Kịch bản "Gian-đa và Hai Bà Trưng"

Phạm Toàn (Châu Diên)

Kịch bản soạn cho chương trình thực nghiệm đưa nghệ thuật vào nhà trường phổ thông. (Gợi ý: kịch bản này thích hợp hơn cả cho học sinh lớp 11 trở lên).

Lưu ý: Kịch bản này có mượn một ý của nhà soạn kịch Jean Anouilh trong lời cô Jeanne d’Arc “Sao lại trao gánh nặng cứu nước lên vai gầy này?”. Xin cảm ơn.

Nhân vật:
– Đạo diễn, người có thể được gọi tên cách khác: “đạo diễn-nghệ sĩ-sử gia”
– Gian-Đa (Jeanne d’Arc), trinh nữ nước Pháp sống ở thế kỷ 15.
– Cô Chắc, Cô Nhì (xưa nay vẫn gọi bằng Trưng Trắc, Trưng Nhị), những trinh nữ nước Nam, sống ở thế kỷ thứ 1. Cùng những nhân vật phụ khác xuất hiện lần lượt trên sân khấu.

Địa điểm:
– Ở Việt Nam, bên sông Hát Giang, thế kỷ thứ 1 (thể hiện nhờ biểu tượng một đống rơm lớn và một đống rơm nhỏ được đẩy ra sân khấu, cũng có thể thay thế bằng phông có vẽ hình mấy cây rơm – cũng có thể diễn trên sân khấu không bài trí gì hết, thả lỏng cho trí tưởng tượng của mọi người).
– Ở Pháp, tại cánh đồng bên ngoài thành Orléans, thế kỷ thứ 15 (thể hiện theo cảnh vẽ một cánh đồng mênh mông và xa xa là một tháp chuông nhà thờ).
– Hai bên gặp nhau tại một địa điểm tưởng tượng nằm giữa hai nước, không thấy ghi trên bản đồ, chắc là địa điểm trong lòng con người.

CẢNH 1

ĐẠO DIỄN (ra lệnh khi sân khấu còn trong bóng tối – coi là chưa mở màn): Chú ý cảnh 1 chuẩn bị bắt đầu… Máy quay chuẩn bị… Gian-Đa chuẩn bị… Gian-Đa, em đâu rồi?… Gian-Đa, em chuẩn bị… Đèn!… (ánh sáng bừng lên – từ đây, cứ chuyển cảnh lại tắt đèn rồi bật sáng, thay cho kéo màn) …
GIAN-ĐA (bước ra. Đó là một cô gái quê ngoan đạo nước Pháp thế kỷ thứ 15. Váy thẫm màu. Sơ mi xám dài tay và khuy áo cài kín cổ. Gian-Đa ngơ ngác nhìn khán giả, nhìn đồng quê, nhìn tháp chuông nhà thờ,… vẻ e thẹn… cô làm dấu thánh giá… )
ĐẠO DIỄN (ra lệnh, vẻ sốt ruột) Cờ… cờ… cờ… Sao Gian-Đa lại không có cờ?

(Một diễn viên chạy vội ra mang cho Gian-Đa lá cờ sau)

image_thumb[2]

ĐẠO DIỄN (phất lá cờ lên, vò đầu bứt tai) Ôi giời ơi là đất!… Sao Gian-Đa lại mang cờ này? Đây là cờ Cách mạng Pháp năm 1789! Mấy cậu phụ trách đạo cụ thật đáng đét đít!…

Thay cờ cho Gian-Đa nhanh… (nói nhỏ với Gian-Đa) Em bình tĩnh nhé, đừng cuống…

(Một diễn viên chạy vội ra mang cho Gian-Đa lá cờ sau)

image_thumb[4]

ĐẠO DIỄN (lại vò đầu bứt tai) Ôi giời ơi là đất!… Sao Gian-Đa lại mang cờ này? Đây là cờ của nhà vua Charles đệ ngũ… Không phải lá cờ dựng nghiệp chống quân Anh giải phóng dân tộc … Xin lỗi quý vị khán giả, cho tôi mấy phút tôi tìm lá cờ (tự chạy vào mang cờ ra, đó là lá cờ sau)

image_thumb[7]

CẢNH 2

GIAN-ĐA (lấy lá cờ, rũ rũ cho mọi người đủ thấy, sau đó vắt lá cờ lên vai, như một chiếc áo khoác làm đẹp điệu đàng của con gái thời nay, vì đây là câu chuyện Gian-Đa hôm nay kể lại chuyện đời mình cho hai chị em cô Chắc và cô Nhì nước Việt Nam – tất cả đều là chuyện lịch sử của hôm nay chứ không phải chuyện kể cho “đời xưa”). Em đóng tiếp được rồi chứ? 

ĐẠO DIỄN Ừ, em đóng nốt đi… Đừng run… Em đẹp lắm. Em có sáng kiến quàng lá cờ vào tấm thân nuột nà của em, thật vô cùng ý nhị… Quay phim đâu? Quay cận cảnh đặc tả Gian-Đa nghĩ tới lời nói thiêng liêng của các Thánh văng vẳng bên tai bạn đó… Nhanh… Tiếp tục… (Máy quay làm theo lệnh đạo diễn).
GIAN-ĐA (Mơ mộng, như nói với giời với đất, như nói với ngày xưa và nói với hôm nay cũng như thể đang nói với cả mai sau… ) Quân Anh xâm chiếm đất Pháp. Biên giới giữa Anh và Pháp cách nhau đúng là chỉ một bước chân, bước chân ở vùng Calais, (Pas-de-Calais tác giả chú thích), quân Anh luôn luôn nhấp nhổm bành trướng sang Pháp… Đất nước rầm rập tiếng chân quân lính ngoại bang… (Dừng lại, nhìn chằm chằm lên trời cao, rồi lại quay sang phía tháp chuông nhà thờ, làm dấu thánh giá… Một lát, nhìn đạo diễn có vẻ như cầu cứu, có lẽ Gian-Đa quên vở!)
ĐẠO DIỄN Em đóng nốt đi… Đừng run… Quay phim đâu? Cận cảnh! Đặc tả! Gian- Đa sắp nghe được lời nói thiêng liêng bên tai… (Nhắc khẽ với Gian-Đa) Tiếp tục đi, em… Lời Thánh Michel và nữ Thánh Catherine…
GIAN-ĐA (Mơ màng nhìn lên trời) Trong tai tôi… ngày cũng như đêm… lúc nào cũng văng vẳng lời Chúa dạy: “Gian… Gian… Gian… Hỡi con… Con có nhìn thấy quân thù đang dày xéo quê hương xứ sở không?” … “Gian… Hỡi con… Con có thấy mối nhục quân thù giày xéo quê hương, bắn giết, cướp phá… có thấy khắp nơi nơi là ngọn lửa hung tàn của quân xâm lược ngoại bang không?” (Gian-Đa dừng lại quỳ xuống, chắp tay… ) Lạy Chúa… Con đã nghe được lời nhắn nhủ của Người… Lạy Chúa… Con đã nhận được thông điệp của Người…
ĐẠO DIỄN (Đến bên Gian-Đa) Tuyệt vời! Không ngờ em diễn xuất giỏi đến thế! Em làm anh mủi lòng. Anh sắp khóc đây. Sau này em nên vào trường Kịch, đi theo các ông Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, rồi theo mấy ông Trọng Khôi, Trần Tiến, Chí Trung cũng được… diễn những vai kịch làm người đời khóc cười theo em và làm cho họ sẽ sống tốt đẹp hơn… Em tiếp tục đi…
GIAN-ĐA (Mơ màng như quên có đạo diễn bên cạnh) Trong tai tôi… ngày cũng như đêm… lúc nào cũng văng vẳng lời Chúa dạy: “Hãy cứu nước! Hãy cứu nhà vua! Hãy xóa sạch bóng quân xâm lược!”… (Vẻ hoảng hốt) Ôi, nhưng sứ mệnh trao cho con sao quá nặng nề!…
Chúa ơi! Sao Người lại trao gánh nặng đó lên đôi vai gầy này?… Chúa ơi! Còn bao nhiêu người khỏe mạnh hơn con! Còn bao nhiêu người đầy đủ vũ dũng hơn con, sao Người không nhắc nhở họ, lại chỉ nhắc nhở riêng con? Chúa ơi!… Con vẫn biết thế: Mình không làm, ai làm? Mình không lo, ai lo? Mình không cáng đáng, ai cáng đáng? Chúa ơi! Nhưng sao lại là đôi vai con? Liệu con có đủ sức không, Chúa ơi!

CẢNH 3

ĐẠO DIỄN (Rút khăn lau mắt… ) Gian-Đa, em làm anh quá xúc động đấy!
GIAN-ĐA – Hì hì… Em vẫn còn run đây này.
ĐẠO DIỄN Mới đóng kịch, bao giờ cũng vậy. Sau rồi quen đi.
GIAN-ĐA – Chắc là còn lâu em mới quen. Nhưng em run không vì đóng kịch, mà run vì nhớ lại những lần nghe thánh Michel và nữ thánh Catherine nói rành rọt bên tai… Sợ lắm kia! Anh không hình dung được nỗi sợ ấy đâu!… Em cảm nhận được hoàn toàn một sứ mệnh nặng nề đặt lên đôi vai này…  
ĐẠO DIỄN Nhưng em run thế mà lại hay. Ai cũng nghĩ em xúc động trước nhiệm vụ cứu nước…
GIAN-ĐA – Hì hì… Bây giờ em phải làm gì nhỉ? Hết kịch chưa?
ĐẠO DIỄN Chưa hết ạ! Mới diễn được một đoạn ngắn… Chưa đến đoạn em làm gì với Nhà vua em nhớ không?
GIAN-ĐA – Có nhớ… Em bắt Vua phải nhường ngôi cho Thái tử. Em bắt Thái tử phải tuyên thệ. Em bắt họ phải chiêu tập binh mã cho em…
ĐẠO DIỄN – Sau đó là đoạn gì, em nhớ không?
GIAN-ĐA – Có nhớ… Còn đoạn em bắt các đại giám mục phải đứng ra làm phép thánh cho Nhà vua và cho các tướng lĩnh… Rồi em bắt các đại giám mục phải huy động lòng tin của toàn dân…
ĐẠO DIỄN – Đó là khúc lịch sử cá nhân đẹp nhất trong đời em, nàng trinh nữ Pháp ạ!
GIAN-ĐA – Hề hề… Đúng, mấy đoạn đó mới hay… Em nhớ rồi…
ĐẠO DIỄN – Em à, tại sao dạo đó em lại nghĩ ra những trò đó? Có ai bày cho em không?
GIAN-ĐA – Có… Vẫn lời của Chúa qua lời thánh Michel và qua nữ thánh Cạtherine… Người bảo em: bọn đàn ông chỉ hung hăng khi không có người mạnh hơn họ thôi. Thực lòng bọn đàn ông rất hèn nhát. Con hãy bắt họ rũ bỏ sự đớn hèn. Con hãy bắt đầu từ Thái tử là tên đàn ông hèn nhất trong đám người hèn. Phá được một điểm đó, con sẽ thành công… Nhưng bây giờ, hình như…
ĐẠO DIỄN – Bây giờ là một đoạn xen ngang giữa vở: em nói chuyện với hai cô gái ở bên nước Nam cũng có hoàn cảnh như em… Hai cô cũng tổ chức nhân dân đứng lên đánh quân xâm lược.
GIAN-ĐA – Sao lại là nước Nam? Sao em lại phải nói chuyện với hai cô gái Việt Nam?
ĐẠO DIỄN Ờ… ờ… là vì kịch bản viết thế.
GIAN-ĐA – Sao lại là kịch bản viết thế? Em chưa bao giờ quen biết các cô gái Việt Nam đó hết.
ĐẠO DIỄN Ấy chính vì thế nên mới cần một kịch bản mang nội dung như thế.
GIAN-ĐA – Em chả hiểu gì hết.
ĐẠO DIỄN Chuyện thế này… Cuối thế kỷ 19, quân lính nước Pháp của em cũng giống như quân Anh ngày xưa với nước Pháp… quân đội Pháp của nước em cũng tiến quân, nhưng tiến hơi bị xa… tiến sang mãi Việt Nam… Sau rồi có chuyện hai quân đội Việt Nam và Pháp uýnh nhau, Việt Nam gọi mình là Kháng chiến, Pháp gọi mình là “chống nổi dậy”… Nội tình câu chuyện cứ phải hàng dăm trăm cuốn sách ghi không chắc đã đủ…
GIAN-ĐA – Bây giờ hai nước còn uýnh nhau không?
ĐẠO DIỄN Chuyện cũ xong xuôi cả rồi… Bây giờ là chuyện mới. Ăn cơm mới nói chuyện cũ, viết kịch cho học sinh hai nước diễn và hiểu nhau hơn… Nào, bây giờ em chuẩn bị nói chuyện với hai cô gái nước Nam… Cô Chắc và cô Nhì…

CẢNH 4

GIAN-ĐA – Em chào hai bà chị…
CÔ CHẮC – Chào cô em… Cô là người Pháp chứ gì?
CÔ NHÌ – Chào cô em người Pháp. (Nói nhỏ với chị Chắc) Xinh nhỉ!… Mà ăn mặc thật lịch sự!… Cũng mặc cái váy nâu xồng giản dị như bên ta, chị nhỉ? Nhưng mà thướt tha… Lại có cả cái áo gì khoác bên ngoài, nom đẹp chưa kìa!
CÔ CHẮC – (với em) Em lớn xác rồi mà vẫn cứ như trẻ con. Lúc nào cũng váy với áo… Cái em gọi là áo khoác ngoài của cô Gian-Đa đó là lá cờ nghĩa quân… (với Gian-Đa) Chào em Đa, chị phát âm chữ Gian-Đa hơi khó, chị gọi em là em Đa nhé, em khỏe chứ?

(trong lúc chị Chắc trò chuyện với cô Đa, thì cô Nhì đứng bên cô Đa không ngớt ngắm nghía và vuốt ve lên người lên áo cô bạn nước Tây… Cứ như thể từ xửa xưa các cụ nhà ta đã thích Tây hay sao! Hay đó chỉ là sự tò mò thường tình của con gái?).

GIAN-ĐA – Dạ em khỏe… Chị cho em hỏi tí… Mất lòng trước được lòng sau, có gì thắc mắc em cứ hỏi luôn này… Hai chị chồng con gì chưa?
CÔ CHẮC – Cám ơn em có lời hỏi thăm… Em chị, em Nhì đây, thì chưa có chồng. Còn chị Chắc đây thì tiếng là có chồng mà cũng như là chưa chồng… Chả là thế này, anh Sách nhà chị, anh Thi Sách ấy, anh xin cưới chị và hai gia đình đã thu xếp hôn nhân. Nhưng anh ấy toàn đi công tác xa… Rồi bọn giặc bành trướng nhà Hán lại bắt anh, và giết anh… Thế là chị chưa kịp có chồng chưa kịp có con, thì đã rơi vào cảnh góa bụa… Về sau dân chúng đặt vè kể chuyện ấy:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận quân tham bạo, thù chồng chẳng quên.

CÔ NHÌ – Để em đọc tiếp

Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên…

Là kể chuyện các chị nổi dậy đấy, là nói các chị kéo quân đánh chiềm gần Long Biên đấy, tức là gần Cầu Chương Dương ấy! Sợ chưa?
GIAN-ĐA – Hai chị cũng ầm ầm binh mã đánh quân xâm lược. Xem ra chị Nhì có vẻ thích thú chuyện đó nhỉ? Em thì thấy là, nếu bây giờ có khởi nghĩa lần nữa, chăc là em sẽ nhờ mấy anh đàn ông đi thay…
CÔ CHẮC – Mệt mỏi lắm em ạ! Sung sướng gì đâu? Các chị nào có thích gì chuyện đánh đấm trận mạc! Công việc rơi vào tay mình thì mình phải làm thôi.
GIAN-ĐA – Ôi sao mà tâm trạng chị cũng giống hệt em! Em thì lúc nào trong tai cũng có lời Chúa nhắc nhở “đất nước đang bị quân thù dày xéo… Con phải đứng lên cứu nước… (nức nở) Thế là em phải bỏ cả cửa nhà, bỏ những đồng cỏ mùa xuân thơn nức hương, bỏ những cánh đồng khi trắng tuyết khi vàng ươm lúa mạch… phải bỏ mẹ cha bỏ anh em bỏ chị em để ra trận … Em không thích đánh nhau đâu hai chị ạ! Em nói thật lòng đấy.
CÔ CHẮC – Hai chị ở nước Nam này cũng vậy. Đang trồng dâu chăn tằm dệt cửi… đang cày cấy chăn nuôi làm ăn… nhưng quân giặc nhà Hán chúng nó vượt biên giới kéo qua, chúng nó đi lại nghênh ngang ngạo nghễ… Khi đó, biết làm thế nào?… Cánh đàn ông thì cúi gằm mặt xuống không dám nhìn ai, nhìn giặc thì sợ, nhìn dân thì nhục… Nhiều anh đàn ông trốn biệt… không lẽ mình đành phận gái chỉ biết tằm tơ canh cửi, chỉ biết con lợn con gà? Mình phải ra trận thôi… Giặc đến nhà, đàn bà phải xông pha trận mạc…
GIAN-ĐA – Ra trận, chị có sợ không? Em thì em hốt lắm. Em sợ thật tình đấy.
CÔ CHẮC – Chi cưỡi voi chung với em Nhì, cưỡi voi chung với các tướng, nên cũng bớt sợ…
GIAN-ĐA – Voi? Hai chị cưỡi voi chứ không cưỡi ngựa?
ĐẠO DIỄN – (chạy vội vào) Máy chiếu hoạt động… Máy chiếu hoạt động… Chiếu ngay bức tranh làng Đông Hồ tả cảnh hai Bà Trưng ra trận… Nhanh lên… kẻo bà con khán giả người ta chờ…

(Máy chiếu bổ sung vào câu chuyện đang diễn bằng tranh sau)

image_thumb[9]

GIAN-ĐA – (Cười khanh khách như con trẻ) Voi ơi voi ơi… a ha há… voi ơi voi ơi… Tiến lên đi tiến lên đi… voi ời ời ời… Chị Chắc ơi, mấy người lính dưới chân con voi là những ai đó, chị có biết không?  
CÔ CHẮC – Lũ lính đó đông lắm, làm sao biết hết tên. Có cái tên bại tướng chạy trước voi của chị thì biết, tên đó bia miệng muôn đời: nó là tên Thái thú Tô Định. Quân của chị đã đánh tan quân nhà Hán của Tô Định, dành được đất nước rộng lớn bảy tám quận huyện. Triều đình của chị ra lệnh miễn thuế cho nông dân liền trong hai năm… Mừng lắm, em ạ…
GIAN-ĐA – Nghe chị kể em cũng thấy vui lây…
CÔ NHÌ – Có thơ đấy. Dân lại đặt thơ kể toàn bộ câu chuyện đấy. Này nhé:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên …
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương

GIAN-ĐA – Thật là hoành tráng! Hoành tráng!
CÔ CHẮC – Em Nhì thì cứ thích ăn mừng thắng lợi. Riêng chị, thì cứ mỗi khi nghĩ đến thắng lợi, chị lại trào nước mắt. Chị thương nhất là cô Lê Chân. Quân Hán giết cả mẹ cả cha, cả anh em chị em nhà Lê Chân yêu quý của chị! (khóc khẽ) Không thể chịu nổi đâu các em ạ. Mỗi ngày thắng trận, chị lại ngồi khóc thầm một lát rồi mới ra gặp các tướng sĩ…
GIAN-ĐA – Em nghĩ là em hiểu tình cảm của chị…

CẢNH 5

ĐẠO DIỄN – (tâm sự với khán giả) Đàn bà đấy! Dễ khóc lắm!… Không hiểu các vị tướng soái đàn ông thì thế nào? Chẳng biết các ông tướng ấy có sụt sùi thương quân sĩ như vậy không?… Bà con khán giả chú ý nhé… Tôi sẽ gợi một kỷ niệm của Gian-Đa, rồi bà con sẽ thấy vị nữ tướng này tình cảm ra sao… (lại bên Gian-Đa) … Gian à, em kể một chuyện vui vui nào đi, kẻo tôi thấy không khí hơi bị chùng… hơi ảm đạm…
GIAN-ĐA – Kỷ niệm gì bây giờ?
ĐẠO DIỄN – Một kỷ niệm ấm áp tình người.
GIAN-ĐA – Kỷ niệm với em bao giờ cũng ấm áp tình người! Cái khó là chọn kỷ niệm nào để không bị hiểu lầm.
ĐẠO DIỄN – Một kỷ niệm bị hiểu lầm cũng chẳng sao, miễn là ấm áp tình người.
GIAN-ĐA – Em nhớ một buổi xuất quân đánh giặc vào một đêm trăng bàng bạc…

(Đèn mờ tối để chuyển cảnh. Gian-Đa đứng trên một gò đất hơi nhô cao. Trăng bàng bạc. Nàng mặc áo váy trắng. Đoàn quân đi ngang trước mặt.Chợt một anh lính già dừng lại:

Nữ tướng quân! Xin cho em một ân sủng.
Trung đội trưởng, nói đi.
Một ân sủng dù có chết cũng mang theo không chia sẻ cho ai hết.
Nói đi, kẻo lính dồn hàng lại kìa.
Nữ tướng quân! Xin cho em hôn vào đôi má trinh nữ kia.
Nhưng mà cậu nhiều râu quá!
Nữ tướng! Nàng chưa hôn ai bao giờ à?
Ta… Ta đây… Em chưa… Em chưa được một lần …

Người lính già râu ria sồm soàm lao vào ôm hôn Gian-Đa. Rồi anh ta đi. Lính nối đuôi theo sau. Gian-Đa đứng lặng. Nàng lấy bàn tay vuốt má mình, nhìn vào lòng bàn tay như nhìn cái hôn đọng lại ở đó… )

ĐẠO DIỄN – (đến bên, như đánh thức cô gái) Em… Em gái… Nữ tướng quân!…
GIAN-ĐA – Đừng gọi em là nữ tướng quân. Em đang buồn.
ĐẠO DIỄN – Em kể đi. Em kể hết đi. Kể hết đi, và em sẽ bớt buồn.
GIAN-ĐA – Đêm ấy, người lính già vụng về thô kệch đã… Không!… Anh ấy có trở về… Nhưng trở về trên chiếc cáng tải thương… Đạn đã làm anh toác vỡ xương hàm… Đúng cái xương hàm đã cọ vào má em… (khóc nấc) Ôi, ta căm thù kẻ nào thích đổ máu, thích xâm lăng, thích chiến tranh!
CÔ CHẮC – (tiến ra nắm lấy hai tay Gian-Đa) Em Đa… Chị không hiểu hết em vừa nói những gì từ đáy lòng mình… Nhưng chị nghĩ, chắc là em vừa kể câu chuyện giống như chuyện Lê Chân… Ôi, Lê Chân của tôi!
GIAN-ĐA – Không! Không nên buồn! Không thể buồn! Em nhớ rồi. Trong hàng quân của em, người ta toàn là nghĩ đến chuyện được hôn em thôi.
CÔ CHẮC – Em Đa… Chị nghĩ là chị có thể hiểu điều đó… Chỉ một ngày được sống bên chồng trước khi anh bị giặc Hán giết, mỗi khi nhớ lại, chị đều thấy nóng rực hai bên má…
GIAN-ĐA – Em nghĩ nhiều về chuyện này. Chúng ta được yêu. Binh sĩ yêu chúng ta. Họ yêu thì chúng ta thắng trận. Họ yêu thì họ xông lên giết giặc. Chị và em, cả hai chúng ta đều không phải là những thiên tài quân sự..
CÔ CHẮC – Em Đa… Chị cũng nghĩ như em. Chị còn thấy thêm điều này: chính giặc Hán đã dạy cho quân sĩ của chị có tinh thần chiến đấu… Và tinh thần chiến đấu ấy vững vàng là do tình yêu của quân sĩ, yêu mẹ cha, yêu bè bạn, yêu đời, yêu người…
GIAN-ĐA – (đến bên đạo diễn) Anh! Lý giải ra sao chuyện đó, hả anh?
CÔ CHẮC – Giúp chúng tôi đi. Tại sao lại như vậy, nhà sử học?
ĐẠO DIỄN – Phải học, phải đọc sách, để tạo ra được dòng máu triết học chảy trong huyết quản, để hiểu điều này, nâng thuyến lên chèo thuyền đi cũng là do dân, mà lật thuyền cũng là do dân nốt… Nhà triết học Nguyễn Trãi của Việt Nam đã có lúc tổng kết ý như vậy.

CẢNH 6

ĐẠO DIỄN – Khi tổng kết được như vậy thì thấy lòng vui vui… Nhưng thưa các bạn khán giả, chúng ta lại phải trở về với chuyện buồn thôi. Chuyện buồn thứ nhất: nàng Gian-Đa của chúng ta phải lên giàn hỏa thiêu ngày 30-5-1431… Và chuyện buồn thứ hai: hai nàng trinh nữ nước Nam thua trận phải nhảy xuống sông tự vẫn… đó là ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão tức năm 43 theo Công lịch…
GIAN-ĐA – Anh, em van anh, xin anh đừng cho diễn lại cảnh em bị thiêu… Nóng lắm… Và đau lòng lắm…
ĐẠO DIỄN – Phải có gan nhìn thẳng vào lich sử em ạ… Em nhìn kìa, em nhìn thẳng vào hình ảnh kia …

image_thumb[11]

GIAN-ĐA – Em đó ư? Có thật là em mặc áo trằng như vậy không?
ĐẠO DIỄN – Cuộc Chiến tranh Trăm năm giữa nước Anh và nước Pháp còn tiếp diễn… Bọn cướp nước và bọn bán nước còn có vai trò hữu hạn chưa chấm hết của chúng. Còn số phận lịch sử vẻ vang của em thì đã xong: em đã khơi lên được lòng yêu nước và trách nhiệm với tổ quốc… Nhưng rồi em bị giặc bắt. Đến lúc đó, giới cầm quyền cùng vào hùa với Tòa án Anh quốc, xử tội em…
GIAN-ĐA – Nóng… ôi nóng… nóng từ trong ruột nóng ra… ruột nóng hơn lửa táp bên ngoài… vì sứ mệnh vẫn chưa hoàn thành… lời Chúa vẫn văng vẳng bên tai?
ĐẠO DIỄN – Lời Chúa hay chính lời của Tấm Lòng em, hơi người trinh nữ kia? Xin em vui lòng nghe hậu thế nòi về em… Đây là lời nhà sử học Michelet của nước Pháp:

Người Pháp chúng ta sẽ muôn đời muôn kiếp ghi nhớ điều này: Tổ quốc của chúng ta đã được sinh ra từ trái tim một người đàn bà, sinh ra từ sự dịu hiền của nàng, sinh ra từ máu và nước mắt nàng dâng hiến cho tất cả chúng ta” (Michelet)

GIAN-ĐA – Ôi nóng… Mẹ ơi… cha ơi… tháp chuông làng tôi ơi… xin vĩnh biệt…
ĐẠO DIỄN – Không, không thể vĩnh biệt được… Xin em nghe đây, lời của Barrès nhà hoạt động xã hội đã nói về em:

Mỗi người trong chúng ta đều có thể đem lý tưởng của mình cho hiện thân trong con người nàng. Nếu bạn theo đạo Ki-tô, bạn hãy nhìn ở nàng một bậc thánh tử vì đạo mới được Nhà Thờ đặt lên bệ thờ. Nếu bạn là người bảo hoàng, bạn hãy nhìn vào vị nữ anh hùng đã phong vương cho thái tử con trai đức vua Louis thứ 19. Với những người cộng hòa, nàng là đứa con của nhân dân cao quý hơn mọi giá trị lớn lao đã được xác lập trên đời này. Sau hết, những ai theo phe xã hội xin chớ quên lời nàng từng nói: “Tôi được tới để an ủi kẻ nghèo và kẻ bất hạnh“”

(Đèn sân khấu mờ đi rồi tối hẳn. Gian-Đa đã lui. Khi đèn sáng, thấy Đạo diễn đứng trước Cô Chắc và Cô Nhì.)

ĐẠO DIỄN – Thưa hai nữ vương, bây giờ xin cho tôi không gọi tên thường, mà gọi bằng Hai Bà Trưng.

CÔ CHẮC – Cứ gọi tên chị em tôi như xưa. Chúng tôi gắn bó cuộc đời mình với ruộng vườn, với tằm tơ canh cửi…

CÔ NHÌ – Chị ơi, em sợ… Nước có sâu không? Có ngạt thở không hả chị?

CÔ CHẮC – Giặc đuổi sát tận nơi rồi em ạ… Không còn con đường nào khác…

CÔ NHÌ – Chị ơi, nếu có chết thì hai chị em ta cùng chết với nhau… Em sợ…

CÔ CHẮC – Bạn đạo diễn… Xin cho hai chị em tôi, cái trứng chắc và cái trứng nhì, hai cái trứng quê mùa của dân tộc, xin cho chúng tôi gửi tới mai sau…

(đèn mờ dần, khi sáng bừng lên thì hai chị em cũng lui. Đạo diễn hiện ra trong bộ áo choàng đen, một giáo sư đang đọc sách dưới ánh ngọn nến bập bùng).

ĐẠO DIỄN – Sử nước nhà ghi rằng: trong nghề tằm tang, cái kén chắc được coi là kén chị, cái kén lép hơn một chút, được coi là kén nhì hoặc kén em… Nay cả hai chị em đều đã gửi mình dưới dòng nước sông Hát… Số phận lịch sử của hai chị em đã hoàn thành. Cho phép hậu thế chúng tôi gọi hai bà là Hai Bà Trưng.

Thưa các bạn, xin hãy lắng nghe lời sử gia Lê Văn Hưu:

“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.”

Thưa các bạn, xin hãy lắng nghe lời sử gia Ngô Sĩ Liên:

“Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?”

Còn Hoàng đế Tự Đức cũng viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục như sau:

“Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm ru!”

(Trong không khí trầm lắng, đèn tắt dần, màn hạ, người diễn kịch và người coi kịch đưa mắt nhìn nhau suy ngẫm… )

HẾT

Comments are closed.