Tình yêu

Dạ Ngân

 

Ông là người của trăm năm trước. Thời kinh xáng Xà No mới hình thành, thời Bạch công tử và Hắc công tử dọc ngang trời đất. Thời con cả của điền chủ nhỏ nhịn trường nhịn sách để cho các em trai ra thành ôm mộng trường Tây và chức việc phố thị.

Thẳng thớm dáng tre – thời của những gã trai gạo mới với tôm cá đầy sông đầy đồng. Ba má chọn tông sui gia, không điền chủ không ruộng trăm không lúa ngàn nhưng nhìn nết ăn nết ở nghề vườn của họ thì biết. Cô dâu là gái đầu nhà người ta, mặt chữ điền kín đáo ý nhị, già dặn hơn cái tuổi mười tám. Hai nhà đầu vịnh và cuối vịnh, nhà gái đãi ăn từng món, thời đó là sự lạ, là kiểu cách miệt vườn. Nhà trai tiệc to thiệt là to nhưng sao có món bí đỏ hầm dừa, dân vịnh còn thắp đèn dầu mù u không coi đó là chuyện thua kém. Nhà gái tủm tỉm với nhau, bí hầm dừa, phải rồi, xứ mù u biền lá nước lợ đất phèn thì chỉ có vậy chớ biết sao?

Vợ mang vào nhà chồng cái sở thích hay chạm vào nhau thay lời mỗi khi lời chưa buột ra hoặc không cần buột ra thành lời. Tiếng là con dâu nhà điền chủ nhưng người đàn bà trẻ cũng quần xắn quá gối như đám gia nhân, riêng việc đội cơm cho thợ mùa cấy mùa gặt thì đã muốn còng lưng. Chồng thương, việc đến tay vợ cưng, không thể làm thay nhưng không thể không thương. Làm sao khỏi thức khuya, làm sao che được nắng cho em, làm sao tránh được những vết cỏ bờ mẫu xước trên hai ống chân, nhất là làm sao xỏ dép mà đi bộ hàng cây số lên đồng mỗi ngày trong chín tháng ruộng lúa? Bàn chân gái gốc miệt vườn tõe ra, vợ hay tự trào “Đúng Giao chỉ rồi, khỏi đóng dấu!”.

Được ra riêng, cũng ruộng trăm, vườn thổ cư đất phèn, biền lá ở bến rạch. Vợ nấu xôi cho thợ cấy, khỏi lặn vặn cơm canh. Ngâm nếp, xốc nếp, trộn màu rồi nổi lửa ba bốn chõ xôi cùng một lúc: xôi tím nếp cẩm, xôi vàng màu đậu xanh toàn ruột, xôi lá dứa xanh xanh và xôi trắng. Chồng ngắm thành phẩm của vợ mỗi sáng, không nói nên lời, chỉ cần chạm vào nhau, áp má vào nhau là đủ một ngày tươi đẹp. Con lần lượt, chúng nó thích mùa cấy với xôi bốn màu của má, thích cộ trâu thích mùi trâu và những bữa ăn tôm cá không bao giờ phải mua – người con trai nhà điền chủ không thua bất kỳ gã đàn ông nào về khoản làm ra bữa ăn đủ đầy cho vợ cho con.

Những liếp vườn thẳng tắp, vuông thành sắc cạnh. Sân thổ cư hoa và trái. Chái nhà nền gạch, mỗi cặp cột là một chiếc võng cho con cho cháu. Hàng hiên cao ráo, ông trên võng bà trên bộ ván với cơi trầu, thời gian vó câu bà ơi. Nhưng mà trăng kìa, nằm đây ngắm trăng thiệt đã, ôm cái ra-đi-ô này nghe vọng cổ cũng đủ sướng rồi bà. Bà đâu biết trong đầu ông tuần này là kiên cố cái nhà tắm khang trang hơn nữa cho vợ, tuần sau là máy bơm cái giếng nước để khỏi gạt cần bằng tay. Gì nữa? Chắc phải nới ra cho nhà bếp rộng, phải bóng đèn thước hai mới đủ sáng, hay là làm bếp ga cho đỡ cực héng bà? Khi ông nói to lên việc ấy, bà dịu dàng như thường khi “Nhà trong vườn phải có chái bếp nấu củi ông à, củi chất thành cự cho ngăn nắp cho ra cái ấm áp cái sung túc bếp nhà”. Ông buột miệng “Phải rồi, cho bà một cái võng trong chái nữa, con cái có về, có võng tụi nó cũng thích nấu nướng hơn”. “Ừ, món thịt kho nằm bàn của ông nấu cả buổi trời, không có võng ai canh cho nAổi?”.

Một ngày không thể nào quên, bà gục xuống trong giờ làm lụng thường nhật của mình. Lão nông không rời vợ một giây nào, ông ngồi trên nền gạch, bên cạnh chiếc giường nửa thế kỷ chồng vợ của mình, ông ngồi đó để thủ thỉ mong vợ tỉnh lại và để… để hôn bà. Khắp mặt mũi bà là nước mắt của ông, cái mùi này, cái mùi của xôi bốn màu, của đêm hôm của mưa nắng của con đàn cháu đống, cái mùi này. Bà đã nấn ná với ông mấy ngày đêm, để ông không cần dè chừng ai nữa, chưa bao giờ Ông được ôm Bà và hôn Bà một cách thắm thiết, thanh thiên bạch nhật từng phút từng giờ như vậy. Có trời và có trăng, có mây và có gió, có tiếng dừa rụng ngoài vườn và tiếng tăm cá dưới mương, tất cả, ông và bà, dài hơn không thể dài hơn.

Cô con gái luôn có món thịt kho nhừ trong nồi. Phải có nước dừa tươi, phải có mùi khói bếp, phải là thịt ba rọi thì mới đúng như má mình làm. Cạnh chỗ ông, một cái chén cơm lưng cho vợ, luôn luôn, hàng chục năm như vậy. Rồi Ông cũng theo Bà, chiếc bàn dưới cái bóng đèn thước hai ấy cô con vẫn đặt món thịt kho lên đó cho Ba mỗi bữa trong lúc chưa đoạn tang.

Rất nhiều người tặc lưỡi tình yêu ở đâu ra, chẳng qua là sự cam chịu hoặc là sự bình ổn mà thôi. Tôi cả quyết, rằng Tình Yêu viết hoa vẫn có và mãi có. Một góc bàn một bình hoa một bình trà và hai cái tách bên cửa sổ nhà bạn tôi sớm nay – tôi biết bạn đã thôi bầm dập, bạn đã có được thiên đường, tôi bỗng ứa nước mắt vì Tin và Yêu đây, bạn có biết không hở bạn?

Comments are closed.