BÙI CÔNG KHÁNH – MỘT TIẾNG NÓI MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI VIỆT NAM

Ly Hoàng[i]

Thuận Thành dịch

Phong trào mỹ thuật đương đại ở Việt Nam bắt đầu vào cuối thế kỷ 20. Có thể nói nó chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mỹ học được biết với danh xưng “hậu hiện đại”, cũng như những phương pháp và phương tiện như sắp đặt, trình diễn, nghệ thuật video, và đa phương tiện. Điều kiện thiết yếu cho sự ra đời phong trào mỹ thuật đương đại có cơ sở là việc một số không ít nghệ sĩ tạo hình[ii] trẻ không còn trung thành với “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” do chính quyền nâng đỡ. Trong khi đó, họ lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các lý thuyết mỹ học và các phương pháp thực hành mỹ thuật đương đại phương Tây thông qua những cuộc trao đổi sâu rộng với nghệ sĩ tạo hình phương Tây. Bùi Công Khánh, vốn thực hành cả tranh sơn dầu, mỹ thuật trình diễn, sắp đặt và video, nằm trong số người đó.

Khánh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng, thành phố lớn nhất của miền Trung VN và lớn thứ ba trong cả nước. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật về sơn dầu năm 1998 tại trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, anh trở về quê hương và mở một phòng tranh tại Hội An, một thị trấn du lịch cổ cách Đà Nẵng một giờ xe hơi, để kiếm sống bằng cách bán tranh sơn mài và sơn dầu của mình cho du khách. Theo cách ấy, Khánh gia nhập hàng ngũ đa số hoạ sĩ trẻ ở VN vào lúc đó, họ vẫn bó hẹp trong thể loại tranh giá vẽ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng, xuất biểu, và trừu tượng. Họ có mục tiêu là bán tranh “salon” cho thị trường phương Tây. TS Nora A. Taylor (Học viện Mỹ thuật Chicago) bàn về hiện tượng này như sau: “Trong khí hậu ấy, các nghệ sĩ đã tạo ra một sản phẩm dường như nhìn chung thì có phần an toàn đối với các nhà phê bình mỹ thuật ở nước ngoài. Những người đàn bà đẹp, phong cảnh và mô tip địa phương được phủ những lớp màu dầu hào phóng và những phong cách xuất biểu chủ nghĩa là những loại hình tranh sơn dầu phổ biến nhất được bán tại các phòng tranh ở Hà Nội và TPHCM hôm nay.”[iii]

Tuy nhiên, Khánh vẫn ôm ấp tham vọng của mình bằng cách dấn thân cùng một số đồng nghiệp ở TPHCM trong việc thực hành thử nghiệm nghệ thuật đương đại gây sự chú ý về các vấn đề xã hội của VN trong thời kỳ nước này mở cửa thị trường toàn cầu hoá. Điều này dẫn đến quyết định của anh: đóng cửa phòng tranh salon vào năm 2005 và chuyển vào TPHCM để gia nhập sân khấu nghệ thuật đương đại sống động, trong đó có “CLB Hoạ sĩ Trẻ” của Hội Mỹ thuật TPHCM và “Không gian Xanh” – một Trung tâm Mỹ thuật đương đại độc lập, tại đó các nghệ sĩ quốc tế và Việt kiều ra mắt lần đầu tác phẩm của mình.

Phương pháp nghệ thuật của Khánh đã hình thành trong hoàn cảnh mà Nora A. Taylor miêu tả: “Vào năm 2000, các nghệ sĩ VN bắt đầu dấn thân vào những cuộc đàm thoại về mỹ thuật đương đại thông qua các diễn đàn Internet và các hội thảo quốc tế. Tôi chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ diễn ra trong suốt thập kỷ tiếp theo trong thế giới mỹ thuật đương đại VN. Các nghệ sĩ ngày càng quen thuộc với các huynh hướng mỹ thuật trên khắp thế giới và những phương tiện thử nghiệm khác nhau như sắp đặt, trình diễn, phim, video[iv]

Đề tài chính trong tác phẩm của Khánh là mâu thuẫn xã hội do việc hiện đại hoá đất nước Việt Nam mang đến. Những tác phẩm đầu tiên của Khánh phê phán những vấn đề ấy với những cách nói trực tiếp và đơn giản hơn, những tác phẩm về sau thì phức tạp hơn. Thí dụ như, trong tác phẩm trình diễn đầu tiên của Khánh năm 2002, Giao thông, anh nằm ngửa bất động trong vũng màu đỏ mà anh đổ ra trên sàn. Khán giả vây quanh anh như chứng kiến một tai nạn xe cộ. Âm thanh duy nhất tràn ngập căn phòng Khánh trình diễn phát ra từ miệng anh, rít lên như tiếng còi báo động. Tác phẩm đơn giản và mang nghĩa đen này thể hiện hệ thống giao thông vô tổ chức ở VN và những nạn nhân giao thông – một vấn đề gay cấn nổi lên từ việc đô thị hoá tự phát tại VN sau thời kỳ “Đổi mới”. Trong tác phẩm Người Đô la năm 2004, Khánh phủ hết mặt mình bằng những đồng 100 đô la giả như một hành động phê phán sự thống trị của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tư bản ở VN. clip_image002

Những năm gần đây, anh đã tạo những bình gốm lớn vẽ bằng tay các hoạ tiết truyền thống pha trộn với những hình hoạ đương đại của chính anh vẽ người, vật, và những lời viết về xã hội đương đại VN. Chọn Bát Tràng, một làng gốm thủ công gần Hà Nội để làm ra những bình gốm này, anh bán chúng cho các nhà sưu tập nươc ngoài. Như vậy Khánh đã thổi mạnh một luồng hơi đưong đại vào thế gới thủ công truyền thống của VN và cùng lúc, làm nổi bật sự tương phản giữa cái đẹp truyền thống và nhu cầu thay đổi. Làm như thế, Khánh đã gióng lên câu hỏi: làm sao tất cả các nhân tố ấy chung sống được với nhau?

Những vấn đề về giai cấp, hố chia cách người nghèo người giàu đã nổi lên trong quá trình hiện đại hoá Việt Nam. Trong tác phẩm sắp đặtQuá khứ đã di dời – một tác phẩm studio-ảnh tương tác và những bức ảnh chụp, tại Singapore năm 2010 và 2011[v], anh đã có một cái nhìn sâu hơn về những vấn đề giai cấp. Dùng một bức vẽ chì than khổ lớn vẽ khu nhà ổ chuột làm hậu cảnh, Khánh chụp ảnh những cư dân của khu này và những người quen của anh để thể hiện sự khác biệt trong phản ứng và dáng đứng ngồi giữa những người thuộc về khu ổ chuột và những người xa lạ với những hình họa làm hậu cảnh: những người nhóm thứ nhất trông tự nhiên, thoải mái trong khi những người nhóm thứ hai trông rất nghiêm trọng và ngượng nghịu. Sau đó anh sắp đặt lại cái hậu cảnh hình họa khu ổ chuột cùng với những bức ảnh chụp tại một phòng tranh.

clip_image004

Khánh miêu tả tác phẩm của mình như sau: “ ‘Quá khứ đã di dời’ là một cách tôi ghi lại cái gọi là lịch sử. Tôi dùng cụm từ ‘cái gọi là lịch sử’ để chỉ sự phát triển hối hả của một đất nước vừa đi qua chiến tranh, và đã bị đóng cửa với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài… Tôi hy vọng bất cứ ai nhìn cái hậu cảnh khu ổ chuột ấy đều có thể liên hệ nó với quá khứ của chính mình đã đi qua, hay một nơi mà cái thật và cái không thật cả hai đều thực sự đã đi vào quá khứ.”[vi]

Người ta có thể nói một số nghệ sĩ đương đại VN như Khánh đang tìm cách lên tiếng chống lại những chính sách của nhà nước mà họ thấy là phi lý, độc đoán, vi phạm các quyền con người căn bản. Việc ấy có thể được ghi nhận là một tiếng nói mềm, ôn hoà, hay can đảm một cách gián tiếp. Tác phẩm trình diễn Hãy đóng dấu lên tôi của Khánh có thể là một thí dụ cho tuyên ngôn ấy.

Anh dùng hai con dấu khắc “Yes” hay “No” để lần lượt đóng lên thân thể mình. Rồi anh đề nghị khán giả chọn đóng một trong hai con dấu ấy lên người anh. Tác phẩm trình diễn này có thể được tri giác như một ẩn dụ của sự kiểm duyệt ở VN, ở đó mỗi sản phẩm văn học nghệ thuật, kể cả các tác giả, đều phải trải qua một hệ thống luật lệ và chấp thuận ngặt nghèo.

Trong triển lãm cá nhân mới nhất của Khánh: Vì Nước vì Nhà, tổ chức vào tháng 2 năm 2013 tại YAVUZ Gallery Singapore, anh trăn trở với cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Trong triển lãm này, Khánh sắp đặt các tác phẩm của mình ở hai căn phòng riêng rẽ. Một phòng gồm 7 tấm tranh sơn dầu lớn vẽ cảnh đồng quê Nam VN. Khánh sử dụng “hình thức tranh rẻ tiền”[vii] vốn phổ biến ở địa phương cho những bức tranh này. Dường như anh muốn tác phẩm của mình được những người bình thường hiểu hơn là bày ra cho họ xem một thứ nghệ thuật khái niệm phi lý. Mặt khác, những bức tranh này được bày ở một nước như Singapore, ở đó khán giả quen với mỹ thuật đương đại hơn, có thể được thấy như ý định của tác giả muốn trình bày cách hiểu mỹ thuật của đa số người VN hôm nay.

Các bức tranh vẽ những cảnh thực nhà ở nông thôn mà không có chủ nhà. Một biểu ngữ màu đỏ chăng ngang qua các phong cảnh này, với hàng chữ Quyết tâm xây dựng gia đình văn hoá hay Khu vực văn hoá tốt[viii]. Các biểu ngữ trong loạt tranh này có thể coi như một hình thức khác của con dấu mà Khánh đã sử dụng trong trình diễn Hãy đóng dấu lên tôi: đó là cái cân đạo đức dựa trên sự đánh giá của nhà nước được áp đặt lên một cộng đồng. Thêm nữa, Khánh đặt những chiếc đĩa vẽ chân dung bên cạnh các bức tranh. Những chiếc đĩa này vẽ tay chân dung từng chủ nhân ngôi nhà được phát tấm giấy chứng nhận in sẵn “Gia đình Văn hoá” – một cử chỉ nhấn mạnh tính cá nhân. Trong khi cái mà những công dân vùng quê nhận được là một danh hiệu tưởng tượng mơ hồ do một cấp chính quyền (sở văn hoá – ND) cấp, thể hiện một mẩu chứng nhận bày đặt rỗng tuyếch, thì Khánh đặt những chiếc đĩa thể hiện sự tôn vinh đầy ý nghĩa của một cá nhân/nghệ sĩ đối với một cá nhân/ chủ nhà. Khánh bảo: “Tôi làm những chiếc đĩa này như một quà tặng cho bà con, để vinh danh họ”[ix].

clip_image006

Vì Nước vì Nhà, triển lãm tại Singapore.

Cam kết Văn hoá, một khung cửa đung đưa, từ một ngôi nhà ổ chuột đã bị phá vì giải toả, nối hai căn phòng của triển lãm Vì Nước vì Nhà. Nghệ sĩ cắt bằng laser các chữ từ “Bản Cam kết Gia đình Văn hoá” – một bộ luật lệ mà chính quyền áp dụng cho nghĩa vụ công dân và trách nhiệm gia đình. Những chữ cái cắt ra được đặt trong một cái hộp sơn màu chạm khắc và khán giả có thể sắp xếp lại để tạo ra một văn bản mới. Lại một lần nữa, khán giả chơi trò chủ nghĩa cá nhân chọi với chủ nghĩa tập thể.

Trong căn phòng thứ hai của triển lãm là Khu ổ chuột Sài Gòn – sự phối hợp sắp đặt mini kiểu phim ảnh gồm những tác phẩm video art và ảnh chụp, miêu tả điều kiện sống của người nghèo trong các khu ổ chuột Sài Gòn. Rõ ràng là Khu ổ chuột Sài Gòn được phát triển từ sắp đặt trước đó của Khánh, Quá khứ đã di dời. Tuy nhiên, tác phẩm mới không chỉ nói lên hố ngăn cách giàu nghèo ở VN, mà còn nói lên tinh thần tập thể với sức mạnh chính quyền và xã hội để kiểm soát các hành vi cá nhân: nghệ sĩ sắp đặt hai camera hồng ngoại để kiểm soát khán giả đi vào phòng triển lãm và các bước chân của họ. Sự giám sát được chiếu trên những màn hình Tivi như những video đen trắng sống, tạo nên một không khí khó chịu và báo động, biểu thị không khí giám sát của nhà nước.

clip_image008

Bui Cong Khanh. Khu ổ chuột Sài Gòn trong triển lãm Vì Nước vì Nhà.

Bao trùm lên tất cả, trong thực hành nghệ thuật của mình, Bùi Công Khánh kết hợp mỹ thuật đương đại, các phương pháp và khái niệm của nó với lịch sử VN và những nguồn tư liệu dân tộc cũng như những vấn đề hiện đại và nhà nước trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Ta có thể thấy những nghệ sĩ VN như Khánh và những nghệ sĩ Việt kiều như Jun Nguyen-Hatsushiba, Dinh Q. Le và Tiffani Chung, những người đã chọn sống ở VN và sáng tác nghệ thuật, cùng đi một con đường, nhưng từ hai đầu ngược lại và tất cả bọn họ gặp nhau tại giao điểm của cái liên dân tộc và cái dân tộc. Nora A.Taylor viết: “Qua thời gian, cuộc đối thoại này sẽ thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều curator từ khắp thế giới, và các cánh cửa sẽ mở ra cho cả nghệ sĩ điạ phương lẫn Việt kiều. Cuối cùng, sự phân biệt giữa nghệ sĩ Việt kiều và nghệ sĩ Việt Nam sẽ tan biến, và đến lượt sự xuất hiện ngày càng tăng của những người trước tại các triển lãm quốc tế sẽ biến đổi thành mối quan hệ của họ với Việt Nam và cách thức mà đề tài này được phát biểu trong tác phẩm.”[x]

Trong khi các nghệ sĩ Việt kiều lớn lên trong một môi trường văn hoá phương Tây, được giáo dục tại những trường mỹ thuật đương đại, rồi trở về VN, lấy đất nước làm cảm hứng và nguồn tư liệu thực hành nghệ thuật của mình, thì Bùi Công Khánh sinh ra và lớn lên tại VN, nhận một nền giáo dục VN. Anh chuyển đổi “ngôn ngữ” nghệ thuật VN thành ngôn ngữ đương đại phương Tây. Từ năm 2002 đến nay, anh đã tham dự nhiều triển lãm mỹ thuật quốc tế ở Nhật, Hàn, Hong Kong, Thailand, Singapore, Đức, Mỹ Australia. Khánh là một trường hợp cụ thể để nghiên cứu về một nghệ sĩ nhanh chóng vượt khỏi khuôn khổ của tỉnh lẻ để ra được đấu trường nghệ thuật đương đại thế giới. Tuy nhiên, vì những triển lãm quốc tế của anh nhiều hơn triển lãm trong nước, nên tác phẩm của anh và địa điểm có thể trưng bày cho thấy nghệ thuật của Khánh phải đối mặt với những vấn đề kiểm duyệt và sự hạn chế khán giả ở VN. Vấn đề này tiếp tục diễn ra trên sân khấu mỹ thuật VN. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật nói rằng phải mất ít nhất vài thập kỷ nữa để những nghệ sĩ đương đại như Khánh có thể khích động và truyền cảm hứng cho người VN qua nghệ thuật của họ, đó là kết quả của sự kiểm soát nhà nước và sự thiếu hụt về giáo dục mỹ thuật do sự kiểm soát của chính quyền. Tuy nhiên, tương lai mỹ thuật đương đại VN đang được xây dựng từng chút một thông qua lao động vất vả của những nghệ sĩ đương đại như Khánh và các đồng nghiệp, tạo ra nền tảng cho thế hệ kế tiếp. Những nỗ lực như của Khánh vẽ nên niềm hy vọng cho sự thay đổi chính trị xã hội ở VN và cùng lúc vẽ nên sự cô đơn của một con người đi tìm sự thay đổi trên đất nước mình.

L.H.


[i] Tiểu luận bằng tiếng Anh nhan đề “BUI CONG KHANH, A CONTEMPORARY ART VOICE OF VIETNAMESE SOCIAL ISSUES” của Ly Hoang (Th.S Mỹ thuật, Học viện MT Chicago) (ND)

[ii] Nguyên tác tiếng Anh dùng từ “artist” theo nghĩa truyền thống là “hoạ sĩ”, nhưng ngày nay được hiểu là “nghệ sĩ tạo hình” hoặc “nghệ sĩ thị giác” nói chung. Từ sau đây, ND dùng từ “nghệ sĩ” cho gọn (ND)

[iii] Nora A. Taylor, “Why Have There Been No Great Vietnamese Artists?”

(Ann Arbor, MI, MPublishing, University of Michigan Library Winter 2005).

[iv] Nora A. Taylor, “Running the Earth: Jun Nguyen-Hatsushiba’s Breathing is Free: 12,756.3”.

[v] “The Past Moved” đã trưng bày tại Singapore’s Esplanade trong khuôn khổ cuộc trưng bày “Làm nên Lịch sử” do Iola Lenzi tuyển chọn vào tháng 5 năm 2010 và 2011 tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore.

[vi] Tuyên ngôn về tác phẩm của chính nghệ sĩ.

[vii] Từ ngữ được Bùi Công Khánh sử dụng trong cuộc trò chuyện với tác giả bài viết, 2013.

[viii] Iola Lenzi, “For Home and Country: new social installations by Bui Cong Khanh”, curator Statement.

[ix] Trò chuyện với tác giả bài viết, 2013.

[x] Nora A. Taylor, “Running the Earth: Jun Nguyen-Hatsushiba’s Breathing is Free: 12,756.3”.

Comments are closed.