Lã Nguyên
* Sinh hạ – Trưởng thành – Tử nạn
* Hai học thuyết
* Sự Phục sinh mầu nhiệm
1. Tôi có ba lí do để nghĩ về Trường phái Hình thức Nga vào tuần Giáng sinh này. Thứ nhất: Trường phái này được sinh hạ đúng vào một mùa Phục sinh, trước đêm Giáng sinh. Thứ hai: Phần di sản đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó là hình thái học văn bản nghệ thuật và học thuyết về ý nghĩa cứu rỗi của “Lời”, về sự Phục sinh của tồn tại. Thứ ba: Nó được Phục sinh một cách mầu nhiệm sau khi bị đóng đinh câu rút và bị lãng quên liền liền mấy thập kỉ ngay trên quê hương mình.
Xin bắt đầu bằng câu chuyện về sự sinh hạ, trưởng thành rồi bị bức tử ở tuổi mười bảy của nó.
Ai cũng biết, “Trường phái Hình thức Nga” hay “Chủ nghĩa hình thức Nga” là những khái niệm đầy tính ước lệ, không chính thức, được sử dụng để chỉ một khuynh hướng lí luận văn học hoạt động ở Peterburg và Moscow vào những năm đầu thế kỉ XX. Gọi đó là “trường phái” vì nó là một hiện tượng lịch sử, có quá trình hình thành và phát triển. Nó có những tổ chức nòng cốt như “câu lạc bộ”, “hiệp hội”, có chủ soái và số lượng hội viên được kết nạp, đăng kí hẳn hoi, có hội thảo, sinh hoạt học thuật, có tuyên ngôn với nhiều công trình chủ chốt thống nhất với nhau trong phương pháp luận nghiên cứu, có cơ sở vật chất để các thành viên in ấn, xuất bản công trình của mình… Nhưng trong điều kiện như ở nước ta hiện nay, chắc chắn, mọi ý đồ nghiên cứu một cách thấu đáo về trường phái này đều gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn không hẳn chỉ bởi thiếu nguồn tài liệu, mà chủ yếu là bởi, có những chuyện được ghi rành rành trong các pho từ điển đầy uy tín, được các nhân chứng là người trong cuộc ví như V. Shklovski, hoặc B.V. Tomashevski khẳng định chắc như đinh đóng cột, tưởng như thế là đã rõ, thế mà đến khi tìm hiểu, lại thấy mỗi tư liệu trình bày một phách, chẳng nguồn nào giống nguồn nào. Chẳng hạn, danh tiếng của Trường phái Hình thức Nga gắn liền với hoạt động của “Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow” (MLK) và “Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ Thơ” (OPOJAZ). R. Jakobson nhận xét: “Theo tôi, Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow là hiệp hội đáng kể nhất của các nhà ngữ văn học người Nga – xét cả ở sự toả sáng của các tài năng lỗi lạc, lẫn ảnh hưởng của nó (thường là trực tiếp và gián tiếp) tới sự phát triển của tư tưởng ngữ văn học […]. Đóng góp của Câu lạc bộ cho ngôn ngữ học và thi pháp học, cả ở đất nước Nga, lẫn trên phạm vi toàn thế giới, không có bất kì một hiệp hội nào có thể so sánh được”[1]. Tất nhiên, danh tiếng của “OPOJAZ” còn lớn hơn nhiều. “OPOJAZ” thường được đồng nhất với Trường phái Hình thức Nga. Nhưng hai hiệp hội này được tổ chức vào năm nào, mỗi hiệp hội có bao nhiêu hội viên? Có thể dựng lại chính xác số phận lịch sử của các hiệp hội ấy hay không? Xin thưa, không dễ gì có lời giải đáp chính xác cho các câu hỏi ấy. Đúng là Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow (“MLK” – Московский лингвистический кружок) được thành lập theo sáng kiến của một số sinh viên ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Moscow. Vào cuối năm 1914, Viện sĩ F.E. Kors đã đệ trình lên Ban II của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia bản điều lệ hoạt động của MLK. Nhưng phải đến ngày 16 tháng 2 năm 1915, Viện sĩ A.A. Sakhmatov mới kí quyết định về việc “tổ chức nhóm các nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi hoạt động theo phương thức tự túc kinh phí nhằm nghiên cứu những vấn đề ngôn ngữ học, thi luận, thi pháp sáng tác ngôn từ dân gian”. Vậy thì, nên tính lịch sử hoạt động của MLK từ 1914, hay 1915? Viết về Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow, người ta thường chỉ biết một vị Chủ tịch duy nhất là R.O. Jakobson. Nhưng trong 10 năm tồn tại, sau Jakobson, MLK còn có 5 vị Chủ tịch khác: M.N. Peterson (từ cuối tháng Giêng đến tháng 9 năm 1920), A. A. Buslaev (đến tháng 10 năm 1922), G.O. Vinokur (đến tháng 3 năm 1923) và N.F. Jakovlev (đến tháng 11 năm 1924)[2].
Câu chuyện về “OPOJAZ” ở Peterburg cũng phức tạp như vậy. Chữ viết tắt “OPOJAZ” là một kết hợp từ hi hữu, tiêu biểu cho thi pháp viết tắt của chủ nghĩa vị lai, chỉ thấy ở Nga vào những năm 20 của thế kỉ trước. Theo nguyên tắc viết tắt của chủ nghĩa vị lai, chữ viết tắt phải là một kết hợp từ có thể làm người ta quên đi cụm từ hoặc mệnh đề được nó thay thế, nhưng dứt khoát phải tạo được “cảm giác về âm thanh của lời nói”. Môn đệ của chủ nghĩa vị lai rất dị ứng với lối viết tắt theo kiểu lắp ghép giản đơn phụ âm đầu của các từ, ví như “MGU” (“МГУ” – Московский государственный университет – Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow), hoặc “SSSR” (СССР – Союз Советских Социалистических Республик – Liên bang các nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết). Thi pháp của chủ nghĩa vị lai đòi hỏi mỗi chữ viết tắt phải là một kết hợp từ ngân vang, thể hiện vẻ đẹp của “mĩ học âm thanh”, ví như “LEF”, (“ЛЕФ” – Левый фронт искусства – Nghệ thuật Cánh tả), “Kubuch” (“КУБУЧ” – Комиссия по улучшению быта ученых – Uỷ ban Cải thiện Đời sống Học giả), hoặc “AvtoDor” (“АвтоДор” – Общество содействия развитию автомобильного транспорта, тракторного и дорожного дела – Hội Hỗ trợ Phát triển Giao thông Cơ giới, Ngành Máy kéo và Đường bộ)… Nếu không có từ điển tra cứu, nhìn vào chữ viết tắt, người ta khó đoán ra những cụm từ hoặc mệnh đề được thay thế. Cho nên, ngay cả những người trong cuộc, có quan hệ trực tiếp với Trường phái Hình thức Nga cũng đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về chữ “OPOJAZ”. Y.N. Tynianov và L.Ginzburg cho rằng, “OPOJAZ” là chữ viết tắt của “Oбщество изучения поэтичкского языка” – “Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ Thơ”[3]. Nhưng đến năm 1960, một sáng lập viên của “OPOJAZ” là V. Shklovski lại cho rằng, nó là chữ viết tắt của “Hội Nghiên cứu Lí luận Ngôn ngữ Thơ” (“Общество изучения теории поэтического языка”)[4]. Ngay cả thời điểm thành lập “OPOJAZ”, nếu đọc tài liệu của những người đương thời và các nhà nghiên cứu hiện nay, ta thấy, đó vẫn còn là câu chuyện rất mù mờ. Bách khoa Xô Viết Đại Từ điển cho rằng “OPOJAZ” thành lập vào quãng 1916 – 1919[5]. Từ điển Bách khoa văn học ghi thời gian thành lập “OPOJAZ” là 1916 – 1918[6]. Từ điển Bách khoa Ngôn ngữ học chỉ ra chính xác, thời điểm ấy là năm 1916[7]. Theo hồi ức của R. Jakobson thì “việc quyết định thành lập hiệp hội đã được thông qua trong một bữa ăn trưa tại căn hộ của O.M. Brik vào tháng 2 năm 1917”[8]. Trong cuốn sách cuối cùng của đời mình, cuốn Về lí thuyết văn xuôi, in năm 1984, V.B. Shoklovski lại đưa ra ý kiến khác: “Cần phải kể lại chuyện về một hiệp hội văn học không lớn, năm 1914 đã in một cuốn sách mỏng tại nhà in Sokolinski, một nhà in bé tí tẹo đặt ở số 33, phố Nadezdinski. Có lẽ, đó chính là điểm khởi đầu của OPOJAZ”[9].
Do từ năm 1920, R.O. Jakobson đã rời nước Nga, đến sống ở Estonia, sau đó qua Tiệp Khắc, nên trụ cột của của Trường phái Hình thức Nga là bộ ba Y.N. Tynianov (1894-1943), B. Eikhenbaum (1886 – 1959), V.B. Shklovski (1893-1984). Quy tụ xung quanh bộ ba ấy là một đội ngũ học giả đầy tài năng, gồm những nhà lí luận văn học và văn học sử, phê bình văn xuôi và phê bình thơ, ngôn ngữ học và folklore học. Riêng Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow đã có đến 51 thành viên chính thức, 3 thành viên danh dự và 12 thành viên – cộng tác viên[10]. Trong số đó có nhiều tên tuổi lớn, như F.N. Afremov, P.G. Bogatyrev, А. А. Buslaev, S.S. Rogozin, P.P. Svesnhicov, R.O. Jakobson, N.F. Jakovlev, V.K. Porzezinski, D.N. Usakov, N.N. Durnovo, S.I. Bernstein, M. Bondi, O.M. Brik, N.N. Volkov, N.I. Zinkin, V.M. Jirmunski, S.O. Karsevski, M.M. Kenhigsberg, A.M. Peskovski, E.D. Polivanov, A.I. Romm, Iu.M. Sokolov, B.V. Tomashevsky, R.O. Sor, B.I. Jarkho… Theo danh sách đăng kí tại Uỷ ban Xô Viết Petrograd năm 1921, “OPOJAX” có 14 thành viên, do V.B. Shklovski làm Chủ tịch, B.M. Eikhenbaum – đồng Chủ tịch, Y.N. Tynianov – Thư kí, sau đó là V.M. Zirmunski, L.V. Sherba, S.I. Bernstein, B.V. Kazanski, L.P. Jakubinski, A.L. Veksler, M.L. Slonimski, Vl.B. Shklovski, E.G. Polonskaja, V.P. Chovin, V.G. Kordi[11].
Trường phái Hình thức Nga có bao nhiêu tuyên ngôn khoa học? Đó cũng là một câu chuyện rất dài. Những năm 20 của thế kỉ trước là thời đại cách mạng. Thời ấy, mọi khuynh hướng, trào lưu, trường phái, từ văn nghệ cho đến khoa học, triết học, tư tưởng, đều có tham vọng sáng tạo ra cái mới, làm nên cuộc cách mạng thực sự trong mỗi lĩnh vực hoạt động. Các trường phái, trào lưu, khuynh hướng luôn tìm cách tự khẳng định bản chất cách tân của mình một cách quyết liệt. Nó tự khẳng định bằng những tuyên ngôn và những cuộc tranh luận nảy lửa với các đối thủ của mình. Lúc đầu, người ta xem các văn bản như Sự phục sinh của lời, Nghệ thuật như là thủ pháp (V. Shklovski), “Áo choàng” của Gogol được làm như thế nào (B.M. Eikhenbaum) là những tuyên ngôn của Trường phái Hình thức Nga. Những văn bản ấy tuyên ngôn cho tư tưởng lí thuyết, quan niệm về đặc trưng của văn nghệ, về bản chất, chứ năng của khoa học ngữ văn, về phương pháp nghiên cứu khoa học. Các nhà hình thức luận không chỉ tuyên ngôn lí thuyết, mà còn vận dụng lí thuyết một cách tài ba vào thực nghiên cứu, tạo ra một hệ thống thao tác tiếp cận các hiện tượng nghệ thuật mang tính khoa học cao, đưa ngữ văn học ngày càng xích lại gần với các khoa học chính xác. Và như thế, Trường phái Hình thức Nga không phải là hiện tượng nhất thành bất biến, mà luôn luôn vận động, tiến hoá, dù chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Nó không chỉ tuyên ngôn cho sự khởi đầu của một trường phái, mà còn có những tuyên ngôn giống như sự tổng kết độc đáo phần tinh hoa và sự tiến hóa của các tư tưởng khoa học cốt lõi. Cho nên, danh sách các văn bản được xem là tuyên ngôn của Trường phái Hình thức Nga, càng về sau càng được mở rộng thêm. Có thể tìm thấy trên một Website bằng tiếng Nga danh sách những công trình như sau được xem là tuyên ngôn của các nhà hình thức luận:
– V. Skhlovski: 1. Nghệ thuật như là thủ pháp; 2. Quan hệ giữa các thủ pháp xây dựng truyện kể với các thủ pháp chung của phong cách;
– E.D. Polivanov: Nhân bàn về “các động tác âm thanh” của tiếng Nhật;
– L.P. Jakubinski: 1. Sự tích tụ của các âm trơn cùng loại; 2. Về các âm thanh của ngôn ngữ thơ;
– O.M. Brik: Điệp âm, tiết tấu và cú pháp;
– B.M. Eikhenbaum: “Áo choàng” của Gogol làm thế nào?;
– R. Jakobson: 1. Về câu thơ Tiệp trong sự đối sánh với câu thơ Nga; 2. Thơ hiện đại. Phác thảo đầu tiên: Tiếp cận Khlevnhikov;
– Y.N. Tynianov: 1. Sự thật văn học; 2. Về sự tiến hoá của văn học;
– Y.N. Tynianov, R. Jakobson: Những vấn đề nghiên cứu văn học và ngôn ngữ[12].
Những tuyên ngôn nói trên đã trở thành “danh thiếp”, thành “carte de visite” làm nên danh tiếng của Trường phái Hình thức.
Tôi nói dài dòng như thế về chuyện tổ chức và tuyên ngôn khoa học của Trường phái Hình thức Nga là muốn nhấn mạnh tới sự phức tạp của các nguồn tư liệu mà bất cứ người nghiên cứu nào cũng phải đính đến. Các nguồn tư liệu nói về thời điểm sinh hạ của trường phái này cũng phức tạp như vậy. Boris Viktorovich Tomashevsky, nhà hoạt động nổi tiếng của Trường phái Hình thức viết: “Trường phái Hình thức xuất phát từ đâu? Từ bài báo của Belyi, từ buổi seminaire của Vengerov, hay từ hội trường Tenishevsky mà cánh vị lại hò reo ầm ỹ dưới sự chủ toạ của Baudouin de Courtenay”[13]. Tomashevsky đặt ra những câu hỏi như thế chứng tỏ, về cột mốc đánh dấu điểm khởi đầu lịch sử của Trường phái Hình thức Nga, ý kiến của giới nghiên cứu không phải lúc nào cũng thống nhất. Có người chọn năm 1914, vì cuốn Sự phục sinh của lời của V. Shklovski – cuốn sách được xem là tuyên ngôn đầu tiên của Trường phái Hình thức Nga – xuất bản vào năm ấy. Tức là bắt đầu từ năm 1914, Trường phái Hình thức Nga chính thức nhận được “giấy chứng sinh”. Nhưng đa số các nhà nghiên cứu Nga lại chọn năm 1913, vì ngày 23 tháng 12 năm 1913, tại tửu điếm “Chó rông” (“Бродячая собака”), nơi sinh hoạt của giới văn nhân – nghệ sĩ Saint-Peterburg, V. Shklovski đã đọc bài phát biểu nổi tiếng: Vị trí của chủ nghĩa vị lai trong lịch sử ngôn ngữ. Nội dung của bài phát biểu này chính là hạt nhân của tuyên ngôn nghệ thuật trong Sự phục sinh của lời. Cho nên, nước Nga mới tổ chức Hội thảo quốc tế kỉ niệm “100 năm Trường phái Hình thức” tại Moskva vào năm 2013 (25/8/), chứ không phải 2014.
Trường phái Hình thức Nga sinh hạ vào mùa Phục sinh, ngay trước đêm Giáng sinh (23.12.1913). Tuyên ngôn hoạt động của của họ nói về một sự Phục sinh. Đó chẳng phải là điều lí thú để ta suy ngẫm về học phái này trong mùa Giáng sinh hay sao?
*
Khoảng trên dưới 10 năm, giai đoạn 1916 – 1928, là thời kì hoàng kim của Trường phái Hình thức Nga. Hầu hết những công trình xuất sắc nhất của họ được hoàn thiện và xuất bản ở giai đoạn này. Xin kể một số công trình của của các nhân vật chủ chốt:
– B.M. Eikhenbaum: Karamzin (1916), Những bài thơ mới của N.G. Gumilev (1916), Balmont: Thơ như là pháp thuật thần thông (1916), Tâm hồn Moscow (1917), Giai điệu câu thơ trữ tình Nga (1922), Tolstoi thời trẻ (1922), Anna Akhmatova.- Kinh nghiệm phân tích (1923), Lermontov: Kinh nghiệm đánh giá lịch sử – văn học (1924), Xuyên qua văn học (1924), Văn học: Lí luận. Phê bình. Tranh luận (1927), “Áo choàng” của Gogol được làm như thế nào (1919), Số phận Blok (1921), Tiểu thuyết trữ tình (1921), Nekrasov (1921), Đường đến với văn xuôi của Puskin (1923), Những khuynh hướng phong cách cơ bản trong ngôn ngữ của Lenin (1924), O. Henry và lí luận tiểu thuyết (1925), Lí thuyết của phương pháp hình thức (1925), Văn học: Lí luận. Phê bình. Tranh luận (1927), Nhà thơ – nhà báo (1928)…
– Y.N.Tynianov: Dostoievski và Gogol (Về lí thuyết giễu nhại) (1921), Các dạng thức câu thơ của Nekrasov (1921), Blok (1921), Về kết cấu Evgeni Onegin (1921), Oda như một thể loại (1922), Vấn đề về Tchiutsev (1923), Vấn đề ngôn ngữ thơ (1924), Sự thật văn học (1924), Điện ảnh – lời – âm nhạc (1924), Cái hôm nay của văn học (1924), Về dàn dựng sân khấu (1926), Về truyện kể và tình tiết trong điện ảnh (1926), Về các nguyên lí điện ảnh (1927), Về sự tiến hoá của văn học (1927), Những vấn đề về nghiên cứu văn học (1928), Về giễu nhại (1929), Tuyển tập Cánh nệ cổ và các nhà cách tân (1929) – tập hợp các công trình: Puskin và Heine (1922), Puskin và Tchiutsev (1923), Những kẻ lỗi thời và Puskin (1926), Puskin (1928)…
– V.B. Shklovski: Sự phục sinh của lời (1914), Potebnhia (1916), Về thơ và ngôn ngữ bí hiểm (1916), Nghệ thuật như là thủ pháp (1917), Triển khai truyện kể (1921), “Tristram Shandy” của Sterne và lí luận tiểu thuyết (1921), Văn học và điện ảnh (1923 – Tuyển tập), Về lí thuyết văn xuôi (1925 – Tuyển tập, trong đó có những bài nổi tiếng, như Văn học ngoà truyện kể, Cấu tạo truyện ngắn và tiểu thuyết, Kĩ thuật của nghề văn (1927).
– V.V. Vinogradov: Những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực ngữ âm thổ ngữ Bắc – Nga (1919), Phương pháp nghiên cứu bản thảo như là dữ liệu xây dựng khoa học ngữ âm lịch sử tiếng Nga trong các công trình của Viện sĩ A.A. Sakhmatov (1920), Truyện kể và kết cấu truyện “Cái mũi”, “Khởi đầu” (1921), Phong cách trường ca Peterburg “Người giống như lột” (1922), Về các nhiệm vụ của phong cách học (1923), Thơ Anna Akhmatova: Phác thảo phong cách (1925), Gogol và trường phái tự nhiên (1925), Jules Janin và Gogol (1925), Vấn đề kể chuyện trong phong cách học (1926), Phác hoạ phong cách Gogol (1926), Lịch sử ngữ âm tiếng Nga văn học (1927), Tiến hoá của chủ nghĩa tự nhiên. Gogol và Dostoevski (1929), Về văn xuôi nghệ thuật (1930).
Ngoài hoạt động nghiên cứu, nhiều thành viên của Trường phái Hình thức Nga còn hoạt động sư phạm, giảng dạy trong các học viện, các trường đại học và tham gia sáng tác văn học, ví như V. Shklovski và Y. Tynianov viết tiểu thuyết, O. Brik là tác giả sân khấu và kịch bản. Thông qua giảng dạy và lãnh đạo sinh hoạt séminaire, các vị chủ soái như V.B.Shklovski và B. Eikhenbaum, Y. Tynianov đã đào tạo cả một đội ngũ kế cận làm thành thế hệ được gọi là “phái hình thức trẻ”. Nhiều người trong số họ đã thành danh, ví như L. Ginzburg, V. Hofman, N. Stepanov, B. Bukhstav. Nhật kí đề ngày 26 tháng 12 năm 1924 của B. Eikhenbaum có đoạn ghi: “Rất vui vì buổi sémineire ở nhà. Nhóm này rất khá. Tham luận của Barmin về nghệ thuật chơi chữ chẳng xoàng chút nào. Stepanov, Skipina, Bukhstav, Gurevnin, Ginzburg – bọn họ là một lực lượng rất mạnh”[14].
Tuy nhiên, ngay từ những năm 20, Trường phái này đã chịu sự phê phán rất nặng nề. Nó bị phê phán bởi nhiều đối thủ và địch thủ. Cánh khoa học hàn lâm “già nua”, các nhà xã hội học hiện đại, kể cả M. Bakhtin… đã phê phán Trường phái Hình thức như là phê phán một “đối thủ” đáng nể trọng. Các nhà lí luận Mácxít nhìn thấy ở Trường phái hình thứ một “địch thủ” nguy hiểm cần phải tiêu diệt. Cho nên, sự phê phán dành cho Trường phái Hình thức từ phía các nhà lí luận Mácxít, đứng đầu là L. Trotsky, N. Bukharin, A.V. Lunatsharski, G.E. Gorbatzev, N.S. Derzavin, M.A. Jakovlev, càng về sau càng trở nên gay gắt, quyết liệt.
Vào đầu những năm 20, đòn phê phán của phái Mácxít được tung ra dưới hình thức luận chiến. Trường phái Hình thức của thi ca và chủ nghĩa Mác của L. Trotsky được xem là bài luận chiến “mềm mỏng” nhất của cánh Mácxít thời ấy. Lần đầu tiên bài báo được công bố trên tờ “Pravda” (“Правда” – “Sự thật”), số 166, ra ngày 26 tháng 7 năm 1923. Về sau nó được in lại trong tập Văn học và cách mạng, xuất bản năm 1924. Nói đó là bài viết “mền mỏng” vì ở đây L. Trotsky thừa nhận giá trị khoa học trong các công trình nghiên cứu riêng lẻ của Trường phái Hình thức. Ông viết: “Trường phái Hình thức là cái gì? Cứ như Shklovski, Zirmunski, Jakobson và một số người khác trình bày thì […] trường phái này xem nhiệm vụ của mình chỉ gói gọn trong việc phân tích (thực chất là miêu tả và nửa thống kê) những đặc điểm từ nguyên và cú pháp của các tác phẩm thi ca, tính đếm các nguyên âm, phụ âm, âm tiết, các hình dung từ được lặp đi lặp lại. Công việc mang tính cục bộ được các nhà hình thức luận, chẳng “theo hàm đố nào cả”, gọi là khoa học của thi ca hoặc thi pháp luận ấy hiển nhiên là cần thiết và có ích nếu như hiểu được đặc điểm bộ phận, có tính chất bản nháp, tính chất hỗ trợ – trù bị của nó”. Tuy giọng điệu “mềm mỏng” như thế, nhưng bài viết của Trotsky vẫn là bản tuyên chiến, lên tiếng thách đấu. Các nhà hình thức luận tuyên ngôn cho một quan niệm về nghệ thuật và về khoa học văn học. Trotsky lại quyết đấu với họ trên trận địa giai cấp luận, tư tưởng hệ. Từ trận địa ấy, mở đầu bài viết, Trotsky xếp ngay Trường phái Hình thức vào loại địch thủ nguy hiểm nhất để ra đòn theo kiểu “đánh một cú chết tươi”: “Nếu không tính những âm vang héo hắt của các hệ thống tư tưởng thời tiền cách mạng, thì có thể nói, lí thuyết duy nhất chống lại chủ nghĩa Mác trên đất nước Xô Viết trong những năm gần đây chính là lí thuyết hình thức của nghệ thuật. Điều thậm nghịch lí là ở chỗ, chủ nghĩa hình thức Nga gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa vị lai Nga, trong khi chủ nghĩa vị lai ít nhiều đã hàng phục chủ nghĩa cộng sản về mặt chính trị, thì chủ nghĩa hình thức lại tung hết sức lực để chống chủ nghĩa Mác về phương diện lí luận”. Trong suốt bài viết, cũng như các nhà lí luận Mácxít khác, Trotsky dành cho Trường phái Hình thức lối diễn đạt bằng những từ ngữ có tính chất hạ nhục. Ông gọi Trường phái Hình thức là “đứa trẻ đẻ non cực kì vênh váo”, “đứa trẻ đẻ non đem mổ ra để nhồi sách làm tiêu bản của chủ nghĩa duy tâm đem ứng dụng vào các vấn đề nghệ thuật”. Ông khép lại bài viết bằng kết luận: “Tất cả các nhà hình thức đều mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa sùng đạo chín vội. Họ là môn đồ của thánh Gioan: với họ, “khởi thuỷ là Lời của Chúa”. Còn với chúng ta, khởi thuỷ là hành động. Lời chỉ hiện ra sau nó giống như cái bóng âm thanh của nó mà thôi”.
Vào những năm 20, khi những cuộc luận chiến về “phương pháp hình thức” bước vào hồi cao trào, Victor Shklovski đã nêu câu hỏi thẳng thừng với cánh Mácxít như thế này: “Các vị có quân đội và tàu chiến, chúng tôi thì chỉ vỏn vẹn có bốn người. Vậy chẳng hiểu quý vị còn lo lắng nỗi gì?”[15]. Theo I. Sironin, có cơ sở để khẳng định, khi nói “quân đội và tàu chiến”, cái mà Shklovski muốn nhắm tới không phải là nhà nước Xô viết nói chung, mà là cái chiến dịch được triển khai rất rầm rộ nhằm chống lại Trường phái Hình thức, đồng thời, ông cũng “muốn ám chỉ một vị đại biểu của cánh Mácxít trong những năm ấy là L.D. Trotsky”[16]. Đúng là Trotsky và cánh Mácxít không thể không “lo lắng” trước ảnh ngày càng mạnh mẽ của Trường phái Hình thức. Cho nên, từ bài báo của L. Trotsky, người đọc ngửi thấy mùi khói lửa, súng đạn của một cuộc chiến tranh lãnh thổ nhằm giành quyền kiểm soát để thao túng đời sống xã hội ở nước Cộng hoà Xô viết. Không thể hạ gục ngay địch thủ chỉ bằng một bài báo, Trotsky kêu gọi khống chế tầm ảnh hưởng của nó: “Hệ thống phương pháp của chủ nghĩa hình thức nếu được giới hạn trong những khuôn khổ hợp lí sẽ giúp ích cho việc giải thích những đặc điểm nghệ thuật và tâm lí của hình thức văn học”[17]. Nói trắng ra, chủ nghĩa hình thức chỉ đắc dụng khi cần giải thích một số bình diện của hình thức nghệ thuật, nhưng nó tuyệt nhiên không được xâm phạm tới các lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng xã hội.
Chỉ mấy năm sau, tất cả đều thay đổi. Năm 1927, L.Trotsky bị khai trừ đảng, năm 1929 bị trục xuất khỏi Liên Xô, năm 1932 bị tước quyền công dân Xô viết và đến 1934, từ điển Bách khoa văn học xếp ông vào khuynh hướng “nghiên cứu văn học melsevik”[18] và Trường phái Hình thức thì bị tước sạch mọi quyền tồn tại. Ngày 6 tháng 3 năm 1927, suốt 4 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, tại Lễ đường Tenhisevski ở Leningrad đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa cánh Mácxít và Trường phái Hình thức. B.V. Tomashevsky, G.E. Gorbatzev, V.B. Shklovski, N.S.Derzavin, B.M. Eikhenbaum, M.A. Jakovlev, Y.N. Tynianov và nữ nhà văn L.N. Seifullina đọc tham luận trong tiếng vỗ tay, nhiều khi có cả tiếng hò reo, la hét huyên náo. Cuộc tranh luận được xem là một trong những sự kiện thuộc loại quan trọng nhất của thời ấy. B. Eikhenbau gọi đó là “buổi tối lịch sử mà sau này người ta sẽ còn nhớ mãi”. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng, Trường phái Hình thức được tranh luận công khai với các lí luận gia Mácxít theo kiểu mặt đối mặt, ăn miếng trả miếng, ai cũng được quyền tự do trình bày quan điểm cá nhân. B.M. Eikhenbaum tuyên bố: “Các vị Mácxít muốn hạ bệ chúng tôi. Nhưng thật khó làm được điều ấy chỉ trong một buổi tối, huống hồ sau lưng chúng tôi còn có cả 10 năm nghiên cứu khoa học”. Nhưng cũng ngay tại cuộc hội thảo này, B.V. Tomashevsky đã đưa ra nhận xét: “Cần phải nói, chủ nghĩa hình thức như một trường phái, bây giờ không còn tồn tại nữa”[19]. Sau đó, các thành viên chủ chốt của Trường phái Hình thức, như Shklovski, Eikhenbaum, thường xuyên bị theo dõi, truy bức. Nhật kí đề ngày 22 tháng 3 năm 1927 của Eikhenbaum có đoạn: “Vụ Dreyfus[20] đang được giăng ra. Người ta đổ về Moscow mang theo cáo trạng và yêu cầu trấn áp”. Tuy trấn áp cá nhân không xảy ra, nhưng chính quyền đã tìm đủ mọi cách đưa môn văn học ra khỏi chương trình đào tạo của Đại học Tổng hợp Peterburg, buộc những nhân vật chủ chốt như Tynianov, Eikhenbaum thôi việc khiến Trường phái Hình thức phải tan rã. Ngày 8 và 9 tháng 5 năm 1927, Eikhenbaum ghi vào nhật kí: “Đại học Tổng hợp buộc phải giải tán Ban Văn học – việc giảng dạy môn văn sẽ tập trung vào Moscow, chỗ chúng ta chỉ còn lại ngôn ngữ học thôi. Rõ ràng, công việc của tôi ở Đại học Tổng hợp thế là đã chấm hết”. “Mình đã chán ngấy tất cả những chuyện đó. Chỉ muốn sống sao cho ra con người… Cuộc họp của Hội đồng Đại học Tổng hợp vừa kết thúc – đã có quyết định: giải tán Ban văn. Đó chính là kết quả của cuộc tranh luận”[21].
Việc B.M. Eikhenbaum và Y.N. Tynianov bị đình chỉ công tác giảng dạy đại học vào năm 1927 không chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” mang tính chất cá nhân, mà còn là sự kiện quan trọng liên quan đến số phận của Trường phái Hình thức Nga. Từ năm 1928, các nhà hình thức luận không mấy khi dám công khai bảo vệ xác tín, họ chấp nhận phương pháp xã hội học, thậm chí, Shklovski còn nói tới khả năng tiến dần tới mĩ học mácxit. Tháng Giêng năm 1930, V.B. Shkolovski cho đăng trên tờ Báo Văn học bài Tượng đài kỉ niệm một sai lầm khoa học. Bài báo không chỉ là bước đi đầu tiên của V. Shklovski trong quá trình thoả hiệp với những luật lệ chính thống đã được thiết lập trong đời sống văn học Xô viết, mà còn đánh dấu sự tan rã do bị bức tử của Trường phái Hình thức Nga.
Suốt 30 năm, kể từ khi Shklovski công bố bài Tượng đài kỉ niệm một sai lầm khoa học cho tới đầu những năm 60 của thế kỉ trước, Trường phái Hình thức bị bỏ quên ngay tại quê hương mình. Ở trên chúng tôi đã nhắc tới việc B.V.Tomashevsky bị đuổi khỏi Đại học Tổng hợp Leningrad vào năm 1931 và mãi 29 năm sau, năm 1959, giới nghiên cứu lại mới được nhìn thấy cuốn Lí luận văn học… của ông. Dĩ nhiên, cuốn sách của Tomashevsky không phải là trường hợp ngoại lệ. Trước những năm 60, hầu như người ta không mấy khi nhắc tới các nhà hình thức luận. Nếu có ai đó còn nhắc tới hệ thống quan niệm văn học, hệ thống khái niệm, phạm trù và cả hệ thống phương pháp, thao tác phân tích văn bản nghệ thuật của họ, thì chủ yếu chỉ là để nhằm mục đích phê phán.
2. Trường phái Hình thức Nga để lại hai học thuyết: học thuyết về nghệ thuật và học thuyết về khoa nghiên cứu văn học.
Là một học phái, Trường phái Hình thức Nga có học thuyết riêng về khoa nghiên cứu văn học. Nhưng ở giai đoạn khởi đầu, các tuyên ngôn của họ chủ yếu lại là tuyên ngôn nghệ thuật giống như tuyên ngôn của giới sáng tác. Bài phát biểu về Vị trí của chủ nghĩa vị lai trong lịch sử ngôn ngữ của V. Shklovski thuộc loại tuyên ngôn như vậy. Nó được phát biểu ngày 23 tháng 12 năm 1913, tại tửu điếm “Chó rông”, một tửu điếm của cánh văn nhân – nghệ sĩ Saint-Peterburg. Bài phát biểu này trở thành nền tảng của cuốn sách mỏng được Shklovski cho xuất bản năm 1914: Sự phục sinh của lời. Nhan đề cuốn sách gợi nhớ tới Phúc âm, nhưng ở đây, V. Shklovski không viện dẫn Kinh Thánh, mà dựa vào Humboldt, vào Potebnia và cánh vị lai đang khiến người đương thời phải sửng sốt để bàn về “Lời”, về “Logos”. Loại “Thần ngôn” này đã bị sát hại vì ai cũng sống “tự động”, nói “tự động”. Xu hướng tự động hóa trong giao tiếp ngôn ngữ và mọi hoạt động đời sống dẫn tới cái chết của ngôn từ và tạo ra thực tại trơ lì thẩm mĩ. Toàn bộ hệ thống quan niệm của Trường phái Hình thức Nga về sau này được phát triển từ hạt nhân tư tưởng ấy. Nó được V. Shklovski trình bày hết sức giản dị. Ông cho rằng thói quen và cái thường nhật đã giết chết cảm giác về cái sống động của chúng ta. Vì thế nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật ngôn từ, mới được sinh ra. Nghệ thuật sinh ra là để trả lại cho con người cảm giác về cái sống động, giúp con người được trải nghiệm, được nhìn thấy thế giới và sự vật như lần đầu được trải nghiệm, được nhìn thấy, chứ không phải chỉ đơn giản nhận ra nó. Và để làm được như thế, nhiệm vụ của nghệ thuật là đổi mới ngôn ngữ, cách tân hình thức. Các hình thức mới của nghệ thuật sẽ không cho phép con người cảm thụ thế giới theo kiểu tự động. Chúng khiến cho sự cảm thụ sự vật của chúng ta gặp nhiều trở ngại, vì thế trở nên khó khăn hơn. Chúng làm cho thế giới và sự vật trở nên mới lạ, sự vật và con người hiện ra một cách khác thường, không còn giống với chính bản thân, chúng khiến ta phải sửng sốt, trầm trồ. Bằng cách ấy, chúng mang lại cho thế giới sự phục sinh. Sáu năm sau, năm 1919, trong bài Nghệ thuật như một thủ pháp, V. Shklovski gọi thủ pháp này là “lạ hóa”. Tên gọi có khác đi, nhưng từ trong bản chất, nội hàm của phạm trù “lạ hóa” cũng chính là nội hàm của khái niệm “phục sinh” được Shklovski đề xướng trong bài Vị trí của chủ nghĩa vị lai trong lịch sử ngôn ngữ, hay trong sách Sự phục sinh của lời.
Cho nên, học thuyết của Trường phái Hình thức Nga không phải là học thuyết về hình thức như một cứu cánh. Đó là học thuyết về bản chất của nghệ thuật, về ý nghĩa phục sinh của hình thức và sứ mệnh cứu rỗi của nó trong việc đưa thế giới thoát khỏi tình trạng tự động hóa.
Trong học thuyết nói trên, ngôn ngữ được trao cho một vai trò hết sức đặc biệt. Với học thuyết này, ngôn ngữ là “Thần Ngôn”, “Lời” là nơi “Khởi Thủy”, là giềng mối của vạn vật. Ngôn ngữ sẽ đánh thức ý thức, dắt dẫn ý thức thoát khỏi trạng thái tự động hóa. Mọi sự vật và tên gọi đều không tránh được cái chết. Tất cả đều bị đóng băng, hóa đá, đều phải trải qua chết cái chết khi đang sống. Lời sẽ chết dần chết mòn trong cách sử dụng của đại chúng, trong giao tiếp thường nhật, trong cách hiểu dễ dãi… Nhiệm vụ của nghệ thuật và lí luận nghệ thuật là làm sống dậy ý nghĩa của những lời đã biết và tìm ra những lời chưa ai biết. Ngôn ngữ sống bằng đời sống sáng tạo: vừa tạo nghĩa, vừa tạo lời. “Sự sáng tạo thi ca của con người thời cổ đại là sáng tạo từ ngữ. Bây giờ từ ngữ đã chết, ngôn ngữ giống như một nghĩa địa, nhưng khi mới sinh ra, từ ngữ vốn sống động, có hình ảnh bóng bảy. Trong nền móng, từ nào cũng có sự chuyển nghĩa…” (V. Shklovski – Sự phục sinh của lời). Sự vận động của từ ngữ có thể mô tả như một hành trình từ sự chuyển nghĩa tới thây ma. Đó là lí do giải thích vì sao phải phục sinh, làm sống dậy những từ ngữ đã chết. Nhưng phục sinh không có nghĩa là lặp lại, là quay về với đời sống trước khi chết. Đó sẽ là một đời sống mới, đời sống thứ hai, là sự “tái tạo”. Trong cả ý nghĩa tôn giáo, lẫn ý nghĩa văn hóa, phục sinh bao giờ cũng là sự khởi đầu một cuộc sống khác, cuộc sống mới.
Thường xuyên đổi mới ngôn ngữ, cách tân hình thức để tạo ra cái nhìn mới đối với thế giới là đặc trưng cốt lõi của nghệ thuật và lí luận về nghệ thuật. Nói theo lời của V. Shkovski, sứ mệnh của nghệ thuật là “phục sinh sự vật – trả cho con người xúc cảm về thế giới”. Với ý nghĩa như thế, các nhà hình thức luận Nga không phải là tín đồ của chủ nghĩa hình thức.
*
Trường phái Hình thức Nga đã biến nghiên cứu văn học thành một khoa học thực sự, có đối tượng chiếm lĩnh, có phương pháp tiếp cận đối tượng và có thủ pháp nghiên cứu riêng. Đối tượng nghiên cứu chính yếu của họ là cấu trúc tác phẩm văn học. Phân tích một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, hay chỉ một câu thơ, điều mà họ quan tâm trước hết bao giờ cũng là cấu trúc. Khái niệm “tác phẩm văn học” được sử dụng trong các công trình nghiên cứu của họ gần như đồng nghĩa với khái niệm “văn bản” theo cách hiểu của kí hiệu học và ngôn ngữ học cấu trúc sau này. Cho nên, có thể nói, đối tượng nghiên cứu của các nhà hình thức luận là hình thái học văn bản nghệ thuật. Viết Lời nói đầu cho cuốn Tolstoi thời trẻ, B. Eikhednbaum nói: “Nội dung chính của phần này và cả những phần tiếp theo là thi pháp Tolstoi. Nằm ở vị trí trung tâm là các vấn đề về những truyền thống nghệ thuật của Tolstoi và hệ thống các thủ pháp tu từ và kết cấu. Phương pháp của chúng tôi thường vẫn được gọi là phương pháp hình thức – tôi thì muốn gọi nó là hình thái luận hơn – rất khác với những phương pháp (tâm lí học, xã hội học v.v.) lấy cái là “sự phản ánh” của một cái gì đó theo ý kiến của nhà nghiên cứu làm đối tượng nghiên cứu, chứ không phải bản thân tác phẩm nghệ thuật”[22].
Phương pháp nghiên cứu cấu trúc của Trường phái Hình thức Nga có ba đặc điểm khác biệt quan trọng nhất, rất dễ nhận biết.
Thứ nhất: Dùng các cặp phạm trù ngôn ngữ học đối lập để xác định nguyên tắc cấu trúc. Với các nhà hình thức luận, mục đích cuối cùng của mô tả cấu trúc và các yếu tố hợp thành của nó là xác định nguyên tắc cấu trúc của văn bản nghệ thuật. V.Y. Propp xác định nguyên tắc cấu trúc của truyện cổ tích thần kì trong Hình thái học truyện cổ tích (1928). V. Shklovski, Y.N. Tynianov, B.M. Eikhenbaum, B.V. Тоmashevski… xác định nguyên tắc cấu trúc của văn bản thơ và văn xuôi trong hàng loạt công trình nghiên cứu của họ. Cho nên, về cơ bản, thi pháp học văn bản của Trường phái Hình thức Nga là thi pháp học lí thuyết. Ta hiểu vì sao các nhà hình thức luận thường gọi công trình nghiên cứu của họ là công trình “lí luận”, “lí thuyết”, “nguyên lí”: O. Henry và lí luận tiểu thuyết, Lí thuyết của phương pháp hình thức (B.M. Eikhenbaum), Dostoievski và Gogol (Về lí thuyết giễu nhại), Về các nguyên lí điện ảnh (Y.N. Tynianov), “Tristram Shandy” của Sterne và lí luận tiểu thuyết, Về lí lhuyết văn xuôi (V.B. Shklovski)… Có một điểm cần lưu ý: Trường phái Hình thức Nga bao giờ cũng dùng các cặp phạm trù đối lập của ngôn ngữ học để xác định nguyên tắc cấu trúc của văn bản nghệ thuật. Đây là điểm cách tân có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì cho đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, phát triển tư tưởng mĩ học của Hegel, thi pháp học và lí luận văn học truyền thống vẫn sử dụng các cặp phạm trù đối lập của triết học, ví như chủ quan – khách quan; chủ thể – khách thể… để xác định nguyên tắc cấu trúc của thể loại văn học. V.G. Belinski định nghĩa: “Thơ tự sự chủ yếu là thơ khách quan, thơ bên ngoài, trong quan hệ với cả bản thân nó, lẫn quan hệ với nhà thơ và độc giả của nó […] Ngược lại, thơ trữ tình chủ yếu là thơ chủ quan, thơ nội tâm, là sự biểu hiện của bản thân nhà thơ”[23]. Các nhà hình thức luận không dùng những phạm trù triết học như vậy. Tòa nhà lí thuyết văn học của B.V. Tomashevski được xây dựng trên nền tảng của các phạm trù phong cách học (stylistics). Cuốn Lí luận văn học. Thi pháp học nổi tiếng của ông được chia thành ba phần lớn với các đề mục như sau: A. Các yếu tố của phong cách học (Lời nghệ thuật và lời thực tế. Sự lựa chọn từ ngữ trong những hoàn cảnh ngôn ngữ khác nhau. Sự thay đổi nghĩa của từ ngữ. Cú pháp thơ. Âm luật. Hình thức chữ viết). B. Vận luật (Câu thơ và văn xuôi). C. Hệ chủ đề (Tổ chức truyện kể. Thể loại văn học)[24]. Như đã nói, năm 1922, B. Eikhenbaum xuất bản cuốn Giai điệu câu thơ trữ tình Nga. “Giai điệu” (“mélodie”) là khái niệm âm nhạc. Trong cuốn sách này, B. Eikhenbaum đề xướng một phạm trù mới gọi là “cú pháp ngữ điệu” và dựa vào đó để chia câu thơ trữ tình Nga thành ba kiểu phong cách: “điệu ca” (tiếng Nga: “напевный”), “điệu ngâm” (tiếng Nga: “декламативный”) và “điệu nói” (tiếng Nga: “говорной”)[25]. Trong tiểu luận Về kết cấu của “Evgheni Onhegin”, Y.N. Tynianov cũng dựa vào các phạm trù ngôn ngữ để xác định nguyên tắc kết cấu của thơ và văn xuôi theo kiểu như vậy. Căn cứ vào vai trò của “thanh” và “nghĩa” trong cấu trúc văn bản, ông định nghĩa: “Dùng vai trò của nghĩa làm cho thanh biến dạng là nguyên tắc cấu trúc của văn xuôi; dùng vai trò của thanh làm cho nghĩa biến dạng là nguyên tắc cấu trúc của thơ. Thay đổi một phần tỉ lệ của hai yếu tố ấy là nhân tố động của cả văn xuôi lẫn thơ”[26].
Thứ hai: Phân tích văn bản nghệ thuật như một cấu trúc tổ hợp (combination). Các nhà hình thức luận xem tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm nhân tạo. Nó là cái được thiết kế, được tạo ra, làm ra. Câu hỏi ưa thích, thường được dùng làm nhan đề cho các công trình nghiên cứu của các nhà hình thức luận là như thế này: “Áo choàng” đã được làm thế nào? (B. Eikhenbaum), “Don Quixote” đã được làm thế nào? (V. Shklovski). Đọc các công trình nghiên cứu của họ, ta thường bắt gặp những định nghĩa, kiểu như: “Hình tượng nghệ thuật của tác phẩm bao giờ cũng là một kiến tạo, một trò chơi…”, “Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng là một cái gì được được làm ra, được thiết kế, được sáng chế – không chỉ khéo léo, mà còn nghệ thuật hiểu theo nghĩa tốt đẹp của từ ấy”… Vì văn bản là cái “được làm ra” nên bí mật lớn nhất của nghệ thuật là ở chỗ nó không có bí mật nào cả! Nghệ thuật chẳng qua là một hệ thống “thủ pháp”, “nhiệm vụ của thi pháp học đại cương và thi pháp học lí thuyết là mô tả các thủ pháp thi ca một cách hệ thống”[27]. Đây là cơ sở để các nhà hình thức luận tiếp cận chỉnh thể văn bản nghệ thuật theo nguyên tắc mới, phù hợp với thực tiễn sáng tác của chủ nghĩa vị lại và các xu hướng nghệ thuật tiền phong chủ nghĩa khác. Mĩ học truyền thống có nguồn cội từ thời Aristotle phân tích chỉnh thể văn bản nghệ thuật như một cấu trúc mô phỏng (“imitation”) tự nhiên gây ảo tưởng về một thực tại có thật. Trường phái Hình thức Nga tiếp cận chỉnh thể văn bản nghệ thuật như một cấu trúc tổ hợp (“combination”) được sắp đặt, hoán vị, nối kết, tạo ấn tượng về một sản phẩm nhân tạo. Đây là lí do giải thích vì sao B.V. Tomashevski và các nhà hình thức luận thường xuyên có ý thức phân biệt khái niệm “fabula” (Huỳnh Như Phương dịch là “câu chuyện”, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa dịch là “cốt truyện”) với khái niệm “sujet” (Huỳnh Như Phương dịch là “cốt truyện”, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa dịch là “truyện kể”). Theo B.V. Tomashevski, “fabula là toàn bộ motif trong mối liên hệ logic thời gian – nhân quả của chúng, sujet cũng là toàn bộ các motif ấy theo trình tự và mối liên hệ mà chúng được đưa ra trong tác phẩm”. Ông nói, “fabula” có thể sử dụng những sự kiện có thật, đã xảy ra trong thực tế, không cần phải hư cấu; với “fabula”, việc độc giả biết về sự kiện ở phần nào trong tác phẩm, anh ta biết về nó do được tác giả thông báo trực tiếp, hay qua câu chuyện của nhân vật, điều ấy chẳng có gì quan trọng. Nhưng với “sujet”, điều trọng yếu nhất lại chính là việc đưa các motif vào tầm chú ý của độc giả. Ông nhấn mạnh: “Sujet hoàn toàn là cấu trúc nghệ thuật”[28]. Thực tế chứng tỏ, khi khảo tác phẩm tự sự, các nhà hình thức luận bao giờ cũng dồn toàn bộ nỗ lực vào việc phân tích cái “cấu trúc nghệ thuật” này. Đọc lại các công trình nghiên cứu có tính chất tuyên ngôn nghệ thuật của Trường phái Hình thức, ta sẽ thấy, với V.B. Eikhenbaum (“Áo choàng” đã được làm thế nào?), sức hấp dẫn được tạo ra trong văn Gogol là ở trần thuật; với V. Shklovski (“Don Quixote” đã được làm thế nào?, Nghệ thuật như là thủ pháp), thủ pháp “lạ hóa” trong sáng tác của L. Tolstoi, Cervantes và sáng tác của nhiều nhà văn khác thực chất là lạ hóa điểm nhìn trần thuật. Cho nên, có cơ sở để nói, hướng tiếp cận cấu trúc văn bản nghệ thuật của B.V. Tomashevski và Trường phái Hình thức Nga đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của tự sự học, đặt nền tảng cho sự phát triển của khoa trần thuật học (narratology) sau này.
Thứ ba: Ý đồ khắc phục sự chia tách nội dung và hình thức khi phân tích văn bản nghệ thuật. Về mặt lí thuyết, ý đồ này được thể hiện rõ nhất trong chuyên luận Giai điệu câu thơ trữ tình Nga của V.B. Eikhenbaum. Ở phần mở đầu mang tiêu đề Những vấn đề phương pháp luận, tác giả chỉ ra sự bất lực của cách phân tích truyền thống trong việc khảo sát câu thơ từ góc độ phong cách. Cách phân tích truyền thống thường dựa vào nhịp điệu và thanh điệu để nghiên cứu câu thơ. Nhưng dựa vào đó, người ta chỉ xác định được bản chất của câu thơ nói chung, tự bản thân chúng không quyết định đặc điểm của phong cách và không có khả năng xác lập các nguyên tắc kết cấu, nên không thể dựa vào đó để phân biệt phong cách này với phòng cách khác. Vì vậy, muốn phân biệt sự khác biệt giữa các phong cách, người ta lại dựa vào nền tảng từ vựng như là chất liệu thường xuyên thay đổi tương ứng với những nguyên tắc tu từ của trường phái này hay trường phái kia. Nhưng làm như thế, người ta lại bỏ mất câu thơ như vốn dĩ và chỉ có thể tiếp xúc với ngôn ngữ thơ nói chung. Rốt cuộc, sự chí tách nội dung và hình thức chính là nguyên nhân dẫn tới sự bất lực trong việc xác định phong cách câu thơ của lối nghiên cứu truyền thống.
Để khắc phục tình trạng chia tách nội dung và hình thức, các nhà hình thức luận đã đưa ra khái niệm “chức năng” và phân tích các văn bản nghệ thuật như những cấu trúc chức năng. Với V.B. Eikhenbaum, nhân tố giữ chức năng xác lập nguyên tắc kết cấu quyết định đặc điểm phong cách của câu thơ là cú pháp – nhịp điệu. Ông cho rằng, cú pháp được tổ chức ở chỗ nối kết với nhịp điệu, tức là với dòng thơ, và với khổ thơ. Nó nằm ở chỗ “giáp ranh giữa ngữ âm và ngữ nghĩa”[29]. V. Shklovski thường phân tích tác phẩm văn xuôi nghệ thuật như phân tích một bàn cờ, trong đó, nhân vật nào cũng có một chức năng cụ thể giống như một quân cờ. Và chắc chắn ai cũng biết, cuốn Hình thái học truyện cổ tích của V.Y. Propp là công trình tiêu biểu nhất cho hướng nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật từ góc độ cấu trúc chức năng.
Hướng tiếp cận tác phẩm nghệ thuật của Trường phái Hình thức Nga đã đưa nghiên cứu văn học xích lại gần với khoa học tự nhiên, biến nó thành ngành chuyên môn đặc thù, hoàn toàn độc lập với triết học, xã hội học và các khoa học nhân văn khác.
3. Lịch sử thường có những bước đi đầy bất ngờ. Bị bức tử, thân xác bị đóng đinh câu rút liền liền suốt mấy mươi năm ngay trên quê hương mình, nhưng hồn vía của Trường phái Hình thức Nga lại Phục sinh một cách mầu nhiệm.
Đầu tiên nó Phục sinh ở một nước hàng xóm, sát nách Liên Xô. Trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô ra Nghị quyết thủ tiêu tất cả các nhóm phái, hiệp hội văn học (1932), thì “Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Prague” thành lập (tháng 10 năm 1926) do Vilém Mathesius (1882-1945) đứng đầu với nòng cốt là các nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc như B. Havránek, I. Vachek, B. Trnka, J. Mukarovský, V. Skalička, I. Korzinek, P. Trost… và các học giả Nga như N.S. Trubetzkoy, R.O. Jakobson. Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Prague còn nhận được sự cộng tác thường xuyên và đầy hiệu quả của hàng loạt nhà nghiên cứu Xô viết vốn là thành viên của Trường phái Hình thức Nga, như P.G. Bogatyrev, G.O. Vinokure, E.D. Polivanov, B.V. Tomashevsky, Y.N. Tynianov… Vào năm 1928, Tynianov và Jakobson còn viết chung công trình: Những vấn đề nghiên cứu văn học và ngôn ngữ. R. Jakobson, N. Trubetzkoy và các học giả Xô viết nói trên đã làm thành nhịp cầu nối giữa Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Prague và Trường phái Hình thức Nga, tạo nên mảnh đất tốt lành cho việc ươm giữ và tiếp tục phát triển những tư tưởng khoa học hiện đại mà chính họ là những người dày công gieo trồng.
Sau đó nó được Phục sinh ở khắp các nước Âu – Mĩ, không chỉ Phục sinh một cách bất ngờ, mà còn có cái gì đó gần như trớ trêu. Vào những năm 60 của thế kỉ trước, khi V. Shklovski thường quay trở lại phê phán quan niệm thời trẻ của mình, thì Trường phái Hình thức Nga lại tìm được sự thừa nhận rộng rãi ở các nước Âu – Mĩ. Hàng loạt học giả lừng danh như Tzvetan Todorov, Roman Jakobson, Victor Erlich, Nicolas Riwet, Jean-Yves Tadié, Michel Aucouturier, Kristina Pomorska… đã dày công sưu tập, phiên dịch, nghiên cứu, giới thiệu trước tác của Trường phái Hình thức Nga. Nhờ thế, tư tưởng khoa học của các nhà hình thức luận Nga được tái sinh trong nhiều trường phái, khuynh hướng nghiên cứu, phê bình văn học Âu – Mĩ, như ngôn ngữ học cấu trúc, cấu trúc – chức năng, giải cấu trúc, tiếp nhận văn học, phê bình mới, trần thuật học, cấu trúc – kí hiệu học văn hóa …
Rồi đến những năm 70, Trường phái Hình thức Nga mới thực sự được Phục sinh ngay trên quê hương mình. Có thể nhận ra sự hồi sinh ấy qua việc tập hợp, tái bản trước tác của các nhà hình thức luận. Giờ đây, các cơ quan ấn loát không chỉ tái bản các chuyên luận mà còn tập hợp gần như toàn bộ tiểu luận của những nhân vật chủ chốt để xuất bản dưới hình thức các tập tuyển. Xin dẫn một vài trường hợp tiêu biểu:
Các Tập tuyển của Y. Tynianov:
– Puskin và những người đương thời, “Nauka”, M., 1969 – tập hợp những bài viết từ 1926 đến 1941 về Puskin và các nhân vật đương thời, như: Puskin và Chiutzev (1923), Cánh nệ cổ và Puskin (1926), Puskin (1928), Cốt truyện “Khổ vì trí tuệ” (1941);
– Thi pháp. Lịch sử văn học. Điện ảnh, “Nauka”, M., 1977 – tập hợp những bài nghiên cứu thi pháp, lịch sử văn học và điện ảnh từ 1921 đến 1930, như: Các dạng thức câu thơ của Nekrasov (1921), Blok (1921), Ghi chép về văn học phương Tây (1921), Dostoevski và Gogol (Bàn về lí thuyết giễu nhại) (1921), Về kết cấu Evgeni Onegin (1922), Chiutzev và Heine (1922), Georgi Maslov (1922), Oda như một thể hùng biện (1922), Vấn đề về Chiutzev (1923), Lời tựa sách “Vấn đề ngữ nghĩa câu thơ” (1923), Tạp chí, nhà phê bình, người đọc và nhà văn (1924), Cái hôm nay của văn học (1924), Sự thật văn học (1924), Điện ảnh – Lời – Âm nhạc (1924), Về cốt truyện và tình tiết trong điện ảnh (1926), Về sự tiến hoá của văn học (1927), Những vấn đề nghiên cứu văn học và Ngôn ngữ (1928, đồng tác giả với R.Jakobson), Mayakovsky. Những kiệt tác của nhà thơ (1930)…
– Lịch sử văn học. Phê bình văn học, SPb, “Azbuka-Klassika”, 2001 – tập hợp những bài viết từ 1921 đến 1930, như: Valeri Briusov (1924), Puskin và Kiukhenberker (1934)… và nhiều công trình đã in trong hai tuyển tập nói trên;
– Sự tiến hoá của văn học – Tác phẩm lựa chọn, M., “Agraf”, 2002 – tuyển lựa, tái bản những công trình xuất sắc nhất của Y. Tynianov.
+ Các tuyển tập của B.M. Eikhenbaum:
– Về thơ, “Sovietski Pisatel”, L., 1969; M.; 1987 – tập hợp chuyên luận: Giọng điệu câu thơ trữ tình Nga (1922) và các tiểu luận: Nekrasov (1921), Những vấn đề thi pháp Puskin (1924), Về ngâm thơ thu thanh (1927), Nhà thơ – Nhà báo//Nekrasov: Kỉ niệm 50 năm ngày mất. Bài báo và hồi ức (1928), Những vấn đề cơ bản của việc nghiên cứu sáng tạo của Lermontov (1935), Những vấn đề nghệ thuật của Lermontov (1940)…
– Về văn xuôi, L., 1969 – tập hợp các tiểu luận: Karamzin (1916), “Áo choàng” của Gogol được làm như thế nào (1919), Anh hùng thời đại chúng ta, Con đường đến với văn xuôi của Puskin (1923);
– Về văn học: Công trình của nhiều năm khác nhau, M., 1987 – tập hợp chuyên luận: Lermontov: Kinh nghiệm đánh giá lịch sử – văn học (1924) và các tiểu luận: Balmon: Thơ như là pháp thuật thần thông (1916), Về văn xuôi M. Kuzmin (1920), Số phận Blok (1921), Tiểu thuyết – trữ tình (1921), Lí luận của “phương pháp hình thức” (1927).
Những ai theo dõi số phận lịch sử của Trường phái Hình thức Nga đều nhận ra, mấy chục năm trở lại đây, trước tác của V.B. Shklovski, B.V. Tomashevsky, R. Jakobson, O.M. Brik, E.D. Polivanov, L.P. Jakubinski… được tái bản nhiều lần. Và chỉ cần qua hai ví dụ dẫn ra ở trên cũng đủ để ta hình dung Trường phái Hình thức Nga đã hồi sinh thế nào ngay trên quê hương của nó trong những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Song song với việc sưu tập, chỉnh lí, tái bản những công trình từng một thời bị quên lãng, di sản lí luận của Trường phái Hình thức Nga bắt đầu được khảo sát toàn diện, sâu sắc. Lịch sử Trường phái hình thứ Nga, mối quan hệ giữa nó với các trào lưu tư tưởng, triết học, mĩ học cổ đại (mĩ học Aristotle chẳng hạn) và hiện đại (như triết học và mĩ học Kant, Hegel), nhất là với các khunh hướng triết học, nghiên cứu văn học hồi đầu và cuối thế kỉ XX như chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tiên phong, phân tâm học, chủ nghĩa Mác, thực chứng luận, hiện tượng luận, cấu trúc luận, giải cấu trúc, tiếp nhận văn học, phê bình mới, kí hiệu học, cấu trúc – kí hiệu học văn hoá… đã trở thành đối tượng nghiên cứu trung tâm của hàng loạt học giả Nga – Xô viết, như L. Ghinburg, M.O. Tzudakova, G. Bjaly, V. Eidinov, V. Lineski, R.S. Korotkova, B. Paramonov, D. Ustinov, Ja.S. Levtzenko, O.A. Lekmanov, I. Japolski, G.A. Gukovski, L. Uspenski, Iu.M. Lotman, I.M. Djakonov, N.D. Tamartzenko… Vẫn còn nhiều vấn đề đang được tiếp tục được bàn luận, tranh cãi. Quan hệ giữa M. Bakhtin và các nhà hình thức luận là thế nào?[30]. Trường phái Hình thức và chủ nghĩa Mác là “đối thủ”, hay “địch thủ”?[31]. Chủ nghĩa hình thức là “phương pháp” hay “thế giới quan”?[32]. Trường phái Hình thức có vị trí thế nào trong viễn cảnh của lí luận khoa học[33]… Những vấn đề như thế vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong tiếng nói của các nhà khoa học.
Những vấn đề đang tiếp tục tranh luận dẫu có bề bộn thế nào thì trong bức tranh chung của nền lí luận văn học Nga hậu Xô Viết, Trường phái Hình thức vẫn có một chỗ đứng trang trọng. Ngày nay, tên tuổi của nhiều nhà hình thức luận trở thành những mục “từ – khái niệm” trong các pho từ điển lớn bằng tiếng Nga, ví như Bách khoa Xô viết đại từ điển, Bách khoa văn học, Văn hoá học thế kỉ XX… Trước tác của họ được các nhà nghiên cứu trích dẫn như những tác phẩm cổ điển và được sử dụng như những tài liệu tham khảo không thể thiếu trong các chương trình đào tạo ngành ngữ văn ở các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu… Trên mạng Internet có những website bằng tiếng Nga dành riêng cho “OPOJAZ”[34] và một số nhân vật chủ chốt của Trường phái Hình thức để tất cả những ai quan tâm đều có thể tra cứu[35].
Cuối cùng, không thể không nói tới sự Phục sinh của Trường phái Hình thức Nga ở những đất nước xa xôi, thuộc khu vực ngoại biên của các trung tâm khoa học, ví như Việt Nam. Sau 1986, nhiều dịch giả, nhiều nhà nghiên cứu chúng ta đã có những cố gắng đáng kể để chuyển tải một phần nhỏ văn bản và tư tưởng khoa học của trường phái này đến với độc giả. Cố gắng đầu tiên có lẽ phải kể tới chùm bài dịch một số tiểu luận của V. Shklovski, B. Eikhenbaum, R. Jakobson do Đỗ Lai Thúy thực hiện in trên số chuyên đề dành cho văn học Nga của tạp chí “Văn học nước ngoài”, số tháng 2 năm 1998. Về sau, chùm bài nói trên được bổ sung và xuất bản thành sách Nghệ thuật như là thủ pháp (Lí thuyết Chủ nghĩa hình thức Nga) với sự tham gia của một tập thể dịch giả Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Huyền Giang, Nguyễn Văn Quảng, Phạm Nguyên Phẩm, Ngân Xuyên. Trong cuốn sách này có các văn bản cực kì quan trọng sau đây đã được chuyển dịch sang tiếng Việt: Lí thuyết về phương pháp hình thức, Chiếc áo khoác của Gogol được chế tạo như thế nào?của B. Eikhenbaum, Nghệ thuật như là thủ pháp, Nghệ thuật dựng truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của V. Shklovski, Về sự tiến triển của văn chương của Y. Tynianov, Chủ âm của R. Jakobson, Hệ chủ đề của V. Tomashevki, Cấu trúc truyện cổ tích của V.Y. Propp[36].
Cuốn Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (hai tập) do Lộc Phương Thủy chủ biên cũng tổ chức biên dịch nhiều tiểu luận của Trường phái Hình thức Nga[37], ví như: Về tính thống nhất của nghệ thuật, Nghệ thuật như là thủ pháp, Một lần nữa về bắt đầu và kết thúc của tác phẩm văn học; về sujet và fabula của V. Shklovski (Đào Tuấn Ảnh dịch), Hiện tượng văn học, Về sự tiến triển của văn học của Y.N. Tynianov (Đào Tuấn Ảnh dịch), Lí thuyết về phương pháp hình học của B.M. Eikhenbaum (Song Hà dịch), Đặc trưng của folklore của V.Y. Propp (Trần Hồng Vân dịch). Năm 2012, Lã Nguyên dịch một phần quan trọng rút từ chuyên luận nổi tiếng xuất bản năm 1922 của B.M. Eikhenbaum: Giai điệu câu thơ trữ tình Nga – Những vấn đề phương pháp luận[38].
Tuyển tập V.Y. Propp (hai tập) là công trình bề thế, dày gần 2000 trang do một tập thể học giả có uy tín gồm Phan Ngọc, Chu Xuân Diên, Đỗ Lai Thúy, Trần Phương Phương, Nguyên Kim Loan biên dịch công phu. Tuyển tập giới thiệu với độc giả những công trình quan trọng nhất của V. Propp (1895-1970), như Hình thái học truyện cổ tích, Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kì, Những lễ hội nông nghiệp Nga và Folklore và thực tại[39].
Sau 1986, ở Việt Nam, di sản khoa học của Trường phái Hình thức Nga không chỉ là đối tượng dịch thuật, mà còn là đối tượng khảo sát, nghiên cứu, ứng dụng. Có lẽ V. Propp là tác gia được tìm hiểu sớm nhất ở nước ta. Những luận điểm khoa học của ông đã được Chu Xuân Diên giới thiệu trong bài báo Số phận khác thường của một cuốn sách[40] và chuyên khảo Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học[41]. Trên tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số tháng 2 năm 1995, Trần Đình Sử công bố tiểu luận Thi pháp học hiện đại – khuynh hướng, hệ hình, thành tựu. Với tiểu luận này, ông là người đầu tiên trình bày về Trường phái Hình thức Nga trong quá trình vận động và phát triển của thi pháp học thế kỉ XX. Trong chuyên khảo Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Phương Lựu dành một chương trình bày quan điểm của Trường phái Hình thức Nga với những tác gia tiêu biểu như V. Shklovski, Y. Tynianov, R. Jakobson, V. Propp[42]. Đỗ Lai Thúy có một số tiểu luận đáng lưu ý, ví như Chủ nghĩa hình thức Nga – Một lí thuyết không chỉ là hình thức[43], hoặc Shklovski và chủ nghĩa hình thức Nga[44]. Cũng có thể kể thêm một số tiểu luận trên báo giấy và báo mạng, ví như Trường phái cách tân nhất thế kỉ XX của Trần Hoàng Hoàng đăng trên “Quân đội nhân dân” số ra ngày 27.7.2012.
Người đổ nhiều công sức để nghiên cứu Trường phái Hình thức Nga một cách có hệ thống là Huỳnh Như Phương. Trong vòng hai năm, 2001 và 2002, ông công bố liên tiếp hai tiểu luận: Trường phái Hình thức Nga và văn xuôi tự sự[45] và Thơ đi bằng nhịp điệu[46]. Công trình Trường phái Hình thức Nga của ông[47] vẫn là chuyên luận đầu tiên và cho đến nay vẫn là công trình dài hơi duy nhất tập trung phân tích kĩ lưỡng trường phái học thuật này từ nhiều bình diện khác nhau. Ngoài phần “Mở đầu” và “Kết luận”, nội dung chính của cuốn sách được triển khai trong 5 chương. Chương đầu giới thiệu những nét đại quát về tiểu sử, quá trình hoạt động của các nhà hình thức luận Nga chủ chốt và quá trình hình thành, phát triển của học phái này trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Chương thứ hai giới thiệu Trường phái Hình thức Nga như một giai đoạn phát triển mới của ngành ngữ văn học, giải thích những khái niệm then chốt như “ngôn ngữ thi ca”, “chức năng thi ca của ngôn ngữ” theo quan niệm của các nhà hình thức luận Nga. Chương thứ ba giới thiệu học thuyết về thơ của các nhà hình thức luận. Chương thứ tư trình bày học thuyết của các nhà hình thức luận về văn xuôi. Chương thứ năm tổng kết những đóng góp và hạn chế của trong quan niệm văn học của các nhà hình thức luận, ý nghĩa từ di sản của họ đối với khoa nghiên cứu văn học hiện đại.
Ngay từ năm 1987, một số luận điểm quan trọng nhất trong công trình Nhạc điệu câu thơ trữ tình Nga – Những vấn đề phương pháp luận của B.M. Eikhenbaum đã được Trần Đình Sử vận dụng để khảo sát phương thức biểu hiện của thơ trữ tình Việt Nam[48]. Đến đầu những năm chín mươi của thế kỉ trước, tư tưởng khoa học và những nguyên tắc phương pháp luận trong các công trình của V. Propp được vận dung rộng rãi vào thực tiễn nghiên cứu của giới folklore học Việt Nam. Tạp chí “Văn hóa dân gian”, số 3 năm 1991 giới thiệu tiểu luận Lí thuyết hình thái học của V. Propp và truyện cổ tích thần kì của người Việt. Cũng chính tạp chí này, trên số 4 năm 1993, đã giới thiệu tiểu luận của Vũ Tuyết Loan: Lí thuyết hình thái học của V. Propp và truyện cổ tích thần kì của dân tộc Campuchia. Tăng Kim Ngân đã vận dụng lí thuyết của V. Propp để viết một luận án Tiến sĩ, năm 1994, luận án được sửa chữa, bổ sung thành chuyên luận: Cổ tích thần kì người Việt – Đặc điểm cấu tạo cốt truyện[49]. Đến năm 2006, Đỗ Bình Trị cho xuất bản công trình Truyện cổ tích thần kì Việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja. Propp[50].
*
Một trăm lẻ hai tuổi vẫn chưa già! Tinh thần khoa học, tư tưởng về ý nghĩa cứu rỗi của hình thức nghệ thuật và sự Phục sinh tồn tại của Trường phái Hình thức Nga vẫn mãi mãi vẫy gọi chúng ta.
[1] R.O. Jakobson, Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow. Tạp chí “Philologica”, 1996, T. III, № 5/7, tr. 361.
[2] Về quá trình thành lập “MLK”, có thể xem: R.O. Jakobson, tlđd, tr. 361-379.
[3] Xem: Y.N. Tynianov, Thi pháp. Lịch sử văn học. Điện ảnh, M., 1977, tr. 504; L. Ginzburg, Về cái cũ và cái mới, M., 1982, tr. 52.
[4] Dẫn theo: I. Sironin: OPOAZ. Nguồn: http://www.opojaz.ru/main/aboutopojaz.html.
[5] Nguồn: http://www.cultinfo.ru/fulltext/1/001/008/084/623.htm.
[6] Từ điển Bách khoa Văn học, Nxb. “Bách khoa Xô Viết”, M., 1987.
[7] Từ điển Bách khoa Ngôn ngữ học, Nxb “Bách khoa Xô Viết”, M., 1990
[8] Xem: Iu.N. Tynhianov, Thi pháp. Lịch sử văn học. Điện ảnh, tlđd, tr. 504.
[9] V.B. Shklovski, Về lí thuyết văn xuôi, Nxb “Nhà văn Xô Viết”, M., 1984.
[10] Danh sách thành viên của “MLK”, có thể xem: Viện Ngôn ngữ Nga, “Ngữ văn học” (ИРЯ.Ф), số 20. Hoặc xem: R.O. Jakobson. Câu lạc bộ Ngôn ngữ học Moscow, tạp chí “Philologica”, 1996, T.III, № 5/7, tr.361.
[11] Lưu trữ hiện còn giữ được hai bản danh sách thành viên của OPOJAZ được đăng kí chính thức vào thời kì đầu của Chính quyền Xô Viết. Ở trên là bản danh sách thứ hai. Bản danh sách thứ nhất được công bố trên báo Đời sống nghệ thuật số 273, ngày 21 tháng 10 năm 1919, theo đó, OPOJAZ chỉ có 10 thành viên: S.I. Bernstein, A.L. Veksler, B.A. Larin, V. Pjast, E.G. Polonskaja, A.I. Piotrovski, M.L. Slonimski, B.M. Eikhenbaum, Vl.B. Sklovski, L.P. Jakubinski. Xem: I. Sironin, OPOJAZ. Nguồn: http://www.opojaz.ru/main/aboutopojaz.html.
[12] Tuyên ngôn của OPOJAZ. Nguồn: http://www.opojaz.ru/manifests/index.html.
[13] Dẫn theo Vadim Rudnev, Trường phái Hình thức. Nguồn: http://www.bestreferat.ru/referat-72931.html
[14] Dẫn theo: Denis Ustinov, Chủ nghĩa hình thức và phái hình thức trẻ, “NLO”, 2001, số 50.
[15] Dẫn theo: L. Ginzbur, Thử nghiệm thực hành, Riga, 1991, tr. 146.
[16] Xem: Igor Sironin, Lời mở đầu. Trong: Lev Trotzki, Trường phái Hình thức của thơ và chủ nghĩa Mác (trích “Văn học và cách mạng”, 1923). Nguồn: http:// www.opojaz.ru/index.html.
[17] Lev Trotsky, Trường phái Hình thức của thi ca và chủ nghĩa Mác. Trong sách Văn học và cách mạng, M., 1924, tr.130-145. Cũng có thể tìm thấy bài viết trên Website OPOJAZ – Dữ liệu – Văn liệu – Bản in, nguồn: http://www.opojaz.ru/index.html. Chúng tôi trích dẫn theo nguồn tài liệu này.
[18] Xem: Bách khoa văn học, T.7; M., 1934, Stb. 163-190.
[19] Xem: Tư liệu về cuộc tranh luận: “Chủ nghĩa Mác và phương pháp hình thức”, NLO, số 50, năm 2001. Nguồn: http://magazines.russ.ru/nlo/2001/50/disp.html.
[20] “Vụ Dreyfus” là vụ án buộc tội viên sĩ quan người Do Thái là A. Dreyfus (1859-1935) thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp làm gián điệp cho Đức xảy ra vào năm 1894. Đó là vụ án được giới quân sự phản động chóp bu bịa ra trong cuộc đấu tranh chính trị tàn khốc ở Pháp vào những năm 90 của thế kỉ XIX. Nhắc tới vụ án này, Eikhenbaum muốn ám chỉ “vụ Trường phái Hình thức” ở Liên Xô thời ấy. Xem: Tư liệu về cuộc tranh luận: “Chủ nghĩa Mác và phương pháp hình thức”, NLO, số 50, năm 2001.
[21] Xem: Tư liệu về cuộc tranh luận: “Chủ nghĩa Mác và phương pháp hình thức”, tlđd.
[22] Boris Eikhenbaum, Tolstoi thời trẻ. Nxb. “Z.I. Grzebina”, Peterburg – Berlin, 1922, tr. 8.
[23] V.G. Belinski, Sự phân chia thơ thành loại và thể. Trong V.G. Belinski, Tuyển tập (bộ ba tập), T.2, Nxb “Văn học nghệ thuật quốc gia”, M., 1948, tr. 8.
[24] Xem: B.V. Tomashevski, Lí luận văn học. Thi pháp học, Nxb Quốc gia, M.-L., 1925 (tiếng Nga, in lại năm 1993, 1996, 2003).
[25] Xem: B.M. Eikhenbaum, Giai điệu câu thơ trữ tình Nga – Những vấn đề phương pháp luận (bản dịch tiếng Việt của Lã Nguyên, in trên tạp chí “Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật”, số 4, tháng 12- 2012, tr. 57-70).
[26] Y.N. Tyniavov, Thi pháp học. Lịch sử văn học. Điện ảnh. M., 1977, tr. 58 (tiếng Nga).
[27] V.M. Zirmunski, Nhiệm vụ của thi pháp học. Trong V.M. Zirmunski, Lí luận văn học. Thi pháp học. Phong cách học. Nxb “Khoa học”, L., 1977, tr. 27.
[28] B.V. Tomashevski, tlđd, tr. 182-183.
[29] Xem: B.M. Eikhenbaum, Giai điệu câu thơ trữ tình Nga – Những vấn đề phương pháp luận (bản dịch tiếng Việt của Lã Nguyên). Tạp chí “Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật”, số 4, tháng 12- 2012, tr. 57.
[30] Xem: M.L. Gasparov, M.M. Bakhtin trong nền văn hoá Nga thế kỉ XX. Trong sách: M.L. Gasparov, Tác phẩm chọn lọc, T.2, Nxb “Các ngôn ngữ văn hoá Nga”, M., 1997, tr. 494-496 (tiếng Nga).
[31] Xem: Galin Tikhanov, Nhận xét về cuộc tranh luận giữa các nhà hình thức luận và phái Mácxít năm 1927. “NLO”, 2001, số 50.
[32] Xem: B. Paramonov, Chủ nghĩa hình thức: Phương pháp hay thế giới quan, “NLO”, 1995, số 14.
[33] Xem: A. Dmitriev, Jan Levtzenko, Khoa học như là thủ pháp: Bàn thêm về di sản phương pháp luận của chủ nghĩa hình thức Nga. Chủ nghĩa hình thức trong viễn cảnh lí luận khoa học, “NLO”, 2001, số 50.
[34] Xem:OPOJAZ – Dữ liệu – Văn liệu – Bản in. Nguồn: http://www.opojaz.ru/index.html.
[35] Xem: “POETICA”. Nguồn: http://philologos.narod.ru/index.html.
[36] Xem: Nghệ thuật như là thủ pháp (Lí thuyết Chủ nghĩa Hình thức Nga). Trương Đăng Dung, Huyền Giang, Nguyễn Văn Quảng, Phạm Nguyên Phẩm, Đỗ Lai Thúy, Ngân Xuyên dịch; Nxb Hội Nhà văn, H., 2002, tr. 73-361.
[37] Xem: Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (hai tập – Lộc Phương Thủy chủ biên), tập I. Nxb Giáo dục, 2007, tr. 29-204.
[38] Xem: B.M. Eikhenbaum, Giai điệu câu thơ trữ tình Nga – Những vấn đề phương pháp luận// Tạp chí “Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật”, số 4, tháng 12-2012, tr. 57-70.
[39] V. Propp. Tuyển tập (tập I & II – Phan Ngọc, Chu Xuân Diên, Đỗ Lai Thúy, Trần Phương Phương, Nguyễn Kim Loan dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2002, 2004.
[40] Xem: “Kiến thức ngày nay”, số 5-1988.
[41] Xem: Chu Xuân Diên, Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, 1989.
[42] Xem: Phương Lựu, Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học, H., 2001, tr. 211-223.
[43] Đỗ Lai Thúy, Chủ nghĩa hình thức Nga – Một lí thuyết không chỉ là hình thức. Trong Nghệ thuật như là thủ pháp (Lí thuyết Chủ nghĩa hình thức Nga), Trương Đăng Dung, Huyền Giang, Nguyễn Văn Quảng, Phạm Nguyên Phẩm, Đỗ Lai Thúy, Ngân Xuyên dịch, Nxb Hội Nhà văn, H., 2002, tr. 7-13.
[44] Đỗ Lai Thúy, Shklovski và chủ nghĩa hình thức Nga. Trong Đỗ Lai Thúy, Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2004, tr. 165-168.
[45] Tham luận Hội thảo khoa học do trường Đại học Văn Hiến TP HCM tổ chức năm 2001, về sau in trên “Tạp chí Văn học” số 5, 2002, tr. 58-66, 71.
[46] Tham luận Hội thảo về thơ do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM tổ chức năm 2002, in lại trong sách Thơ, nghiên cứu, lí luận, phê bình, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM, 2003.
[47] Huỳnh Như Phương, Trường phái Hình thức Nga, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM, 2007.
[48] Xem: Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb “Tác phẩm mới”, H., 1987, tr. 233-254.
[49] Tăng Kim Ngân, Cổ tích thần kì người Việt – Đặc điểm cấu tạo cốt truyện, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1994.
[50] Đỗ Bình Trị, Truyện cổ tích thần kì Việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja. Propp, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM, 2006.