Nguyễn Thị Thanh Xuân
Châu thổ mênh mông mà thầm lặng. Châu thổ dung dị mà thẳm sâu. Châu thổ tự nhiên mà ảo diệu. Đọc tác phẩm Thơ tranh của Hồng Lĩnh – Phạm Thị Quý, những chữ này hiện lên trong đầu tôi.
Phạm Thị Quý làm thơ năm 16 tuổi, từ Vĩnh Long. 19 tuổi in tác phẩm đầu tay Thơ Hồng Lĩnh (Con Đuông, 1972), và sau đó, những tập thơ nối tiếp: Những chuyện thường ngày (Văn Nghệ Cửu Long, 1987), Vườn đá (Trẻ, 1995), Thơ Tranh (2020). Thơ bà dội lên những âm trầm, hợp âm từ lồng ngực của một người phụ nữ mà tâm hồn luôn gắn liền với xứ sở, nơi thời tiết diễn biến thất thường, chữ cũng xao xác và màu náu mình trong khắc khoải. Bà đi qua các thể thơ khác nhau, ung dung như người nông dân đi thăm đất đai thân thuộc, chân chạm và mắt nhìn thấu hiểu.
Sẽ không thể không ngạc nhiên về các bài hành: Xưa nay thể thơ này mang phong vị đàn ông, bởi nó ngang tàng, mạnh mẽ. Vậy mà tất cả bài hành của Phạm Thị Quý đều hay: Hành gieo hạt, Tuý tửu ca, Nghệ sĩ hành 1, Nghệ sĩ hành 2, Độc huyền cầm, Hành Covid. Thể thơ xưa ủ trong mình dung nham nay, trào dâng một niềm thương nhân thế.
Nắm bắt mọi cảnh trạng của đời, và là hoạ sĩ, thơ Phạm Thị Quý còn là những bức ký hoạ sắc nét (Mùa lũ, Nhật ký, Giấc mơ).
Hiện lên ở đây, một người đi qua cõi thế, vừa nối kết được với tự nhiên vừa tương liên với con người; vừa một mình, vừa chan hoà với bạn bè; vừa hiểu được hạnh phúc mình đang có, vừa không thôi kiếm tìm những giá trị muôn đời cho tất cả.
Có một âme soeur, nhà thơ đã hoá thân vào nhiều nỗi lòng, trong đó có tâm tình của người phối ngẫu. Không có chủ thể trữ tình xưng em, mà chỉ có tôi và ta.
Trên tất cả là những trải nghiệm nhiều năm tháng làm thành phù sa nuôi chữ biếc xanh và một khả năng tự thức thấm đẫm tinh thần phương Đông để an nhiên đi giữa cuộc ba đào dữ dội.
Rất nghệ sĩ trong dung dị và vững chãi, đôi uyên ương Lê Triều Điển – Phạm Thị Quý đã hút ánh nhìn của tôi ngay từ khi gặp mặt: ở họ có một sự hoà quyện đặc biệt về nhân dáng và tâm hồn.
Lâu lắm tôi mới được cầm trên tay một tập thơ hay. Sáu mươi bảy bài thơ gần như trọn vẹn. Tiếc là văn bản còn quá nhiều lỗi, dù đã được chăm chút về hình ảnh và in trên giấy láng rất đẹp.
Mời các bạn đọc một vài trích đoạn:
“Còn mảnh đất cuối cùng hề
Cũng bị mất quyền sở hữu
Cầm hạt giống đã ngâm trên tay hề
Lòng ta bỗng dưng bứt rứt
Biết gieo vào đâu
Gieo về phương Đông hề
Gieo về phương Tây hề
Bóng đen nuốt mất
Gieo về phương Nam hề
Cỏ dại mọc đầy…”
(Hành gieo hạt)
“ta giận ta hề tấm lòng không xua tan bão tố
ta giận em hề trú vào mây đen ẩn náu
ta như con thuyền giữa nghìn con sóng
mặc trời đất ngả nghiêng
ngẩng mặt mà ca
nghệ sĩ hành
nghệ sĩ hành”
(Nghệ sĩ hành 1)
“Người xưa khắc thơ lên đá
Thơ còn mãi đến ngàn sau
Ta nay một đời phiêu bạt
Mang mang chữ nghĩa trong đầu…”
(Nghệ sĩ hành 2)
“Độc huyền cầm
Độc huyền cầm
Ta rung lên
cho máu lửa tan đi
cho gươm đao rỉ sét
Ta rung lên
cho ngọn gió rì rào dịu mát
Ta rung lên cho tiếng khóc hoá tiếng cười….”
(Độc huyền cầm)
“chúng ta sống đã
lâu
mà không thay đổi được điều gì
Sao mãi làm những con chim gi
cúi đầu chờ chết
Mà không làm đại bàng vỗ cánh bay xa…”
(Đêm nguyên tiêu)
“vẽ tôi,
vẽ cái hư không
vẽ tôi,
ngơ ngác
phù vân cõi người
vẽ tôi
lúc khóc
lúc cười
vẽ tôi
mơ mộng
giữa đời
quạnh hiu
vẽ tôi
buổi sáng
tiêu điều
vẽ tôi
tan tác
giữa chiều
bão giông
vẽ tôi
một cõi phiêu bồng
có không
không có
mênh mông
phận người”
(Vẽ tôi)
Hồng Lĩnh – Phạm Thị Quý, thơ tranh, NXB Đồng Nai, 2020.
Nguồn: FB Nguyễn Thị Thanh Xuân