Cùng làm cho cơ thể Việt Nam tốt lành hơn: Lê Học Lãnh Vân thở bụng

Đỗ Quyên

Chưa hẳn là tạng người “sinh ra phải viết văn” Lê Học Lãnh Vân viết tản luận, bút ký, hồi ký bằng ngay các chuyện, sự việc, chi tiết có thật từ bản thân, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp qua môi trường xã hội và làm việc của ông. Từ và về đất nước – con người Việt Nam mà bản thân ông rất, rất gắn bó…

Chỉ đọc dăm câu đôi ý ở đoạn nào đó trong các đoản văn ấy cũng nhận ra tác giả là một nhà trí thức quảng giao. Vâng, một số bài “đinh” cũng cho thấy Lê Học Lãnh Vân xuất thân từ một dòng tộc trí thức quảng giao ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975 (và có lẽ ít gần gũi với chế độ miền Bắc); sau 1975 nhiều năm được sang Pháp rồi Canada tu nghiệp, tái định cư, nghiên cứu, hành nghề; và rồi lại trở về nước tiếp tục theo nghề sinh-hóa trong lĩnh vực kinh doanh ở TP HCM.

Trên trang mạng Văn Việt tác giả đang là chủ nhân ông của những 332 bài viết lận[1]. Hiển nhiên phải tính từ trang Diễn Đàn (Pháp) như là “căn cứ địa” của nhà ký sự thời cuộc Lê Học Lãnh Vân. Gần đây chắc bức xúc về Ngài Tổng Trump cùng các hệ quả tồi, bỉnh bút gia Việt Nam này đã xông tới tận Hợp chúng quốc Hoa Kỳ xuyên qua việc đăng đàn Tiếng Dân rồi Diễn Đàn Thế Kỷ.

Bài nào cũng ngăn ngắn, và ngăn nắp. Nếu như coi văn đàn là đấu trường thì vũ khí của vị võ sĩ đoản văn này là súng sáu, là cung tên, là đoản kiếm, và là cả tay không! Tức là chàng khoái chơi ở cực ly gần!

Tại đó nội dung bài vở sát sao “trên từng cây số” theo các sự kiện, biến cố, thăng giáng trong hầu hết các nan đề Việt Nam: từ xã hội hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long “quê nhà” đến chính trị tháp ngà ngoài quảng trường Ba Đình “xa lắc xa lơ đó[2], từ văn hóa salon của các vị Việt kiều thăm viếng quê hương đến đời sống bình dân với chuyện phạt giao thông lủng bóp… Nếu là các chuyện nổi cộm của thế giới, của người Việt hải ngoại thì rồi cũng “châu về Hợp Phố” nội tình đất Việt người Việt…

Thường là nhà văn xáp vô sự kiện, biến cố đang còn nóng, rồi rủ rỉ, mềm mại đưa ra quan điểm, cuối cùng lẹ gọn, sắc bén cài giải pháp của mình. Chưa nói về nội dung nội hàm; nội cái việc tổ chức bài vở trong “lòng bàn tay” như thế quả là tài!

Dường như “chuyện dài nhân dân tự vệ” Việt-Nam-Trước-Và-Sau-1975 là linh hồn, là mục đích bài vở của vị bỉnh bút đặc sắc về phong cách và đau đáu về tình cảm như thế.

Còn theo người viết bài này, điều làm nên Lê Học Lãnh Vân trên Văn Việt suốt 6 năm qua 2019-2025 là thái độ chính trị và cung cách tiếp cận.

Thì vẫn, Hòa hợp – Hòa giải dân tộc luôn phải là tinh thần nhân văn chủ đạo mỗi khi muốn lên đỉnh “mốc 75”.

Hay và hiếm, ở chỗ với Lê Học Lãnh Vân nó không bị giáo điều, không nhàm chán, nhất là không nói theo nói leo; tức là thoát được kịch bản “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” để đạt kịch bản “Nói dzậy mà hổng phải dzậy, và còn hơn dzậy nữa.”

Hay và hiếm, vì ngọn bút này nhuyễn cái minh triết Việt trong phong thái Tây và phảng phất “quân tử Tàu”.

Xin thử nói theo Tản Đà khi biện biệt rành rẽ hai loại văn: đang lúc này đây văn Lê Học Lãnh Vân là dòng “văn có ích”, không/chưa thấy hiển lộ cái “văn chơi” ngay ở vài bài rặt là chuyện văn chữ.

Dự là sang kiếp sau – nếu quả có kiếp phận – họ Lê sẽ trở thành nhà văn thứ thiệt, có cái “văn chơi” cùng cái “văn có ích” được nâng cấp văn chương.

Song le, phương pháp tiếp cận mới thực sự nên coi là thành tựu ở nhà phản biện của chúng ta: “Êm – Chậm – Sâu – Đều”: hàng trăm bài của ông đang treo trên Văn Việt cùng 2-3 tập bản thảo gom chúng lại (mà người viết may mắn được đọc) là vậy!

Nhớ, hơn nửa thế kỷ trước, một nhân vật từng có những đóng góp kiệt xuất cho đất nước – cố bác sĩ Việt kiều Pháp Nguyễn Khắc Viện dùng phép dưỡng sinh tự chữa bệnh theo phương châm bốn chữ khi tập thở bằng bụng: Êm – Chậm – Sâu – Đều.

Lê Học Lãnh Vân gặp diễn đàn Văn Việt như cá gặp nước hồ quý và hiếm. Cũng thế, Văn Việt có Lê Học Lãnh Vân như hồ nước có loài cá hiếm và quý. Lành thay, lành thay / Xạ thu, xạ thu… Cho người Việt nước Việt, cho văn chương Việt…

Sài Gòn / TP HCM – Vancouver, Xuân 2024-2025


[1] Danh sách tại đường dẫn: https://vanviet.info/tag/le-hoc-lanh-van/

[2] Thơ Nguyễn Bính, bài Hành Phương Nam.

This entry was posted in Nghiên cứu Phê bình. Bookmark the permalink.