Verda Özer – chúng ta phải cám ơn Bắc Hàn vì chuyện gì?

Phạm Nguyên Trường dịch

Đôi khi một sự kiện nào đó có thể gây ra hiệu ứng không lường trước được. Ví dụ như một hòn đá rơi xuống nước. Những vòng tròn đồng tâm xuất hiện trên mặt nước cứ rộng mãi ra. Và vì thế mà không thấy được điểm cuối cùng.

Thông tin về việc Bắc Hàn bẻ được khóa tài khoản của công ty Sony Picture cũng có hiệu ứng tương tự. Ban đầu chỉ là những trao đổi trong nội bộ công ty, trong đó có nhắc đến tên của nữ diễn viên Angelina Jolie. Nhưng sau đó, cuộc thảo luận được chuyển sang một bình diện khác, bao trùm lên những chủ đề có thể được coi là quan trọng nhất trong thế kỉ vừa qua. Toàn thế giới (mà trước hết là Hoa Kỳ) phải đối mặt với những câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời.

*
Như mọi người đều biết, hãng Sony vừa hoàn thành bộ phim hài mang tên The Interview (Một cuộc phỏng vấn), kể về vụ ám sát nhà lãnh đạo Bắc Hàn là ông Kim Jong-un. Ban đầu, tin tặc lấy được tài khoản e-mail. Sau đó là tuyên bố của Bắc Hàn rằng, nếu bộ phim được công chiếu thì các rạp chiếu phim sẽ bị tấn công khủng bố tương tự như những vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Kết quả là, những rạp chiếu phim lớn nhất tại Hoa Kỳ và hãng Sony quyết định hủy bỏ các buổi chiếu.

*
Trước hết, cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ một lần nữa buộc người ta phải nêu ra câu hỏi về tầm quan trọng của an ninh mạng.

Đe dọa trên không gian mạng được coi là hình thức chiến tranh mới trong thế kỷ hiện nay. Trong bảng xếp hạng các mối đe dọa của NATO, nó nằm trong top ba. Các cuộc tấn công trên không gian mạng của Nga nhắm vào Estonia năm 2007, nhắm vào Georgia năm 2008 đã làm cho các tổ chức chính phủ và các thiết chế tài chính cũng như các phương tiện truyền thông của hai nước này bị tê liệt suốt mấy tuần lễ. Cũng trong năm 2008, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công trên không gian mạng chưa từng có nhắm vào Hoa Kỳ. Sau đó, Tổng thống Obama đã gọi mối đe dọa trên không gian mạng là “đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”. Và đã thành lập một đơn vị quân sự nhằm đối phó với những mối đe dọa như thế.

Mặc dù vậy, chủ tịch hãng Sony Pictures, ông Michael Lynton, đã nhận xét rằng chưa có nước nào hay công ty nào đạt được một mức độ phát triển công nghệ cao, như Bắc Hàn đã thể hiện trong cuộc tấn công gần đây. Sau đó, Tổng thống Obama tuyên bố dự định sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện tình hình an ninh mạng.

*
Một vấn đề khác, liên quan đến an ninh, cũng được thảo luận một cách tích cực. Tổng thống Obama chỉ trích mạnh mẽ việc cấm chiếu bộ phim này ở Mỹ và nhấn mạnh rằng thế giới và trước hết là các phần tử khủng bố sẽ coi đây là sự yếu đuối.

Và ông đã đúng. Thấy rằng sự Mỹ đã khuất phục, Bắc Hàn tiếp tục tấn công. Mặc dù Bắc Hàn tuyên bố rằng không có quan hệ gì với những cuộc tấn công vào hãng Sony, chủ nhật vừa rồi nước này đã tung ra những lời đe dọa mới nhắm Hoa Kỳ: “Chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc tấn công lớn hơn, chúng tôi nhằm vào toàn bộ lãnh thổ Mỹ và sẽ phát triển vũ khí hạt nhân”.

Một vấn đề nữa cũng đang được thảo luận. Có người khẳng định rằng bộ phim The Interview sẽ được đưa lên YouTube trong tương lai gần [hiện đã có trên Yutube – VV]. Nghĩa là, hiện nay Internet có thể chọc thủng bất kỳ cấm đoán nào. Và dù các thiết chế của thế kỷ XX – nhà nước và các phương tiện truyền thông truyền thống – có làm gì đi nữa thì họ cũng không thể khuất phục được Internet.

*
Cuối cùng, câu hỏi cấp bách nhất: Đâu là biên giới của an ninh quốc gia và khởi đầu của quyền tự do cá nhân? Câu hỏi này sẽ trở thành đề tài được thảo luận nhiều nhất trong thế kỉ này. Có lẽ vì vậy mà Tổng thống Obama đã phản đối việc hủy bỏ chương trình chiếu phim, ông nhận xét: “Chả lẽ xã hội của chúng ta lại cho phép một kẻ độc tài ngoại quốc nào đó tìm cách áp đặt kiểm duyệt ở Hoa Kỳ hay sao?”

Cuốn tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Satan” của Salman Rushdie đã từng gây ra những cuộc tranh cãi tương tự. Năm 1989, lãnh tụ tinh thần của Iran, ông Khomeini, đã kết án tử hình tác giả vì tội báng bổ. Nhưng, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng bảo vệ cuốn tiểu thuyết.

Hay cuốn bộ phim The Great Dictator (Nhà độc tài vĩ đại), được hoàn thành vào giai đoạn cuối những năm 1930, trong đó Charlie Chaplin chế giễu Hitler. Cả Mỹ và Anh – trước Thế chiến II hai nước này không muốn làm hỏng quan hệ với Đức Quốc Xã – đã phản đối việc phát hành bộ phim. Nhưng, cuối năm 1941, bộ phim châm biếm của Chaplin cũng đã được chiếu ở hai nước này.

*
Như vậy là, mấy thập kỷ trước đây người ta đã có những nỗ lực nhằm bảo vệ quyền tự do thể hiện trước những mối đe dọa tương tự. Hiện nay, cuộc thảo luận đã bùng lên sau sự kiện là Mỹ không dễ dàng từ bỏ quyền tự do này.

Đồng thời, chúng ta phải vinh danh Kim Jong-un và cảm ơn ông ta vì đã khuyến khích chúng ta tìm câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng đến như vậy.

Nguồn: Kuzey Kore’ye borçlu olduklarımız (Báo Hurriyet, Thổ Nhĩ Kỳ)

Dịch từ bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20141225/225150683.html

Comments are closed.