Trần Mộng Tú
Mấy hôm trước tôi mang bốn mươi túi ăn trưa đến Women’s Shelter tôi thấy có ba em người da đen, một em gái độ 12 tuổi, hai em trai khoảng lên 6, lên 7, đang ngồi ăn cơm chiều ở đó. Tôi hỏi ngườiphụ trách:
– Women’s Shelter nhận cả trẻ nhỏ à?
Người phụ trách cắt nghĩa:
– Không, chúng đi theo mẹ, mẹ chúng ra khỏi nhà thì chúng cũng phải ra theo.
Tôi nhìn ba đứa trẻ ngồi ăn trước hai cái khay. Một khay cơm, một khay rau không có thịt cá gì cả. Mấy miếng ớt xanh, đỏ, máy cọng xúp lơ, nguội lạnh. Ba đứa trẻ ngồi ăn ngon lành, mặt mũi tươi tỉnh. Tôi nhìn chúng cười làm quen, chúng bỏ nĩa xuống, đưa tay lên khua khua chào.Thấy chúng ăn mà xót xa. Nghĩ đến mấy đứa cháu ở nhà, cá, thịt đầy bát, Bà nói mỏi miệng mới xong bữa ăn.
Khu Shelter này là khu tạm trú qua đêm, phụ nữ tới đây check in vào 8 giờ 30 tối, check out 8 giờ sáng hôm sau. Ai đến sớm thì phải đứng đợi đúng giờ mở cửa mới được vào.
Khi có người đến xin ở qua đêm, người phụ trách dắt ra mở cửa nhà kho (là một cái shed ở góc vườn) lấy ra một miếng nệm trong đống nệm cũ kỹ ở đó mang vào phòng tập thể để ngủ. Ai đói thì có thức ăn gì trên bàn, ngồi xuống ăn. Thức ăn phần đông là do những người làm thiện nguyện mang đến cho, hôm nhiều, hôm ít, nơi đây họ không nấu nướng, chỉ có hâm lại thôi.
Tôi thường mang đến từ hai hay ba chục túi ăn trưa. Trong túi là một cái sandwich, kẹp thịt nguội, pho-mai, một phong bánh nhỏ, một quả quít hay quả cam.
Những túi ăn trưa này, sáng mai khi rời shelter, mỗi người sẽ lấy một túi cho bữa trưa của mình.
Vì không được ở lại ban ngày, nên họ cứ lang thang ở đâu đó, ngoài công viên hay một ngã tư nào, đến tối trở lại.
Tội nghiệp những người phụ nữ này, phần đông là nạn nhân của những bạo hành trong gia đình. Ông chồng nghiện hút, hay say rượu. Cơn nghiện lên, không có tiền mua rượu, mua thuốc thì đánh vợ con. Vợ con phải tìm đường chạy trốn.
Khổ hơn nữa là chuyện này thường xảy ra cho gia đình nghèo.Vì người giầu gặp cảnh này, vợ con vào khách sạn, họ ly dị, chia của ngay.
Đến thấy mấy đứa bé ngồi ăn chẳng có gì cả, tôi cứ buồn mãi. Tuần này ra Costco mua một tảng thịt heo to về, cắt miếng chiên vàng, cho gia vị vào, cho thêm khoai tây, cà rốt. Làm một khay to ngon, bổ cho mấy đứa trẻ.
Tối nay, nhìn đồng hồ, 8 giờ 30, là giờ mở cửa Shelter, hai vợ chồng mang khay thịt vừa nấu xong và hai mươi túi ăn trưa như thường lệ tới. Tôi định trong bụng là thấy mấy đứa trẻ hôm trước thì sẽ nói người phụ trách cho các em ăn khay thịt ngay. Nhưng buồn quá, ba đứa trẻ hôm trước không có ở đó. Hôm nay chỉ toàn người lớn.
Shelter mừng có người mang thức ăn tới, vì bao giờ họ cũng cần. Mỗi tối họ có trên dưới bốn mươi người đến ăn tối và ngủ lại.Thức ăn thì hôm nhiều, hôm ít, tùy thuộc vào những người thiện nguyện đem tới.
Tôi cứ đứng ngẩn ngơ nhìn cái bàn hôm trước có ba đứa trẻ ngồi, nhớ đến cái khay cơm, khay rau nguội lạnh chúng ăn hôm đó. Thấy mình có lỗi quá, nếu mình làm được ngay một, hai hôm sau thì có thể gặp lại ba đứa trẻ, cho chúng ăn ngon. Mình đến cả tuần sau, trễ quá! Chúng đi mất rồi.
Mẹ chúng đem chúng đi đâu, chúng còn trở lại không nhỉ? Một tuần tôi mang thức ăn đến một lần, liệu tôi có cơ hội gặp chúng nữa không?
Tôi mong không gặp lại, bố chúng đã đi cai thuốc, cai rượu rồi, không đánh mẹ con chúng nữa. Gia đình đầm ấm, ba đứa trẻ có thức ăn ngon.
Nhưng nếu bố chúng chưa cai, vẫn tiếp tục bạo hành, thì mẹ con chúng còn trở lại đây hay dắt nhau trôi dạt vào một shelter khác.
Tôi mong chúng trở lại đây, tôi hứa với lòng là sẽ làm bánh Cupcakes cho chúng vào Giáng Sinh này, nếu tôi còn gặp lại chúng một lần nữa.
Tôi sẽ hỏi tên từng đứa và mua cho mỗi đứa một cái áo mới, đẹp,như những cái áo tôi mua cho ba đứa cháu nội, ngoại của tôi.
Cứ nghĩ chưa làm được cái gì cho ba đứa trẻ ấy mà muốn khóc.
Nhưng dù sao chăng nữa, Giáng Sinh tôi vẫn mang Cupcakes đến shelter. Không gặp ba đứa trẻ hôm trước, có thể tôi sẽ gặp những đứa trẻ khác. Đứa trẻ không may mắn nào cũng mong nhận được tình thương yêu.
Trần Mộng Tú
Mùa Giáng Sinh 2014