Tiếng cười vong thân

Nguyễn Hoàng Văn

Gởi bạn Dương Đình Lộc, để nhớ lại những cuộc “cách mạng” tí hon của một thời, cái thời đã xa nhưng vẫn nguyên vẹn trong ký ức, tươi rói…

Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi

Nước ơi…

(“Tình ca”, Phạm Duy)

Sau mấy ngàn năm khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, tiếng khóc tiếng cười của chúng ta cũng dập dờn trôi chìm cùng mệnh nước. Khóc, chúng ta rền rĩ như một đám vong thân. Cười, chúng ta hềnh hệch như những hình nhân đang xói mòn phẩm cách qua những tiếng cười trơ trẽn, nhảm nhí và, thậm chí, những tiếng cười ngu, cười ác, cười hèn.

Tiếng khóc sụt sùi thương cảm Tố Tâm thời nào đã nhừa nhựa phong vị boléro.[1] Còn tiếng cười tinh quái như làn roi quất thẳng vào những thói tật hủ lậu của Lý Toét – Xã Xệ đã im bặt để thay vào đó là thứ tiếng cười rất đáng… ăn đòn. Nếu thế hệ trước thổn thức theo số phận của Tố Tâm như những tâm hồn bức bối trong tường cao cổng kín Nho phong đang mơ về một chân trời lãng mạn thì, sau đó, khi cười Lý Toét – Xã Xệ, họ cũng chỉ cười với khát vọng cải cách “theo mới, theo mới không do dự”, cái khát vọng “vứt bỏ những giàng buộc vô lý của Tống Nho, phá tan những hủ tục, những thành kiến và mưu sống một đời hợp với lẽ phải hơn xưa.”[2] Nhưng đến bây giờ thì, cứ như là chuyện về nàng Tố thần tiên, những ông Lý ông Xã ngờ nghệch ngày nào đã từ trong các bức tranh châm biếm oai vệ bước ra như những nhân vật tầm cỡ quốc gia còn những lời lẽ ngớ ngẩn ngày nào lại biến thể thành những tuyên ngôn xanh rờn hay, thậm chí, những chủ trương đường lối mà, nói theo ngôn ngữ thời thượng của họ, là “quyết sách”. Họ, như thế, dẫu đã vứt khăn đóng áo dài để khoác lên người bộ Âu phục theo thời trang mới nhất, đi lại bằng những cỗ xe hơi mới nhất thì vẫn, thực chất, tiếp tục là hạng Lý – Xã hủ lậu, vừa do dự và ngờ vực trước những thúc bách cải cách, lại vừa trịnh trọng và đường bệ với những tín lý xơ cứng và những kiến văn ngớ ngẩn khiến cho thiên hạ phải bụm miệng nín cười.

Nhưng không nhất thiết phải phải đạo như thế bởi xã hội đang giần giật cong mình với một thứ tiếng cười hoàn toàn khác, cái cười không thể làm ngọn roi trừng phạt mà là rất đáng bị phạt bằng roi. Thứ tiếng cười không hề “hợp với lẽ phải hơn xưa”. Thứ tiếng cười không hề “phá tan” mà thậm chí còn nuôi dưỡng “những hủ tục, những thành kiến”. Chúng ta hô hố theo những trò chọc cười vô duyên, dơ dáy và nhảm nhí trong các màn “tấu hài”, trong những gameshow truyền hình hay những “phim hài Tết”.[3] Rồi chúng ta khinh khỉnh cười vào hoàn cảnh bi đát của Ukraine, khinh khỉnh từ lúc đất nước này bị Nga cướp trắng bán đảo Crime vào năm 2014 cho đến khi bị Nga tịch thu ba tàu chiến tại eo biển Kerch vào tháng 11 năm 2018. [4]

Nếu những tiếng cười nhảm nhí chỉ đơn thuần thể hiện một nhận thức văn hóa và thẩm mỹ khiêm tốn thì phong thái khinh khỉnh trước sự khốn cùng của một nước yếu như Ukraine lại là triệu chứng của sự vong thân. Đó không đơn thuần là thứ tiếng cười chadenfreude, cái nụ cười mãn nguyện hay khoan khoái khi sự không may, mất mát chỉ xảy ra với người, không đến với mình. Cười khi một thân phận nhỏ yếu bị một thế lực mạnh hơn ức hiếp là cười ác. Nhưng sự ác độc ấy lại là một sự ngu xuẩn tàn mạt khi thân phận bị ức hiếp ấy, thực chất, cũng chính là thân phận của chính chúng ta, như là nạn nhân của sự sắp đặt địa lý – chính trị bởi Thượng Đế thì xa quá mà… Trung Quốc thì gần quá.[5]

Nhắc đến Trung Quốc, và nhắc đến tiếng cười vong thân, không thể không nhắc lại cái nụ cười đã làm Lỗ Tấn phẫn nộ bỏ nghề thầy thuốc. Khi còn là một sinh viên y khoa tại Nhật, đau đớn trước cảnh phim quay người Trung Quốc nhe răng ra cười giữa lúc lính Nhật hành hình một người Trung Quốc, vị bác sĩ tương lai này đã phẫn nộ bỏ con dao mổ để cầm lấy cây bút bởi nghề thuốc chỉ có thể chữa bệnh cho thể xác của con người trong khi cái mà dân tộc Trung Hoa cần là chữa những chứng bệnh đã di căn sâu trong tinh thần họ.[6] Gã Trung Quốc đần độn kia đã cười như thể y không còn là người Trung Quốc nữa và Lỗ Tấn xem đấy là một căn bệnh của tinh thần. Còn thứ tiếng cười dơ dáy, nhảm nhí và ngu muội của chúng ta? Chúng ta đã cười như thể chúng ta không còn là… chúng ta và, để hiểu thứ bệnh tật đã di căn vào sâu trong tim óc này thì, đầu tiên, phải mổ xẻ những yếu tố đã khiến chúng ta… cười.

A thing is funny when — in some way that is not actually offensive or frightening — it upsets the established order. George Orwell đã giải thích một “chung chung” như thế trong tiểu luận “Funny, but not Vulgar”: một điều sẽ trở nên hài hước nếu nó phá vỡ những nền nếp định hình miễn là, theo cách thức nào đó, nó không thực sự xúc phạm đến ai mà cũng không làm ai phải lo sợ.[7] Nếu Orwell, như một nhà văn, chỉ giải thích “chung chung” in broad terms thôi thì Mack Sennett, một người trong nghề, đã nhấn mạnh vào một từ duy nhất là “inconsistency”.[8] Sennett là một tên tuổi lớn của Hollywood, bao cân từ vai trò tài tử, đạo diễn, nhà sản xuất, từng được mệnh danh “vua hài kịch”, đã sản xuất hàng loạt bộ phim của Charlie Chaplin, lại tổng kết kỹ thuật gây cười bằng danh từ mà chúng ta có thể dịch là “mâu thuẫn”, “bất nhất” hay nôm na và… hài hước hơn, là “trớt quớt”. Theo Sennett thì từ giới nghệ sĩ hài của sân khấu – màn bạc cho đến những tác giả các câu chuyện tiếu lâm, ai cũng cố đưa ra những câu chuyện với những nút thắt thật “trớt quớt” để, khi mở được nút thắt và nhận chân sự thể, khán giả không thể nào không phá ra cười.

Như cái nút thắt trong City Lights của Charlie Chaplin, một phim hài thuộc loại kinh điển của thời kỳ phim câm. Phim mở màn với buổi lễ khánh thành bức tượng cực kỳ nghiêm trang nhưng cái đầu tiên đập vào mắt của khán giả khi bức màn vừa kéo lên không phải là pho tượng đang háo hức trông chờ là anh chàng Tramp vô gia cư rách rưới nằm ngủ khò trên bệ tượng, trông thật là “trớt quớt”. Tình thế “trớt quớt” này, rồi những cái “trớt quớt” khác trong hoàn cảnh trớ trêu của một nhân vật đói rách nhưng cố làm người qúy phái với cái mũ quả dưa trên đầu, với cây can trên tay, với mỗi lần “thất lễ” trong những cảnh ngộ trớ trêu là một lần đưa tay lên ngã mũ để cúi đầu xin lỗi, v.v.

Về nguồn, từ City Lights trở lại với tuồng chèo Quan Âm Thị Kính cũng vậy, cũng dễ dàng tìm thấy nút thắt tương tự, như cảnh thằng mõ lốc cốc lời rao tập hợp làng để giải quyết vụ tai tiếng Thị Mầu. “Mõ này lớn tiếng lại dài hơi. Mõ chưa ra là làng chửa được ngồi”, lời rao khiến những bậc quyền lực làng đùng đùng nổi giận bởi, với họ, mõ là thứ “mục hạ vô nhân”, là giai tầng thấp nhất của xã hội hương thôn, vậy mà nó lại cả gan đòi ăn trên ngồi trước. Nhưng không, cái nút thắt trong lời huênh hoang ấy cũng chính là thân phận “mục hạ vô nhân” của mõ bởi, nếu hắn chưa ra, lấy ai để… trải chiếu cho làng ngồi. Nghe thật là trớt quớt! [9]

Từ tuồng cổ ấy quay về với “hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong những chuyện tiếu lâm chính trị xuất hiện tràn trề trong thập niên 70 và 80 cũng vậy. Thí dụ cái nút thắt “gần nửa lời bác dạy” trong câu chuyện truyền khẩu, xuất hiện sớm nhất phải là tháng Tư năm 1980 sau khi ông Tôn lìa trần, được gặp ông Hồ ở thế giới bên kia. “Đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng mười ngày nay”, sinh thời ông Hồ dạy thế và, đến lúc đó, khi ông Tôn lìa trần, “Bọn nó đã đưa đất nước tiến lên được gần một nửa của lời dạy cũ”. “Gần nửa” của mười thì ít ra cũng là bốn hay bốn rưỡi và họ Hồ lấy làm hài lòng trước tốc độ phát triển thần kỳ của chế độ mình đã gầy dựng nhưng không, ý của họ Tôn lại nhắm vào lời dạy khác. Sinh thời ông Hồ dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và nay, bọn nó, ý chỉ hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, hai nhân vật quyền lực nhất thời ấy, lại đưa đất nước tiến đên chỗ “Không có gì”, cũng thật là trớt quớt!

Nếu chuyện tiếu lâm chính trị này chỉ là một sản phẩm tưởng tượng thì lịch sử lại ghi nhận một nút thắt “trớt quớt” làm đổi hẳn dòng… lịch sử. Truyền thuyết “Phóng hỏa hí chư hầu” gắn liền với Bao Tự, người đẹp với nụ cười làm sụp đổ của triều đại Tây Chu.

Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi,

Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng

Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng,

Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi

(Xuân Diệu, “Nhị hồ”)

Xuân Diệu chỉ tưởng tượng qua sách sử nên si mê vẻ mặt sầu bi của nàng Bao nhưng Chu U Vương, sở hữu chủ của giai nhân xương thịt ấy, lại khát khao ở nàng một nụ cười, dễ dàng mang cả ngàn vàng ra đánh đổi, thậm chí, còn mang cả sinh mệnh vương triều mình ra đặt cược. Đó là lúc chư hầu hùng hổ kéo quân đến giải cứu theo tín hiệu báo nguy từ các hỏa đài để rồi, sau khi phát hiện rằng đây là một trò đùa, lại chưng hửng kéo về: rầm rộ kéo đến như sấm rồi tiu nghỉu giải tán thế trận rút lui như là thua bạc, cái cảnh trớt quớt này đã giúp Bao Tự bật cười, cười sảng khoái, cười ngon lành, nhưng lại đẩy nhà Chu xuống vực tiêu vong. Khi thực sự lâm nguy, U Vương cố nổi lửa báo nguy nhưng các chư hầu bình thản nghĩ đến cái cảnh xuất quân dàn trận “trớt quớt” ngày cũ. Hậu quả là U vương không chỉ cả ngai vàng mà còn mất luôn mạng sống!

Thì “trớt quớt” cả nhưng không phải sự “trớt quớt” nào cũng giống sự “trớt quớt” nào bởi tiếng cười cũng hàm chứa những tầng bậc thẩm mỹ cao thượng hay thấp hèn khác nhau. Có cái thông tục, dễ dãi mà người này có thể ôm bụng cười ngặt nghẽo trong khi người khác mặt mày đăm đăm, xem như một sự hạ cấp về văn hóa. Có cái đòi hỏi khán giả phải đạt tới một trình độ tối thiểu nào đó mới hiểu hết cái lắt léo của ngôn ngữ, của những điển cố văn chương hay giai thoại chính trị, lịch sử. Nhưng cao hay thấp, bao giờ giới gây hài cũng “trớt quớt hoá” hay “mâu thuẫn hoá” bằng hai phương pháp chính là lố bịch hoá một nhân cách hay trớ trêu hoá một hoàn cảnh. Đi tu thì phải đứng đắn nên, dân tộc nào cũng như dân tộc nào, cũng đầy những câu chuyện cười ở đó giới tu hành trở nên lố bịch với những tật xấu như tham ăn hay thôi thúc “trai trên gái dưới”, v.v. Một ông bộ trưởng đường bệ thì phải đứng ngồi đĩnh đạc và, theo một thí dụ của Orwell trong tiểu luận kể trên, sự trớ trêu của một cây kim găm tin-tack vô tình chĩa mũi nhọn lên trên ở mặt cái ghế bành sẽ khiến người khác phá ra cười bởi “long trọng viên” hoàn toàn đánh mất sự đạo mạo vẫn cố phô bày khi ôm cái bàn tọa nhảy đành đạch và rên la oai oái, chẳng còn gì thể thống.

Vân vân, chúng ta có thể kể ra hàng loạt thí dụ như thế nhưng vấn đề là giới hạn của nó, lố bịch và trớ trêu hóa đến mức độ nào thì tiếng cười sẽ trở nên thấp hèn?

Nếu “thấp”, ở đây, là một sự yếu kém trong nhận thức thẩm mỹ thì “hèn” lại là một sự sa đọa về nhân cách. Chúng ta “thấp” khi cười với những chuyện làm chúng ta bé lại về mặt văn hóa. Chúng ta hèn khi không dám cười vào sự lố bịch của kẻ mạnh. Và chúng ta càng hèn, càng vô đạo hơn khi chăm chăm tiếng cười vào hoàn cảnh trớ trêu của những thân phận yếu thế, kém may mắn, chăm chăm vào tình trạng tật nguyền hay dung mạo không đáng mơ ước của họ qua trò giả điếc, giả ngọng, giả mù hay giả què giả cà lăm, giả răng hô, v.v. Sự thấp hèn này còn thể hiện ở những tiếng cười dai dẳng, thậm chí tiếng cười thương mại hóa, chăm chăm khai thác tư thế “bên lề” của người không may hay yếu thế bằng trò giả nhại giọng nói địa phương, giải nhại cốt cách quê mùa và thậm chí, cả những phương tiện sinh nhai bất đắc dĩ. Nếu người xưa có “Bốn thầy bói mù xem voi”, có thầy bói Nghêu mù mắt trong tuồng Nghêu Sò Ốc Hến thì ngày nay, thỉnh thoảng, lại thấy xuất hiện những vai hài chọc cười khán giả bằng dáng đi cà nhắc thấp cao, bằng thân hình dặt dẹo, bằng đôi vai lệch, bằng đôi tay cà giật cà giật, bằng hàm răng vẩu, bằng trò giả gái hay bằng giọng nói ngọng nhà quê “Ở Việt Lam em nàm lông, qua Mỹ em nàm leo”, v.v. [10]

Và đó, thảm hại thay, lại là “chất hài” tràn ngập thị trường giải trí hôm nay. Đây đó, đã có lời ta thán về nạn “hài Bắc răng vẩu, nói ngọng – hài Nam giả gái, chuyển giới, khai thác đời tư nghệ sĩ”. Và, đó đây, cũng đã có lời biện bạch bằng ý nghĩa “hài hước địa lý”, rằng đó là cách chọc cười đặc thù của miền Nam.[11]

Kể ra thì, chúng ta, trong tiếng cười, cũng hình thành một cách biệt Bắc- Nam nào đó, cái khoảng cách văn hóa từng thể hiện trong cách “cười” của Truyện Kiều và của Lục Vân Tiên. Hai tác phẩm có thể tạm xem như là kết tụ của hai “nết đất” nên, để so sánh “nết” Bắc với “nết” Nam trong cách cười thì, từ đầu, cũng nên so sánh kiểu cười của hai tác phẩm.

Đầu tiên là một phân tích trên phương diện xác suất, thống kê. Nhờ tỷ phú Bill Gates, chúng ta có thể, trong tích tắc, đo lường xác suất cười của hai tác phẩm và, trên khía cạnh này, Truyện Kiều tỏ ra “vui” hơn với tỷ lệ từ “cười” cao hơn.[12] Nhưng nếu Truyện Kiều đạt tỷ lệ cao hơn về mặt từ vựng thì Lục Vân Tiên mới là tác phẩm thực sự thể hiện ý nghĩa của sự… cười. Những nhân vật của Nguyễn Du, phần lớn, là những nhân vật cạy miệng không ra được tiếng cười trong khi những vai của Nguyễn Đình Chiểu thì, từ vai chính đến vai phụ, nói không quá đáng chút nào, lại là kiểu người… chưa nói đã cười.

Cách biệt giữa hai lớp nhân vật này, xem ra, cũng là cách biệt chung của loài người khi phải đối diện với cái… máy ảnh. Angus Trumble, trong A Brief History of Smile, đã dùng tới thiết bị này để phân chia nhân loại bởi, khi đứng trước cái ống kính của nó, con người mặc nhiên hình thành nên hai phe rõ rệt, phe cười thật tự nhiên và phe điềm nhiên, phớt tỉnh.[13] Kể ra thì cũng có thêm hạng thứ ba bởi con người vốn dĩ có thói quen đánh lừa những thứ máy móc vô tri và, ở đây, chúng ta có thể kích thích nên những nụ cười giả tạo qua việc phát âm những từ ngữ mà, nhiều khi, chẳng liên quan gì đến tiếng cười. Nếu người Anh mượn đến món cheese thì người Hàn cũng sử dụng thứ đồ khai vị kimchi trong khi người Nhật lại quẳng rượu món rượu gạo sake của mình đi để mượn tới thứ rượu mạnh Mỹ whisky, v.v. Như thế, nếu phải đưa những nhân vật của Truyện Kiều ra để chụp hình thì, có lẽ, những nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ phải dụng đến chước này, phải mỏi miệng kêu gọi mời cười hay mời nhấm, mời nhậu, khác hẳn những nhân vật trong Lục Vân Tiên, không chỉ chưa nhậu đã cười mà còn cười giòn, cười ồn ào, bỗ bã, cười hở mười cái răng.

Mà… răng thì lại cho thấy một góc nhìn khác, như là tiêu chí để đánh giá cốt cách của người cười, ít ra là qua nét cọ của các họa sĩ Âu châu. Trumble cũng, trong công trình khảo cứu trên, ghi nhận rằng những hàm răng trong hội họa, lúc cười và cả lúc khóc hay lúc rên la, tất thảy, đều là sự phô bày của hạng bình dân, những thành phần cùng đáy của xã hội, từ những ông già nhớp nháp đến những gã đàn ông nát rượu, những người lùn, gái điếm, dân giang hồ gypsy hay nạn nhân của tòa án tôn giáo trong thời kỳ săn phù thủy, v.v.[14] Ngược lại, hạng kín răng, kín cả khi cười, lại là những thành phần tinh hoa, quý tộc, như cái cười của Mona Lisa, người đàn bà đã trở thành bất tử qua nét cọ của Leonardo da Vinci.

Truyện Kiều “cười” nhiều nhưng vui ít bởi Nguyễn Du, chủ yếu, đã “cười” như một biện pháp tu từ. Nguyễn Du cười với “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”, với “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”, với “Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa” hay với “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, v.v. Nụ cười đầu tiên mà Nguyễn Du ban cho nhân vật của mình là nụ cười của Thúc Sinh, lúc muốn thử tài văn chương của Thúy Kiều: “Cười rằng: đã thế thì nên / Mộc già hãy thử một thiên trình nghề”. Nếu đó không hẳn là tiếng cười theo nghĩa đen thì nhân vật chính, Thúy Kiều, sau những uất ức dồn nén của mười mấy năm gian truân, mới có thể cất tiếng cười thật lớn như để bù đắp, để giải tỏa những ẩn ức hay để trả thù, khi sánh vai cùng Từ Hải: Cùng nhau trông mặt cả cười”. Còn lại thì Kim Trọng, Vương Quan hay Thúy Vân đều là hạng cạy miệng không cười nên, cô em Thúy Vân, khi dính dáng với “cười”, cô ta cũng chỉ dính vào với mục đích tỏ bày tâm trạng bực mình, không vừa ý: “Vân rằng: Chị cũng nực cười / Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”.

Bước sang thế giới của Lục Vân Tiên thì không khí khác hẳn với tiếng cười lấp lánh ánh men răng của đủ loại nhân vật chính, phụ, thiện, tà. Lần đầu gặp Nguyệt Nga, Tiên đã cười, cười ngay trước khi nói: “Vân Tiên nghe nói liền cười:/ Làm ơn há dễ trông người trả ơn?” rồi sau đó, sau bao gian truân, tái ngộ cùng người ngọc, Vân Tiên cũng chỉ biết có… cười, thật tươi, thật dễ dãi: “Vân Tiên thấy vậy mỉm cười một khi”.

Nếu đó chỉ là “mỉm cười”, không hẳn là tiếng cười ha hả thì, trong một cảnh khác, một Lục Vân Tiên hoàn toàn không biết nhìn người đã suồng sã hoà tiếng cười cùng Bùi Kiệm “máu dê”: “Hai người lại gặp hai người / Đều vào một quán vui cười ngả nghiêng”.

“Đều vào một quán vui cười ngả nghiêng” thì hẳn, không chỉ là “chưa nhậu đã cười” mà là cười thật to, cười ha hả, cười không thiết che giấu hai hàm răng cửa, cười miệng tới mang tai và, cứ vậy, nhân vật trung tâm của câu chuyện liên tục cười:

Bãi chầu chư tướng trở ra

Trạng nguyên mời hết đều qua dinh ngồi

Họ Vương họ Hớn họ Bùi

Cùng nhau uống rượu đều vui đều cười

Xem ra, không nhất thiết phải nhắc đến cách ứng xử quê mùa nếu không nói là thô lỗ trước người ngọc lúc được tặng trâm “Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn”, hay lúc được tặng bài thơ từ giã:

Vân Tiên ngó lại rằng: ‘Ừ

Làm thơ cho kịp bấy chừ chẳng lâu’

thì, chỉ riêng với tiếng cười thôi, nhân vật chính Vân Tiên này, dù đã đỗ Trạng nguyên, dù đã là lương đống của triều đình, vẫn chưa thể hiện được một cốt cách khả dĩ gọi là tinh hoa, quý tộc!

Như thế, dù đã mở đầu là “Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le”, cái cười lấn át trong Lục Vân Tiên lại là cái cười giao tế, thù tạc có phần dễ dãi. Còn Truyện Kiều, như là biểu lộ văn hóa miền Bắc, điểm mấu chốt của tiếng cười lại nằm ở sự thâm thúy Bắc Hà, như phán xét của Thúy Vân: “Chị cũng nực cười”. Từ một nhân vật “nực cười”, sự thâm thúy của văn hóa đất này lại hướng đến sự “nực cười” của xã hội, của thiết chế chính trị mà kết quả là kho tàng đầy ắp chuyện tiếu lâm chính trị như một mảng văn học dân gian, xuất hiện tràn trề trong giai đoạn gối đầu giữa hai thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.

Every joke is a tiny revolution, những chuyện tiếu lâm chính trị ấy, trong chính giai đoạn ấy, đã đến với chúng ta như những cuộc “cách mạng tí hon”, đúng như ví von của Orwell trong tiểu luận kể trên. Lúc cái nút thắt trớt quớt được mở ra, lúc chúng ta ngây ngất với những tràng cười sảng khoái cũng chính là lúc chúng ta được… giải phóng, dẫu chỉ giải phóng trong một thoáng chốc ngắn ngủi, thậm chí độ vài sát na. Ngắn ngủi thôi nhưng chính những tiếng cười như thế đã cho phép chúng ta tạm thoát khỏi những xiềng xích vô hình, tạm quên đi cái không khí Stalinist ngột ngạt chung quanh mình hay, nói bằng ngôn ngữ kinh viện, là giúp chúng ta hủy cấu cái hệ thống cai trị chỉn chu chặt chẽ để thấy nó rã ra, nhỏ lại, và trở nên tầm thường.

Nhìn ở bề ngoài thì những cuộc “cách mạng tí hon” này đã dồn dập “xảy ra” sau cuộc tang hải 1975 nhưng đó chưa hẳn là sản phẩm của đất phương Nam như là một hình thức phản kháng với chế độ mới. Những ngày đầu tiên sau cuộc đổi đời ấy, tôi đã trực tiếp nghe một ông anh họ, vốn là học sinh miền Nam được đưa ra Bắc vào cuối thập niên 1960, kể cho nghe cảnh người Bắc áp dụng “nghệ thuật sắp đặt” để chửi thầm lãnh tụ: hình ông tiên đánh cờ, hình ông sư tụng kinh, hình ông linh mục giảng đạo và hình ông bí thư thứ nhất để, nhìn qua, bất cứ ai cũng có thể đọc thầm trong đầu “Tiên, sư, cha, Lê Duẩn”.

Cho tới bây giờ tôi vẫn không mảy may hoài nghi câu chuyện bởi người kể là con nhà cộng sản nòi, kể câu chuyện ấy khi vừa mới quay về từ “hậu phương lớn” như là một thành phần của phe thắng cuộc, và kể ngay khi đang ở độ phê cao nhất của men say chiến thắng mà, vả lại, người kể này chỉ là một con người kỹ thuật thuần túy, sống bằng nghề kỹ sư và mai này sẽ chết như một ông kỹ sư già hồi hưu, hoàn toàn không có khuynh hướng tưởng tượng ra một “nghệ thuật sắp đặt” như thế, cái sự sắp đặt mà, sau này, được phát triển thành một chuyện tiếu lâm chính trị với ý nghĩa khái quát hóa cao hơn rất nhiều khi phân kỳ quốc sử theo trật tự “Tiên – Sư – Cha – Cộng sản”. “Tiên”, ấy là thời “con Rồng cháu Tiên”. “Sư”, ấy là thời mà các vì vua Nhà Lý rồi Nhà Trần tiếp nối nhau xem đạo Phật là quốc giáo. “Cha” là thời thuộc địa, dưới ách Thực dân Pháp và, “Cộng sản”, là cái thời mà chúng ta ai cũng “khổ quá, biết rồi” và, như thế, “tổng kết” lại, lịch sử đất nước có thể tóm tắt trong mấy chữ nghe y như là chửi: “Tiên – Sư – Cha – Cộng sản”. Mà cả chính quyền, cũng như bao hệ thống cai trị cổ kim, luôn sợ hãi những tiếng cười chính trị, đã từng bỏ công nghiên cứu và đi đến kết luận rằng những câu chuyện tiếu lâm chính trị như thế, phần lớn, được khai sinh ngay trên đất Bắc.[15]

Đó, với nó, là một thất bại cực kỳ đau đớn. Rõ ràng, cái bộ máy cai trị đã Marxismisation kho tàng chuyện tiếu lâm của cha ông như là “vũ khí của giai cấp bị trị chống lại giai cấp thống trị” không bao giờ muốn mình trở thành mục tiêu của những đường đạn bắn ra bằng tiếng cười mà, hơn thế nữa, toan tính lật ngược thế cờ, sử dụng tiếng cười như là vũ khí để bảo vệ quyền cai trị đang nắm trong tay. Cái toan tính từng thể hiện lộ liễu trong lời kêu gào “Cần Cười” của Nguyễn Tuân trong Đại hội nhà văn lần thứ hai vào năm 1963, cái năm của những phân hóa chính trị nội bộ sâu sắc nhất, phất cờ chiến đấu như Tàu hay vẫy cờ hòa bình như Nga.[16] Theo Nguyễn Tuân thì chỉ có bọn vua chúa thời trước là không biết cười, không đóng góp một chút gì vào kho tàng tiếu lâm của dân tộc. Cũng theo Nguyễn Tuân thì đã đến lúc giới văn nghệ sĩ phải đảo ngược cái quan niệm cũ kỹ rằng tiếng cười chỉ là vũ khí của kẻ yếu. Nhưng Nguyễn Tuân đã không thành công và, cho đến bây giờ, cái chế độ cai trị mà Nguyễn Tuân phục vụ đã hoàn toàn thất bại, không thể nào gom nổi tiếng cười sảng khóai tự nhiên vào kho vũ khí tấn công của mình. Nắm súng, nắm quân đội – công an, nắm trọng bộ máy thông tin — tuyên truyền, không một chế độ cộng sản hay độc tài nào trên thế giới nắm được tiếng cười của nhân dân mà, trên thực tế, còn trở thành mục tiêu của những tiếng cười độc địa!

Nếu miền Bắc của Nguyễn Tuân thời ấy từng đóng vai “thành trì xã hội chủ nghĩa” của đất nước thì, sau cái thành trì nhỏ này, lại là thành trì lớn Liên Xô, rồi hàng chục thành trì choai choai mang tính vệ tinh ở Đông Âu, ở tận Cuba và cả ở Ai Cập, một thành trì xã hội chủ nghĩa có phần khang khác của Gamal Abdel Nasser. Nhưng thành trì nào cũng như thành trì nào, những tiếng cười thực sự lôi cuốm luôn là tiếng cười của kẻ yếu như một mảng văn học dân gian riêng với những câu chuyện cười nhạo chế độ… rất chung.

Người Mỹ hay người Anh, người Đức, người Pháp cũng có vô số chuyện cười chính trị nhưng, tuyệt đại đa số, những câu chuyện như thế chỉ nhắm vào phẩm cách cá nhân của các lãnh tụ chính trị, chẳng hạn ông Bill Clinton với tật dê xồm, sợ vợ, thậm chí kém trí hơn vợ, hay ông George William Bush hay Dan Quayle với tật “ít chữ”, v.v. Họ bầu chọn nhà lãnh đạo của mình và cười cợt vào những nhà lãnh đạo ấy nhưng tuyệt nhiên không cười vào cái thiết chế chính trị đã cho phép họ bầu và cười người mình bầu lên. Trong khi đó thì những chuyện cười lén lút kể nhau nghe tại các “thành trì xã hội chủ nghĩa” lại nhắm vào tâm điểm, vào bản chất của chế độ, vào năng lực quản trị hay hành vi độc tài chứ không phải là đời sống cá nhân của những lãnh tụ độc tài.[17]

Những chuyện tiếu lâm chính trị thâm thúy của chúng ta cũng không nằm ngoài cái quy luật này. Chúng nhắm đến việc nhạo báng thiết chế chính trị hơn là cá nhân lãnh tụ nên, thường, nếu không vướng víu yếu tố thời gian tính, đều có thể thoải mái “sang tên”, hoán đổi từ lãnh tụ này sang lãnh tụ khác.

Như chuyện “Ông Trời ôm ông Lê Duẩn khóc”, chẳng hạn. Câu chuyện nhắm vào ông Lê Duẩn nhưng chúng ta có thể “sang tên” cho bất cứ lãnh tụ đảng nào khác bởi cốt ý của nó là sự vô vọng của con đường xã hội chủ nghĩa. Chuyện kể ông Lê Duẩn ăn theo Tổng bí thư Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev, kẻ cùng Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nổi hứng lái tàu bay lên Trời hỏi chuyện dương gian, sau một hội nghị giải trừ quân bị. Reagan giành quyền vào trước, được đâu 15 phút, đã tiu nghỉu bước ra, buồn hiu, như là cao bồi mất súng. Ông Reagan chỉ xin hỏi cụ thể bao giờ “Sáng kiến phòng thủ chiến lược của mình thành tựu”, Trời bảo đến được mức ấy thì chú mày đã chết rồi. Brezhnev cũng vậy, chỉ 15 phút thôi rồi thẫn thờ bước ra, buồn hắt, chẳng khác nào đảng viên mới bị khai trừ: giấc mơ cải tạo vùng Siberia băng giá thành phố thị sầm uất hãy còn xa lắm, chú mi đầu thai mấy chục kiếp nữa thì mới… họa may

Nhưng đến ông Lê Duẩn thì mạch chuyện bắt sang một nút thắt khác, thú vị đến bất ngờ. Vai đàn em đi ké vào sau chót, hóa ra lại được Trời trọng vọng hơn hết, trọng vọng đến độ thời gian của Reagan và Brezhnev cộng lại, rồi nhân lên mấy lần cũng chưa thể sánh bằng. Sau hơn hai tiếng đồng hồ nhấp nhổm chờ đợi trong khi con tàu vũ trụ bay là là bên trên sắp “hết xăng”, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga đánh liều xô cửa xông vào để sững sờ khám phá cảnh ông Trời ôm ông Lê Duẩn khóc ròng, khóc dầm dề, khóc nức nở, như mưa. Phải trầy trật lắm lãnh tụ của hai siêu cường mới gỡ được cả hai ra và ông Lê Duẩn, trên đường về kể lại, chỉ thắc mắc chung chung là “Bao giờ Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội?” và cái viễn cảnh hãi hùng này đã khiến ông Trời hoảng sợ, bật khóc: “Việt Nam mà tiến tới chủ nghĩa xã hội thì không những nhà ngươi sẽ chết mà cả ta đây, ta cũng chết luôn!”

Chỉ cần thay tên tổng thống Mỹ hay lãnh tụ Nga, hay bất cứ lãnh tụ nước cộng sản cuối cùng nào tương ứng, mới rợi như ông Kim Chính Ân chẳng hạn, chúng ta có thể cập nhật câu chuyện “cuộc cách mạng” trong một vài sát na này bởi, cho đến tận hôm nay, thiết chế chính trị vẫn tiếp tục “kiên định” con đường xã hội chủ nghĩa. Nó vẫn tiếp tục kiên định như vậy dẫu cái nút thắt kể trên từng được mở ra một hướng mới hoàn toàn có thực trong một phiên thảo luận của quốc hội vào năm 2013, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bất giác thắc mắc là “một trăm năm nữa biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưa”, cực kỳ trớt quớt. [18]

Cực kỳ trớt quớt nhưng cũng cực kỳ đau đớn. Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm, nếu sự trớt quớt là yếu tố gây cười thì nó chỉ có thể khiến kẻ ngoại cuộc bật cười để cho “người trong”, sau bao nhiệt huyết và xương máu đã đổ ra, sau thời thanh xuân đã dâng hiến hết và tuổi tàn hơi cố bám víu chút hy vọng vớt vát mong manh, chỉ có thể lặng lẽ giấu hai hàng nước mắt. Nó trớt quớt y như là hoàn cảnh trớ trêu đến thê thảm của vợ chồng Loisel, hai nhân vật trong “La Parure” của Guy de Maupassant, sau khi hy sinh gần như cả cuộc đời để thầm lặng trả nợ cho cái vòng kim cương hỏi mượn để khoe khoang trong dạ tiệc nhưng lỡ đánh mất, cuối cùng mới tình cờ khám phá ra rằng, cái vòng đi mượn ấy, thực chất, chỉ là một thứ vòng giả. Nếu Loisel chỉ là nhân vật tưởng tượng thì Chế Lan Viên lại là một nhà thơ có thật, và nhà thơ cũng lâm cảnh đau đớn và vô nghĩa ấy trong lời trăng trối “Trừ đi”. Như là một trong những nhà thơ hàng đầu của nền thơ xã hội chủ nghĩa vậy mà, sau một đời đóng góp cho nền thơ, nhà thơ đã nhắn nhủ cho đời sau rằng hãy trừ đi, và trừ đến nửa phần tác phẩm của mình.[19]

Vân vân, kể sao cho hết những chuyện khôi hài nhưng đau đớn một cách vô nghĩa đang diễn ra ngày ngày như thế, cho dù nó cực kỳ trịnh trọng, cực kỳ trang nghiêm và cực kỳ… tốn kém. Tháng Năm năm 2014, khi cả nước đang sục sôi giận dữ trước việc chủ quyền tổ quốc bị xâm phạm với sự kiện giàn khoan Hải Dương, thiết chế chính trị lại đủng đỉnh tổ chức Hội nghị trung ương đảng để ông tổng bí thư kể trên bình giảng chuyện mà ai cũng biết “Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc”.[20] Văn hoá thì phải bao hàm bản sắc, mà bản sắc cũng là một phần của văn hoá: lẽ nào một cơ cấu quyền lực ghê gớm như thế mà lại có thể thật thà đến như thế, trịnh trọng với một đề tài trớt quớt như thế, ngay giữa một tình thế khẩn thiết đến như thế? Chu U vương “phóng hỏa hí chư hầu” để mua lấy nụ cười của Bao Tự. Còn hội nghị này, nếu có mua vui, chỉ có thể mua vui cho những tên Đại Hán cực đoan và sắt máu cỡ Hồ Tiến Tích, kẻ vẫn thường chế nhạo và cười cợt chúng ta trên Thời báo Hoàn cầu.[21]

Khi những “nút thắt trớt quớt” ấy đã trở thành một phần đời sống của chúng ta và phần lớn của những hoạt động chính trị – công quyền thì, nhìn lại, sẽ thấy bao nhiêu là chuyện cười thâm thúy từng kể nhau nghe, hóa ra, lại là chuyện thực. Như câu chuyện về “đồng chí lịch sử” của ông cán bộ dân vận thuyết phục dân quê đóng thêm thuế và mua thêm công trái: “Lịch sử đã giao phó, chúng ta không thể thoái thoác – Lịch sử đang nhìn vào chúng ta, chúng ta không thể lẩn trốn trách tránh nhiệm” khiến một nông dân ít học đứng dậy, hầm hầm: “Lịch Sử là đồng chí nào mà ép chúng ta những chỉ tiêu cao như thế!”. Đừng tưởng đây chỉ là điều thêu dệt kể để cười bởi, chính ông tướng Hoàng Đan, Tư lệnh Mặt Trận Vị Xuyên trong cuộc chiến biên giới, theo lời kể của con trai ông, đã từng đấm tay phẫn nộ khi nghe lời kêu gọi tương tự về “sứ mạng thiêng liêng lịch sử đã giao phó” từ trên đài phát thanh: “Lịch sử là cái gì mà lính tôi khổ thế!” [22]

Chúng ta, như thế, đang sống trong một thiết chế “inconsistency” như là nhận xét của Sennett, sống với những bậc chức quyền như thể là từ trong tranh châm biếm của Tự Lực Văn Đoàn ngày trước bước ra. Khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kể chuyện ông đến Mỹ, vừa “động viên” Tổng thống Mỹ Barack Obama, vừa nhân tiện “phân hóa nội bộ Mỹ”, ông ta ngờ nghệch có khác gì hai nhân vật Lý Tóet và Xã Xệ trong những lọat tranh ngày ấy? [23]

Những Lý và Xã ngày trước là những bậc quyền lực thống trị thế giới làng. Tách ra khỏi cái môi trường bao bọc trong lũy tre xanh, lạc vào môi trường đô thị thì những quyền lực làng này, qua nét bút của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đã trở thành những anh nhà quê ngớ ngẩn cù lần. Chủ tịch nước là một chức sắc quyền lực tầm vóc quốc gia, và khi bước ra khỏi biên giới quốc gia thì ông chủ tịch trên, qua sự diễn tả của chính ông ta, lại là một nhân vật cù lần, ngờ nghệch.

Nhưng điểm mấu chốt của vấn đề lại là việc ông chủ tịch tự vẽ lấy mình, dường như bằng cả niềm tin chân thành của mình. Dưới mắt người khác thì ông ta là một nhân vật ngờ nghệch. Nhưng dưới con mắt của chính ông ta, ông là một nhân vật quan trọng và oai vệ, được cả ông Obama “chăm chú – lắng nghe”, lại có thể “phân hóa nội bộ Mỹ” chỉ bằng một vài lời và, hơn hết, còn đại diện cho một đất nước đã đạt đến “vai trò, vị thế ngang hàng với người ta, nói năng cũng đúng mức, đàng hoàng”. Ông chủ tịch, như thế, thoạt trông, cũng chẳng khác gì thằng mõ trong tuồng cổ Quan Âm Thị Kính. Thằng mõ tự hào mình “lớn tiếng, dài hơi”. Ông chủ tịch tự hào cho “tư thế mạnh mẽ”, “tiếng nói mạnh mẽ”, cái tiếng nói “chưa bao giờ cất cao như thế” của mình. Nhưng ông chủ tịch lại… say sưa cơn ảo vọng hơn cả thằng mõ. Thằng mõ có thể tự trào “Mõ chưa ra là làng chửa được ngồi” nhưng hắn biết thân biết phận, không quên rằng hắn, thực chất, chỉ là hạng sai vặt, một thằng… trải chiếu. Ông chủ tịch, cũng như bao nhiêu lãnh tụ khác, và cả cái thiết chế chính trị ấy, dường như đã quên hay cố quên cái thân phận bị sai vặt hay “trải chiếu” của mình. Họ say sưa với kỳ tích “anh hùng” trong những trận chiến đầy xương máu mà quên rằng, thực chất, đấy chỉ là một thứ anh hùng trải thân ra làm chiếu. Họ bắt đất nước đưa thân ra làm “chiếu” như một thứ “tiền đồn xã hội chủ nghĩa”, một thứ “phên dậu” trong cuộc đụng độ mà, trong chừng mực nào đó, có thể diễn giải như cuộc chiến “ủy nhiệm” giữa những siêu cường.

Chính vì quên, vì còn nuôi ảo vọng là mình là bậc chiếu trên nên mới có những tiếng cười ngu xuẩn và ác độc trước sự khốn cùng của một thân phận chiếu dưới như Ukraine.

Đất nước đang nằm trong tay những “long trọng viên” đầy nét khôi hài, trịnh trọng với những trò cười vì không đủ thông tuệ để thấy rằng đó là trò cười, không thấy mình là những thẳng hề lăng xăng trong một tuồng hề phì đại. Đây, ở Bến Tre, là một ông quan đầu tỉnh với niềm tin rằng kẹt xe là “dấu hiệu của sự trù phú”.[24] Kia, ở thủ đô, là ông quan ngự sử với danh xưng Cục trưởng Chống tham nhũng, có thể trịnh trọng “tấu hài” ngay trong một cuộc họp báo: “Kê khai tài sản trung thực nhưng chưa đầy đủ”. [25] Thêm nữa là người đứng đầu nội các đọc tên ba nước “cờ lờ vờ” như trẻ đánh vần hay lên gân với cuộc “cách mạng 4.0” theo lối thầy cúng đọc thần chú bởi chỉ đọc suông mà chẳng hiểu mình đọc gì, cũng giống như cái ngôn ngữ thời thượng “xử lý hộp đen” của ông tổng bí thư một thời, cũng đọc lên như một câu thần chú bởi chẳng biết điều mình đang thao thao dạy bảo là gì. [26]

Và đó chính là đại bi hài kịch của chúng ta. Cái bi hài kịch ở đó chất “hài” tạo ra chỉ có thể giúp những kẻ thù như tên Đại Hán Hồ Tiến Tích phá ra cười trong khi chúng ta ôm hết phần “bi” để đau đớn và phẫn nộ khóc thầm. Và, phải chăng, chính vì phải kìm nén tiếng khóc trước điều lẽ ra phải cười nên chuẩn mực thẩm mỹ của chúng ta về tiếng cười đã bị đảo lộn, bị bóp méo để rồi chúng ta, đa số, càng hạ thấp mình hơn với những tiếng cười dơ dáy và nhảm nhí?

Orwell, như đã nói, cho rằng mỗi một chuyện cười là một cuộc cách mạng tí hon. Orwell cũng nhấn mạnh rằng người kể chuyện cười không thể thành công nếu chăm chăm làm hài lòng những giai tầng đặc quyền của xã hội, rằng cái cười sẽ càng giòn giã hơn nếu họ biết nhắm tới những mục tiêu nằm ở địa vị cao hơn. Hiểu tiếng cười theo khía cạnh này thì những trò cười nhảm nhí trong màn “tấu hài”, trong những gameshow truyền hình hay những “phim hài Tết” chính là những tiếng cười anti-revolution và, tiếng cười vong thân của chúng ta, thực chất, cũng là một thứ tiếng cười phản-cách-mạng.

Hẳn nhiên, khái niệm “cách mạng” này phải được hiểu như là một vận động khai phóng và đổi mới triệt để nên, do đó, còn là một tiến trình quất roi vào những thói tật hủ lậu, không hợp với lẽ phải. Và như thế, mỗi lần chứng kiến cảnh một đám đông ôm bụng cười hô hố trước những trò chọc cười “phản cách mạng” là mỗi lần tôi cảm thấy nhói trong lồng ngực. Tôi, thậm chí, còn mơ hồ nhận ra cái màn đêm trước mặt chị Dậu, nhân vật trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, trong cảnh cuối, lúc chạy khỏi nhà viên quan phủ: "Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!"

Âm thanh của những tiếng cười ha hả ấy càng ngân xa, tương lai của chúng ta càng ngắn lại. Cái đội ngũ khán giả ôm bụng cười hô hố trước những trò cười rẻ tiền và ngu muội kể trên càng đông ra bao nhiêu thì tiền đồ của chúng ta, như là cộng đồng Việt, dân tộc Việt, hay quốc gia Việt Nam, sẽ càng nhuộm cái màu đêm ấy bấy nhiêu, như mực!

Sydney 1.5.2019


[1] http://vanviet.info/trao-doi/bolro-dat-bien-v-nguoi/

[2] Tứ Lang, “Chúc mừng năm mới”. Phong Hoá 30.1.1935 (số 134)

Truy cập trong hệ thống dữ liệu của Đại học Hoa Sen:

https://news.hoasen.edu.vn/vi/tin-chuyen-de/tong-hop-cac-so-bao-phong-hoa-va-ngay-nay-1459.html

[3] Có thể tham khảo các ý kiến liên quan trong các bài báo:

“Hài Tết ‘khiêu dâm’: Thứ rác rưởi, vô văn hoá góp phần trực tiếp vào xuống cấp đạo đức xã hội”, bài phỏng vấn Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM.

https://vtc.vn/giai-tri/hai-tet-khieu-dam-thu-rac-ruoi-vo-van-hoa-gop-phan-truc-tiep-vao-xuong-cap-dao-duc-xa-hoi-ar453904.html

hay bài phỏng vấn nhà soạn kịch Lê Chí Trung “ Hài nhảm đang đầu độc thẩm mỹ xã hội”

https://dantri.com.vn/van-hoa/hai-nham-dang-dau-doc-tham-my-xa-hoi-20170503080702726.htm

[4] Hãy đọc các dòng tít trên báo mạng Sohanews:

“Tàu Nga đâm húc, nã đạn vào tàu Ukraine: Kiev đang ‘nhìn rau, nhưng muốn gắp thịt’?”

http://soha.vn/tau-nga-dam-huc-na-dan-vao-tau-ukraine-kiev-dang-nhin-rau-nhung-muon-gap-thit-20181126180347933.htm

hay: “Tuyên bố “hùng hồn, đanh thép” nhưng Hải quân Ukraine có còn gì đâu mà ra oai!”

http://soha.vn/tuyen-bo-hung-hon-danh-thep-nhung-hai-quan-ukraine-co-con-gi-dau-ma-ra-oai-20181126114953086.htm

[5] Dẫn theo câu “Poor Mexico, so far from God, so close to The United States" của José de la Cruz Porfirio Díaz Mori (1830 – 1915), tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880 và 1884 đến 1911. Mori chết trong cảnh lưu vong tại Pháp.

[6] Lỗ Tấn đã theo học tại Học viện Y khoa Tiên Đài (Sendai Medical Academy). Nhập học từ năm 1904, đến năm 1906 thì bỏ học để lao vào hoạt động văn học. Chuyện được kể lại trong lời nói đầu của tuyển tập tập truyện ngắn Gào Thét (Call to Arm), đề ngày 3/12/1922.

[7] http://orwell.ru/library/articles/funny/english/e_funny

[8] Margaret Randall (2011), First Laugh: Essays, 2000-2009, University of Nesbarka, trang 84 – 75.

Mack Sennett (1880 – November 5, 1960) người Mỹ gốc Canada , nổi tiếng như một nhà cải cách của phim hài. Trong suốt cuộc đời của mình, ông được biết đến với cái tên "Vua của Hài kịch"

[9] Thuật lại theo trí nhớ.

[10] Một kiểu chọc cười của H.L.

[11] Xem:

– “Hài miền Nam: Giả gái, chọc cười chuyện đời tư đến khi nào?” (9/02/2017_

https://vietnammoi.vn/hai-mien-nam-gia-gai-choc-cuoi-chuyen-doi-tu-den-khi-nao-19655.html

“Trong khi hài Bắc lạm dụng “thủ pháp” gây cười cơ học với răng vẩu, nói ngọng thì việc giả gái, chuyển giới và khai thác đời tư nghệ sĩ nhan nhản trong tác phẩm phía Nam.”

– “Trấn Thành: Nói tôi luyên thuyên là không hiểu hài miền Nam!” (23.3.2012)

http://giadinh.net.vn/giai-tri/tran-thanh-noi-toi-luyen-thuyen-la-khong-hieu-hai-mien-nam-20120323094450791.htm

[12] Truyện Kiều có 28 từ “cười” trên tổng số 22778 từ, tỷ lệ 0.00123

Lục Vân Tiên có 16 từ “cười” trên tổng số 14658 từ, tỷ lệ 0.00110.

[13] Augus Trumble, (2004) A Brief History of Smile, Allen & Unwin, trang 133 – 135.

[14] Trumble, sđd, trang xxiii.

[15] Bộ Công an cho người trà trộn vào hành khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất và ghi nhận rằng trên những chuyến tàu Bắc – Nam hành khách kể nhau nghe nhiều chuyện cười chính trị hơn là các chuyến tàu Nam – Bắc, sau đó kết luận rằng đa số những chuyện này xuất phát từ miền Bắc. Kết quả nghiên cứu này chỉ được lưu hành nội bộ, phổ biến trong giới chức an ninh và văn nghệ cao cấp, được nhà thơ Chế Lan Viên tiết lộ trong một cuộc nói chuyện tại nhà riêng vào đầu thập niên 1980. Chế Lan Viên chỉ tiết lộ vắn tắt chừng đó, không nói nhiều hơn. Ghi nhận theo lời kể của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc.

[16] Bài này được đọc tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ hai vào ngày 11.1.1963 tại Hà Nội, in lại với nhan đề “Nhân đọc chuyện tiếu lâm” trong tuyển tập “Nguyễn Tuân, Tác phẩm Văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh”, quyển II, NXB Văn học, 2006, trang 1016-1025.

[17] Alexander Rose, “When Politics is a Laughing Matter”, Hoover Institute, Stanford University, (December 1, 2001)

https://www.hoover.org/research/when-politics-laughing-matter

[18] "Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu", báo Tuổi Trẻ, 23,10/2013.

Lời của ông Nguyễn Phú Trọng “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

https://tuoitre.vn/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu-576098.htm

[19] “Trừ đi”, Chế Lan Viên

“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

Có phải tôi viết đâu? Một nửa

Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!

Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,

Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.

Tôi giết cái cánh sắp bay…

trước khi tôi viết.. [..]”

[20] “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc”

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&Chitiet=81283&Style=1

[21] Hu Xijin, chủ bút của tờ báo diều hâu The Global Times, (Hoàn cầu thời báo), phụ trương cua Nhân dân Nhật báo.

[22] “Cái đấm tay đau đớn của Tướng Hoàng Đan trong chiến tranh biên giới: LỊCH SỬ LÀ GÌ MÀ LÀM LÍNH TÔI KHỔ THẾ?”. Trí Thức Trẻ, 15.2.2019. (Tô Lan Hương ghi theo lời kể của ông Hoàng Nam Tiến, con trai Thiếu tướng Hoàng Đan)

http://soha.vn/chien-tranh-bien-gioi-viet-trungcai-dam-tay-dau-don-cua-tuong-hoang-dan-lich-su-la-gi-ma-lam-linh-toi-kho-the-20190214205427515.htm

[23] Phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất vào ngày 22.11.2009.

https://www.youtube.com/watch?v=sYlztYM72NQ

[24] “Kẹt xe cầu Rạch Miễu, ông Cao Văn Trọng nói ‘điều đó thể hiện sự trù phú’”, Bắc Bình, Thanh Niên 23/2/2019

https://thanhnien.vn/thoi-su/ket-xe-cau-rach-mieu-ong-cao-van-trong-noi-dieu-do-the-hien-su-tru-phu-1054368.html

[25] “Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái kê khai tài sản chưa đầy đủ”, Minh Đức – Nguyễn Hoàn, Tiền Phong, 11.8.2017

https://www.tienphong.vn/phap-luat/giam-doc-so-tai-nguyen-yen-bai-ke-khai-tai-san-chua-day-du-1176177.tpo

[26] https://www.youtube.com/watch?v=z8qOUt4pY0w

Hiện tại cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” đang trở thành thời thượng, nhất là các bài diễn văn của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trên thực tế thì báo chí quốc tế sử dụng cụm từ “industry 4.0” (kỹ nghệ hay công nghiệp 4.0) diễn tả sự áp dụng và tích hợp những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng thông tin vào sản xuất công nghiệp trong một thế giới toàn cầu hóa về mặt chính trị và nối mạng bằng internet tốc độ cao.

“Phát minh” về “cách mạng công nghiệp 4.0” cũng tương tự “phát minh “ của ông Nguyễn Văn Linh về “xử lý hộp đen”.

Trong Bên thắng cuộc: Quyền bính (2012), Chương 13, ký giả Huy Đức thuật:

“Đầu tháng 6-1988, trong chuyến đi tìm hiểu về “cải tiến cơ chế khoán trong công nghiệp” ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa ra khái niệm “xử lý hộp đen” (141). Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng: “Xử lý hộp đen là cải tiến quản lý và cải tiến kỹ thuật là khâu quan trọng lúc này cũng như về lâu dài” (142).

Trước đó, ngày 10-6-1988, báo Nhân Dân tổ chức cuộc trao đổi ý kiến với nhiều giám đốc về vấn đề: “Làm thế nào để xử lý hộp đen có hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và nhà nước mới ban hành”. Cuộc trao đổi do tổng biên tập báo Nhân Dân chủ trì với sự tham gia của hơn hai mươi tổng giám đốc và giám đốc các doanh nghiệp lớn. Từ đó cho tới đầu tháng 7-1988, báo Nhân Dân lần lượt đăng phát biểu của nhiều giám đốc, ai cũng trăn trở: “Làm thế nào để xử lý hộp đen”. Mặc dù, ý kiến của họ cho thấy không ai thực sự hiểu như thế nào là “hộp đen” cả.

Không thể ngồi nhìn “hộp đen” cứ “quay”, Giáo sư Hoàng Tuỵ và Giáo sư Phan Đình Diệu đành phải viết thư gửi báo Nhân Dân. Hai nhà khoa học nói thẳng rằng, các thuật ngữ, xuất hiện thường xuyên trên báo Nhân Dân và các báo lớn, như “hộp đen”, “xử lý hộp đen” và “quay hộp đen” đã “bị hiểu sai lạc và sử dụng tuỳ tiện”. Sau khi dẫn các giải thích của các nhà lãnh đạo cũng như một số “nhà khoa học” đăng trên các báo, Giáo sư Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu kết luận: “Không có một nhà điều khiển học đứng đắn nào, không có một nhà kinh tế học nghiêm chỉnh nào lại có thể hiểu về hộp đen như thế” (143).

Thoạt tiên, Giáo sư Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu gửi ý kiến của mình đến báo Nhân Dân. Nhưng báo Nhân Dân lờ đi. Họ gửi tới Văn phòng Trung ương, nhưng không ai đủ dũng cảm để nói với Tổng bí thư. Trong các cuộc họp, Tổng bí thư vẫn tiếp tục “xử lý hộp đen”. Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu đành phải đưa bài tới cho nhà văn Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc kể, ông đã gọi điện cho Tổng Biên tập báo Nhân Dân Hà Đăng, nhưng Hà Đăng nói: “Tôi không dám đăng”. Nguyên Ngọc nghĩ: “Một bài báo mấy trăm chữ mà hai bậc đại trí thức của Việt Nam phải đồng ký tên. Cái sai không chỉ là của một cá nhân Tổng bí thư nữa mà có nguy cơ trở thành ‘kiến thức’ phổ thông. Nếu mình cũng sợ không đăng thì người ta sẽ nghĩ là cả nước Việt Nam không biết”. Ngày 30-7-1988, Nguyên Ngọc cho đăng bài Hộp Đen Và Quay Hộp Đen trên báo Văn Nghệ. Từ hôm đó, trên báo Nhân Dân, khái niệm “hộp đen” biến mất.”

Comments are closed.