Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 91): Bùi Vĩnh Phúc – Những đoá hoa phất phơ…

clip_image002

(1953 – ) Hà Nội

Nhà phê bình văn học, Nhà văn, Dịch giả

  • Sinh tại Hà Nội. Lớn ở Sàigòn. Dạy Việt văn và Pháp văn tại trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn và Gia Định) từ 1972 đến 1977.
  • Sống tại Mỹ từ tháng 4, 1978. Học và tốt nghiệp tại University of California và Cal State University. Dạy Anh văn và Ngôn ngữ & Văn hóa Việt Nam tại Cal State University, Fullerton và Golden West College từ năm 1989.
  • Hoạt động trong ngành phiên & biên dịch từ 1986. Đã chuyển dịch nhiều tài liệu cho tiểu bang California và các trung tâm nghiên cứu khác tại Hoa Kỳ. Cũng dịch văn chương như một thú tiêu khiển.
  • Làm thơ từ 1968. Viết tiểu luận và phê bình văn học từ 1982. Trong ban chủ biên cũng như đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học và nghiên cứu (trên giấy & trên mạng) trong & ngoài nước.
  • Đã xuất bản:

* Trịnh Công Sơn / Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật (2005, 2008, 2012)

* Lý Luận và Phê Bình: hai mươi năm văn học Việt ngoài nước, 1975-1995 (1996)

* Ở Một Nơi Nào (tuyển tập văn / tuyển chọn, biên tập, và giới thiệu) (1995)

* Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam (giáo trình đại học, 1992)

* Quê Hương, Cầm-Tấu-Khúc Kỷ Niệm (khốc bút, 1992)

* Những Cơn Mưa Trở Về (tùy bút, 1981, 1987)

* Cũng cùng viết chung trong một số công trình nghiên cứu văn học Việt Nam hải

ngoại như: 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (1995), Tuyển Tập

Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (1995)…

* Trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, đã viết nhiều tiểu luận và phê bình

văn học, nhưng chưa cho xuất bản.

(Theo trang web E.E. – Emprunt Empreinte – Mượn Dấu Thời Gian / http://phannguyenartist.blogspot.com/)

NHỮNG ĐÓA HOA PHẤT PHƠ DỊU DÀNG TRONG GIÓ

1.

Anh N. thân,

Đêm hôm qua, tôi mơ được một giấc mơ đẹp.

Tôi mơ thấy mình bé nhỏ lại, chỉ độ 5 hay 6 tuổi. Trong giấc mơ tôi đi lang thang giữa cánh đồng toàn hoa dại đầy màu sắc. Mỗi một cơn gió thổi đến lại làm cho cả cánh đồng hoa chuyển động dập dờn như sóng. Hương phấn hoa bay bay trong gió, thơm một mùi ngầy ngật làm tôi có cảm giác say say như vừa nhấp một chút rượu vang. Tôi nằm lăn ra giữa đất trời và hoa cỏ như thế, thấy thân thể mình bềnh bồng như những cụm mây trắng lơ lửng giữa trời không. Một vài con bướm cánh mỏng như tơ chấp chới bay từ đám hoa dại này sang đám hoa dại kia. Mùi khói rơm ở đâu bay đến trộn với mùi phấn hoa làm lâng lâng thần trí. Và tôi ngủ vùi một giấc giữa trời đất và cỏ hoa thơm tho ấy.

Khi tôi tỉnh dậy, mặt trời đang xuống, để loang trong khoảng không trước mắt tôi một dòng sông máu thê thiết. Soleil cou coupé. Thằng bé quá nhỏ trong giấc mơ tôi bỗng nhớ tới một câu thơ của Apollinaine. Mặt trời bị cắt cổ. (1) Câu thơ rơi về từ một ký ức xưa cũ, nhưng trong giấc mơ, cái ký ức ấy thuộc về phía tương lai trước mặt của thằng bé. Vậy mà câu thơ vẫn hiện ra. Nhớ đến câu thơ, thằng bé buồn buồn ngồi dậy nhìn quanh. Những con bướm nhỏ đã bỏ đi thật xa. Biệt tăm về đâu đó. Những đóa hoa dại đang héo dần. Thằng bé chợt nghĩ đến mẹ. Nó đứng thẳng dậy, tìm một đám hoa tương đối còn khá tươi, ngắt thành một chùm nhỏ. Thằng bé ôm bó hoa trước ngực, chạy về nhà.

Khi đến đầu ngõ, nhìn xa xa, nó thấy ngôi nhà mình đã được sơn sửa lại mới hơn trước. Tường được quét vôi màu ngà. Các cửa sổ được bọc một màu sơn mới. Nước sơn vẫn còn thoang thoảng một mùi thơm nhẹ. Chạy vào nhà, thằng bé thấy mọi đồ đạc đều như sang hẳn ra. Bàn ghế, giường tủ đều đã được lau chùi bóng loáng và như vẫn còn thơm mùi gỗ. Lần xuống bếp, mẹ nó đang nấu bánh chưng. A, vậy ra là Tết rồi! Thảo nào mà mọi thứ đều có vẻ được trình bày sạch sẽ và sáng sủa. Thằng bé vừa xấu hổ vừa sung sướng đưa cho mẹ chùm hoa. Mẹ nó cười, ôm nó vào lòng và vuốt ve mái tóc đen mượt của nó. Xong, mẹ bảo nó đi lấy cái bình sành xuống đưa cho mẹ. Mẹ nó súc nước rửa vài lượt rồi cắm chùm hoa của nó trong bình. Thoắt chốc, những đóa hoa trở nên tươi thắm và xinh đẹp lạ thường. Mẹ nó để bình hoa ở giữa bàn rồi lại đi vào bếp, coi nồi bánh chưng. Thằng bé chạy vội đi lấy cái ghế gỗ nhỏ, ngồi kề bên cạnh mẹ. Những tiếng sôi sùng sục trong cái nồi vĩ đại làm nó ngủ đi lúc nào không biết.

2.

Anh N.,

Những giấc mơ quá sức hạnh phúc và đẹp đẽ một cách kỳ diệu như thế, kể từ khi bỏ nước ra đi, tôi chưa bao giờ có lại. Sống lang thang như một kẻ không nhà từ hơn bảy năm nay, những giấc mơ của tôi không bao giờ là những giấc mơ toàn vẹn. Chúng luôn luôn bị cắt vụn, gẫy gập, và chỉ có hai màu đen trắng. Những giấc mơ không bao giờ mang trong chúng một hạnh phúc có thực. Chúng là sự nối dài của những khắc khoải, buồn chán mỗi ngày khi mình mở mắt. Chúng là sự lập lại của những bứt rứt, bồn chồn, lo lắng, xót xa mình kinh nghiệm trong cuộc sống lưu đầy. Những giấc mơ, bởi thế, không thể nào có bóng dáng của màu sắc được. Những giấc mơ chỉ có hai màu đen trắng. Cuốn phim rè rè chạy. Và những âm thanh như bị dồn nén trong tim, trong phổi, không thoát ra được để trở thành những ba động. Những âm thanh nằm chết nghẹn trong lòng. Và cuộn phim cứ rè rè quay tới với những đứt đoạn, chia lìa.

Bởi thế, giấc mơ đêm qua là một điều đặc biệt. Khi tỉnh dậy, và ngay cả cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in tất cả những màu sắc đẹp đẽ của những đóa hoa dại trong cánh đồng mộng mị kia. Cánh đồng đó chưa bao giờ tôi gặp ở đất nước mình. Nó có vẻ êm ả và thanh bình kỳ lạ. Nó không phải là một cánh đồng có thực mà tôi đã từng thấy ở quê nhà. Vậy mà, nằm ở đấy, tôi lại ngửi thấy mùi rơm rạ ai đốt bay thoang thoảng trong gió lẫn với mùi phấn hoa làm tôi ngây ngất. Cái mùi khói cay cay của rơm rạ được đốt trong những chiều quê hương ấy, sao mà nó thân thiết quá. Tôi cũng còn ngửi thấy mùi sơn mới của cánh cửa nhà, bây giờ. Cái mùi ấy rõ ràng là thuộc phạm vi vật chất, rất thực và rất rõ. Tại sao bây giờ tôi vẫn còn ngửi thấy nó? Điều ấy, tôi không cách nào giải thích nổi.

Anh N. thân,

Có một sự trùng hợp giữa sự làm việc của vô thức và thực tại của con người mà tôi nhận thấy ở đây. Trong giấc mơ, khi tôi chạy về nhà, mẹ tôi đang nấu bánh chưng. Và mọi thứ trong cái không gian của giấc mơ ấy, sau lúc tôi từ cánh đồng đầy hoa dại kia chạy về, đều có một vẻ Tết. Cả khu xóm trông có vẻ sạch sẽ, sáng sủa hơn. Nhất là căn nhà của tôi. Trông nó mới mẻ và đẹp đẽ như một tiếng kèn. Nhất là cái mùi sơn kia… Thực tại tôi bây giờ cũng đang nhắc cho tôi là một năm nữa sắp chấm dứt. Một năm mới sắp sang. Và tôi vẫn còn đang sống và làm việc lặng lẽ với rất ít niềm vui ở cái lục địa Bắc Mỹ này.

Tôi không biết giấc mơ của tôi đêm qua có mang một ý nghĩa gì không. Điều tôi nhận thấy rõ là nó làm tôi nhớ lại một cách tha thiết những ngày Tết ở quê nhà.

Ở đây, chúng ta không có Tết. Ngày Tết là một ngày chúng ta tự nhắc nhở với nhau để còn có cơ hội nhớ về những kỷ niệm cũ, nhớ về những người thân yêu của mình. Nhưng ý nghĩa của những ngày Tết ấy không chỉ được nhìn ngắm vỏn vẹn trong mấy ngày đầu năm mà thôi, nó còn được biểu hiện rõ trong cái cung cách chúng ta chuẩn bị Tết. Làm sao chúng ta chuẩn bị Tết trong những môi trường xa lạ, ở bên ngoài quê hương như thế này.

Một định nghĩa văn chương mà tôi đã được đọc ở đâu đó có nhấn mạnh rằng: Quê hương là một nơi chốn để nhớ về. Cái ngữ-động-từ “nhớ về” ở đây nói lên cái phần số đau đớn của những kẻ mất quê hương, hay đã xa lạc khỏi quê hương. Đó là thân phận của những kẻ bị lưu đầy. Có những kẻ bị lưu đầy ngay trên chính quê hương của mình, và cũng có những kẻ bị lưu đầy ra khỏi quê hương. Dù ở trong hay ngoài quê hương, đây vẫn là cái phần số đớn đau của những con người Việt Nam hiện tại. Một định nghĩa hạnh phúc hơn về quê hương có lẽ phải là: Quê hương là một nơi để sống với và để chết cùng. Được sống và chết với quê hương khác với tình trạng bị lưu đầy trên quê hương ở chỗ: trong trường hợp trên, trái tim người ta đập cùng một nhịp với tiết mùa, cỏ cây, sông núi của quê hương và người ta cảm nhận được sự hạnh phúc trong nhịp đập chung đó; trong trường hợp dưới, vì quê hương đã bị làm cho thay đổi khác đi, người ta trở thành kẻ lạ ngay trên quê hương của mình. Người ta không còn được sống trong một dòng sinh động cũ. Những nhịp đập của quê hương bây giờ là những nhịp đập của một trái tim giả. Và bởi thế, người ta lạc lõng khi vẫn giữ đúng nhịp đập của trái tim mình. Người ta bị tha hóa, bị làm cho vong thân ngay trên chính quê hương.

Anh N.,

Năm ngoái, ngày mồng một Tết rơi vào một ngày thường trong tuần. Tôi vẫn phải đi dạy học như mọi ngày. Những người sinh viên trong lớp tôi dạy đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Na-Uy, Bỉ, Hòa-Lan, Tây-Ban-Nha, Ả-Rập, Trung-Hoa, Nam-Dương, Mã-Lai, v.v… Trình độ của họ trải từ năm thứ hai đến năm thứ tư Đại học. Mục tiêu của họ là vượt qua kỳ thi viết, khảo sát khả năng Anh ngữ của họ trước khi ra trường. Cái nhóm nhân loại thu hẹp ấy tạo nên một môi trường tương đối yên ổn cho tâm trí tôi định cư mỗi ngày. Dĩ nhiên là tôi có một chương trình phải theo để giúp những người sinh viên ấy phát triển khả năng Anh ngữ của họ. Tuy nhiên, trong khi làm việc, tôi cũng có nhiều cơ hội để tìm hiểu đời sống và tâm trạng của những người sinh viên xa quê hương này. Họ cũng gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi việc học ở đây giống như chúng ta những năm trước. Nỗi nhớ nhà. Sự khó khăn về vấn đề tài chánh và chỗ ở. Những trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Họ cũng có những khắc khoải, lo âu, buồn bã, cố gắng… Họ làm tôi nhớ đến hình ảnh và tâm trạng mình hơn bảy năm trước, khi mới vượt biển đến Mỹ. Tôi cũng đã trải qua những sự khắc khoải, âu lo đó. Và tôi tin là nhiều người trong chúng ta, những ngày đầu ở Mỹ, cũng đã mang một tâm trạng tương tự. Dù sao những người sinh viên này vẫn còn hạnh phúc hơn chúng ta nhiều. Họ có một hướng để nhắm tới. Sau khi thành tài, họ sẽ trở về quê hương và góp bàn tay xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn. Chúng ta cũng có một cái đích để hướng về, nhưng cái đích ấy nhiều khi đã bị làm mờ mịt đi vì những yếu tố từ bên ngoài hay vì những yếu tố do chính chúng ta tự gây ra. Một đôi khi, tôi có cảm tưởng mình đang chiến đấu với hư không. Ấy là lúc chiếc phong vũ biểu của tâm hồn tôi hạ thấp đến một mức độ thảm hại nhất.

Ngày mồng một Tết năm ngoái, tôi đứng trong lớp học. Hôm ấy, tôi nói với những người sinh viên về một vài điểm đặc sắc trong sự khác biệt văn hóa giữa Đông và Tây. Lớp học sôi động hẳn với sự góp ý của những sinh viên quốc tịch khác nhau. Cuộc thảo luận kéo dài đến gần hết giờ. Sau cùng, tôi yêu cầu mỗi sinh viên viết một bài về ngày lễ lớn của quốc gia họ, đồng thời trình bày ý nghĩa về ngày lễ ấy. Tôi dành ra mười phút cuối cùng để nói về ngày Tết của Việt Nam, và kết: “Hôm nay là ngày đầu tiên của một năm mới, ngày Tết, ở Việt Nam. Tôi không được có mặt ở quê hương để chúc Tết những người thân yêu của tôi. Có các anh chị ở đây, tôi xin chúc các anh chị mọi sự bình an, đẹp đẽ nhất trong năm nay.” Những người sinh viên có vẻ cảm động. Im lặng trong mấy giây, sau đó, họ vỗ tay ồn ào. Một vài người ở lại với tôi sau giờ học. Họ nói với tôi một vài câu chúc theo cách nói của quê hương họ vào những dịp lễ Tết. Và họ giải thích cho tôi nghe. Tôi mỉm cười cảm ơn tất cả.

Rời khỏi trường, tôi buồn bã lái xe ra bờ biển ngay đó, ngồi nghe sóng vỗ từng lớp vào bãi cát dày. Những âm vang mênh mông của biển, của gió sóng dội vào hồn tôi những nỗi buồn không nguôi. Những hình ảnh chập chờn lung linh theo những con nước nhấp nhô lại tràn về sóng sánh ngập lòng. Tôi thấy mình lênh đênh trên biển những ngày vượt biển xưa. Đêm tối ập xuống. Giữa trời biển mênh mông và giữa gió sóng gào thét, chiếc ghe nhỏ lênh đênh, lắc lư như một chiếc lá khô giữa dòng cuồn cuộn… Rồi tôi thấy mình ngồi nói chuyện với thằng Mỹ đen gốc Pháp tên Louis ngày Tết đầu tiên tôi ở Mỹ. Năm đó, tôi làm trong một siêu thị ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana. Thằng Louis không cha, không mẹ, dân tứ chiếng giang hồ, ngồi kể chuyện đời lăn lóc của nó cho tôi nghe. Đời sống thật lạ lùng. Tôi từ một nước Á Châu, chiến tranh nghèo khổ, bị bắn qua nước Mỹ này ngồi nghe một thằng Mỹ đen mình không bao giờ tưởng tượng sẽ gặp trong đời kể chuyện giang hồ tứ chiếng. Sau khi nghe thằng Louis kể chuyện đời của nó với một giọng hào hứng và có vẻ chân thật, tôi bảo nó hôm nay là ngày đầu tiên năm mới Việt Nam. Tôi chúc nó khỏe mạnh, thành công và gặp nhiều may mắn. Thằng Louis toét miệng cười, để lộ ra hàm răng trắng nhởn. Nó bắt tay tôi và nói, “Thanks. I wish you good jobs”. Sống ở Mỹ này, chúc cho nhau như vậy là quí. Tôi không biết thằng Louis bây giờ ở đâu trong cái cuộc đời hối hả và mệt mỏi này. Tôi mong rằng ít ra nó có một cái “good job” để mà mơ về.

3.

Anh N. thân,

Ngày xưa, những đêm giao thừa tuổi nhỏ, nằm trong giường nghe pháo nổ râm ran ngoài ngõ và từ những khu phố xa vọng về, tôi thấy trái tim mình đập nôn nao. Trái tim, như một con chim bị nhốt trong lồng, đập cánh dữ dội, muốn bay ra ngoài trời không. Trái tim tuổi nhỏ tẩm đẫm mùi pháo Tết. Bố mẹ tôi lại không thích đốt pháo. Có năm, lúc ấy tôi khoảng mười tuổi, nghe tiếng pháo nổ ran trong đêm trừ tịch, tôi không nén được những rộn rã trong lòng, len lén mở cửa chạy ra ngoài phố. Tôi cứ chạy về những nơi rộn vang tiếng pháo. Những dây pháo dài, màu đỏ hồng, treo cao trên đầu ngọn sào tre những nhà hàng xóm đua nhau nổ. Xác pháo tung bay đầy sân trông vui tươi và hạnh phúc lạ. Mùi pháo nổ khen khét bay đầy không gian. Trẻ con giành nhau nhặt những viên pháo lép hoặc chưa kịp nổ. Cảnh tượng thật náo nhiệt. Tôi chỉ đứng hớn hở nhìn pháo nổ, ngửi mùi thuốc pháo, và nhìn xác pháo bắn văng tung tóe là đã thấy đầy đủ hạnh phúc trong lòng. Tôi không thích chen nhau nhặt pháo trước nhà người khác.

clip_image004

Chiều nắng lạ, 2015. Tranh màu nước trên giấy dó của Bùi Tiến Tuấn

Tôi cũng thích đi vào những con ngõ nhỏ, nhìn người ta trang trọng đứng khấn vái trước những cái bàn thờ thiên khói hương mù mịt, bày ngay ngoài sân. Mùi trầm hương tỏa ngát không gian. Những đóa hoa vạn thọ bỗng bừng nở trong đầu. Tôi bỗng thấy một niềm thành kính dâng lên tận đáy lòng. Trong hương khói ngút bay kia, tôi hình dung ra những bậc tiền nhân râu dài chấm đất, với áo thụng xanh, quần tía, hiện về đứng đầy sân nhà với một vẻ đạo mạo pha lẫn hân hoan. Cái hình ảnh ấy sáng lên trong tâm hồn tôi, một đứa bé mười tuổi, mới đẹp đẽ, ấm áp và trang trọng làm sao.

Những tiếng pháo nổ đêm giao thừa năm đó đã dắt tôi lang thang qua nhiều khu phố. Cuối cùng, tôi đi đến khu sạp chợ. Cái khu sạp chợ đêm giao thừa trông thật vắng vẻ, đìu hiu. Những cửa hàng ngày thường tấp nập, đông đúc khách khứa như thế nào; bây giờ, những thanh gỗ chèn cửa đã đóng khít vào nhau. Khóa móc bên ngoài. Tôi đi lang thang suốt dãy sạp chợ và cảm thấy buồn buồn muốn khóc. Đời sống lùi xa, khuất lấp và ấm cúng trong những gian nhà ở mãi xa kia. Ở đây là một dãy sạp chợ đìu hiu, dài cả trăm thước, có nóc gỗ và tôn che suốt dọc trên đầu để tránh nắng mưa. Tối giao thừa ấy, những bóng đèn vàng vẫn chong suốt đêm, chiếu xuống bóng dáng tôi, một thằng bé con mười tuổi, một mình đi lang thang suốt dãy sạp chợ vắng vẻ. Cái cảm giác đìu hiu tối giao thừa năm ấy tôi không bao giờ quên. Nó sống lại mãi trong tôi những khi xa nhà, khi một cuộc vui đã tàn, khi cái lượng nước tràn đầy của ngọn triều kia đã được rút xuống, kéo trở về biển, để lại trên bờ những tàn tích mệt mỏi và chán chường. Cái cảm giác ấy vẫn còn theo đuổi tôi mãi cho đến bây giờ. Đó là một cảm giác xa lạc và trống vắng tôi vẫn có giữa đời sống này. Tôi đã bỏ nhà ra đi để thấy mình lạc lõng bơ vơ. Tối giao thừa ấy, tôi đi suốt dãy sạp chợ dài, nhìn bóng mình đổ nghiêng một bên, và lòng cảm thấy buồn buồn. Theo bước tôi đi, bàn tay trái tôi để chạy hững hờ một cách vô ý thức trên những thanh gỗ chữ nhật thẳng đứng ghép sát bên nhau làm thành những khung cửa cho mỗi lô sạp. Pháo vẫn nổ râm ran ngoài những dãy phố xa. Nhưng bây giờ, đối với tôi, cái ồn ào náo nhiệt ở mặt tiền những căn nhà có pháo nổ kia đã bị cái im lặng đìu hiu ở đây đè bẹp. Tôi thấy có một sự cuốn hút mãnh liệt nơi cảnh vắng vẻ, hiu quạnh này. Tôi cứ đi từ từ, một mình, trong khu chợ đèn vàng chiếu xuống, như đi trong một cái hầm quạnh hiu, lặng lẽ.

Tối ấy, tôi về nhà, lén mở cửa và chui vào giường nằm không ai hay biết. Tôi trằn trọc mãi không ngủ được, cứ nghĩ đến hình ảnh khu sạp chợ vắng lặng. Và rồi, sau cùng, tôi cũng ngủ vùi đi trong cái hình ảnh cuốn hút ấy. Trong giấc mơ, tôi thấy mình lạc vào một khung cảnh lặng vắng như trong một bức tranh của một họa sĩ Châu Mỹ La-Tinh nào đó mà tôi tình cờ xem thấy trong một tờ tạp chí Thế Giới Tự Do mấy năm về trước. Đó là một khu phố đìu hiu, mang một màu sắc cũ kỹ kỳ lạ. Nắng ở đó vàng hiu hắt và buồn bã lạ lùng. Tôi chỉ gặp những người lạ mặt. Họ nói với nhau bằng một thứ tiếng mà tôi không hiểu. Tôi cảm thấy mình lạc lõng và cô đơn trong bức tranh ấy.

Sáng hôm sau mồng một Tết, tỉnh dậy, tôi thấy mẹ tôi đang bóc bánh chưng và bày vào đĩa. Cả nhà đều đã thức. Tôi sung sướng chạy đến nhìn rõ mặt từng người, và tin chắc rằng mình vẫn đang ở nhà. Mẹ tôi bảo tôi đi rửa mặt và mặc quần áo mới vì các cô chú sắp đến chúc Tết. Tôi nghe mẹ nói mà cảm thấy hạnh phúc tràn trề vì hiểu được từng tiếng nói của mẹ. Hạnh phúc của con người, nhiều khi, chỉ là thấy được mình còn gắn bó với mọi thứ xung quanh. Khi con người hiểu và thấy được sự mật thiết gắn bó nó với những âm thanh, tiếng động chung quanh, nó còn có được hạnh phúc. Những âm thanh, tiếng động ấy có thể là tiếng nói của những người thân thuộc, tiếng gà trưa êm ả gợi lên sự oi bức một ngày mùa hạ, tiếng nước mưa hối hả dồn dập gõ xuống trên mái tôn, mái ngói hoặc trên những mái tranh nghèo, hay trên những tàu lá chuối tả tơi… Mỗi âm thanh đều mang trong nó một số những hạnh phúc nào đó. Con người chỉ có được hạnh phúc khi nó nhận bắt được ý nghĩa của những âm thanh mà nó được nghe.

Anh N. thân,

Sống lang bạt ở bên này từ đó đến nay, mỗi lần Tết sắp đến, tôi cũng vẫn thích nhớ lại cái cảnh chợ Tết ở quê hương mình.

Tôi không bao giờ quên những buổi chợ họp ở gần nhà tôi vào khoảng hai, ba tuần trước Tết. Chợ họp từ sáng đến tối. Người ta đi sắm quà Tết như nước lũ. Ngôi chợ dài cả ngàn thước, buổi tối, không có nơi nào là thiếu ánh đèn. Chỉ có những phiên chợ họp tối như thế mới làm mình háo hức. Lúc nhỏ, tôi cũng có dịp lén nhà đi lang thang trong cái cảnh chợ tối tấp nập đó. Những núi dưa hấu cao nghễu nghện. Nhiều quả được xẻ nửa bày lên trên cao, phô cái màu đỏ sẫm với những hạt đen lấm chấm, như gọi mời mọi người ghé lại. Tôi ít la cà ở những dãy hàng cá, hàng thịt, nhưng hay đến gần những chỗ người ta bán hoa cúc, hoa mai, hoa đào, hoa vạn thọ… để ngắm. Những chậu cúc đại đóa nhìn thật sướng mắt. Cúc vàng có cái vẻ vương giả của nó, nhưng tôi vẫn thích những bông cúc trắng hơn. Những bông cúc, lúc còn bum búp, trông thật hiền lành và chân thật. Khi cúc nở lớn, tôi yêu cái sự sắp đặt khéo léo và đều đặn, nhịp nhàng của những đóa hoa. Đó là một sự nhịp nhàng cân đối rất toán học (mathematics symmetry), nhưng lại mang một vẻ dịu dàng thơ mộng rất văn chương. Dạo ấy, tôi có nói ý nghĩ này cho người anh cả của một người bạn thân trong xóm tôi nghe. Anh ta là một giáo sư trung học. Nghe tôi nói thế, anh ta bảo: “Thằng này còn bé mà sao biết nói những chuyện lạ quá!”

Tôi cũng nhớ lần được cho leo lên xe thổ mộ chạy một vòng thành phố. Ông già đánh xe Nam Kỳ hay ghé qua xóm tôi ngồi đánh cờ tướng với mấy bạn rượu của ông ta. Tôi được quen biết ông trong những lần đứng coi ké những cuộc cờ này. Tôi nhớ vào một dịp Tết, ông già đánh xe thổ mộ chạy qua khu xóm tôi. Những chậu hoa vạn thọ vàng rực treo lắc lư đầy hai bên thành xe. Màu vàng lung linh theo nhịp xe chạy thật là chóa mắt. Lần đó, ông già cho tôi leo lên ngồi chung với năm, bảy người trong khoang xe. Mọi người ngồi hết chỗ, ông già leo ngồi ngay lên cáng xe. Chiếc xe chạy đi, và tôi sung sướng nhìn mọi người cũng như cảnh vật dạt mãi về phía sau. Những chậu hoa vạn thọ vàng rực lắc lư trong gió. Thời tiết còn để lại một chút lạnh châm kim trên da thịt. Tiếng vó ngựa lóc cóc dòn dã. Và tuổi nhỏ, như con chim chào mào vẫy cánh bay vụt lên.

Lúc lớn, dịp Tết, năm nào chúng ta lại không kéo nhau đi chợ hoa Nguyễn Huệ, anh nhớ không. Thật sự, người ta đi mua hoa thì ít, mà đi ngắm cảnh ngắm người thì nhiều. Con đường Nguyễn Huệ của những ngày Tết cũ . Mọi thứ kỷ niệm của chúng mình. Tất cả đều đã lùi xa tít tắp vào cõi thời gian xa khuất. Những hình ảnh rộn rã và làm ấm lòng mình ấy dĩ nhiên là không bị mất đi đâu, chúng chỉ lui vào cõi thời gian xa xăm. Chúng nằm ở một chiều, một biên giới thời gian nào đó mà con người chưa biết cách để khơi động lại.

Tất cả những hiện tượng vật chất, như những hình ảnh, biến cố đã xảy ra, đều là những nguồn, phát ra những chấn động đi mãi vào không gian và mất hút về phía thời gian vô tận. Những chấn động này, một khi đã được phát ra, trở nên độc lập với chính nguồn năng lượng đã phát ra chúng. Như mắt ta vẫn nhìn thấy ánh sáng của những vì sao đã vỡ tung và biến mất trong cái khoảng vũ trụ bao la này từ cả triệu, cả tỉ năm địa cầu trước. Bởi vậy, tất cả đều còn tồn tại và sinh động. Tất cả mọi chuyện đã xảy ra đều được thu cất đầy đủ trong cuộn phim thời gian vô tận. Có lẽ chỉ cần tìm được một chỗ đứng thích ứng nào đó là ta thấy lại được tất cả. Những gì tôi nói với anh—ngoài điều cuối cùng ở trên là một suy nghĩ còn khá mơ hồ—là một sự thật có tính vật lý, một sự thật mà cơ học lượng tử (quantum mechanics) từng nói đến, nhưng nó cũng là một sự thật được nhìn dưới ngọn đèn tình cảm của mình. Người ta chưa làm quay lại được cuộn phim kia trong cách nhìn vật lý, nhưng chúng mình, anh và tôi và bao nhiêu người Việt Nam khác, ta vẫn còn cho chạy lại biết bao lần trong đầu những hình ảnh yêu dấu cũ, với những âm thanh thân mến của nó.

Cho dù có xa lạc quê hương, dầm dãi gió sương cách mấy đi chăng nữa, người ta vẫn thỉnh thoảng có được những giây phút hạnh phúc, nếu trong lòng người ta màu gió quê hương vẫn còn miên man thổi mãi, và những âm thanh quen thuộc thân yêu trong chốn không gian xa cũ kia vẫn còn bồi hồi lay động.

4.

Anh N. thân,

Khi nói với anh những điều này, tôi lại thấy dịu dàng lay động trở lại trong lòng mình những bông hoa mào gà màu đỏ thắm mọc hoang trên những mảnh đất, bên những con đường tôi qua lại mỗi ngày thuở còn thơ ấu. Những bông hoa mào gà phất phơ lay động trong gió sớm. Những bông hoa mào gà đỏ tươi hớn hở như mùa Xuân đang quay trở lại. Tôi không biết loại hoa này có mọc vào một mùa nào nhất định hay là mọc quanh năm, nhưng thường cứ Tết về, tôi thấy hoa mào gà nở rộ khắp nơi. Tôi thích cái màu đỏ đậm đà của những bông hoa, nên một năm kia, vào dịp gần Tết, tôi bứt vài bông hoa mào gà ở bên đường đem về nhà, không cho ai biết. Tôi tẽ cái đầu hoa ra để thấy những hạt giống nhỏ tí màu đen lánh nằm bên trong.

Tôi mang những hạt giống bé tí này ra vườn và đào lỗ trồng khắp nơi. Mẹ tôi là người hay để ý chăm sóc những cây hoa trong vườn. Tôi nghĩ là mẹ tôi sẽ thích và ngạc nhiên lắm khi thấy những đóa hoa mào gà tôi trồng mọc lên. Mỗi buổi sáng, tôi mang nước ra tưới vào những chỗ tôi đã vùi hạt giống. Những cây hoa mọc lên thật nhanh. Chỉ vài ngày đã thấy chúng nhú mầm. Cái đầu hoa nhú lên, nằm trên cùng, nhỏ tí. Thật ra, cây hoa mào gà chỉ là một loại cỏ dại với thân khá dài, trên cùng là một túm hoa đỏ tươi, rất dễ thương. Khi những cây mào gà càng mọc lên cao, cái đầu hoa càng lớn và đỏ đậm hơn. Chỉ chừng hai ba tuần, khắp vườn nhà tôi là những cây hoa mào gà đỏ tươi phất phơ trong gió. Có nhiều chỗ, vì tôi bỏ một lúc ba bốn hạt giống nên chúng mọc lên thành ba bốn cây sát cạnh nhau. Mỗi ngày, chúng lại cao hơn một tí. Tôi có cảm giác chúng đang âm thầm mọc đua với nhau. Khi mọi người trong nhà ngạc nhiên thấy hoa mào gà mọc lên tứ tung, tôi giải thích vắn tắt và nghiêm trang là để mừng Xuân, tôi trồng hoa mào gà cho nhà cửa có vẻ “vương giả”. Cả nhà cười ầm. Nhưng mẹ tôi có vẻ thích những cây hoa này. Bà đi xem từng cây một, bảo là những bông hoa mào gà của tôi trông mạnh khỏe, và cái vườn trông tươi hẳn ra. Tôi nghe mẹ nói mà thích vô cùng.

Sau này lớn, đọc sách, tôi biết là có đến hơn năm mươi loại hoa mào gà khác nhau. Chúng thường mọc lên ở vùng nhiệt đới. Cây hoa còn tươi rất lâu sau khi đã bị ngắt đi. Tự điển Bách Khoa bảo là ở những nước theo Công Giáo La-Mã, người ta thường ngắt những lá màu đỏ tươi của một loại hoa mào gà để trang hoàng nhà thờ vào mùa đông. Cũng giống như lá poinsettia được trang trí nhà thờ trong dịp này, những lá của cây mào gà cũng giữ được sắc tươi của nó trong vòng nhiều năm. Bởi vậy, các thi sĩ Tây phương đã xem hoa mào gà là biểu tượng của sự bền chặt, dài lâu, bất tử… Những bông hoa mào gà của tôi, đến lúc đó, tôi mới kết luận được là chúng thật sự cũng thuộc vào dòng “vương giả” và xứng đáng để tôi trồng ở nhà trong dịp Tết.

Mười mấy năm sau, khi tôi đi dạy học, có nhiều người học trò cũng cho tôi những hạt giống của rất nhiều loài hoa đẹp và lạ, với đủ màu sắc dễ thương, để tôi trồng ở nhà. Mỗi một loại hoa có một vẻ đẹp và một nét dịu dàng riêng, nhưng tôi vẫn thích những đóa hoa mào gà mạnh mẽ nở bùng lên vào dịp Tết năm nào trong vườn tôi. Những bông hoa ngây thơ của tôi dành riêng cho mẹ.

Tôi nhớ một bài hát tiếng Pháp khá dễ thương, thịnh hành khoảng mười mấy năm trước. Bài hát khá dài, kể chuyện một thằng bé nhỏ và mẹ của nó, trong đó có đoạn thằng nhỏ nói với mẹ thế này:

Maman, maman, aujourd’hui c’est ta fête

Pour toi, je suis allé cueillir

Ces petites fleurs qui te porteront Bonheur

Ce ne sont que des coquelicots!

(Mẹ ơi, mẹ ơi, hôm nay là ngày lễ của mẹ

Để tặng mẹ, con đã đi hái những đoá hoa bé nhỏ này,

Những đoá hoa sẽ mang lại Hạnh Phúc cho mẹ

Chúng chỉ là những cánh hoa coquelicots thôi!)

Thằng bé nhỏ trong ngày lễ Mẹ, không biết cho mẹ cái gì, nên đã chạy ra đồng cỏ hái một bó hoa dại coquelicots đem về làm quà cho mẹ. Nó tin rằng những bông hoa sẽ đem lại cho mẹ hạnh phúc.

Chỉ là những đóa hoa coquelicots hình chuông lật ngửa, cánh mỏng, mềm mại và óng chuốt, phất phơ phơ phất trên những cánh đồng Landes, miền Bordeaux nước Pháp. Những đóa hoa đủ màu sắc, đỏ tươi, vàng, trắng, tím…, cứ lay động, rung rinh mãi trong gió. Coquelicots. Nghe như có cả một đàn chuông rung liên hồi vào không gian những âm thanh trong veo bất tuyệt.

Ở Mỹ, hoa coquelicots được đặt tên là hoa poppy. Hoa poppy dại nở khắp những sườn đồi hay những thảm cỏ ngang xa lộ 405 nối liền Orange County và San Diego, biến những thảm cỏ dại thành một biểu tượng của tiểu bang California.

Những đóa hoa. Những đóa hoa dại cứ nở bùng , phất phơ mãi trong đầu óc tôi bây giờ.

Anh N.,

Tôi đã kể cho anh nghe về mọi thứ kỷ niệm của tôi, mọi thứ suy nghĩ cứ lay động mãi trong lòng tôi mấy ngày hôm nay. Trong những kỷ niệm này, có những đoạn tôi nhắc về mẹ tôi, và điều đó có lẽ cũng làm cho anh nhớ đến bà cụ của anh. Tôi mong ước mẹ anh vẫn luôn khỏe mạnh và bình an. Tôi biết mẹ anh đã già lắm, và điều anh không mang được cụ qua đây vẫn luôn làm cho anh đau khổ. Mẹ tôi cũng già lắm rồi. Tuổi bà năm nay đã 76. Vậy mà, hôm nọ, tôi nhận được thư của bà từ quê nhà gửi sang cùng với thư của chị tôi. Bà viết ít dòng run rẩy bảo tôi cố giữ sức khỏe và làm việc điều độ. Bà không ở bên để lo cho tôi được như những ngày xưa, nhưng bà luôn cầu nguyện cho tôi gặp được mọi sự may lành trong cuộc đời. Đọc xong lá thư với ít dòng chữ nhăn nheo, tôi như thấy lại cả một bầu trời quê hương cũ.

Bây giờ, tôi đã lớn rồi. Trái tim tôi đã cũ đi nhiều. Tôi đã sống phiêu bạc nay đây mai đó bao nhiêu năm như một con thuyền chìm nổi. Tôi đẩy tất cả những lượng sống mình cho những ước mơ và cho những điều tôi tin tưởng, hướng về. Trong đời sống đó, ít khi tôi có dịp nhớ lại là tôi đã có một người mẹ luôn lo lắng cho mình trong mọi bước đường đi tới. Tôi có thể nói gì với Mẹ bây giờ, bởi lời nói không chở nổi tấm lòng và chữ nghĩa thì lại càng yếu đuối hơn. Cả bầu trời quê hương, theo những dòng chữ, nở tràn lại giữa tâm hồn tôi. Thấp thoáng đâu đó, có nụ cười bao la của Mẹ. Tôi yêu kính tất cả những bà mẹ Việt Nam mà lòng lúc nào cũng hướng về con cái, mong ước cho con gặp được mọi sự an lành. Đất nước vỡ toang, chúng ta bật văng tứ phía, nhưng dù ở đâu đi nữa, tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng có một bà mẹ già tóc trắng, ngồi ở một góc trời đâu đó, lo lắng cho mình.

Đời sống vẫn tiếp tục lăn về phía trước. Mọi thứ đều đã biến đổi và theo gió cuốn đi. Chỉ còn những hình ảnh và âm vang lay động trong lòng mỗi một chúng ta. Nhưng yếu tính của cuộc sống là thế. Mọi thứ đều chuyển đổi và lăn tới không ngừng. Anh có nhớ cái bài hát cũ ngày xưa Dalida hát, “Những đóa hoa của quá khứ, bây giờ chúng đã trở nên những gì?” không? Bài hát của Peter Seeger. Que sont devenues les fleurs (du temps passé)? Để tôi nhắc lại cho anh nghe. Những đóa hoa mọc lên hớn hở, và những thiếu nữ vui vẻ đến cắt chúng, bó lại thành từng bó, trao cho những chàng trai trẻ mà các cô yêu. Những chàng trai này sau đó lên đường ra trận và ngã xuống thành những nấm mồ viễn xứ. Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Nơi những nấm mộ kia, một thời gian sau lại mọc lên những đóa hoa. Và rồi sẽ có những người thiếu nữ khác đến cắt chúng, và lại bó lại thành từng bó…

Anh N.,

Tôi tin rằng, rồi một buổi nào, chúng ta sẽ được ngồi lại với nhau trên đất quê nhà để nói tiếp những chuyện hôm nay. Bây giờ, tất cả mọi chuyện đều còn dở dang, phải không anh. Ngày chúng ta nói tiếp câu chuyện, trời đất cũng sẽ đang vào Xuân. Và những đóa hoa mới lại mọc lên. Phất phơ và dịu dàng trong gió.

Bạn anh,

Bùi Vĩnh Phúc

Huntington Beach, California 1986

· Viết thêm vào dịp gần Tết Đinh Dậu 2017

Bài tùy bút trên (có thể nói được như thế không đối với một bài văn mang dáng dấp của một lá thư?), tính đến thời điểm này, tôi đã viết được trên 30 năm. Bây giờ, ngoài trời kia, trong mùi thơm của cỏ hoa và trong cái lạnh dìu dịu, một mùa Xuân nữa lại đang trở về.

Mẹ tôi đã cùng anh chị em chúng tôi đoàn tụ sau đó, và bà đã sống thêm được trên dưới 20 năm nữa với chúng tôi ở Mỹ. Cho đến năm bà 103 tuổi. Lúc ấy, trên mái đầu già nua kia, tóc bà đã bạc trắng cả. Tôi không nói như cước, vì nó mềm mại và mỏng mảnh lắm. Bay bay như những sợi tơ trời. Năm 2009, khi bà được 100 tuổi, anh chị em chúng tôi có làm một lễ mừng với sự tham dự của các người thân và một số bằng hữu. Con gái tôi, lúc ấy được 11 tuổi, đã đọc bài thơ tôi viết để thay mặt cháu tặng cho Bà.

Thơ Cháu Yêu Bà

Bà tôi giờ tuổi đã già

Tóc bà trắng bạc như là bông lau

Tình bà như thể sông sâu

Bà hay dạy bảo những câu chân tình

Bà bảo cháu giống bình minh

Còn bà thì giống mái đình về khuya

Bà che cháu những cơn mưa

Bà như cổ tích, chuyện xưa ngọt ngào

Bà như cánh hạc trên cao

Cháu như hoa bé ngẩng chào trời xanh

Cháu rồi sẽ lớn thật nhanh

Bà như củi lửa cháy vào bóng đêm

Bà như làn suối êm đềm

Chảy trong đời cháu cả đêm lẫn ngày

Cháu xin trời đất cao dày

Chở che bà sống vạn ngày bình an.

Mẹ tôi bây giờ không còn nữa, nhưng tôi vẫn còn nhìn thấy ánh mắt và nụ cười thương yêu của mẹ. Tôi thấy hình ảnh bà của nhiều năm khác nhau, cùng với hình ảnh của tôi. Khi tôi thơ dại thì hình ảnh mẹ còn xanh còn trẻ; tôi càng khôn lớn, trưởng thành, thì hình ảnh mẹ lại càng già đi, còm cõi. Những sợi tóc bạc phất phơ. Và cứ trở về mãi trong tôi là cái hình ảnh mẹ cùng những sinh hoạt đầm ấm trong gia đình của những ngày Tết. Cái khí quyển quê hương của những ngày tuổi nhỏ. Tôi vẫn còn ngửi được mùi pháo Tết của những ngày dài xa xôi ấy. Cái mùi hăng hăng và khét lẹt của pháo trộn lẫn với mùi hương khói giao thừa của làng xóm chung quanh. Những ngõ hẹp dài và nhờ nhờ tối. Loáng thoáng ánh đèn và lửa nhang bên cạnh những cái bàn thờ thiên và mâm giỗ cúng Tết trước các ngôi nhà cũng còm cõi, già nua trong khu xóm nhỏ. Những đêm giao thừa ấy vẫn còn giữ lại trong lòng chúng những âm thanh đặc biệt, mang âm hưởng hạnh phúc, trong lòng một người xa xứ.

Đã trên nửa thế kỷ trôi qua. Trôi qua như một bóng mây cũ. Chỉ còn lại những giọt nắng phơ phất cuối chiều.

Mais où sont les neiges d’antan? (2)

Và đã đâu rồi những bông tuyết, những áng tuyết ngày xưa?

BVP

1/23/2017

Tustin Ranch, Calif.

_____________________________________

(1) Trong bài thơ dài có tên “Zone” (tập thơ “Alcools, 1913) của Apollinaire. Bài này bắt đầu bằng mấy hình ảnh rất ấn tượng: “À la fin tu es las de ce monde ancient / Bergère ô tour Eiffel le troupeau des ponts bêle ce matin…” và kết bằng “Adieu Adieu / Soleil cou coupé.”

(2) Thơ của François Villon (1432-1463), “Đâu rồi những áng tuyết xưa?”, trong bài “Ballade des dames du temps jadis”.

Văn bản do tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.