Thơ viết ở Trường Sa – Phạm Xuân Nguyên

Pham Xuan Nguyen - TSPhạm Xuân Nguyên: Tôi vốn không phải là nhà thơ nhưng cảm xúc và ấn tượng trong hai chuyến ra thăm Trường Sa (5/2010 và 5/2012) đã làm bật lên trong tôi tiếng thơ như sự đồng cảm chung sức chung lòng với các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Đó cũng là tình cảm yêu nước của tôi. Trong những ngày này, khi nhân dân cả nước đang biểu thị quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển của tổ quốc trước hành động trắng trợn gây hấn của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 chà đạp công lý và công pháp quốc tế, tôi càng nhớ đến những người lính của chúng ta ở Trường Sa. Tôi vững tin họ sẽ không để cho những kẻ có dã tâm coi Biển Đông như ao nhà muốn làm gì thì làm. Cả nước đang đoàn kết đứng lên bảo vệ tổ quốc cùng những người lính Trường Sa.

 

 

ĐƯỜNG CHÂN TRỜI

 

 

Tôi nói cùng anh về đường chân trời

không phải giới hạn của mắt nhìn ra biển

không phải nơi xa vời chân đi không thể đến

không phải chốn bồng bềnh, hư ảo chân mây

 

Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây

chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt

là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết

người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi

 

Là Cô Lin – Gạc Ma, sừng sững đường chân trời

sáu mươi tư chiến sĩ hải quân hy sinh vì nước

máu các anh không thể nào tan được

giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời

 

Đường chân trời tôi đi từ những tiếng cười

những ánh mắt của trẻ thơ trên đảo

từ hàng cây bão táp, phong ba chịu nhiều gió bão

vẫn xanh hết màu xanh cho đảo hóa quê nhà

 

Tôi vạch đường chân trời qua những giàn DK

người và sóng lắc lư trên biển

những người lính lấy thân mình làm bến

cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền

 

Cho yên cả lòng mình nhớ vợ thương con

đường chân trời chạy qua bao số phận

người trên bờ mong trời êm biển lặng

người giữa khơi lo yên ổn ở nhà

 

Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa

đường chân trời xa ngoài trùng biển cả

đường chân trời gần trong vùng thương nhớ

suốt đời ta mang nợ những chân trời

 

                                      Trường Sa 11/5/2010

 

 

 

CHUÔNG CHÙA TRƯỜNG SA

 

 

Tiếng chuông trên đảo Sinh Tồn

Mang mang cõi Phật muôn muôn cõi người

Mênh mông biển bao la trời

Mái chùa thân thuộc ngàn đời hiện ra

Trường Sa bỗng hóa quê nhà

Câu kinh tiếng mõ gần xa sớm chiều

Lẫn trong tiếng trẻ hò reo

Đảo xa dường bớt quạnh hiu tháng ngày

Nhớ thương khuất nẻo chân mây

Tâm linh gửi bóng sư thầy vào ra

 

Chuông vang khắp đảo Trường Sa

Biển Đông lãnh thổ nước nhà là đây

Chuông vang nam bắc đông tây

Trời kia biển đó đảo này của ta

Chuông Trường Sa vọng Hoàng Sa

Vọng vang biển đảo sơn hà Việt Nam

Chuông kêu khấn nguyện bình an

Mẹ cha ở cuối thôn làng ngóng con

Chuông kêu chờ đợi sắt son

Người đi nhớ vợ thương con chập chùng

Chuông kêu bảy sắc cầu vồng

Những người lính trẻ dõi trông lên bờ

Chuông kêu rình rập kẻ thù

Máu đào còn nguyện thắm cờ vàng sao

 

Vượt lên mọi tiếng gầm gào

Đất liền hải đảo nối vào tiếng chuông.

 

 

21-23/5/2012

Viết từ đêm ngủ cạnh chùa trên đảo Sinh Tồn sáng dậy nghe tiếng chuông

 

 

 

CÂY PHONG BA

 

 

Xa Trường Sa nghe nói cây phong ba

Em nghĩ đó một loài cây cao lớn

Gốc thân to, cành vươn ra lực lưỡng

Thế mới xứng danh tên gọi phong ba

 

Bởi vì phong ba nghĩa là sóng gió

Đảo giữa trùng khơi sóng gió liên hồi

Cây phải khỏe mới đủ sức chống đỡ

Để sống hiên ngang giữa biển và trời

 

Ra Trường Sa em tìm mãi khắp nơi

Không thấy đâu loài cây như tưởng tượng

Chỉ những cây bàng vuông xòe tán rộng

Với những hàng cây chen chúc lá hoa

 

Và anh bảo: đó là cây phong ba

Em vỡ òa niềm ngạc nhiên xúc động

Ôi phong ba, phong ba, cây ra hoa trên cát bỏng

Như anh, người lính đảo của em

 

Rời Trường Sa, em mang về đất liền

Một hình dáng cây phong ba rất thực

Mềm mại, xanh tươi, nhưng đầy sức lực

Thách mọi kẻ thù! Thách mọi phong ba!

 

Viết tại Song Tử Tây 18.5.2012

 Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.