Cõi đời thiên hạ giấc u minh

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Bạn cũ trường xưa bên kia biển ghé thăm Trúc Gia trang…

Cả hai ngồi hút thuốc lá vặt, bất chợt trong cơn mê tình bạn muốn kể chuyện tình của bạn. Bạn búng tay một cái “tách” ra ý nón lá áo tơi ra quán chợ bắt nhăm cái hồ trường để… ôn lại những ngày mưa gió cũ. Từ âm hưởng người xưa vọng về qua men nồng kể lể chỉ nhăm phút là hết chuyện. Nghe rồi, thoáng như chuyện tình của bạn thuộc trường phái cổ điển với em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại… Trong bữa phùng trường tác hí ấy, tôi chợt cảm hoài cùng nhân kiếp phù sinh hề một thoáng bạch câu. Bèn bật ra ý đồ hay là hãy đốt lò hương cũ qua vài ba trang giấy. Bạn nhìn tôi, lắc đầu buông xuôi một tiếng khô và lạnh: “Không”.

Bạn về xứ con chuột tay ngắn, chân dài đi như cóc nhẩy và thêm chuyện…

Chuyện là năm sau, thằng trường xưa bạn cũ khác bên kia biển điện cho biết bạn mới đâm đầu về Bắc Ninh. Thằng này đeo đuổi quá khứ vị lai của bạn cùng thế sự du du hề một cuộc bể dâu với ngày nào năm ấy: Bạn ở trại cải tạo sống cũng như chết vì căn bệnh ngặt nghèo. Ngỡ bạn sẽ về cõi u minh, nên được tống táng về sớm. Bạn mò về đến nhà thì như Từ Thức về trần với nhà không cửa trống chả thấy… vợ đâu.

Thằng bạn xứ “Kangaroo” cho hay vợ bạn là… con gái Hoàng Cầm.

Tôi ớ ra: “Ủa, vợ con cụ Hoàng Cầm vào Nam hồi nào ta?”. Bèn lọ mọ với bài viết Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của Hoàng Cầm của tác giả Ngữ Yên:

[…] Ông có nhiều bài thơ hay, ông còn có vở kịch thơ Người Điên. Thập niên 40, ông lập đoàn kịch Đông Phương gồm Tuyết Khanh là vợ ông, Trúc Lâm, Ngọc Bích, Phạm Duy. Vở kịch nội dung nhân vật chính là Kiều Loan, người khuyến khích chồng ra đi đánh đổ nhà Nguyễn để phục hồi nhà Tây Sơn, nhưng người chồng chạy theo Nguyễn Ánh, nàng giả điên vào thành Phú Xuân đi tìm chồng, sau đó tự vận chết trong tù…

Ở vùng kháng chiến, ông đổi tên vợ là Kiều Loan, nên sau này vở kịch có tên “Kiều Loan”. Lúc đó bà có thai, ông lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc chia tay ở phố Nỉ, Bắc Ninh, ông không ngờ đây là lần cuối cùng không còn gặp lại vợ con và đứa bé ra đời bà đặt tên là Bùi Thị Kiều Loan, vì Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt.

Hiệp định Genève, Kiều Loan mẹ bế con vào Nam, lúc ấy Kiều Loan con khoảng sáu tuổi. Năm 1968 cô lấy chồng ở Sài Gòn. Sau 1975, Hoàng Cầm vào Nam tìm nhưng vợ đã sang Mỹ. Và chỉ cô con gái ở lại, đến năm 1982 Kiều Loan con cũng sang Mỹ đoàn tụ cùng mẹ. Năm 1983, trong một buổi đi chơi, tình cờ Phạm Duy gặp mẹ con Kiều Loan. Trong căn gác nhỏ chung cư, Phạm Duy nghe lại bài thơ của ông năm 1945 và tận mắt nhìn lại hình bóng Kiều Loan ngày nào qua giọng ngâm bà Tuyết Khanh.

Anh đã về đây gặp lại mình/ Cõi đời thiên hạ giấc u minh/ Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ/ Vớt mắt em về bến hoá sinh…

Tiếp đến cô con gái Hoàng Cầm tên Kiều Loan ngâm tiếp:

Khanh ơi!/ Thể xác hiu hiu bụi/ Nắng dãi hoe vàng./ Em ở đâu?

Về chuyện “chỉ cô con gái ở lại”, tôi bòn mót được một đọan văn của ai đấy: “Năm 1976, một năm sau ngày mất miền Nam, Hoàng Cầm vào Sài Gòn tìm vợ con, cô con gái Kiều Loan kể lể: Qua thư từ liên lạc, bố tôi hẹn vào Sài Gòn thăm con gái. Mặc dù cả hai bố con không biết mặt nhau, thế mà đúng là trời thương. Hai bố con tôi đã nhận ra ngay giữa đám đông tại nhà ga Sài Gòn. Khi bố tôi vào Sài Gòn thì mẹ tôi đã rời khỏi Sài Gòn vào ngày 28 tháng 4, 1975”.

Để lấy ngắn nuôi dài, tôi mọ mẫm với truyện ngắn Câu hát tìm nhau của tác giả Quế Hương. Tôi bòn mót vào phiếm truyện Cõi đời thiên hạ giấc u minh đang thai nghén trong đầu tôi… Trộm vía sau hương linh cụ chứ, chứ tôi khí hơi hõn ẩn dụ u u minh minh cụ Hoàng Cầm là “lão Tuất”… ăn thịt chó, bà Tuyết Khanh là cô “Hai Xuân”. Nhân vật xưng “tôi” bỏ mối rượu ở quán thịt chó là người kể chuyện này:

[…] Tôi gặp lão Tuất ở quán bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng ngày. Lão xuất hiện tay bị, gương mặt rỗ hoa. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

– Tôi tận Bắc Ninh vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi… Bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon, ghi dòng chữ: Hai Xuân…
– Không đường, không số nhà… Già rồi lẩm cẩm. Thôi đi chỗ khác…
Bà Tư béo nói, mặt tỉnh khô. Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

– Thế bà Xuân người thế nào?
– Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát hay. Xinh đẹp.

Đột nhiên lão đổi qua chuyện ăn thịt chó:

– Ngoài Bắc Ninh tôi, chỉ có món xáo và rựa mận để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất… Ăn bốc mới đúng điệu.

Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó… Bà Tư há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ món cầy cơ bản thành ba bốn món khác hoặc hơn nữa. Bà Tư bưng đến đặt trước mặt lão đĩa thịt chó luộc để mong thụ giáo. Bà nói: “Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, biết hát quan họ không khó. Tui sẽ nhờ anh em… Sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê không lấy tiền, với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán, phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình…”.

Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn. Thịt bao giờ cũng lớn bùi, béo, mềm, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá dong riềng, lá chuối được thay đĩa men, thơm điếc mũi. Những câu chuyện về đời, về chó của lão khiến khách cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà hơn. Bọn họ gọi lão là “lão Tầm Xuân”. Lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô vỡ tan tành trong lòng lão. Ôi, lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi như một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Những “cuộc gặp” ấy để lại trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói và lão hát. Lão hát hay lắm.

Hay đến nỗi có lần tôi phải chở vợ đến nghe. Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột: “Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Em biết đến bao giờ gặp mặt, sau đền duyên ba sinh”. Vợ tôi bảo không phải lão hát mà tình yêu lão hát. Nàng nhận xét: đằng sau vẻ ngù ngờ, xấu xí, già nua kia có một cô Xuân dong dỏng, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu trong lão! Sau lần nghe lão hát, vợ tôi bỗng trở nên “ái mộ” lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi và bị lão “mê hoặc” qua những bài quan họ. “Sớm đi chơi hội, tối về quay tơ. Dải yếm phất phơ. Miếng trầu, mồi mốc. Miếng ăn, miếng buộc. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho thấy?”…

Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những ngày hội Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm đào con nhạn, mắt lá răm lúng liếng hát thâu đêm. Tôi nghe lão tả làn điệu quan họ đắm say miên man và yêu cầu lão hát, lão lắc đầu bảo hát

quan họ phải có đôi, có bạn, có chỗ.ở hội quê lão có hội làng, hội xuân…
– Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?

– Vâng. Đó cũng là ngày hội quan họ, cả vùng như ngấm men say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh cu Rỗ là tôi tròn 18 tuổi, được cử vào quan họ làng để hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi ba đời hát quan họ, thế mà khi hát đôi với cô ấy tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ. Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ… Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài đến ba ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua…

– Đa tình thế sao không lấy?

– Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa quan họ như kết nghĩa anh em. Tình bạn ấy chân thành, thủy chung, không chỉ đời mình mà có khi còn đến đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc răng long, tình yêu trong câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau, đến thăm nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Tôi đau lòng hát miên man…

Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi một giọng hát trẻ trung đằm thắm da diết cất lên: “Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên tay…. Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh cu Rỗ tóc đen như mun, da màu đồng, có giọng hát Trương Chi hát! “Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ!”. Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài Khi tương phùng, khi tương ngộ ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: “Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi… Trước không phải, sau đền duyên ba sinh”. Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.

Sau đó là chiến tranh, tôi đi kháng chiến, khi hoà bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấy đã theo chồng, nghe nói vào Nam. Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chết không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng cay của đời… Luật đời chú ạ! Già thì lụi tàn, phải chết. Một lần tôi ốm thập tử nhất sinh. Trong cơn mê, tôi nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: “Người về bỏ bạn sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng…”. Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới có cái giọng la đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong da trong thịt. Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi lại cuộc đời này.

Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi.

Sau một tuần đi xa về thì ra lão đã bỏ đi… Tôi vô tình gặp lại ở Hàng Xanh. Con hẻm em gái tôi ở vang lên tiếng rao lạc lõng: “Ai mài dao không…?”. Tiếp liền sau một giọng hát cất lên: “Khi tương phùng khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình… Thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi…”. Lão chứ còn ai nữa. Tôi chạy ra: “Lão Tầm Xuân”. Lão quay phắt lại mừng rỡ. Mới hai năm mà lão già thêm nhiều! Gương mặt chằng chịt nếp nhăn, lỗ chỗ nốt rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Câu quan họ lầm lũi lạc theo, lạc lõng trong thành phố. Lão nói:

– May gặp nhau lần cuối… Tuần sau tôi về chú ạ. Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Hội Lim giờ đâu như xưa nữa… Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội

giục giã lòng tôi. Tôi yếu rồi! Tôi đã nghe đất gọi quê gọi, hẹn kiếp sau vậy.

Tôi nhìn lão, chiều tà dần trong đôi mắt màu hoàng hôn.
Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:

– Không thấy lão mài dao kéo vào xóm, cái lão thật lạ, không lo kiếm khách chỉ lo hát. Người già cũng lạ. Trại dưỡng lão em làm có một bà già nhập trại ba năm không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hoá ra biết hát. Cái giọng na ná như lão mài dao.

– Đâu? Bà ấy ở đâu? – Tôi hỏi nó.
– Sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?
Tôi bày tỏ với nó, tôi có linh cảm đó là cố Xuân. Nó giục tôi:

– Vậy thì đến gấp trại dưỡng lão. Mau lên kẻo không kịp

Bây giờ nằm trước mặt tôi là bà cụ mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc… Hình hài ấy không còn nét nào giống lão Tầm Xuân tả. Hay tôi lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đậy. Từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào, lời rời rạc. “Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải… sau đền… duyên… ba sinh.

“Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi”, tôi reo to. Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi. Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu. Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần… yếu dần… Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lặp lại lời hát của lão Tầm Xuân: “Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình…” Giọng hát như đọc của tôi cất lên, lạ lùng thay. Mí mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát yếu ớt rõ dần hoà với giọng vịt đực ồ ồ của tôi.

Tôi lập tức đạp xe quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân nhưng bóng lão bặt tăm… Hình như lão đã về quê rồi.

Trở lại viện dưỡng lão, mươi phút sau cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng. Chiếc xe tang đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn. Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về, nửa câu quan họ lầm lũi theo lão… Chơi vơi… Chơi vơi…

Qua truyện ngắn của người viết Quế Hương, tôi lay lắt tới tiếng hát quan họ, gần gũi man mác qua đồng chiều cuống rạ, ẩn hiện mảnh áo tứ thân hoa gụ, giải yếm thắm mầu mạ non, lặng lờ bên nắng vãn ven sông. Bởi thế tôi…”thai nghén” chuyện đẩy đưa nó tìm vợ nó tìm người chẳng biết mấy nơi với tình ơi tình rằng theo bài hát quan họ:

Bắc Ninh cho đến Phủ Từ/ Qua cầu sông Nhị, ngẩn ngơ tìm người/ Tìm người chẳng biết mấy nơi/ Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây

Sau đấy tôi mang nặng đẻ đau với bao năm xa xứ, thằng bạn tôi về lại quê nhà. Đất quê lành lắm, trồng gì lên nấy. Hai vợ chồng nó sẽ có mảnh vườn, bờ ao, chuồng lợn, đàn gà và một đàn con thằng cu, cái hĩm. Thế nhưng tôi có biết Bắc Ninh ở xó xỉnh nào đâu, có cho ăn gan giời trứng trâu tôi cũng chả dám lêu bêu xa hơn. Vì vậy tôi gửi bài viết dang dở sang bên Úc nhờ thằng bạn trường xưa bạn cũ ở bên ấy ghé nhà nó. Một là dọ dẫm nó qua bài viết. Hai là gãi ngứa nó cho tôi dăm tình tiết về làng Lim. Thằng bạn to nhỏ rằng: “Mày nhắc đến Kiều Loan, làm nó rớt nước mắt. Thế nào nó cũng ới mày”. Tôi chột dạ: Bỏ bu! Sắp to chuyện đây!

Một ngày nó ới tôi thật.

Và nó tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây, ở số 43 phố Lý Quốc Sư…

Số là nó về thăm ông bố vợ Hoàng Cầm, nó kể cứ như thật: Mọi vật trong căn gác nhỏ vẫn y nguyên như chục năm về trước, lúc nó đến ông cụ vẫn cái điếu cày đặt ngang tầm với, vẫn chiếc giường kê sát đất. Cụ vẫn nằm như mọi khi vì cú ngã cầu thang cách đây năm năm đã neo cụ lại với chiếc giường con. Nhìn ông cụ nằm trông rất thương. Cả ngày lẫn đêm, cụ chỉ giữ tư thế nằm ngửa, mắt nhìn lên trần nhà như đang nghĩ ngợi hay tìm kiếm điều gì.

Nó ba điều bốn chuyện: Ông cụ dạo này làm thơ như để, cụ ba đời uống nước máy Hà Nội nên dạo này rít thuốc lào như máy. Tôi bụng bảo dạ: Mẹ kiếp, thằng này vào Nam 54, cao tay lắm 10 tuổi như tôi, thì xin lỗi, cụ nhà nó chứ! Nó biết đếch gì về bậc tiền bối như cụ Hoàng Cầm với vẫn thế này thế kia, hay dạo này dạo nọ. Nó lây dây, khi về ông cụ đưa nó cái phong bì có hàng chữ “Gửi con rể yêu qúy của bố” (nguyên văn). Nó hoắng lên khi đọc đến hàng chữ này và nhắc tôi hai lần câu viết ấy. Nó góp nhóp vợ nó bỏ nó nhưng ông cụ vẫn xem nó như rể hiền.

Bèn trộm nghĩ dại ắt trong phong bì có tiền. Nhưng ấy là chuyện sau.

Thấy nó huếch quá thể, tôi khều khều nó là tôi muốn vần câu như vần cơm, lùi chữ như lùi khoai, chuyện tình chết tình buồn của nó năm nào nón lá áo tơi ra quán chợ. Nó ậm ừ thôi cũng được. Nhưng đợi cái đã. Tuần sau nó cho hay đã thỉnh ý cụ rồi, cụ dạy: “Cứ để cậu ấy viết xem sao”. Nó giọng yếu xìu: tôi thêm bát thêm đũa gì trong bài viết cũng được. Rồi nó buông thõng một câu chết người: “Mày cứ chôn hai đứa tao chung một lỗ là xong”. Tôi sững người, mài óc nghĩ không ra cái thằng dở người này.

Còn tôi được cụ ngỏ lời “Cứ để cậu ấy viết xem sao”, thế là…

Thế là tôi bịa chuyện nó đi tìm vợ như cụ Hoàng Cầm đi tìm vợ con dạo nào ở Sài Gòn qua lão bất thế kỳ nhân Tầm Xuân bày vẽ cách ăn thịt chó, rựa mận để trong bát đĩa, món chó luộc đựng trong lá tất. Mặc dù chả biết “lá diêu bông”, “lá tất” là lá tất tật gì. Với món thịt chó luộc, tôi đụng đũa đụng bát tới cụ Nguyễn với lá sen: “Nguyễn Tuân vừa ngó chai rượu nằm chỏng chơ bên đĩa tiết canh và nhởn nha kể chuyện từng được ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó không ướp gia vị, đặt vào giữa lá sen của nhà chùa, bó lại, đem đồ cho chín dừ. Món ăn vừa tục vừa thanh lại có cái ngông, cái hỗn, vừa có vị chát của nhựa sen, vừa có hương thơm của hoa sen” (Gs Nguyễn Đăng Mạnh). Học theo nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Truyện viết là bịa, nhưng phải bịa trên chuyện có thật”. Được thể tôi bịa thêm chuyện nó ngồi chiếu hoa một cõi hầu rượu cụ Hoàng Cầm, xơi thịt chó luộc bọc lá sen của chùa Cổ Pháp, uống rượu làng Vân ở Bắc Ninh. Vì chuyện có hậu, lại mới vừa “sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ còn có hay không”, nên chả có chuyện chết chóc sau này.

Tôi một ngón tay mổ chữ trên bàn gõ như cò mổ ruồi thế này…

Ông bố vợ ân cần tiếp nó như đứa con đi xa trở về. Cụ vắn dài vợ nó biệt tăm ở mạn đồi Lim, chả hề bén hơi về Hà Nội một lần. Bắn một bi thuốc rít lên kêu “éc éc” như lợn kêu xong, cụ gần xa lệ quan họ với “làng quan họ nghĩa”, lửa gần rơm có ngày cũng bén, để có chuyện vạn sự bất như ý. Qua khói thuốc, cụ thở ra vợ nó thân phận như con phù du, con vờ vờ sống với nước ao tù rồi chết trong váng ao tù.

Đến đây, dựa trên chuyện có thật…

Bà vợ kế Lê Hoàng Yến đi chợ gặp ông làm thơ Xuân Diệu, ông chỉ bà mua bọc thịt chó luộc gói trong lá chuối và một cút cuốc lủi. Từ đó, cụ cầm tách rượu trắng to bằng mắt trâu, và như ông Trần Dần nhìn vào vách tường suy nghĩ đến khi cụ qua đời. Gặp nó, bà quẹt mắt giọt ngắn giọt dài về cô đồng ngã lăn kềnh đập đầu vào cái chum nước mưa. Tỉnh dậy, cô như người cõi trên vì có thể nhìn thấy hồn ma đi sau lưng người ta, cô nghe được tiếng người cõi âm nói chuyện với nhau. Nó ngờ ngợ có chuyện bất như ý. Về khách sạn, mở phong bì nó thấy tờ giấy ghi địa chỉ cô đồng.

***

Từ Hà Nội lên Bắc Ninh gặp đồng cô bóng cậu…

Y hệt như bà Lê Hoàng Yến kể, cô nhướng mắt nhìn qua vai nó, miệng lẩm bẩm với âm hồn nào đấy đang vất vưởng sau lưng. Thấy nó ngớ ra. Cô nói: “Hồn chịu về gặp anh giai rồi đấy, nhưng hồn đòi cái đàn”. Xong, cô cun cút chạy vào xóm. Lát sau cô khuân về một nghệ nhân xách cái đàn có cái ống bơ rỉ như của mấy bác xẩm mù. Nhưng bác thợ đàn mắt tinh như ma. Nó thò tay vào túi quần lấy tiền để trả tiền xin lễ. Nó lại lấy nhầm cái phong bì của cụ Hoàng Cầm, ngoài tờ giấy ghi địa chỉ cô đồng. Bây giờ nó mới nhìn thấy nguyên bài thơ Lá diêu bông. Ngoài ra ông bố vợ nó còn cẩn thận nhét thêm cái lá diêu bông ép khô. Nó ngẫm nguội lá diêu bông là lá có thật.

Cả ba ngồi xuống chiếu. Nó ngáo ệch nhòm trước mặt cô là cái đĩa có cái chân gà khô quắt queo như lá diêu bông. Bác bác thợ đàn vừa lên giây đàn “tách.. tách..” vừa hỏi: “Hát ca trù hở nỡm?”. Mắt bác hấp háy: “Này, gieo quẻ đi chứ, con lợn sề đẻ rồi đang sốt tiết đấy”. Cô cầm đồng trinh gieo xuống đĩa xin âm dương, lâm râm khấn một hồi lâu. Xong, cô cúi đầu xuống lạy cái chân gà ba lạy như lạy người sống. Nó thuỗn mặt ra vì hết “con lợn sề” là ngữ gì? Đến đồng cô bóng cậu này thuộc Tam phủ, hay Tứ phủ? Xong lễ bộ, đầu lắc lư, mắt trừng trừng dòm bác thợ đàn, nó ngỡ cô sắp há họng hát mưỡu: “Cậu bắn súng lục, Cô bơi thuyền rồng” thì cô chũm môi: “Mèo mả gà đồng vừa chứ, hát chầu văn chứ còn gì nữa”. Cô vạy vọ bác thợ đàn: “Lợn sề đi vắng thì hôm nay đằng ấy là… tình nhân của tớ nhá”. Bác ta làm như điếc đặc, thong thả vào nhịp “tích tịch tình tang”. Cô để hai bàn tay ngửa trên đầu gối, hai ngón tay bấu vào nhau như bắt quyết. Bác thợ đàn búng dây “tách” một cái, đun đẩy. Cô hướng lên bàn thờ tổ có bức tranh vẽ Mẫu Thiên, Mầu Địa mặc áo đỏ tía, cô âm ỉ: Lạy bà! Bà ở trên ngàn – Thương con đệ tử trần gian bà về. Bà về thật cũng nên vì nó thấy cô đồng vuốt mặt, ngáp một cái rõ to. Ngáp xong cô cất tiếng làm nó giật bắn người lên… Vì nó nghe y xì giọng vợ nó ngày nào: “Con nó bớt ho chửa”. Bị hỏi bất ngờ, nó ú ớ: “Chưa”.

Tiếng “vợ” nó qua cô đồng:

– Người ta thường hiện về nhà phù hộ nhà nó.

Rồi vợ nó hỏi dồn:

– Sao nhà nó chẳng cúng giỗ cho người ta.

Nó ấp úng nào có biết vợ nó “đi” ngày nào mà cúng giỗ? Vợ nó nói ngày tháng. Nó hý hoáy ghi chép và hứa năm nào cũng sẽ cúng thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, thịt dê tái chấm tương bần. Bởi cụ Ngộ Không trong làng văn xóm chữ dạy: “Tái dê chấm với tương bần/ Ăn vào một miếng bần thần như dê/ Đêm về vợ lạy tỉ tê/ Tối mai ta lại tái dê tương bần”. Nghe “Đêm về vợ…”, vợ nó tỉ tê giọng ảo não bi ai:

Hờ… i i i

Hôm nay (..ư.. ư..) sum họp trúc mai (..i..a..có mấy).

Tình chung (..ư.. ư..) một khắc nghĩa dài trăm năm (..i. a..có mấy).

Hờ…

Sao Khuê một giấc mông mênh…ơ…

Người đi hay ở, ơi người. Chỉ có một đời.

Từ “Tối mai ta lại tái dê…”, giọng cô lạc hẳn đi với khai ân:

Tử sinh, tử sinh, cái trò rỉ sén…ơ son sẻ…rỉ sén

Hờ…ơ…à…ơ…

Một trời thánh thót sương tinh…ơ…

Thuyền ra vạn giặm…à…ơ…

Thuyền ra vạn dặm chút tình khai ân.

Nó nghĩ dại “khai ân” là…ân ái. Nhân bảo như thần bảo, cô nói: “Ấy là hồn đang theo bạn hát đấy, anh giai”. Bỏ bu, ngu lâu đần dai cách mấy, nó hiểu ra “bạn hát” đây là “bạn tình” dưới âm của vợ nó. Thảo nào cô nói với bác thợ đàn: “Đằng ấy là tình nhân của tớ nhá” là vậy. Nó hư cấu từ thịt chó luộc đến thịt tái dê đã mả lắm rồi. Nay nó phục lăn cô hoang tưởng bác thợ đàn là tình nhân của cô cũng thần lắm chứ đâu có đùa. Y như rằng, cô gật gật với bác ta ra dấu. Bác thợ đàn lật đật, lật cái đáy ống bơ lên gõ “cạch…cạch…” thúc giục. Cô cất giọng như ống bơ rỉ:

Hồn lạc giang đầu. Hự.

Sông mê nước chảy đôi dòng.

Tử ly ấy đổ vào sông mê cuồng. Hự.

Sóng cả này. Hung tợn.

Hỏi ai…ai biết…ư…Hự.

Nghe thủng rồi, nó đực ra như ngỗng ỉa vì sao cô lại hỏi ai… ai biết… rồi lại ư… hự nữa. Nó đang búi bấn, cô vẫn giọng ái nam, ái nữ: Xá lầm, xá lú, xá mê/ Trần gian bà về, bát nhã thuyền huê. Cô đờ đẫn nhìn nó: “Đang đi thuyền hát với nhau, thuyền chìm, cả hai chết đuối”. Nó hiểu ngay đơ vợ nó và “thằng tình nhân” hát quan họ chết tiệt, chết vì nước. Vì vậy chuyến này về nó phải làm đám ma khô như đám ma thật với bát trứng và một cái đũa vì sợ hồn ma khác ăn mất quả trứng. Nó phải đắp mộ gió, là mộ cũng có quan tài, vì chết mất tiêu, mất tích nên hình nhân thế mạng là khúc chuối.

Quay về “bạn tình”, hình nhân thế mạng là bác thợ đàn. Cô mà rằng ối a là tình:

Hồn tìm hương duyên.

Đa tình réo rắt… ư… Đánh bồng.

Mà rằng ối a là tình.

Tình bồng mát tay… ư, mấy kiếp.

Ư tình này là mằn mặn… ư đa tình.

Cô nói: “Họ đang mặn mà với nhau ở dưới âm đấy, anh giai”. Rồi cô ứ hự:

Tán tụ này, cung bậc. Ôi a, khi tỏ khi mờ này. Ma trơi í a…

Cao cung lên này. Tình bằng này tình ở. Ối a… là ai mong tình

Ối a là ai mong tình này. Ối a hỏa… hỏa đàn…

Cô đồng phe phẩy cái quạt nan: “Ối a hỏa… hỏa đàn…Đã bảo ở dưới âm mà, nóng lắm”. Mắt cô nhíu lại, miệng hát chầu văn: Bà về bát nhã thuyền huê / Con cõng đệ tử ngồi kề hai bên. Cô lụng bụng: “Hồn sắp thăng”. Nó thấy “vợ” nó xòe hai tay về phía nó là chồng và bác thợ đàn là người tình, như mời trầu giã bạn:

Tình rằng… í… i… đa tình…

Lúng liếng… ơi là lúng liếng… ơi…

Xét tấm tình si

Lả lơi bên nói bên cười…

Lúng liếng ơi là lúng liếng… ơi..

Bên mời cố cựu…

Bên mời tình nhân…

…i.. ai… là có mấy…

Tích…tịch…tình…tang…

Tách…

Cô đồng vuốt mặt vài cái rồi đứng lên lễ tạ lạy thánh mớ bái bàn thờ tổ. Mặt cô hiển hiện trên chín tầng trời, mười tầng đất với hư trúc niết bàn chẳng đâu xa và thăng. Văng vẳng đâu đây âm vọng của cô: Lạy bà! Bà đẹp chín nghìn/ Trăng còn thua sáng, hoa nhìn kém tươi.

Nó hiểu vội và tiếc hùi hụi bà đẹp chín nghìn đây là… vợ nó.

***

Tôi ngốn truyện ngắn Câu hát tìm nhau lỳ lịt những chữ là chữ (dài 7 trang) dây mơ rễ má đến 49 làng hát quan họ quanh đồi Lim. Từ “cắt câu quan họ” làm đôi, lão Tuất và cố Xuân mỗi người giữ một nửa, cuối đời nửa câu quan họ lầm lũi theo lão Tuất chơi vơi… chơi vơi…

Giậu đổ bìm leo, tôi kéo dài chuyện ra bằng cách đưa bạn về Bắc Ninh để nửa câu hát này đi tìm nửa câu hát kia. Viết thành truyện rồi gửi bạn xem trước, trình làng sau. Bạn im như thóc ngâm cả tháng, hay là tính bạn đồng bóng cũng nên, nghĩ cũng lạ. Nhưng chẳng lạ gì. Tháng sau bạn ới tôi:

– Ông cụ không chịu cho đăng bài của mày.

Bạn làm như có gi suy nghĩ lung lắm rồi ậm ừ:

– Ông cụ nói cụ có…. ăn thịt chó hồi nào đâu.

Thạch trúc gia trang

Nhâm Thìn 2012

clip_image002

(sửa chữa 2017, 2019)

Nguồn: Nguyễn Xuân Hoàng, và một tác giả khuyết danh, ngay cả hình ảnh, vì bài viết đã lâu, lỡ quên ghi danh tính.

clip_image004

Cụ đã về bên kia sông Đuống,

kẻ hậu sinh xin phép cụ gửi bài

này đến bạn đọc. Nay cẩn kính.

Comments are closed.