Đường lối đấu tranh phi bạo lực của Mathatma Gandhi (kỳ 1)

Howard Gardner

Hoàng Hưng dịch (từ sách Creating Minds, BasicBooks Publishing, 1993)

Gần đây, khái niệm “đấu tranh bất bạo động” thường được nói tới nhiều trên thế giới mạng của người Việt. Nhân đang dịch một cuốn sách tâm lý học có chương về cuộc đời và sự nghiệp của Mahatma Gandhi, có thể là người duy nhất đã thành công trong công cuộc giành độc lập dân tộc bằng con đường phi bạo lực, tôi xin chia sẻ với quý bạn đọc Văn Việt một số trích đoạn trong chương này, nói về chủ trương và thực hành “Satyagraha” của ông. Tất nhiên thực tế và lịch sử của Ấn Độ và Việt Nam khác nhau xa, nhưng thiết nghĩ tư liệu này cũng đáng cho chúng ta tham khảo.

Người dịch


Image result for Mahatma Gandhi

Các nguyên lý Satyagraha

Gandhi có lần đã xác nhận rằng hoạt động là lĩnh vực của mình; trong quá trình hoạt động, ông thiết kế nên cái lõi của hiện hữu của mình. Những di sản lâu bền nhất mà ông trao cho hậu thế là những thành quả chuyên biệt của ông trong việc giúp giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của người Anh và lời chứng minh mang tính phổ quát của ông rằng những vấn đề xích mích có thể, ít ra là có những lúc có thể, được nêu lên và làm nhẹ bớt thông qua các phương pháp kháng cự phi bạo lực. Tuy nhiên Gandhi có thể đã mở rộng một cách thích đáng lĩnh vực của mình để đưa vào những suy nghĩ và bài viết: một địa hạt hoạt động cũng quan trọng không kém là suy nghĩ sâu sắc của ông về bản chất của con người. Như nhà viết tiểu sử Brown nói: “Giống như nhiều người nhìn xa trông rộng, ông kết hợp thiên hướng suy tư với một năng lực và nhu cầu tham dự vào công việc hoạt động tích cực, thậm chí tích cực một cách điên cuồng”. Bất kỳ cố gắng nào để hiểu Gandhi đều phải bao gồm cái biện chứng không đổi và năng sản giữa một bên là đọc, viết, và suy tư, bên kia là việc lãnh đạo bằng tấm gương dũng cảm cá nhân.

CƠ SỞ TRIẾT HỌC

Trong khi không hẳn là một học giả có hệ thống hay hết sức mình, Gandhi vẫn đọc rộng, đặc biệt trong những thời gian ở tù hay tự nguyện rút lui khỏi đời sống hoạt động. Ngay từ thuở đầu đời ông đã đọc những văn bản tôn giáo – Thánh kinh [Ki tô giáo], kinh Koran, Thông thiên học, và đặc biệt Bhagavad-Gita [Hindu giáo]– cũng như những văn bản thế tục trong thời đại mình như của Thomas Carlyle, Ralph Waldo Emerson và Thomas Huxley. Theo lời chứng của chính ông, như đã ghi chú, ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ba nhà văn mà ông gặp trong những năm ở Nam Phi. Từ Thoreau, ông nhận được những cái nhìn thấu đáo về triết lý bất tuân dân sự và những cách để cá nhân có thể kháng cự những sức ép của chính quyền. Từ Ruskin, người vẫn còn sống khi Gandhi học hành ở Anh, ông có được hiểu biết về những chiều kích xã hội của các hành động của con người: Ruskin cảnh báo ông về tính trung tâm của lao động (từ những hình thức cao cấp nhất đến những hình thức khiêm tốn nhất), các mối quan hệ giữa giới ưu quyền và giới nghèo, và sự căng thẳng giữa các nhân tố kinh tế và con người.

Nhưng Gandhi chịu tác động sâu xa nhất bởi các văn phẩm của Tolstoy. Việc đọc Tolstoy không chỉ khiến ông mãi mãi ngưng tìm kiếm bạo lực làm phương tiện nhằm đạt mục đích mà còn in hằn vào ông cái nhu cầu tập chú vào nghĩa vụ của mình hơn là vào quyền lợi, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa mình và Thượng đế, và tính trung tâm của tình yêu trong mọi công chuyện của con người. Gandhi tự hào rằng mình đã có thể trao đổi thư từ với nhà tư tưởng lớn người Nga trong thời kỳ ngay trước khi ông ta qua đời. Tolstoy cũng có ấn tượng mạnh: ca tụng Gandhi với chính Gandhi và với những người khác, Tolstoy nói rằng cách tiếp cận của Gandhi với sự phản kháng phi bạo lực là “một vấn đề có tầm quan trọng lớn nhất không chỉ cho Ấn Độ mà cho toàn nhân loại”.

Tôi không tin rằng Gandhi cần phải đọc bất kỳ – chưa nói là cần đọc tất cả – những văn bản trên để đi đến những nguyên lý và những phương thức chính yếu cho hoạt động của mình. Dẫu sao, những văn bản như thế đã gây cảm hứng cho Gandhi và giúp ông tự đặt mình vào trường của những gương mặt tương đối đồng thời đấu tranh ở những góc khác nhau của thế giới với nhiều vấn đề giống như vấn đề khiến ông bận tâm. Nhìn xa hơn, Gandhi có thể được đồng nhất với những thủ lãnh tôn giáo và tinh thần quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, mặc dù ông cẩn trọng chối bỏ sự tồn tại của bất kỳ tích cách thần linh nào trong bản thân. Một cách nghịch lý, trong khi những nhà cách mạng nghệ thuật tương đối khép kín được tích cực móc nối với những người đồng thời ngay lúc đó, thì nhà sáng tạo mà đóng góp của mình liên kết chặt chẽ với những con người khác lại nhận được cảm hứng lớn nhất từ những người mình chưa bao giờ gặp.

Được hỏi nhiều lần về tín điều của chính mình, Gandhi nhấn mạnh một số chiều kích cơ bản: việc truy tìm sự thật, đạo đức, và sự làm mới tinh thần – được nhấn mạnh trong Bhagavad-Gita – là nền tảng của con người ông. Gandhi không thể nhìn việc tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng trong phạm vi cá nhân tách khỏi việc tìm kiếm một cuộc sống mẫu mực phục vụ cộng đồng của mình. Tự do cá nhân sẽ không trùng hợp với tự do phục vụ xã hội; phi bạo lực cá nhân sẽ không ngang bằng với phi bạo lực trên vũ đài rộng lớn; việc truy tìm cá nhân cho sự thật, kiến thức, và sự thấu hiểu sẽ nằm trong một cộng đồng hiến mình cho cùng những mục tiêu ấy.

Như Erikson nhấn mạnh trong nghiên cứu về Gandhi, nhà cách tân tôn giáo là một con người mà giải pháp cho những song đề cá nhân cuối cùng có ý nghĩa cho một cộng đồng rộng lớn hơn nhiều. Chắc chắn những cuộc đấu tranh bên trong Gandhi cuối cùng vang dội với những cuộc đấu tranh làm bận tâm cả Ấn Độ, và thực tế là đã vang dội khắp nhiều phần trong thế giới đang phát triển. Những gánh nặng mà ông tự gánh vác cuối cùng trở thành những gánh nặng mà những người khác cũng có thể nhận lấy. Erikson cân nhắc về ngôn từ giữa “vì sao một số thiên tài nhất định có thể làm cái việc không ít hơn là tự gánh lấy một lời nguyền về tiến hoá và sinh tồn được chia sẻ bởi tất cả mọi người… và tại sao những người khác sẽ chỉ quá hăng hái gán cho một người như thế sự vĩ đại Trời-cho vượt qua mọi người khác”.

Phần lớn người ta nghĩ về Gandhi trước tiên như một gương mặt tôn giáo, nhưng quan điểm tôn giáo của Gandhi rất khác với kiểu phe phái địa phương mà cái nhãn của nó thường gợi ra ngày nay. Ông tin rằng có một nhãn quan tôn giáo là một dấu hiệu của việc làm người. Còn xa mới có một cái trục thần học để bám vào, ông chọn nghiên cứu mọi tôn giáo quan trọng, phân biệt cái hay cũng như những hạn chế của mỗi tôn giáo, và cuối cùng ưa chuộng một tín điều chung công nhận một thần tính căn bản thấm đẫm vạn vật. Nhất quán với lý lịch thuộc giai tầng cao của đạo Hindu, ông nhấn mạnh một cuộc sống trong đó người có ưu quyền hơn sẽ giúp đỡ người kém may mắn; nhưng ông trở nên ngày càng phê phán cái ý niệm giai tầng và cung hiến nhiều nghị lực cho việc khôi phục phẩm giá cho số dân chúng bị gọi là Tiện dân (Untouchable – Giới không thể chạm vào). “Tôi coi việc có giai tầng Tiện dân là vết nhơ lớn nhất của đạo Hindu”, có lần ông đã bình luận như thế.

Có lẽ những ý tưởng khiêu khích nhất của Gandhi liên quan đến mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị. Người phương Tây chúng ta vinh danh – ít nhất là về lý thuyết – việc tách rời lâu nay giữa nhà thờ và nhà nước. Với Gandhi thì không. Qua các văn phẩm của mình, Gandhi nhấn mạnh sự bất khả phân ly giữa hai lĩnh vực ấy – mà chúng ta cho rằng thường khác lạ nhau. Một mặt, ông tuyên bố: “Với tôi, chính trị mất đi tôn giáo là tuyệt đối bẩn thỉu, thậm chí phải tránh xa”. Nhưng ông cũng coi rẻ không kém thứ tôn giáo không quan tâm đến và không giúp giải quyết những vấn đề thực tế: “Tôi tham dự vào chính trị vì tôi cảm thấy rằng không có bộ phận nào của cuộc sống có thể ly khai khỏi tôn giáo và bởi chính trị đụng đến hiện hữu sống còn của Ấn Độ hầu như ở mọi điểm”. Có lần ông đã nhận xét một cách sắc bén: “Tôi có thể nói mà không chút chần chừ, tuy với tất cả sự khiêm tốn, rằng những ai nói tôn giáo không liên quan gì đến chính trị là những người không biết tôn giáo nghĩa là gì”.

Một con người của sự phức hợp và tinh tế như Gandhi không thể bị quy giản về một thông điệp triết lý duy nhất hay một thực hành đơn nhất về chính trị hay tôn giáo. Ngay cả khi toan tính của chính ông có vẻ ngắn gọn: “Điều tôi muốn đạt được – điều tôi đã cố gắng và khao khát đạt được suốt ba mươi năm nay – là tự nhận ra mình, là nhìn trực diện Thượng đế, là đạt tới Moksha [nghĩa đại khái là “làm một với Thượng đế”]… Mọi việc tôi làm qua lời nói, chữ viết và mọi cuộc phiêu lưu của tôi trên chính trường, đều hướng đến cùng mục đích ấy”. (diễn đạt này dội lại một cách đáng ngạc nhiên ham muốn quá tham vọng của Einstein là biết được Thượng đế nghĩ gì). Tuy nhiên, nằm ở trung tâm của con người Gandhi là satyagraha, sự thực hành mà ông phát triển và hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ. Cũng ngang như Einstein mãi mãi buộc chặt với thuyết tương đối, Freud với cái vô thức, hay Picasso với chủ nghĩa lập thể, Gandhi là bậc thầy satyagraha cũng với mức độ đó.

BẢN CHẤT VÀ THỰC HÀNH CỦA SATYAGRAHA

Gandhi lần đầu tiên nói rõ về satyagraha ở Nam Phi. Ông sử dụng cụm từ này để biểu đạt sức mạnh sinh ra từ sự thật và tình yêu, mà người Ấn đã huy động suốt nhiều năm để kêu gọi chú ý đến những bất công giáng xuống họ và để đem đến một hệ thống quan hệ có tính người và công bằng hơn giữa các bên trong vùng. Sataygraha thừa nhận sự tồn tại của một cộng đồng trong đó hai hay nhiều bên thấy bất đồng hay đối lập với bên kia. Thay vì đối đầu nhau bằng bạo lực, khổ đau, hay đe doạ đụng độ làm hại nhau, satyagraha đề nghị huy động lý trí và lương tâm của các đối thủ bằng việc xin cho chính mình chịu khổ sở. Từ đó những người thực hành satyagraha hy vọng cải đổi các đối thủ và khiến chọ trở thành đồng minh tự nguyện.

Theo Gandhi thấy, satyagraha là một hình thức thanh tẩy, một sự xác quyết của tinh thần. Việc tự gánh lấy khổ nạn gây ấn tượng mạnh về sự chân thành và cam kết của người thực hành satyagraha và tìm cách thuyết phục đối thủ về sự chính đáng trong lý lẽ của mình: “Bất kể sự khổ nạn họ phải chịu có thế nào đi nữa, những người thực hành Satyagraha không bao giờ sử dụng sức mạnh thể chất”. Gandhi diễn đạt cô đọng sự khác biệt giữa những sự đối đầu truyền thống với những sự đối đầu do satayagraha chỉ huy: “Nếu sử dụng bạo lực để buộc chính quyền phải huỷ bỏ một đạo luật, là tôi sử dụng cái có thể gọi là sức mạnh thể xác. Nếu tôi không tuân thủ luật và chấp nhận bị án phạt do phạm luật, tôi sử dụng sức mạnh của tâm hồn. Việc này bao hàm sự hy sinh bản thân”.

Nhìn chung, người thực hành satyagraha có một mục tiêu cụ thể; họ có thể thoả hiệp để đạt được mục tiêu này chừng nào những nguyên lý căn bản không bị phá hoại. Nhưng cuộc đấu tranh cũng có ý nghĩa chính trị rộng lớn hơn: nó được dùng để giáo dục mọi thành viên của cộng đồng và khuyến khích việc quyết định và chỉ huy bằng các biện pháp đồng thuận. Một cách lý tưởng, người thực hành satyagraha thể hiện niềm tin vào bản thân hơn là cưỡng bức đối thủ, nhưng Gandhi biết rằng nhân tố cưỡng bức cũng tiềm tàng trong sự phản kháng phi bạo lực.

Những khía cạnh căn bản của satyagraha không phải có gốc từ Gandhi; thực vậy, chúng có thể được tìm thấy không chỉ ở những người hướng dẫn ông, Tolstoy và Thoreau, mà cả ở các thủ lãnh tôn giáo như Christ và các triết gia như Socrates. Đóng góp của Gandhi là tìm ra kịch bản chi tiết cho satyagraha vận hành, ít nhất là trong hoàn cảnh Ấn-Anh mà ông thân thuộc. Thực vậy, ông đã thực sự cụ thể hoá những luật lệ mà các tín đồ được trông đợi tuân thủ – chẳng hạn:

· Không nuôi lòng căm giận mà chịu đựng sự căm giận của đối thủ. Từ chối đáp trả sự tấn công của đối thủ

· Không kháng cự việc bắt giữ cũng không ràng buộc vào tài sản, trừ khi là người được uỷ thác giữ tài sản.

· Là thành viên của một đơn vị satyagraha thì phải tuân lệnh các thủ lãnh và rút lui khỏi đơn vị khi có sự bất đồng nghiêm trọng.

Gandhi chỉ rõ những điều kiện để satyagraha có nghĩa: (1) một tình thế phức hợp mà việc trở về một “nguyên lý thứ nhất” sơ yếu có thể soi sáng và có ích, (2) một vấn đề trong đó đối thủ của ta có chỗ yếu và ở đó có sự đồng ý rộng rãi về mặt đạo đức rằng có cái gì đó sai. Ông cụ thể hoá những thành phần quyết định của sự tự kỷ luật, tự kiềm chế, và tự thanh tẩy, cũng như lòng trung tín và tuân phục đối với người lãnh đạo. Các cá nhân phải hiểu động cơ của chính mình khi tham dự vào satyagraha và những nghĩa vụ của mình đối với nhũng người khác cũng tham dự vào đó. Gandhi giải thích: “Một người thực hành satyagraha khác với những người bình thường ở chỗ… nếu chấp thuận một hạn chế, thì anh chấp thuận sự tình nguyện, không phải vì sợ trừng phạt mà vì anh nghĩ rằng sự chấp thuận ấy là thiết yếu cho phúc lợi chung”. Gandhi nhấn mạnh nhu cầu nhạy cảm với những nhu cầu của đối phương và thậm chí cần phải giúp họ khi họ đánh mất quyền tự do làm một đối tác tự trị. Trên hết mọi điều, cái xấu xa khách quan không bao giờ được đặt ngang bằng với con người cá nhân trong nhóm được liên kết với hành động gây tổn hại [cho mình].

Tiến trình satyagraha bắt đầu với những cố gắng thuyết phục thông qua thảo luận và lý lẽ. Những giai đoạn đầu tiên nên cho phép điều tiết và thoả hiệp. Nếu những cố gắng hoà giải ấy thất bại (như ở Ahmedabad chẳng hạn) thì ta tiến tới thuyết phục bằng khổ nạn pháp (chẳng hạn như tuyệt thực). Lúc này ta thử gây ấn tượng mạnh về những vấn đề đang lâm nguy và gây sự chú ý của cộng đồng rộng lớn hơn; hy vọng là có thể quay trở lại tiến trình thảo luận. Nếu thuyết phục bằng lý lẽ hay khổ nạn pháp vẫn thất bại, thì người thực hành satyagraha có thể tìm đến sức ép phi bạo lực, với những kỹ thuật như bất hợp tác và bất tuân dân sự. Tất nhiên nguy cơ ở đây là phi bạo lực có thể đưa đến bạo lực, hay hai bên có thể trở thành xa lạ với nhau đến mức bất kỳ sự đồng ý mới nảy sinh nào cũng tỏ ra khó duy trì về lâu dài. Trong một hình ảnh diễn ngôn thuyết phục, Gandhi mô tả sự tế nhị của tiến trình này: “Người đi dây, tự thăng bằng trên một sợi dây treo ở độ cao 20 bộ, phải tập trung chú ý trên dây và sai sót nhỏ nhất… có nghĩa là cái chết cho mình… [Một] người thực hành satyagraha phải, nếu có thể, toàn tâm toàn ý vào mục tiêu hơn thế nữa”.

Cuối cùng, Gandhi lưu ý những giới hạn của satyagraha. Không thể áp dụng nó vào mọi tình huống, bởi một số tình huống thiếu sự rõ ràng về mặt đạo đức, một số thì thiếu người tác động hay người đi theo, và quá nhiều tình huống thiếu một đối thủ có tinh thần chơi đẹp: Gandhi lưu ý một cách buồn bã rằng satyagraha không có tác dụng với bọn bạo chúa. Những thành tố cưỡng bách tiềm ẩn trong satyagraha phải được sử dụng một cách nhạy cảm, nếu không ta sẽ có nguy cơ tiêu huỷ đối thủ hay khiến cho những vụ đụng độ sau đó trở thành rối loạn.

Bất kể những hạn chế này, Gandhi đã hoàn thiện một phương pháp hết sức chính xác và có sức mạnh, có những hậu quả không thể tính được đối với Ấn Độ trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, một phương pháp có thể ảnh hưởng lớn hơn đến cả cộng đồng thế giới, với thực tế là mọi người có thể tin tưởng học theo và sử dụng nó. Gandhi đã tuyên bố: “Tôi có niềm tin không thể dập tắt là, trong mọi đất nước trên thế giới, Ấn Độ là đất nước có thể học nghệ thuật phi bạo lực… rằng… nếu được đem thử ngay cả lúc này, có lẽ sẽ có thể tìm được hằng ngàn người đàn ông và đàn bà sẵn lòng chết mà không nuôi trong lòng ác tâm đối với những kẻ ngược đãi mình”.

(còn tiếp)

Comments are closed.