Cung đàn số phận (kỳ 1)

Hồi ức Lộc Vàng – Kim Dung chấp bút

Chương III: “VỤ ÁN LƯU MANH – ĐĨ ĐIẾM – CỜ BẠC”

Cuối năm 1967, một buổi tối, anh Thành Tai Voi đến chơi và đàn hát với nhau ở nhà một người bạn, là anh Lý, ở số 01 Đặng Thái Thân. Cùng dự và nghe đàn hát  tối đó còn có mấy cô bạn gái của hai người. 02 giờ sáng, công an ập vào nhà anh Lý, bắt cả hội. Riêng anh Thành Tai Voi may mắn thế nào, tụt theo ống máng xuống đường và trốn được nên không bị bắt.

Cả nhóm bị đưa về đồn công an, phải khai hết mọi việc. Dĩ nhiên họ khai anh Thành Tai Voi nhà ở số 125 Triệu Việt Vương.

Anh LV- KDLộc Vàng và Kim Dung

Không may khi đó có một sự việc hi hữu. Đôi khi tôi nghĩ nó như là cái mầm họa, bắt đầu từ những việc chả ra đâu vào đâu, và chả liên quan gì đến mình. Vậy mà vô tình, nó lại là khởi đầu của những tai họa. Và cứ thế kéo đi xa, xa mãi với bản chất sự thật, dưới cách nhìn “hình sự hóa” của cơ quan công an khi đó. Sự thể là thế này: Chị gái của anh Thành Tai Voi có ăn cắp một chiếc xe đạp, đưa cho em rể và Thành Tai Voi đi bán. Không may, hai cậu bị bắt quả tang đang tiêu thụ đồ ăn cắp. Đưa hai anh em Thành Tai Voi về đồn, mấy ông công an nhận ra ngay:

–Thành ở 125 Triệu Việt Vương đây rồi!

Không biết những gì đã xảy ra với anh Thành Tai Voi những ngày bị tạm giam. Chỉ biết sau đó, họ đưa anh Thành Tai Voi về khu phố. Và họ thông báo cho khu phố biết anh Thành Tai Voi hay tụ tập với nhóm Toán Xồm, Lộc Vàng. Cũng không biết họ điều tra ra sao, nhưng công an kết luận rằng, vì âm nhạc, ở đây là vì nhạc vàng, mà nhóm chúng tôi lười lao động, thích tụ tập kiểu lưu manh trộm cắp. Mọi sự suy diễn có vẻ rất logic. Nếu những người ngoài cuộc không biết bản chất con người, ai cũng có thể tin đó là sự thật.

Xã hội nào cũng vậy, Hà Nội khi đó và bây giờ cũng vậy thôi, luôn có những cá nhân lười biếng. Có những thanh niên Hà Nội ươn nhác, chả chịu làm ăn gì cả. Chỉ mải mê cờ bạc, rượu chè, thậm chí ăn cắp ăn trộm. Nhưng chúng tôi thuộc tip người khác. Ai cũng có công ăn việc làm. Chỉ vì quá mê nhạc vàng, buổi tối, sau những giờ lao động mệt nhọc, lũ chúng tôi rủ nhau tụ hội để đàn hát cho nhau nghe, cũng là sự giải tỏa những căng thẳng của thần kinh, tâm lý con người. Đó là những giờ phút hạnh phúc, được gửi gắm tâm trạng, và cả những rung động mơ hồ, những khao khát của tuổi trẻ vào những bản tình ca mà chúng tôi say đắm. Những bản nhạc vàng dẫn chúng tôi vào một thế giới khác. Thế giới của tình yêu con người với con người, của mây trắng, trời xanh, của những tà áo dài mơ mộng, của giọt mưa thu đầy hoài niệm. Một thế giới “ảo” an ủi và làm vơi biết bao mệt nhọc sau một ngày lao động chân tay quần quật của đời sống thật. Đó chính là sự thật. Và chỉ có một sự thật đó mà thôi.

Từ chuyện anh Thành Tai Voi bị bắt, đã dẫn đến việc cả nhóm hát nhạc vàng chúng tôi vào tầm ngắm (hay họ đã “ngắm” từ lâu) dựa trên những lời đồn đại, mà vụ việc anh Thành Tai Voi chỉ là một cái cớ, một giọt nước tràn ly. Cơ quan công an lúc đó điều tra lý lịch anh Toán Xồm nghi anh là gián điệp của Pháp, ăn lương của Pháp – được cài lại. Thời đó, mà với lý lịch và những dấu hỏi như vậy, thì sống cũng như… chết rồi. Rồi chuyện gì sẽ đến, đã đến.

Khoảng đầu tháng 03/1968, tôi đang ở nhà, đột nhiên có giấy gọi của Sở Công An Hà Nội lên Hỏa Lò. Đó cũng là dịp cuối xuân sang hè. Hoa sấu, hoa me rụng đầy đường sau những trận mưa đầu hạ với những tiếng sấm ì ầm như báo hiệu điềm gì không bình yên…Tôi biết là liên quan đến chuyện hát nhạc vàng rồi. Tôi lên theo giấy triệu tập. Trong tâm lý tôi cũng chẳng có gì quá lo lắng, dù cũng có chút suy nghĩ. Thật bất ngờ, suốt gần một tháng trời ở đó, công an hỏi cung tôi, bắt tôi khai về chuyện tụ tập hát nhạc vàng. Họ chỉ tập trung xoáy vào các câu hỏi: 1) Hát những bài gì? 2) Tiền ở đâu để ăn chơi? 3) Có những ai nghe hát nhạc vàng. 4) Có những ai phát ngôn như thế nào về chuyện chính trị? Các ông công an khi đó tập trung vào anh Toán Xồm, nghi anh là gián điệp được Pháp cài lại để lung lạc, mua chuộc nhóm thanh niên, trong đó có tôi, thông qua chuyện tụ tập đàn hát. Các ông công an bảo chúng tôi chỉ ước mơ bơ thừa sữa cặn của Mỹ ngụy. Tôi khi đó, tuổi còn quá trẻ, bồng bột lại cũng bướng bỉnh, khí khái. Bị nghi ngờ, gán cho những tội lỗi không hề có, tôi cãi phăng khi bảo rằng, đó là sống ở miền Bắc, ăn uống kham khổ, chúng tôi còn hát hay thế. Nếu ở miền Nam, có khi chúng tôi còn hát hay hơn. Không biết rằng phản ứng rất bản năng, bồng bột tức thì và nông nổi đó chỉ càng mang tai họa đến cho mình.

lộc vàng2Ngày 27/3/1968, khi lên Hỏa Lò, bất ngờ công an họ đọc lệnh bắt, rồi đưa tôi về nhà khám xét. Khỏi phải nói gia đình tôi “chết điếng” đến thế nào. Còn khu phố nhốn nháo bàn tán trước sự kiện động trời này. Anh trai tôi trong quá khứ đã từng phải đi lính cho Pháp, nên anh rất sợ và rất “dị ứng” với việc tụ tập, đàn hát nhạc vàng của chúng tôi. Nhưng anh không nghĩ vụ việc đi quá xa như vậy – em trai anh, phải tra tay vào còng. Vì anh tôi biết, chúng tôi có tụ tập, đàn đúm thì cũng chỉ là “hát cho nhau nghe”. Hóa ra, âm nhạc có thể “giết” cả đời người, khi nó đưa con người ta vào chốn lao tù. Cùng lúc bắt tôi, công an họ cũng bắt các anh Toán Xồm, anh Đắc Sọ. Khi gặp nhau ở Hỏa Lò, tôi mới té ngửa cả nhóm bị bắt cùng ngày cùng tháng cùng năm. Riêng anh Thành Tai Voi bị bắt trước đó một tháng vì liên quan đến vụ tiêu thụ chiếc xe đạp.

Khi bị khám nhà, nghe đọc lệnh bắt, cả gia đình tôi, anh trai, chị em gái hoảng hốt, lo sợ vô cùng. Nhưng tôi vẫn không sợ, vì tôi chủ quan nghĩ chắc họ chỉ giam vài ngày rồi lại thả ra. Tôi cứ nghĩ, tuổi thanh niên sôi nổi, đam mê ca nhạc, nếu có hát nhạc vàng thì cùng lắm chỉ bị phạt hành chính rồi thả ra. Đâu biết tôi phải bước chân vào một vụ án “hình sự” nổi tiếng khi đó, làm xôn xao ầm ĩ cả Hà Nội, cả xã hội với những tội danh nghe đã đủ khinh ghét. Thậm chí là vụ án “chính trị” rùng mình, khiến cả cộng đồng e sợ, bàn tán, còn tôi phải bước chân vào lao tù đằng đẵng 14 năm…

Những bản nhạc vàng vô tình thành sợi dây trói oan nghiệt “thắt cổ” một số phận trẻ trai, khi đó mới tròn 23 tuổi. Tiết trời Hà Nội tháng 03 năm ấy là cuối xuân, bắt đầu mùa của hoa gạo, của những bông hoa như lửa cháy, và hoa sấu, hoa me các con phố Hà Nội bắt đầu rụng lả tả. Đêm đêm đi trên những con phố cũ, chỉ thoảng một mùi hương hoa dịu nhẹ, chua chua, xao xuyến mê hoặc. Nhưng cũng có những trận mưa đầu hạ với những tiếng sấm sét kinh hồn. Tôi đâu biết những cơn sấm sét của đời mình – những tháng ngày lao tù – đang ì ầm đến gần. Nhưng câu chuyện lao tù là chuyện của sau này. Còn trước đó, là đằng đẵng gần 2000 cuộc hỏi cung. Mỗi ngày tôi bị hỏi cung nhiều lần, như tra tấn đầu óc, khiến tôi nhiều lúc thấy rã rời, bải hoải vô cùng. Nhạc vàng đẹp đẽ mê đắm dường ấy, luôn mê hoặc tôi mà giờ đây “nàng” bỗng trở thành như cực hình. Nhưng không chỉ có nàng, mà còn có một gã “ngáo ộp” luôn đe dọa và áp đảo tinh thần tôi – đó là chính trị. Quả là chủ đề chính của các cuộc hỏi cung thực chất chỉ xoay quanh chuyện nhạc vàng và chính trị. Có cảm giác các ông công an chỉ muốn nhắm vào mục đích chính trị, và họ suy luận theo cách tư duy ý thức hệ của họ thời đó. Một thời cuộc mà bất cứ điều gì khác biệt cũng có thể –  ngay lập tức bị nghi ngờ, bị suy diễn có tư tưởng “phản động”.  Có những lần có tới 03 ông công an hỏi cung tôi cùng một lúc.

Người hỏi tôi về kinh tế: Lấy tiền đâu để ăn chơi?

Người hỏi tôi về âm nhạc, về các bản nhạc vàng, nhạc tiền chiến

Người hỏi tôi về chính trị: Ai cho chúng tôi tiền đi hát? Ai cầm đầu vụ này? Liệu có bàn tay gián điệp?

Cha mẹ ơi! Lũ chúng tôi, trừ anh Toán Xồm con nhà có phần khá giả nhất, nhưng khi đó đã là thời bao cấp, người nào cũng nghèo khó như nhau. Mỗi tối tụ hội đàn hát, lũ chúng tôi thường góp tiền lại mua một bao thuốc, vài ấm trà. Vậy là có thể đàn hát thâu đêm… Có ai cho chúng tôi tiền đâu, chúng tôi cũng có “ăn tiền” của ai đâu, ngoài “ăn tiền” của chính mình. Rõ ràng câu chuyện tụ tập, đàn hát nhạc vàng của chúng tôi đã bị đẩy đi quá xa. Trong con mắt các ông công an nó thực chất là vụ án chính trị. Cũng bất ngờ nhất là họ xoay quanh chuyện quan hệ của tôi với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Không rõ vì sao. Họ hỏi đủ thứ chuyện.

Đoàn Chuẩn là một nhạc sĩ nổi tiếng, ông từng là nghệ sĩ biểu diễn guitar Hawaii nhưng người ta hâm mộ ông lại chính là vì ông là một nhạc sĩ sáng tác, tác giả của những bản nhạc vàng lay động lòng người. Số lượng sáng tác của ông thật ra không nhiều, chỉ có khoảng 20 bài hát. Như Ánh trăng mùa thu, Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Đường về Việt Bắc, Gửi người em gái miền Nam… Nhưng ai đã nghe, đã hát nhạc của Đoàn Chuẩn thì không sao quên được ông. Vì mỗi bản nhạc là một dấu ấn riêng không trộn lẫn. Cả ca khúc lẫn giai điệu mang chất “Đoàn Chuẩn” đặc sắc. Hay bởi ngoài tài năng đặc sắc, ông còn có lý lịch không mấy “trong sạch”, theo cách nhìn của họ?

lộc vàng3

Ông là con trai thứ hai của một gia đình tư sản nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Cha ông là nhà tư sản Đoàn Đức Ban (Vạn Vân) chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng và lớn nhất trên toàn cõi Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với gia thế như vậy, Đoàn Chuẩn sống một cuộc sống khá phong lưu, hiếm ai theo nổi. Cũng bởi thế, ông còn nổi tiếng là “Công tử Bạc Liêu” của đất Bắc. Vì sao ông lại được mệnh danh như thế? Xin mời đọc một phần bài viết của nghệ sĩ guitar Hawaii Đoàn Đính –  con trai của ông, về chính cha mình, đăng trên báo điện tử VnExpress, ngày 27/10/2009 để hiểu tính cách người nghệ sĩ đa tài này ra sao, một người mà tôi rất hâm mộ tài năng sáng tác của ông:

“Bản chất của Đoàn Chuẩn là một nghệ sĩ đa tình. Vì thế khó trách cha tôi tội quá đào hoa. Thú ăn chơi của ông bây giờ hiếm người bì kịp”. Tài tử Ngọc Bảo, người được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn quyến rũ nhất, người cùng thời với cha tôi thừa nhận: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ, nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”.

Nhà ông nội tôi có 06 chiếc ôtô để thay đổi. Ngày ấy, cả Việt Nam có hai chiếc Cadillac, thì cha tôi có một cái. Cha tôi một ngày thay mấy bộ quần áo, giày đi khoảng chục đôi. Cuối tuần ông thường phóng ôtô về bãi biển đẹp nhất Hải Phòng để tắm. Trong khi tất cả các nhà tư sản để xe trên đường rồi đi bộ, thì cha tôi phi thẳng xuống bãi và thuê ô dù che xe. Bóng ô dù bao nhiêu tính diện tích trả tiền bấy nhiêu. Ăn uống của ông cũng rất cầu kỳ: Tôm vừa đánh ở biển lên, trong vòng 15 phút phải bóc nõn, quấn mỡ kho.

Ngay cả việc tán gái của ông cũng “ngông” bậc nhất. Thời trai trẻ, cha tôi phải lòng một người đẹp có tiếng nhưng nàng đang được một anh chàng có thế lực đeo đuổi. Ông nhờ thám tử theo dõi và biết được ngày anh chàng kia đến rủ người đẹp đi ngắm cảnh. Sáng hôm đó, khi tình địch vừa đánh xe ra trước cửa nhà, hai tài xế được cha tôi thuê từ trước lái hai chiếc ôtô nhanh chóng đỗ chặn hai đầu, rồi khóa xe nhanh chân biến ra xa. Sau khi vào nhà lấy đồ, anh chàng kia quay ra chiếc xe để lái đi đón nàng, thì ôi thôi, ôtô không nhúc nhích được. Đúng lúc đó, cha tôi mới lái chiếc xe riêng hạng sang đàng hoàng đến đón người đẹp đi chơi.

Tiêu tiền như nước là thế nhưng đầu óc ông thi sĩ lắm, chỉ dành cho việc viết nhạc chứ không dành cho việc kiếm tiền. Việc quản lý gia sản giao hết cho vợ…

Ngoài chuyện tình đậm chất quý tộc trên, cha tôi còn là nhân vật chính của một thiên tình sử lãng mạn. Hồi trẻ, ông thương thầm nhớ vụng một bóng hồng. Nhưng với chất công tử hào hoa bậc nhất, Đoàn Chuẩn không trực tiếp đến ngỏ lời, mà bày tỏ niềm yêu của mình bằng một bí kíp có một không hai. Hằng sáng, ông thuê người mua một bông hồng đỏ, mang đến nhà thiếu nữ đó tặng mà tuyệt đối không tiết lộ danh tính. Suốt gần 03 năm, khi bông hoa hồng thứ 1.000 được tặng, thì ông mới hiện ra trên ngưỡng cửa.

Ấy thế nhưng khi cha phải lòng mẹ tôi thì chẳng tốn cánh hoa và cuộc đón đưa nào. Mẹ tôi tên Xuyên, bằng tuổi và học cùng lớp cha tôi, đẹp nền nã và hay mặc áo dài tím. Bà là con gia đình gia giáo. Bà ngoại tôi thường bán nụ vối trước cửa. Một hôm, có người đàn bà sang trọng đi xích lô đến cửa nhà ngoại mua nụ vối. Khác với mọi người chỉ mua một cân, vài lạng, bà ấy mua cả một xe. Mấy hôm sau, bà quay trở lại mang theo đồ ăn hỏi cho con trai. Bà ngoại mới ớ ra rằng, người đàn bà bữa trước đến mua nụ vối thực chất là để thăm dò gia cảnh cô gái sẽ trở thành vợ của người thừa kế hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng. Mẹ tôi ngồi nghe lỏm người lớn nói chuyện với nhau mới biết người muốn cưới mình là anh bạn cùng lớp kín tiếng. Thế là sau khi ăn hỏi, cha mẹ tôi mới chính thức hẹn hò và trở thành vợ chồng năm 18 tuổi.

Cha tôi rất yêu mẹ nên bà cũng thường xuất hiện trong các sáng tác của ông với hình ảnh tà áo tím. Ai cũng biết bài hát Đường về Việt Bắc là Đoàn Chuẩn sáng tác dành tặng vợ với câu “Chiều nào áo tím nhiều quá lòng thấy nhớ người” khi lên thăm hai mẹ con ở chiến khu Việt Bắc. Khi ấy, ông đạp xe đạp, giữa đường vào nghỉ nhờ ở nhà một người dân tộc. Ăn xong bữa cơm thấy người ta thích cái xe đạp quá, cha tôi bèn tặng lại họ, ba lô cũng vất đi đâu rồi vác mỗi cây đàn đi tìm. Gặp vợ con, ông mừng mừng tủi tủi viết luôn bài Đường về Việt Bắc. Còn một bài nữa cũng có hình bóng mẹ tôi nhưng ít người để ý là Gửi người em gái miền Nam với hình ảnh: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh đón xuân về”.

Tuy yêu vợ nhưng bản chất của Đoàn Chuẩn là một nghệ sĩ đa tình. Vì thế khó trách cha tôi tội quá đào hoa. May mắn mẹ tôi là người đàn bà tinh tế, hết lòng vì chồng con. Sinh thời mẹ tôi từng nói: “Ông lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế, gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông”. Chính nhờ sự bao dung ấy của mẹ mà gia đình tôi được giữ trọn vẹn.

Cha tôi yêu mẹ và sống với mẹ cả đời, nhưng chỉ viết cho bà hai bài hát, trong khi ông yêu một ca sĩ nổi danh xinh đẹp Hà thành lúc đó tên là Thanh Hằng và viết đến 06 bài hát tặng nàng. Mẹ tôi hay chuyện đang ở Hải Phòng lập tức đi ôtô lên Hà Nội. Ai cũng tưởng sẽ có cuộc đánh ghen lớn, nào ngờ mẹ tôi nhẹ nhàng đến gặp cô ấy hỏi: “Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?”. Thanh Hằng trả lời rằng có. Bà nói tiếp: “Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé”. Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng, trả mẹ tôi tất cả thư từ của hai người và xé những bài hát cha tôi tặng. Vì thế sau này cha tôi mới viết tác phẩm Bài ca bị xé.”

Đoàn Chuẩn là người lãng tử như thế. Nhưng tôi – Lộc Vàng – khi bị bắt, không khai gì hết. Tôi nghĩ, nếu mình mà khai, dù chỉ là quan hệ quen biết và ngưỡng mộ xung quanh chuyện âm nhạc thì có khi nhạc sĩ cũng bị bắt không chừng. Vì tiếc thay trong đời sống xã hội khi ấy, chân lý là ở kẻ mạnh, chân lý không phải là chân lý. Mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vốn có một thân phận đặc biệt – con nhà tư sản nổi tiếng, lại “ăn chơi” kiểu công tử ít ai bì. Tất cả những nét trích ngang lý lịch thời cuộc đó, cùng tính cách, lẫn những bản nhạc vàng, đủ đưa bước chân ông đến những nơi khốn khổ nhất. Nên tôi chỉ trả lời, vì tôi rất thích các nhạc phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Nhưng không ai trong số những người hỏi cung tôi biết được điều này, trước đó, có một người bạn đưa tôi đến thăm người nhạc sĩ tôi vốn rất mến mộ. Thân quen ông rồi, tôi được ông tặng hai bài hát: Tâm sự người yêuGửi người em gái miền Nam nổi tiếng, để tôi tập và hát.

Bài hát Tâm sự người yêu, chính là bài viết về ca sĩ Thanh Hằng, người đẹp nổi danh Hà Thành, mà anh Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ viết trong bài báo nêu trên. Tôi biết rất rõ mối quan hệ giữa hai bên và nguồn gốc xuất xứ của bài này. Bởi chính ông Đoàn Chuẩn đã kể trực tiếp tôi nghe về mối tình sâu nặng nhưng cũng nhiều nỗi buồn bi ai của ông với người đẹp. Có lẽ ít ai ngờ rằng, đó là bài hát về nỗi thất vọng cay đắng và thấm thía, là nỗi đau của một người tình với một người tình mà không dễ sẻ chia cho ai – ở đây là của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với nàng Thanh Hằng xinh đẹp nổi danh kia. Số là trước năm 1954, sau rất nhiều đêm suy nghĩ, cân nhắc, Đoàn Chuẩn đã quyết định sẽ “di cư” vào Nam. Nhưng lúc đó ông đang say đắm Thanh Hằng. “Tình yêu như trái phá/ con tim mù lòa…”. Nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã có ca từ nổi tiếng như vậy về tình yêu, và tôi nghĩ nó hay hơn tất cả mọi định nghĩa về con tim của bất cứ triết gia nào. Một khi đã vướng vào chữ tình, thì mặc dù đôi mắt mở to đấy, nhìn thấy ánh trời rạng rỡ hay âm u đấy, nhìn thấy mưa hay nắng đấy, nhìn thấy vạn vật đấy, nhưng con người chỉ có thể “loạng quoạng” để con tim… dắt đi. Khi đó, dù là đôi mắt thiếu nữ ngây thơ hay mắt người quân tử phong trần, đôi mắt kẻ nghèo khó hay mắt bậc phong lưu, cũng chỉ là đôi mắt của kẻ “mù lòa”, bởi tiếng trái phá của tình yêu. Trái phá đó có thể là hạnh phúc, mà cũng có thể giết chết cả đời người.

Và Đoàn Chuẩn khi đó, đang là kẻ “mù lòa” trước tiếng trái phá của tình yêu.

Vì yêu và nghe lời Thanh Hằng thuyết phục, ông quyết định ở lại miền Bắc, chỉ vì nàng. Khỏi phải nói, quyết định đó khó khăn, trăn trở với ông đến dường bao. Ông ở lại, theo tiếng gọi của con tim, của người tình. Vậy nhưng sau năm 1954, Đoàn Chuẩn “ngã ngửa” khi biết Thanh Hằng trở thành ca sĩ quân đội, lấy tên Lê Hằng, và có hoạt động gì gì nữa không thì ông không biết. Có lẽ khi đó ông lờ mờ hiểu. Nhưng nỗi buồn riêng khiến ông, người đàn ông kiêu hãnh, tài hoa và đào hoa, từng làm cho bao người đẹp say đắm và đau khổ, im lặng. Rồi một tác phẩm mới … nở trên nỗi đau thất vọng của ông. Sau những đêm trắng thao thức. Bài Tâm sự người yêu của Đoàn Chuẩn (Đoàn Chuẩn – Từ Linh) ra đời trong tâm trạng bất ngờ, ngổn ngang nỗi hoài nghi xen lẫn nỗi buồn sâu sắc đó. Theo tôi, đây mới là bài đỉnh cao nhất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Nguyên văn bài như sau:

Khi mùa thu đến nhanh

Hoa phù dung im cành

Từng đàn bướm trắng bay nhanh mong manh

Tiếc nhớ thương vay giận hờn

Yêu có khác gì lúc chàng say

Thuở ấy tâm hồn chưa vướng lưới

Thời gian chưa đủ xóa niềm tin

Đôi môi chưa gợn men ân ái

Bướm lả lơi nhìn trong mắt xanh

                      ***

Rồi có hôm nào không nhớ rõ

Hình em đến tận đáy trong anh

Hoa kia không ngủ trắng thao thức

Bướm đã vướng mình chim cứ bay

Điệp khúc:

Chiều nào lảng tránh kìa đôi

môi nàng như muốn trách ai

Tình yêu kia như ngàn cánh hoa rã rời

Cố đợi gió mà thôi

Rồi có hôm nào không nhớ rõ

Thuyền xưa đã rời bến mà đi

Hoa kia không ngủ trắng thao thức

Em giận sao đành mơ ước chi

Lời II:

Bao mùa thu đã qua

Nhưng tình anh không nhòa

Thời gian hàn gắn vết thương phong ba

Những giấc mơ xưa hiện về giữa lúc anh hư

Em muốn nói gì lúc về thu

                 ***

Một phút yêu lầm Cô tô mất

Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai

Nên anh ghê sợ cho đôi mắt

Giấc mộng đêm nào trong liêu trai

Mộng lúc lên đèn hoa giăng mắc

Một con bướm lả giữa rừng mai

Anh yêu em thầm yêu nhan sắc

Tiếng lụa xé lòng vui mắt em

Thuyền còn chờ lái lòng sông sâu

Còn in bóng mây đi

Tình yêu kia còn mãi trang giấy

Nào viết đủ nét tình si

Rồi có những chiều im tắt nắng

Người ta nhớ lại quãng ngày đi

Hoa xưa phong nhụy xen trong trắng

Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi

Ngày 06/9/1968 là một ngày tôi không bao giờ quên. Vì nó là một kỷ niệm nhớ đời của tôi trong những tháng năm đen tối nhất. Trước ngày đó, một hôm, người chấp pháp (hỏi cung) bỗng gọi cả ba người chúng tôi: Toán Xồm, Thành Tai Voi, và tôi – Lộc Vàng lên và bảo:

–Bộ Văn hóa muốn thu bản nhạc các anh hát để làm tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu vì sao nhạc vàng lại được nhiều người thích thế. Và cũng là để rút kinh nghiệm!

Khi đó, cả mấy người bọn tôi vẫn đang bị tạm giam. Tiêu chuẩn ăn những ngày tạm giam là 04 hào/ ngày. Thường chỉ có rau luộc chấm nước muối. Vừa đói vừa thiếu chất, dù mùa nào rau nấy. Chấm hết. Những ngày lễ, mỗi người bị tạm giam được thêm hai miếng thịt bằng đúng hai đốt ngón tay. Thế đã là tươm lắm. Ai nấy mặt mũi như hồng hào hơn hẳn, đi đứng cũng nhanh nhẹn hoạt bát hơn vì có chất tươi.

Ngày 06/9/1968 đã đến, ba người chúng tôi được đưa đến Nhà hát Lớn, lên tầng hai, để hát và thu băng trong phòng kính. Đến nơi, đã thấy có đến 20 vị chuyên viên âm nhạc ngồi ở đó. Ông nhạc sĩ Đ.N là người trực tiếp ghi âm giọng hát của chúng tôi. Trước khi ghi âm, anh Toán Xồm chợt ghé tai tôi bảo. Vì nhóm của tôi, chỉ có tôi hát, còn hai anh đệm đàn:

–Lộc Vàng ơi, hát vừa vừa thôi. Hát hay quá, tội càng nặng! Có lẽ linh tính của anh mách bảo điều gì đó chăng? Nhưng tôi không chịu. Tuổi trẻ ngông cuồng mà. Tôi cáu:

–Kệ mẹ nó! Hát không hay nó càng coi thường mình!

Ấy thế nhưng khi ra tòa, tôi ngã ngửa người. Cái băng cát xét thu giọng tôi hát sao lạo xạo, rề rà, tiếng hát sao mà não nề, bi thương. Tôi không nhận ra được cả giọng mình. Trước đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, họ muốn thu giọng hát của mình để nghiên cứu về nhạc vàng, như lời họ nói, đâu ngỡ họ làm tang chứng kết tội cả nhóm. Và lại kết tội khi mà “tang chứng” ở trạng thái thê thảm nhất, dễ bị “khuất phục” nhất. Tôi vẫn nghĩ không biết kỹ thuật thu âm có nghi vấn gì không?

Mình bị lừa đến cay đắng mà không biết.

Vì không biết, và cũng là kẻ tự tin một cách ngây thơ, dại khờ, nên khi đến Nhà hát Lớn, tôi háo hức lắm. Tôi hát luôn tới 10 bài, say mê, như gửi cả nỗi niềm đầy ẩn trắc của mình vào đó. Bạn bè vẫn bảo tôi như đứa trẻ nít, dễ bị lừa. Các vị chuyên gia âm nhạc nhà nước cắm cúi thu âm, ghi âm cả sáng, cả chiều. Tôi hát một loạt bài của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và của các nhạc sĩ khác: Thu quyến rũ; Tâm sự người yêu; Nữ sinh Đồng Khánh, Thầm kín, Nỗi lòng người đi, Dạ Lan Hương, Ai người Sông Tương, Tôi đi giữa hoàng hôn… Tôi hát như chưa bao giờ được hát vậy. Cho thỏa nỗi lòng nhớ… nhạc vàng. Như một kẻ nghiện thuốc lào “đã chôn nhạc xuống lại đào nhạc lên”. Buổi trưa nghỉ, chúng tôi được đưa về Hỏa Lò ăn cơm tiêu chuẩn bồi dưỡng 1 đồng 2/ người. Hôm đó, đã lâu lắm rồi, 03 người chúng tôi lại được ở chung với nhau, như những ngày xưa thân ái vẫn tụ hội, với cây đàn guitar. Khỏi phải nói, mừng mừng tủi tủi mà chẳng biết nói với nhau điều gì. Cũng chẳng đoán định được tương lai chờ đợi ba đứa chúng tôi là những gì. Thôi kệ, đến đâu hay đến đấy. Điều bất ngờ nhất, chúng tôi được họ cho gặp gia đình. Cô em gái tôi đến Hỏa Lò thăm. Khổ thân em gái tôi, nó còn bé dại, nó có biết chuyện gì của anh trai nó đâu. Hai anh em nói đủ thứ chuyện, nhưng tuyệt nhiên tôi không đả động gì đến chuyện nhạc vàng. Tôi không muốn những rủi ro của tôi lại lần nữa để đứa em gái non dại, và mọi người trong gia đình phải gánh chịu, khổ sở thêm lần nữa. Sau khi thu băng ở Nhà Hát Lớn xong, 03 ngày sau, chúng tôi bị đưa trở lại Hỏa Lò, mỗi người về một trại. Vì họ sợ chúng tôi thông cung. Khổ, có chung “niềm vui” …. thông cung nhạc vàng rồi. Còn gì mà thông cung nữa đây.

Mỗi buồng giam ở Hỏa Lò chỉ có khoảng 100 m2 mà giam tới hơn 100 người. Đông quá, nên cả lũ bị tạm giam phải nằm giở đầu đuôi. Cứ năm người nằm chung hai cái chiếu cá nhân. Mùa hè nóng kinh người. Ngột ngạt không sao ngủ nổi, ngày cũng như đêm mồ hôi vã như tắm. Hỏa Lò mà. Ai ai cũng quần đùi, cởi trần hết. Hôm nào trời man mát một chút thì mới có thể mặc may ô. Chợt nhớ câu thơ, tuy nói về phận người thời bao cấp, được phân phối hàng hóa mà lũ tạm giam chúng tôi ứng vào phận mình khi đó: ‘Bắt cởi trần phải cởi trần/ Cho may ô mới đượcphần may ô”. Còn mùa đông khỏi nói, lạnh thấu xương. Tường giam lại là tường đá, nên cực lạnh. Gia đình người nào có của, hoặc quan tâm, gửi cho tấm chăn thì được đắp. Còn không người tạm giam phải chịu. Khi đó mỗi người có bốn mét vải lấy đâu ra chăn? Đêm cứ co quắp không ngủ nổi vì rét, lúc đó chỉ mong trời sáng. Có nhiều đêm như thế cho một kiếp người, cho nhiều kiếp người tạm giam.

Tiếp đó, lại là những ngày hỏi cung liên miên. Có những ngày họ hỏi tôi vào ban đêm. Hỏi đi hỏi lại mãi. Có những câu hỏi tới nhiều lần xem mình trả lời có khớp không. Một cách kiểm tra xem có nói dối không? Cực nhất là ban đêm, đang ngủ bị lôi dậy đi hỏi cung. Một mình ngồi trong phòng hỏi cung, mắt cay xè, ánh đèn bất ngờ chiếu xộc thẳng vào mặt, chói chang, rất cực hình. Cơn buồn ngủ lập tức biến mất. Đầu óc cứ ong ong khó chịu, bải hoải. Tôi và anh Toán Xồm bị hỏi nhiều nhất. Những câu hỏi cứ xoay đi xoay lại như để tìm ra chỗ sơ hở của chúng tôi. Tập trung vẫn nhiều nhất 03 câu hỏi loại này:

–Ai cho tiền để hát hò?

– Ăn lương của ai?

–Hát để làm gì?

Khốn khổ cho cả nhóm chúng tôi. Chỉ vì niềm say mê nhạc vàng mà đã phải trả giá đắt. Chúng tôi không sao tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa. Như kiểu có khi họ khẳng định: Vì ông không ưa chế độ này. Ông hát bài của đế quốc là tuyên truyền cho đế quốc? Trong khi, đơn giản vì chả có ai cho tiền để chúng tôi hát hò. Chúng tôi đi làm công, ăn lương như bất cứ người lao động nào. Còn hát để làm gì? Quả thật, chỉ để thỏa mãn niềm say mê những bản nhạc vàng. Để gửi gắm những khao khát yêu đương, giải tỏa những nỗi buồn đời sống cần lao, và mỗi lần hát, tâm hồn như thanh thản, cân bằng hơn. Những mệt mỏi như được giải tỏa. Chỉ còn sự mộng mơ… Nhưng khốn nỗi, càng bí những câu trả lời, trong con mắt các ông công an, chúng tôi lại càng giống những kẻ ngoan cố, chống đối. Tính ra thời gian chúng tôi ở Hỏa Lò là từ ngày 27/3/ 1968, cho đến khi xử án, tháng 01/ 1971. Gần ba năm tạm giam ở Hỏa Lò, với đủ đói no ấm lạnh của kiếp người.

Không biết xã hội trôi ngoài cánh cửa tạm giam Hỏa Lò ra sao. Tôi như mất cả ý thức về thời gian. Cuộc sống tạm giam căng thẳng, khốn khổ, đói ăn rét mặc đã biến tôi thành con người chai lì, của những chờ đợi dửng dưng. Không mong không nhớ điều gì, âm thầm như cái máy biết di động. Và cuối cùng, sau ba năm tạm giam ở Hỏa Lò, phiên tòa xét xử cả nhóm chúng tôi cũng đã đến, diễn ra trong ba ngày 6 – 7 và 8/1 –1971. Đó là những tháng của mùa xuân ẩm ướt.

Từ Hỏa Lò sang tòa án, cả nhóm đều bị còng tay. Chiếc còng số tám như lạnh lẽo hơn trong tiết xuân mưa phùn gió bấc. Manh áo phong phanh. Thân người còm cõi. Tôi tranh thủ ngắm phố xá Hà Nội thân thương. Những cây bàng trơ trụi khẳng khiu nhú lộc trong tiết xuân. Đường phố dạo đó vắng tanh. Chỉ thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đạp vượt qua. Không biết hôm nay những người thân trong gia đình tôi có được đến dự. Tôi cứ nhìn quanh tìm kiếm. Họ nghĩ gì về tôi, đứa em trai, người anh trai của họ, chỉ một niềm yêu mến nhạc vàng đang sắp phải đứng sau vành móng ngựa. Nhìn chiếc còng vô cảm vô tình, tôi bỗng nghĩ không hiểu những người thợ nào đó khi làm những chiếc còng số tám này có bao giờ họ nghĩ vẫn có những kẻ oan trái phải đưa tay vào sản phẩm lao động miệt mài của họ không? Cay đắng nghĩ về số phận mình, về kiếp người nặng nhọc. Thật kỳ lạ cho một xã hội và cho số phận chúng tôi. Một niềm yêu nghệ thuật cũng có thể rơi vào chốn lao tù.

Trước khi bước vào tòa án, tất cả chúng tôi được mở còng.

Đó là một phiên tòa gây ồn ào, bàn tán cả Hà Nội nói riêng, cả xã hội nói chung bấy giờ. Dạo đó, đời sống Hà Nội còn lạc hậu. Mạng lưới công nghệ thông tin – IT chưa có như bây giờ. Vậy nhưng cả Hà Nội như nín thở, theo dõi. Các quán nước chè vỉa hè chỉ rôm rả bàn về vụ án “Lưu manh – đĩ điếm – cờ bạc” – tên gọi phổ biến của vụ án. Các cơ quan phải học tập chính trị, tu dưỡng tư tưởng, đạo đức từ vụ này. Ai biết gì về vụ Lộc Vàng thì tố cáo với tổ chức. Vụ án nhóm Toán Xồm, Lộc Vàng cũng bị đưa về khu phố, để người dân họp hành, tố cáo, kể tội. Không khí hừng hực, hùng hồn lên án nghiêm khắc những kẻ trong cuộc đang rúm ró trước vành móng ngựa. Tôi nhớ, dự phiên tòa xử chúng tôi có cả vợ chồng Luật sư Trịnh Đình Thảo, khi đó ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Bắc dự phiên tòa.

Ông Luật sư Trịnh Đình Thảo là một chính khách tên tuổi. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim, nguyên Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Vợ ông là bà Ngô Thị Phú, người Sóc Trăng, từng là chủ hãng trà Liên Hoa nổi tiếng, một doanh nhân thành đạt những năm 60 ở Sài Gòn. Cách đây ít lâu, tình cờ tôi đọc được bài viết về ông trên báo Đại Đoàn Kết, ngày 01/1/2016 “Một trí thức yêu nước tiêu biểu”. Đọc bài, mới biết, ông cũng  là người Bắc. Ông sinh ngày 20 –7 –1901 tại Chính Kinh, Nhân Mục, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội).  Học giỏi, ông đỗ tú tài theo hệ thống giáo dục của Pháp.  Rồi theo học các ngành luật, văn chương, kinh tế thương mại và đỗ tiến sĩ luật khoa, trở thành thành viên Luật sư đoàn Tòa thượng thẩm Marseille lúc vừa tròn 28 tuổi. Ông cũng đã từng bào chữa thành công cho một số Việt kiều trước tòa án Pháp. Nhiều người nhớ ơn ông vì ông là con người trung thực, liêm khiết, yêu thương người bị nạn, đặc biệt là người nghèo khó. Người ta khâm phục ông vì ông dám nói lên lẽ phải, bênh vực cho lẽ phải, điều mà nhiều trí thức thời đó muốn nhưng không dám làm hoặc không làm được. Ông tham gia thành lập và làm Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam; làm Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Biết ông là trí thức lớn lại có lòng nhân với những người nghèo, yêu thương những người bị nạn, không hiểu sao trong lòng tôi lúc đó có chút hy vọng mơ hồ ngây thơ. Không biết, khi ra dự một phiên tòa “hình sự” xét xử những thanh niên trẻ mê hát nhạc vàng, một loại hình âm nhạc mà thanh niên Sài Gòn những năm đó cũng rất yêu thích và hát rất phổ biến, ông luật sư nghĩ gì? Bởi “nhạc vàng” đã xuất hiện từ những năm của thế kỷ 20, với những bản nhạc như Xuân ly hương, Hương lúa miền Nam, Mong ngày anh về, Vui khúc tương phùng… Thậm chí cho đến năm 1975, nhạc vàng vẫn được coi là thể loại nhạc tình êm dịu, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa và rất phổ biến ở miền Nam nói chung, ở Sài Gòn nói riêng. Ông luật sư Trịnh Đình Thảo lại cũng từng sống trong môi trường xã hội đầy những bản nhạc vàng như thế. Chả lẽ cùng một thể loại nhạc tình yêu, với những ca khúc mê đắm lòng người, ở nơi này nó được tôn trọng, và phổ biến, ở nơi khác, nó bị coi là phản động, phải cấm đoán và tiêu diệt đến tận gốc rễ? Nhưng tôi không thấy ông Trịnh Đình Thảo nói gì. Ông im lặng ngồi theo dõi vụ án bị xét xử suốt ba ngày, ơ hờ như một người khách qua đường. Vậy thôi!

Vị luật sự duy nhất bào chữa cho cả hội chúng tôi là Nguyễn Đình Thùng (ông Nguyễn Đình Thùng đã chết). Chúng tôi gồm 07 bị can:

+Phan Thắng Toán (tức Toán Xồm)

+Nguyễn Văn Đắc (tức Đắc Sọ)

+ Nguyễn Văn Lộc (tức Lộc Vàng)

+ Hà Trung Tân (Anh này nhà ở 26 –28 Lò Sũ, đi bộ đội về, chỉ chuyên đến nghe nhóm tôi hát).

+ Lý Long Hoa (người Hoa, con ông Lý Ngọc Hưng, chuyên dịch sách kiếm hiệp, nhà ở 16 Cột Cờ). Lý Long Hoa chuyên kéo đàn Accordion cho các cuộc khiêu vũ.

+ Trần Văn Thành (Thành Tai Voi) chuyên đệm đàn cho tôi – Lộc Vàng – hát

+ Phạm Văn Ngọ (cũng giống như Lý Long Hoa, Phạm Văn Ngọ chuyên đánh trống).

+ Và tôi – Lộc Vàng.

Tôi còn nhớ lúc đó có Jackson, là phóng  Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu âm nhạc Việt Nam, để viết cuốn “Tìm hiểu âm nhạc Việt Nam từ năm 1938 đến thời điểm hiện nay” (tính đến thời điểm đó), để làm một luận án tiến sĩ. Và có viết về vụ án của chúng tôi. Nhưng không rõ ông đó viết ra sao, viết thế nào và đăng ở đâu, tôi không biết.

Bắt đầu phiên tòa, họ đọc cáo trạng, lý lịch từng người.

Anh Toán Xồm, sinh năm 1932, bị kết tội đi lính cho Pháp. Khi ở tòa án, nghe cáo trạng, tôi mới biết ông nội anh Toán Xồm là Thị trưởng thành phố Hải Phòng. Bà nội anh Toán Xồm là người Pháp, ở Hà Nội dạo đó, người ta gọi một từ duy nhất rất thú vị, là “đầm”. Ông nội anh Toán Xồm lấy vợ đầm, nên con cái đều “lai tây”. Khi đó, ông nội anh Toán Xồm đã mất. Tòa đọc lý lịch anh Toán Xồm: Xưa đi lính cho Pháp, từng làm ở cơ quan mật mã Trung ương do Trung tướng Nguyễn Văn Hinh phụ trách (anh Toán Xồm là người đánh máy cho Tướng Hinh). Nên anh Toán Xồm bị nghi là gián điệp do địch cài lại. Thú thật, tôi nghe đọc lý lịch của anh Toán Xồm mà … toát mồ hôi, nghĩ thầm trong bụng: Chết rồi, anh Toán ơi! Khi thân nhau, ở cùng nhóm hát nhạc vàng, tôi chỉ biết anh Toán Xồm từng đi lính cho Pháp. Chúng tôi hay trêu anh là “xỏ nhầm giầy”. Cả lũ trêu anh rồi cười khoái trí. Anh Toán Xồm hiền lành cười cười, chả nói gì, cũng chẳng bao giờ thấy anh nổi nóng.

Tiếp đó, đến anh Đắc Sọ. Anh sinh năm 1933. Anh Đắc Sọ cũng phạm tội “xỏ nhầm giầy” – đi lính cho Pháp trước năm 1954.

Rồi đến tôi – Lộc Vàng – là người thứ ba. Khi bị bắt, tôi đang làm thợ. Trước đó, tôi làm lái xe ở công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội. Sau tôi làm thuê cho tư nhân ở Kho Xăng dầu Cầu Diễn. Một chi tiết rất đáng chú ý, là lúc đó, báo chí ở Hà Nội đưa tin tôi ăn cắp xăng dầu. Thực tế thì không phải. Chuyện là thế này: Tôi đi chở thuê xăng dầu cho anh Trúc, nhà ở phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Anh Trúc chính là người vào kho xăng lĩnh 02 lần, trong khi quy định chỉ được lĩnh 01 lần. Lần đó, do thủ kho quên không ký vào phiếu. Anh Trúc lợi dụng chuyện đãng trí của thủ kho, vào lĩnh xăng lần thứ hai rồi mang đi bán. Khi anh Trúc bị bắt, anh Trúc khai tôi – Lộc Vàng – là người chở thuê cho anh. Còn tòa án và cả báo chí thì nói Lộc Vàng ăn cắp xăng dầu. Tôi có ăn cắp đâu. Khi đó tôi được anh Trúc nhờ chở thuê. Khi ấy, có người thuê để kiếm tiền thì may quá. Trong quan hệ con người khi có công chuyện, thì chúng tôi giữ một thái độ như một nguyên tắc, ai biết việc người đó. Hỏi để làm gì khi mà nó chẳng liên quan gì tới mình. Vậy mà cuối cùng lại liên quan và mang tiếng là “ăn cắp”? Oan mà không sao có thể cãi nổi trước tòa. Nhưng giờ tôi phải nói một cách sòng phẳng. Vì chuyện nào ra chuyện đó. Nói sai phải tội với Trời Đất!

Sau tôi – Lộc Vàng – đến anh Hà Trung Tân, bạn của tôi.

Anh Hà Trung Tân nhà ở phố Lò Sũ, đi bộ đội về, chỉ chuyên đến nghe nhóm tôi hát. Khi ở chiến trường B, không biết run rủi thế nào, anh lại giữ một tờ truyền đơn của phía bên kia kêu gọi hồi chánh. Quả là nguy hiểm cho anh, vì đó là cơn cớ để bị người ta suy diễn và khép tội, dù có khi chỉ là thói tò mò dại dột của tuổi trẻ. Anh bị khép tội nghe nhạc vàng và đảo ngũ, dù… không hề đảo ngũ. Cũng vì chuyện này mà tôi – Lộc Vàng – còn bị khép tội “phá hoại chính sách nghĩa vụ quân sự”. Khi mê và hát nhạc vàng, tôi đâu ngờ mình có tội lớn đến như vậy.

Sau Hà Trung Tân đến anh Trần Văn Thành (Thành Tai Voi). Anh Thành Tai Voi là thợ cơ khí, cùng với anh Toán Xồm, và tôi chính là “bộ ba” của nhóm hát nhạc vàng. Anh Thành Tai Voi và anh Toán Xồm chuyên đệm đàn guitar cho tôi hát.

Rồi đến anh Lý Long Hoa, người Hoa. Anh Hoa chuyên chơi đàn Accordion. Anh Hoa làm ở Xí nghiệp Dược Hà Nội, hay tụ tập với nhóm anh Đắc Sọ đàn hát.

Điều buồn cười nhất, anh Lý Long Hoa còn bị kết tội dâm ô trụy lạc. Mà có phụ nữ tham gia trong nhóm này đâu. Nếu hôm nào tình cờ có thêm một vài chị em phụ nữ, họ cũng chỉ ngồi nghe. Tôi nghĩ, may nhất là không có người phụ nữ nào bị bắt. Không thì mang tiếng oan uổng và khổ cả đời họ.

Sau anh Lý Long Hoa là anh Phạm Văn Ngọ, chuyên đánh trống, chơi trống trong những bản nhạc quốc tế. Anh Ngọ bị kết án ăn chơi, chuyên chơi nhạc… “giật gân”, đế quốc sài lang…

Còn hai người khác – Vương Khả Dũng và Trần Văn Trung, hai người này chỉ nghe nhạc vàng, nên được thả ngay tại tòa, sau ba năm bắt tạm giam.

Riêng về tôi – Lộc Vàng – xin kể tường tận chuyện án của mình.

Đến lượt tôi, tòa án họ đọc lý lịch từ đời cha tôi. Họ bảo, bố tôi cầm đầu một nhóm Quốc dân Đảng trước năm 1954. Thời có Pháp làm với Pháp. Thời có Mỹ làm với Mỹ. Thời có Nhật làm với Nhật. Nhưng tôi lúc đó còn nhỏ, 9 –10 tuổi, làm sao biết được hết công việc của bố mình. Tôi chỉ biết bố tôi là cai thầu xây dựng rất tên tuổi, có tín nhiệm, làm việc cho người Pháp, người Mỹ, người Nhật, chuyên sơn vôi các công trình họ thuê. Em ruột bố, tức chú tôi lại di cư vào Nam cũng trước năm 1954. Từng ấy trích ngang lý lịch “đen ngòm” cộng với tội hiện tại của tôi là hát nhạc vàng, như vậy, gia đình tôi có truyền thống “chống đối cách mạng”. Nghe mà tôi thấy vừa buồn cười vừa muốn khóc. Vì nó bi hài quá. Với lý lịch đó, thực chất tôi bị xử tù nặng nhất trong nhóm. Vì chỉ hát nhạc vàng, nhưng lại bị xử thành tù chính trị, với mục đích “phản cách mạng”.

Trong phiên tòa, ông nhạc sĩ Đ.N là giám định viên về âm nhạc. Lúc đó, ông ta là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hóa). Ông Đ.N cũng là người trực tiếp thu âm tôi hát 10 bài nhạc vàng ở Nhà Hát Lớn trước đó. Mà theo họ, là để nghiên cứu về nhạc vàng, lý giải vì sao chúng tôi mê đàn hát nhạc vàng đến vậy. Nhưng hóa ra, khi ra phiên tòa, những băng thu âm, ghi âm đó là những “bằng chứng, vật chứng” sinh động để kết tội và xử tội chúng tôi.

Tôi nói chúng tôi “bị lừa” là vậy.

Ấn tượng nhất và khó quên nhất với tôi, và cũng là điều tôi sững sờ cùng kinh ngạc là những lời phân tích kết tội chúng tôi của ông nhạc sĩ Đ.N. Tôi cứ nghĩ ông là nhạc sĩ có tên tuổi, thì ông phải biết phải trái, dở hay. Nhưng hóa ra, ông lại là người kết tội chúng tôi mạnh mồm nhất.

Đó là theo ông Đ.N, màu vàng là màu hủ bại, màu của bệnh tật.

Ông dẫn chứng: Ngày xưa ở bên Anh Quốc, có dịch tả không chữa được. Khi đó thuốc men đâu có. Bệnh này lại dễ lây lan. Để ngăn ngừa và diệt trừ hậu họa, người ta chất tất cả những người bị bệnh tả lên một chiếc tàu và đẩy họ ra ngoài khơi. Trên tàu đó cắm một lá cờ màu vàng, tín hiệu thông báo cho toàn thế giới biết đó là những người mắc bệnh tả nguy hiểm không chữa được. Chiếc tàu nào có cắm cờ màu vàng là không một quốc gia nào cho cập bến. Nếu quốc gia nào cho tàu cập bến, quốc gia đó sẽ bị bệnh tả lan truyền. Và cứ thế, chiếc tàu cứ lênh đênh ngoài khơi xa, không được ghé vào bất cứ bến bãi bất cứ quốc gia nào. Nhạc vàng cũng vậy. Nó là nhạc mang màu sắc ủy mị, màu của bệnh tật, hủy hoại sức sống của con người. Khiến con người lười lao động, sinh ra đĩ điếm cờ bạc. Hát nhạc vàng chính là tuyên truyền văn hóa trụy lạc, văn hóa của chủ nghĩa đế quốc, phá hoại văn hóa của chủ nghĩa xã hội.

Ông Đ.N mất năm 1991. Khi đó đất nước đã bắt đầu những năm tháng Đổi mới. Nếu còn sống, không hiểu bây giờ khi đọc lại những phân tích của chính mình về nhạc vàng ở phiên tòa xét xử vụ án “nhạc vàng” năm đó, hoặc nghe những chương trình về nhạc tiền chiến, nhạc vàng của các nhạc sĩ tài danh như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn… phát nhan nhản trên các đài truyền hình hằng tối, ông nghĩ gì? Còn lúc đó, khi nghe ông nhạc sĩ Đ.N nói, tôi nóng mặt quá. Tính tôi vốn rất thẳng và rất nóng. Không chịu được, còn đang ngồi trên chiếc ghế dài của bị can dưới vành móng ngựa, tôi vươn cổ lên phía ông chánh án:

–Thưa quý tòa, xin cho bị can có ý kiến ạ!

Ông chánh án:

–Bị can Lộc Vàng muốn có ý kiến gì?

Tôi chộp luôn:

–Thưa quý tòa. Theo như lời ông Giám định viên âm nhạc nói màu vàng là màu của hủy hoại bệnh tật. Tại sao lá cờ có ngôi sao màu vàng?

Cả tòa án như chết lặng đi rồi có tiếng cười khe khẽ, nhưng không khí tòa cực kỳ căng thẳng.

Ông Chánh án rung chuông như hét lên:

–Lộc Vàng, ngồi xuống! Giọng ông nghiêm lạnh. Đằng đằng sát khí!

Tôi ngồi xuống, anh Toán Xồm ngồi bên cạnh ghé tai tôi thì thầm:

–Lộc ơi, chết rồi. “Nó” bắn mày chết mất thôi!

–Em không sợ. Chết thì thôi!

Bản tính tôi từ nhỏ rất hiền. Chưa bao giờ tôi đánh nhau, cãi nhau với ai, với bất cứ đứa trẻ nào. Nhưng lúc đó, quả thật tôi sôi máu. Tôi phải bảo vệ điều mà tôi tin rằng không sai trái. Tôi tin rằng chúng tôi không có tội gì. Không phản động, không hề làm điều gì sai quấy để chống phá chế độ, chống phá xã hội này. Chỉ duy nhất một “tội” – đó là say mê hát nhạc vàng. Về tình yêu đôi lứa và những nỗi buồn thân phận kiếp người. Ngay số phận chúng tôi đây, chả lẽ không đáng để … tự hát? Nhưng với một xã hội nặng ý thức hệ tư tưởng, ý thức hệ chính trị, khắc nghiệt với tất cả những gì thuộc về sự khác biệt, về bản ngã cá nhân con người, thì đó là điều khó chấp nhận. Con người sống như được lập trình. Chỉ có thể được phép hành động theo tập thể, như số đông dàn hàng ngang mà tiến. Sự khác biệt là “độc dược” có thể giết chết anh ta, không theo cách này thì theo cách khác.

Vì thế, trong phiên tòa, có lúc ông Chánh án lục vấn tôi. Bằng mọi cách, để tôi bộc lộ tư tưởng:

–Bị can Lộc Vàng đứng lên quan tòa hỏi. Theo như bị can, bị can nghĩ gì về đất Bắc Việt Nam này?

Tôi đứng lên:

–Thưa quý tòa! Theo như lời khai cung của bị can, bị can ước mơ đất Bắc Việt Nam này có được sự phát triển như đà phát triển của thế giới. Bị can ước mơ mỗi quán café đều có dàn nhạc sống, hoặc có dàn nhạc chơi thật hay để người dân ngoài giờ lao động, được uống café, thưởng thức âm nhạc. Các quán café có đèn màu, tạo ra một không gian êm dịu thưởng thức âm nhạc.

Lập tức, ông nhạc sĩ Đ.N đứng lên, xin phép tòa phát biểu. Ông cất cao giọng hùng hồn phê phán:

–Đèn xanh đèn đỏ là đèn dâm ô trụy lạc. Nhạc xập xình là nhạc giật gân của đế quốc. Ông Đ.N phân tích rất lâu, và bảo rằng, chúng tôi chỉ ước mơ bơ thừa sữa cặn của Mỹ ngụy. Cả tòa án im phăng phắc nghe tiếng ông nhạc sĩ hùng hồn lên án

Nhưng giá ông Đ.N còn sống đến bây giờ, ông sẽ thấy tôi nói đúng.

Có lẽ tôi ảnh hưởng khá đậm đời sống văn hóa Hà Nội những năm cũ chưa tiếp quản. Một không khí và đời sống văn hóa khá văn minh, văn hóa, chịu tác động của người Pháp, phong cách người Hà Nội rất nền nã và lịch thiệp trong giao tiếp.  Ở các gia đình khá giả, giáo dục gia đình con cái của người Hà Nội vẫn rất chỉn chu, coi trọng kiểu giấy rách giữ lấy lề, có trên có dưới, không lộn tùng bậy. Bây giờ, thời kinh tế thị trường hội nhập hiện đại, không ít quán café đều có âm nhạc, sang trọng thì có dàn nhạc sống. Chí ít cũng có những băng đĩa hay clip âm nhạc – những khúc tình ca nhẹ nhàng, về tình yêu, về quê hương. Nhưng cũng tiếc thay đạo lý văn hóa xã hội sa sút lạ lùng khó giải thích nổi…

Còn khi đó, tôi đoán định những gì sẽ xảy ra ngay sau sự “cả gan” có ý kiến của mình. Và bình tĩnh chờ đợi.

Hết giờ, ra khỏi tòa án, bọn tôi lại bị còng tay ngay lập tức.

Tôi lại nhìn chiếc còng nghiệt ngã lạnh lùng và chuẩn bị tâm lý…

Vừa về đến Hỏa Lò, lập tức các ông công an xúm vào đấm đá tôi một trận gần chết. Xong tống tôi trở lại buồng giam. Tôi nằm rũ như một tàu lá héo, bất động. Đau ê ẩm toàn thân. Máu mũi máu mồm chảy ri rỉ. Nhưng lòng tôi thanh thản. Mùi ẩm mốc của phòng giam, mùi máu tanh tanh, lành lạnh nhưng đã không làm tôi ghê sợ hay hoảng nữa… Tôi đã nói được những điều mình ấm ức. Có một chút bất cần và chấp nhận tất cả – tâm lý phản kháng của một thằng thanh niên không sao chịu đựng được sự bất công. Cái gì đến cũng sẽ phải đến. Và tôi chuẩn bị tâm thế đón đợi những gì xấu nhất.

Sau ba ngày xét xử, tòa công bố tội phạm và hình phạt với mỗi người chúng tôi. Hình phạt dựa trên hai tội trạng là “Tư lợi cá nhân” và “Mục đích phản cách mạng”. Trong nhóm chúng tôi, chỉ có một người bị xử theo một tội, còn lại tất cả phải chịu cả hai tội trạng. Liên quan đến tội trạng “Mục đích phản cách mạng”, là thuộc loại tù chính trị. Còn tội trạng “Tư lợi cá nhân” chỉ thuộc tù hình sự thông thường. Nếu thuộc tù chính trị, người tù còn bị mất quyền công dân sau khi được ra tù. Tội trạng và án tù của mỗi người trong nhóm như sau:

–Phan Thắng Toán (tức Toán Xồm) bị coi là người cầm đầu, bị kết án 15 năm tù giam. Sau mãn hạn tù, phải chịu 05 năm mất quyền công dân (do cộng cả tội từng đi lính cho Pháp).

–Nguyễn Văn Đắc (tức Đắc Sọ): 12 năm tù giam. 05 năm mất quyền công dân. (Trong ban nhạc, anh Đắc Sọ chỉ là người đánh đàn, nhưng cộng cả tội từng đi lính cho Pháp).

–Nguyễn Văn Lộc (tức Lộc Vàng): 10 năm tù giam. 04 năm mất quyền công dân (bởi tôi hát nhạc vàng thành lời, nên cũng bị xử là tù chính trị, với 03 tội danh: + Tuyên truyền văn hóa chủ nghĩa đế quốc; + Phá hoại nền văn hóa XHCN; +Tuyên truyền phản cách mạng)

– Hà Trung Tân: 08 năm tù giam. 03 năm mất quyền công dân (bởi tội trốn bộ đội, và tham gia nghe nhạc vàng). Anh Hà Trung Tân này, sau khi được thả khoảng một năm rưỡi thì chết.

–Lý Long Hoa: 06 năm tù giam. 03 năm mất quyền công dân. Anh Lý Long Hoa sau được thả, vào lúc chiến dịch “bài” người Hoa năm 1979, anh đi Canada, và chết ở bên đó.

–Trần Văn Thành: 05 năm tù giam. 03 năm mất quyền công dân.

–Phạm Văn Ngọ: 04 năm tù giam (không hát, nhưng tham gia đánh trống trong nhóm hát nhạc vàng). Chỉ riêng Phạm Văn Ngọ không bị mất quyền công dân.

Trong số 07 người chúng tôi bị xử tù, 05 người đã bị chết, hiện chỉ còn tôi – Lộc Vàng – và anh Trần Văn Thành (Thành Tai Voi) còn sống.

Cũng phải nói thêm, dạo đó, khi vụ án “Lưu manh – đĩ điếm – cờ bạc” của chúng tôi đang xét xử, ở miền Nam có những người đi bộ đội đảo ngũ, lại lên đài phát thành Sài Gòn đòi trả lại tự do cho Toán Xồm, Lộc Vàng. Rồi có những tiếng nói của thanh niên, sinh viên Sài Gòn cũng đòi trả tự do cho chúng tôi. Chính vì những sự việc đó, mà vụ việc của chúng tôi càng bị “xé to” thành vụ án chính trị. Thật bất ngờ và thật khổ cho những người trong cuộc là mấy chàng đàn hát nhạc vàng chúng tôi, trong một đất nước bị chia cắt thành hai miền, đối lập nhau về tư tưởng, ý thức hệ. Họ càng đấu tranh mạnh mẽ, càng “chết” nhóm Toán Xồm, Lộc Vàng. Chúng tôi càng bị nghi ngờ là gián điệp được cài lại. Nhất là anh Toán Xồm và tôi, với lý lẽ: Không có lửa tại sao có khói? Không làm gì tại sao bị bắt? Nhất là tại sao lại có những tiếng nói “phía bên kia” phản đối. Phải là bọn phản động, phản cách mạng mới được phía bên kia bênh vực, ủng hộ, đòi trả tự do chứ? Nhóm hát nhạc vàng chúng tôi như đứng giữa hai làn đạn, mà bất cứ làn đạn nào vô tình hoặc cố ý đều có thể bắn về phía mình. Khổ thế!

Khi được thả tự do, trở về với đời thường, bạn bè tìm đọc và đưa tôi xem một số bài viết về vụ án của chúng tôi dạo đó. Đọc bài, mới thấy chúng tôi gan tày trời – “âm mưu” đầu độc tư tưởng thanh niên Hà Nội lúc đó ra sao.

Đây là bài của báo Hà Nội Mới ngày 12/1/1971 đưa tin xét xử vụ án: Trong ba ngày 6, 7, 8 tháng 1 1971, Toà án nhân dân thành phố Hà-Nội đã xử sơ thẩm các bị cáo Phan Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc, Hà Trung Tân, Trần Văn Thành, Lý Long Hoa, Phạm Văn Ngọ và Lê Văn Trung can tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phan Thắng Toán, 37 tuổi, hồi giặc Pháp tạm chiếm Hà-Nội, đi lính ngụy và được điều sang làm ở bộ phận mật mã của cơ quan trung tâm nghiên cứu quân sự của địch. Toán thú nhận sau khi ở lại miền Bắc, y đã có tư tưởng không ưa thích chế độ ta, tán thành quan điểm phản động của bọn “Nhân văn Giai phẩm” và luôn mơ ước có cuộc sống “tự do”, trụy lạc như ở Mỹ và Sài Gòn.

Toán đã tập hợp một số phần tử xấu như: Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Lộc (lái ô-tô cho công ty hàng hóa Hà-Nội, can tội lấy cắp xăng bị sa thải); Hà Trung Tân (không nghề nghiệp); Trần Văn Thành (thợ cơ khí bỏ việc về sống du dãng)

Comments are closed.