

– Mẹ cất đi, mai con đi mua máy về đặt ngay trước mặt nhà.

– Ừ để tau trông coi cho, tau đi mua bắp nếp bắp lòn thượng hạng về rang nở tùm lum ra.

Thảo láu táu:

– Vía con nhẹ lắm, con mà rang bắp thì bắp nở ùn un như Đông Ngô đánh nhau với Gia Cát Lượng.

– Mình không hy vọng kiếm mỗi ngày một nghìn như thiên hạ, chỉ mong sao đủ tiền chợ. Bắt con Út, con Cúc phụ trách đứng bán.

Trâm la:

– Để chúng bốc ăn suốt ngày hết cả!

– Chúng chỉ ăn hai ngày đầu là ớn, bắp không phải là món bở.

Tám giờ sáng Nghiễm sửa soạn đi làm vừa thay quần áo vừa dặn:

– Sáng nay em ở nhà với con, đừng bỏ đi như hôm qua.

Tôi làm thinh, Nghiễm nhắc:

– Nghe chưa? Có nghe không?

– Nghe rồi, hai tai cùng nghe, bịt lại không kịp.

– Mấy lâu nay chắc là nhiều lúc anh đi làm em bỏ nhà đi chơi nhiều lần lắm.

– Anh dễ ghét… Bây giờ mà em nói thật ra là em chẳng đi đâu cả thì có vẻ hèn lắm.

– Nói rồi đó, ở nhà trông con.

– Anh ăn cướp hết cả tự do của em rồi. Thôi, em không muốn sống với anh nữa, em về Huế làm cách mạng.

Nghiễm rời khỏi nhà, tôi pha hai bình sữa cất tủ lạnh rồi ngồi vào gương sửa soạn. Phấn Max-Factor đánh ướt, thuốc nước vẽ mắt, má hồng lỏng Nhật Bản. Thảo mặc áo dài raglan, nách cao, tà ngắn hở hở đi vào:

– Chưa xong chi hết trơn sao?

– Phải nửa giờ phấn son mới tô thắm mặt đàn bà ra được.

Tôi mặc chiếc quần rộng ống. Mới sanh xong, bụng còn to, mặc quần tây là một điều hữu lý. Vừa mới cho tay vào áo thì Nghiễm về:

– Bắt được quả tang sắp sửa đi chơi!

Nghiễm nhìn chăm chăm vào cái mặt vừa tô thắm xong của tôi:

– Biết mà, thế nào cô cũng bỏ nhà đi chơi! Tôi nói có sai đâu!

Vẻ hân hoan thật tình, nét cười nhấc cao một bên môi của tấm chồng gây cho tôi một cau có sung sướng.

– Anh thiệt là vui tính… Người chi mà vui lạ, vui quá!

– Bắt được cô bỏ nhà đi chơi nhé, hết chối hết cãi.

– Phải rồi, tôi đi đánh tứ sắc đấy…

– Này, liều vừa vừa nhé!

– Anh sao cứ ra tay lớn vào những việc nhỏ!

– Trước khi đi tôi đã buộc cô phải ở nhà trông con.

– Em đi có việc cần.

– Tôi đã bảo ở nhà là ở nhà. Cấm không cãi.

– Ai biết anh khó vậy. Nếu biết anh khó… khó… như vậy… biết vậy thà lấy chồng Huế cho sướng.

Tôi nhớ lại một bài hò đánh thẻ của những cô gái Huế nhỏ: “Ai muốn đỏ bôi son, muốn vàng bôi nghệ. Chạy qua nhà chị Huệ, chạy về nhà chị Lan. Sang cái tay, trở cái chân, bắt một con mà ăn…”. Bài đánh thẻ của những cô gái Huế nhỏ chính là bài hú tự do dành cho những người đàn bà của Huế trong khung cửa hẹp gia đình. Nàng có quyền trang điểm. Đẹp thì nàng nhờ, xấu thì nàng chịu. Nàng có quyền chạy về nhà chị Lan hỏi mượn một số tiền. Tay chân của nàng không bị trói, tay nàng cử động sang bên này, chân nàng trở sang bên kia.

Tôi đĩnh đạc nói:

– Anh Nghiễm, em là một người đàn bà không đáng mất tự do. Tháo bớt những dây dưa cho em thong thả một tí!

– Lẩm cẩm!

– Còn chi nữa?

– Hỗn là không được đâu đa!

– Anh không thương em chứ em không hề hỗn với anh.

– Trước kia cô ngoan bao nhiêu. Từ ngày dọn về đây cô quá thể!

Thảo háy Nghiễm một cái cong vòng rồi quay ra bỏ lên lầu. Tôi thốt cười. Háy nguýt là một sở trường. Gái Huế khôn ngoan quá nên mắt gái Huế đẹp và lanh, nhìn xa thấy rộng. Mắt ấy mà háy một cái, nguýt một cái, kẻ bị tội liền lảo đảo. Em hãy háy anh, nguýt anh một trăm cái, triệu cái, nhưng đàn bà với nhau thì không nên háy, không nên nguýt. Mi háy tau hả? Mi háy tau hả? Tau múc mắt ra cho con gà tới mổ.

Tôi ôn tồn:

– Anh hãy đến tòa báo lại đi. Rồi em cũng đi một tí em về.

– Nhưng cô đi có chuyện gì?

– Đi làm cố vấn cho bà ngoại mua một cái máy rang bắp.

– Cô biết gì mà mua?

– Chẳng lẽ mua nhằm máy giả sao?

– Mà bà ngoại mua để làm gì?

– Đặt trước cửa nhà mà bán chứ làm gì! Ông ngoại sắp về hưu rồi.

– Mấy bà nhà này mua với bán gì, có mà ăn hết sạch cả vốn.

– Bộ bắp rang ngon lắm sao mà ngày nào cũng ăn được.

– Cô ngang tàng láo lếu! Càng ngày càng …

Tôi đưa mặt vào gương lấy bông chặm chặm trên mép miệng bắt đầu ướm rịn mồ hôi. Đánh phấn nóng mặt. Tôi chu mỏ:

– Em là vợ ngoan, vợ hiền, vợ quý… Đừng chê em…

Nghiễm nhún vai:

– Chị em cô… con gái nhà này thì làm ăn buôn bán cái nỗi gì… hì… hì… làm ăn buôn bán cái nỗi gì không biết… hì… hì…

Tôi ngồi xuống giường:

– Cũng chẳng động chạm đến ai cả, cười gằn làm chi cho mệt.

Tôi khép cánh cửa thay lại áo quần. Con gái tôi đái nữa, đái luôn đái lủy cả ngày. Đái trôi mẹ rồi con ơi, mai sau đái trôi chồng. Tôi luôn nói nựng con như vậy. Nghiễm thay áo quần ngồi vào bàn viết mặt quay vào tường.

Tôi bặm miệng đưa nắm tay đánh gió vào ót chàng một cú rồi chạy lên lầu nói với Thảo:

– Tau không đi nữa, thằng cha nói rát đầu lắm.

Thảo trề môi:

– Công việc làm ăn của người ta chưa chi cả, chưa bước được nửa được đã cản lái cản mũi. Cái bà Khanh sao mà hiền quá phát ngu… sao mà nhịn tài. Tui mà gặp thằng chồng như vậy, đá ngay một ngày… Chán chi mà chán!

– Thôi đi mi… chê mãi chồng người ta có ngày mình ế.

– Ế thì chịu chứ chồng cái kiểu đó ớn hơn mỡ!

Cơn khóc khỏi đầu bằng những cái chớp mắt nhỏ, nỗi buồn khởi đầu bằng tiếng thở dài ẩm ướt, cơn điên khởi đầu bằng những sợi thần kinh hư, tôi thảng thốt nghĩ rằng tôi đang ở trong một cái ống, mở thoáng hai đầu trông ra cuối trời mơ ước, cuối trời kỷ niệm. Tôi trông ra và tôi thúc thủ bó tay.

Thảo rướm giọng:

– Lấy chồng đôi khi là một sự lỡ tay.

Trâm ngừng viết ngửng lên khôi hài:

– Lấy chồng là tự sát.

Tôi cười:

– Tai họa rồi!

– Người gì mà cay cú, ác đức, nghiệt ngã. Cần phải tránh xa như tránh thuốc xịt muỗi.

Trâm nhăn nhó:

– Chị Khanh cố ráng mà coi chồng con Thảo ra răng! Bộ trong bụng con Thảo hắn tưởng rằng hắn sẽ lấy được một ông chồng đặc biệt.

Thảo hất đầu:

– Ít nhất cũng đem lại cho cha mẹ được vài cái vui. Mấy người coi chị Sương lúc ở nhà chị hiền biết mấy… rứa mà bây giờ anh Lãng anh nể anh sợ. Mỗi lần viết thư về nhà là chúng con vô cùng hạnh phúc, đọc thư như uống thuốc bổ. Mỗi lần đọc thư chị Sương là cả nhà sung sướng như uống thuốc bổ. Tui quan niệm rằng lúc còn con gái mình phải đỡ đần cho cha mẹ về mặt vật chất, lúc có chồng rồi thì phải làm cho cha mẹ sung sướng phơi phới tinh thần.

Tôi ngáp:

– Cha mẹ đợi phiên mi lấy chồng vậy. Phiên mi chắc phải hơn phiên tau.

Mỗi người một lời bàn về sự sung sướng của chị Sương. Anh Lãng sợ vợ không chỗ nào chê được: mỗi buổi sáng anh Lãng bế con ra đường mua xôi cho con ăn để trong nhà yên lặng cho vợ ngủ. Anh Lãng ủi áo quần cho vợ, áo lót đếm mấy cái để vào một góc ngăn nắp, xì líp mấy chiếc ủi, khăn mùi xoa xếp làm tư làm tám cất vào xắc tay vợ. Làm việc ba năm để dành được một trăm ngàn đưa hết cho vợ đi đẻ, giặt tã cho con bằng nước lọc, đổ bô cho vợ làm thuốc, dẫn vợ đi cầu… Chị Uyên con cô Ba mỗi lần giận lên là chồng quỳ xuống hôn vào ngón chân út một cái.

Thảo thường bảo:

– Chị phải kể những tấm gương tốt đó ra cho anh Nghiễm nghe rồi đặt yêu sách chứ!

– Tau kể rồi, anh Nghiễm nói là anh không phải một thằng theo đạo vợ.

Thảo cười hắt ra rồi nói:

– Chị Khanh nghe đây, trong nhà này ai cũng thấy chị khổ sở, chị không hạnh phúc, chỉ một mình chị thấy chị sung sướng, chị hạnh phúc thôi.

Trâm gắt:

– Con Thảo cứ nói mãi. Những lúc chị Khanh hạnh phúc mình không thấy.

– Anh rể gì mà đối với em vợ dữ tợn như bò húc, luôn luôn chê bai luôn luôn ra đòn… Các cô nhà này thì thôi… Chị em nhà này thì thôi… Làm như người ta ăn hết gia tài hương hỏa.

Tôi quắc mắt:

– Anh Nghiễm có nói vậy đâu!

Thảo tiếp:

– Ừ ừ… con gái nhà này lúc đẻ ra một tháng cúng mụ không đủ cua, đủ trứng, đủ thịt, nên mụ không dạy cho cách ăn cách làm… con gái nhà này đoản hậu vậy đó… Đàn ông gì mà bụng dạ teo tóp tôm tép. Không biết giữa mình với anh nợ nần từ mấy kiếp mà anh ghét dữ rứa!

Trâm nói:

– Con Thảo với anh Nghiễm xung khắc lớn quá. Anh Nghiễm rất tốt, rất trực tính, rất nóng nảy. Xấu hay tốt lúc ở gần mới biết. Nếu anh Lãng ở chung với tụi mình như anh Nghiễm, lúc đó mới biết. Ở gần nhau mới thấy mặt nhau có mụn, tay đầy lông măng, mắt có ghèn… Ở xa nhau, trông nhau qua một lớp phấn.

– Tui chỉ biết rằng anh Nghiễm không yêu chị tui, tui nóng mặt, tui khổ sở, tui nói…

– Tại răng mi kêu là anh Nghiễm không yêu chị Khanh. Những lúc anh chị yêu nhau bộ phải kêu mi chứng kiến, ngoắc mi vô dòm chắc?

– Anh mắng vợ xạc xạc trước mặt cha mẹ vợ, em gái vợ.

– Vợ anh thì anh mắng, quyền của anh. Bộ mình cấm anh à! Con gái ra ở riêng rồi là cha mẹ vô thẩm quyền.

– Nhưng mình cay ở chỗ người ta không yêu chị mình mà chị mình thì mê mệt lú lẫn như phết hồ, như dán keo vào với anh.

Thảo lại gằn giọng:

– Ngay lúc chưa đám cưới chị cũng đã bị anh Nghiễm bẻ cong cổ rồi.

Tôi hỏi:

– Bẻ cong cổ hồi nào đâu?

– Hồi chưa cưới, thời tiền hôn chớ chi nữa!

– Tau làm chi mà anh bẻ cong cổ tau?

– Tự nhiên đang làm nghề chào thuốc lại phải thôi ngay. Trước kia chị là một loại đàn bà sống động ngoài xã hội, nhanh nhẹn liến thoắng, giờ đây bỗng biến thành một con cù lần… Vì người ta mà chị phế bỏ hết, mà chị hủy hoại hết.

Lời kết tội là những cát bụi nhỏ bắn vào mắt trong một chiều gió hậu, lời kết tội là tiếng muỗi vo ve ức hiếp lỗ tai trong một đêm dọn về nhà mới chưa kịp giăng mùng, lời kết tội bùng lên nho nhỏ đánh thức người dậy từ một giấc ngủ ngon về sáng, tôi cảm nghe nóng bức, tôi cảm nghe tức ngực như bao nhiêu gối mền đều đè lên người, như bao nhiêu khói nấu cơm chiều đến bay vào mũi.

– Chồng của chị là một lãnh chúa ở nhà này, anh dọn tới đây, mấy bức tranh quý giá của nhà mình anh dẹp vào một góc để treo những bức tranh của anh. Những bức tranh nhà mình là kỷ niệm của ông bà.

Cơn khóc và cơn nhức đầu đều làm cho mũi thở khò khè, tôi đưa tay chụi chụi tự dằn, tự trấn tĩnh.

– Người ta lấy chồng sao mà nhàn hạ phơi phới, đằng này cũng lấy chồng sao mà ngóc đầu lên không nổi.

– Sao lại ngóc đầu lên không nổi. Lấy chồng chưa đầy hai năm đã có đứa con… rứa mà bảo người ta ngóc đầu lên không nổi.

– Chị bị chồng ăn hiếp, nhìn chị lấy chồng rồi tui không muốn lấy chồng nữa.

– Thúi chưa, mỗi người một kiếp, mỗi người một chồng.

Lâu nay tôi vẫn choàng qua mắt tấm khăn quàng mỏng mịn; lâu nay tôi vẫn sống sai lệch, sống lầm lẫn nên cứ ngỡ giữa tôi với Nghiễm có hạnh phúc, có tình yêu; lâu nay tôi vẫn sống cho mình, chỉ thấy mình, chỉ nhận mình làm trung tâm điểm, không so sánh mình với những người đàn bà khác nên cứ ngỡ mình hạnh phúc, ngỡ mình được chồng yêu chồng chìu. Ôi! Nỗi lầm to như trái núi.

Buổi tối Nghiễm vẫn đi ăn cơm ngoài, tôi lại bế con lên lầu cho mấy dì đùa giỡn, thay tã, thay băng rốn trước cỗ ti-vi.

Thảo ngấu nghiến hôn cháu:

– Ôi… ôi… cái rốn đẹp quá mai sau tha hồ mặc bikini.

Trâm lặp lại một lời nói cũ:

– Bà mụ ác quá ta! Trồng trái ngay bắp vế, về sau con nhỏ mặc mini-jupe không được.

Màn ảnh ti-vi đang trình chiếu một màn hợp ca gồm bốn năm giọng nam, một nhóm người chỉ có quyền hợp ca chứ không có quyền đơn ca và xuất hiện trong ban nạch nào cũng chỉ làm đến hợp ca là cùng.

Tôi chép miệng:

– Tốn bao nhiêu tiền may complet sắm Montagut để chỉ được vài phút hợp ca trước kiếng ti-vi. Tiền cát-sê không đủ uống cà phê.

Tôi bế con xuống nhà khi tiếng Nghiễm gọi cửa. Tôi vừa cúi xuống bên nôi cho con uống nước vừa nghĩ tới một lời của Thảo: cả nhà đau xót nhất khi thấy và nghe anh Nghiễm la mắng chị trước mặt cả nhà. Tôi cũng nghĩ tới một lời của Nghiễm: ở trong cái nhà này tôi đã nhịn nhục đến nước cùng, tôi rụt đầu, rụt cổ, tôi lùi đến tận vách tường.

Đứng đó, trước mặt tôi là Nghiễm. Người đó không thương tôi, người đó không hạnh phúc với tôi, người đó không tình nghĩa với tôi. Trong một trăm cặp vợ chồng, có sáu cặp không có con; trong một trăm cặp vợ chồng thì bao nhiêu cặp không hạnh phúc, không thuận hòa đầm ấm? Tôi và Nghiễm đã ráp lại thành một cặp không hạnh phúc, không đầm ấm.

Hồi còn con gái tôi có một cuộc sống ở thế động, một cuộc sống biết vươn vai, biết ngóc đầu, biết trở mình, biết tiến tới, một cuộc sống khinh suất ngang tàng. Tôi đã từng sắp hàng để sống với một lũ bạn gái trong xã hội, một lũ bạn gái tóc và áo dài, một lũ bạn gái trầm trồ khen bà Phó Tổng thống đẹp từ tóc đến chân, từ hình đến mặt, từ bàn tay đến điệu bộ. Tôi nói:

– Bà Thủ tướng, bà Tổng thống đẹp, tau chỉ khen có một lần, nhưng, ông Tổng thống, ông Thủ tướng hành động, lời nói thế nào thì tau để ý đến suốt cả nhiệm kỳ ông ta, tau phê phán.

Tôi giắt mùng cho con, xem xét bốn góc thật kỹ rồi ra ngồi trước mặt Nghiễm vắt chân chữ ngũ:

– Lâu nay tôi vẫn tội nghiệp cho những người đàn bà cứ so sánh mình với những người chung quanh. Bây giờ cũng vậy…

Tôi cúi xuống gãi chân. Nghiễm hỏi:

– Bây giờ sao?

– Tôi không muốn so sánh mình với ai cả, tôi chỉ muốn so sánh tôi bây giờ với tôi khi còn con gái, khi còn mồ ma con gái.

Nghiễm cười vang:

– Câu đó cô phải để cho tôi nói mới đúng, tôi bây giờ thế này này… ngày xưa, đêm nào cũng nhảy đầm, cũng phòng trà, cũng em út, cũng bạn bè, dạ hội, họp mặt.

Thảo có một lời: Chị hiền quá, chị sợ anh quá vậy? Phải cãi lại chứ, cãi lại ít nhất là một lời. Và nếu cần, phải đánh chứ, đánh lại ít nhất là một cái. Nghiễm có một lời: Cô thì chỉ có tài bắt nạt chồng, chồng nói một, cãi lại mười; còn bọn em cô hét lên thì cô im thin thít, sợ như sợ lửa.

Tôi nhìn xuống thân thể, từ khi lấy chồng mình gầy quá, càng ngày càng hao mòn. Tôi nhìn Nghiễm:

– Tôi bây giờ hết sạch sành sanh rồi, chẳng còn gì nữa. Đứa con do tôi đẻ ra, nó là của tôi, tôi là của nó. Tôi chỉ có con, ngoài ra không có gì hết.

Nghiễm ầm ừ:

– Đấy, quẻ cũ lại giở ra.

Chàng không có một nét nào bằng lòng về tôi, chàng phật lòng ngay cả những áo quần tôi mặc trên người: cái áo nào cũng lụng thụng, cũng dài, cũng hở, cũng rách… lắm điều. Cái áo tôi thích tha thiết là cái áo chàng chê sa đà, chê cho đến khi nào tôi khóc lên. Thẩm mỹ tôi nghiêng trên màu hồng màu đỏ và thường chạy lệch dưới hướng lái của Thảo, Trâm. Chị Khanh mặc áo này ăn da quá. Chị Khanh mặc áo này như gái mười tám, ra đường người ta tưởng chưa chồng.

Tôi nói với Nghiễm:

– Tôi mặc một cái áo vào người, lập tức bị đặt trước gọng kềm dư luận. Dư luận là anh, chỉ trích là anh, xuyên tạc là anh, chê bai là anh.

– Nếu em biết rằng trên đời chỉ có một người thành thật với em là anh, chỉ có một người dám nói thẳng với em là anh.

Tôi chạy lên lầu kêu Thảo:

– Tau mặc cái áo ni anh Nghiễm quở quá, anh Nghiễm quát quá… cuống lên.

Thảo vuốt lưng chiếc áo:

– Yên tâm, yên tâm, bọn này thấy đẹp là cả Saigon thấy đẹp. Thẩm mỹ bọn này hách lắm.

Comments are closed.