Mekong dòng sông nghẽn mạch [4]

Vực dậy từ tro than

Đi qua những cánh đồng chết

Ngô Thế Vinh

Nỗi thống khổ của thần dân là nỗi đau của đấng quân vương.

Jayavarman VII

clip_image002

Cảnh khổ Việt kiều trên đất Cam Bốt

TRỞ LẠI THĂM XỨ CHÙA THÁP

Hơn 30 năm sau trở lại thăm đất nước Cam Bốt vẫn là một thứ kinh nghiệm “độc nhất vô nhị”. Năm 1970 là đi vào một đất nước Cam Bốt đang chìm đắm trong chiến tranh từ Việt Nam tràn sang. Thị trấn Krek không xa biên giới Việt Nam thường xuyên là mục tiêu của những trận mưa pháo và hỏa tiễn. Tiếp theo đó là những năm tháng kinh hoàng của chiến dịch “cáp duồn” người Việt dưới chính quyền Lon Nol, rồi là những năm “tẩy sạch chủng tộc” của Pol Pot.

Năm 2001 trở lại một đất nước đã trải qua những năm tháng ác mộng của mênh mông những Cánh Đồng Chết mà tưởng như mới hôm qua. Một đất nước với nền hòa bình còn non trẻ và mìn bẫy thì đầy rẫy sau những năm nội chiến đẫm máu. Nhưng Cam Bốt đang vực dậy từ tro than và hướng về tương lai.

Đối với du khách thì Cam Bốt nay thực sự trở lại với bản đồ Đông Nam Á do sự kỳ vĩ của các khu đền đài Angkor, một tụ điểm du lịch mà có lẽ không một nước Á Châu láng giềng nào có thể sánh bằng.

Lại thêm triển vọng từ 2002 mở ra một cuộc du lịch đầu tiên bằng thuyền hovercraft [ACV / Air Cushion Vehicle] 14 ngày khởi hành từ giang cảng Tư Mao/ Simao tỉnh Vân Nam xuống Cảnh Hồng qua khu Tam Giác Vàng [Miến Điện, Thái, Lào] xuống tới Luang Prabang – Vạn Tượng – Pakse vòng qua thác Khone xuống Cam Bốt – lên Biển Hồ tới Siem Reap – Angkor trở lại Nam Vang trước khi xuống ĐBSCL Việt Nam và bến đỗ sẽ là cảng Cần Thơ. Tuy chưa phải là cuộc hành trình suốt dọc con sông Mekong qua 7 quốc gia do có một khúc sông không lưu thông được qua các hẻm núi từ Tây Tạng xuống Vân Nam nhưng đây vẫn sẽ là một cuộc du lịch sinh thái / Ecotour 2,900 km đường sông qua 6 nước vô cùng hấp dẫn: du khách còn hy vọng được thấy những con cá Pla Beuk và Irrawady Dolphin cuối cùng còn sống sót trên sông Mekong trước khi trở thành những hình ảnh của quá khứ. Nhưng đó là chuyện của tương lai năm 2002.

Bây giờ là tháng 12 của năm đầu thế kỷ 21. Không với tính cách du lịch mà là một du khảo/ fieldtrip tới với một khúc đoạn khác của con sông Mekong, khúc sông đã từng loang máu và nổi trôi những chùm xác không đầu của người Việt. Cáp Duồn luôn luôn như một mối ám ảnh. Người Việt người Khmer nói chung vẫn có cách nhìn mang dấu ấn tiêu cực về nhau bắt nguồn từ mối thù hận lịch sử.

Cao Xuân Huy tác giả Tháng Ba Gẫy Súng nói với tôi: _ Anh không sợ bị Cáp Duồn à? Người Lào dầu sao cũng hiền lành hơn người Miên. Huy muốn so sánh chuyến đi Lào suông sẻ của tôi và chuyến đi Cam Bốt sắp tới. Hoàng Khởi Phong Người Trăm Năm Cũ cũng đưa ra một ý kiến không thuận lợi: _ Cuốn sách xong rồi anh còn đi Cam Bốt làm gì, anh vẫn còn thời gian để thay đổi ý kiến. Tuy không phải là một lời can ngăn nhưng chắc chắn đó không phải là một phát biểu đồng tình. Anh Đỗ Hải Minh / Dohamide người bạn Chăm lâu năm của báo Bách Khoa trước 1975 có lời khuyên tôi chưa nên đi ở một thời điểm quá gần biến cố 911 – nhất là khi tôi tỏ ý định đi thăm cộng đồng người Chăm Islam gần 500,000 người trong số 11 triệu dân Khmer theo Đạo Phật. Mấy người bạn Mỹ nơi bệnh viện tôi làm việc, có người gốc Green Beret từng qua Cam Bốt, cũng ngạc nhiên về “nơi đến nghỉ hè” của tôi. Thêm một thay đổi bất ngờ nữa là người bạn đồng hành Nguyễn Kỳ Hùng, vào giờ chót phải hủy bỏ chuyến đi theo dự kiến vì một dự án cuối năm của hãng Điện Toán Gateway mà anh là kỹ sư kế hoạch phải ở lại để hoàn tất. Anh là một phóng viên nhiếp ảnh trẻ tài hoa đã cùng đi với tôi trong chuyến về thăm ĐBSCL cách đây 2 năm.

Tôi hiểu rằng là một phóng viên, cho dù không ra chiến trường nhưng cũng có những mặt trận khác. Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới cho biết trong năm 2001 đã có 31 nhà báo thiệt mạng trong khi hành nghề, tương đương với con số của năm 2000, đó là chưa kể số ký giả bị cầm giữ. Ý thức những bất trắc chứ không phải chối bỏ nhưng nếu có gặp trắc trở thì cũng là chuyện đương nhiên của nghề nghiệp phải vượt qua và tận cùng xa hơn nữa, ở một thời điểm nào đó _ là cái chết, có ích hay không, vẫn là điều mà mỗi chúng ta phải đối diện hàng ngày, như điểm hẹn cuối cùng của mọi cuộc hành trình.

Đến với con sông Mekong với tôi đã như một tiếng gọi quyến rũ _ như một cuộc trở về, để tìm tới với Biển Hồ, con sông Tonlé Sap cùng với khúc đoạn khác của con sông Mekong. Điều mà thế hệ sắp tới có thể không còn cơ hội để thấy được sinh cảnh phong phú nhưng quá mong manh của một dòng sông sẽ trở thành “Con Sông của Quá Khứ”.

VÀI HÀNG TIN MỚI TRƯỚC CHUYẾN ĐI

_ Cam Bốt vừa được Tổng thống Bush loại ra khỏi danh sách những nước được coi là vận chuyển ma túy lớn nhất thế giới. Vẫn còn 23 nước có tên trong sổ đen của Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Mỹ / DEA trong đó có Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào và dĩ nhiên có cả Việt Nam.

_ Cam Bốt đang có kế hoạch cho giải ngũ khá tốn kém cho khoảng trên 30,000 quân nhân (bao gồm cả sĩ quan và hàng tướng lãnh) trước cuối năm 2002, trả họ về đời sống dân sự. Kế hoạch chủ yếu được tài trợ bởi Ngân Hàng Thế Giới, với hy vọng giảm thiểu số lượng súng đạn đang còn tràn ngập trên đất nước Cam Bốt tạo thuận cho hòa bình, “cải thiện nhân quyền” đồng thời tiết kiệm được 10 triệu đôla mỗi năm dùng cho các kế hoạch phát triển xã hội và kinh tế. Nhưng tham nhũng vẫn là trở ngại lớn nhất trong việc sử dụng số tiền 42 triệu tài trợ ấy.

_ Thủ tướng Hun Sen vừa ban hành sắc luật đóng cửa tất cả các phòng trà ca nhạc karaoke trên toàn quốc với lý do tệ nạn xã hội: tội ác bạo động, đĩ điếm lan tràn, dịch HIV phát triển ở các tỉnh miền quê do các cô gái karaoke trở về gieo rắc. Các tổ chức du lịch thì lại coi đây như “một đòn giáng khác” sau biến cố 911 vì số lượng du khách đã giảm tới 20% chủ yếu thành phần từ Âu Châu và Bắc Mỹ, chỉ còn trông vào khách Á Châu lại rất thích giải trí trong các hộp đêm.

_ Trùng hợp với chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam Trần Đức Lương, đã xảy ra hai vụ cháy lớn tại các khu xóm nhà lá ở Nam Vang mà cư dân phần đông là người gốc Việt. Hai khu này vốn nằm trong kế hoạch giải tỏa của chính quyền Nam Vang. Trong khi mối bang giao giữa Việt Nam và Cam Bốt ngày một thêm căng thẳng vì tranh chấp biên giới như một vấn đề tồn tại lịch sử. Chính quyền và không ít người Cam Bốt vẫn coi ĐBSCL với hàng triệu người Việt gốc Khmer là thuộc Cam Bốt mà người Việt mới xâm chiếm bằng cuộc Nam Tiến từ mấy thế kỷ sau này.

ĐƯỜNG VÀO SIEM REAP

Trong cuộc chiến giữa Thái và Pháp (1941), Nhật đã ép Pháp phải cắt một phần đất của Cam Bốt nhượng cho Thái. Nhưng sau khi Nhật thất trận (1946), Thái phải trả lại đất. Có lẽ vì vậy mà có tên Siem Reap có nghĩa là “Xiêm bại trận”. Là một tỉnh nhỏ đồng quê nằm phía tây bắc Biển Hồ, cảnh trí xanh tươi với những bóng dừa, cây cau, cây me và đủ các loại cây trái nhiệt đới _ giống như ở ĐBSCL. Nguyên là vị trí trọng yếu với các ngọn đồi chiến lược, các vua Khmer đã dựng nên khu đền đài Angkor như kinh đô từ thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ 13, nơi đây cũng từng là bãi chiến trường trong suốt những năm nội chiến của mấy thập niên qua.

Thời kỳ “sau Khmer Đỏ”, Siem Reap là một thị trấn đang thức dậy vì là điểm hẹn xuất phát cho những đoàn du khách tới thăm kỳ quan Angkor _ nhất là từ khi có đường bay trực tiếp đổ du khách ngoại quốc từ Bangkok vào Siem Reap mà không cần vòng qua ngả Nam Vang. Những chuyến bay tới Nam Vang thì càng ngày càng trống trải, du khách thì đổ dồn về Siem Reap, nhà khách phi trường quá tải và đang được các đội xây cất mở rộng.

Các khách sạn tiện nghi kể cả Sofitel 5 sao mau chóng mọc lên bao gồm cả sân golf, phải kể cả dự án đầy tham vọng của các doanh nhân Mã Lai lập các màn Shows “âm thanh và ánh sáng”

kỳ vĩ ngay trên khu đền đài Angkor Wat nhưng kế hoạch bị khựng lại do cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu vừa qua.

Dấu mốc 911 cũng thay đổi thành phần du khách: thưa thớt đến từ Bắc Mỹ và Âu Châu, đa số là du khách tới từ các nước Á Châu: Nhật bản, Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc…

Chỉ cần giấy thông hành khi tới – Visas on arrival. Đội cảnh sát phi cảng Siem Reap có vẻ chuyên nghiệp làm việc lối dây chuyền: những người đàn ông Khmer vạm vỡ da sậm đen tóc quăn y phục thẳng nếp. Cho dù với thông hành Mỹ, tôi vẫn được giữ lại khá lâu với người đại úy trưởng toán với cặp mắt thật sáng nhưng lạnh. Khi trao lại sổ thông hành cho tôi, rất nhiều ngụ ý anh nói với tôi bằng tiếng Việt rất ngắn gọn hai tiếng Cám ơn. Và tôi hiểu rằng những ngày trên xứ Chùa Tháp với giấy tờ tùy thân gì đi nữa thì tôi vẫn thực sự mang căn cước một Người Việt. Tôi đang tìm tới với cộng đồng người Khmer, cộng đồng người Chăm mang theo cả gánh nặng quá khứ của gần ba thế kỷ. Liệu đến bao giờ thì mới rũ sạch được món nợ lịch sử này.

ĐẾN VỚI ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH

Để thăm hết các khu đền đài phế tích Angkor trải rộng trên một chu vi trên 35 km, có lẽ du khách phải cần ít nhất từ 3 ngày tới một tuần lễ. Vì không phải là một cuộc du lịch tới Angkor, tôi chỉ có một ngày để đến thăm một nền văn minh rực rỡ nhưng đã suy tàn của con sông Mekong.

Năm 1943, chàng thanh niên 31 tuổi Nguyễn Hiến Lê trong dịp đi công tác cho Sở Công Chánh ở Siem Reap, đã có dịp đi thăm Đế Thiên Đế Thích và ông đã viết một du ký ngắn về chuyến đi này.

Hơn nửa thế kỷ sau ông, tôi đến với Angkor, đến với những khối đá khổng lồ và vô tri của Angkor nhưng được kết hợp thành một tổng thể kiến trúc hài hòa lại được tô điểm bởi vô số những tác phẩm điêu khắc hết sức tinh vi. Toàn cảnh thì đây là công trình vĩ đại của các kiến trúc sư bậc thầy, của một đội ngũ điêu khắc gia tài hoa và rất giỏi về cơ thể học. Bao nhiêu bút mực để vinh danh Michelangelo thời Phục Sinh của Phương Tây nhưng du khách đến với Đế Thiên Đế Thích chỉ biết âm thầm ngưỡng mộ những nghệ sĩ lớn khuyết danh và không thể không tự hỏi họ từ đâu tới và hồn họ ở đâu bây giờ. Tác phẩm của họ hoàn tất trước Michelangelo ít nhất là hàng 5 thế kỷ.

Bình minh trên Angkor Wat là một cảnh quan tuyệt đẹp, một khúc giao hưởng tĩnh lặng kết hợp giữa thiên nhiên và kỳ tích của con người. Năm ngọn tháp vươn lên trên một nền trời từ màu xám đang dần ửng đỏ. Mặt trời lên, hàng cây thốt nốt cao đứng soi bóng như nhân chứng của ngàn năm (cây thốt nốt vẫn được coi là biểu tượng của đất nước Cam Bốt). Sương đêm còn đọng long lanh trên những tàu lá súng bông súng trên mặt hồ. Bước lên những bực thang, đi vào khu đền đài với hàng ngàn thước đá chạm trổ như một pho sử đá cảnh trần gian, vươn lên là các tượng đá hùng vĩ uy nghi gây cảm giác choáng ngợp, để tưởng như thời gian ngưng lại cho phút trầm tư về nỗi phù du của các triều đại và kiếp người. Hướng lên những tượng Phật ánh mắt từ bi và nụ cười bí ẩn mà thanh thoát _ với nụ cười La Joconde, cô chỉ là một phó bản mờ nhạt không sao sánh được.

Bây giờ là bình minh của trời đất nhưng lại là hoàng hôn của một nền văn minh. Không, hoàng hôn của hai nền văn minh: Angkor-Khmer và Champa. Gặp gỡ những người Khmer bây giờ, người ta cũng không tránh được cảm nghĩ của Henri Mouhot _ người tái phát hiện đền đài Angkor cách đây hơn một thế kỷ, và cách đây một năm (2000) tôi đã ngồi bên ngôi mộ ông bên bờ hoang vắng của con sông Nam Khan một phụ lưu của con sông Mekong trên Thượng Lào, rằng khó mà tin họ có cùng dòng dõi và có liên hệ gì tới thế hệ đã qua xây dựng nên kỳ quan Angkor.

Cảm giác thật kỳ lạ vương vất khó tả khi chứng kiến đám bà sơ ngồi trên bệ đá cao của một khu thư viện hoang phế, hướng về phía mặt trời mọc cùng hát bản thánh ca hồn nhiên vô tư với thanh âm thoảng xa trong gió và trong nắng mai.

TỪ LÀNG NỔI VIỆT NAM

Từ Siem Reap bằng thuyền máy về hướng nam ra tới khu Chong Khneas hay còn được gọi là Khu Làng Nổi Người Việt phía tây bắc Biển Hồ, với sinh cảnh phong phú của đám cư dân sống trên sông nước.

Nguồn tài nguyên phong phú của Biển Hồ đã thu hút đủ sắc dân từ các nơi đổ tới và hình thành những khu làng nổi trong vùng đồng lũ và trên Biển Hồ. Nếp sống ấy hầu như ít thay đổi từ hàng trăm năm nay. Họ chủ ý sống bằng nghề chài lưới và cá vẫn là nguồn lợi tức chính _ ngoài cá lưới được từ Biển Hồ còn phải kể tới nghề nuôi cá lồng, trại nuôi cá sấu, nuôi rắn, nuôi vịt, đốn củi, săn chim thú và cả vớt các loài rong tảo.

Tới với khu làng nổi là tới với vẻ đẹp của một sinh cảnh thiên nhiên đồng lầy còn hoang dã. Những khu làng nổi này cũng di chuyển theo mùa, theo mực nước lên xuống. Bình minh hay hoàng hôn trên khu làng nổi là một trong những cảnh quan tuyệt đẹp của Biển Hồ.

TỚI TRÀM CHIM VÙNG SINH THÁI PREK TOAL

Từ Chong Khneas, khoảng hai tiếng đồng hồ bằng thuyền máy chạy băng băng trên mặt Biển Hồ gió mạnh sóng khá lớn trên trời mây vần vũ có cảm tưởng như đang trên mặt biển. Từng đợt nước hắt vào trong ghe, người ướt thì không kể gì nhưng phải bảo vệ chiếc máy chụp hình Canon _ không waterproof đã một lần bị ướt ống kính khi tôi đang nhắm chụp hình một chú chim lạ chắc là mỏi cánh tạm ghé đỗ trên một cụm lục bình trổ bông tím đang nổi trôi giữa biển nước chẳng thấy đâu là bờ.

Băng qua Biển Hồ đi về hướng nam để tới được Prek Toal thuộc tỉnh Battambang, là khu làng nổi khác của người Khmer, nơi đây có đặt văn phòng Sở Bảo Tồn Biển Hồ (Environmental Research Station for Tonle Sap Biosphere Reserve).

Vùng Sinh Thái Prek Toal với Tràm Chim là một trong ba khu sinh thái của Biển Hồ. Đây là nơi tụ hội đông đảo của một số loài chim hiếm quý. Từ xa trên Biển Hồ, đã thấy bay lượn những đàn chim nước lớn nhỏ đủ loại.

Như một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu, diện tích Biển Hồ co giãn theo mùa. Là hồ cạn với 2,500 km2 mùa khô, tới mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 tháng 7, do nước con sông Mekong dâng cao tạo sức ép khiến con sông Tonle Sap phải đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ, khiến nước hồ dâng cao từ 8 tới 10 mét và tràn bờ làm tăng diện tích Biển Hồ lớn gấp 5 lần khoảng hơn 12,000 km2. Chính con sông Mekong và Biển Hồ đã từng là cái nôi của nền văn minh Angkor.

Do một sắc lệnh của Hoàng gia Cam Bốt từ tháng 11/ 1993 quy định Biển Hồ Tonlé Sap là Khu Đa Dụng Bảo Tồn (Multiple Use Protected Areas). Tiếp sau đó qua bao vận động của Sihanouk, mãi tới tháng 10 năm 1997 Biển Hồ mới được UNESCO công nhận là Khu Bảo Tồn Sinh Thái (Biosphere Reserve).

Để quản lý Khu Bảo Tồn Sinh Thái, Biển Hồ được chia làm 3 khu: khu trung tâm (core), khu đệm (buffer zones), và khu chuyển tiếp (transition zones). Mục đích lâu dài là bảo vệ các khu trung tâm để tương lai sẽ trở thành công viên quốc gia.

Ba khu trung tâm có giá trị bảo tồn cao là:

_ Prek Toal rộng 31,282 ha

_ Boeng Tole Chhmar hay Moat Kla rộng 32,969 ha

_ Stung Sen 6,586 ha

Với hệ sinh thái hết sức đa dạng bao gồm những con suối, những hồ, các cánh đồng lũ, các loại thảo mộc đất sũng. Tất cả kết hợp tạo thành một hệ thủy học duy nhất của Biển Hồ, nuôi dưỡng một quần thể sinh học phong phú bao gồm vô số loại cá, các loại chim nước, các loài bò sát, loài lưỡng cư (amphibians), các động vật có vú, các rong tảo và vi sinh vật.

Trong những tháng lũ, gần 2/3 diện tích những cánh đồng lũ của Biển Hồ bao phủ bởi quần thể các loại cây sống dưới nước gồm hơn 190 chủng loại.

Rừng lũ đóng một vai trò sinh tử để nuôi dưỡng và tái sinh các nguồn sinh vật, có tác dụng cộng sinh (symbiosis) hỗ tương như một chuỗi thực phẩm khổng lồ.

Riêng về cá, có tới hơn 200 loại cá trong Biển Hồ trong đó bao gồm hơn 70 loại cá có giá trị dinh dưỡng và thương mại lớn. Cá đánh được chỉ riêng ở Biển Hồ đã chiếm hơn 60% tổng số cá nước ngọt của Cam Bốt.

Mối e ngại hiện nay là số lượng cá ngày một sút giảm, số cá lớn cũng ngày một ít đi. Riêng về các loài chim, do nguồn thức ăn vô cùng phong phú, cộng thêm với sinh cảnh đồng lầy và rừng lũ rất biến thiên, tạo nên vùng cư trú lý tưởng cho vô số loài chim nước. Khảo sát sơ khởi cho thấy có hàng trăm loại chim trong số đó có 12 loại được coi là hiếm quý đối với thế giới.

Rừng lũ Biển Hồ còn là sinh cảnh cho các loài bò sát, loài có vú: 23 loại rắn, 13 loại rùa, 1 loại cá sấu, vượn khỉ, mèo báo, rái cá…

Tính đa dạng và biến thiên trong Biển Hồ cho tới nay chưa hoàn toàn được biết rõ nếu không muốn nói là thiếu sót. Cần có ngay một kế hoạch quy mô nghiên cứu, ghi nhận và theo dõi các loài cá chim, cây cỏ và rong tảo, phẩm chất biến thiên của nước và toàn cảnh hệ sinh thái nói chung. Bởi vì với tốc độ khai thác quá mức như hiện nay, một số chủng loại hiếm quý có khi đã bị tiêu diệt trước khi được biết tới, giống như tình trạng ở thác Khone Nam Lào.

Bây giờ là giữa tháng 12, mực nước xuống thấp tới 1/3 thân cây mộc. Những búi rác khô vướng trên cành cao cho thấy mực nước đỉnh lũ cách đây 3 tháng phải cao hơn tới 3 mét. Giữa các chòm cây, không có lấy một đường nước quang đãng phía trước. Chỉ thấy nhấp nhô trên mặt nước là các bụi cây thấp. Có lẽ với một chiếc ghe tam bản nhỏ là thích hợp để di chuyển trong rừng lũ. Chiếc ghe thuê hiện giờ là một thuyền máy khá lớn để đi trên Biển Hồ. Chỉ có tôi là Việt Nam, với ba người Khmer trên một chiếc ghe giữa mênh mông khu rừng lũ. Cứ chạy được một đoạn chiếc ghe khựng lại do cánh quạt bị quấn đầy những dây nhợ và các bụi cây nhỏ. Mỗi lần như vậy thì tài công và người phụ máy lại phải nhảy xuống nước bì bõm loay hoay tháo gỡ. Họ có vẻ bực bội lớn tiếng như gây gổ nhau và nét mặt hiện vẻ hung dữ. Trong khi người hướng dẫn mới lên ghe từ Trạm Bảo Tồn thì vẫn cứ ngồi yên nơi mũi ghe, vẻ mặt khắc khổ đen sạm lắc đầu tỏ vẻ mất kiên nhẫn. Giữa rừng lũ không phương hướng, dưới bầu trời nắng gắt là những cánh chim bay lượn. Tiếp tục đi tới hay quay trở về, không biết quyết định nào là đúng và tôi cũng không thiếu tưởng tượng để một thoáng nghĩ rằng nếu có chuyện gì xảy ra ở một nơi xa xôi hẻo lánh _ một thứ no man’s land như nơi đâythì tôi cũng ở một thế rất bị động. Tôi cũng hiểu rằng bản năng con người thì bao giờ cũng như một con thú đang im ngủ, mọi tỏ lộ nét sợ hãi chỉ có tác dụng đánh thức thú tính và tôi đã chọn thái độ thản nhiên gần như phó mặc. Nhưng rồi cuối cùng thì chiếc ghe máy cũng tới được trung tâm Tràm Chim.

Do có điện đàm trước từ văn phòng Khu Bảo Tồn, Meas Rithy một thanh niên còn rất trẻ có ý chờ đó tôi từ khi nãy. Anh không nghĩ là với thuyền máy lại có thể đi chậm đến như vậy. Meas tốt nghiệp BS về Lâm Nghiệp (Forestry) Đại học Hoàng gia Phnom Penh, từ ngày ra trường được bổ nhiệm làm trưởng trạm Prek Toal _ Tonle Sap Biosphere Reserve. Vì thường xuyên tiếp xúc làm việc với các viên chức UNESCO, Meas nói tiếng Anh lưu loát. Cũng do quen tiếp đón các đoàn khách, kể cả khách du lịch, Meas cũng dành cho tôi một briefing vừa đủ và ngắn gọn để hiểu hơn về Tràm Chim và Khu Bảo Tồn. Do tôi cũng có làm Home work trước chuyến đi nên những điều anh nói ra chỉ giúp hệ thống hóa những thông tin mà tôi có được và quan trọng hơn là sau đó Meas giúp tôi một chuyến quan sát thực địa có hướng dẫn.

Bước đầu như một thách đố, Meas chỉ cho tôi một cái chòi buộc cheo leo trên ngọn cây cao như trạm quan sát. Phải leo lên bằng nhiều bực thang dây đu đưa. Với những năm lính tráng và cả ba năm tù đầy, thì đây chẳng phải là một thử thách. Tôi thoăn thoắt leo lên trước. Chòi nhỏ chỉ đủ treo một chiếc võng và sàn đứng là những thân cây xếp ngang buộc bằng dây trạo. Có lẽ đây là điểm cao nhất để có một cái nhìn toàn cảnh tràm chim. Từ đây bằng ống nhòm có thể nhìn ra từng lùm cây xa, với vô số chim lớn nhỏ đậu từng chùm trên đó. Meas giảng cho tôi đặc tính của một số loài chim. Meas nói thêm thời gian lý tưởng để thăm Tràm Chim là từ tháng Giêng tới tháng Ba cũng là mùa nước cạn [cùng thời gian với Tràm Chim Tam Nông Đồng Tháp Mười] rừng lũ trở thành vùng đất bùn với rất nhiều vũng và các hồ cạn với ê hề tôm cá, cũng là thời gian để các loài chim muông tụ về đây nhiều vô kể _ sinh cảnh ấy chắc phải vượt xa cuốn phim kinh dị về chim của Hitchcock. Như một kỳ quan môi sinh _ ecological wonder.

Không ăn sáng mà cũng chưa có ăn trưa. Tôi được anh tài công chia cho nửa hộp cơm trắng với một khúc lạp xưởng rất nhiều mỡ. Bụng đói nên ngon miệng với từng miếng cơm thật ngọt.

Sau đó tôi và Meas bước xuống chiếc xuồng tam bản nhỏ với một người chèo để tới gần hơn với từng vòm cây và đám chim muông. Con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước giữa vẻ đẹp hoang sơ và trinh nguyên của khu rừng lũ. Ghe dừng lại từng chặng để tôi có thể quan sát từng loại chim khác nhau trong số đó có chủng loại được coi là hiếm quý cần được bảo vệ như: Spot-billed Pelican / chim bồ nông mỏ đốm, Oriental Darter / bồ nông cổ rằn Đông phương, Lesser Adjutant, Greater Adjutant, Black Necked Stork / sếu cổ đen, Painted Stork / sếu vằn, Milky Stork / sếu sữa, Glossy Ibis / cò quăm, Grey-headed Fish Eagle / chim ưng đầu xám…

Tôi cũng được biết từ buổi sáng sớm cùng ngày đã có mấy nhà điểu học người Pháp đi bằng thuyền nhỏ ra các vòng xa hơn để chụp hình và quay phim một loài vịt trời cánh trắng / White-winged Duck được coi như rất quý hiếm.

Trên vòng về, tôi được biết thêm về cuộc sống Meas. Lương 15 đôla một tháng không đủ sống vẫn còn phụ thuộc bố mẹ nhưng anh vẫn say mê công việc đang làm là bảo vệ rừng lũ và đám chim muông. Anh không hay biết gì về chuỗi những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam và cả tình huống nếu Biển Hồ xuống thấp 1 mét thì hậu quả tức thời là sẽ mất đi 2,000 km2 diện tích rừng lũ _ dĩ nhiên có khu bảo tồn Prek Toal.

Meas không có được tầm nhìn xahơn Tràm Chim của anh và chỉ ôm ấp một giấc mộng con, mong ước sao có được mối quen biết _ mà anh gọi là connections, để có cơ hội đi học thêm nhất là ở Mỹ. Trước khi rời Prek Toal trở về Siem Reap, chia tay anh, tôi không quên phần đóng góp tượng trưng 20 đôla như một hỗ trợ duy trì sinh hoạt Khu Bảo Tồn.

JAYAVARMAN VII SIEM REAP

Thời gian còn lại ở Siem Reap, tôi tới thăm bệnh viện Nhi đồng Jayavarman VII được Sihanouk và Hun Sen cùng cắt băng khánh thành năm 1999. Đây là bệnh viện thứ ba, hai bệnh viện kia là Kantha Bopha I và II ở Nam Vang. Beat Richner là một khuôn mặt huyền thoại _ giám đốc cả ba bệnh viện không chỉ là một bác sĩ Nhi khoa, ông còn là nhạc sĩ cello chơi nhạc Bach có hạng. Gốc Thụy Sĩ, từng là bác sĩ điều trị trong trong một bệnh viện nhi đồng ở Nam Vang từ 1974 – 1975 cho tới khi Khmer Đỏ tiến chiếm thủ đô. Năm 1991, Richner được Sihanouk yêu cầu giúp phục hồi bệnh viện nhi đồng này. Năm 1992, bệnh viện Kantha Bopha bắt đầu hoạt động. Năm 1996, thêm một bệnh viện kantha Bopha II được khánh thành cũng ở Nam Vang. Ba năm sau khánh thành thêm một bệnh viện ở Siem Reap-Angkor: bệnh viện Jayavarman VII, với cái tên chọn đặt bao hàm một nội dung lịch sử.

Jayavarman là tên vị vua anh hùng cuối cùng của triều đại Khmer-Angkor thế kỷ 12, có công mở mang bờ cõi vương quốc rộng lớn nhất, không chỉ xây dựng các khu đền đài kỳ vĩ nổi tiếng như Bayon, ông còn quan tâm tới các công trình công ích như mở mang đường xá, xây cất nhiều dưỡng đường và các bệnh viện.

Mọi điều trị trong bệnh viện Jayavarman VII rất tiêu chuẩn, tất cả đều miễn phí cho mọi trẻ em nghèo Cam Bốt. Bệnh viện còn là nơi giảng dạy thực tập cho sinh viên y khoa và các nội trú. Để điều hành cả ba bệnh viện, mỗi năm cần tới 9 triệu đôla do tặng dữ của tư nhân chủ yếu từ dân chúng Thụy Sĩ. Bác sĩ Richner cứ 3 ngày ở Nam Vang, 3 ngày cuối tuần ở Siem Reap. Cho dù vô cùng bận rộn nhưng mỗi tối ngày thứ bảy bao giờ cũng có một buổi hòa nhạc Bach ở bệnh viện. Beatocello in Concert do chính Richner trình diễn để gây quỹ nhưng vào cửa thì tự do. Tới tham dự phần đông là du khách ngoại quốc đang tới viếng thăm khu đền đài Angkor.

Giữa một thị trấn nhỏ, không xa Đế Thiên Đế Thích, trong khí hậu của lục địa Á Châu Gió Mùa, cảm giác thật kỳ lạ khi thả mình trong dòng nhạc J.S.Bach qua tiếng đàn cello của người bác sĩ nhi khoa tên Richner để thấy rằng không còn giới hạn Đông và Tây như Kipling thường nói, bây giờ thì con sông Mekong như đã hòa lẫn vào con sông Danube. Người thầy thuốc nghệ sĩ ấy đã đưa nhạc Bach đầy tiết tấu và trí tuệ vào các khu đền đài của Châu Á. Bach At The Pagoda với những nốt nhạc còn vang xa, vươn xa tới cả Những Cánh Đồng Chết để xoa dịu vỗ về và là nguồn an ủi.

Rời bệnh viện Siem Reap sạch sẽ khang trang với hình ảnh những bà mẹ Khmer tin tưởng ôm con từ ngoài cửa đi vào, cùng một lúc hừng lên trong nắng mai trên cao nơi mái ngói đỏ là tượng Jayavarman VII hao giống đầu tượng Phật với cạnh đó là một câu trích dẫn có lẽ do chính Richner chọn, với ẩn dụ đầy ý nghĩa: Les souffrances des peuples sont les souffrances des rois / Nỗi thống khổ của thần dân cũng chính là nỗi đau của đấng quân vương _ Jayavarman VII. Vua Sihanouk của một thời sắp qua, Vua Hun Sen của thời đại mới có cảm nhận được niềm đau nào không của những người Khmer sống sót đi ra từ Những Cánh Đồng Chết.

Richner gợi nhớ hình ảnh một Schweitzer chăm sóc những người bệnh Hansen / phong cùi ở Lambaréné Phi Châu, cũng là một nhạc sĩ nhưng trước Richner hơn nửa thế kỷ.

Phần ngày còn lại, tôi cũng tới thăm trại nuôi cá sấu cách trung tâm thị trấn 2 km. Trại nuôi cá sấu thì đâu có gì lạ nhưng do chuyện kể kinh hoàng không thể tin là có thật, thời Pol Pot lính Khmer Đỏ đã ném các nạn nhân còn sống xuống hồ cho đàn cá sấu xúm vào ăn thịt. Bây giờ trại chủ yếu nuôi sấu bán sang Thái Lan với giá 2,000 đôla/ con để lấy da. Cảnh cá sấu ăn thịt người thì không thấy nhưng chỉ riêng cảnh cho cá sấu ăn bình thường hàng tuần mỗi thứ sáu cũng đã khiến cho người xem phải lên ruột.

NAM VANG: CÂU LẠC BỘ KÝ GIẢ NGOẠI QUỐC

FCCC / Foreign Correspondents’ Club of Cambodia, rất quen thuộc với các nhà báo trong những năm chiến tranh, nằm trên đường bờ sông Preah Sosovath, là một khu nhà lầu 3 tầng kiến trúc từ thời Pháp, có buồng với balcon nhìn xuống con sông Tonle Sap, nơi cho các nhà báo ngoại quốc tạm ghé qua và có dịp gặp gỡ nhau.

Cho dù 3 ngày trước đó từ Siem Reap đã điện thoại giữ chỗ trước và được hứa hẹn có xe ra đón tại phi trường, nhưng rồi đã không có xe đón phải thuê taxi về câu lạc bộ và rốt cuộc cũng không có buồng trống.

Không quá giàu tưởng tượng nhưng tôi hiểu rằng Nam Vang không phải là một nơi 100% an toàn đối với khách ngoại quốc. Chọn leo lên lưng một chiếc Honda ôm hay bước vào một chiếc taxi-chui không bảng hiệu là không biết được đưa về đâu. Bởi vì cướp có vũ trang vẫn thường xảy ra. Cũng đã có lời khuyến cáo cho du khách là ở tình huống nào thì cũng không bao giờ nên chống cự, chỉ nên giơ tay đầu hàng để bọn cướp muốn lấy gì thì lấy, chủ yếu là tiền và đồ trang sức có giá. Thẻ tín dụng hay passport thường được ném trả lại sau đó. Cũng có lời đồn đãi rằng chính một số cảnh sát Cam Bốt đã tham dự vào đám tội phạm ấy.

Trước cửa FCCC lúc này là đám lái xe ôm và cả taxi-chui, hỗn hào tranh giành khách như một bầy kên kên: tên giành máy hình, tên khác kéo hành lý với nhao nhao những câu hỏi như chỉ để đánh giá con mồi: You are Chinese, you are Thai, you are Japanese? Muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng quả thật thiếu khôn ngoan để cho bọn chúng biết mình là người Việt. Thấy bên cạnh FCCC là quán Cafe Internet, tôi trả lời là đang cần vào internet và đã có phòng ở khách sạn. Vấn đề là làm sao thoát được bọn chúng, để từ đó có thể mượn phone liên lạc với người tài xế taxi vừa đón tôi từ phi trường Pochentong về. Với một chiếc taxi có bảng hiệu đăng ký, tài xế có tên và số hand phone lại biết chút tiếng Anh, thì cũng là một chọn lựa tương đối an toàn.

Sok Thon tên người tài xế, qua điện thoại anh ta nhận ra tôi ngay, đáp ngắn gọn: No Problem và hứa trở lại đón tôi thay vì ra phi trường. Thở phào nhẹ nhõm, tạm quên đi cái hỗn độn và nóng bức bên ngoài cánh cửa kính để vừa thưởng thức ly capuccino trong căn phòng máy lạnh vừa vào Internet gửi Email cho Người Họa Sĩ Vỉa Hè New York, một biệt danh Mai Thảo đặt cho Khánh Trường, để chúc mừng cuộc triển lãm hơn 100 bức tranh và kỷ niệm báo Hợp Lưu 12 năm mà vì ở xa tôi không thể tham dự.

ANH TÀI XẾ “NO PROBLEM”

Nửa giờ sau, Sok Thon tới đón tôi từ trong quán Café Internet và giúp đem hành lý ra xe. Taxi là một chiếc Camry cũ đời 88 có máy lạnh và nước sơn lần hai còn óng ả. Tôi ngỏ ý muốn tìm một khách sạn cỡ như FCCC và có tầm nhìn ra bờ sông. No Problem. Anh luôn luôn trả lời đầy vẻ tự tin như vậy.

Anh đưa tôi tới Sunshine Hotel, vẫn trên đường bờ sông Tonle Sap, kế bên khách sạn Indochine. Chủ nhân người Hoa. Phòng trên lầu 4, cửa sổ nhìn ra sông Tonle Sap xuôi chảy về Quatre Bras trước Hoàng cung.

Sự tắc trách của FCCC lại giúp tôi cơ may tìm được người tài xế như bạn đồng hành mà tôi đang cần. Sok Thon 100% người Khmer, 10 năm lái taxi với tiếng Anh không cần văn phạm nhưng ngữ vựng đủ dễ hai người hiểu nhau và anh lại là người rất xính nói tiếng ngoại quốc kể cả vài câu tiếng Pháp.

Mãi sau này tôi được biết thêm, Sok Thon có 8 năm lính là sĩ quan có lẽ cấp úy và có 2 năm ở Việt Nam (?) nên có thể nói và hiểu được chút tiếng Việt (về khoản này tôi tự nhủ sẽ không bao giờ nên sử dụng cái vốn liếng tiếng Việt của anh). Buổi chiều cuối cùng trước ngày về, sau khi ra khỏi khu bảo tàng tội ác diệt chủng Tuol Sleng, tôi lại được biết thêm quê anh ở tỉnh Kompong Chhnang, cha anh bị Khmer Đỏ giết năm 1974 vì là xã trưởng, một người anh bị giết vì là thầy giáo, anh thoát chết vì giả làm nông dân. Thêm chi tiết thú vị nữa là gia đình anh có 2 người trốn thoát được qua Thái Lan, nay đang ở Mỹ: một bà chị ở Long Beach và một đứa em ở Fresno. Cả hai đã có dịp trở lại thăm Cam Bốt và gặp lại gia đình. Hai vợ chồng Sok Thon có 3 con, đứa con trai lớn 17 tuổi_ thế hệ sau Khmer Đỏ, đang chuẩn bị thi vào đại học, anh cho con học thêm lớp tiếng Anh và mua computer cho nó. Anh lạc quan sống bằng tương lai những đứa con.

Sau khi check-in vào khách sạn, bước vào thang máy đụng đầu ngay với một Tây Ba Lô đi với một cô gái Miên. Hắn chào tôi trước và bảo biết tôi từ Long Beach. Tình huống khá bất ngờ khiến tôi khựng lại: đúng là tôi đang ở Long Beach nhưng lại chưa hề biết và gặp hắn ta bao giờ. Tôi hỏi lại sao anh biết? Hắn giải thích là biết tôi rời Nam Vang cách đây 26 năm, nay mới trở về thăm. Đến đây thì tôi hiểu ngay là đang gặp một anh Tây Ba Lô láu cá, biết ở Mỹ có một cộng đồng di dân Cam Bốt lớn nhất ở Long Beach và đoán già đoán non tôi là người Cam Bốt chắc phải từ Long Beach trở về. Rồi hắn ta hẹn gặp lại tôi tối nay trong quán Bar Indochine ngay bên. Tôi thì không “huởn” như hắn để phải tìm cách giết thì giờ trong những nơi như vậy.

Ném hành lý trong buồng, trở xuống ngay với người tài xế còn đứng đợi. Suốt buổi chiều hôm ấy, nửa ngày đầu ở Nam Vang, việc đầu tiên là đến hiệu sách lớn Monument Books trên đại lộ Norodom mua tấm bản đồ cập nhật xứ Chùa Tháp có kèm thêm bản đồ chi tiết thủ đô Nam Vang và cả kiếm mua mấy tờ báo Phnom Penh Post, Cambodia Daily tiếng Anh và thêm tờ báo tiếng Pháp Cambodge Soir ra buổi chiều.

Trên tờ Phnom Penh Post nơi mục “Police Blotter – Sổ Tay Cảnh Sát” không thể không gây chú ý: đầy rẫy những tin về các vụ giết người bằng đâm chém và nhất là bằng súng đạn:

Nov 11_ Xác một tài xế xe ôm tên Kong Chak 27 tuổi vừa được tìm thấy trong khu rừng Chhbar Morn, theo cảnh sát thì nạn nhân đã bị giết trước đó mấy ngày có lẽ do bị cướp.

Nov 12_ Khan Chlem lính Dù 30 tuổi, Kong Mun lính cảnh sát 31 tuổi cả hai bị bắt vì đã bắn chết chủ nhân Phnom Penh Holiday Club là William Tay; cả hai được một doanh nhân Đài Loan tên Lee Han Shin trả 10 ngàn đôla để thuê giết…

Nối tiếp đầy rẫy những tin như vậy kể cả cắt cổ, hãm hiếp lấp đầy nguyên trang báo. Phnom Penh đất nước Cam Bốt như hình ảnh một Wild West của Đông Nam Á.

Sau khi định hướng trên bản đồ, tôi chủ động bảo Sok Thon đưa đi thăm từng địa danh chính của Nam Vang mà có lẽ tôi biết nhiều hơn anh về khía cạnh lịch sử: đến với cây cầu ChruoyChangvar, đài Chiến Thắng Việt Nam – Cam Bốt, cầu Monivong, khu người Chăm người Việt bên bờ sông Bassac và cả nơi vừa xảy ra hai đám cháy… đủ chụp hết 2 cuộn phim trong bước đầu kế hoạch thăm viếng.

CẦU CHRUOY CHANGVAR VÀ THE KILLING FIELDS

Còn có tên là cây Cầu Hữu Nghị Nhật bản. Chruoy Changvar nguyên là một bán đảo nằm giữa hai con sông Tonle Sap và sông Mekong gần Nam Vang. Là nơi quy tụ sinh sống của cộng đồng người Chăm Islam đã từng bị tàn sát và chịu nhiều tang thương trong thời kỳ Pol Pot. Đây là cây Cầu Lịch Sử dài 700 mét bắc ngang sông Tonle Sap đông bắc Nam Vang, đường đi Kompong Cham 144 km, Kompong Thom 165 km và Siem Reap 311 km. Từ trên cầu có thể thấy thấp thoáng hai ba nóc các ngôi đền Hồi Giáo.

Chiếc cầu rất nổi tiếng này đã bị giật sập trong cuộc giao tranh dữ dội năm 1975_ biểu tượng cho sự tàn phá của đất nước Cam Bốt và cũng là bối cảnh của phim The Killing Fields khi quân Khmer Đỏ tiến chiếm Nam Vang ngày 17/04/75. Đây cũng là nơi Sydney Schanberg ký giả New York Times, John Swain ký giả người Anh báo Sunday Times và ba người khác bị quân Khmer Đỏ bắt, suýt bị xử bắn nhưng may mắn họ được Dith Pran viên thông dịch của Schanberg can đảm và lanh trí cứu sống họ trong gang tấc. Câu chuyện nghẹt thở này cũng được John Swain kể lại một cách chi tiết trong cuốn sách River Of Time xuất bản lần đầu tiên ở Hoa kỳ năm 1997. Mãi tới 18 năm sau, chiếc cầu mới được Nhật giúp tái thiết (1993) tổn phí lên tới 23.2 triệu đôla không bồi hoàn.

CẦU MONIVONG VÀ HAI ĐÁM CHÁY KHẢ NGHI

Còn gọi là cầu Việt Nam, bắc ngang sông Bassac (có tên là sông Hậu khi chảy vào Việt Nam) đông nam Nam Vang theo quốc lộ 1 đi Svay Rieng 110 km và Sài Gòn 220 km. Đây cũng là cây cầu lịch sử diễn ra những trận pháo và cả những trận đánh kinh hoàng trước khi thủ đô Nam Vang thất thủ vào tay quân Khmer Đỏ. Dọc bờ sông Bassac không xa chân cầu là ngổn ngang những khu nhà ổ chuột mà đám cư dân đa số là gốc Việt. Nơi đây lại mới được báo chí nhắc tới qua hai vụ cháy lớn vừa xảy ra.

Hàng mấy chục ngàn người nghèo khổ nhất thủ đô Nam Vang đa số gốc Việt đã mất hết nhà cửa qua hai vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra vào ngày 26 và 27 tháng 11 năm 2001. Vụ cháy thứ nhất gần khu Nhà Hát Bassac hay còn được gọi là khu Building thiêu rụi hơn 2,200 căn nhà. Vụ cháy thứ hai xảy ra buổi tối một ngày sau đó nơi khu Chhbar Ampoe bên kia cầu Monivong cũng dọc theo bờ con sông Bassac thiêu hủy hơn 1,000 căn nhà khiến một người bị chết cháy. Báo Phnom Penh Post chạy hàng chữ slogan trên trang nhất: Suspicious Fires Raze Slums.

Biến cố xảy ra trùng hợp với cuộc viếng thăm của Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Trần Đức Lương. Theo tin AFP ngày 6 tháng 12 thì các giới chức ngoại giao Tây Phương tin rằng cả hai vụ cháy có ý nghĩa như “một thông điệp rõ ràng gửi tới Hà Nội”. Một số nạn nhân trong vụ cháy ở Chhbar Ampoe quả quyết rằng họ bị đốt nhà nhưng Phó Giám đốc Sở Cảnh Sát Nam Vang lại cho rằng cả hai vụ cháy đều do tai nạn, riêng vụ thứ hai là do nổ bình gas.

Theo một nhân chứng khác xin được dấu tên nói với ký giả Phnom Penh Post “Trong bóng đêm chính mắt tôi thấy bó đuốc từ một con thuyền máy chạy nhanh ngoài sông tung vào, trúng lều của ông Thanh và bốc cháy”. Thanh là tên người đàn ông bị chết cháy. “Giải thích do bình gas bị nổ từ nhà ông Thanh là vô lý bởi vì ông ta thì quá nghèo và bệnh hoạn không có cơm mà ăn phải sống nhờ bà con lối xóm thì làm gì có bình gas.” Một nạn nhân khác nói thêm: “Chúng tôi chỉ có dùng than củi chẳng ai có tiền mà mua nổi bình gas cả. Đã thế đám lính Cứu Hỏa khi tới còn đòi tiền các nạn nhân trước khi chịu phun nước để rập tắt ngọn lửa.”

Khi tôi tới thăm hiện trường hai đám cháy, còn ngửi thấy mùi than khét với ngổn ngang những mảnh vụn gạch vữa, các xà gỗ cháy dở dang, vài miếng tôn cũ cháy đen cong queo, các cây xanh cây dừa chỉ còn trơ thân nám và cháy trụi hết lá. Các gia đình nạn nhân thì đã được tống lên xe đưa ra xa ngoài thủ đô, trên cảnh đổ nát ấy chỉ còn thấy vài ba con chó hoang không biết kiếm thức ăn gì trong đống tro than ấy. Và cũng khó tưởng tượng rằng trên hai diện tích nhỏ hẹp ấy lại có thể là nơi sinh sống ngày đêm cho ngót hai chục ngàn con người không biết từ bao năm rồi.

“Tai Nạn hay Bị Đốt”, bây giờ thì cũng sự đã rồi, việc cứu trợ các nạn nhân lại thuộc trách nhiệm của các cơ quan ngoại quốc như: Dự Án Giảm Nghèo Đô Thị (Urban Poverty Reduction Project), Viện Phát Triển Quốc Tế ( Department for International Development) và Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Plan).

Mark Mallalieu, Chủ tịch Viện Phát Triển Quốc Tế Đông Nam Á nói rằng tổ chức ông sẽ xem xét các dữ kiện thu thập được với nguyên tắc chỉ đạo là mối quan tâm giúp đỡ người nghèo… Dĩ nhiên chúng tôi muốn biết điều gì đã thực sự xảy ra và cả những nguyên nhân tiềm ẩn để từ đó chúng tôi có thể đáp ứng một cách thích đáng.

Theo ước tính sơ khởi thì có khoảng 16,500 người chịu cảnh màn trời chiếu đất sau hai vụ cháy. Chính quyền đã di tản ngay số nạn nhân của vụ cháy thứ nhất và phân nửa số nạn nhân của vụ cháy thứ hai ra khỏi thủ đô. Các tổ chức phi chính phủ NGOs thì chỉ trích phản ứng vội vã của chính quyền Nam Vang khi đưa các nạn nhân tới một nơi không có chút tiện nghi sinh hoạt.

Có rất nhiều người vẫn tin rằng cả hai vụ cháy là do bị đốt cho dù Chea Sophara Đô Trưởng Nam Vang không những lên tiếng phủ nhận mà còn dọa truy tố ai loan truyền những tin đồn đãi như vậy. Có ai đốt nhà mà lại công khai nhận tội bao giờ.

Đã từ lâu chính quyền Nam Vang không hề giấu giếm kế hoạch muốn khai quang các khu gia cư hỗn độn thiếu vệ sinh trong thủ đô, bị coi là gây ảnh hưởng xấu trong bước phát triển kỹ nghệ du lịch. Đó là các dải đất dọc theo bờ sông Bassac xuống tận phía nam cây cầu Monivong với đám dân nghèo trong các xóm nhà lá này_ đa số là người Việt, vẫn bị xem như là dân chiếm đất bất hợp pháp.

Cũng theo ký gỉa Phnom Penh Post thì ngay sau vụ cháy, chính quyền Nam Vang đã ngăn cấm không cho các tổ chức quốc tế phi chính phủ tới giúp đỡ các nạn nhân tại chỗ. Họ chỉ được phép tới giúp tại các khu tái định cư xa bên ngoài đường ranh thủ đô. Cho dù có sự can thiệp liên tục của các tòa đại sứ, các tổ chức cứu trợ NGOs với những cuộc điện đàm qua lại nhưng kết quả cũng không hơn gì: vào đêm ngày 3 tháng 12, hơn 500 gia đình còn lại của khu hỏa hoạn bị hốt lên đoàn xe tải đưa tới các khu tái định cư bên ngoài thủ đô. Riêng với những căn nhà chưa bị cháy rụi thì họ được lệnh phải rỡ đi ra khỏi vùng giải tỏa trong vòng 2 tuần lễ.

Các gia đình nạn nhân được đưa tới hai khu ở ngoại ô: khu Anlong Kngah 154 ha, khu thứ hai Anlong Gong nhỏ hơn, cả hai đều không có đường sá và nằm trên một cánh đồng lũ thấp (flood plains). Các chuyên viên cứu trợ ngoại quốc cho rằng cả hai khu đều hoàn toàn không thích hợp cho việc tái định cư và phải cần ít nhất là 6 tháng tu bổ chỉnh trang trước khi đưa dân tới vì đây là hai khu đất hoang không đường sá không chợ búa không trường học không trạm y tế và cũng không có cơ hội về công ăn việc làm nào cho các nạn nhân.

Peter Swan thuộc Nhóm Giảm Nghèo Nam Vang nhận định rằng khi các nạn nhân không có công ăn việc làm nơi tái định cư thì sớm muộn họ cũng tìm cách bỏ đi. Swan nhắc tới kinh nghiệm vụ hỏa hoạn hồi tháng 5 năm 2001 cũng ở xã Bassac khiến hơn 500 gia đình trở thành vô gia cư, họ bị đưa về Chungruk một khu đất khó sống xa thủ đô không có chút tiện nghi và không có công ăn việc làm tại chỗ: kết quả là hơn phân nửa đã rời khu tái định cư này.

Việc tức khắc tống đám dân nghèo ra khỏi Nam Vang, dồn họ vào những khu đồng hoang có nguy cơ tạo nên vòng đai những khu nhà ổ chuột bao quanh thủ đô. Giải pháp tốt nhất là bước đầu lưu giữ họ trong các căn nhà tạm trú ngay trên vùng mới bị cháy; giúp các nạn nhân vẫn giữ được công ăn việc làm và con cái họ vẫn có thể tới trường đi học.

Chính quyền Nam Vang đã tạo nên cái vòng luẩn quẩn _ vicious cycle của sự nghèo khó. Và người ta lại đang làm như vậy đối với ngót 20 ngàn nạn nhân nghèo khổ mà đa số là người Việt trong vụ hỏa hoạn vừa qua.

Trải qua bao nhiêu bước thăng trầm của đất nước Cam Bốt, đám người Việt tha phương này lúc nào cũng chỉ là một thứ “công dân hạng hai” trên xứ Chùa Tháp và nơi quê hương Việt Nam từ xa thì cũng không có dấu hiệu của một vòng tay rộng mở hay chút tình cảm cưu mang họ.

TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG VIỆT NAM – CAM BỐT

Năm 1979 hơn 100,000 quân Việt Nam tràn sang đánh bại quân Khmer Đỏ và chiếm đóng Cam Bốt.

Năm 1989 sau hơn 10 năm chịu nhiều tổn thất và cả do áp lực quốc tế Việt Nam phải rút quân về, để lại một chính phủ Hun Sen được coi như thân Việt Nam. Nơi sào huyệt Pailin tây nam Cam Bốt, lực lượng Khmer Đỏ tiếp tục bị phân hóa và suy yếu, với Ieng Sary nhân vật số 2 hồi chánh, Son Sen bị Pol Pot hành quyết và rồi chính Pol Pot cũng bị giam lỏng và chết sau đó.

Sau tổng tuyển cử với giám sát của Liên Hiệp Quốc, Hun Sen vững vàng nổi lên như một người hùng_ strongman, tách dần khỏi tầm ảnh hưởng của Hà Nội.

Ở Nam Vang 10 năm sau, ngoài Tòa Đại Sứ, từ hơn 100,000 ngàn quân chỉ còn lại trơ trọi một Tượng Đài Chiến Thắng Việt Nam Cam Bốt trên quảng trường Norodom Sihanouk nhưng không biết còn đứng vững được tới bao giờ.

Ngày 7 tháng 1 năm 1979, ngày quân đội Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ giải phóng Nam Vang ban đầu được coi là Ngày Lễ Độc Lập Cam Bốt. Nhưng kể từ 1993, Nam Vang chỉ coi đó là Ngày Chiến Thắng Chế Độ Diệt Chủng. Bộ Trưởng Thông Tin của Hun Sen đã nghiêm khắc cảnh cáo chủ nhân khách sạn sang trọng Cambodianna_ một liên doanh với Singapore về tội danh xuyên tạc lịch sử Cam Bốt khi cho in trên cuốn lịch 2002 ghi “Ngày 7 tháng 1 là ngày Việt Nam Giải Phóng Cam Bốt”.

Công tâm mà nói, kể cả với những người Khmer chống Việt Nam, người ta không thể không tự hỏi những gì sẽ còn tiếp tục xảy ra cho người dân Cam Bốt nếu vẫn còn phải sống dưới chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ trong suốt 10 năm ấy nếu quân đội Việt Nam không tràn qua “xâm lăng Cam Bốt”. Vừa yêu vừa ghét / ambivalence đó là tâm trạng phức tạp của những người Khmer sống sót đi ra từ Những Cánh Đồng Chết.

Nam Vang ngày nay _ giống như Lào, không chỉ đang xa dần Việt Nam mà còn lựa chọn một tư thế thách đố với Hà Nội và để càng ngày càng rơi sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc.

NGƯỜI VIỆT TRÊN VÙNG ĐẤT KHỔ

Người Việt ở Cam Bốt sống dọc theo hai bên bờ sông Mekong sông Tonle Sap và Biển Hồ tuy đã trải qua nhiều thế hệ nhưng lại khác với cộng đồng người Hoa dễ dàng hội nhập, đám người Việt này luôn luôn bị nghi kỵ và cả thù ghét. Họ bị người Khmer khinh thị gọi là “bọn Yuon” có nghĩa là “bọn Bắc”. Người Thái Lan cũng chẳng ưa gì người Việt nhưng đã không có những biểu hiện thù hận bạo động như ở Cam Bốt. Cáp Duồn là những đợt người Khmer nổi dậy tàn sát cắt cổ người Việt không phải chỉ có trên đất nước Cam Bốt mà ngay cả nơi ĐBSCL trong “Mùa Thổ Dậy” là những ngày đẫm máu kinh hoàng nếu đã phải trải qua thì chẳng thể nào quên.

Giữa cao điểm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam cho dù trên danh nghĩa đồng minh nhưng chính quyền Lon Nol thân Mỹ cũng đã phát động một cuộc tổng ruồng bắt và cáp duồn người Việt khủng khiếp nhất trên quy mô cả nước. Đến thời kỳ Khmer Đỏ, một số lớn người Việt cũng đã bị thảm sát qua các cuộc tẩy sạch chủng tộc / ethnic cleansing. Thực sự không có thống kê chính xác con số người Việt sống sót hiện còn sinh sống trên đất Cam Bốt: từ 200 ngàn tới 1 triệu trong tổng số 11 triệu dân Cam Bốt chỉ là phỏng đoán.

“Chống Việt Nam” bằng bất cứ giai thoại nào đúng hay sai vẫn luôn luôn là một chiêu bài ăn khách và thu phiếu cho bất cứ cuộc vận động tranh cử nào ở Cam Bốt. Khó mà tìm được một người Cam Bốt nói tốt về người Việt Nam nào đang sống trên đất nước của họ. Một thành viên nhóm bảo vệ nhân quyền đã kể lại với ký giả báo Far Eastern Economic Review (1994): Nếu có được quyền lựa chọn thì đa số người Khmer đều muốn tống xuất tất cả người Việt ra khỏi Cam Bốt.

Cả đến những vụ thanh toán giết tróc giữa những người Khmer với nhau, cũng được ghép cho nét thù hận của kẻ phản bội do hợp tác với người Việt _ mà họ gọi là bọn “xác Khmer hồn Việt”.

Tinh thần Bài Việt của người Khmer có cội rễ trước khi người Pháp đặt chân tới Đông Dương khi mà Cam Bốt luôn luôn bị xâu xé bởi hai quốc gia láng giềng lớn hơn là Việt Nam và Thái Lan. Riêng Việt Nam, qua chính sách bành trướng thời Minh Mạng đã thiết lập nền bảo hộ trên đất Chùa Tháp không chỉ nghiệt ngã mà còn đầy tính cách trịch thượng khoa trương như “Bọn rợ Miên nay là con cái trẫm, phải dậy dỗ và giúp chúng thấm nhuần các tập tục của ta.” Các quan triều Nguyễn từ Trương Minh Giảng tới Bảo Hộ Thoại Ngọc Hầu đã cai trị đất nước Cam Bốt bằng bàn tay sắt với một chính sách rất ư là hà khắc. Những điều sai trái này đã tích lũy tạo thành “mối thù hận lịch sử” và cả thêm nỗi ám ảnh sợ hãi bị người Việt tiếp tục chiếm đất và xâm lấn.

Rồi tiếp nối bằng chính sách chia để trị của người Pháp lại càng đào sâu mồi thù hận đã có sẵn. Tưởng cũng nên nói thêm là ĐBSCL vẫn được người Khmer coi là thuộc Cam Bốt bị sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam bằng cuộc Nam Tiến của người Việt. Đối với người Khmer và cả người Chăm thì Nam Tiến thực chất chỉ là một cuộc xâm lăng bành trướng và chiếm đất.

Nói chung cuộc sống của cộng đồng người Việt tha hương trên đất nước Cam Bốt đã chẳng dễ dãi hay vẻ vang gì. Đa số sống bằng nghề hạ bạc / chài lưới, buôn bán nhỏ hay làm thuê làm mướn. Nếu vẫn sống ở quê hương Việt Nam, họ cũng chẳng thể khổ hơn như vậy. Hơn 70% số gái điếm kể cả vị thành niên đang hành nghề ở Cam Bốt là người Việt. Một số không ít còn vị thành niên mới được mua từ ĐBSCL đưa qua ngả biên giới. Một con số làm nhiều người ngạc nhiên và cả gây đau lòng cho những ai vẫn hãnh diện là hậu duệ của các thế hệ khai phá Nam Tiến.

TỪ ĐẠI HỌC PHNOM PENH TỚI ĐẠI HỌC HÀ NỘI

Trên mảnh đất Cam Bốt đau thương, những cây thốt nốt cho dù đầy thương tích vẫn cứ trổ hoa kết trái và cho mật ngọt. Cũng như sinh viên tuổi trẻ Cam Bốt thế hệ sau Khmer Đỏ được sinh ra giữa tro than trong một xã hội bất toàn nhưng những cây non ấy đã bám rễ để đâm chồi nở lộc để vươn lên trời xanh. Họ đã có tiếng nói chống lại những bất công tham nhũng trong vòng thành đại học_ nghĩa là những vấn đề thiết thân tới tương lai họ, nhưng đồng thời họ cũng có những mối quan tâm xa hơn bản thân: không thiếu những cuộc biểu tình đòi dân chủ, đòi đất đai từ Việt Nam…

Thật là tương phản khi nhìn sang tuổi trẻ Việt Nam, suốt 27 năm dài ấy kể từ 1975, trong các đại học quốc gia từ Hà Nội, Huế cho tới Sài Gòn, Cần Thơ chỉ thấy giấc ngủ triền miên của sự câm lặng đến gây kinh ngạc.

ĐƯỜNG SỐ 5: KHU KỸ NGHỆ TONLE SAP

Lúa gạo và cá là xương sống của nền kinh tế Cam Bốt từ bao thế kỷ. Giấc mơ kỹ nghệ hóa là bước phát triển tiếp theo kể từ khi có hòa bình. Dọc theo con đường bờ sông Tonle Sap những khu kỹ nghệ mọc lên và không ngừng phát triển: các nhà máy hóa chất, nhà máy rượu, các nhà máy cưa, khu kỹ nghệ bông vải và may mặc… Sok Thon giải thích sở dĩ khu kỹ nghệ lập bên sông là để dễ có nguồn nước cung cấp cho các nhà máy. Nhưng đồng thời tôi cũng phải hiểu thêm rằng_ giống với khu chế xuất Vân Nam trên hai bờ sông Mekong, tuy quy mô nhỏ hơn nhưng rồi ra con sông Tonle Sap cũng dần đà trở thành cống rãnh cho các chất phế thải kỹ nghệ hoặc sẽ được đưa đẩy lên Biển Hồ trong mùa mưa hoặc đổ xuống ĐBSCL qua hai con sông Tiền sông Hậu trong mùa khô.

Khi mà độ ô nhiễm con sông Tonle Sap chưa tới “Ngưỡng Tử Vong” thì vẫn còn những đợt cá tuy có giảm đi từ Biển Hồ xuống ĐBSCL nhưng sẽ không còn là ‘những con cá sạch’ mà đã trở thành nguồn cá bị ô nhiễm.

Vẫn là những Bài Học Không Học / Unlearned Lessons: lập khu kỹ nghệ bên sông, đổ chất phế thải và tàn hại môi sinh.

Người ta vẫn chưa quên được tấn thảm họa môi sinh lớn nhất của Thái vào tháng 3 – 1992 khi 9 ngàn tấn mật mía từ nhà máy Khon Kaen đổ xuống con sông Nam Pong rồi chảy vào hai con sông Chi và sông Mun là hai phụ lưu của con sông Mekong khiến không còn một giống cá nào sống sót nhưng rồi hậu quả ra sao với ĐBSCL thì không ai được biết.

Cuối năm 1998, lại thêm một thảm kịch môi sinh khác Made in Taiwan xảy ra ở Sihanoukville khi các nhân viên hải quan Cam Bốt ăn hối lội để cho một công ty kỹ nghệ từ Đài Loan trút những thùng chứa chất phế thải kỹ nghệ có thủy ngân cực độc xuống vùng phụ cận Sihanoukville khiến các công nhân bến cảng khuân vác các thùng chứa này đều bị chết vì nhiễm độc. Cho dù sau đó công ty Formosa Plastics chịu trách nhiệm thu hồi nhưng khu du lịch Sihanoukville đã mang tỳ vết ô nhiễm không còn có du khách.

Có bao nhiêu vụ “scandales” như vậy với chất phế thải độc hại đổ xuống sông xuống biển và cả trên đất liền mà người ta không hề hay biết. ĐBSCL luôn luôn là điểm hẹn cuối cùng của đủ loại chất phế thải ấy.

Tin cuối năm mới nhất trên trang báo The Nation Thái Lan 12-14-01: Giới chức địa phương báo động dân chúng tránh ăn cá bị nhiễm độc trên sông Lop Buri (là một phụ lưu của con sông Chao Phraya lớn thứ hai sau con sông Mekong) do nước sông bị ô nhiễm vì các hóa chất từ nước chữa cháy một ngôi chợ đổ dồn xuống sông và giết chết nhiều loài cá. Các độc chất này sẽ tan loãng khi chảy vào các con sông lớn. Nhưng giới chức y tế vẫn lo ngại rằng số cá chết bị nhiễm độc vẫn được đám con buôn đem ra chợ bán. Thử nghiệm các mẫu nước đầu tiên cho thấy lượng oxy giảm xuống chỉ còn một nửa.

Rồi sẽ có một ngày, nơi khúc sông Tonle Sap trước khi đổ vào Quatre Bras, khi mà lượng oxy trong nước xuống dưới 50% thì sẽ chẳng còn đàn cá nào từ Biển Hồ có thể vượt qua “ngưỡng môi sinh tử vong” này để xuống tới ĐBSCL.

Chiều chiều quạ nói với diều

Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm

Rồi ra sẽ chẳng còn đâu nhiều cá nhiều tôm, ĐBSCL sẽ không còn là vùng đất lành cho chim đậu.

ĐƯỜNG ĐI KOMPONG CHHNANG – TỚI VỚI BIỂN HỒ

Tháng Tư năm 1975 trên con đường số 5 này, từng đoàn người lũ lượt với hai bàn tay trắng bị đuổi ra khỏi thủ đô Nam Vang để đi về Những Cánh Đồng Chết. Là một trong những quốc lộ chính chạy dọc theo bờ nam con sông Tonle Sap tới tỉnh Kompong Chhnang lên Biển Hồ, tới Chhnok Tru _ là khu làng nổi chuyên nghề đánh cá với rất đông người Việt.

Ra khỏi thủ đô, buổi sáng trước giờ sở làm, ngược chiều đường số 5 về hướng Nam Vang, là những chiếc xe remorques_ một loại xe gắn máy có kéo theo một remorque 4 bánh như một thùng gỗ dài có thể tải từ 25 tới 30 người, là phương tiện đi lại rất thông dụng vì rẻ. Chồng chất trên những “thùng cá sardines” ấy là các nữ công nhân rất trẻ thuộc công ty may mặc từ ngoại ô đi tới khu chế xuất và kỹ nghệ trên bờ sông Tonle Sap, có lẫn cả những học sinh nam nữ tới trường đi học. Đường chật chội lại xấu đầy những ổ gà, xe nhỏ xe lớn đều chạy nhanh. Theo tài xế Sok Thon, tai nạn lật xe rất thường xảy ra, riêng năm ngoái gần như cả một xe remorque với trên 20 người đều tử nạn.

(Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc về mấy chục ngàn cô gái công nhân may mặc này: gốc là những cô gái quê lên tỉnh kiếm việc làm. Mà tỉnh thành là nơi cám dỗ nguy hiểm, nhiều cô bỏ việc với đồng lương không đủ sống để trở thành gái bia ôm hay gái điếm. Bước vào con đường ấy các cô không còn lối về cho tới khi thật bệnh hoạn, lúc đó các cô trở thành những trái bom nổ chậm gieo dịch HIV ngay trên chính quê hương họ. Sau Thái Lan tới Cam Bốt rồi Lào và cả Việt Nam: dịch HIV sẽ là cái giá quá đắt phải trả trong bước phát triển kỹ nghệ du lịch).

Từng đoàn xe be 18 bánh chở các súc gỗ không lồ từ các khu Rừng Mưa tỉnh Kompong Thom sau khi qua phà theo đường số 5 đổ về khu nhà máy cưa_ là công ty liên doanh Nhật-Cam Bốt. Mức độ phá rừng tự sát / suicidal deforestation, hợp pháp hay không thì cũng không hề có dấu hiệu chậm lại. Không phải chỉ có Nhật Bản, mà các nhà khai thác gỗ giàu sụ Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương kết hợp rất hiệu quả với giới tướng lãnh và chính quyền địa phương Cam Bốt tham nhũng đã mau chóng xóa đi những khu rừng mưa hiếm quý cho dù trên giấy tờ đã có luật cấm. Vào giữa thập niên 60, 75% diện tích nước Cam Bốt còn được bao phủ bởi những khu rừng mưa, tới thập niên 90 chỉ còn chưa tới 50% diện tích rừng. Tốc độ phá rừng bất hợp pháp những năm về sau này càng diễn ra nhanh hơn. Điều này khiến cho các nhà bảo vệ môi sinh như William Shawcross phải than thở: “Phá rừng bất hợp pháp có lẽ là khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vấn đề tham nhũng của chế độ”. Không còn rừng bao phủ, mưa sẽ xói mòn các đồi núi, kéo đất xuống làm cạn Biển Hồ, cộng thêm ảnh hưởng từ xa của các con đập khổng lồ Vân Nam làm mực nước tụt xuống thấp, rồi ra sẽ không còn dòng chảy ngược của con sông Tonle Sap đem nước sông Mekong vào Biển Hồ. Đó là một thảm họa môi sinh cho Cam Bốt và cả Việt Nam. Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, rồi ra sẽ là một Biển Hồ chết giống như biển Aral của Trung Á.

Đúng là một ngày hành hạ chiếc xe Camry và cả sống lưng của khách ngồi trong xe vì tình trạng con đường số 5 quá tồi tệ. Đá răm, ổ gà và cả những khúc đường vỡ lầy lội. Những lỗ lớn trên đường theo Sok Thon là do những trái pháo trong thời kỳ giao tranh với Khmer Đỏ. Sau đó chỉ được lấp liếm bằng đất tạm thời rồi những bánh xe tải nặng lại đào lên những lỗ lớn hơn và sâu hơn. Đã thế lại không ngừng tăng số xe xộ di chuyển kể cả những chiếc xe tải lớn. Không phải chỉ có đường số 5 là tồi tệ. Theo Bộ Công Chánh thì trước chiến tranh Cam Bốt có 35,000 km đường trải nhựa, bây giờ chỉ còn vỏn vẹn 350 km. Tình trạng đường sá xuống cấp của Cam Bốt là không thể tưởng tượng được. Khoảng thập niên 30 người Pháp bắt đầu mở mang hệ thống đường sá nhưng rồi những thập niên sau đó bị hư hại do lũ lụt, chiến tranh mìn pháo.

Tên Chhanang có nghĩa là đồ gốm đồ sành. Kompong Chhnang là tỉnh làm đồ gốm đồ sành nằm cạnh bến sông Tonle Sap. Đúng với tên gọi, hai bên đường có bày bán đủ các loại hũ chậu nồi niêu bằng đất nung. Sâu vào phía trong là các căn nhà sàn bao quanh là những cây dừa, cây xoài, cây nhãn và me… Trải dài ra chân trời xa là những cánh đồng lúa, luôn luôn có vươn lên những hàng cây thốt nốt mà mỗi thân cây còn mang nguyên những vết thương miểng hay đạn của một thời chinh chiến, có cây bị cắt đứt ngọn chỉ còn trơ phần thân cây đen xám. Từ các con đường làng đi ra không phải là hiếm thấy những người dân quê đàn ông đàn bà hay trẻ em cụt chân chống nạng, đasố là nạn nhân của mìn bẫy còn vương vãi trên khắp đất nước Cam Bốt.

Tưởng cũng nên ghi lại đây, Mỹ như một siêu cường mạnh nhất thế giới có răng nanh nguyên tử, có phi đạn liên lục địa nhưng đã từ chối không tham gia “Thỏa ước Ngưng Chế tạo các loại Mìn bẫy Chống Cá nhân” mà nạn nhân chủ yếu là các thường dân vô tội. Một bước xa hơn nữa, chính quyền Bush đã mau chóng bước ra khỏi “Hiệp ước Môi sinh Kyoto” như một nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển chủ yếu do các quốc gia kỹ nghệ gây ra. Chỉ cần nhiệt độ bầu khí quyển tăng lên 1 độ C cũng đủ làm tan những khối tuyết ở hai cực khiến nước biển dâng cao. ĐBSCL vốn thấp hơn mặt biển, rồi ra không chỉ cạn kiệt nguồn nước ngọt do chuỗi các con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam nay cộng thêm mực nước Biển Đông nếu dâng cao hơn 1 mét thì sẽ chẳng còn hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa để mà tranh chấp và cũng sẽ chẳng còn đâu một Nền Văn Minh Miệt Vườn.

Bây giờ trước mắt là cái giá phải trả cho những chiếc xe chạy trên con lộ xấu. Trên đường rải rác vài chiếc xe bị xẹp bánh vì những tảng đá sắc. Chiếc Camry cũ kỹ của chúng tôi cũng không may mắn gì hơn. Một bánh sau bị xẹp khi vừa tới ranh thị trấn Kompong Chhnang. Lỗ thủng quá lớn để có thể vá nhưng cũng chỉ cần 10 phút sau, anh tài xế Sok Thon rất nhanh nhẹn đã một mình thay xong chiếc bánh secours.

Mới bắt đầu cuộc hành trình, với 4 chiếc bánh xe cũ kỹ lại không còn bánh secours trên con đường quê xấu xí vẫn đầy ổ gà và đá răm, rồi sao nữa nếu thêm một bánh xe bị xẹp. Tôi lên tiếng bày tỏ mối quan ngại ấy nhưng với anh tài xế thì vẫn cứ trả lời là “No Problem_ Không Sao”.

Quả là không sao với Sok Thon vì anh ấy là người Khmer, nhưng riêng tôi thì hoàn toàn không muốn cảnh bất đắc dĩ phải qua đêm trong một khu làng Miên xa xôi hẻo lánh với căn cước là một người Việt.

Rồi anh ta vẫn cứ trực chỉ lên đường, khúc đường trước mặt vẫn lởm chởm đầy đá và bụi đỏ. Sok Thon hành sử như một sĩ quan Ban Ba, anh tận tụy không nề hà thiệt hơn và muốn thực hiện cho bằng được kế hoạch hành quân tôi đề ra. Chính tôi lại là người phải kìm hãm anh ta. Tôi bảo anh chiếc Camry là để chạy trong thành phố không phải là xe Jeep, anh không thể lái hung hãn như vậy được. Nhưng anh ta vẫn quả quyết là không sao. Tôi hiểu rằng số tiền mà tôi trả cho anh cũng sẽ không tương xứng bù lại những ngày anh “hành hạ” chiếc xe kiếm cơm của anh như vậy.

Chhnok Tru cách Kompong Chhnang 36 km đi vào bằng con đường đất đá nhỏ hơn. Đó là một khu làng nổi trên cửa sông Tonle Sap và Biển Hồ, dân cư sống bằng nghề hạ bạc /chài lưới. Là nơi chung sống của nhiều sắc dân, đông nhất là người Việt, rồi tới người Chăm và người Khmer. Cũng dễ nhận ra họ qua diện mạo và sắc phục. Phụ nữ Việt thì vẫn bận áo bà ba, vẫn nói tiếng Việt giọng Nam từ thuyền nọ sang thuyền kia vang vang trên mặt sông lạch.

Viên tài công thuê được sáng nay là một cậu bé Khmer 12 tuổi thành thạo lái chiếc thuyền đuôi tôm đưa tôi và Sok Thon chạy len lách giữa những khu nhà nổi. Tôi không thể không tự hỏi hoàn cảnh nào đã biến những đứa bé trưởng thành sớm trước tuổi như vậy. Hơn 50% tay súng Khmer Đỏ sát nhân hung hãn nhất là ở lứa tuổi 12 tới 14, chưa cao hơn bao nhiêu cây súng AK mà ngón tay chúng thì lại rất nhạy lãy cò. Đám cai tù tra tấn hung bạo nhất ở Tuol Sleng sẵn sàng bổ búa rìu lên sọ các nạn nhân cũng là đám ở lứa tuổi thiếu niên ấy. Rồi đám trẻ tinh quái bán buôn trước khu đền đài Angkor cũng lứa tuổi 13. Cả không thiếu những cô gái điếm lão luyện tiếp khách cũng chưa quá tuổi 15. Những “Thần Đồng” ấy đâu có thể là sản phẩm của nền văn minh rực rỡ Angkor-Khmer cách đây hơn 8 thế kỷ?

Có lẽ do nguồn cá phong phú của Biển Hồ, mực sống của cư dân nơi đây nói chung cao hơn hẳn những người Việt sống trong các khu nhà ổ chuột ở Nam Vang. Những nhà nổi khang trang, trên nóc có tua tủa những cột ăngten để bắt các kênh đài truyền hình (giống như ở Năm Căn ĐBSCL). Trước vài nhà còn có trang trí những chậu hoa giấy đỏ hay cúc vàng. Ngoài nhà lồng nuôi cá, họ còn nuôi thêm gà vịt và chó. Tôn giáo thì đa dạng: có khu nhà thờ nổi “An Tôn” và chùa Phật “Quan Thế Âm” cho người Việt. Sinh hoạt buôn bán trên sông nước không thiếu những bảng hiệu tiếng Việt: Tiệm Hớt Tóc, Tiệm Sửa Đồng Hồ, các tiệm chạp phô và trạm bán xăng nhớt… Những người Việt ở đây có vẻ tự tin sống hiên ngang với căn cước của họ cho dù trong quá khứ không thiếu những tai ương tang tóc đổ lên đầu họ dưới thời Lon Nol và Pol Pot.

Trên đường về, lại thêm một chiếc xe tải sập bánh trên cây cầu gỗ làm nghẽn dòng xe cộ suốt hai bên đầu cầu. Giải quyết ra sao là chuyện của mọi người và cũng không là trách nhiệm của một ai. Tách ra khỏi đoàn xe cộ ấy, Sok Thon tìm ngay ra được một ngả đường vòng trên các thửa ruộng khô để lại tiếp tục cuộc hành trình.

Gỗ ở đâu mà nhiều như vậy, vẫn trên đường số 5 là những chiếc xe be chở những khúc gỗ khổng lồ về hướng khu kỹ nghệ Tonle Sap. Cũng trên một khúc đường số 5 khác đi vào Nam Vang, những người lính công binh Khmer trong đồng phục với các trang thiết bị nặng và cả xe hủ lô đang cán đá để trải nhựa một đoạn đường. Hết chiến tranh, ngoài kế hoạch cho giải ngũ hàng loạt, Hun Sen đang đưa quân đội vào những công trình xây dựng hòa bình.

KOMPONG CHAM JAPANESE BRIDGE

Tôi đã đến với những cây cầu khác nhau bắc ngang qua sông Mekong: cầu Mittaphap nối Vạn Tượng – Nong Khai (04/94), cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền (05/2000), cây cầu Lào -Nippon / Champassak (08/2000).

Trước khi tới Nam Vang, tôi cũng được biết Nhật đang giúp xây cây cầu đầu tiên của Cam Bốt bắc ngang sông Mekong nơi tỉnh Kompong Cham, cầu có chiều dài 1.4 km với tổn phí lên tới 56 triệu đôla viện trợ không bồi hoàn. Cây cầu sẽ mở đường sang các tỉnh phía đông và đông bắc Cam Bốt và cũng là điểm nối quan trọng cho siêu xa lộ nối liền Bangkok – Nam Vang sang tới Sài Gòn.

Công trình được khởi công từ 1998. Quá trình xây dựng hơn 3 năm. Trong thời gian xây cất, Mekong Hotel là khách sạn lớn nhất của tỉnh Kompong Cham được dành cho toán chuyên viên làm cầu Nhật Bản và ngay sau đó cũng không biết từ đâu_ theo lời kể lại, các cô gái Việt Nam lũ lượt kéo tới đây để mua vui cho khách trong các phòng nhạc karaoké, các khu đấm bóp như những ổ mãi dâm trá hình. Nay tới với cây cầu Nhật – Kompong Cham đẹp lộng lẫy vừa hoàn tất. Cầu mới được Thủ tướng Hun Sen khánh thành ngày 4 tháng 12 năm 2001. Không phải chỉ có tôi, anh tài xế Sok Thon cũng háo hức muốn được tận mắt thấy vóc dáng cây cầu mới ấy.

Từ Nam Vang khởi hành từ sáng sớm, đường số 7 từ Skoon lên Kompong Cham có lẽ là đoạn đường trải nhựa tốt nhất của Cam Bốt cũng do Nhật Bản làm giúp trước đó. Kompong Cham là giang cảng lớn thứ ba sau Nam Vang và Battambang, với tài nguyên phong phú là các đồn điền cao su, lúa gạo và cây trái. Là vùng đất tốt và phì nhiêu với hai bên đường là mênh mông những thửa lúa vàng và đang tới mùa gặt. Rải rác có vài ba toán gặt lúa bằng tay. Nổi lên nền trời xanh luôn luôn là những thân cây thốt nốt cao thấp như nết đặc thù cảnh đồng quê xứ Chùa Tháp. Bên ruộng lúa thỉnh thoảng lại có xen vào một hồ sen với những tàu lá xanh bông đỏ.

Làng mạc gồm những khu nhà sàn để thích nghi với mùa mưa lũ. Mỗi nhà ít nhất đều có một chiếc lu lớn để chứa nước uống.

Giống như cư dân ĐBSCL, họ vẫn cần những chiếc lu cho dù mùa mưa nước quanh nhà thì lênh láng. Điều mà kỹ sư Nguyễn Hữu Chung, Nhóm Bạn Cửu Long trong Tập San Hội Tiền Giang Hậu Giang đã gọi đó là Nền Văn Minh Những Chiếc Lu rất đặc thù của cư dân sống trong vùng hạ lưu sông Mekong.

Không thể không chú ý, gần như trên cả nước, dọc theo các con lộ ở Siem Reap, ở Nam Vang, suốt dọc đường số 5 tới Kompong Chhnang, đường số 7 tới Kompong Cham, đi đâu cũng thấy bảng hiệu các trụ sở đảng phái_ tuy chỉ hình thức nhưng vẫn là mầm mống của nền dân chủ. Nhiều bảng hiệu nhất vẫn là CPP / Cambodian People’s Party của Hun Sen đảng đang cầm quyền, rồi tới FUNCINPEC / Front Uni National pour un Cambodge Independant Neutre Pacific et Coopératif, đảng đối lập của con trai Sihanouk là Norodom Ranariddh, thản hoặc lắm mới thấy KNP / Khmer Nation Party của Sam Rainsy.

Tài xế Sok Thon cười nói với tôi là không phải chỉ có 3 mà là 32 đảng phái. Tôi hiểu rằng tiền và quyền thế là yếu tố tiên quyết để phát triển cơ sở đảng, giống như ở Mỹ. Những người Cam Bốt mang quốc tịch Mỹ cũng đã mang tiền bạc về thử thời vận ra tranh cử rùm beng theo kiểu Mỹ, chưa có ai thành công. Nhưng đã không có ít những người trẻ mang cả hai quốc tịch Cam Bốt và Mỹ được mời vào giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền do khả năng khoa học kỹ thuật của họ. Đây là bước tiến bộ mạnh dạn của chính quyền Nam Vang khác xa với một nhà nước Việt Nam và Lào còn rất bảo thủ và khép kín.

Thực sự vẫn chưa hề có tự do báo chí ở Cam Bốt với cái giá phải trả là những cuộc thanh toán đẫm máu, ám sát ký giả, ném lựu đạn vào tòa báo của phe đối lập. Như từ bao giờ, đảng cầm quyền thì luôn luôn muốn nắm truyền thông báo chí trong bàn tay sắt của mình. Yêu hay ghét Hun Sen_ nguyên gốc tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ, từng bị gán cho là bù nhìn của Hà Nội, nay ở chức vụ Thủ tướng chứng tỏ chưa hề là tay sai của ai, khiến cho Sihanouk thay vì bất ưng cũng phải nể vì và ông ta vẫn được giới chức ngoại giao nhìn nhận de facto như mẫu người hùng_ strong man, và là yếu tố ổn định của Cam Bốt.

Vươn lên nền trời xanh, vượt lên trên cả những chòm cây thốt nốt là những mái Chùa Tháp, kiến trúc rất khác với những ngôi chùa Việt Nam. Trong một đất nước Cam Bốt mà đạo Phật Tiểu Thừa được coi như quốc giáo, chùa chiền hiện diện khắp nơi, từ vua cho tới dân đều có thời gian vào chùa xuống tóc đi tu trước khi được coi là trưởng thành để bước vào đời sống xã hội. Sihanouk cũng xuống tóc vào chùa; chính Pol Pot giữa thập niên 30 cũng đã vào chùa Wat Botum Vaddei tu trong nhiều tháng.

Nhưng tới thời Khmer Đỏ tình hình hoàn toàn đổi khác. Do cuồng vọng tiến tới một xã hội cộng sản nguyên thủy trong đó mọi người đều phải làm việc thì giới sư sãi bị coi là bọn ăn bám ký sinh, hoàn toàn vô dụng. “Đạo Phật là nguyên nhân suy yếu quốc gia Cam Bốt”. Dân chúng bị cấm phục vụ giới tăng lữ. Pol Pot muốn thiết lập một nhà nước với tinh thần quốc gia cực đoan với dân số phải gia tăng nhanh sao cho đủ sức mạnh không chỉ để tái chiếm ĐBSCL xưa kia vốn là của Cam Bốt mà cả đoạt lại các vùng biên giới phía tây Surin, Buriram từ Thái Lan mà cư dân vẫn còn nói tiếng Khmer. Và hậu quả là chỉ sau 44 tháng dưới chế độ Khmer Đỏ, từ con số 60,000 sư sãi cho tới tháng Giêng 1979 chỉ còn chưa tới 1,000 sống sót để trở lại những ngôi chùa đổ nát được dùng làm kho chứa, nhà giam và cả nơi hành quyết.

Sau Những Năm Số Không đất nước Cam Bốt đang vực dậy từ tro than, đi ra từ những cánh đồng chết và đối với những người Khmer sống sót thì việc trở về dưới bóng từ bi của Đức Phật là bước rũ bỏ cơn ác mộng và tìm được nguồn an ủi cho đời này và cả hy vọng giải thoát cho những kiếp sau.

Phải kiếm chỗ đậu xe xa nơi đầu cầu, dưới ánh nắng trưa gắt, tôi và Sok Thon đi bộ lên cầu. Xe cộ qua lại còn thưa thớt kể cả xe gắn máy và xe đạp. Những chiếc xe chở khách bao giờ cũng tham lam quá tải, người và hàng hóa dồn nén chồng chất, đã thế lại chạy nhanh cán ‘lanes’ ra quá cả giữa cầu. Đứng đây để thấy sự hùng vĩ của con sông Tonle Thom_ tên Khmer của con sông Mekong, với những chuyến đò dọc ngang qua lại. Bên phía thị trấn Kompong Cham là giang cảng với những con tàu sông nơi bến đỗ, để đưa khách về Nam Vang hay lên các tỉnh phía bắc Kratié, Sambor… Cạnh đó là những khóm chợ bên sông, với những cần xé bánh mì baguette vàng rệu là nét văn hóa Pháp được chấp nhận phổ quát ở khắp ba nước Đông Dương. Sang tới gần bên kia cầu, một cảnh tượng khiến tôi khựng lại: vươn lên từ lùm cây xanh là một tầng tháp cao cũ kỹ rêu phong nhưng còn mới là lỗ chỗ các vết đạn đủ cỡ xoáy sâu vào thớ gạch đỏ quạch như những vết thương còn rướm máu chưa lành_ biểu tượng tàn phá của chiến tranh mà người ta muốn giữ lại, tương phản với công trình xây dựng lớn lao trong thời bình.

Trở lại với chiếc xe để tiếp tục cuộc hành trình qua cầu. Sok Thon thì không dấu được nét hân hoan, lần đầu tiên được lăn bánh trên một cây cầu mới bắc ngang sông Mekong của quê hương anh. Tiếp tục con đường số 7 đi về hướng bắc, đoạn đường xấu trở lại _ khấp khểnh với những ổ gà đá răm và bốc mù bụi đỏ. Chọn đường bộ để đi Kratié không chỉ là tự hành xác mà còn rất ư nguy hiểm vì rất thường bị cướp. Phải chờ nhiều năm nữa chờ người Nhật làm giúp đoạn đường phía bắc đi Kratié lên tới tận Stung Cheng gần Nam Lào. Cho tới ngày ấy chỉ có đường sông như một xa lộ nâu là thuận lợi và thật êm ả.

TRÊN SÔNG TONLÉ SAP: CỘNG ĐỒNG CHĂM ISLAM

Đầu thế kỷ 18 (1720) là thời điểm mốc đánh dấu vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ do cuộc Nam Tiến của người Việt. Một số trốn thoát được cuộc tàn sát đẫm máu của vua Minh Mạng chạy sang Cam Bốt. Họ định cư đông nhất ở các tỉnh Kompong Cham, Kompong Chhnang và một số khác sống rải rác hai bên bờ con sông Tonle Sap và Biển Hồ. Họ chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, trồng lúa, mổ bò, làm thuốc và một số ít có tài về ma thuật. Ban đầu rất ít người Chăm theo đạo Hồi nhưng do tiếp xúc với các thương nhân tới từ các quốc gia như Mã Lai, Nam Dương… đạo Hồi đã mau chóng phát triển rộng khắp trong cộng đồng người Chăm ở đây_ bắt nguồn từ một ước vọng sâu xa muốn giữ một căn cước chủng tộc và văn hóa riêng giữa một xã hội Khmer theo đạo Phật như một quốc giáo.

Do sự khác biệt không chỉ về tôn giáo mà cả về tiếng nói chữ viết, cộng thêm với quá khứ người Chăm thường cộng tác với người Việt như một lực lượng kìm kẹp hay trấn áp người Khmer, nên họ đã trở thành nạn nhân thứ hai sau Việt Nam trong cuộc tẩy sạch chủng tộc của Pol Pot. Ước tính có khoảng hơn một nửa dân số người Chăm bị Khmer Đỏ sát hại cùng với các ngôi đền Hồi giáo và trường học bị phá hủy. Một số sống sót đã lại phải chạy trốn sang Lào theo đường sông Mekong. Trong khi đó thì các cộng đồng người Chăm Islam ở miền nam Thái Lan và ở Mã Lai có cuộc sống an cư lạc nghiệp hơn. Sau Khmer Đỏ thì các ngôi đền thờ và trường học Hồi giáo ở Cam Bốt đã và đang được phục hồi do tiền trợ giúp từ các quốc gia Hồi giáp như Mã Lai, Saudi Arabia, Kuwait…

Sinh hoạt cộng đồng Chăm Islam không quá khắt khe giống như các cộng đồng Hồi giáo chính thống / fundamentalist khác trên thế giới: không phải mang y phục che kín hết phần thân thể và mạng che mặt chỉ hở đôi mắt như ở Afghanistan.

Không hiếm thấy ở Cam Bốt những người phụ nữ Chăm Islam thế hệ 2000 mặc váy ngắn hở chân, áo T-shirt hở ngực và cho dù giáo luật khắt khe cấm liên hệ về tình dục bên ngoài pham vi gia đình nhưng một số ít đàn ông và phụ nữ Chăm cũng không tránh được là nạn nhân của dịch HIV đang hoành hành từ đô thị tới thôn quê trên khắp đất nước Cam Bốt.

Sau biến cố 911 ở New York, ở Washington, tiếp theo là vụ phản công giội bom của Mỹ ở Afghanistan không phải là không có những khó khăn với cộng đồng Chăm Islam ở Cam Bốt trong vấn đề giao tiếp với thế giới bên ngoài, ảnh hưởng tới cả nguồn tài trợ cho các công tác thuần túy phát triển giáo dục xã hội và tôn giáo. Điển hình là Bộ Thờ Phượng và Tôn Giáo / Ministry of Cults & Religious Affairs của chính quyền Hun Sen vừa ban hành đạo luật mới quy định một số hạn chế sinh hoạt tôn giáo mà đối tượng rõ ràng là nhắm tới các cộng đồng Chăm Islam.

Haji Yusuf, lãnh tụ uy tín cộng đồng Chăm Islam ở Nam Vang khi trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Phnom Penh Post đã tỏ vẻ không đồng ý với các cuộc giội bom ồ ạt của Mỹ xuống Afghanistan gây tổn thất cho thường dân và theo ông thì biện pháp ôn hòa để chống các nhóm khủng bố sẽ có hiệu quả hơn so với cuộc chiến tranh nóng như hiện nay. Rồi ông ta đưa ra một hình tượng rất ý nghĩa: “Dòng nước nóng chỉ chảy cạn trên bề mặt trong khi dòng nước lạnh thì chảy dưới sâu hơn _ While hot waters run shallow, cold waters run deep”, ông ta muốn khuyên người Mỹ kiên nhẫn và hành động bằng một đầu óc tỉnh táo thay vì giận như hiện nay.

Tới với những người Chăm sông hai bên bờ sông Tonle Sap, họ sống trên các nhà sàn, nhà nổi và cả trên những chiếc ghe và cũng để thấy rằng họ không thể nào nghèo hơn, ngoài sự sống còn để nối truyền và đức tin của họ. Tôi đã chụp được những hình ảnh người Chăm Islam phủ phục cầu nguyện trên ghe trong Mùa Chay Ramadan trên dòng sông Tonle Sap.

Từ trên một chiếc ghe đỗ, một người đàn bà Chăm đứng thả vó, chiếc vó rộng hơn một chiếc phản nặng trĩu mỗi lần nhô lên khỏi mặt nước, vẫy vẫy trong vó là mấy con cá trắng nhỏ không hơn ba đốt ngón tay, có khi kéo lên chỉ là một chiếc vó không. Mửng này cho tới chiều cũng chỉ đủ được một xoong cá cho bữa ăn tối gia đình. Vài chiếc ghe khác thì ra giữa sông thả lưới, cá nhiều hơn nhưng không thấy được cá lớn.

Chiếc ghe vẫn chạy dọc theo hai bên bờ sông Tonle Sap tới chân cầu Chruoy Changvar, phía bên kia cầu là giang cảng cho những con tàu chở khách đi Siem Reap hay các tỉnh phía bắc như Kompong Cham, Kratié…

Ghe cũng chạy vòng qua Quatre Bras / Chatomuk, nơi hội tụ của 4 dòng sông, cũng là nơi diễn ra Ngày Hội Nước / Bon Om Tuk vào đầu tháng 11 khi dứt mùa mưabắt đầu qua mùa khô, khi con sông Tonle Sap lại đổi chiều từ Biển Hồ xuôi chảy về Quatre Bras xuống ĐBSCL bằng hai con sông Tiền và sông Hậu.

Bon Om Tuk là Ngày Hội Nước lớn nhất hàng năm diễn ra nơi Quatre Bras có vua và hoàng hậu tham dự với hội đốt pháo bông và đua thuyền rồng, mở đầu cho một mùa chài lưới rộn rã và nông dân thì bắt đầu mùa gieo trồng.

Cũng không xa hoàng cung, một con tàu lớn Naga đậu trên sông là một sòng bài nổi_ một Las Vegas Nam Vang của đám doanh nhân Mã Lai chỉ dành riêng cho khách ngoại quốc (cũng giống như Sòng Bài Sinh Thái_ Ecocasino trên hồ chứa đập thủy điện Nam Ngum ở Lào).

Rời chiếc ghe trở lại con đường đê, không thể không xúc động và thương cảm khi choàng ôm hai em bé Chăm chân đất gầy gò và đen đủi nhưng ánh mắt sáng và thông minh và đa số lại không được đi học. Làm sao mà trang trải món nợ tinh thần này với thế hệ của những người Chăm sống sót.

NHỮNG CÂY THỐT NỐT BÊN HỒ SEN

Trước khi rời nam Vang, tôi dành những ngày giờ cuối cùng để đến thăm Sân Vận Động Thế Vận / Olympic Stadium và Viện Bảo Tàng Tội Ác Diệt Chủng Tuol Sleng.

Sân Vận Động nằm kế hai đại lộ Preak Sihanouk và Monireth, từng là nơi tập trung các cuộc biểu tình xuống đường vĩ đại vào thập niên 70 của chánh quyền Lon Nol phát động chiến dịch toàn quốc chống Việt Nam. Đây cũng là nơi mà bao nhiêu nạn nhân bị Khmer Đỏ hành quyết trong đó có hoàng thân Sirik Matak, thủ tướng Long Boret những con người lãnh đạo đầy nhân cách của dân tộc Khmer không chịu theo chân người Mỹ rời đất nước Cam Bốt ở những giờ phút chót. Trong khi Lol Nol thì đã cao chạy xa bay trước đó sang Hawai với hàng triệu đôla mang theo. Bây giờ nơi đây chỉ thuần là một sân vận động vắng lặng đang được chỉnh trang và mở rộng với hồ bơi tiêu chuẩn thế vận để đón cả du khách.

Viện Bảo Tàng Tuol Sleng đối với thế giới như biểu tượng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Như một cái tên định mệnh, theo từ điển tiếng Khmer thì Tuol Sleng có nghĩa như một Ngọn Đồi Độc Dược. Nguyên là một trường trung học hiền lành phía nam thủ đô Nam Vang được biến cải thành trại giam S-21 từ tháng 5 năm 1976, nơi tra tấn những người được coi là chống lại Tổ Chức / Angkar, một tên khác của Khmer Đỏ. S-21 được bao bọc bởi 2 hàng rào sắt và chằng chịt dây kẽm gai có dẫn điện cao thế để ngăn không cho một tù nhân nào trốn trại. Bên trong, mỗi phòng học được biến thành phòng giam với cửa sổ chấn song sắt và rất dầy dây kẽm gai. Các phòng trên lầu là khu nhà giam tập thể. Riêng nơi từng trệt, mỗi phòng học được chia ra thành nhiều phòng giam nhỏ 0.8 x 2 mét dành cho tù nhân biệt giam. Tên trùm nhà giam S-21 là Kang Kek Ieu nguyên nhà giáo dạy toán có biệt danh là Đồng Chí Duch sinh trưởng ở tỉnh Kompong Thom, xuất thân trường Pháp Lycée Sisowath vào những năm 1950, bị bắt năm 1965 vì hoạt động Cộng sản và khi được thả lại vô bưng tiếp tục hoạt động. Những lính canh trại giam là đám trai gái tuổi từ 12 tới 15 ngây thơ và ngu dốt nhưng được Khmer Đỏ huấn luyện nhồi sọ để trở thành những tên hết sức quá khích và cực kỳ hung bạo. Các nạn nhân trong Tuol Sleng thuộc đủ mọi thành phần bắt về từ khắp nơi và cả thuộc đủ mọi quốc tịch: Việt, Lào, Thái, Anh Mỹ, Gia Nã Đại, Úc… nhưng đa số vẫn là những người gốc Khmer thuộc giới trí thức bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo viên… và sau này có cả những thành phần gốc Khmer Đỏ bị coi là phản bội.

Có tất cả các dụng cụ tra tấn đủ loại và điều kiện sinh sống trong S-21 thật bi thảm. Ngoài đánh đập, các nữ tù nhân còn bị hãm hiếp. Có khi là toàn thể một gia đình bị bắt bị giết trong đó có cả trẻ sơ sinh. Và điều kỳ lạ là sự chu đáo của các hồ sơ lưu trữ của bọn cai ngục Tuol Sleng: các nạn nhân đều được lăn tay chụp hình và phải làm tờ khai lý lịch chi tiết từ lúc sinh ra cho tới khi bị bắt. Sau đó các nạn nhân bị lột trần, bị tịch thu mọi thứ rồi mới tống vào phòng giam cho nằm trên nền nhà không mùng mền và chân thì bị cùm xích. Chỉ riêng tại địa điểm Tuol Sleng từ 1975 tới 1978, đã có hơn 10 ngàn nạn nhân bị tra tấn sau đó bị giết chưa kể số trẻ em. Vô số những bức hình chụp nạn nhân với tư thế tay bị trói khuỷu sau lưng, khuôn mặt bị tra tấn sưng vều, từ hai hốc mắt toát ra vẻ kinh hoàng khôn tả. Rồi là hình những nạn nhân chết ở những tư thế khác nhau trên các vũng máu loang. Tưởng như vẫn còn mùi máu tanh tưởi, những tiếng la thét đâu đây trong những khu nhà giam trống trải lạnh lẽo với thời gian thì đã như lùi về một thời hoang sơ thái cổ.

Bản đồ đất nước Cam Bốt trong 4 năm ấy được ghép bằng Sọ Người với những Con Sông Máu.

Do Viện Bảo Tàng Tuol Sleng rất hấp dẫn du khách, Hun Sen với đầy ý tưởng sáng tạo lại đang muốn biến khu sào huyệt cuối cùng của Pol Pot và cả những ngôi mộ tập thể ở vùng rừng núi tây nam Pailin giáp Thái Lan thành một tụ điểm du lịch thứ hai. Với Hun Sen thì cái chết của ngót 2 triệu sinh linh do chế độ diệt chủng Pol Pot đâu phải là vô ích, họ cũng đang đưa vai ra gánh vác vực dậy nền kinh tế đang lụn bại sau chiến tranh của đất nước Cam Bốt.

Ra khỏi cổng trại Tuol Sleng với những bước chân và trái tim nặng trĩu, tôi tự nhủ nếu là ngày đầu tiên tới Nam Vang tới với Tuol Sleng, tôi sẽ quyết định không lưu lại thêm một ngày nào nữa trên đất nước Cam Bốt. Tôi muốn thực sự quên đi Tuol Sleng_ cánh cửa tử sinh của bao nhiêu vạn sinh linh, quên đi Olympic Stadium, quên đi những tháng năm kinh hoàng với núi xương sông máu, của chồng chất tội ác thời tiền sử, của quỷ ám thời mông muội, của những phản bội và không thiếu những hy sinh cao cả. Nhưng làm sao mà quên được tấn thảm kịch lớn nhất của nhân loại của “nửa-thế-kỷ-20-sau” trước khi bước vào một thiên niên kỷ mới.

Ngồi trên chuyến bay rời phi trường quốc tế Pochentong, nhìn xuống thủ đô Nam Vang, nhìn xuống con sông Mekong nơi Quatre Bras trước Hoàng cung, hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng mà tôi muốn giữ lại trong trí tưởng về đất nước Cam Bốt là hàng cây thốt nốt với thân cây còn lỗ chỗ vết đạn nhưng vẫn đứng thẳng vươn lên trời xanh từ bên bờ một ruộng sen ngát hương với nở rực những bông sen hồng và trắng.

Vẫn có đó những bình minh và hoàng hôn trên sông Mekong, vẫn có đó vẻ đẹp tráng lệ và huy hoàng của trời và đất cho dù qua bao đổi thay, bao cuộc chiến tranh trong nỗi u mê của con người.

Chuyến đi càng củng cố thêm mối e ngại của tôi về những bước suy thoái của con sông Mekong. Cũng không quên cám ơn người bạn đồng hành Khmer Sok Thon, hẹn gặp lại anh khi tôi có dịp trở lại thăm xứ Chùa Tháp.

NGÔ THẾ VINH

Siem Reap – Prek Toal – Phnom Penh

Kompong Cham – Kompong Chhnang – Chhnok Tru

12 / 2001

Comments are closed.