Những bức thư của nhạc sĩ Lê Thương gửi qua Pháp (trích)

KỲ III

Phương Hương (Thích Nữ Chân Không)

 

Tin mừng

Trong lá thư viết ngày 30.8.1981 anh Lê Thương báo tin là anh cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh hơn vì anh đã có sức để làm việc và nghiên cứu, sáng tác. Những dòng báo tin như thế khiến tôi lên tinh thần hơn, ít ra cũng làm sống lại nguồn cảm hứng của một bậc nhân tài đàn anh.

Lê Thương viết:

Tôi nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam và Đông phương từ hàng chục năm nay – trong lúc thấy người ta tranh giành quyền lợi quá nhiều, nên tôi càng thấy cái lẽ sâu nhiệm của triết lý Đông phương về các chữ TÂM, HÒA, ỨNG, ĐỐI trong nhạc cổ. Biết rằng đó là con đường rất xa xưa và nó không đem lại gì nhiều về lợi nhuận vật chất đó, nhưng nó giúp cho phần tư tưởng của tôi rất nhiều bổ sung vào tình đời, như tình nhân loại. Chung quanh tôi chắc chẳng ai lưu ý lắm đến những thứ “mơ mộng cũ càng” ấy nhưng mà đó chính một nơi trú ngụ cho tâm hồn từ mấy năm đổi đời vừa qua.

Do đó cuộc sống hiện nay của tôi hầu như không sóng gió, không có buồn phiền gì nhiều, trái lại vẫn còn thanh thản gần như vô tư. Có bực mình cũng chỉ vài giờ, vài ngày rồi quên hết mà an  phận. Bận rộn luôn hồi đấy, nhưng đêm khuya từ khoảng 23 giờ tôi vẫn viết lách suy tư một mình cho đến khoảng 2 giờ rưỡi sáng mới đi ngủ, một giấc ngủ ít có mộng mị. Như trên đã nói, vào thu năm Dậu này tôi thấy có một sự thoải mái nhẹ nhàng, mặc dầu đối với việc tôi về hưu (một thứ “thất sủng” chăng?) và tuổi cao vùn vụt – con cái lớn lên đùng đùng và thời thế hầu như không tạo bình tĩnh cho ai lưu tâm tới ngày mai ngày mốt. Sức khỏe thì quả là dồi dào và sức làm việc bền bỉ. Hiện tôi đang sáng tác cho các đàn dân tộc, tranh, nguyệt, sáo, độc huyền, v.v. để thí nghiệm ít điều hiểu biết của mình. Lại một con đường khô queo ít lá xanh hoa đẹp nhưng là lối đi về nguồn hữu ích cho những năm bế tắc sau đây. Cái lối tiến về tân nhạc hầu như tắc nghẽn đối với số đông nhạc sĩ tiền chiến, tiền cách mạng, nên đó cũng là một lối thoát. Nhớ đến xa xôi, đến bạn bè cũ thì không thể quên là mình đang ở trong xứ sở trao đổi nhau nỗi nhớ quê hương với nỗi nhớ xa vời, nhớ chân trời xa lạ nhưng cũng không thể quên cái thực tế phũ phàng là không phải nơi đâu cũng là thiên đàng cả. Chỉ có đám trẻ là cần nhiều chân trời, còn các lão trượng thì đời cứ dài thêm không chừng đến ngày mai lại sáng, hoặc ngày mốt lại tươi, không thể biết được.

 

4/6/82

Mến gởi Phương Hương,

Tôi yên trí là lúc này P Hương bận rộn thêm nhiều vì dân tộc Tây gốc Lạc Việt di tản sang bên nước Phalangsa càng đông và tất cả không ít thì nhiều cũng thích có bệnh gì đó để được săn sóc kỹ càng, giặt giũ cái thân thể hơi kẹt các thứ bụi bặm và rửa cả bao tử còn ứ đọng vài thứ mắm khó tiêu cũ.

***

Lê Thương nghĩ rằng tôi còn bận rộn với dân Lạc Việt vào nước Phalangsa (Pháp) nhưng thật ra tôi “đang bí” không biết làm sao để trả lời vô số thư từ của dân Lạc Việt tại các trại tị nạn. Bức thư nào cũng thảm thiết tột cùng. Tôi cứ trở về hơi thở và cầu mong một tuệ giác nào giúp tôi làm thấy sáng ra cách để người trong nước không phải lăn mình vào những cơn ác mộng khủng khiếp ngoài biển và người trong nước biết trân quý những gì còn có trong tầm tay để cải tiến làm tốt hơn cho cuộc đời.

Chắc là tin tức thuyền nhân quá khổ trên đường vượt biên nên ở Sài Gòn thiên hạ phải tìm mọi cách để đi chính thức. Anh Lê Thương viết:

Còn dân Sè Gòng nhất là giới trẻ thì vẫn sùng sục đòi ra đi – giấy tờ xin sum họp chất đống có lẽ cao hàng thước còn những chuyến đi chui thì hầu như vẫn âm thầm lên đường, kẹt đường bị nhốt, hoặc tới nơi điện tín trở về đã tới rồi, chưa biết chết sống ra sao,v.v.

Người Việt Nam tìm cách rời nước bằng đường chính thức

(Trước nhất là phải nộp đơn xin xuất ngoại ở Phòng Công Tác người Nước Ngoài,  trên đường Nguyễn Du, khi giấy tờ duyệt xong ở sở Ngoại Kiều đường Nguyễn Du thì hồ sơ sẽ chuyển sang sở… ở đường Nguyễn Trãi…)

Có những sự căng thẳng tinh thần giấu diếm trong những tròng mắt thanh niên thiếu nữ ngồi trầm ngâm nhấp ly cà phê đắng. Khói thuốc thơm họ phà ra từng tia nhỏ cũng sặc mùi vị viễn du đến nỗi kiểu suy tư thông lệ thường nghe trong câu chuyện hỏi nhau đều na ná như:

 – Anh có đứa nào ở nước ngoài không?

 – Có, 3 đứa, 1 đứa,

 – Nó ở đâu?

–  (hồ sơ nằm ở đường) Nguyễn Du (nơi có phòng “Công tác người nước ngoài”)

– Có gọi bổ túc hồ sơ chưa?

– Rồi…Chưa…

–  Tụi nó tới đâu rồi?

– Ở Bi Đông, ở Sanh Ga Po v.v.

Quang cảnh Sài Gòn giữa năm 1982     

Trong lúc đó các xe đò vẫn chật ních người như xe ôtô buýt – xi nê vẫn đầy nhóc thanh thiếu niên nam nữ xếp hàng dài vài chục thước trưa, chiều, tối kháo nhau về phim “dở quá” hay “hết xẩy”.

Ở chợ thì các bà các cô lâu lâu lại lắc đầu bĩu môi một hai lần vì thịt heo mỡ nạc lúc này lên đến 100 đồng một kilo, cá nục hấp cũng lên vùn vụt không báo động cho ai biết trước. Năm chục bạc xách đi chợ chỉ đem về có 1 món mặn tôm tép hay cá đối 2 ngón tay và một món canh cải. Gạo tổ thì chậm độ một tháng trừ khi tươm tất sớm hơn từ 18 xấp lên mà không làm việc cho nhà nước là không ăn gạo giá nhà nước, chỉ ăn gạo “giá thương lượng” từ 8 đến 10 đồng một ký (còn khá hơn ngoài Bắc nghe đâu 22 đến 24 đồng 1 kí – và rau muống 4 đồng 1 bó – tin do các người ra vào cho hay).

Quán ăn lề đường: Thật là một điều kỳ lạ không ai cắt nghĩa nổi là đời sống như vậy mà sáng chiều tại các hàng lề đường bán cà phê đá chanh, đồ nhậu, cháo huyết, hầm bà lằng vẫn đầy người ngồi coi xe đạp và xe honda chạy ngang chạy dọc, cậu chở cô, ông chở bà đi săn hàng gì đó hay đi ăn nhậu (bia chai 20 đồng một chai, Đuông chiêng bơ 8 đồng 1 con, 1 đĩa xào thịt bò cà chua dưa leo 50 đồng 1 đĩa. Nói gì đến các món lạ: như rùa hầm thuốc bắc 300 đồng nửa con to (rùa nước), rang muối dê núi, thịt rắn, rượu tắc kè vân vân…

Các bao tử Sè Gòong từ xưa đến nay vẫn là cái thùng không đáy. Ở Sở Thú vẫn đông người vào coi – dân  ở dưới quê hay ngoài Bắc vào xem – trẻ con là đông nhất – nhưng súc vật trong Sở Thú thì ốm nhom nhiều con đã tạ thế cho nó đỡ tốn cơm gạo (có lẽ chúng để lại những lời di chúc thê lương thảm đạm).

 

Lê Thương cũng đã viết cho tôi về các ca sĩ từng nổi tiếng một thời trong đó như cô Thái Thanh.

 Sau đây là một đoạn anh viết về Thái Thanh năm 1982.

Tôi và ông Vĩnh Phan lại gặp cô Thái Thanh, cô đang sống với một đứa con gái ở một lầu cao gần Chợ Thái Bình. Cô mời chúng tôi ở lại ăn cơm và câu chuyện sống lại được giở ra từng chương như trang sách album.

Cô và con đã được giấy đảm bảo để sum họp nhưng như hàng ngàn người khác vẫn chờ đợi. Song cô nói: Đi cũng chưa chắc là sướng mà ở lại cũng chưa chắc là khổ.

Đã ngũ tuần nhưng Thái Thanh còn khá đẹp và không chịu “hát chui” nên không thích dự party gì cả. Cô sung sướng nhất trong đời là khi bà cụ má thân yêu của các cô Thái Hằng, Thái Thanh, cùng Hoài Bắc mất năm 81 thì bà cụ đã được hỏa thiêu và tro của cụ đã được người anh là Hoài Bắc đem sang được Los Angeles và đặt tại chùa bên đó.

Đó là một cuộc “di tản nửa vòng trái đất” để được an nghỉ gần các con. Nghĩ đến chuyện này tôi lại nhớ nhiều người khi ra đi theo chương trình ODP (Orderly Departure Program) đã lấy một nắm đất ở quê nhà để ngày ra đi đem nó theo. Thật quả càng nghĩ càng não nề, càng đau xót cho dân tộc, cho kiếp người Việt Nam, đã gian truân qua mấy ngàn năm lịch sử  mà khi thành tro bụi vẫn còn phải phiêu lưu.

Sóng biển và mênh mông phải kính nể các anh linh này mà đưa thuyền tới bến. Tàu thuyền đã tới được bến.

Cô Thái Thanh có ý nghĩ là bà cụ đã có chỗ an nghỉ vững vàng, thì số kiếp người còn lại mặc dầu có sao cũng được yên lòng.

 

Cô hồn sống ở các nghĩa trang Sè Goòng

Nhìn đám chúng sinh ở trần thế thì chẳng thấy gì mà cứ tưởng là đời vẫn đẹp.

Nhưng đó chỉ là mặt ngoài. Có lạc bước vào đến vùng Phú Lâm nơi có lò hỏa thiêu thì mới thấy sợ. Trên một nghĩa trang lân cận có đến hàng trăm gia đình sống nheo nhóc trên các đám mả. Họ sống, họ ăn uống, tiêu hóa bên trên các mả và trẻ con người lớn từ vùng kinh tế mới đang nheo nhóc vật lộn với cuộc sống nơi đó. Mả vô danh, hồn vô danh chắc đã phiêu bạt nơi nào.

Còn có dịp vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mà thường gọi là đất thánh Tây mới khiếp đảm. Không phải trong đó có ma chết gì ráo mà là ma sống.

Chúng gỡ sắt, gỡ mộ bia cẩm thạch, gỡ cái gì bán được và đào mộ người ra để moi xem hòm hay hố nào có răng vàng hoặc có đồ quý nào chôn chung với xác chết. Hàng trăm mả đã bị đào.

Nghe nói có lần công an vào tính tìm bắt và đã bị tụi ma sống ấy đâm bị thương. Ban ngày vào thăm mà cũng ghê sợ. Vì cứ lác đác lại có vài người từ lùm cây um tùm chui ra, nhìn khách lạ xem tính gì rồi đi mất.

Các mả nào quá thường thì còn được để yên còn mả nào có vẻ sang và đẹp đều bị gỡ đá gỡ sắt trông mà hoang tàn ghê sợ.

Quả là cảnh đói kém đã xui những con ma sống ấy trở nên phũ phàng mất nhân tính.

Vài mặt trái vừa bày ra chỉ có ai có dịp đi thăm người nhà người quen, hoặc dự cuộc hỏa táng mới thấy được. Mà thấy rồi thì muốn bỏ hết quyến luyến hiện tại để tìm đất lành nào đó để được sống yên và chết yên. Đau khổ thay.

Tôi nói những điều này, không phải để bôi nhọ cuộc sống, còn bao nhiều vẻ đẹp, mà chỉ chợt nghĩ đến vài nét nhân sinh thê thảm mà người suy tư lương thiện bỗng thấy lòng se lại khi nghĩ đó là đất nước.

Lại một lần, ngưới ta kể lại ở lò thiêu gần Biên Hòa, trên cái đồi đối diện với nghĩa trang Quân Đội cũ. Vào khoảng 1, 2 giờ chiều khi người nhà kẻ quá cố đến lãnh tro xác đã thiêu từ lúc trưa, thì lúc bới tro chỉ có một vài người làm việc trên cái brancard sắt bỗng hiện ra một vài cái răng vàng của kẻ quá cố. Tức thì giữa người bới tro với kẻ lạ mặt vội xúm nhau cướp, giằng co mãnh liệt và ẩu đả.

Kẻ mạnh tay thắng thế, cướp được răng chạy mất biến dạng để người thất trận ở lại hốt tro và người nhà của tang quyến ngơ ngác và uất hận.

Thôi! Nói làm chi nhiều những chuyện buồn thảm đó. Cũng chỉ vì vàng lên giá quá cao kích thích lòng tham quá độ nên mới có nhiều cảnh phũ phàng trái đạo bất nghĩa mà trước đây không ai dám tưởng tượng.

 

Chơi chữ

Câu đối hiện đại

Một cụ mới sang chuyên câu đối hiện đại của một cô bán phở ở Hà Nội hiện giờ. Cô này đẹp và góa chồng mới khoảng 26, 28 cái xuân xanh nên nhiều ông lớn có vẻ ngấp nghé. Song cô tuy thái bánh phở nhanh tay và cắt thịt bò lại càng thánh thót nhưng miệng lưỡi cũng không phải vừa và văn chương còn có vẻ lỗi lạc (làm cho phở của cô bán rất chạy). Cứ ông nào có vẻ tha thiết đòi cưới cô về làm vợ là cô ra cái câu đối ác hiểm như sau:

Nạc mỡ mà chi, em nghĩ chín rồi, xin đừng nói câu tái giá

Các ông cán bộ ngấp nghé cô chỉ nghe câu đối cô ra  cũng đều chạy tét, vừa khen thầm phở của cô thì ngon nhưng câu đối của cô ra thì dai nhách nuốt không dzô.

Có lần một anh cán bộ hạng bét nhưng bao tử lại cao cường đến ăn xong một tô, liền hỏi câu đối ra sao. Nghe xong vừa chùi miệng vừa ứng đáp một cách gan dạ: Mờ nác mì cha”, anh ăn  tái nhiều, xin nấu thêm tô chín nạm.

Cô bán phở sửng sốt nhưng lưu ý riêng về cái vé sau của câu đối lại, cô làm ngay một tô phở chín nạm ú ụ, đặt trược mặt ông khách làm ông ôn này trợn trừng đôi mắt.

–                   Tôi có kêu tô nữa ăn thêm đâu?

–                    Có mà, ông nói “ xin nấu thêm tô chín nạm”?

CB – Thưa, tôi đối lại câu đối cô ra chứ đâu có kêu ăn thêm? (Anh C/Bộ)

Cô – Thưa, vì đồng chí đối lại sai bét, vô lý,  nên câu đối chỉ được coi là câu gọi ăn thêm.

CB – Tôi không có tiền vì thuộc lương hạng 6, văn hóa ở bậc sơ đẳng, nên tôi không thể  “nhất trí” là ăn thêm vì  không có tiền trả.

Cô – Đồng chí nói nhún nhường chứ văn hóa đồng chí  mà đối với  “nạc mỡ mà chi” nói lái lại là “mờ nác mì cha” thì đó là kiểu đùa dai của trí thức tư sản hay dùng. Nó cao cứ không phải thấp! Còn lương hạng 6 là làm sao?

CB – Cô không biết câu ca dao mới về 7 bậc lương đi đôi với bậc phụ cấp – nói từ lâu là:

1/ “Hai trăm” ngồi mà phán (lương 200 cấp bộ trưởng đó)

2/ “Trăm tám ngồi mà nghe”… (cấp thứ trưởng)

3/ Tranh nhà tranh xe là anh trăm rưỡi (cấp cao)

4/ Tất ta tất tưởi là đứa trăm hai (cấp trung cao)

5/ Vừa làm vừa sai là anh chín chục (cấp trung thấp)

6/ Vợ chồng lục đục là thằng 60 (sáu mươi đồng)

7/ Nửa khóc nửa cười là thằng bốn chịch

8/ Chẳng ta chẳng địch là đứa áp phe

Nói chẳng ai nghe là ông nhà nước… à?

Tôi thuộc cấp sáu vợ chồng lục đục nên lâu vợ nó không nấu cơm, tôi đành đi ăn phở nhưng chỉ có tiền trả một tô… Tôi cũng võ vẽ liều đáp lại câu đối – biết đâu “chó ngáp phải ruồi” mà nghe lọt tai người đẹp, biết đâu lại không được ăn phở suốt đời. Nhưng chẳng may…

Cô – Đồng chí nói không chính xác. Lương đã được cải gấp đôi từ giữa năm 81 rồi, xin đồng chí xác định lại.

CB – Thưa, lương chưa lên vật giá đã vọt lên tiền đạo từ trước rồi. Vì thế lương cũng như không! Nước ta cái gì cũng nhất cả. Trong dân gian người ta vẫn xác định cái sự thực vĩ đại ấy.

Cô – Người ta nói cái gì mà gọi là xác định vĩ đại?

CB – Thưa, nước ta vừa mới họp thượng đỉnh với Liên Xô và Mỹ, họp riêng để bàn mọi  việc quan trọng cho thế giới – vì phải đề cao cảnh giác những việc tai vách mạch rừng, nên nơi họp được chọn là phi thuyền X trên không gian.

Ngày hẹn gặp gỡ các phe đều cố gắng lên trước để chiếm giải quán quân về tốc độ vì đó là một danh dự của các nước tiên tiến.

Hai đồng chí Liên Xô và Mỹ mỗi bên đều nỗ lực, bên thì Xô – Ly – Út bên thì Cô Lum Bia – nhảy vọt lên cao điểm X. Nhưng rủi thay cho họ là vừa lên tới nơi thì đã thấy chủ tịt của ta ngồi đợi họ trên ấy rồi!

Họ sửng sốt tột độ và hỏi: Bằng phi thuyền không gian tối tân nào mà đồng chí Việt Nam vượt hẳn cả hai cường quốc tiên tiến ấy được?

Chủ tịt nước ta bình tĩnh, thản nhiên đáp: Chúng tôi lên sớm hơn hai quý vị vì chúng tôi lên bằng thang… vật giá!

Hai chủ tịt Nga Mỹ lắc đầu khâm phục gần chết và phải chịu là nước ta vẫn hạng nhất như thường.

Song lát sau, họ tò mò nhìn vào túi quần của chủ tịt ta và thấy hai bên lép xẹp. Chủ tịt ta  khá thông minh, thò tay vào nhai gúi quần móc ra hai cái khuy áo sứt chỉ ở cổ sơ mi. Họ vội hỏi:

–                   Túi đồng chí không có tiền thì thật là “ lọa”.

–                   Chúng tôi không có tiền, nhưng nhân dân chúng tôi còn tiền. Tôi là  nhân dân, khi cần tiền, tôi chỉ cần mời họ nộp tiền theo ý thức “quân dân cá nước”. Thuế cũng mới lên 100 hay 200%, ở các nơi họ vẫn đưa tiền với nụ cười tươi (như hoa kít lợn). Vì thế nước tôi, so sánh với mức sống các nước tiền tiến trên thế giới, vẫn là nước có mức sống rẻ nhất trên thế giới.

–                   ??? “Bốn mắt nhìn nhau không nói một câu”

Chủ tịt Việt Nam cười đắc thắng mà thích giải:

–                   Hai ngài cứ xét kỹ thì thấy. Một đồng rouble của đồng chí Liên Xô ăn được hai bữa cơm đầy đủ chất đạm. Vậy chỉ cần 30 rb là ăn no cả tháng. Còn tiền đô la của Mỹ thì theo giá thương lượng 1 đồng US ($) ăn khoảng 100 đồng Việt Nam. Như vậy thì 100 đô la Mỹ tạo bên quý quốc không đủ sống cho một người. Nếu đổi sang tiền Việt Nam với tỷ lệ trên thì ăn đến 10 000 đồng Việt Nam, có thể nuôi sống 10 người ăn uống no nê với đầy đủ proteine. Như vậy mức sống bên nước chúng tôi rẻ nhất thế giới.

Mỹ:

–                   Hình như con người sống rẻ cũng bị coi rẻ nên họ cứ lo đi nước ngoài phải không ngài? Tôi lãnh họ sang nước tôi đông quá đến gần chết mệt.

Cô bán phở nghe lý luận của đồng chí cán bộ hạng 6 liền khen:

–                   Đồng chí lý luận và kể chuyện hay quá đến quên cả tô phở chín nạm. Nó nguội ngắt, ăn xong xin đồng chí trả tiền đầy đủ cho!

 

Nói lái

Hai thứ ỷ lại đó dầu sao cũng chỉ tạm thời vì cuối cùng vẫn có thơ. Thế là “ thắng lợi” như cán bộ Công Nhân Viên thường quen viết ở cuối mỗi thơ “Chào thắng lợi”.

Tuy ba chữ này không gợi được những gì rõ ràng chắc chắn nhưng đó là cách tự kỷ ám thị mang nhiều mê say cho vô khối con người lạc quan bất đắc dĩ.

Họ nói một cách mê say đại khái như “Chúng ta vẫn thắng lợi!’’. Trong bất cứ trường hợp nào, vẫn là thắng lợi! Thí dụ như lúc gặp khó khăn ta “thắng lì”, gặp trở ngại không biết có qua được không ta “thắng lại”, xem xét các khía cạnh vô kế khả thi ta “thắng luôn”. Mà rủi có té để kẻ vật lộn ngồi trên bụng ta, lấy tay đập ình ình vào ngực, ta cũng “thắng hạ”. Thượng hay hạ chỉ là hai vị thế của giai đoạn chiến đấu – mà ở hạ ta có điểm tựa là cái lưng nằm chắc trên đất cũng còn thắng, đợi lúc “ thắng thượng”  như đã nói “đấu tranh” thì phải biết  “tránh đâu”? Như kẻ khách chạy giấy tờ bị hỏi anh có biết phải làm gì “đầu tiên” thì người ấy phải hiểu là đầu tiên là “tiền đâu”? Cách chơi chữ tuyệt hảo này vẫn có giá trị thời đại như giá trị vĩnh viễn tại cái xứ Đại Cồ Việt – tức Giao Chỉ – nơi đó có các thứ thi nhân, nhạc sởi mặt méo thuộc các loại cóc tía. Cóc lửa, cóc rằn ri, cóc lừ đừ chờ phút quy tiên đều đang quay đầu về núi có tên ngoại ngữ. Núi thì ở bát phương chứ không phải tứ phương.

 

TP Hồ Chí Minh 11/4/1983

Mến gửi cô Phương Hương

Bức thư ngắn này đến được biệt thự Khoai Lang thì cũng đang hè, đến để “lượm vỏ khoai lang khô héo” vì phơi sương tuyết từ 4 tháng nay.

Tôi lúc này không biết vì tuổi hoàng hôn khiến tôi lừ đừ vô trách nhiệm hay gì khác mà tâm hồn thấy trống rỗng, ý nghĩ rời rạc như cơm gạo tẻ. Vả lại tôi đâm sợ vì những điều nói trong thư tín dễ bị người đọc – người đọc khá kỹ – cắt nghĩa bậy thì khổ. Đã có 1 cậu trai vì thư tín với 1 nhạc sĩ Việt Kiều bị công an hỏi han nhiều nên tôi có vẻ chột dạ. Thư thì lắm lúc rất nóng viết vô cùng nhưng để nói chuyện không quan hệ, tẻ ngắt thì quả là không muốn viết. Mà chuyện đáng nói là những điều tai nghe hấp dẫn thì lại dễ mang họa nên tôi đành lười, một thứ bệnh cũng lây từ các bận bịu lăng xăng trong nhà ngoài phố, bạn bè thăm viếng bất chợt làm phân tán thì giờ ra từng mảnh nhỏ, vụn vặt không đâu vào đâu.

Cách đây một tháng từ giã bạn Lê Trọng Nguyễn sang Mỹ (nhạc sĩ Nguyễn viết bài Nắng Chiều chắc PH nhớ). Lúc chia tay ôm nhau lần chót cũng thấy não lòng, không nói được gì vì nghẹt thở rồi chùi nát một giọt lụy quay đi phía khác. Nhiều bạn đã đi mất, và đang sẽ mất một ngày nào đây. Thành ra cứ một bạn ra đi là lại thêm 1 vệ tinh lọt vào quỹ đạo xa xứ. Đời sẽ quay tròn chung quanh mảnh đất kỳ ảo tên là Việt Nam mà họ vừa vật lộn với thủ tục để được giải thoát… Đến đây tôi lại nhớ mấy câu (lẫy Kiều) của một người vô danh miền bắc có nói:

            “Trăm năm trong cõi người ta

            Nước nào cũng được đi ra đi vào

            Lạc hậu như cái xứ Lào

            Người ta cũng được đi vào đi ra

            Tiên tiến như các nước Nga

            Người ta cũng được đi ra đi vào

            Phản động như nước họ Mao

            Người ta cũng được đi vào đi ra

            Đen đủi như Ăng go la

           Người ta cũng được đi ra đi vào

            Xa xôi như xứ Bồ Đào

            Người ta cũng được đi vào đi ra

            Chỉ riêng có cái nước ta

            Đi vào cũng kẹt đi ra cũng cùm.

Văn chương chua lét của nhiều Tú Xương, Tú Mỡ tái sinh nghe vui và thắm thiết nhưng không nên nói nhiều kẻo thành Tú Khổ.

Nóng Sài Gòn lúc này giữa trưa 1, 2 giờ thường là 36 độ C trong nhà nên tinh thần dễ căng thẳng. Ngoài đường vào giữa trưa những hôm cúp điện thì nó lên gần 38 độ. Trong nhà trẻ con người lớn đều ăn mặc đồ cụt để lát lát là la hét rầy ra quát tháo như mổ bò.

Chỉ có nước đá mới làm dịu được cái thói hung hăng bọ xít do thời tiết tạo nên và đôi khi hay nhiều khi, công việc làm ăn kiếm sống ngày càng khó khăn tạo thêm. Đó là không nói đến các thủ tục mới phải ráng mà theo:

1/ Nào là loa gọi thanh niên từ 17 đến 38 đang ký “Nghĩa vụ quân sự” gấp để phân biệt người nào vào hạng trừ bị, người vào hạng tân binh sắp kề.

2/ Thủ tục đăng ký lại đồng hồ nước – mặc dầu ống nước trong nhà đã xài mấy chục năm.

3/ Thủ tục đăng ký lãnh quà hay tiền từ thân nhân nước ngoài gửi về.

Việc này chắc Phương Hương cũng đã nghe: Mỗi hộ khẩu chỉ được lãnh 3 lần 1 năm về quà mà giá trị không quá 2000 đồng Việt Nam. Thuế có tăng theo trị giá mà nhà nước thẩm định theo ý riêng?

Gia đình tôi có đi đăng ký theo thủ tục phải làm, mà có mạn phép đăng ký cả tên Phương Hương trong danh nghĩa là “bạn của gia đình” không biết Phương Hương có cho phép không vì phòng xa bất ngờ những gì có thể đến (phải khai quà do ai gửi về Việt Nam… liên hệ gia đình thế nào?)

May quá, quà chót của Phương Hương mới tới vào 12/4/83 chưa kể như lọt vào thể thức mới nên lãnh được dễ dàng – thuế tăng thêm 10 lần nhưng cũng còn hên, quà tới thật là một gáo nước mát uống trong lúc đang khát khô cuống họng vì từ mấy tháng nay tôi không hề biên thư cho Phương Hương biết là sống hay chết mà linh tinh cưu mang của PH đoán đúng là tôi vẫn còn sống nhăn và gửi quà như thông lệ trong hộp, tôi đọc những giọng nói ôn tồn không nao núng về sự lặng tờ ấy mà tôi bỗng thấy như mát ruột. Vậy tôi vẫn được Phương Hương săn sóc mặc dầu nín thinh … Cái tên Phương Hương (Hương Đẹp) là tiền định.

Có những người như thế sinh ra để không hưởng hạnh phúc cho mình mà để gây hạnh phúc cho người khác

 

TP Hồ Chí Minh tháng 9/83

Mến gửi P.Hương

Lâu lâu lại có xe Air VN tới chở đôi ba gia đình lên TSN sum họp với con cái cha mẹ ở nước ngoài, vài đứa con lai vẫn đợi ngày gọi lên sân bay.

Quà sáng lúc này chỉ còn củ mì, khoai lang, bắp rang, trái cốc chín. Bánh ngọt, bún tầu, bánh canh, phở, hủ tíu đâm ra hiếm vì phải 20, 25 đồng 1 tô.

Tuy vậy trẻ con vẫn ăn khỏe và đùa giỡn đều, đánh đáo, chọi tiền ăn tiền và chửi tục. Các tiệm nhậu Thanh Hải, Bùi Viện quán đã đóng cửa từ gần 2 năm nay. Trục kinh tế về ăn uống chuyển sang ngã tư với quán ăn mới mở “Sài Gòn Tourist” (khang trang từ thời chủ cũ người Hoa đã ra nước ngoài) và các sạp ăn uống đủ cỡ cho các hạng khách. Vui vẻ, tấp nập cho đến gần 1 giờ đêm. Sau đó trong các ngõ vẫn còn cháo trắng, cà phê bít tất, rượu đế cá khô.

Vài ba chuyện đáng kể từ Ngã tư Quốc Tế  này thì: (Tàu vượt biên bị chặn bắt và bị chìm ngay tại sông bên dưới cầu chữ Y)

a. Khoảng tháng tư, tháng 5/83, một giờ đêm có tin sét đánh, 1 chiếc tầu vượt biên, bị chìm ở khoảng cầu chữ Y chết hàng trăm người (!) con cái nhà in T.Phát chết 6, 7 đứa (!).

Tin dữ lan ra như ngòi pháo – sáng ra người ta xác định lại và vài ngày sau lại chính xác thêm. Thanh niên đàn bà con nít trên chiếc tàu nhỏ đêm hôm đó khởi hành thì đến gần cầu chữ Y bị chặn bắn (chỉ thiên!) rồi quýnh quá lao nhao làm tàu lật, mà chết khoảng trên 70 người. Phần đông là đàn bà con nít ôm nhau còn cứng ngắt khi lôi xác ra. Tàu cây có hầm và sân – đàn bà con nít bị nhốt dưới hầm có đậy nắp và gài then sắt, sợ lên xuống bị lộ còn thanh niên thì ở trên boong.

Khi nghe tiếng súng từ bờ bắn cảnh cáo ra thì ở trên boong các thanh niên nhảy xuống sông bơi trốn, làm chao cả tàu. Người dưới hầm hoảng hốt chạy ngang dọc tìm lối ra càng làm cho tầu mất thăng bằng. Nước ùa vào. Mẹ con chị em… ôm lấy nhau không có lối thoát, níu nhau mà chết ngộp. Cái kỳ khôi là ban trật tự không cho ai xuống cứu và dọa bắn nên các nhân chứng đành thụ động mà nhìn chiếc tàu nghiêng vẹo rồi ngập nước cho đến lúc sáng lôi đám xác đàn bà trẻ con ra và được canh gác cho đến khi xe xác chở tất cả xuống nghĩa trang Chí Hòa cho bà con lại nhận. Có người được mang về chôn. Có người chôn ngay tại nghĩa địa, có bị phạt vạ một số ngàn mỗi người chết vì ra đi bất hợp pháp, và tiền chuyên chở cứu vớt cho phường… tất cả đều được các tang gia trang trải, nhưng không cần lòng được những mảng nước mắt thương vợ, thương con, thương cháu, ra đi tưởng là tìm sự sống, tối hôm đó, nhưng chỉ một vài giờ sau là đã ra đi muôn đời.

b. Ngay phố Bùi Viện có hai gia đình, nhà in mất 7 người vừa con, vừa dâu vừa cháu, ở “Cây Nhãn” B.Viện quán sửa xe phía dưới mất 2 người, vừa em dâu vừa cháu, đường Nguyễn Cư Trinh mất 2 người, đường khác gần đó mất 3 ngườ, v.v.

Trưa hôm sau, một chiếc xe tang dựng 3 quan tài có 3 cái hình vợ chồng trẻ và đứa con, giữa trưa đỗ xịch 3 phút trước nhà ông bà nội. Cả phố bỗng đầy người bảo nhau ra coi, mặt bùi ngùi, mắt nhìn yên lặng hướng về xe tang chạy qua, thương hại cho những cuộc đời đoản mệnh, suy tư về lẽ sinh tồn vô minh của con người trong vòng thời cuộc trong số phận chung của muôn vật, muôn loài.

…………………

TP Hồ Chí Minh 12/7/84

Cô Phương Hương thân mến,

  1. Tôi đã lãnh xong hai hộp thuốc tây PH gửi tới 4/5/84 và 4/7/84. Thuốc nào cũng thích hợp với nhu cầu gia đình và nhu cầu “trao đổi văn nghệ” PH tế nhị và đầy linh tính kịp thời mặc dầu có sự chậm trễ báo tin của tôi. Thời gian qua nhanh ghê gớm. Tôi đã tính báo tin ngay như thường lệ bằng bưu thiếp rồi lần lửa mãi đêm quên lãng đi. Lúc đó bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu – Thôi xin nước trôi ấy đem theo mối lo âu của Phương Hương đối với tật chậm rãi của tôi nhé. Cái gì cũng trôi qua, chỉ có thuyền cảm tạ của tôi vẫn đậu bến.

2. Nỗi buồn của Phương Hương về ở nhà có nhiều người quen vào bệnh viện thì chỉ nên biết qua là chỉ có 6, 7 bệnh nhân bắt đắc dĩ đã đi điều trị vì bệnh thời khí chứ không phải chỉ một HHT (Hoàng Hải Thủy) – Tôi chỉ nhớ vài initiales (chữ đầu của tên) như DQ Sĩ (Doãn Quốc Sĩ), DHC, D Trac, L T Ý, TK Ngan ( Tô Kiều Ngân..). Đã lâu từ tết Giáp Tý tôi không gặp ai nên không biết thêm gì nhiều. Chỉ cần biết là mùa mưa gió ở vùng gió nồm vẫn làm đổi thời tiết gây cảm cúm khá lu bù mà thuốc uống và chích vẫn chưa biết hiệu quả: Bệnh viện nghe đâu cũng khá nhiều thân chủ.

3. Nhiều người ở trong như ngoài cảm thấy dị ứng làm sần sủi tâm cảm. Nhớ lại ước mơ của Phương Hương muốn đem lòng nhân từ săn sóc trẻ em người lớn tại một làng nào đó nơi quê hương thân mến thì tôi lại thấy bùi ngùi là sự chân tình ấy cũng sẽ chưa được hiểu biết, mà sẽ bị bắt quẹo sang thành ý đồ gì đó làm thối chí ma lực tất cả mối hảo tâm đó thôi.

Nhân hơn một tháng quê cũ tôi ở miền Bắc, nhận thấy nơi tỉnh nhỏ và làng mạc người dân cần cù vẫn giữ được tình thân thiện đều đều. Tuy nghèo họ vẫn còn cả khí khái đối với bà con quyến thuộc và cả với khách xa mới về. Tất cả đều gắn sức lao động để sống sót. Tất cả tâm trí đều dồn vào miếng ăn áo mặc vì thời tiết ác liệt, thiên nhiên hung dữ và lòng mọi người đều khép lại không mấy ai thấy thỏa thê mà chuyện phiếm hay chửi đổng. Nói hay cũng không mấy ai tin vì tai đã chai đá mất rồi, đầu óc đã chật ních những kế hoạch mưu sinh, những mánh lới làm ra tiền mua gạo. Đó là tâm trạng tôi cảm thấy khi về thăm đất Thăng Long và vài tỉnh lớn nhỏ khác.

Lại trào phúng đen ngày 12.7.1984 trong lá thư của anh, Lê Thương có viết đoạn văn trào phúng này và việc đồng bào xin ra đi chính thức bằng diện ODP  có nghĩa là Orderly Departure Project, tức là được đoàn tụ theo thứ tự, làm giấy tờ hẳn hoi có sự đồng ý của hai chính phủ. Anh Lê Thương viết:

Về sự sống tiếp nối ở đô thành thì lúc nào như lúc nấy có một số người chờ được ra đi. Gần như mỗi ngày họ săn đón tin tức giấy tờ chuyển từ một cơ sở mang tên đại thi gia Nguyễn Du đến dinh thự khác mang tên đại danh nhân Nguyễn Trãi. Hai họ Nguyễn đều là đại thi gia dân tộc và là hai nhà văn hóa thượng thặng. Thế mà con cháu cứ cho chứng kiến những bộ mặt lo lắng mong chờ được từ giã (hay vĩnh biệt, tạm biệt?) các cụ, làm cho 2 đấng phải tự than thở.

Cụ Tố Như nói: (ý muốn nói văn phòng ở đường Nguyễn Du lo xuất cảnh cho người muốn đi nước ngoài chính thức, mà Nguyễn Du là cụ Tố Như)

Trăm năm trong cõi người ta

Cái đi cái ở khéo là ghét nhau

Vuốt ve qua một bộ râu

Bất ngờ bứt nó mà đau đớn cằm

 Cụ Nguyễn Trãi  lắc đầu, đặt cuốn Bình Ngô Đại Cáo cái phịch xuống bàn phê rằng (ý muốn nói văn phòng kế tiếp để lo giấy tờ đi ODP thì ở đường Nguyễn Trãi, mà cụ này đã viết Bình Ngô Đại Cáo làm lời kêu gọi chống ngoại xâm)

Hay gì những nước xa xăm

Mà sao chúng cứ rần rần xin đi

Đám O Đ P nhao nhao:

–          Xin rằng cụ ký một khi

            Cho con được “khổ” có gì lạ đâu?

Cụ Tố Như nói:

            Cứ xem chúng vượt bể dâu

            Tìm nơi nguy khó mà đau đớn lòng

Cụ Nguyễn Du lại thúc cụ Nguyễn Trãi Thôi cụ ký phức cho xong

Cụ Nguyễn Trãi: Chưa hoàn thủ tục mà mong ni gì?

Nghe lm hai cụ là một việc bất ngờ thích thú vì hai cụ bận rộn với vài chục ngàn hồ sơ gì đó. Hồ sơ chồng chất bao nhiêu – như núi thì các cụ có gắt đôi câu thì cũng là lẽ tự nhiên.

Một ông thi nhân có nhắc “trật đường rầy” là kiếp sau “nếu có” làm người. Thì xin được đẻ dưới trời ngoại . Bi quan quá tệ, nhưng vì tâm linh gay gắt của đời hiện tại nó uất lên và làm bật câu nói loại “Nguyễn Công Trứ” này biểu hiện nhất thời cho cái “nhân bản thuộc máu me” (humanisme sanglant) mà Malraux đã từng nói.

Cái dân tộc vui đùa độc nào vẫn cứ vui đùa chát chúa như coi đời bằng vung và sống chết là thường. Lâu lâu gặp nhau, các ông lại đùa.

(A) Thế nào – giấy tờ đến Nguyễn Du (nơi khởi đầu) hay Nguyễn Trãi (nơi đang tiến triển”. Còn anh? (B) Tôi mà đi đâu – có ao bảo lãnh hồi nào. Tôi đã “đăng ký” đi an dưỡng địa từ lâu mà chó chết xe “đòn” nó cứ hỏng máy và thiếu xăng gì đó nên anh còn gặp được cái bộ mặt tôi.

(A) Không, anh còn khỏe lắm – chưa đi toong được – nợ đời anh đã trả hết đâu! –

Ông này bĩu môi ra vẻ khinh mạn, buông miệng nói.

(B) Ôi anh thấy cái “sắc đẹp hoàng hôn” như thế này mà bảo là khỏe! Vợ nó cho ăn tưởng là cá hấp Phan Thiết không à – Tôi “Khoái ăn sang” (nói lái lại là “sáng ăn khoai”) nhưng bà vợ nó hết cưng tôi rồi – nên “sáng ăn cơm sườn!… chiều ăn nước tương, tối leo lên giường nhờ vợ gãi lưng.

(A) Anh nói cái gì? Như vậy anh sướng thấy mồ còn gì mà than.

(B) Anh chưa hiểu cái nghĩa của câu tôi nói. “Cơm sườn” là sườn xe đạp đó ông nội ơi, đạp xe đạp vào Chợ Lớn mua mấy hủ nước tương sư bán về ăn cơm chiều – Đạp long đanh ốc đầu gối, vẹo bà nó mấy cái xương sườn nên vợ nó đấm lưng cho để ngày mai tái bản. Cứ như thế thì anh bảo không đang ký đi “an dưỡng địa” (nơi này có lò thiêu người chết) cho nó rồi còn chờ gì.

Tâm sự Lê Thương khi phải xé đi hay đốt hết những kỷ niệm lịch sử vàng son. May mà tôi còn nhiều sách vở và bài bản cũ nên từ mấy năm nay đem ra xếp lại đóng thành tập, kết thành đề tài chật ních hai tủ cao 2 thước rưỡi, rộng 1 thước hai mà cũng chưa hết thế là phải xé bớt đi cho nó nhẹ đời. Nhiều tờ giấy vàng khè nó khóc lên vì đã nằm yên vài ba chục năm mà nay bị hủy bỏ không khác gì những nấm mộ cũ đang được đào lên để hỏa táng, bài ca xưa không còn tác dụng. Hình ảnh đã ngả màu vàng của những bạn bè, học trò và của chính mình hồi còn thơ ấu, hồi còn yêu đời, hồi còn tin tưởng. Theo dõi sự tiến triển của phong trào tân nhạc từ hơn 40 năm nay, tôi gom góp chương trình nhạc hội, hình ảnh sân khấu một số bài báo phê bình khen che (những kỷ niệm quý giá trước đây) có khi đọc lại và ôn được bao lời vàng ngọc chen lẫn với sỏi đá. Nay không còn nói lên được gì trước phong khí văn nghệ hiện đại, tôi đành xé đi đốt đi vì mang ra ngoài cho cũng không được thì giữ mãi làm gì.

PH ơi, thật là não nề chỉ có những ai có tuổi, đã kinh qua bao giai đoạn lịch sử nước nhà, mới thấu được niềm đau xót khi phải bỏ những mảng dĩ vãng đã từng sống động một thời ấy – Lược sử Phong Trào Tân Nhạc với bài bản người lớn trẻ con ở miền Đồng Nai yêu quý này. Bao nhiêu ngàn bài hay dở đã trang điểm cho trí óc trẻ thơ xưa, trẻ lớn ngày nay thành bà, thành ông, thành cụ, tất cả đang bị xóa nhòa và chôn vùi vào dĩ vàng không tên tuổi. Tôi muốn gởi đi cho PH hay bạn nào ưa thích giữ giùm mà không có cách nào hết, đành xé bớt xé hoài vì cũng sợ có ngày gây tai họa. Cơ sự đáng buồn như thế đấy. Mà nói với nhiều người nước ngoài lắm thì cũng bất tiện: Cánh chim bay xa có tới được tổ ấm? Nỗi lòng dịu vợi có thấm được tâm hồn ai?…

***

 

Thiên hạ đồn Lê Thương đã chết

Ngày 1/4/85 đưa đám tang bà Kiều Hạnh (kịch – điện ảnh…) mới có dịp gặp bạn cũ. Một cô luống tuổi gặp tôi với đôi mắt trợn trừng. Hỏi sao, cô nói: Sao con nhỏ… nó quả quyết là anh chết rồi. Nó còn nhấn mạnh là vừa đưa đám anh về. Trời ơi, chỉ kêu trời và cười tươi lên nhìn đời.

Tính ra Lê Thương đã chết vài lần mà vẫn còn sống nhăn răng cười khô cả răng mỏi cả mép. Ngoài Bắc năm 77 vào thâu âm tiếng nói của tôi để khẳng định là vẫn còn chưa chết. Mấy năm trước cũng thế.

Không khí  lo âu, chán nản, bao trùm

Nói qua vài chuyện vặt của thành phố, tôi nhận thấy cuộc sống hàng ngày nơi đây không còn nhiều hấp dẫn ai cũng lo gạo nước mắm muối và để vào các vấn đề này quá nhiều thì giờ. Các bà nhà nào buổi sáng buổi chiều cũng lo nhặt gạo – nào là thóc, là hột cổ, hột đen gì không biết, sạn, rồi các bà sàng sảy cho 2 bữa cơm con nuốt nổi.

Trở về chuyện biệt thự Khoai Lang, nơi mà PH suy tư thường bữa mà tấm lòng vẫn gửi về muôn hướng, tôi thấy mừng, vì sau chuyến thăm Cali (và gửi về tôi bưu ảnh thần T.D.) rồi dự trại hè có dạy hát cho thanh thiếu nhi – Tôi chắc không rộng đã đem vào tâm hồn PH nhiều hướng sống và nhất là sự yêu đời.

Tôi thích PH vui cười với bạn mới đang gặp thêm để PH bớt buồn phần nào khi phải săn sóc bệnh nhân ngày càng đông nghẹt…

Tâm sự Lê Thương

Trí óc tuy rất minh mẫn, nhưng ngày giờ của tôi hay bị cắt vụn bằng nhiều việc nhà và việc người làm cho tôi chỉ viết thơ từ 24 giờ cho đến 3 giờ sáng từ mươi mười lăm năm nay như vậy… Khi cái chụp đèn chiếu một vũng sáng lên bàn giấy là tôi sống trong một cái đảo suy tư – hoặc bắt đầu du lịch trên trang sách, với đám hình sinh hoạt của giới Tân Nhạc hay các trang tem đủ màu của thế giới. Với niềm vui của hồi tưởng, của nhớ nhung.

Lúc đó tâm hồn thanh thản, tôi để lắng xuống các thứ hận mà tai đã nghe ban ngày để nhìn mọi việc, mọi người theo cái “số phận của sinh linh” mà cuộc sống đảo điên vẫn nắn bóp, nhào lặn mỗi ngày. Lắm lúc thoáng ôn lại lịch sử qua hình địa lý, tôi cảm thấy dân tộc ta thật sự là một dân tộc đã sống éo le đau khổ như đám lưu dân lúc nào cũng sẵn sàng hành lý lên đường trước tai nạn, giặc giã, bão tố, lụt lội, giữa lòng người đổi trắng thay đen mong manh như sợi tóc. Hạnh phúc nào cũng chỉ là thoáng qua khi thấy mình thực hiện, một ước mong, một sứ mạng tự đặt cho mình ngay trước mắt… Hạnh phúc của những ngày tháng qua đã trở thành những kỷ niệm mờ dần trước ánh sáng chói lọi của những thực tế hiện nay. Một vài câu than chán chường của mọi người hiện giờ đang bị bối rối trong những thiếu thốn: tiền là tiên là Phật, là sức bật của thanh niên, là tình duyên của tuổi trẻ, là sức khoẻ cuả ông già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng của nịnh thần, là cán cân của công lý, đồng tiền là hết ý. Lại có câu buồn nản khác:

Nhân phẩm ngày nay đã suy rồi,

Chỉ còn thực phẩm giá cao thôi.

Lương tri còn rẻ hơn lương thật,

Chân lý chân giò cũng vậy thôi.

Sự mất tin tưởng vào những hứa hẹn bùi tai của những năm hồ hởi có vẻ thành ý nghĩ triền miên trong bao bộ óc chán chường, nhất là trong những con người mệt mỏi sau những cuộc hành trình dài không tới đích.

Điều ái ngại cho tất cả là không được nói lên cái tâm trạng bị đát về cuộc sống ngày càng khó khăn ấy cho ai nghe. Áp suất nội tâm có lên cao cũng chỉ được xì ra trong vài câu ngạn ngữ, phương dao bóng bẩy, ngạo nghễ truyền miệng, rỉ tai để rồi tạm xếp vào.

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ đời tang thương

Mà thôi, cũng chẳng nên kéo dài nhận xét vì các vấn đề lý tưởng sống đều chung với cái số phận bềnh bồng từ cổ chí kim trên các vĩ tuyến của quả địa cầu lắm chuyện này.

Việc vặt 1

Tôi đã nhận được tất cả các gói quà mà PH gửi theo định kỳ mà tôi đã nín thinh không báo tin là nhận được. Mặc dầu vậy, con người thông minh và rộng lòng hiểu thấu như PH chắc đã đoán là tôi có chuyện gì mắc kẹt nên mới như vậy. Cám ơn PH trăm lần.

Thuốc bổ, thuốc xổ và thuốc kiết. Quả là tôi vẫn còn tốt phước là gặp tinh những sự bao dung giữ cho thân xác luống tuổi và tâm hồn ưa thoải mái của tôi được 2 chữ bình yên vô sự – Thấy sức khỏe là vàng, tôi chăm sóc cho nó được dồi dào và coi sự lạc quan là liều thuốc bổ. Những nỗi buồn cũng đầy cần phải cho nó đi bớt. Đó là liều thuốc xổ. Sè Gòong rất nhiều chuyện vui sôi nổi không nói lên được. Cả nước đang táo bón, câm miệng hến. Hay đó là bệnh thời khí chưa biết thuốc nào thích hợp. Đó là liều thuốc Kiết Các ông lang nội như hải ngoại đang bận… Sè Gòong có vẻ khang trang, hàng bán lề đường trước đây bị dẹp hơn ¾. Chợ Bến Thành đã có một hành lang chung quanh khá đẹp. Hàng bách hóa bán chia thành Stand 2 bên 1 lối đi gần 3 thước rộng. Nhà Crystal Palace (Tam Đa) sắp mở thành siêu thị .

Trước rạp Majestic (tức Maxim’s nay là quán ăn có nhạc tên: Bạch Đằng). Người Nhật đã mở quán trưng bày các máy móc nông nghiệp cả xe cúp (Honda) đẹp mắt – nghe nói thì có lẽ có phong trào du lịch từ nước ngoài vào tấp nập. Các ban nhạc, gồm nhiều nhạc sĩ, nhạc thủ cũ, thuộc bài quốc tế đủ loại sẽ có việc làm nhiều nhiều chăng?

Vũng Tàu thứ 7, chủ nhật vẫn đông. Người ta mướn 1 cái dù 3 cái ghế nằm là 400 đồng, mướn ruột bánh xe hơi là 50 đồng, 70 đồng tùy lớn nhỏ. Một chuyến đi lấy vé noir phải 250 thì dễ có, còn cách khác thì “hết rồi” rất sớm.

Phim cũ mà đem ra chiếu thì dân Sè Gòong sống chết cũng phải đi – toàn là phim 16 m/m mờ mịt, vàng úa nhưng thây kệ – nhớ quá chen chúc mua vé noir 4500 đồng 1 cặp khi giá chính thức chỉ có 70 đồng 1 vé.

Mấy phim ăn tiền như Ảo Ảnh Cuộc Đời (Mirage de la vie)… sau tết B Dần có Samson và Dalila vàng khè mờ mịt và Thằng Ăn Trộm Thành Bagdad của Mỹ cũ – cũng 16 m/m mờ mịt vàng úa nhưng ăn khách hết chỗ nói. Màn ảnh nhỏ Video Tape chiếu phim vui của Pháp ở Louis de Funes – họ đi coi quá chừng chừng.

Một bài điều tra của c/b Trần Trọng Đăng đầy trong viện K/Học và X/Hội TP HCM, báo cáo vào đầu năm 86 tại Hội Nhạc sĩ cho hay là hàng chục ngàn người già trẻ lớn bé được hỏi thích những bài hát xưa hay nay.

Thì kết quả hùng biện là 600% thích bài xưa chỉ có 100% thích bài nay. Có lẽ bài nay khó thấm vì chạy trơn tuột trên lá khoai.

Vài vở kịch nói mới có tính cách phê phán chỉ trích những thái độ “tiêu cực” của vài tai to mặt lớn, hoặc những chế độ lương bổng quá thấp kém được khán giả vỗ tay đôm đốp.

Thành bộ TP.HCM tức Sègoòng tỏ vẻ cấp tiến đối với những nghị quyết kinh tế của Hà Thành nhất là từ ngày 14/09/85 ngày đổi tiền lần thứ ba và có vẻ dẫn đạo về tư tưởng đổi mới. Lúc nào về kinh tế cũng phải nhấn mạnh đến vị trí của TP HCM, được gọi là “TP mang tên bác”. Có vẻ vì có bác nên các đô thị không có tên bác đáng lùi vào dĩ vãng cho nó thực tế chăng?

Sè goòng một bao tử khổng lồ, một đô thị có lẽ không dưới 3 triệu người vẫn là nơi ăn xài chết bỏ dưới mọi chế độ. Các cao ốc của thành phố này vẫn minh chứng cho cảnh tiền rừng bạc bể của cái thời vàng son quá vãng mà nhiều ký ức còn ghi nhớ mồn một.

Sung sướng quá, thành phố quên lãng các khó khăn vẫn là mặt trái của bức ảnh, phân hóa cực độ về những tư kiến, thành kiến, vị kiến, cãi nhau chửi nhau, thù nhau, đẩy cây nhau rồi để chìm xuồng cho cùng nhau bơi lội.

Cảnh đời đen trắng, xô bồ của Sè goong tuy nó có phần kiên gan phấn đấu để tự tồn để giữ các sắc thái cố hữu của nó là có vẻ đang có sức lôi cuốn cả những ai từ xa lại muốn thay đổi nó, thành những kẻ nhập môn từ từ vào cung cách suy nghĩ và tiêu xài và vui sống của nó – cảnh đời đen trắng ấy vẫn diễn đi diễn lại từng ngày trên đường phố, quán ăn, quán nước lề đường, quán cóc xóm chợ chiều.

5bis                       Chuyện ngày tháng                                        

Việc vặt 2

Tôi quả là nạn nhân của bao nhiều việc mất thì giờ và phân tán ý nghĩ. Tôi nhiều bạn già, bạn trẻ khá đông, cả bạn cũ ngoài Bắc vào: Văn Cao, Lê Yên, Tô Vũ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát và các nghệ nhân giới cổ truyền họ lại thăm và mời mọc thăm người già yếu, người mới mất, người sắp ra đi. Những buổi gặp gỡ để mừng thôi nôi, đầy tháng của con cháu họ cũng phải có tôi. Cưới hỏi của các cháu tôi cũng phải đi vì lẽ tôi là trưởng tộc, tù trưởng bộ lạc.

Vì thế có bạn gọi tôi là “Ông Bận Trưởng bộ ngoại giao, chủ sự ban thư tín (chưa viết)”. Họ còn thêm “tác giả dự thính các tác phẩm (không bao giờ xong)” quá xá tệ, ới chàng Lê ghét! (thay vì Lê Thương). Đành chịu.

Trong lúc đó ngày tháng trôi qua nhanh chóng kinh khủng, bao nhiêu nước chảy dưới cầu cũng đành để cho chảy. Còn chính mình thì đứng sừng sững làm lão già đứng trong trời đất mịt mù khói lửa, bếp củi, cay mắt ù tai, nhìn tương lai đen tối… Lấp lóe cái sáng hà tiện của thời thắt lưng buột bụng.

Có chút cởi mở về văn nghệ?    

Trong lá thư ấy, anh Lê Thương cũng nói về tình trạng của các văn nghệ sĩ bên nhà, công tác biên soạn của anh, nghiên cứu và một vài giác sắc mới về văn học xuất hiện ở Sài Gòn, như những buổi tổ chức ngâm thơ, chính thức công khai những bài thơ của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… Loại nhạc êm dịu bắt đầu được phép phục hồi.

Giá cả leo thang, song phải nói thêm là không biết tại sao các văn nghệ sĩ cũ như mới, tương đối đều đồng ý với nhau là đều đồng ý với nhau là cứ sống thọ như thường mặc dầu giá cả leo thang vùn vụt (50 đồng 1 cái trứng, 1200 một ký mỡ nước, 100 đồng tô phở hạng bét, 800 một ký thịt gà, còn thịt bò thì ôi thôi… Đường ngà đã lên tới 820 đồng một ký).

Một trong những lý do chậm chạp thư tín gửi PH là trót dại lăn vào việc nghiên cứu âm nhạc, nhạc sử và các vấn đề liên hệ cả nhạc Việt Nam từ cổ truyền đến hiện tại. Việc này khởi đầu khoảng 20 năm nay. Có những lúc bỏ lúng vài năm, có lúc chạy nước rút – tìm tại liệu, đối chiếu, suy luận, nghe ngóng tin tức mới, tham dự các biến thể của vấn đề nhạc giới sinh động, cao trào thoái trào, v.v. Thật là một đề  tài vô tận mà muốn hoàn thành chu đáo phải sống lâu khoảng mươi năm nữa.

Muốn tạm ngưng cũng được, cứ hẹn với độc giả là sẽ bổ túc sau cũng xong, nhưng cũng đau xót là nói sự thật theo tài liệu của miền Nam (thí dụ Tân Nhạc) thì chỉ sợ các nhà biên soạn tức người kiểm điểm tư tưởng trong sách xem có đúng đường lối hay không và cho phép hay bỏ bớt, dẹp luôn) không đồng ý thì uổng công. Mà muốn gửi đi thì không biết bằng cách nào. Mà nghe tin là có xuất hiện bên ngoài thì bên trong cũng không hẳn là bình yên mặc dù không có gì chính trị cả. Ba công trình hầu như chỉ  cần hoàn thiện bổ túc là:

–                   Một cuốn nhạc sử Việt Nam, có phần đầu về truyền thống Đông phương và cả bản nhất lãm đối chiếu nhạc kịch sử Đông Tây.

–                   Một cuốn Âm Nhạc sự điển (sự chứ không phải từ) được khoảng 3400 chữ dài ngắn về nhạc Đông Phương (Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên nghĩa là khối văn hóa Khổng Lão Phật của Viễn Đông)

–                   Một cuốn sơ khảo tổng hợp về phong trào âm nhạc tại Việt Nam. Phần Hán tự đã có tốn kém về dịch thuật và hầu như tạm dùng, phần tư liệu Đông Tây vẫn cần bổ sung thêm. Mà tìm biết cho đầy đủ phải tốn thì giờ thêm trong lúc thì giờ và địa vị không có. Tư liệu của nhà nước Việt Nam thì có vấn đề “bảo mật” rất khắt khe.

Cô thân độc mã và đang già, tôi chỉ còn nai lưng ba thước mà kiên trì cho đến đâu thì đến. Có lẽ vì kiên trì mà phải ráng sống lâu và muốn sống lâu nên tốt số mới gặp PH vừa là bác sĩ chữa bệnh tật và bệnh già, vừa là người am hiểu cảnh éo le của tôi đang sống mà chấp nhận sự nín thinh lâu dài của tôi mà vẫn gửi hàng đều đều đến nỗi như là tôi “cám ơn không kịp”.

Đầu óc lắm khi rối bời vì suy tư và họ hàng chữ suy: suy luận, suy nghĩ, suy thoái, suy sụp… tôi lảo đảo xe đạp cà khổ leo cầu xa lộ ngày 27/04/1986 và tới đỉnh tôi tuột dốc ngon lành. Về đến nhà vừa khoe với bà xã, bà ban cho một lời phê xanh rờn: “Ông liều vừa vừa chứ, không có ai đi hốt xương ông kịp đâu! Cứ đi Thủ Đức là lại làm tàng”.

Tôi chấp nhận điềm đạm vì nghĩ trong bụng còn khá lép kẹp rằng: “Người đồng thời đã sẵn bất công thìngười đồng thuyền dĩ nhiên bất nhã. Ôi đều là “bất tri kỳ vị”!

Phong khí thi ca nhạc đang sang đường lối hồi phục?

Mấy tháng đầu năm 86, nhà văn hóa Phú Nhuận có tổ chức ngâm thơ chuyên đề về Xuân Diệu (mới mất), Lưu Trọng Lưu (đã 76 tuổi), Nguyễn Bính (tại nhà truyền thống ở ngã tư Yên Đổ – Cách Mạng).

Nghe nói sắp đây sẽ có hai đêm nhạc Văn Cao, một đêm toàn bài chiến đấu – một đêm có một bài tình cảm (Trương Chi, Thiên Thai, Bến Xuân, Suối Mơ… hội nhạc sĩ đang lo chuẩn bị.

Như vậy có lẽ phong khí thi ca nhạc đang sang đường lối hồi phục một số tác phẩm êm dịu, hòa hoãn chứ không triệt để chiến đấu tới cùng. Cũng là dịp thăng hoa những văn nghệ sĩ tiền chiến và đầu chiến để an ủi người đã và đang ra đi chăng?

Trong lúc đó về âm nhạc thì một cuốn sách nhan đề Essai sur la musique vietnammiene của Đào Trọng Từ, Huy Trân và Tú Ngọc xuất bản 1984 tại Hà Nội, trong chương nói chung về phong trào Tân Nhạc thì có nhạc sĩ cách mạng và tác phẩm tiêu biểu sự chiến đấu của họ được nêu lên còn bao nhiêu nhạc sĩ và tác phẩm hầu hết của miền Nam trước đây đều được nín thinh. Cả những nhạc phẩm tình cảm, mỹ thuật, lịch sử của chính nhạc sĩ cách mạng như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, ĐN, Phan Huỳnh Điểu, NV Thg, Tô V… cũng vẫn chưa được tháo khoán cho hát lại từ 30 năm nay. Đừng ai xao xuyến gì hết vì thời cuộc chưa hẳn là ổn nên có nhạc nhẹ lan tràn nhịp Rock gì cũng chỉ là soupape de sureté cho vơi ít nhiều sầu có áp suất cao mà thôi chứ khó khăn chưa hết.

Nghe nói có sự chuẩn bị cho phong trào Việt kiều tứ xứ về thăm quê hương cho vơi nỗi nhớ, quả là sẽ vui thì đông người sẽ về nhất là ông già bà lão ngày đề sụt sùi chỉ nhớ mồ mả người thân và tìm lại bà con quyến thuộc.

Họ cứ về với lòng thương mến cái gì đang rách nát không vá lại được, cái gì vẫn huy hoàng bên ngoài nhưng bên trong cố gượng tồn tại mặc dầu gió mưa. Nhưng có về thì cũng mau mau, kẻo các cố nhân thân hữu chưa chắc đã kịp gặp lại khách tha hương đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Mau lên kẻo cố nhân phải nhắm mắt sớm hơn số phận để khỏi nhìn đời phù vân đen bạc.

Chắc chắn có nhiều người không về kịp, như khách tha phương đã cho ghi hai câu thơ tại nghĩa trang San José (Cali) trên mộ mình.

Xác tục nghìn thu chôn hải ngoại

Hồn thiêng vạn dặm gửi quê hương!

Một khúc ly ca ngập tràn nước mắt mà cũng là câu hỏi muôn đời: Tại sao một quê hương mang danh có bốn ngàn năm văn hiến mà là bốn ngàn năm chiến đấu để tự tồn mà vào cuối thế kỷ thứ 20 lòng người lại bị phân hóa cực kỳ vụn nát đến nỗi phải nghi kỵ nhau phải tránh xa nhau khi cùng chung một vòm trời, một bờ sông, một văn phòng, một thính đường âm nhạc?

Nếu khoa học phân chia đi đến chỗ tinh vi tuyệt định chỉ tạo ra một thế tình như vậy thì có lễ định mệnh của dân tộc này chỉ là đau khổ.

Cười vui rồi lại cười ra nước mắt. Đặt viễn cảnh một xã hội hạnh phúc thanh bình rồi thấy hiện ra một quang cảnh não nề gì khác.

Thôi giấy ngắn tình dài xin kết bằng hai câu kết trong Chinh Phụ Ngâm: “Dấu binh lửa nước non như cũ. Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương”.

Lá thư này viết lộn xộn, đứt khúc, chắp vá. Tạm cho nó cái tên Hè 86 (Viết nó rất lâu, nhưng may mà cũng xong kịp cuối tháng 5 – 86).

 

Chào PH thân mến

L.T

 

Trích từ sách “Phương Hương xuôi vạn lý”, NXB Hồng Đức  2014. Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của tác giả.

Comments are closed.