Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phạm Văn Song
從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史
黎蝸藤
CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM
ĐÀI BẮC-2017
II.5. Trung Quốc và Pháp giao thiệp về Hoàng Sa
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi nhận được công hàm của Pháp lập tức hỏi ý kiến Bộ Nội chính, tỉnh Quảng Đông, tỉnh Quảng Tây và Bộ Hải quân. Lần đầu tiên họ biết rằng “Thất Châu Dương” mà người Pháp nói đến trong bản dịch tiếng Trung chính là [vùng biển] quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), sau đó họ tìm thấy nhiều tư liệu chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Qua các thư từ nội bộ, có thể thấy rằng các bộ ngành của Trung Quốc đều rất tin tưởng rằng Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.[134] Ngày 29/9/1932, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Cố Duy Quân gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Pháp để phản bác yêu sách của Pháp, lí do biện bác chủ yếu có 6 điểm:[135]
Thứ nhất, theo Công ước Pháp-Thanh 1887 thì ranh giới biển giữa Trung Quốc và Pháp nằm ở kinh độ 108° 2’ E mà quần đảo Tây Sa nằm ở phía Đông đường ranh giới này, nên phải thuộc Trung Quốc.
Thứ hai, trong quần đảo Tây Sa, ngoài hai đảo ra không có tài nguyên gì, ở quần đảo này chỉ có ngư dân Hải Nam qua lại, không có người Việt Nam.
Thứ ba, vào năm 1816 Việt Nam còn là nước chư hầu (phiên thuộc) của Trung Quốc, không có khả năng xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc.
Thứ tư, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Tây Sa năm 1909 và khi chính quyền tỉnh Quảng Đông tuyên bố nhập Tây Sa vào khu vực hành chính của họ năm 1921, Pháp đều không phản đối. Sau năm 1921, tỉnh Quảng Đông có ít nhất 5 lần phê chuẩn quyền khai thác khoáng sản ở Tây Sa, Pháp cũng không phản đối.
Thứ năm, cộng đồng quốc tế mấy lần yêu cầu chính phủ Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Tây Sa, điều này cho thấy thế giới công nhận Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Năm 1930, trong một hội nghị quốc tế được tổ chức ở Hong Kong có một trạm trưởng trạm khí tượng của Đông Dương thuộc Pháp tham dự cũng đề nghị Trung Quốc xây dựng hải đăng trên đảo Tây Sa, điều này chứng tỏ phía Pháp cũng công nhận Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Thứ sáu, phía Pháp nói rằng quan chức Trung Quốc từng phủ nhận quần đảo Tây Sa thuộc Trung Quốc, việc này chưa rõ thực hư, nhưng ngay cả có thật thì đó cũng chẳng qua là quan chức triều đại trước không làm tròn trách nhiệm mà thôi.
Dưới đây giải thích đơn giản một chút điểm thứ nhất và điểm thứ năm. Ngày 26/6, tại Bắc Kinh hai nước Trung-Pháp kí “Trung-Pháp tục nghị giới vụ chuyên điều” (Công ước Pháp-Thanh / Công ước Constans), trong đó Điều 3 quy định:
Đối với vấn đề biên giới ở Quảng Đông, hiện giờ ngoài biên giới do các đại thần hai nước phân định, tại khu vực từ phía Đông cho đến phía Đông Bắc Móng Cái, vùng nào chưa giải quyết được đều đưa về cho Trung Quốc quản lí. Đối với các đảo ngoài biển, chiểu theo đường vạch đỏ được các đại thần phân định biên giới hai nước vẽ, và kéo dài về phía Nam, đường này đi qua biên phía đông của ngọn đồi ở xã Trà Cổ, tức là lấy đường này làm ranh giới (xã Trà Cổ tên Hán là Vạn Chú, nằm ở phía Nam Móng Cái và phía Tây Nam núi Trúc). Từ đường đó về phía Đông, các đảo trên biển đều thuộc về Trung Quốc, từ đường đó về phía Tây, núi Cửu đầu (tên Việt là Cách Đa) và các đảo nhỏ trên biển đều thuộc về Việt Nam.[136]
Theo bản dịch tiếng Pháp là:
Tại Quảng Đông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Đông và phía Đông Bắc Móng Cái mà ở phía bên kia của đường biên giới do Uỷ ban phân giới xác định thì chúng được phân cho Trung Hoa. Những đảo ở về phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ Đông, tức là đường thẳng Bắc Nam đi qua điểm cực đông đảo Trà Cổ (hay Vạn Chú) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Cô Tô và những đảo khác ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam.[137]
Đồng thời, trên bản đồ đoạn cực Đông của biên giới hai nước Trung-Việt đính kèm Công ước có vẽ một đường màu đỏ theo hướng Bắc Nam (Hình 2), và chú thích rõ “khởi đầu từ biên giới phía Bắc do đại thần hai nước phân định, đường đỏ này chạy về phía Nam đi qua biên phía Đông ngọn đồi ở xã Trà Cổ, lấy đường này làm ranh giới”.[138]
Đường đỏ này nằm ở kinh độ 105° 43’ Đông tính từ kinh tuyến Paris, theo kinh tuyến Greenwich là 108° 3’ 13”. Đường đỏ này được vẽ rất ngắn, nhưng kéo dài xuống sẽ đi qua bán đảo Đông Dương, biển Đông và các đảo ở biển Đông đều ở phía Đông đường kéo dài này.
Hình 2: Bản đồ phân định biên giới Trung-Việt năm 1887
Phía Trung Quốc cho rằng đường biên giới được quy định trong Công ước kéo dài liên tục qua bán đảo Đông Dương, mà quần đảo Hoàng Sa ở phía Đông đường biên này cho nên theo Công ước thì Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Điểm thứ năm nói tới Hội nghị khí tượng Viễn Đông được tổ chức ở Hong Kong từ 29/4 đến 3/5/1930. Chủ tịch hội nghị này là trạm trưởng Trạm thiên văn Hong Kong, có tổng cộng hơn 10 người tham dự là các trạm trưởng, trong đó có đại biểu viện Nghiên cứu khí tượng trung ương Nam Kinh, trạm quan sát khí tượng Thanh Đảo, trạm quan sát khí tượng đảo Đông Sa, trạm thiên văn Từ Gia Hội ở Thượng Hải, trạm thiên văn Manila, trạm thiên văn Hải Phòng… cũng như đại biểu hàng không Hải quân Anh. Chương trình nghị sự chủ yếu bao gồm một loạt công việc có liên quan đến khí tượng và an ninh hàng hải ở biển Đông, bao gồm việc lập ra tín hiệu bão địa phương thống nhất (Local Storm Signal Code) và tín hiệu bão Viễn Đông (Non-Local Storm Signal Code), thời gian thông báo dự báo khí tượng thống nhất, cũng như phương thức dùng sóng ngắn tiến hành thông tin. Sự việc có liên quan là vào ngày 30/4 trạm trưởng trạm thiên văn Manila “đề nghị Hội nghị thừa nhận Đài quan sát khí tượng Đông Sa do chính phủ Trung Quốc xây dựng là cơ quan khí tượng quan trọng nhất ở biển Trung Quốc (biển Đông), hơn nữa tàu thuyền đi qua biển Trung Quốc cũng được lợi rất nhiều, đồng thời hi vọng cũng sẽ xây dựng thêm trạm ở Tây Sa (Paracel) và Macclesfield Bank để tăng cường an toàn hàng hải. Quyết nghị để trạm trưởng Trạm quan sát đảo Đông Sa đệ trình chính phủ Trung Quốc tham gia xây dựng cơ quan khí tượng ở trên hai đảo này”.[139] Đây chính là điều 9 của quyết nghị.
Theo điều tra của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mặc dù trạm trưởng trạm thiên văn Từ Gia Hội, Thượng Hải (L. Froc) là người Pháp nhưng trạm thiên văn này do Giáo hội Thiên Chúa xây dựng, chỉ là cơ quan khoa học, trừ việc được sự bảo vệ của chính quyền tô giới Pháp, không thể xem là quan chức của Pháp. Tuy nhiên, trạm thiên văn Hải Phòng, đặt ở khu vực thuộc Pháp, được sự tài trợ của chính phủ Pháp, hoàn toàn là cơ quan thuộc chính phủ Pháp, nên trạm trưởng của nó (E. Bruzon) có thể được xem là quan chức của Pháp.[140]
Ngày 27/9/1933, phía Pháp trả lời phía Trung Quốc. Thư trả lời phản bác từng lí do của Trung Quốc:
Thứ nhất, vào năm 1930 Trung Quốc đồng ý áp dụng “nguyên tắc 3 hải lí” để phân định lãnh hải, quần đảo Tây Sa cách đảo Hải Nam 145 hải lí không thể cho là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.
Thứ hai, ý đồ trong công ước phân giới năm 1887 là phân chia rõ biên giới Trung-Việt ở khu vực Móng Cái (Moncay), trong khi quần đảo Hoàng Sa cách Móng Cái quá xa, nằm ngoài phạm vi áp dụng của Công ước; nếu như không xem đường đỏ là biên giới cục bộ mà có thể kéo dài để có thể áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa thì không những nhiều đảo của Việt Nam phải xếp vào lãnh thổ Trung Quốc mà ngay đến phần lớn đất liền của chính Việt Nam cũng vậy, quả thật đó là điều không thể.
Thứ ba, ngư dân đảo Hải Nam đánh cá ở Hoàng Sa, về mặt luật pháp và thông lệ quốc tế, không nảy sinh bất cứ hiệu lực nào.
Thứ tư, năm 1909, Trung Quốc tuyên bố chiếm giữ Hoàng Sa với trong và ngoài nước, hiển nhiên trước thời điểm đó không có chủ quyền đối với Hoàng Sa, trong khi đó năm 1816 vua Gia Long chính thức quản lí đảo này thì đã có sử sách chứng minh.
Thứ năm, việc Hội nghị khí tượng Viễn Đông đề nghị xây dựng hải đăng trên đảo này, nhiệm vụ duy nhất của đại biểu Pháp tham gia hội nghị là tập trung về mặt khoa học, không có quyền can dự vào vấn đề chính trị, do đó không đại diện cho lập trường của Pháp.[141]
Ngày 7/6/1934, Trung Quốc lại phản bác Pháp:
Thứ nhất, cái gọi là “nguyên tắc 3 hải lí” vẫn là lấy biên giới các vùng lãnh thổ ven biển của Trung Quốc làm khởi điểm chứ không hạn chế ở Quỳnh Nhai; nếu không thì các thuộc địa cách xa nước Pháp hơn 145 hải lí cũng không phải là lãnh thổ của Pháp sao?
Thứ hai, đường phân giới năm 1887, điều khoản quy định “từ đường đỏ về phía Đông, các đảo trên biển đều thuộc về Trung Quốc”, không hề nói đến khu vực đất liền của Việt Nam, cho nên vẫn áp dụng thích hợp cho quần đảo Tây Sa.
Thứ ba, việc vua Gia Long, không có sử sách nào của Trung Quốc có ghi chép Tây Sa thuộc Việt Nam, đó là do phía Việt Nam ghi chép không xác thực, khi đó Việt Nam là nước chư hầu của Trung Quốc, không có lí gì để xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc.
Thứ tư, việc Lí Chuẩn tuyên bố chủ quyền năm 1909 là nghi thức kỉ niệm việc đặt tên lại các đảo, Trung Quốc đã chiếm hữu Tây Sa từ thời xa xưa lúc Phục ba tướng quân Mã Viện của nhà Hán Nam chinh, hơn nữa mười mấy năm thời Dân quốc đến nay liên tục thực thi chủ quyền đối với Tây Sa.
Thứ năm, trong vụ 9 đảo nhỏ (xem phần II.6, II.7), Pháp nói với Trung Quốc rằng “trong sách địa lí và bản đồ của Trung Quốc, chưa từng nhắc đến và liệt kê ra 9 đảo nhỏ mà Pháp chiếm, địa lí Trung Quốc cũng chỉ ra rằng đảo Tri Tôn – đảo cực Nam của Tây Sa (Paracels) là chỗ cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc”. Kiểu diễn đạt này mặc dù phủ nhận 9 đảo nhỏ là lãnh thổ Trung Quốc nhưng ít nhất cũng thừa nhận chỗ cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Tây Sa. Điều đó đủ để chứng minh rằng Pháp biết rõ quần đảo Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.[142]
Mãi đến năm 1935 phía Pháp mới trả lời. Đối với điểm thứ nhất, Pháp thừa nhận lập luận của Trung Quốc nhưng cho rằng “chính phủ Trung Quốc đã không ngừng mở rộng lãnh hải của tỉnh Quảng Đông ra toàn bộ biển Đông để tranh giành chủ quyền của đảo này”. Đối với điểm thứ 2, Pháp cho rằng không có cụm từ “các đảo trên biển” trong bản tiếng Pháp, do đó vẫn một mực cho rằng Công ước chỉ xác định sự quy thuộc các đảo trong lãnh hải của Trung Quốc và lãnh hải của Bắc bộ trong phân giới Trung -Việt mà thôi. Đối với điểm thứ 3, Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Đối với điểm thứ 4, lập luận của Trung Quốc được ghi nhận để tham khảo. Đối với điểm thứ 5, Pháp nêu “để chỉ rõ 9 đảo nhỏ mà phía Pháp chiếm không có dính dáng gì với đảo này, Sứ quán Pháp tại Trung Quốc dẫn ra bản đồ Trung Quốc chỉ để giải thích rằng 9 đảo nhỏ này không thuộc lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc mà thôi. Không thể cho rằng phía Pháp đã thừa nhận quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc”. Hơn nữa, bản đồ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc năm 1897 không có quần đảo Hoàng Sa, và việc Trung Quốc có thái độ tiêu cực về sự kiện tàu Anh bị đắm năm 1897, đủ để chứng minh lập luận cho rằng bắt đầu từ thời Hán Trung Quốc đã có chủ quyền ở Hoàng Sa là không đúng.[143]
Năm 1933, “sự kiện 9 đảo nhỏ” từ việc Pháp tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa đã khiến thái độ của Trung Quốc đối với Hoàng Sa càng thêm cứng rắn (xem phần II.6, II.7). Ngoài giao thiệp về ngoại giao, Trung Quốc cũng chuẩn bị tiến thêm một bước trong thực thi chủ quyền. Ngày 27/10/1933, Trung Quốc thông báo cho phía Pháp sẽ xây dựng trạm quan sát khí tượng trên đảo Hoàng Sa, Pháp phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngưng kế hoạch này lại, ngay cả đại sứ Trung Quốc tại Pháp Cố Duy Quân cũng cho rằng trong tình trạng có tranh chấp chủ quyền, làm như vậy “thật bất tiện”.[144] Ông cho rằng hiện tại Pháp vẫn nhấn mạnh giải quyết hòa bình, sách lược tốt nhất của Trung Quốc là nhanh chóng giải quyết theo pháp luật chứ không nên tùy tiện xây dựng hải đăng để làm xấu đi quan hệ.[145] Nhưng trước sự phản đối của Pháp và khuyến cáo của Cố Duy Quân, Trung Quốc vẫn kiên trì muốn chuẩn bị xây dựng hải đăng. Do việc xây dựng trạm khí tượng và hải đăng ở Hoàng Sa thực sự có sự cần thiết của nó, ngành hàng hải và ngành thiên văn, đặc biệt là dưới sự nỗ lực thúc đẩy của trạm trưởng trạm thiên văn Từ Gia Hội (E. Gherzi, người Pháp), cuối cùng Pháp đã nhượng bộ. Tháng 7/1935, trạm trưởng trạm thiên văn Từ Gia Hội nhận được thư của đại sứ Pháp tại Trung Quốc Henry Auguste Wilden. Thư này nói rằng nếu Trung Quốc đồng ý xây dựng hải đăng và trạm khí tượng ở Hoàng Sa mà không đề cập tới hoặc giải quyết chủ quyền Hoàng Sa thì Pháp sẽ không phản đối việc xây dựng.[146] Nhưng Trung Quốc có thái độ không rõ ràng trong việc có cam kết làm như vậy hay không. Cho đến trước khi nổ ra chiến tranh Trung – Nhật năm 1937 vẫn không có văn bản cam kết nào.[147]
Tháng 2/1937, chính quyền tỉnh Quảng Đông không báo cho Bộ Ngoại giao biết mà lại chuẩn bị cử người đến điều tra ở Hoàng Sa để chuẩn bị cho việc khai thác. Cố Duy Quân một lần nữa lại cho rằng hành động này không thoả đáng,[148] Pháp cũng bày tỏ sự phản đối.[149] Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng tăng cường nghiên cứu về lịch sử Hoàng Sa, đặc biệt là nghiên cứu các sách vở, bản đồ mua từ Việt Nam, cũng như tìm kiếm “Đại Nam nhất thống chí”, “Hoàng Việt địa dư chí” và tác phẩm của giáo sĩ Jean-Louis Taberd[150]… vốn cho phép Pháp chứng minh Việt Nam có chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Ngày 18/2/1937, Pháp gửi công hàm cho đại sứ Trung Quốc tại Pháp Cố Duy Quân, bày tỏ mong muốn tiến hành đàm phán trực tiếp về vấn đề Hoàng Sa, nhưng nếu “cố hết sức mà không thành công thì không thể không đề nghị cách đưa ra tòa trọng tài”.[151]
Ngày 19/4, đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc lại đưa ra yêu cầu này với phía Trung Quốc. Nhưng chính phủ Trung Quốc “trước sau luôn cho rằng không có bất kì nghi ngờ nào về việc quần đảo [Tây] Sa thuộc về Trung Quốc”.[152] Ngày 26/5, phía Trung Quốc lại chỉ thị đại sứ quán tại Pháp giao thiệp với phía Pháp, đưa ra bằng chứng mới về quần đảo Hoàng Sa, cho rằng: thứ nhất, việc vua Gia Long cắm cờ ở quần đảo Tây Sa không được ghi chép trong sử liệu Việt Nam, chỉ là “truyền thuyết vu vơ”; thứ hai, “Đại Nam nhất thống chí” chỉ có ghi chép về đảo Hoàng Sa, nhưng đó có phải là quần đảo Tây Sa hay không thì còn nghi vấn; thứ ba, miếu cổ được ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí” là do ngư dân Trung Quốc xây dựng; thứ tư, bản đồ do Việt Nam xuất bản, cho đến năm 1926 vẫn không có vẽ quần đảo Tây Sa; thứ năm, từ năm 1909 đến nay, Pháp đã nhiều lần thừa nhận Tây Sa không thuộc Việt Nam. Bằng chứng loại này gồm: (1) Năm 1909, Pháp không có hành động gì trước việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Tây Sa; (2) Năm 1920, khi tư lệnh hải quân Pháp Rémy trả lời Công ti Nhật Bản có cam đoan rằng Tây Sa không thuộc sở hữu của Pháp; (3) Khi hải quân Việt Nam gửi điện hỏi ý kiến hải quân Pháp về chủ quyền Tây Sa, hải quân Pháp trả lời rằng họ chỉ biết Trung Quốc tuyên bố chủ quyền năm 1909; (4) Toàn quyền Đông Dương cho rằng trừ phi có thông tin mới, nếu không thì nên xem Tây Sa là sở hữu của Trung Quốc; (5) Toàn quyền Đông Dương Pasquier nói rằng có thể giữ lại quần đảo Tây Sa để trao đổi lợi ích với Trung Quốc; (6) Nghị sĩ Thượng nghị viện Pháp Bergeon nói rằng hiện nay An Nam đã không có quan hệ gì với Tây Sa; (7) Toàn quyền Doumer nói rằng Trung Quốc cần phải ngăn chặn nước khác chiếm hữu quần đảo này.[153] Cần phải nói rằng bằng chứng Trung Quốc đưa ra trong lần này là khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, không tìm thấy văn kiện của công hàm đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp gửi cho Pháp trong hồ sơ lưu trữ, nên khó xác định đại sứ quán có gửi công hàm cho phía Pháp hay không. Không lâu sau đó, Nhật Bản bắt đầu xâm lược Hoàng Sa, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng bùng nổ chiến tranh toàn diện, tranh chấp Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Pháp tạm kết thúc một giai đoạn.
Tóm lại, bắt đầu từ năm 1931, quần đảo Hoàng Sa đã bước vào thời kì tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp. Pháp đề nghị đưa vấn đề Hoàng Sa ra tòa trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc không đồng ý. Từ năm 1932 đến năm 1938, mặc dù cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhưng không bên nào thiết lập được sự quản lí hoàn chỉnh và hiệu quả đối với quần đảo này. Trung Quốc và Pháp đều không có quân đội phòng thủ và nhân viên thường trú ở quần đảo Hoàng Sa. Mỗi bên đều từng xây dựng một số công trình trên một số đảo, không có ghi chép về việc nổ ra xung đột giữa hai bên. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến tháng 3/1938 thì Pháp đưa binh đến chiếm đóng Hoàng Sa.
II.6. Pháp chiếm đóng quần đảo Trường Sa và tranh chấp Pháp-Nhật
Như trình bày ở phần trước, thái độ xử lí của Pháp đối với Trường Sa hoàn toàn khác đối với Hoàng Sa. Ở Hoàng Sa, Pháp cân nhắc thái độ của Trung Quốc, nhưng ở Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không nằm trong sự cân nhắc của Pháp. Vì trong mắt người Pháp, Trường Sa là đất vô chủ. Sau năm 1925, cùng với việc gia tăng sự chú ý đối với Hoàng Sa, Pháp cũng đã nâng sự chú ý đối với Trường Sa. Trong một văn kiện nội bộ ngày 23/3/1925, toàn quyền Đông Dương cho rằng cần phải sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.[154] Vì vậy, vào năm 1927 khi lãnh sự Nhật Bản tại Hà Nội Kurosawa hỏi ý kiến chính quyền Đông Dương về tình trạng pháp lí của Trường Sa, Pháp không trả lời tùy tiện mà tiến hành điều tra nghiên cứu trong nội bộ trước. Kết quả người Pháp thu được là Trường Sa không có quan hệ gì với Pháp hoặc Việt Nam. Từ cuối năm 1927 đến cuối năm 1928, báo cáo của toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa Pháp và Tổng bộ châu Á Thái Bình Dương của Pháp chỉ ra: “Xét thấy Pháp xưa nay chưa từng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này, về mặt logic, chúng đúng ra là một bộ phận của quần đảo Indonesia hơn là của bán đảo Đông Dương”.[155] “Các đảo này cả về mặt chính trị lẫn về mặt địa lí đều không có quan hệ với đường bờ biển An Nam, cách nó bởi rãnh biển sâu 1000 đến 2000 mét”.[156] Đồng thời với việc này, năm 1927 nước Pháp cũng phái chiến hạm de Lanessan đến quần đảo Trường Sa tiến hành khảo sát (không gặp phải sự phản đối của Trung Quốc).
Thông qua những nghiên cứu này, Pháp về cơ bản đã đi đến kết luận rằng quần đảo Trường Sa là đất vô chủ. Có báo cáo cho rằng nếu đã nhận định quần đảo Trường Sa là đất vô chủ thì Pháp cần phải thực hiện các hành động phù hợp luật quốc tế để tuyên bố chủ quyền.[157]
Năm 1929, Bộ Ngoại giao Pháp gửi điện cho đại sứ quán Pháp tại Manila để hỏi xem Philippines có yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa hay không. Thư trả lời của đại sứ quán Pháp cho thấy rằng Philippines không quan tâm tới Trường Sa. Cùng năm, lãnh sự quán Nhật Bản tại Hà Nội lại lần nữa hỏi dò chính quyền Đông Dương về yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa, Pháp một mặt không trả lời, mặt khác quyết tâm tăng nhanh hành động ở Trường Sa.
Ngày 13/4/1930, toàn quyền Đông Dương phái chiến hạm Malicieuse đến Trường Sa, cắm cờ Pháp trên đảo Trường Sa Lớn và bắn 21 phát súng chào.[158] Trên một bản đồ nội bộ của Pháp có vẽ khu vực Pháp muốn chiếm hữu là khu vực từ 111° E đến 117° E và từ 7° N đến 11° N.[159] Phương pháp dùng kinh độ, vĩ độ xác định khu vực này giống với các giới hạn điều ước mà Mĩ sử dụng khi giành được Philippines từ tay Tây Ban Nha. Thời gian này vẫn chưa có tên gọi thống nhất cho quần đảo Trường Sa.
Anh chú ý đến việc này trước nhất. Ngày 30/4, trong bức điện của tổng lãnh sự Anh tại Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao có nêu:
Đảo Spratly hoặc đảo Bão Tố mà nước Pháp tuyên bố sáp nhập dường như chính là đảo mà nước Anh đã sáp nhập vào năm 1877. Chính quyền tại khu vực nói rằng họ nhận lệnh của Bộ Ngoại giao Pháp.[160]
Sự việc xảy ra năm 1877 được nói đến ở đây là việc chính quyền Borneo phê chuẩn cho thương nhân quyền được khai thác đảo Spratly (đảo Trường Sa Lớn) và đảo Amboyna Cay (đảo An Bang). Tháng 9/1877, một người Mĩ là Graham và hai người Anh là Simpson và James nộp đơn cho chính quyền Labuan, Sabah thuộc Anh, yêu cầu được cắm cờ Anh và khai thác phốt phát ở đảo Spratly (đảo Trường Sa Lớn) và đảo Amboyna Cay (đảo An Bang) thuộc Trường Sa .W.H. Treacher. toàn quyền Labuan kiêm toàn quyền Borneo, kí văn kiện xác nhận đơn này và chỉ rõ đơn này đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh phê chuẩn, tuy nhiên nếu trong 10 năm không khai thác hoặc liên tục trong 5 năm không khai thác, giấy phép này sẽ bị huỷ bỏ. Đồng thời, Treacher còn kiến nghị, vì hai đảo này không nằm trong địa giới của Labuan, người xin phép cần phải đến văn phòng toàn quyền Borneo để đăng kí. Ba người làm theo. Do đó, vào năm 1877, trên tờ “Công báo thuộc địa Hong Kong và các khu định cư Eo biển” (Government Gazettes of the Colonies of Hong Kong and the Straits Settlement), Anh đã công bố các vấn đề về quyền kiểm soát và quản trị đối với hai đảo này. Từ đó, hai đảo này được ghi chép là lãnh địa của Anh trong hồ sơ lưu trữ của nước Anh.[161]
Năm 1888, một công ti khai thác phốt phát khác là Công ti Trung ương Borneo (Central Borneo Company) cũng đề xuất quyền khai thác hai đảo này. Do đó, năm 1889 chính quyền thuộc địa Borneo phái một tàu của Anh đến khảo sát hai đảo này, phát hiện ra rằng năm 1877 mấy thương nhân xin phép khai thác phốt phát ở đây không hề tiến hành khai thác, vì thế giấy phép cấp cho họ lúc đầu bị mất hiệu lực. Được sự đồng ý của Bộ Thuộc địa và Bộ Ngoại giao Anh, chính quyền Borneo cấp giấy phép khai thác hai đảo này cho Công ti Trung ương Borneo.[162] Không có ghi chép chi tiết về mọi việc phát triển như thế nào sau đó nhưng hình như công ti này cũng không thật sự tiến hành khai thác. Bức điện buổi tối cùng ngày của tổng lãnh sự tại Sài Gòn giải thích thêm rằng thật ra Pháp tuyên bố chủ quyền toàn bộ tất cả các đảo từ 7° N đến 11° N, từ 111° E đến 117° E.[163] Anh đã nhanh chóng hoàn chỉnh tài liệu lịch sử, đánh giá tầm quan trọng của đảo này. Ngày 21/5, Anh dùng tài liệu lịch sử làm bằng chứng để giao thiệp với Pháp, cho rằng đảo này trước đây đã là một bộ phận của nước Anh, chưa từng bị nước Anh từ bỏ, và là lãnh thổ của Anh.[164]
Pháp cảm thấy rất bất ngờ, vì phía Pháp không biết gì về việc này, sau khi nghiên cứu bằng chứng của Anh, Pháp đưa ra phản bác, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy người đứng đơn khi đó đã từng cắm cờ Anh ở trên đảo, và đảo này cũng không thuộc một khu vực hành chính cụ thể nào, vì vậy không được coi là có bằng chứng chiếm đóng hữu hiệu.[165]
Mặc dù hai nước Anh, Pháp giao thiệp trong thời gian dài về vấn đề này, nhưng họ thỏa thuận không công khai cách giải quyết. Tuy Pháp cảm thấy lí lẽ của Anh rất yếu, nhưng ảo tưởng rằng không có ai phản đối sẽ càng có lợi cho Pháp hơn; nước Anh chia làm hai phe, một phe chiếm thượng phong vui vẻ bằng lòng, hi vọng có thể kéo Pháp vào biển Đông để tạo ra vùng đệm trong xung đột giữa Anh và Nhật; phe khác cho rằng lí lẽ của Pháp căn bản là không đầy đủ, hơn nữa vẫn chưa công khai tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, vì vậy Anh nên chủ động phái hải quân chiếm lĩnh những đảo này thay vì đánh võ mồm với Pháp.
Ngày 23/9/1930, Pháp thông báo cho các bên về sự kiện này qua thông cáo báo chí (Communiqué), tuyên bố rằng Pháp đã chiếm quần đảo Trường Sa, còn Anh không công khai phản đối điều này.[166] Tuy nhiên, thông cáo này dường như không truyền tới tai Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy hai nước này không biết gì về việc này, và phản ứng của họ hoàn toàn khác so với năm 1933.
Để bịt miệng người Anh, Pháp quyết tâm làm càng đầy đủ hơn về mặt thủ tục. Do đó, ngày 13/4/1933, chiến hạm Alerte và Malicieuse của Pháp cùng với tàu trắc lượng Astrolabe và de Lanessan chạy đến Trường Sa. Họ tiến hành nghi thức tuyên bố chủ quyền chính thức hơn trên 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm việc đi lên từng đảo và dùng bình thuỷ tinh đựng hồ sơ có chữ kí của thuyền trưởng được niêm kín và đặt cố định trên đảo.
Điều đáng nói là khi Pháp chiếm quần đảo Trường Sa, có nêu rằng trên các đảo Trường Sa có hoạt động của người Trung Quốc. Năm 1930, trên đảo Spratly có 3 người. Năm 1933, lại báo cáo “khi đó trên đảo Tây Nam theo tính toán thì có 7 cư dân, trong đó có 2 trẻ em. Trên đảo Đế Đô, theo ghi nhận thì có 5 cư dân. Trên đảo Tư Lạp Lạp có 4 cư dân, tăng 1 người so với năm 1930. Trên đảo La Loan có miếu thờ, nhà lá, giếng nước…do người Hoa để lại. Trên đảo Itu Aba, tuy không thấy dấu chân người nhưng phát hiện một tấm bia có chữ Trung Quốc...”[167] Một số người Trung Quốc còn biểu thị hành động phản kháng phía Pháp, ví dụ đợi sau khi người Pháp rút đi, chặt đứt cột cờ của người Pháp…
Ngày 13/7/1933, thông tấn xã của Pháp đã thông báo về hành động này. Pháp quyết định không áp dụng cách xác định đảo theo phạm vi tọa độ mà liệt kê chi tiết các đảo chính. Vì vậy, vào ngày 25/7, chính phủ Pháp đã chính thức tuyên bố rằng Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa, đồng thời liệt kê tên và vị trí của 6 trong số các đảo: Spratly (Trường Sa), Amboyna Cay (An Bang), Itu Aba (Ba Bình), Les Deux Iles (Song Tử), Loaita (Loại Ta) và Thitu (Thị Tứ). Pháp tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Spratly (chứ không chỉ giới hạn ở 6 đảo có cắm cờ).[168] Ngày 21/12 cùng năm, Pháp tuyên bố đặt quần đảo Spratly dưới quyền quản lí của tỉnh Bà Rịa thuộc Nam Kì.[169]
Trong số các nước có liên quan, chỉ có Nhật Bản tiến hành phản đối công khai. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết của nội các ngày 15/8 đưa ra tuyên bố phản đối với Pháp, nhấn mạnh công ti Lassa của Nhật Bản đã khai thác phốt phát ở quần đảo Trường Sa từ năm Đại Chính thứ 7 (1918) đến nay, chính phủ Nhật Bản đã dành sự trợ giúp cho việc khai thác này; Nhật Bản đã quản lí và khai thác quần đảo Trường Sa nhiều năm, quần đảo Tân Nam (Trường Sa) không phải “đất vô chủ” (terra nullius). Vào ngày 21/8 Nhật Bản chính thức gửi thư cho Bộ Ngoại giao Pháp, phản đối yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa, tuyên bố Nhật Bản có chủ quyền đối với Trường Sa.[170] Từ năm 1937 đến năm 1939, Nhật Bản càng dồn dập tiến hành 5 lượt giao thiệp ngoại giao với Pháp.[171]
Philippines có một nghị sĩ từng đề cập tới Trường Sa, cho rằng Trường Sa là lãnh thổ của Philippines, yêu cầu chính quyền Philippines giao thiệp. Tuy nhiên, toàn quyền Mĩ tại Philippines không đồng ý, chỉ ghi chép vào hồ sơ việc này chứ không áp dụng bất cứ hành động nào về mặt ngoại giao. Cách làm của Philippines và Mĩ cũng đồng nghĩa với việc không phủ nhận quyền lợi của Pháp ở Trường Sa.
Anh vẫn giữ im lặng trước công chúng, cho đến 6 năm sau mới thừa nhận quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Pháp, nhưng khi đó Trường Sa đã bị Nhật Bản chiếm đóng mất rồi.
II.7. Thái độ của Trung Quốc đối với sự kiện 9 đảo nhỏ
Phản ứng của Trung Quốc về sự kiện trên có rất nhiều điểm nghi vấn cần phải làm sáng tỏ. Tài liệu của phía Trung Quốc nói Trung Quốc đã tiến hành phản đối và dân tình sôi sục…, nhưng các tư liệu nước ngoài lại cho rằng Trung Quốc vẫn giữ im lặng. Điều này rốt cuộc như thế nào? Trên thực tế, trình tự thời gian phản ứng của Trung Quốc cơ bản như sau:
Ngày 15/7/1933, báo chí Trung Quốc mới bắt đầu đưa tin về sự kiện này. Bức điện đặc biệt ngày 15 của “Thân báo” tường thuật “có người đến Bộ Ngoại giao hỏi về lịch sử của 9 đảo nhỏ ở Tây Sa và nước ta nên áp dụng các bước giao thiệp nào, theo người phụ trách thì Bộ Ngoại giao chưa nhận được báo cáo chính thức, chỉ thấy trên báo chí và xưa nay không nghe tới các đảo này, chúng cũng không có vị trí quan trọng về mặt quân sự, không rõ dụng ý hành động này của Pháp, đối với việc này trước tiên Bộ Ngoại giao sẽ gửi điện cho lãnh sự quán ở Philippines, ra lệnh lập tức điều tra rõ lịch sử, vị trí, diện tích, số ngư dân Trung Quốc cư trú và tình trạng ngư nghiệp của các đảo này, sau đó sẽ nghiên cứu biện pháp ứng phó, lúc này không phải bày tỏ điều gì”.[172]
Vì vậy, ngày 17/7 Bộ Ngoại giao gửi điện cho lãnh sự quán tại Manila hỏi: “Rốt cuộc quần đảo nhỏ này nằm ở đâu? Có phải là quần đảo Tây Sa (Îles Paracels) không và trên đảo hiện nay có người Trung Quốc cư trú không?”[173] Cùng ngày, họ cũng gửi điện cho đại sứ quán tại Pháp và Bộ Hải quân, hỏi ý kiến về nội dung tương tự.[174] Ngày 18/7 lại gửi điện cho đại sứ quán tại Pháp dò hỏi thái độ của Bộ Ngoại giao Pháp đối với việc này.[175] Lúc này, Bộ Ngoại giao không biết cái gọi là “9 đảo nhỏ” ở đâu, và điều họ quan tâm nhất là liệu 9 đảo nhỏ có phải là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) không. Điều này là do hồi năm 1932 Pháp đã lên tiếng tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, và Trung Quốc sợ rằng Pháp đã lặng lẽ chiếm Hoàng Sa rồi.
Bộ Hải quân trả lời Bộ Ngoại giao sớm nhất: “Xét địa điểm 115° kinh Đông, 10° vĩ Bắc nằm giữa đảo Philippines và An Nam, không có 9 đảo nhỏ nào. Địa điểm này nằm ở phía Bắc giữa đảo Philippines và An Nam, cái gọi là 9 đảo thuộc quần đảo Tây Sa (Îles Paracels) rất gần đảo Quỳnh Châu…”, và đã liệt kê ra 9 đảo của Hoàng Sa cho là 9 đảo nhỏ này.[176]
Qua tin tức báo chí, các địa phương và đoàn thể dân chúng cũng bắt đầu chú ý đến việc này, tới tấp gửi thư đến Bộ Ngoại giao yêu cầu “bảo vệ quốc thổ”. Lúc này, dư luận đều cho rằng 9 đảo nhỏ là quần đảo Hoàng Sa, và cái mà những đoàn thể này muốn bảo vệ cũng đương nhiên là quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ, ngày 25/7, Uỷ ban chỉnh lí Đảng vụ Hán Khẩu gửi điện “Theo báo chí đăng tin thì Pháp đã chiếm 9 đảo nhỏ ở Tây Sa của ta, nếu việc này không phải tin đồn thì kẻ cướp đã làm tổn hại chủ quyền lãnh hải của ta, và càng ảnh hưởng đến toàn bộ việc phòng thủ biển”.[177] Bộ Tổng chỉ huy Lộ quân 19 gửi điện: “Sau nỗi đau Đông Bắc, người Pháp lại bắt chước chiếm lấy quần đảo Tây Sa của chúng ta”.[178] Hội Hậu viên Ngoại giao Dân quốc gửi điện: “Các đảo Thất Châu Dương Tây Sa xưa nay thuộc bản đồ nước ta… người Pháp giờ đây đột nhiên thừa dịp ta gặp nguy nan ngang nhiên chiếm đóng”.[179] Ngày 28/7, phân hội chính phủ Tây Nam yêu cầu chính phủ “dựa vào lí lẽ để phản đối nghiêm khắc phía Pháp”, yêu cầu “chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra phản đối với lãnh sự quán Pháp ở Quảng Đông”.[180] Ngày 2/8, đoàn đại biểu hội đồng hương Quỳnh Nhai ở Bắc Kinh gửi thư cho Bộ Ngoại giao: “Theo điều tra riêng thì các đảo san hô này chính là tên gọi khác của quần đảo Tây Sa thuộc Quỳnh Nhai”.[181] Cùng ngày, chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra kháng nghị tới lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu. Ngày 3/8, Hội Công nhân kháng Nhật thành phố Nam Kinh kháng nghị việc Pháp chiếm đóng 9 đảo nhỏ, và gửi điện thông báo cho cả nước.[182]
Ngày 25/7, chính phủ Pháp chính thức đăng lên công báo, tuyên bố 9 đảo nhỏ thuộc về nước Pháp, lúc này tên và tọa độ của các đảo đã được công bố.[183] Nhưng do khoảng cách xa xôi và sự chênh lệch múi giờ, vào ngày 27 Bộ Ngoại giao vẫn gửi điện cho lãnh sự quán tại Pháp “báo chí đưa tin vào ngày 25 chính phủ Pháp chính thức tuyên bố 9 đảo nhỏ nước này chiếm thuộc lãnh thổ Pháp, có chắc chắn tên, kinh độ và vĩ độ của 9 đảo nhỏ được đề cập không, và liệu chúng có thuộc quần đảo Tây Sa (Îles Paracels) không, mong nhanh chóng điều tra xác minh tỉ mỉ và gửi điện trả lời Bộ Ngoại giao”.[184] Cùng ngày, Cố Duy Quân gửi điện trả lời, nói rằng vẫn chưa nắm rõ vị trí cụ thể.[185] Cùng ngày, Bộ Ngoại giao cũng nhờ lãnh sự quán ở Philippines và tỉnh Quảng Đông kiểm tra lại một lần nữa xem 9 đảo nhỏ có phải thuộc quần đảo Tây Sa không.[186]
Lúc đó đúng vào dịp tròn một năm sự kiện tranh chấp Trung – Pháp đối với Hoàng Sa xảy ra ngày 18/9 năm trước, nhiều thư từ và điện báo đều đã liên kết sự kiện 9 đảo nhỏ với việc mất lãnh thổ ngày 18/9 để công kích. Chính phủ Dân quốc dù khi đó vẫn chưa làm rõ được 9 đảo nhỏ có phải là quần đảo Tây Sa hay không nhưng cũng không thể không bày tỏ thái độ trước được. Ngày 26/7, “Thân báo” đưa tin: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: các đảo san hô giữa Philippines và An Nam chỉ có ngư dân của ta cư trú trên đảo, và được quốc tế công nhận là lãnh thổ Trung Quốc, mới biết được công báo của Pháp lại chính thức tuyên bố chiếm đóng, dựa vào điều gì mà làm như vậy, chính phủ Pháp cũng chưa công bố lí do, Bộ Ngoại giao ngoài việc gửi điện cho đại sứ quán tại Pháp hỏi tình hình thực tế ra sao, hai Bộ Ngoại giao và Bộ Hải quân hiện đang tích cực tìm biện pháp đối phó, sẽ đưa ra phản đối nghiêm khắc đối với hành động này của phía Pháp”.[187] Trong toàn bộ sự kiện 9 đảo nhỏ, đây là bản tuyên bố duy nhất do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, trong đó nêu rõ “các đảo san hô nằm giữa Philippines và An Nam” thuộc “lãnh thổ Trung Quốc”, nhưng rõ ràng trong nhận thức của Bộ Ngoại giao, 9 đảo nhỏ ở đây vẫn là chỉ quần đảo Tây Sa.
Đến cuối tháng 7 mới có người uốn nắn nhận thức sai lầm của chính phủ Trung Quốc và báo chí. Ngày 31/7, phóng viên Vương Công Đạt của “Anh văn Bắc Bình thời sự nhật báo” (英文北平時事日報: Nhật báo thời sự Bắc Bình tiếng Anh) gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là La Văn Cán:
Gần đây vấn đề về 9 đảo Nam Hải của Pháp rất ồn ào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết nước ta đang bắt tay vào điều tra và chuẩn bị đưa ra kháng nghị, mà tiền đề chính của kháng nghị là nếu đó đúng là quần đảo Tây Sa…
Hôm nay điều tôi muốn kiến nghị là: chúng ta không được làm trò cười về mặt ngoại giao! Bởi vì đó không phải là quần đảo Tây Sa, càng không phải là lãnh thổ Trung Quốc, điều đó đã được chứng minh bằng mấy ngày đêm tra xét học thuật.
……
Sự thực này, hiện nay đã chứng minh là rất chính xác, tôi từng thảo luận với Bonavita về sơ đồ sẽ đăng tải trên báo của chúng tôi, hiện đang gửi để đọc duyệt. Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng Trương Kì Vân nói rằng ở Nam Hải ngoài Tây Sa ra không có đảo nào khác, điều này thật sự là nỗi nhục lớn của giới học thuật nước ta….[188]
Qua tài liệu, báo chí nước ngoài cũng như thảo luận với trung tá Bonavita, tùy viên quân sự đại sứ quán Pháp ở Bắc Bình, Vương Công Đạt biết được vị trí chính xác của 9 đảo nhỏ, liệt kê chi tiết tên các đảo, đã vẽ ra sơ đồ 9 đảo nhỏ mà Pháp chiếm, và trước đó đã có đăng trên báo và tạp chí. Là một phóng viên tin tức còn non trẻ (khi đó Vương Công Đạt chưa tốt nghiệp đại học, chỉ làm kiêm nhiệm ở báo), thông tin có được lại nhanh chóng và chuẩn xác hơn hệ thống ngoại giao, báo chí, học thuật khổng lồ. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc không biết gì về biển Đông, học giả về địa lí đầy quyền uy kiêm nhân viên quan trọng của chính phủ là Trương Kì Vân thậm chí còn cho rằng ‘ở Nam Hải ngoài Tây Sa ra không có quần đảo khác’, sự thiếu hụt tri thức và cách làm qua loa đại khái khiến người ta phẫn nộ. Chẳng trách Vương Công Đạt cười vào mũi ông ta.
Ngày 29/7 tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila gửi điện trả lời, chỉ ra 9 đảo nhỏ này nằm cách quần đảo Tây Sa vào khoảng 350 hải lí về phía Nam nhưng không chỉ ra tên các đảo.[189] Mãi đến ngày 31/7, Cố Duy Quân mới từ Pháp gửi điện về nói rằng cái gọi là 9 đảo nhỏ thật ra là 7 đảo nhỏ nằm giữa Việt Nam và Philippines, cũng đề cập đến việc Nhật Bản bảo lưu quyền phản hồi đối với Pháp, nhưng vị trí cụ thể vẫn chưa rõ, chỉ còn việc các đảo nhỏ này có phải thuộc Trung Quốc hay không, Bộ Hải quân phải có hải đồ mới có thể tra cứu, kiến nghị Hải quân cần phải khảo sát thực địa.[190] Ngày 1/8, Cố Duy Quân lại gửi điện, báo cho Bộ Ngoại giao biết tên gọi của 7 đảo nhỏ.[191] Lúc này, Bộ Ngoại giao cuối cùng cũng hiểu rõ sơ bộ rằng 9 đảo nhỏ không phải quần đảo Tây Sa. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao không chú ý nhiều đến 9 đảo nhỏ này, ngược lại hết sức lo lắng về quần đảo Hoàng Sa, vì lúc này có tin toàn quyền Nhật Bản ở Đài Loan cũng có thể yêu cầu Nhật Bản chiếm quần đảo Hoàng Sa theo cách tương tự như Pháp. Vì vậy, ngày 2/8, Bộ Ngoại giao chuyển thông điệp cho Bộ Hải quân và tỉnh Quảng Đông, yêu cầu Bộ Hải quân phái tàu chiến trú phòng, và tỉnh Quảng Đông cùng phụ giúp.[192] Về 9 đảo nhỏ, Bộ chỉ nói “dự định sẽ tuyên bố bảo lưu quyền của ta đối với thông báo của Pháp trước khi chưa điều tra xác minh rõ”.[193] Trong “Tóm tắt về 9 đảo nhỏ bị Pháp chiếm” được viết vào khoảng ngày 3/8, về phương án cho 9 đảo nhỏ đã đề xuất: (1) Điều tra tỉ mỉ vấn đề các đảo này theo các khía cạnh quan hệ khác nhau; (2) Gửi công hàm cho Đại sứ quán Pháp, đề nghị tra cứu trả lời về tên cũng như kinh độ, vĩ độ của các đảo mà Pháp chiếm đóng, và trước khi kiểm tra rõ các đảo mà Pháp chiếm đóng, chính phủ Trung Quốc tuyên bố bảo lưu quyền lợi đối với chúng.[194]
Do đó, ngày 4/8 Bộ Ngoại giao gửi công hàm đến đại sứ quán Pháp ở Nam Kinh:
Gần đây theo báo chí đưa tin, hiện chính phủ Pháp đã dựng cờ, chiếm đóng 9 đảo nhỏ nằm giữa An Nam và Philippines trên biển Trung Quốc; và chính thức tuyên bố các đảo nhỏ này từ nay sẽ thuộc lãnh thổ nước Pháp. Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến hành động này, muốn nhờ quý Công sứ kiểm tra lại tên gọi, vị trí cũng như kinh, vĩ độ của các đảo này. Trước khi xác minh chắc chắn, đối với tuyên bố kể trên của chính phủ Pháp, chính phủ Trung Quốc bảo lưu quyền lợi đối với chúng.[195]
Sau đó, vào ngày 5/8 Đại sứ quán Pháp đưa ra bản đồ vị trí các đảo cho phía Trung Quốc, và xác định rõ những đảo nhỏ này cách quần đảo Tây Sa 300 hải lí về phía Nam, không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bởi vì lãnh thổ Trung Quốc chỉ tới đảo Đặc Lí Đồn (特里屯/Tè lǐ tún – phiên âm của Triton), với hai bằng chứng được đưa ra: thứ nhất là “Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh đồ” xuất bản tháng 3/1932, cực Nam trong bản đồ chỉ đến Tây Sa và có ghi “Đảo Đặc Lí Đồn là điểm cực Nam của nước ta”; thứ hai là sách “Tối tân thế giới hình thế nhất lãm đồ” xuất bản tháng 3/1933 do Hồng Mậu Hy chủ biên, điểm cực Nam trong bản đồ thứ 6 của sách này cũng chỉ là đảo Đặc Lí Đồn. Và chú thích nêu rõ “cực Nam, vĩ độ 15° 46’, đảo Đặc Lí Đồn, thuộc quần đảo Tây Sa.[196]”[197] Ngày 10/8 Đại sứ quán Pháp lại gửi đến bảng liệt kê tên và tọa độ chi tiết các đảo. Đến lúc này, Bộ Ngoại giao cuối cùng mới xác định được vị trí 9 đảo nhỏ.
Trong tuần sau đó, các bộ trong chính phủ, các lãnh sự, sứ quán của Trung Quốc bận liên hệ với nhau, cũng bận giải thích cho các đoàn thể đã có gửi điện trước đó rằng 9 đảo nhỏ không phải là quần đảo Tây Sa. Bộ trưởng La Văn Cấn còn gửi thư cho Vương Công Đạt, cảm ơn anh ta đã cung cấp cho những tư liệu đầy đủ, giúp ích rất nhiều. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao còn hỏi ý kiến tỉnh Quảng Đông; “sứ quán Pháp nhắc đến đảo Đặc Lí Đồn Triton Island (15° 46’ vĩ Bắc) được ghi chép trong sử địa nước ta là lãnh thổ cực Nam của nước ta, đủ cho thấy phía Nam đảo Đặc Lí Đồn không có liên quan đến chủ quyền Trung Quốc…, quý tỉnh có bằng chứng vững chắc nào khác đủ để chứng minh phản lại rằng 9 đảo này thuộc lãnh thổ nước ta không?”[198] Bốn ngày sau tỉnh Quảng Đông trả lời: Khi tàu chiến Pháp chiếm 9 đảo nhỏ này thì có ngư dân Trung Quốc đánh cá ở đó.[199] Còn lãnh sự quán ở Manila cũng nêu: Có hơn 9 đảo nhỏ ở đây, và có ngư dân Trung Quốc từ Hải Nam đánh bắt đồi mồi và cá, người Nhật từ lâu cũng đã khai thác phân chim ở đây.[200]
Lúc này dân chúng cũng bắt đầu biết được 9 đảo nhỏ không phải quần đảo Tây Sa, nhưng thư từ của báo chí, đảng bộ, đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương… ở các nơi vẫn tới tấp gửi đến Bộ Ngoại giao và chính phủ, cho rằng ngư dân Hải Nam từ lâu đã đánh cá ở đây, 9 đảo nhỏ thuộc Trung Quốc, yêu cầu chính phủ bảo vệ chủ quyền. Ngày 16/8, Hội Nông dân huyện Ninh Hải, tỉnh Chiết Giang gửi điện cho chính phủ, đề xuất kháng nghị việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ. Ví dụ, ngày 18/8, Tổng Công đoàn thành phố Thượng Hải gửi điện yêu cầu chính phủ đưa ra kháng nghị với phía Pháp. Ngày 22/8, Hội Thương mại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang đã yêu cầu chính phủ phản đối Pháp. Ngày 23/8, Công đoàn thuyền viên dân thuyền huyện Ngân, Chiết Giang đưa ra kháng nghị việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ. Ngày 26/8, Công đoàn ngành tơ lụa Thượng Hải gửi điện yêu cầu chính phủ kháng nghị và giao thiệp với phía Pháp. Không nêu hết.
Mặc dù dân tình sôi sục, nhưng chính phủ lại chậm chạp không có hành động chính thức. Đến ngày 20/8, Bộ Ngoại giao vẫn còn tiếp tục điều tra.[201] Ngày 23/8, Nhật Bản đưa ra kháng nghị chính thức với Pháp.[202] Nhưng phía Trung Quốc vẫn không có hành động gì. Cuối cùng, sự kiện này bị bỏ mặc. Báo chí đành phải than vãn: “sự ‘điều tra kĩ càng’ của Bộ Ngoại giao vẫn chưa biết ngày nào mới có thể ‘tìm ra được đối sách phù hợp’”, “tiền đồ thật đáng sợ”.[203]
Trong toàn bộ sự kiện, đến ngày 26/7 khi tình hình vẫn chưa rõ ràng và chính phủ Trung Quốc cho rằng 9 đảo nhỏ là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), người phát ngôn nói rằng 9 đảo nhỏ là lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi xác định rõ 9 đảo nhỏ không phải là Tây Sa (Hoàng Sa), lại chỉ gửi một công hàm bảo lưu quyền lợi, không hề có bất kì kháng nghị và giao thiệp tiếp theo nào, và cũng không đưa ra phản bác đối với bằng chứng phía Pháp đưa ra rằng 9 đảo nhỏ không thuộc Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn thái độ của Nhật Bản. Được ghi chép nhiều nhất trong hồ sơ chỉ là kháng nghị của tỉnh Quảng Đông, còn người Pháp không hề coi kháng nghị của chính quyền địa phương vốn không có quyền ngoại giao là kháng nghị chính thức của nhà nước. Đây chính là lí do vì sao tư liệu nước ngoài đều cho rằng Trung Quốc không phản đối.
Có thể có mấy nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc tỏ thái độ như vậy: thứ nhất, bằng chứng phía Pháp đưa ra thực sự có sức mạnh, Trung Quốc khó bác bỏ; thứ hai, chính phủ Trung Quốc cũng biết việc ngư dân đến đánh cá không phải là bằng chứng có sức mạnh, còn tiếng nói của người dân là do không hiểu luật quốc tế, và Bộ Ngoại giao thì biết rất rõ điều này; thứ ba, Trường Sa khi đó là đối tượng tranh chấp giữa Pháp và Nhật, Trung Quốc hi vọng sẽ được lợi từ tranh chấp này. Ngày 1/9, Bộ Tham mưu đệ trình thư “Ý kiến về quan hệ và biện pháp về mặt quân sự của việc Pháp chiếm 9 đảo”, cho rằng “đối với việc Pháp chiếm 9 đảo tạm thời giữ thái độ bình tĩnh là có lợi”, bởi vì: tuy về mặt lịch sử 9 đảo nhỏ có khả năng là lãnh thổ của Trung Quốc, có ngư dân Trung Quốc cư trú, do đó có thể lấy đó làm lí do để duy trì là lãnh thổ nước ta, nhưng không rõ liệu có các công trình về chính trị, giao thông và sự nghiệp hay không cũng như có từng tuyên bố với nước ngoài hay không, hãy tạm giữ bình tĩnh bảo lưu quyền đánh cá để thoái thác, dường như cũng không làm tổn hại đến quốc thể. Về mặt quân sự, hải quân Trung Quốc mỏng yếu, ngay cả các đảo ven biển như quần đảo Chu Sơn, đảo Hải Nam, và quần đảo Tây Sa cũng không thể bảo vệ, nói gì đến 9 đảo nhỏ này; nếu Nhật Bản chiếm 9 đảo nhỏ thì cửa ra vào của Trung Quốc bị phong tỏa hoàn toàn; còn Pháp chiếm đóng thì thế lực Nhật Bản không thể xâm nhập vào. “Nay chi bằng ném khúc xương để cho hai chó Nhật, Pháp tranh nhau”, để Pháp, Anh và Mĩ liên kết thành một phòng tuyến chống lại Nhật Bản là có lợi cho Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, nếu như cố gắng chiếm 9 đảo nhỏ thì chẳng những không giành được mà còn tạo cho Nhật Bản có cái cớ để tranh đoạt quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), như thế thì bất lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, việc cần kíp hiện nay là đẩy nhanh việc xây dựng ở quần đảo Tây Sa, và thực thi chủ quyền ở Tây Sa.[204] Văn kiện này đã giải thích tương đối đầy đủ nguyên nhân vì sao chính phủ Trung Quốc không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với 9 đảo nhỏ mặc dù dân tình sôi sục.
[134] Xem các thư từ qua lại trong “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 146-169.
[135] Annex 10, SOPSI, p.184-186.
[136] Vương Thiết Nhai biên soạn: Trung ngoại cựu ước chương hối biên, quyển 1, Tam liên thư điếm, 1982, tr. 513.
[137] Tiếng Pháp là: Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la commission de délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105°43’ de longitude est, c’est – à- dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-kou ou Ouan – chan (tra-co) et formant le frontière sont également attribuées à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.
[138] Miêu tả này xem Thẩm Cố Triều: Về vùng nước lịch sử của Vinh Bắc Bộ, Nghiên cứu Sử địa biên cương Trung Quốc, 2000, quyển 10, số 4, tr. 44-59.
[139] “Ghi chép về Hội nghị khí tượng Viễn Đông”, 26/6/1930, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 234-239.
[140] “Bản chép quan hệ giữa hai trạm thiên văn Từ Gia Hội và Hải Phòng với chính phủ Pháp”, ngày 4/9/1934, số 6077, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 241-242.
[141] “Sao lục bản chép của Bộ pháp ngoại về vấn đề quần đảo Tây Sa”, ngày 27/10/1933, Tổng tự số 549, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 200-212, nguyên văn tiếng Pháp xem tr. 207-212. Xem thêm SOPSI, p.85.
[142] “Chỉ thị Bộ Ngoại giao gửi Sứ quán Pháp về sự kiện quần đảo Tây Sa”, ngày 20/3/ 1934, số 3324 Tổng tự, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 213-215. Nguyên văn công hàm xem tr. 223-227.
[143] “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 270-272. Nguyên văn xem tr.272-276.
[144] “Về vụ tranh chấp đảo Tây Sa”, ngày 21/3/1934, số 153, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 217.
[145] “Điện gửi phía Pháp ý kiến thư đối với việc nước ta xây dựng trạm khí tượng trên đảo Tây Sa”, ngày 14/4/1934, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.218.
[146] “Thư gửi Bộ Hải quân ở Nam Kinh của trạm trưởng thiên văn Từ Gia Hội”, ngày 27/7/1935, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.316-317.
[147] “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.352-354.
[148] “Về vụ tranh chấp đảo Tây Sa”, ngày 19/2/1937, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.279-280.
[149] Sau sự việc Pháp biểu thị kháng nghị, xem “Về vụ tranh chấp đảo Tây Sa”, ngày 7/6/1938, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.388.
[150] Phân tích về những tư liệu này xin tham khảo Chương IV sách “Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”.
[151] “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.284-287.
[152] “Hồ sơ quần đảo Tây Sa, Công hàm tóm lược của Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ quán Pháp”, ngày 26-4-1937, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.346-350.
[153] “Hồ sơ quần đảo Tây Sa, Chỉ thị Bộ Ngoại giao gửi Đại sứ quán tại Pháp”, ngày 26/5/1937, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 346-350.
[154] SCSAED, có giả thuyết việc này xảy ra vào năm 1929, về mặt logic, giả thuyết trên chính xác hơn.
[155] Annex 17, SOPSI, p.205-206.
[156] Annex 18, SOPSI, p.207-208.
[157] Annex 19, SOPSI, p.209.
[158] SCSAED, p.5.
[159] SCSAED, p.5
[160] Geoffrey Marston, Abandonment of territorial claims: the cases of Bouvet and Spratly Islands, British yearbook of international law, Vol.57, 337-356..
[161] Như trên.
[162] Như trên.
[163] Như trên.
[164] Như trên.
[165] Như trên.
[166] SOPSI, p.38.
[167] Hồ Hoán Dung, Pháp Nhật nhòm ngó các đảo Nam Hải, Tuyển tập tài liệu các quần đảo Nam Hải Trung Quốc, quyển 8, Vấn đề biên cương Trung Quốc ngày nay, Đài Loan học sinh thư cục, 1975, tr.168.
[168] Journal officiel de la République française, 26/7/1933, p. 7837, from Vietnam Dossier, II, p.20.
[169] Decision No.4762 CHÍNH PHỦ of 1933/12/21, from Vietnam Dossier, II, p.22.
[170] The China Press, 1933/08/24, p.3
[171] “Lịch sử tranh chấp quốc tế”, tr. 275-304.
[172] “Thân báo”, Chín đảo nhỏ dựng cờ Pháp, ngày 16/7/1933, bản in 03.
[173] “Nguyên do nước Pháp chiếm lĩnh 9 đảo nhỏ Nam Hải”, ngày 17/7/1933, số 13872 Âu tự, Điện Bộ Ngoại giao gửi Tổng lãnh sự quán tại Manila, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.27.
[174] “Nguyên do nước Pháp chiếm lĩnh 9 đảo nhỏ Nam Hải”, ngày 17/7/1933, số 13872 Âu tự, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.27-28.
[175] “Thân báo”, Bộ Ngoại giao điều tra việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ, ngày 19/7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), bản in 09.
[176] “Báo cáo trả lời ghi các đảo Pháp chiếm dường như là 9 đảo Tây Sa”, ngày 19/7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.28.
[177] “Xin điều tra rõ, phản đối việc nước Pháp chiếm 9 đảo ở Tây Sa của ta để bảo vệ hải quyền”, ngày 25/7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.30.
[178] “Thư về sự kiện Pháp chiếm 9 đảo nhỏ của ta tặng sách Nam Hải đảo chí”, ngày 29/7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.33.
[179] “Về sự kiện Pháp chiếm đảo nhỏ ở Biển Trung Quốc”, ngày 30/7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.33-34.
[180] “Thân báo”, chính hội Tây Nam thảo luận vụ việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ, ngày 29/7/1933, bản in 03, http://shunpao.egreenapple.com/detail?record=4650&ChannelID=5462&randno=24892&resultid=2349.
[181] “Tường trần sự thật về việc nước Pháp chiếm đóng 9 đảo san hô thuộc Hải Nam”, ngày 2/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.38-39.
[182] “Nghiên cứu cương vực”, tr.192.
[183] “Thân báo”, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp, 9 đảo nhỏ trong Biển Trung Quốc thuộc Pháp, ngày 26/7/1933, http://shunpao.egreenapple.com/detail?record=4650&ChannelID=5462&randno=24892&rsultid=2349.
[184] “Sự kiện Pháp chiếm đóng 9 đảo nhỏ”, ngày 27/7 năm Dân quốc thứ 22, số 37460, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.31.
[185] “Về sự kiện Pháp chiếm 9 đảo nhỏ”, ngày 27/7 năm Dân quốc thứ 22, số 69, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.31.
[186] “Thân báo”, Bộ ngoại giao nhờ cử chuyên viên thăm dò quần đảo Tây Sa, ngày 28/7/1933, http://shunpao.egreenapple.com/detail?record=4650&ChannelID=5462&randno=24892&resultid=2349.
[187] “Thân báo”, Bộ Ngoại giao chuẩn bị đưa ra kháng nghị, ngày 27/7 năm 1933, bản in 03.
[188] “Thư của Vương Công Đạt tòa soạn Bản tiếng Anh Nhật báo thời sự Bắc Bình gửi Bộ trưởng La”, ngày 31-7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.47-49.
[189] “Tuyệt mật (Bản ghi nhớ việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ)”, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.42-44.
[190] “Về sự kiện Pháp chiếm đảo nhỏ ở biển Trung Quốc”, ngày 31/7 năm Dân quốc thứ 22 (1933), số 72 “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.35-36. Đảo Song Tử được Pháp tính là một đảo, Trung Quốc tính là 2 đảo, cho nên có cách phân chia thành 6 và 7 đảo. Còn về vì sao gọi là 9 đảo nhỏ thì có thể là kết quả của những cái sai cứ truyền mãi.
[191] “Điện báo về việc tên gọi các đảo bị Pháp chiếm”, ngày 1/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, 36.
[192] “Mật (Để phòng phía Nhật chiếm đóng quần đảo Tây Sa nước ta phải nhanh chóng phái tàu chiến trú phòng)”, số 14323, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.37. “Mật (Giúp đỡ Bộ Hải quân phái tàu chiến trú phòng quần đảo Tây Sa)”, như trên. “Tuyển tập sử liệu”, tr.123.
[193] Như trên, tr.38.
[194] “Tuyệt mật (Bản ghi nhớ việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ)”, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.42-44.
[195] Ngày 4/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), số 414369, Âu tự, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.50-51.
[196] Nguyên văn: Au sud, Lat. 15°46’, l’île Triton, dans les Paracels.
[197] Sứ quán pháp gửi thư mật đến, ngày 5/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.52-54.
[198] “Mật (Trả lời về bằng chứng tư liệu 9 đảo Pháp chiếm đóng là lãnh thổ nước ta)”, ngày 11/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.66-67.
[199] “Về “vụ” Pháp chiếm 9 đảo nhỏ”, ngày 11/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.74.
[200] “Tổng lãnh sự quán ở Manila trình Bộ Ngoại giao”, ngày 31/8 năm Dân quốc thứ 22 (1933), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.67-70.
[201] “Thân báo”, Bộ Ngoại giao tiếp tục điều tra, ngày 21/8/1933, bản in 03.
[202] “Thân báo”, Nội dung kháng nghị của Nhật Bản, ngày 24/8/1933, bản in 10.
[203] “Thân báo”, Sự kiện Pháp chiếm 9 đảo nhỏ ngoài biển Quảng Đông, ngày 30/7/1933.
[204] “Mật (Chuyển trình Trưởng phòng Bộ Tham mưu Chu Vĩ xin ý kiến về ý kiến thư nghiên cứu quan hệ và ý kiến về mặt quân sự của việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ)”, ngày 1/9 năm Dân quốc thứ 22, thư của Ban Bí thư Uỷ ban Quốc phòng, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.99-105.