DẠY-HỌC VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (15): Tiếng Việt (Sách tự học cho các bạn trên 12 tuổi)

Những điều cần học, muốn học, nhưng chưa học

Nguyễn Thị Thanh Hải và Đinh Phương Thảo

Đầu năm 2015, nhóm Cánh Buồm sẽ cho ra đời một cuốn sách Tiếng Việt mới. Sách Tiếng Việt này được “nén lại” từ sách Tiếng Việt Cánh Buồm các lớp Hai, Ba, Bốn, và Năm. Phần lớp Một học đọc và viết Ngữ âm không đưa vào đây. Những bạn nào trên 12 tuổi, đang học trên bậc tiểu học, nhưng chưa học sách tiểu học Cánh Buồm, có thể dùng sách này để tự tạo cho mình một năng lực ngôn ngữ học khác hẳn. Tất nhiên giáo viên và phụ huynh học sinh cũng có thể dùng sách này để giúp học trò/ con em mình tự học.

Sách này tuần tự dắt dẫn bạn tự học tiếng Việt qua các bước sau:

Phần 1: Tiếng Việt từ đâu ra?

Xưa nay, khi bước vào đời (cuộc đời ở nhà trường) các em được đọc một bài “tập đọc”, qua đó lảy ra mấy từ (thường là từ Hán Việt) để giảng giải và ghi nhớ. Cách học ấy làm cho trẻ em nghĩ rằng từ ngữ tiếng Việt chỉ nằm trong sách và chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu!

Được “nén” từ sách Tiếng Việt Cánh Buồm lớp Hai, phần 1 của sách này dắt dẫn bạn đi từ nguồn gốc sinh ra các từ tiếng Việt, rồi tự tìm ra cách phát triển tự nhiên của các từ tiếng Việt. Trình tự như sau:

1.a./ Tín hiệu: khi chưa có tiếng nói, người xưa dùng cách gì để thông tin, giao tiếp?

1.b./ Tín hiệu lời nói ra đời: từ thuần Việt một âm tiết (một tiếng).

1.c./ Sự phát triển từ thuần Việt một âm tiết thành từ ghép.

1.d./ Sự phát triển từ Hán Việt qua vay mượn văn hóa.

1.e./ Sự du nhập từ mượn của phương Tây.

Cách học này giúp người học tự sản sinh ra từ ngữ chứ không cóp nhặt từ ngữ qua những bài tập đọc.

Phần 2: Làm sao nói thạo tiếng Việt?

Vốn cơ bản của tiếng nói là từ ngữ. Nhưng con người không thể thông tin cho nhau bằng từ ngữ cộc lốc. Phải nói bằng câu.

Được “nén” từ sách Tiếng Việt Cánh Buồm lớp Ba, phần 2 của sách này dắt dẫn bạn đi từ phân loại các từ tiếng Việt, để bước sang hính thức cấu tạo Chủ ngữ-Vị ngữ của câu nòng cốt tiếng Việt, và sau đó tự học sang lô-gich của câu tiếng Việt. Trình tự như sau:

2.a./ Phân biệt từ đồng âm khác nghĩa để phân loại từ.

2.b./ Phân biệt các loại từ: động từ và động ngữ, danh từ và danh ngữ, tính từ và tính ngữ.

2.c./ Tổ chức câu theo cấu tạo Chủ-Vị.

2.d./ Tổ chức câu theo cấu tạo lô-gich.

Cách học này cũng giúp người học sản sinh ra câu lời nói, chứ không coi câu chỉ là những thí dụ trong sách Tập đọc.

Phần 3: Viết văn tiếng Việt thế nào?

Con người sống chung với nhau có lúc cần phải trình bày, giảng giải, tranh cãi, thuyết phục nhau, nên sau khi đã “giỏi” về từ ngữ, sau khi đã “thạo” về cú pháp, thì cần rèn luyện cách viết văn bản. Đó là nội dung phần 3 nén lại từ sách Tiếng Việt Cánh Buồm lớp Bốn.

Học theo cách học của phần 3 này, sau một tháng, các bạn có thể có kỹ năng nói và viết mạch lạc về một đề tài. Các bạn sẽ không cần (thậm chí không thích) cầm giấy đọc ý kiến của mình.

Phần 4: Có mấy kiểu hoạt động tiếng Việt?

Cuối cùng, năng lực lập luận học ở phần 3 sẽ dẫn các bạn sang ba kiểu hoạt động ngôn ngữ trong cuộc sống: ngôn ngữ khoa học lập luận với khái niệm, ngôn ngữ hành chính lập luận với luật pháp, và ngôn ngữ xã giao huy động vốn ngôn ngữ tinh tế của con người.

Phần này cũng kết thúc chương trình môn Tiếng Việt 4 năm học bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm (từ lớp Hai đến lớp Năm). Bốn năm học “nén lại” để dùng trong khoảng thời gian dài ngắn tùy quỹ thời gian của bạn.

Dù tự học riêng, hoặc cùng tổ chức học theo nhóm, hoặc học ở lớp có giáo viên hướng dẫn, tinh thần chung của cách học là thực hiện các việc làm để tự tìm ra tri thức. Đôi khi giáo viên có thể giảng bổ sung để người học hiểu sâu hơn, yêu thích hơn những điều đang học.

Comments are closed.