Trả lời Lại Nguyên Ân

Thụy Khuê

Paris ngày 1-10-2021

Anh Lại Nguyên Ân thân mến,

Tôi cũng ngần ngại khi viết những dòng này bởi vì tôi không thích tranh luận[*], những bài tôi đã viết, chỗ nào sai, bạn đọc chỉ, tôi sẵn sàng sửa lại, không có vấn đề gì. Hoặc cả những bài đã viết ngày trước, nay đọc lại thấy có chỗ không đúng, tôi cũng rút khỏi Internet.

Nhưng vì anh là người bạn quen đã gần 30 năm nay, nên tôi không thể không trả lời.

Chỉ xin vắn tắt, bởi không muốn làm mất thì giờ của độc giả, vì vậy xin đi thẳng vào đề:

Tôi đặt vấn đề so sánh Nguyên Hồng-Nam Cao và Nguyên Hồng-Vũ Trọng Phụng, chỉ vì Nam Cao, Vũ Trọng Phụng ở trong số các nhà văn hiện thực được sùng bái, trong khi Nguyên Hồng thì không. Và tôi cũng muốn đặt lại vấn đề nhận thức các tác phẩm văn học hiện thực mà bấy lâu nay được coi như kiểu mẫu của văn học Việt Nam. Đây là một vấn đề lớn, nhưng trong bối cảnh bài viết về Tự Lực văn đoàn, chủ yếu giới thiệu ba tác giả hiện thực: Bùi Hiển, Trần Tiêu và Nguyên Hồng, nên tôi chỉ trình bày vắn tắt những luận điểm của tôi, không thể viết dài vì không phải là tiêu đề chính, cũng không thể đào sâu như một bài viết riêng về Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao.

Điều tôi khác anh là ở chỗ:

Anh cho rằng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao hoàn toàn hay. Tôi tôn trọng ý kiến của anh. Phần anh trích dẫn những ý kiến của người khác, tôi không lạm bàn.

Vì sao tôi cho rằng Tam Lang và Vũ Trọng Phụng làm phóng sự giả? Vì Tam Lang kể lại ông được ông chủ báo gợi ý nên viết phóng sự, thế là ông đi kéo xe liền, lại kéo một ông Tây bự một lèo từ Đồn Thủy lên đê Yên Phụ. Tôi nghĩ một công tử Hà Thành như Tam Lang khó có thể biến thành "cu-li" nhanh như thế.

Còn Trọng Lang, chỉ sau bài phóng sự đầu tiên, đã được Nhất Linh mời lên toà soạn, và mượn làm phóng viên, chuyên viết phóng sự cho Ngày Nay, ăn lương tháng, ông đã kể lại chuyện này trong hồi ký. Vậy Trọng Lang không thể ăn lương, ngồi nhà, mà hư cấu ra phóng sự được. Một mặt khác, cái thật trong văn phong của Trọng Lang tôi đã chứng minh trong bài Ngày Nay phóng sự. Nhất là những đoạn, ông đi qua "nhà thổ" 4,5 lần, mà không dám vào. Nhưng thực tình mà nói, anh Lại Nguyên Ân ạ, những giải thích này, chỉ dành cho bạn đọc không chuyên về văn chương, còn giữa anh và tôi, thì tôi nghĩ người phê bình nào cũng có khả năng nhận diện được cái thật, cái giả trong chữ nghiã, không cần sự giải thích đến từ ngoại cảnh.

Về Vũ Trọng Phụng, tôi chia tác phẩm của ông làm hai loại: Tiểu thuyết và phóng sự.

Chính Vũ Trọng Phụng đã định nghiã phóng sự là gì:

"Viết thiên phóng sự Lục xì tôi không phải chỉ là một nhà văn, nhưng còn là một nhà báo. Nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người biết. Nếu một việc đã có thực là bổn phận của tôi chỉ là thông báo cho mọi người biết, chứ không phải là lo sợ rằng cái việc làm phận sự ấy lợi hại cho ai".[1]

Phóng sự, Vũ Trọng Phụng viết rất sống động, nhiều đoạn rất hay, nhưng cũng nhiều đoạn, hoàn toàn hư cấu, như đoạn này trong "Cơm thày cơm cô":

"Tôi không cần nói rõ hàng cơm nào, ở phố nào, làm gì. Các ngài chỉ biết rằng một hàng cơm cũng như nghìn vạn hàng cơm khác, nghiã là khi ta mới bước chân vào thì bổn phận ta là thấy lập tức buồn nôn. Nào là mùi cá mè, mùi thịt trâu, thịt lợn thiu, mùi lòng lợn, lòng bò, mùi mẻ chua, mùi dưa khú… Thôi thì đủ một trăm nghìn thứ mùi khó chịu, mà lạ nhất là nó không hề bận tâm đến hai lỗ mũi của bà chủ luôn luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn và gãi sồn sột, tư nhiên như đàn ông chúng ta" [2]

"Nghìn vạn hàng cơm khác" ở Hà Nội hay ở cả nước Việt Nam đều như thế ư? Nhất là lại có bà chủ tiệm cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn và gãi sồn sột? Những màn tả như thế, tôi cho là giả, là bịa.

Nguyễn Đăng Mạnh, trong bài giới thiệu toàn tập Vũ Trọng Phụng, cho biết Vũ Trọng Phụng là người sống rất nghiêm túc, đạo đức, chẳng bao giờ đi chơi đêm. Điều này giải thích tại sao lại có những đoạn văn hư cấu trong các phóng sự của ông, mà thể văn phóng sự, bản chất là viết sự thật. Thí dụ, khi đọc phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, ta nhận diện sự đàn áp và khâm phục lòng can đảm của tác giả. Nhưng nếu ta "biết" là Phùng Gia Lộc "hư cấu" thì còn có gì để nói nữa?

Vấn đề của tôi là như vậy, hồi trước tôi khâm phục tài viết của Vũ Trọng Phụng, nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm đọc, nên tôi tưởng đó là những giá trị đích thực. Ngày nay đọc lại Vũ Trọng Phụng, tôi thấy những nhược điểm trong phong cách viết của ông và tôi đã nói ra, tuy chưa đầy đủ.

Tất nhiên những điều tôi viết, không trúng ý anh, và ý của nhiều người, nhưng nếu làm việc phê bình mà sợ dư luận, hoặc sợ mất lòng, thì phải bỏ bút.

Về Nam Cao cũng vậy.

Tôi chỉ phân tích lại tác phẩm Chí Phèo, được coi là kinh điển của văn học hiện thực.

Nam Cao hơi khác Vũ Trọng Phụng, vấn đề Nam Cao liên quan đến đạo đức con người: Nhà văn có quyền đưa ra một tác phẩm trong đó sự dã man (như giết người – trong Chí Phèo –, hay giết chó – trong Cái chết của con Mực) được trình bày như một hành động vô cố không?

Bởi vì việc Chí Phèo giết bá Kiến là một hành động vô cố, theo những tình tiết xẩy ra trong truyện ngắn này, thì Chí Phèo không có lý do gì để giết bá Kiến. Bá Kiến có thể là người xấu, nhưng y không làm việc gì đáng tội chết.

Tất nhiên Nam Cao hoàn toàn có quyền viết như vậy, nhưng một người đọc như tôi có quyền đánh giá tác phẩm, và sự đánh giá này không hợp ý anh, chuyện rất thường. Nhưng tôi trân trọng ý kiến của anh.

Xin cảm ơn anh về câu "một kẻ thả lươn" mà anh đã nêu ra trong bài viết, câu này tôi chép trong Tuyển tập Nam Cao, người đánh máy thiếu một chữ ống, tôi cũng thấy hơi kỳ, nhưng nghĩ là độc giả sẽ đoán được nghiã: một kẻ đi săn lươn, nên không chú thích. Cảm ơn anh đã giảng giải.

Để phản bác câu: "Nguyên Hồng là một khám phá độc đáo của Tự Lực văn đoàn" của tôi, anh viết: "Ai đã đọc hồi ức "Nhà thơ ở ngõ Nghè" của Nguyên Hồng, sẽ rõ: khám phá này chỉ thuộc Thế Lữ: do hai bà mẹ có họ hàng xa thế nào đó, cậu Hồng mới dám tìm đến khi Thế Lữ từ Hà Nội về Hải Phòng thăm nhà, được Thế Lữ chỉ dẫn và đưa dần vào văn đàn. Các thành viên TLVĐ khác cố nhiên cũng được chút thơm lây!"

Không biết anh đọc hồi ức "Nhà thơ ở ngõ Nghè" ở đâu? Tôi xin mách anh bản "gốc" in trong hồi ký Bước đường viết văn, chương II, Nhà thơ ở Ngõ Nghè (trang 1130-1147)[3] dành riêng viết về Thế Lữ và gia đình. Thế Lữ là anh họ và cũng thần tượng, Nguyên Hồng đã ao ước: "Chao ôi, nếu tôi chỉ được một vẩy nhỏ trong cái áo choàng hào quang của một người như Thế Lữ." Năm 1934, ông được mẹ đưa ra Hải Phòng, đến chào người anh họ nổi tiếng lần đầu, sau đó có gặp lần nữa. Một hôm, bà mẹ bảo: "Anh Lễ anh ấy nhắn mai lên anh ấy hỏi việc gì đấy!" Nguyên Hồng đóng bộ đồ tốt nhất, đi giầy Tây lên gặp ông anh họ mà ông coi là "Kim Tự Tháp", ở Ngõ Nghè, nhưng ông ấy chả "hỏi việc gì" cả, ngoài mấy lời trao đổi: "Cậu là cậu Hồng con bà Vui?… Cậu cũng viết… cậu đang tập viết… Phải đấy! Cố mà viết!… Viết là sự sống…". Tuyệt nhiên không có vụ hỏi han giúp đỡ trên đường sự nghiệp văn chương.

Cũng dễ hiểu thôi, vì Thạch Lam phụ trách mảng đọc và chấm thi giải Tự Lực văn đoàn, chắc không nhận sự đi cửa sau. Nguyên Hồng cũng chỉ có bài đăng trên Ngày Nay hai tháng sau khi trúng giải. Vậy Nguyên Hồng vào được Ngày Nay vì tài năng của ông, chứ không phải vì được Thế Lữ đưa đẩy. Bản lĩnh của Nguyên Hồng lộ rõ trong lời này, khi ông nghi ngờ mẹ có ý gởi gấm người anh họ:

"Trời! Tôi có đói mà không có việc làm thì thà chịu thết đói! Tôi viết tồi viết dở, viết kém thì bẻ ngòi bút, xé bản thảo đi. Chứ trong công cuộc viết văn, trong đời văn chương không thể có cái ngoại lệ nhận ân huệ. Không thể có gia nô gia bộc. Không thể có ông anh bà chị lo lót. Không thể có cầu cạnh luồn lọt. Không thể lấy bản thảo làm cái bát hay cái gáo của ăn mày!" (trang 1140)

Anh Lại Nguyên Ân,

Tôi không có thành kiến với bất cứ nhà văn nào, tôi chỉ đọc văn của họ để tìm hiểu và viết lại cái mình hiểu gửi tới độc giả. Tôi không hạ bệ ai cả. Quen tôi gần 30 năm, điều đó chắc anh có thể hiểu được.

Tôi không học đại học văn chương, không có bằng tiến sĩ, không được đào tạo bên Nga, bên Tàu, và tôi không là nhà gì cả. Tôi chỉ là một người viết phê bình.

Nên khi anh phong cho tôi chức nhà báo, tôi thực tình không dám nhận. Bởi vì tôi không thể là nhà báo như các bạn tôi ở RFI, họ được đào tạo bằng nhiều lớp học, họ biết rõ nghề của họ.

Tôi kính trọng tất cả các nhà báo biết nghề cũng như các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu tài năng, đáng tin cậy.

Và trong những nhà báo của Việt Nam, tôi khâm phục nhất Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Khôi.

Đó là vài điều tôi muốn nói với anh.

Thụy Khuê


[*] Xem bài Một số nhận định sai lầm về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao của Lại Nguyên Ân (Văn Việt).

[1] Trích bài Sáu mươi năm sau đọc lại Lục Xì, tựa sách Lục xì của Hoàng Thiếu Sơn, nxb Văn Học, bản điện tử.

[2] Trích Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I, nxb Văn Học, Hà Nội, 1996, trang 581.

[3] Nguyên Hồng, Bước đường viết văn in năm 1970, nxb Văn Học, in lại trong bộ sưu tập Những tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh, tài liệu của Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội.

Comments are closed.