Wallace Shawn thực hiện, tạp chí văn chương Paris Review số 77, ấn bản 148, mùa Thu 1998
Ngu Yên dịch
Mark Strand, tranh của John Dubrow. Sơn dầu trên vải bố, 50×40 inches.
Mark Strand (1934 – 2014), nhà thơ Hoa Kỳ, từng đoạt giải Pulitzer với sự công nhận thơ của ông dí dỏm và nội tâm. Sinh quán tại Prince Edward Island, Canada. Bố ông làm việc cho hãng Pepsi-Cola, di chuyển nhiều nơi vì nhiệm sở, như Cuba, Colombia, Peru, Mexico, và dời sang Hoa Kỳ.
Sự nghiệp văn thơ của ông đưa đến những giải thưởng đáng kể như giải Fullbright Fellowship, 1960-1961; Fellowship of the Academy of American Poets, 1979; MacArthur Fellowship, 1987; Poet Laureate to Library of Congress, 1990-1991; Bollingen, 1993; Pulitzer, 1999 với bộ sưu tập Blizzard of One, được đáng giá những bài thơ của Mark Strand chiếm vị trí tồn tại giữa trừu tượng và chi tiết cụ thể gợi cảm từ những trải nghiệm cá nhân. Thơ ông được xây dựng bởi lời lẽ bình thường về một điều gì cao siêu. Giải Wallace Stevens Award, 2004; Gold Medal in Poetry, 2009, của Academy of Arts and Letters.
The Poetry Foundation mô tả ông, “một trong số nhà thơ Hoa Kỳ đương đại hàng đầu, đồng thơi là chủ biên, dịch giả, nhà văn xuất sắc. Điểm nổi bật trong phong cách của ông là ngôn ngữ chính xác, hình ảnh siêu thực, và chủ đề nhấn mạnh, lặp lại của sự ‘không có’ và ‘phủ định’.”
Có lẽ, vài bài thơ nổi tiếng nhất của ông là Keeping Things Whole, 1964 và With One Eye Open.
Ông qua đời ở tuổi 80 vì bệnh ung thư.
Cuộc phỏng vấn diễn ra trong một căn nhà thuê tại Greene Street ở New York.
(Xin lược bỏ những câu hỏi và trả lời không cần thiết, hoặc lược dịch những đoạn bàn thảo lê thê, những câu văn mang văn hóa nguyên bản tối nghĩa, cho bài phỏng vấn được gọn gàng.)
Wallace Shawn (WS):
Tôi bắt đầu đọc những điều người khác viết về ông. Nhưng tôi cảm thấy không hài lòng vì họ cứ tiếp tục nói về những tư tưởng tàng ẩn trong văn bản. Tôi không hiểu. Tôi nghĩ, tôi không thực sự nắm vững ý niệm "tư tưởng chủ yếu" này. Vì vậy tôi sẽ không đặt những câu hỏi như, quan điểm của ông về hư không là gì? Vì tôi cũng không nắm vững.
Mark Strand (MS):
Tôi cũng không rõ lắm. Tôi không chắc tôi có thể nói ra quan điểm về hư không, bởi lẽ, hư không không cho phép mô tả về chính nó. Một khi ta bắt đầu diễn tả về hư không, chúng ta sẽ kết thúc bằng một thứ gì đó.
WS:
Trong mọi trường hợp, có phải chúng ta đọc thơ vì thích thú đến "ý tưởng chủ yếu" bên trong? Hoặc chúng ta đọc để tìm hiểu quan điểm của người khác về đời sống? Để khám phá, có phải thi sĩ chúng ta đang đọc, có cái nhìn như chúng ta?
MS:
Chúng ta không đọc thơ vì sự thật trong quá khứ, mà cho sự thật trong đời sống hàng ngày. Chúng ta không đọc thơ để tìm hiểu làm sao đi đến đường Hai Mươi Bốn. Chúng ta cũng không đọc thơ để khám phá ý nghĩa cuộc đời. Ngược lại, Tôi muốn nói, chúng ta sẽ là những kẻ ngớ ngẩn.
Lúc này, có vài thi sĩ Hoa Kỳ trình bày cho độc giả một mảnh đời, thử nói, hôm nay tôi đi vào tiệm, thấy một người đàn ông, giống như tôi, tôi nhìn anh ta, và cả hai đểu biết mình là… kẻ trộm. Không phải tất cả chúng ta là kẻ trộm sao? Ông biết mà, điều này rút ra từ kinh nghiệm hàng ngày, một tuyên bố về cách sống, hoặc đạo lý.
Nhưng có một loại thơ khác, thi sĩ cung cấp cho độc giả một thế giới biểu tượng mà qua đó độc giả đọc ra đời sống. Thi sĩ Wallace Steven là bậc thầy về loại thơ này trong thế kỷ 20. Không có loại thơ nào giống như thơ Wallace Stevens. Nhưng rồi, chẳng có loại thơ nào giống như thơ của Frost (Robert Frost). Hoặc thơ của Hardy (Thomas Hardy). Những thi sĩ này sáng tạo thế giới riêng của họ. Ngôn ngữ của họ rất sinh động và có thể nhận biết, khi ta đọc họ không phải để xác nhận ý nghĩa hoặc sự thật của đời sống từ kinh ngjiệm riêng. Nhưng đơn giản vì ta muốn thẩm thấu bản thân bằng lời nói đặc thù của họ.
W S:
Vâng, thơ của ông cũng rõ ràng hầu như thuộc về loại thơ này. Khi chúng tôi đọc thơ của ông, cũng bị thu hút bởi giọng thơ – và bị dẫn đưa vào thế giới do ông tạo ra. Trước tiên, tôi muốn nói, chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều hay ít hoặc tưởng tượng những cảnh chuyện do ông gợi ý, mặc dù bao gồm những chi tiết thực tế trong đời sống hàng ngày nhưng chúng tôi không thể nào phối hợp như cách ông đã làm. Thỉnh thoảng, trong thơ ông, tôi nghĩ, có lẽ khá thường xuyên, thật mà, có thể nói, chúng tôi tiếp cận những điều có vẻ như Zeno (*), nghĩa là, thơ yêu cầu chúng tôi phải tưởng tượng những gì, hoặc tự mâu thuẫn với bản thân hoặc đúng ra, không thể tưởng tượng chính xác được. Tôi muốn nói, trong một bức tranh siêu thực, họa sĩ có thể trình bày một quan cảnh lạ lùng, nhưng ông không thể trình bày một cảnh tượng tương tựa như vậy. Cảnh của ông không thể vẽ.
M S:
Vâng, tôi nghĩ rằng, tới một điểm nào đó trong bài thơ, chuyện tiếp diễn là do lời thơ hướng dẫn, tôi chỉ đi theo. Đúng như vậy. Tôi tin tưởng vào thơ dẫn đưa những gì muốn nói, mặc dù tôi hoàn toàn không chắc đây là điều tôi muốn. Tôi chỉ muốn để thơ được tự do. Bởi vì nếu tôi biết chắc chắn những gì muốn nói trong thơ, nếu đã tin chắc, tôi chỉ cần xác minh, kiểm tra và cảm nhận, đúng như vậy.Tôi sẽ nói những gì tôi muốn nói, tôi nghĩ bài thơ không thông minh hơn tôi.
Nhưng cuối cùng, bài thơ phải là một thứ gì tóm gọn. Sự "vượt qua bên trong", sự sâu thẳm để người đọc chạm được trong bài thơ, làm cho người đọc tiếp tục muốn quay trở lại. Chúng ta tự hỏi, bài thơ trông rất tự nhiên lúc ban đầu, làm sao có thể dẫn đến kết thúc như vậy? Chuyện gì xảy ra? Ý tôi nói, tôi thích điều đó. Tôi thích chuyện này xảy ra khi đọc thơ người khác. Tôi muốn được hoang mang, thao thức. Bởi vì thật sự vào nơi đó, bí ẩn, không thể nào truy tìm, vì thế bài thơ đã trở thành chính chúng ta, cuối cùng, trở thành sỡ hữu của độc giả. Ý tôi là, trong lúc tìm hiểu bài thơ, theo đuổi ý nghĩa, độc giả đã hấp thụ bài thơ, mặc dù có những khoảng trống (ẩn tứ hoặc ẩn ngữ) trong bài thơ. Nhưng độc giả cần phải chấp nhận điều đó. Rồi dần dần, nó trở nên thực chất hiện diện trong bài thơ, để cho những gì sâu xa hơn sự hiểu biết, hoặc vượt qua kinh nghiệm, hoặc điều gì không hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm của độc giả, từ từ biến thành của họ càng lúc càng nhiều. Họ đạt được sự sỡ hữu một cách huyền bí, ông biết mà – đó là những điều chúng ta lơ là không trao dồi cho bản thân trong cuộc sống.
W S:
Thật vậy sao?
M S:
Ý tôi là chúng ta đang sống với những bí mật nhưng không thích có cảm tưởng này. Tôi nghĩ mình cần phải tập cho quen. Chúng ta cảm tưởng cần phải biết những điều có ý nghĩa, để kiểm chứng chuyện này chuyện nọ. Tôi không nghĩ đây là cá tính con người, ông biết đó, để có đủ trình độ trong đời sống. Thái độ này xa lìa với thi ca.
W S:
Một kinh nghiệm riêng đối với sự chìm đắm hoàn toàn trong bí ẩn đời sống, có lần tôi đọc nửa phần đầu tác phẩm Being and Time (Hữu Thể và Thời Gian ) của Heidegger. Ông biết không, thật sự, chúng ta hoàn toàn lựa chọn việc tạo ra một thế gới trong trí tưởng, thế giới này trong đầu chúng ta hoặc trong đầu của ông Heidegger, đố ai đoán được?
M S:
Vâng, khi tôi đọc thơ tôi không thể tưởng tượng những gì đang có trong trí tưởng của độc giả là những gì luôn luôn có trong đầu của thi sĩ, bởi vì thông thường trong đầu thi sĩ có rất ít.
W S:
Ý của ông là sao…
M S:
Tôi muốn nói, tôi nghĩ tính chất của thơ rất là ma quái. Thơ không cố đi vào cụ thể như là truyện. Không đòi hỏi tưởng tượng một nơi cụ thể; thơ gợi cho thấy, rồi gợi tiếp, gợi tiếp nữa. Tôi muốn nói, ý tưởng tôi viết. Thi sĩ William Carlos Williams có những ý tưởng khác.
W S:
Nhưng có phải ông gợi ra những điều gì mà ông đã hình dung sẵn?
M S:
Tôi hình dung nó trong khi đang viết. Tôi dàn dựng những gì cần thiết để tạo ra nó sinh động. Nhưng có lúc, làm được hoàn chỉnh, có lúc không.
W S:
Khi ông nói, lúc ông sáng tác, ngôn ngữ tự động dẫn đường, ông chỉ đi theo. Ông đang ám chỉ kinh nghiệm sáng tác mà ở một mức độ nào đó ông ở trong vai trò thụ động. Cái gì đó đến với ông từ một nơi nào đó, ông chỉ nhận lấy. Nhưng nó đến từ đâu? Phải chăng từ vô thức? Chỉ là chuyện phân tâm học. Nó đến từ một nơi khác, phải không? Hoặc…
M S:
Tôi không biết nó đến từ nơi nào. Tôi nghĩ, một phần đến từ vô thức. Phần đến từ ý thức. Phần khác đến từ… Chỉ có trời mới biết.
W S:
Tôi nghĩ câu "Chỉ có trời mới biết" cũng đúng phần nào…
M S:
Thơ không phải là chiêm bao. Đúng là không phải. Là một thứ gì khác. Những người viết lại chiêm bao rồi nghĩ rằng là thơ, họ đã sai lầm. Những thứ đó không phải chiêm bao cũng không phải thơ.
W S:
Trong khi ông viết, ông lắng nghe những gì đang đến. Nhưng một lúc nào đó, ông sẽ phải chủ động vai trò sáng tạo bài thơ.
M S:
Tôi bị lôi cuốn theo nó. Tôi không biết sẽ đến đâu. Tôi muốn biết, tôi muốn biết trước, một chút. Tôi thêm vào vài chữ, rồi tôi thốt lên, A, không được – đã trật đường rầy rồi.
W S:
Nhưng loại thơ ông đang nói có thể gây cho độc giả phiền toái. Rất nhiều người tôi biết, đã thừa nhận mô hình căn bản để dễ đọc là những gì như kinh nghiệm đọc báo The New York Times. Mỗi câu đòi hỏi phải phù hợp một phần nào của thực tế. Nếu đó là những độc giả thì thơ của ông có lẽ….
M S:
Vâng, đôi khi bài thơ không phải để trình bày bất cứ điều gì bằng nghĩa đen. Đôi khi bài thơ hiện diện như những thứ khác trong vũ trụ mà chúng ta chưa gặp trước đó. Nếu muốn bài thơ nói lên ý của nó, ngay lúc đó, rất rõ ràng – dĩ nhiên thi sĩ viết loại thơ này thường thường nói về kinh nghiệm riêng tư của họ. Những gì sẽ xảy ra khi đọc loại thơ này, độc giả trở về lại những chuyện đời sống mà họ từng đã trải qua. Bài thơ làm cho chuyện đời đó dường như được thoải mái hơn, vì có một người khác mang cùng chung một kinh nghiệm. Nhưng ông biết rồi, những giai thoại nhỏ chúng ta đọc trong thơ cứ tin rằng có thật, trong thực tế chỉ là hư cấu. Thơ đại biểu cho sự thâu gọn của thế giới thực tại. Có rất nhiều kinh nghiệm trong đời mà chúng ta xem thường – Chúng ta không cần đọc thơ để xem thường kinh nghiệm thêm nữa. Những nhà thơ như John Ashbery hoặc Stevens làm ngược lại – Họ cố gắng làm cho ít lại. Ví dụ như, nhà thơ Ashbery có chủ ý, tạo ra hoàn hảo những điều không hữu lý, để tiếp tục làm chúng ta mất cảm giác quen thuộc. Ông sáng tạo một thế giới rạn vỡ. Không mô phỏng theo thực tế. Nhưng, nhìn từ một góc cạnh khác, có thể nói đơn giản, đây là một thế giới rạn vỡ, khó đo lưòng mà chúng ta sinh sống hàng ngày. Vì vậy, có một yếu tố thú vị cho người tái tạo lại thực tế. Thông thường chúng ta hay bám vào khả năng dự đoán từ kinh nghiệm đến một mức nào đó… rồi không có một nơi nào khác người ta có thể thoát ra xuyên suốt như trong dòng thơ của những thi sĩ nào đó. Khi tôi đọc thơ, tôi muốn thấy tôi bất thình lình lớn lên… tiếp xúc với – hoặc ít ra gần gũi với những gì huyền diệu, đáng kinh ngạc. Tôi muốn được trải nghiệm loại kinh nghiệm này. Để khi trở về lại đời sống riêng tư hàng ngày, sau khi kinh qua một thế giới lạ lẫm, những thứ vừa tái phối hợp vừa sắp xếp lại sâu thẳm trong tâm hồn thi sĩ, một cách nào đó, đời sống được tươi mát lại. Thế giới sống hàng ngày của chúng ta bị loại ra bởi tiếng thơ của thi sĩ viết chồng lên, còn một điều nữa, dường như cuộc đời sống động hơn – không như thói quen hàng ngày.
W S:
Tất nhiên, khi ông nói chuyện về thơ theo cách đó, ông đang đi trên giả định rằng người đọc của ông sẵn sàng chịu đặt một chút công sức vào thơ, sau khi ông từ tương phản để viết ra cảnh tượng. […]
M S:
Tôi nghĩ, một nhà thơ đã viết một bài thơ, không cảm thấy ông phải được hiểu khi đọc lần thứ nhất hoặc thứ hai. Ông viết một bài thơ hy vọng bài thơ sẽ được đọc nhiều hơn một hoặc hai lần, và ý nghĩa của nó sẽ được tiết lộ trong diễn biến của thời gian, hoặc ý nghĩa của nó sẽ bộc lộ bản thân trong suốt thời gian.
W S:
Khi ông nói ông hy vọng rằng một bài thơ sẽ được đọc nhiều hơn một hoặc hai lần, bao nhiêu lần thì có ý nghĩa? Bao nhiêu lần ông đọc một bài thơ?
M S:
Khi tôi viết những bài thơ của riêng tôi, tôi đọc hàng trăm lần để cho mình nghe. Nhưng khi tôi đọc những bài thơ của người khác, tôi sẽ đọc chúng hàng chục lần, đôi khi nhiều hơn hàng chục lần. Tôi không biết tại sao điều này có vẻ kỳ lạ. Người đến nhà thờ trung bình, những người sống theo kinh thánh sẽ đọc những đoạn sách trong Kinh hàng trăm lần, và mỗi lần họ sẽ được tiết lộ thêm điều gì đó.
W S:
Một diễn viên diễn một vở kịch cũng đi qua quá trình tương tự, thực ra, diễn xuất có thể xem như hình thức đọc sách, tôi giả sử. Các diễn viên đọc văn bản hàng trăm lần, mỗi lần nhìn thấy ý nghĩa nhiều hơn và ý nghĩa khác nhau, có thể gói ghém trong mỗi dòng chữ, và đồng thời thông qua các phương cách khác nhau để giải thích những gì ông đã thu thập lúc ban đầu.
M S:
Vâng, độc giả thi ca có thể có rất nhiều điểm giống diễn viên làm việc trên vai trò của họ, vì họ cũng đọc bài lớn tiếng với mình nhiều lần, và đôi khi ông biết, nó được đọc bằng trái tim. Và nó trở nên quen thuộc. Cuối cùng nó cũng trở thành một phần của ông.
W S:
Các diễn viên kinh nghiệm diễn một lần rồi lần nữa. Nhưng khán giả thì không. Diễn rất khác với thơ, bởi vì thi sĩ đang viết trên giả định rằng tất cả mọi thứ phải được hiểu ngay lập tức.
M S:
Vâng, nhà hát là có nghĩa là để được lắng nghe bởi một lượng lớn khán giả và phải giao tiếp nhiều điều về kinh nghiệm đầu tiên, về cuộc gặp gỡ đầu tiên. Một bài thơ tự tiết ra, từ từ, gần như thấm thía vào tâm trí người đọc. Nó làm điều đó với nhịp điệu, phải có các kết hợp để có thể xâm nhập người đọc một cách đẹp đẽ. Tất nhiên, Thiên Chúa biết những gì là đẹp. Tôi không biết. Bởi vì, đẹp năm mươi năm trước đây, có thể từ nay sẽ được xem là xấu, hoặc bây giờ, không còn đẹp nữa, hoặc thậm chí chưa bao giờ đẹp. Nhưng, ông đã biết, tôi nghĩ, nếu ta quá cố gắng cho người thưởng ngoạn hiểu ngay lập tức, khán giả hiểu lập tức, trong thời điểm đó, ta đã cho quá nhiều. […] Nghĩa vụ của nhà thơ không phải chủ yếu chỉ là độc giả, nhưng với ngôn ngữ ông hy vọng độc giả sẽ từ tốn thu nhận. Khi ông nghĩ về thời gian bao lâu để hiểu thơ, hãy lấy ví dụ, phải mất rất nhiều thời giờ để cung cấp hiểu biết trong các lãnh vực khác của kiến thức trong đời sống, tại sao chúng ta không thể có một chút kiên nhẫn với thơ?
W S:
Có lẽ người đọc The New York Times không quan tâm mé bên phải của trí não để đọc thơ.
M S:
Vâng, bạn không thể mong đợi họ nhảy từ The New York Times vào John Ashbery hoặc Jorie Graham. Ngôn ngữ được đưa vào thử nghiệm khác nhau. Và được sử dụng cho những mục đích khác nhau. Ngôn ngữ thơ có nghĩa để được trầm tư. [Mark Strand lý luận về khoảng không gian, thời gian tâm linh dành riêng cho thơ, lúc đó độc giả vừa đọc vừa nghe lời thơ trong thế giới riêng.]
W S:
Nhưng làm thế nào một người chuẩn bị một không gian tâm linh như vậy?
M S:
Vâng, nếu ta để dành nhiều thời giờ một mình, đặc biệt là nếu ta đang suy nghĩ về cuộc sống bản thân, hoặc của người khác, có nghĩa ta đang ở trong không gian tâm linh. Có một số họa sĩ tôi biết, đối với họ, ngôn ngữ thơ mang lại nhiều giá trị. Họ dành nhiều giờ ở trước bức tranh, một mình, họ đang chuẩn bị. Họ đã sẵn sàng để có những bài thơ trong tâm trí, bài thơ không đầy đủ, nhiều tiếng ồn ào, lộn xộn và họ mong muốn bài thơ chưa được hoàn tất. Nghĩa là, ta phải sẵn sàng để đọc thơ; bạn phải sẵn sàng để đáp ứng nó nửa chừng, bởi vì nó sẽ không đi xa hơn … Sau tất cả, một bài thơ có phẩm giá của nó. Ý tôi muốn nói, một bài thơ không nên cầu xin độc giả để đọc nó; trường hợp đó là một thảm hại. Một số nhà thơ lo sợ, thơ họ không được thưởng thức, trừ khi họ phải tâng bốc người đọc, 90% đường họ đi, tất cả vì độc giả. Nhưng đó là việc thảm hại.
W S:
Chết thật! Tôi đang sắp xếp lo lắng, chúng ta không sống trong thế giới có quyền đọc những gì mà ông và các nhà thơ được chiêm ngưỡng đang viết.
M S:
Vâng, thi ca, ít nhất lời thơ, cố gắng để dẫn đưa tâm trí người đọc theo lời tự sự. Nhưng tất cả mọi thứ chúng tôi muốn viết hiện nay là tìm một lối thoát cho bản thân. Mọi người không muốn ngồi nhà và suy nghĩ. Họ muốn ngồi nhà và xem truyền hình. Hoặc họ muốn đi ra ngoài tìm cách vui chơi. Và vui vẻ không phải trầm tư. Vui chơi không có bất cứ điều gì liên quan đến việc đánh giá lại kinh nghiệm của một người và tìm hiểu ai là ai hoặc ai khác với ai. Nó đã đốt cháy năng lượng sinh lực. Khi đi xem phim, ta sẽ rượt theo với các hiệu ứng đặc biệt và kỳ quái đang diễn tiến không ngừng. Những sự việc diễn ra với tốc độ nhanh chóng và ly kỳ. Ta không kịp có một giây để chiêm ngưỡng cảnh trước đó, để suy niệm điều gì vừa xảy ra, đã có điều gì khác đang xảy ra và điều gì nữa sắp xảy ra.
W S:
Thật kỳ lạ là chúng ta cảm thấy chúng ta đang chạy trốn vào một loạt các thú vui, trong thực tế, thường là những thú vui khác nhau, nhưng dường như bằng cách nào đó lại nảy sinh nhiều điểm chung.
M S:
Chúng ta dường như chỉ muốn hài lòng ngay lúc đó. Phim bạo lực cung cấp sự hài lòng tức khắc. Và các loại thuốc cung cấp sự hài lòng tức thì. Sự kiện thể thao cung cấp sự hài lòng tức thời. Gái mại dâm cung cấp sự hài lòng ngay tại chỗ. Đây là những gì chúng ta tỏ vẻ yêu thích. Nhưng thưởng thức thơ đòi hỏi những nỗ lực trong một thời gian dài, mà trong đó cần có một số học tập, kiên nhẫn, hoặc kỹ năng và đọc là một kỹ năng nếu không đủ thời giờ chỉ trở nên đại khái. Chúng ta quên, có một cảm giác e ngại khi tham dự những thú vui chậm hơn, nhưng thích thú này càng ngày càng trở nên mạnh mẽ theo thời gian mà chúng ta dùng để theo đuổi.
W S:
Các hoạt động mà ông đề cập là tất cả những lời lẽ. Có thể. nói chung, ngôn ngữ đang mất dần ngoài lề một số cuộc đua kỳ lạ trên thế giới.
M S:
Vâng, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn nói chuyện với nhau. Đọc các hình thức văn bản khác với thơ. Chúng ta sẽ cô đơn nếu chúng ta không sử dụng lời lẽ. Chúng ta phụ thuộc vào chúng nhưng chỉ phụ thuộc một cách giới hạn. Tuy phụ thuộc mà không mở rộng qua thơ.
W S:
Có lẽ mọi người tránh thơ vì bằng cách nào đó, nó kích thích họ lo lắng hoặc phiền muộn một cách tích cực..
M S:
Họ không muốn cảm thấy gần gũi sự hiểu biết và những bí ẩn đời sống. Nó giống như chết; nó quá nguy hiểm. Nó cho thấy khả năng mất quyền kiểm soát xung quanh.
M S:
Khi ông nói giống như chết…
M S:
Vâng, khi tôi nói nó giống như chết là không rõ. Ý tôi là, hầu hết các bài thơ trữ tình dẫn đến ghi nhận về cái chết. Trong thực tế, hầu hết các bài thơ là những sự việc tối tăm, ảm đạm và phải va chạm với cái chết hoặc sắp chết, hoặc mất mát một hay nhiều hình thức khác, mất tình yêu, mất bạn bè, mất cuộc sống. Hầu hết các bài thơ trữ tình đều buồn, bởi vì nếu ta suy nghĩ sâu sắc về kinh nghiệm, những kinh nghiệm sống và về cuộc sống, không thể trốn tránh thực tế là nó sẽ kết thúc bằng cái chết. Trong thực tế, tất cả mọi thứ qui tụ về đồng hồ thơ trong mọi bài thơ, hoặc các biện pháp của bài thơ, là lời nhắc nhở về thời gian. […]
W S:
Trong một số bài thơ của ông, cái chết là loại đáng lo ngại, nhưng ở những người khác, nó không phải quá tệ.
M S:
Đó là chuyện không thể tránh khỏi. Tôi cảm thấy bản thân mình nghiêng về phía nó. Vì vậy, nó luôn luôn có mặt trong những bài thơ của tôi. Và đôi khi người ta sẽ nghĩ về tôi như một loại đời ảm đạm. […]
W S:
[…] Nhưng nếu thơ vốn có khả năng gây lo ngại và buồn phiền, thì văn xuôi có gì khác biệt?
M S:
Vâng, tôi nghĩ, trọng tâm của nhà thơ không phải hoàn toàn giống mhư nhà văn; nó không hoàn toàn nhắm vào thế giới bên ngoài. Nó xác định bên trong đáp ứng bên ngoài, nơi nhạy cảm của nhà thơ đáp ứng thời tiết, đáp ứng các đường phố, gặp người khác, đáp ứng được những gì ông đọc. Vì vậy, một nhà thơ mô tả các điểm liên hệ đó từ các góc cạnh của bản thân, và các khía cạnh của thế giới. Đó là cái bóng giữa bản thân và thực tế. Đôi khi, sự tập trung hơi nghiêng về phía bản thân, đôi khi, một cách khách quan hơn, nghiêng về thế giới. […] Hầu hết các tiểu thuyết đều tập trung vào những gì trên mạng, và các tiểu thuyết gia quên hoặc xóa mờ bản thân để giữ sự tường thuật đi theo ý muốn. […]
GHI:
(*) Zeno: Zeno của Elea, triết gia tiền Socrate (490-430 BC) thành viên của phái Eleatic do triết gia Parmenides thành lập. Ông này sau sáng lập chủ nghĩa Khắc Kỉ.