Tiếng vĩ cầm và trăng thượng tuần

Truyện Trương Quang

Vào khoảng năm giờ chiều, anh thường từ phòng làm việc trở về nhà, theo một thông lệ cố định tự đặt ra cho mình. Anh vung tay đóng mạnh cửa, bỏ lại tất cả những ngao ngán dồn lại của một ngày dài trên chồng bài vở ngổn ngang trên bàn. Cái ngao ngán của đống thức ăn thừa mứa sau một bữa tiệc đơn điệu, tiếp diễn hằng đêm, chẳng ai buồn nhìn lại. Anh đã bắt đầu nghề dạy học vào những năm cuối cùng của sự nghiệp, một nghề anh chưa bao giờ nghĩ và nhắm đến. Một ngã rẽ tình cờ, không được dự tính.

Anh đã chọn nơi làm việc chỉ cách quê hương hơn một giờ bay này, chỉ để được gần gũi cha mẹ vào những ngày cuối đời, nhưng chính bản thân anh không thấy hứng thú để bắt đầu công việc mới. Cuộc sống trầm lắng ở campus có lúc đã giản dị hóa ngày tháng của anh, trở nên nhạt nhẽo, như một bình rượu cũ đã được pha thêm nước nhiều lần đến nhạt thếch, nhưng anh cứ phải nâng ly uống tự chúc mừng mình hằng ngày. Anh không hẳn là một con ốc sên rút đầu thu thân vào chiếc vỏ an toàn, hay như con châu chấu vênh váo giương càng trên một cánh đồng hoang vắng, lại càng không như một con thỏ vểnh tai ngơ ngác lao thân về phía trước. Anh chỉ bắt đầu cảm thấy buồn nản và lo âu khi nghe mình lặp lại những điều chính mình đã nói trong những buổi giảng khác. Hơn mười năm nay anh đã sống và di chuyển trong quần thể đó như anh chàng Forrest Gump. Một cuộc sống an toàn thì có thể, nhưng đầu óc thì không lúc nào cảm thấy bình yên.

*

Nắng chiều còn tần ngần chờ anh dưới chân cầu thang dẫn ra con rạch nhỏ. Anh đạp xe về nhà, thay vội vàng bộ quần áo nhẹ và đôi giày thể thao, xuống lầu bắt đầu cuộc đi bộ hằng ngày. Anh chỉ đi bộ bình thường, chậm rãi từng bước và điều tiết hơi thở theo một nhịp vừa phải, không theo nguyên tắc ‘thiền bộ’ như một ai đó có lần đã chỉ dẫn cho anh (anh nghĩ: Lý thuyết thì bay bổng, nhưng thực hành thì nặng nề như chân đeo chì!). Màu xanh của cây cỏ và mặt hồ loáng loáng những mảng nắng chiều rơi rớt dọc theo đường đi khiến trí óc anh giãn ra và khoan khoái. Anh thả lỏng người, để mặc quán tính đẩy mình về phía trước, miệng lẩm nhẩm câu mantra (tự đặt) ‘đầu rỗng không, bước rỗng không, thân rỗng không’ và tiếp tục bước. Anh có cảm tưởng như những nỗi buồn phiền, âu lo đời thường trong ngày như những cánh lá vàng theo nhau rơi rụng dưới mỗi bước chân. Anh thấy mình thật sự nhẹ đi, linh hoạt và mới mẻ hơn sau những cuộc đi dạo đơn độc ấy.

Khoảng sáu giờ chiều, anh thường dừng lại ở một góc cuối khuôn viên của trường, leo lên đứng trên con đê đất, nhìn ra khoảng không gian xa tít tắp phía bên kia, để trầm tư đôi chút. Cả một vùng đất trống trải, lúp xúp những lùm cây thấp, thường phủ ngập nước vào cuối tháng chín đầu lễ hội cầu nước Loi Krathong. Đã có lần cơn nước lũ hùng hổ vượt qua con đê, dang hai cánh tay phũ phàng chụp xuống những dãy ký túc xá sinh viên thấp bé, vốn rất yên bình nằm dọc theo những con đường nhỏ rợp bóng cây vòng quanh trường. Anh đứng một lúc trên mặt đê, nhìn những tòa nhà đang mọc lên mỗi ngày một cao hơn, thoáng chút ngơ ngác về qui luật vận động tự nhiên và lãnh đạm của cuộc sống.

*

Anh hơi ngơ ngác vì bất chợt nghĩ đến mẩu e-mail của đứa em trai ở Mỹ vừa gửi cho anh sáng nay. Mẩu điện thư rất ngắn, thậm chí không tạo được một chút xao động nào, dù chỉ thoáng qua, về cái chết đột ngột của một người bạn thời trai trẻ của anh. Cuộc sống lang bạt trong hơn hai chục năm qua đã thực sự làm tê liệt chút tình cảm còn sót lại trong anh. Anh đã trở thành một cục than hầm đen đủi, khô khốc, vô hồn.

“Em báo cho biết là anh H. (chắc anh còn nhớ) vừa từ trần đêm thứ tư vừa qua ở Frisco, trên sàn tập võ. Có lẽ bị ‘tẩu hỏa nhập ma’”. Người em viết.

Thông thường, anh sẽ chỉ mỉm cười một cách chua chát, hơi chút triết lý. Thế đấy, lại thêm một kiểu chết mới. ‘Tẩu hỏa nhập ma’! Có ai tin được không? Có ai hiểu được không? Nhưng lần này anh đã không thể cười cợt được với chính mình. Anh cũng không thể buồn được vì chính anh cũng không hiểu được tại sao một người có thể chết (hay ‘từ trần’ theo lối diễn đạt trang trọng của đứa em trai) như thế. Người đó lại từng là bạn rất thân của anh một thời, nhưng tưởng chừng như đã rất xa xăm.

Trong thoáng chốc, anh đã trở lại với quãng thời gian hơn ba mươi năm trước. Trên căn gác gỗ nhỏ ở Phú Nhuận, tuổi trẻ đã đi qua hàng ngày như một điệp khúc vừa sôi nổi, vừa nhẹ nhàng. Một lũ con trai mới lớn, người ôm đàn tình tang ư ử hát, kẻ trề môi bập bẹ điếu thuốc đầu đời. Cả bọn lao nhao (và xôn xao) dạy cho nhau làm sao để chóng trở thành… người lớn! Đó chính là thứ mẫu hình và cách sống của ‘người lớn’ tựa như một loại ghẻ lở, ngứa ngáy quanh năm mà anh đang muốn gột bỏ, xóa sạch hoàn toàn từ thân xác và bộ nhớ quá khứ của mình. Vĩnh viễn. Dứt khoát. Không tiếc thương. Không xấu hổ.

*

Thuở ấy, anh chỉ mới mười bảy tuổi và một mình từ Đà Nẵng vào Sài Gòn học lớp cuối trung học ở Pétrus Ký. Dù đã cố gắng hết sức để thay đổi kiểu tóc tai, cách ăn mặc và nói năng, anh vẫn chưa thể tẩy rửa hết được cái phong thái ngớ ngẩn một cậu thanh niên tỉnh lỵ. Vậy mà cái anh chàng H. lùn cũn cỡn đó, người đã từng ở đô thành cả chục năm và là học sinh Taberd, còn ở sau lưng anh vài chục bước về kinh nghiệm trải đời. Anh không lớn tuổi hơn ai, nhưng nhờ chút láu cá vặt đã đọc trong sách vở, đã được cả bọn tin tưởng, giao phó nhiệm vụ dạy cho lũ con trai Sài Gòn đang háo hức bài học đầu tiên, làm sao để trở thành người lớn. Bình thường H. chỉ nằm thu mình trong một góc của căn gác, chăm chú nghe anh bốc phét. Tuy không tán thành cũng chẳng phản đối, nhưng bao giờ H. cũng tham dự các trò ‘tập tành làm người lớn’ của cả bọn. H. như một con ù lì ngủ vùi miệt mài suốt mùa đông, cần có một cái gì đó thật sự mạnh mẽ khuấy động lên, để tỉnh giấc trở lại với đời thường.

Anh chàng H. lùn như quả chuối tiêu Nam Định tiến vua đó, vài năm sau đã đi du học ở phương xa, lấy vợ Tây và trở thành một kiểm soát viên tài chánh cho một công ty khá bề thế, trên hòn đảo mang ngôi sao thứ năm mươi của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong một thời gian dài, con người lặng lẽ và vô hại ấy lại trở về với giấc ngủ yên phận như con ù lì trong suốt mùa đông triền miên ở xứ người. Rồi cũng bất ngờ và tàn bạo không kém một trận cuồng phong, cơn khủng hoảng trung niên đã đến với H. Người chồng hiền lành và giản dị như một cục bột đó bỗng dưng thấy người vợ Tây hai-mươi-năm-chung-sống với mình quá lắm mồm và thô lỗ, không được dịu dàng như cô gái sau quầy rượu trong quán bar nằm ở góc đường cạnh nơi mình làm việc. Chẳng cần ai gợi ý hay thúc giục, người kiểm soát viên cần cù và đang được tin dùng đó đã giở chứng ôm theo một gói bạc của công ty, tung vung vít những tờ giấy xanh lên thân thể mỹ miều của bạn tình một đêm.

Hậu quả nhãn tiền là H. mất một sự nghiệp đã vun quén trong gần hai chục năm. Mất luôn cả căn nhà trả góp nợ ngân hàng và một gia đình vốn đã lỏng lẻo. H. có thể đã kết thúc đời mình một cách êm ả và vô duyên như cuộc đời ít màu sắc của mình ở một bãi đậu xe vắng vẻ nào đó, sau một bữa nhậu đáng nhớ đời với đám bạn bè vô-gia-cư-vô-gia-đình-vô-nghề-nghiệp vừa mới nhập bọn, nếu không có một người đàn bà đồng hương đã mủi lòng, khi vô tình thấy một anh chàng đeo-kính-cận-trí-thức, dáng vẻ người Việt nằm co ro như con tôm luộc trên một chiếc ghế-đá-công-viên giữa thành phố. H. được tắm gội và chưng diện sạch sẽ để trở lại với đời thường. Anh được đưa về lục địa, vừa làm người tình tạm bợ, vừa làm bảo kê cho cái massage parlor của người đàn bà ân nhân kia, trong một khu khá phức tạp.

Chỉ trong một bước ngắn, H. đã đi vào giữa lòng xã hội đen. Anh chẳng có cơ hội nào khác và anh cũng chẳng cần phải chọn lựa. Anh đã chấp nhận số phận khắc nghiệt đó như một động tác vươn vai hít thở khí trời bình thường vào mỗi sáng. Ngày ngày anh giắt khẩu súng ngắn ở thắt lưng, lên gân phô trương cái thân thể càng ngày càng to về bề ngang và ngắn đi về chiều dài, để hù họa đám khách hàng yếu bóng vía. Không một ai (kể gia đình) hiểu được H. đã sống như thế nào và đã thu xếp thế nào để có thể thực hiện cuộc đổi đời độc đáo từ vai trò của một kiểm soát viên chân-chỉ-hạt-bột sang vai một bảo kê mặt-mũi-bặm-trợn-đáng-gờm.

Nói cho cùng, người bạn tuổi thơ của anh đã từ giã cõi đời trong một tư thế hùng dũng và đẹp nhất. Ít ra nó cũng xóa đi hình ảnh chán ngắt của một cuộc sống vô vị, phẳng lặng như mặt nước hồ vào mùa thu như anh. Một cái chết ngay trên sàn tập của võ đường, được gán cho cái tên ‘tẩu hỏa nhập ma’ thi vị, đã khiến anh liên tưởng đến cái chết ‘da ngựa bọc thây’ nơi chiến trường của các chiến binh hào hùng trong văn chương lãng mạn cổ điển. H. không chết do tay một ai hay chính mình quyết định. Cái chết đã đến một cách bình thường, dù có hơi ngỡ ngàng cho người còn sống, tương tự như một người hạ và cuốn một lá cờ vào cuối ngày.

Anh không muốn có những bất ngờ nào, nhưng vẫn không tránh khỏi chút bỡ ngỡ khi mục kích sự thay đổi ở bên kia con đê trong chiều nay, váng vất cái chết bi thiết của người bạn.

*

Vào đầu tháng ba, lòng ngườì như trở nên bâng khuâng vô cớ vì một không gian rực rỡ sắc tím và vàng của nhiều loại hoa trong khuôn viên của trường. Hoa đẹp nhưng rất mong manh. Vào buổi sáng, chúng còn tự mãn phô trương những cánh màu tươi rói, trong suốt như sương mai dưới nắng vàng ối; nhưng chiều chưa đi thì đã rã cánh, rụng phủ đầy mặt đường. Ở vài khúc quanh, hoa rụng dày đặc không còn phân biệt lề đường và bờ cỏ, nhưng chỉ trong một thoáng, những cánh hoa như giấy lụa mỏng tanh đã hòa tan vào mặt đường nóng bỏng. Anh không khòi xót xa khi giẫm lên những cánh hoa nhẽo nhẹt không còn nguyên vẹn màu sắc dưới những bước chân hàng ngày của mình, nhưng tuyệt nhiên không muốn liên tưởng đến những điều buồn phiền trong ngày mà anh đang muốn thả rơi rớt trên đường.

Vào đoạn cuối của cuộc đi bộ hàng ngày, anh thường gặp một gia đình đạp xe ngang qua nơi anh đứng trầm tư trên bờ đê. Đứa trẻ nhỏ nhất chừng vài tuổi ngồi trên chiếc ghế treo trước càng xe của mẹ; những đứa con khác theo sau, trên những chiếc xe đạp cao thấp tùy theo tuổi tác lớn nhỏ, trông như một cuộc diễn hành được sắp đặt có lớp lang. Dáng người đàn bà khá đẫy đà và vững vàng dẫn đầu đoàn xe, vượt qua những vạt nắng nhạt nhòa của buổi chiều, như con gà mái xòe rộng hai cánh bảo vệ đàn con nhỏ. Anh thường đứng trên con đê chờ đến khi đoàn xe của mẹ con đi qua, thu gọn hình ảnh đẹp đó vào bộ nhớ, rồi vẫy tay chào. Anh để ý thấy lần nào đứa trẻ ngồi trên ghế với mẹ cũng đưa bàn tay bé tí xíu lên ngoắc trả lại anh. Người mẹ và đàn con quay đầu nhìn anh mỉm cười thân thiện, dù cả hai chưa từng quen biết nhau.

*

Sáng nay anh bất ngờ nhận được lời mời ăn tối của một sinh viên cùng gia đình vào một ngày trong tuần. Người sinh viên có cái tên chấm dứt bằng ‘ski’ dài dòng anh không thể nào nhớ được, theo học lớp MBA ngoại khóa, mặc dù đã có bằng tiến sĩ về sinh học và đang làm giám đốc một dự án cải thiện môi trường cho các quốc gia trong vùng. Anh nhớ lại người sinh viên đứng tuổi, hơi gầy guộc so với những người gốc Âu khác, nhưng trang nhã và khá khiêm nhường trong cách đặt câu hỏi và giao tiếp với các bạn đồng khóa người Thái trong lớp. Bình thường thì anh từ chối, không nhận lời bất cứ một cuộc thăm viếng tư gia nào của sinh viên, nhưng lần này anh đã tạo một biệt lệ; đơn giản vì anh cần một chút gì mới sau khi đã mục kích những gì xảy ra bên kia con đê và cái chết bất thường của người bạn anh.

Căn nhà của gia đình người mời nằm trên con đường dẫn vào khuôn viên trường, có tên gọi là khu gia cư New Zealand. Đó là một dãy nhà đặc biệt bằng vật liệu toàn gỗ, có lan can bao quanh bốn mặt, dành cho giảng viên trong trường. Anh thường đạp xe qua đó mỗi ngày, nhưng chưa bao giờ có dịp vào bên trong.

Điều tình cờ gây thú vị cho anh là người đàn bà và ‘đám gà con’ đang chờ chào đón vợ chồng anh ở phòng khách. Họ ăn mặc giản dị, mỉm cười nhẹ nhàng đầy thân thiện khi vợ chồng anh đưa tay ra bắt. Người chủ nhà lần lượt giới thiệu tên của bảy thành viên trong gia đình, kể cả chính mình, rồi đưa tay điểm một vòng mấy cái đầu lố nhố bên cạnh, đùa một cách hồn nhiên:

“Tôi gốc Ba Lan, vợ gốc Bỉ, đều là tín đồ Thiên chúa giáo thuần thành nên không sử dụng những biện pháp ngừa thai thông dụng. Mọi sự đều đặt trong tay Chúa!”.

Khi tất cả đã ngồi xuống hai dãy ghế rải rác những chiếc gối dựa mềm trong phòng khách, người chồng giải thích bằng một giọng Wallon-Bruxelles câu hỏi của anh về cái đuôi ‘ski’. Năm đứa con có khoảng cách đều đặn hai năm tuổi ngồi dồn vào một góc dưới sàn nhà, mắt mở to đầy hiếu kỳ như lần đầu được nghe bố kể về gốc gác của dòng họ. Cha mẹ người chồng đã thoát khỏi trại tập trung người Do Thái vào những năm cuối cùng của cuộc thế chiến thứ hai, khi hồng quân tiến vào Warschau và đến định cư ở vùng Bruxelles nước Bỉ. Như những cây khô đã bị vắt kiệt nhựa sống, những người tỵ nạn đó đã bám xuống mảnh đất lưu dung, hồi sinh và vươn lên hòa mình vào cộng đồng xã hội mới. Phần lớn trong số họ nhanh chóng trở thành những người Bỉ thành đạt bình thường, nhưng dứt khoát không dứt bỏ cái đuôi ‘ski’ Ba-Lan của mình. “Không phải là một hoài niệm, không phải là niềm tự hào, mà chỉ để ‘làm khó’ mọi người vì cách phát âm phức tạp và rất khó nhớ, để người ta… nhớ mình. Chỉ vậy thôi!”. Người chồng cười hóm hỉnh:

“Lát nữa vợ chồng người bạn gốc Ba Lan của gia đình chúng tôi sẽ cùng nhập bọn. Cái tên của anh ấy cũng ‘khó khăn’ không kém gì đâu!”.

*

Buổi cơm tối đã bắt đầu, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng hai người khách. Chiếc bàn dài được phủ đầy những đĩa thức ăn Thái đa dạng và đậm màu sắc thiên nhiên. Người đàn bà đầu bếp bưng đĩa cuối cùng ra, đứng ở một đầu bàn giới thiệu bằng tiếng Thái đặc điểm của từng món ăn và cách thức ẩm thực như thế nào. Vợ chồng anh thích nhất là món cà-ri-cua-sốt-gạch-vàng sền sệt, đã có lần tình cờ được thưởng thức ở khu chợ đêm, vùng biển Hua Hin.

Bỗng có tiếng đàn vĩ cầm từ trên lầu tỏa xuống như một tấu khúc dạo đầu trong một nghi lễ thần thoại, khiến tất cả mọi người trong phòng ngẩng đầu nhìn lên ngóng chờ một điều ngạc nhiên huyền bí. Rồi tiếng đàn kéo ngưng lại, dư âm còn váng vất trên những ngọn nến lung linh nhẹ. Một người đàn ông tay cầm cây đàn vĩ cầm và cần kéo, đỡ một người đàn bà xuống cầu thang, cẩn thận từng bước một. Bộ áo quần đầy màu sắc dài phủ xuống tận gót chân của người đàn bà kéo lê trên mỗi bậc thang. Người đàn ông tách ra đứng ở một góc phòng, trịnh trọng nâng đàn lên cằm, mắt không rời người đàn bà, khởi đầu một bản nhạc mang âm hưởng những bộ tộc miền núi Đông Á. Người đàn bà nhẹ nhàng nâng hai cánh áo lên, xoay mình theo một vòng tròn cuốn theo nhịp đàn. Những vòng nữ trang kim loại nhiều màu đeo ở cổ, hai vòng tay và quanh hông chạm vào nhau phát ra những thanh âm hỗn tạp, nghe rất lạ tai. Bỗng dưng người đàn bà đổ người xuống giữa vòng xoay thứ hai, ngã sóng soài trên sàn nhà. Người đàn ông dừng đàn đến bên cạnh, khẽ khàng nâng vợ lên, rút khăn tay thấm những đợt nước miếng đang ứa ra từ hai môi, thầm thì trong tai người đàn bà, kiên nhẫn vỗ về. Người đàn bà gật đầu như đồng ý, rồi tựa vào tay chồng, đứng lên cùng đi về phía hai chiếc ghế còn trống quanh bàn. Hai vợ chồng ngồi xuống bắt đầu bữa cơm còn dang dở, rất tự nhiên như thói quen chân chất, không đãi bôi của dân tộc Lào.

Chỉ lúc ấy anh mới nhận ra những điều khác thường ở người vợ. Chị có khuôn mặt thanh tú, nhưng hai mắt luôn mở lớn nhìn lên ngơ ngác như trẻ thơ. Hai bàn chân chị quay vào trong, chập chững trên mỗi bước đi; hai cánh tay vênh ra, lòng bàn tay lật ra ngoài như để giữ thăng bằng mỗi khi di chuyển toàn thân. Chị cũng không nói được, hai hàm lệch khiến miệng không thể khép kín lại và nước miếng luôn tươm ra, chảy xuống ướt cả cằm, mỗi khi chị cố gắng phát ra một âm thanh không rõ ràng, như tiếng chim lạ. Hai tay chị đung đưa và những ngón tay co quặp lại hốt hoảng, khi chị cố gắng diễn đạt một điều gì. Hình như có một thứ ngôn ngữ riêng để trao đổi giữa hai người, để hiểu ý của nhau, không cần phát âm như người thường.

Người đàn bà khiến anh liên tưởng đến cô con gái tật nguyền của gia đình người bạn thân của cha anh, luôn luôn được giữ kín trong một căn phòng tối tăm, anh chưa từng thấy mặt, dù anh đến chơi mỗi tuần và đứa bé mắc chứng down syndrome mà cô em dâu thường trông giúp một đồng hương; mỗi lần mớm cơm phải tát mạnh vào má bé để thức ăn có thể tọt vào cổ họng. Họ như được thu xếp một cuộc sống ‘bên lề xã hội’, như để trả một món nợ tiền kiếp (mà họ không hề biết và không có trách nhiệm) của chính mình hay của ai đó trong gia đình mình.

Điều đáng ngạc nhiên là ngoại trừ vợ chồng anh, những người hiện diện trong phòng khách (kể cả người đầu bếp) đều tỏ ra bình thản, xem những gì đang xảy ra như một điều bình thường. Năm đứa trẻ đến quanh người vợ, ríu rít những tràng tiếng Thái anh không nghe rõ và không hiểu. Chỉ thấy mặt chị sáng ra, đỏ hồng đầy vẻ hào hứng.

Người chủ nhà giới thiệu người bạn đồng hương với vợ chồng anh. Người chồng cũng thuộc thế hệ thứ hai của đợt tỵ nạn từ Ba Lan, đã tốt nghiệp và ở lại dạy vĩ cầm ở Académie de musique de Bruxelles. Trong một chuyến sang Thái Lan thăm vợ chồng chủ nhà ở campus trong trường, anh tiếp tục lên Chiangmai ở vùng phía Bắc và đã tình cờ gặp chị ở một ngôi làng sắc tộc trong vùng Tam giác vàng. Trong một buổi tối homestay anh đã thử cây đàn kéo dây bám đầy bụi và bồ hóng của gia đình có một con gái tật nguyền suốt ngày ngồi co mình trong bóng tối ở một góc nhà sàn. Anh so dây và nổi hứng chơi hết một bài nhạc cổ điển Ba Lan. Kỳ diệu thay, tiếng nhạc như phát đi những tia sáng soi dọi vào tận cùng cái góc tối tâm u nhất của căn nhà sàn và giải phóng số phận đã bị kìm hãm hàng chục năm của một cô gái vừa qua tuổi dậy thì, chưa một lần bước xuống cầu thang một mình. Người con gái đó đã lồm cồm đứng dậy, khua tay, loạng quạng đi ra và ngã vào lòng anh.

Gia đình ấy đã tặng người khách tài hoa đến từ phương Tây cây đàn cổ xưa ấy và anh đã quyết định trở lại ‘hỏi cưới’ người con gái tật nguyền bẩm sinh đó, mặc kệ những lời khuyên răn của nhiều người, kể cả gia đình. Không ai hiểu được quyết định bất bình thường này của anh, ngoại trừ vợ chồng người bạn ở Thái Lan, cũng là những người đứng ra thu xếp cuộc hôn-nhân-kỳ-lạ-của-thế-kỷ.

Sau món tráng miệng khảo dẻo và xoài cắt lát tẩm nước cốt dừa tươi, người đàn bà lại đứng lên cùng chồng, cẩn thận kéo những nếp áo lại cho thẳng thớm. Lần này thì cô con gái lớn nhất của chủ nhà đưa chị ra giữa sàn. Người chồng bắt đầu trổi một khúc nhạc rộn ràng hơn. Người đàn bà chầm chậm xoay người, những ngón tay co quặp từ từ giãn ra, đôi chân di chuyển nhịp nhàng hơn theo tiếng nhạc đệm. Bóng người đàn bà như thoát khỏi thân xác mình, bay bổng lên, hai cánh áo rộng xòe ra như những cánh bướm màu sặc sỡ trong một vũ điệu sắc tộc truyền thống miền Bắc Thái Lan. Không một lần vấp váp. Những sơ sót, cục mịch, vụng về, lẻ loi cỏn con được khỏa lấp, hòa quyện trong một bức tranh thiên nhiên toàn bích.

Người đàn bà chậm rãi quỳ xuống sau nốt nhạc cuối cùng, cẩn thận xếp cánh áo dài phủ lên đôi chân trần của mình và cúi đầu nhẹ nhàng trong một cử chỉ cám ơn khiêm nhường. Không ai vỗ tay tán thưởng. Chỉ có sự trân trọng và lòng ngưỡng mộ. Một buổi ‘trình diễn’ tuyệt diệu của những điều kỳ diệu của một số kiếp có thể đã bị chối bỏ hay bỏ quên trong muôn vàn cuộc đời bình thường. Căn phòng khách còn váng vất mùi gỗ trầm từ rừng sâu nhiệt đới đã dựng lại một xã hội nguyên thủy sơ khai. Không có than thân, không có trách phận, không có thương cảm, không có tủi thân; chỉ có cảm nhận, chia sẻ và hòa đồng của những kiếp người đồng thời, đồng cảnh, đồng đẳng, đồng cảm, đồng diệu và đồng hành về phía trước.

Đồng hồ trên tường chỉ đúng chín giờ. Năm đứa trẻ lần lượt đứng lên hôn bố mẹ và khách, chúc một ‘đêm an lành’. Vợ chồng anh cũng cáo từ sau chén trà thứ hai. Vợ anh dừng lại bên cạnh người đàn bà rất lâu, không biết họ đã nói với nhau những gì. Vợ chồng người chủ nhà và người bạn đồng hương Ba Lan tiễn vợ chồng anh xuống tận chân cầu thang gỗ. Người vợ khuyết tật đứng ở bực cửa nhìn xuống, một bàn tay co lên nửa chừng trong động tác vẫy chào. Hai mắt mở to hồn nhiên.

Trăng thượng tuần treo lơ lửng giữa trời thu như một chiếc đĩa tròn dát nhũ vàng lung linh, đổ xuống mặt con rạch trước nhà những đốm sáng nhờ nhờ như thủy ngân. Mùi hương thoang thoảng của cụm hoa nguyệt quới từ những giò lan rừng và mảnh trăng chơ vơ giữa trời khiến anh nôn nao trong một nỗi khao khát được được tâm sự với ai một điều chưa được bày tỏ trọn vẹn. Anh nắm chặt tay vợ cùng đi bộ chậm rãi về nhà.

Đường khuya vắng tanh như giữa giờ giới nghiêm. Cả hai như đội trăng mà đi.

2001

Comments are closed.