Nguyễn Xuân Thọ
Đang định viết tiếp về vai trò của mạng xã hội đối với truyền thông thì hôm nay có một chuyện thú vị lên báo.
Ở Đức có hai kênh TV công cộng phát toàn quốc, chương trình 1 (ARD) và chương trình 2 (ZDF). ARD không phải là đài truyền hình nào cả, mà là tập hợp của tất cả các đài truyền hình địa phương. Tập hợp này gồm 9 đài cho 16 bang, vì có những đài chung cho 3 bang (NDR) hoặc cho 4 bang (MDR). Các đài địa phương này cũng là đài công cộng, không phụ thuộc vào chính quyền bang. Chúng chịu trách nhiệm phát kênh 3 là kênh địa phương và hàng ngày phải đóng góp chương trình cho ARD để phát chung trong toàn quốc.
Vì thế ARD không có trụ sở ở đâu cả. Chủ tịch ARD thì do 9 ông tổng giám đốc các đài kia thay nhau làm từng nhiệm kỳ. Chương trình hàng ngày của ARD lúc thì phát từ Hamburg, lúc sau chuyển sang studio Berlin, rồi Munich, Cologne, v.v. Đây là cách để nước Đức tạo thành thế liên bang ngay cả trên truyền hình.
Liên bang là cách chống tập trung quyền lực trên mọi hoạt động xã hội của Đức ngay từ năm 1949. Thế là toàn quốc được xem chương trình 1 ARD và tại các bang có thêm chương trình địa phương.
Đến năm 1963 người ta thấy phải thêm chương trình 2 để cạnh tranh với chương trình 1. Thế là kênh 2 lấy tên ZDF (Zweites Deutsches Fernsehen = Truyền hình 2 của Đức) ra đời. Lúc này thì không chơi kiểu phát sóng phân tán được nữa, vì mạng truyền viba cho ARD đã quá tải. Trung tâm truyền hình ZDF được xây tại thành phố Mainz, là đài truyền hình to và đẹp nhất nước Đức.
Tôi có hân hạnh làm việc với ZDF từ năm 1990, khi còn làm ở VTV, nên khá gắn bó với đài này. Trong số các gương mặt trên sóng ZDF tôi khoái nhất Steffen Seibert. Anh là bình luận viên chính trị, đẹp trai như tượng, thông minh nhưng điềm đạm. Khi nghe anh bình về chính trị không ai đoán ra anh thiên tả hay thiên hữu. Năm 2009, khi nói về kết quả bầu cử, đã có người hỏi: Anh thích đảng nào?
Seibert nói luôn: Tôi có chính kiến rõ ràng, nhưng là người nhà đài, tôi không được phép nói ra. Vì khi biết như vậy khán giả bỗng dưng sẽ có cảm giác là tôi không còn trung lập nữa!
Năm 2010, Seibert xin thôi ở ZDF, sang làm người phát ngôn cho bà Merkel. Lúc bấy giờ tôi mới biết anh ta là người của đảng CDU (trung hữu). Tôi phục anh ta sát đất, vì xưa nay không thấy “hương vị hữu” ở anh.
Đài ZDF cũng ngỡ ngàng và rất tiếc. Họ thanh lý hợp đồng lao động với Seibert, ghi thêm điều khoản cho phép anh quay lại ZDF bất cứ lúc nào. Chẳng ai biết bà Merkel cầm quyền được bao lâu, mà người như anh thì hiếm.
Từ đó đến nay, anh luôn xuất hiện bên cạnh bà Merkel như một trợ lý thân cận. Trong nhiều cuộc họp quan trọng với những đối thủ cộm cán, bà Merkel chỉ kéo Seibert đi cùng. Seibert vừa là cánh tay trái, vừa là bộ nhớ của bà. (Cánh tay phải là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, nhưng cóc phải bộ nhớ). Từ một nhà báo, anh đã vươn lên tầm một bộ trưởng.
Từ hôm bà Merkel chuẩn bị về hưu đến nay, người ta đồn đoán rằng Seibert lại quay về đài ZDF, nhưng với cương vị cao hơn. Bản thanh lý hợp đồng năm 2010 với điều khoản cho anh quay lại ZDF được nhiều báo moi ra. Ai cũng khoái việc này, vì một người nắm giữ nhiều thông tin cơ mật như Seibert mà quay lại làm báo thì tuyệt cú mèo.
Đến hôm nay thì mọi việc đã rõ ràng. Đài ZDF chính thức cho biết: “Một nhà báo có thể chuyển sang làm việc cho chính phủ hay đảng phái. Nhưng khi đã dính sâu vào nền chính trị và gắn bó với một đảng như ở cương vị của Seibert thì việc quay lại làm việc cho một đài công cộng sẽ làm mất tính trung lập của nhà đài” [1].
Đã có trường hợp ông Michael Speng, thủ lĩnh của báo “Bild” ra làm cố vấn cho ông Stoiber trong liên minh bảo thủ CDU/CSU. Sau khi ông Stoiber thua cử, ông Speng lại quay về làm cho các báo tư nhân mà không ai kêu ca gì cả, vì báo tư nhân có quyền ủng hộ bất cứ đảng phái nào. Các chính khách cũng có thể thông qua quan hệ với các ông chủ truyền thông để tạo ảnh hưởng lên báo tư nhân.
Nhưng đối với truyền hình công cộng thì điều đó là cấm kỵ. Tôi còn nhớ vụ scandal “Hans Michael Strepp”.
Trong đợt tranh cử bang Bayern năm 2012, ông Strepp lúc đó phụ trách báo chí của đảng CSU cầm quyền ở Bayern, đã nhiều lần gọi đến ZDF để cản đài không đưa tin nhiều về đại hội đảng SPD đang diễn ra. SPD là đối thủ của CSU ở cả liên bang và bang Bayern. Strepp nhiều lần đe dọa ban biên tập thời sự ZDF về những hậu quả nào đó. Nhà đài cáu quá đưa chuyện này lên sóng. Dư luận chửi ầm ỹ và vài hôm sau Strepp mất chức [2].
Loại như Strepp mất chức là đáng. Nhưng tôi lại tiếc hùi hụi về việc anh bạn đẹp trai Seibert không lên sóng được nữa.
(Còn tiếp)
Steffen Seibert, nhà báo, bình luận viên chính trị của đài ZDF
Steffen Seibert, người phát ngôn chính phủ, cánh tay trái của bà Merkel
Seibert luôn có mặt bên cạnh bà Merkel với mọi văn bản, hồ sơ cần thiết.