Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng (17): MỘT GÓC NHÌN VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ VÀ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

Nguyễn Thanh Văn

VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA XÃ HỘI NHẬT BẢN TRUYỀN THỐNG

Đối với nhiều người trên thế giới, Nhật Bản trước hết là đất nước huyền bí, xinh đẹp với hoa anh đào và núi Fuji (Phú Sĩ) tuyết phủ cùng với những con người dũng cảm, thậm chí phi thường mang tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) trong huyết quản. Với số người khác, đấy là một quốc gia châu Á có những đặc điểm không giống với quốc gia châu Á nào khác, kể cả các nước gần gũi về văn hoá (thường gọi là đồng văn hay Hán hoá); cũng có thể nói Nhật Bản và người Nhật Bản có nhiều yếu tố lịch sử tiến hoá và tính cách gần với một số nước châu Âu. Rất tiếc, không thiếu người có ánh mắt ác cảm với ký ức về các cuộc chiến trước và sau mốc 1900, bao gồm cuộc xâm lăng Trung Hoa (1895), với nước Nga (1905) – thật ra tính hiếu chiến, có thể gọi là não trạng đế quốc chủ nghĩa của người Nhật đã có từ ban sơ vào thuở xâm chiếm Triều Tiên và kế hoạch xâm lăng Trung Quốc bị phá sản của tướng quân Tú Cát – Hideyoshi (thế kỷ 16) và tất nhiên vai trò, hành trạng của một Nhật Bản hiếu chiến, quân phiệt trong Thế chiến thứ hai. Có lẽ còn nhiều hình ảnh cần khám phá nữa – sự phục hồi kinh tế thần kỳ, bộ mặt văn chương đa dạng, thu hút và Zen chẳng hạn. Những điều vừa nhắc – và cả một loạt những điều có thể nhắc khác – đều chính xác, đều là một phần bộ mặt của đất nước, xã hội (và con người) Phù Tang.

1. KIM CỔ VÀ NGOẠI NỘI CÙNG TỒN TẠI

Người Nhật có thiên hướng gìn vàng giữ ngọc, kết hợp gìn giữ nếp xưa, vừa ham học hỏi nguồn ngoại lai với nhiệt tình hơn mức bình thường. Thái độ với Thần đạo (Shinto) là một ví dụ. Thần đạo có mặt tự nghìn xưa cho tận ngày nay thật, nhưng mặt khác, tín ngưỡng dân tộc này không ngăn họ đi tìm tín ngưỡng phương xa, đón chào Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, văn minh phương Tây… Ngược lại, dù say mê Phật giáo, người Nhật – từ vua tới dân – chưa hề phôi phai tâm thức gắn bó với “đạo nguồn” – dù mới chỉ là một dạng tín ngưỡng tự nhiên, thô phác vốn không giáo chủ, không kinh sách – của dân tộc. Hẳn có phần vì cách người Nhật tiếp cận tôn giáo cũng gần với cung cách đam mê một tư trào văn hoá, văn minh hay nghệ thuật, có đủ không gian để tất cả cùng tồn tại, theo kiểu Đường thi bên thơ Haiku, thơ hiện đại gối lên thơ cổ điển, hồn dân gian ôm yếu tố siêu thực. Có một lý do nữa là Shinto vốn không giáo chủ, không kinh sách, thiếu không khí và liệu pháp tâm linh sâu sắc, huyền hoặc của các tôn giáo khác; cái mà người Nhật tìm thấy ở Phật giáo. Và ngược lại, cái gì không tìm thấy trong kinh điển nhà Phật hay thấy chưa hiệu quả cho chính sự và chuyện cai trị thì họ không ngần ngại, không nấn ná hoài cổ, hoài cảm tìm tới Nho giáo hay Phương Tây sau này.

Có nhà nghiên cứu nhận xét độc đáo rằng “Người Nhật sẵn sàng hiến thân cho quốc gia và Thiên hoàng, nhưng không muốn chết cho thi ca, triết học” (dẫn từ Lịch sử tư tưởng Nhật Bản – Thích Thiên Ân). Xin hiểu theo nghĩa mà một nhà nghiên cứu khác, ông Richard Tames, nhận xét người Nhật thiếu khả năng đón nhận ý tưởng trừu tượng (inability to appreciate abstract ideas)! – thiết yếu cho tư duy triết học – và xin tếu táo một tí rằng còn ai nhắc tới Waka, Haiku thì xin nói nhỏ là chưa có thi sĩ Nhật nào chết vì Haiku, Waka cả, kể cả Basho. Một thái độ quyết liệt và bạo liệt phải đợi tới thời kỳ văn học hiện đại. Tôi tin rằng Nhật Bản có đủ quyền thuật, quốc thuật và nghệ thuật để buộc người khác say đắm với sự bay bổng, kì diệu, mỹ lệ và thanh thoát gợi tính thẩm mỹ, văn hoá cao, mà cũng thừa yếu tố hình thức để che giấu sự khá nghèo nàn về tư tưởng, lại thừa sương mù tâm linh để người thưởng ngoạn khó thấy cái lõi chuyên chế tác lắm khi từ hàng ngoại, chỉnh sửa khi khá tỉ mỉ, có khi chỉ đôi tí thêm thắt “gia truyền” trước khi cho xuất hàng. Nếu bạn không thích cách phân tích này, bạn sẽ bảo đấy là tính cách thực tiễn.

Đúng như vậy, tâm thức Nhật Bản một mặt hướng tới Cái Thực (Thực Tiễn) và mặt khác là quy về Cái Đẹp. Phải thừa nhận có được một trong hai yếu tố đã đáng quý lắm rồi. Thực tiễn vì truyền thống văn hoá được quyền lực chính trị vương quốc định hướng từ đầu và suốt lịch sử, và tất nhiên hệ quả phải mang đúng hơi hướm của nó: văn hoá, mà trước hết là Phật giáo Nhật Bản (trong nội hàm văn hoá theo nghĩa rộng có cả tôn giáo), trong mọi mặt đáng chiêm ngưỡng của nó thì mục đích tối hậu vẫn là lực lượng hậu bị, hộ quốc chủ nghĩa, “tuyên uý” cho một thế lực thế đạo và một trong những hệ quả của nó là những món hàng tâm linh xinh xắn, đa dạng, đa sắc và đặc biệt chuyên nghiệp kĩ lưỡng trong khâu đóng gói. Chuyên nghiệp và kì đặc tới độ những tâm hồn sính triết học và sính tâm linh ở trình độ du khách, phổ thông hoàn toàn thoả mãn, đắm đuối và có khi quên bẵng đối chiếu với đòi hỏi và tiêu chí khắc nghiệt nhân loại đã thiết lập trong các lĩnh vực “noble và holy” này.

Trong khi đó sự dùng dằng lại còn do Thần đạo vốn gắn với huyền thoại Nữ Thần Mặt Trời (Amaterasu) liên quan họ tộc Thiên hoàng và cả các họ tộc lớn khác cũng “ăn theo” gốc gác Thần Thái Dương, khó lòng dứt bỏ và suốt dòng lịch sử thấm đẫm tinh thần tôn quân không có ai cả gan công khai chỉ trích. Nhân đây lưu ý tên “Shinto” có sau khi xã hội Nhật Bản đã du nhập các nguồn tín ngưỡng Trung Hoa, Ấn Độ với nghĩa Đạo nội, gốc Nhật, phân biệt với Đạo ngoại (lai).

Không chỉ liên quan tới tín ngưỡng, ngày nay ta dễ chứng kiến chỗ đa dạng, sự cùng tồn tại những nét tương phản đến kì lạ về vô số mặt. Vẻ đẹp u mặc – u nhã (Wabi-sabi 侘寂 – sá tịch) và sự tôn xưng mang hơi hướm tôn giáo và đặc trưng này được cả thế giới biết, không ngăn thế hệ hiện đại gắn bó với nhạc Jazz, hiphop hay hội hoạ hiện đại (các chuyên gia vẫn ví những nét tóm bắt thiên nhiên tinh giản và tinh tế trong hội hoạ Nhật Bản – nói riêng trong tranh thuỷ mặc – với trường phái ấn tượng chủ nghĩa của phương Tây, mà một gợi ý là tranh của danh hoạ Matisse). Không khí đền đài thanh tĩnh, đường bệ và những đại lộ hào nhoáng, đông đúc. Một Kawabata với Ngàn Cánh Hạc thanh thoát, cao kì và cổ điển bên cạnh một Mishima hiện đại của Kim Các Tự với tính cách sôi sục, bùng nổ, phảng phất cả mùi vị quân phiệt lẫn vô chính phủ, nay có khi là thời mang tên một Murakami của Rừng Na Uy trần đời, phức tạp, hiện đại và đầy nhục cảm. Họ gần như hoàn toàn khác biệt mà vẫn tồn tại làm nên nền văn chương Nhật Bản độc đáo. Công chúng văn chương chịu cả khẩu vị thẩm mỹ cao nhất cho chí tới sách tranh dâm tục rẻ tiền. Rất nhiều, nhưng chỉ cần nhắc thêm cơ cấu chính quyền chặt chẽ, hùng mạnh lại đi kèm những thế lực ngầm và sự tồn tại của các tướng quân trong bóng tối và truyền thống dân chủ hiện đại lại song song với lòng tôn trọng Thiên hoàng như một biểu tượng đoàn kết.

Sự tồn tại những khác biệt ngỡ khó tương hợp nhắc trên đáng cho bạn đọc suy nghĩ. Và có người buộc miệng “Đó là Nhật Bản”, một Nhật Bản khó định nghĩa, không dễ hiểu nhưng chắc chắn từ lâu đã là một thương hiệu lớn, đầy quyến rũ trong lòng nhân loại!

2. CHÍNH SÁCH VÀ CƠ CẤU TẬP QUYỀN CHẶT CHẼ VỚI BIỂU TƯỢNG QUỐC CHỦ LÀ THIÊN HOÀNG

Ngay từ thời kỳ thị tục quá độ thành liên minh bộ lạc (các thị tộc ban sơ thực chất là các bộ lạc chủ yếu của người cùng huyết thống hoặc liên minh nghề nghiệp), có thể xem là một dạng nhà nước phôi thai, đã bắt đầu những nỗ lực tập quyền của vị vua trở thành người khai mở cho dòng Thiên hoàng, hoàng gia bền lâu nhất thế giới, tồn tại cho tới nay – dòng tộc Yamato (Đại Hoà). Dù có nhiều thời kỳ và suốt nhiều thế kỷ dài, các Thiên hoàng khi bị đám đại quý tộc ức hiếp, khi bị các sứ quân tước hết thực quyền tuy vẫn bị mượn danh nghĩa. Không thể quên có những bước ngoặt – rất hiếm xảy ra – có khoảng trống chính trị do các cuộc tranh giành quyền lực, thì nói chung vẫn không ảnh hưởng nhiều tới một đặc điểm xuyên lịch sử của xã hội Nhật: xu hướng cực quyền, quyền lực trung ương luôn tập trung, bao biện, gắt gao và không ngần ngại dùng bạo lực. Chỉ cần nhắc rằng ngoài vài thế kỷ (ít ra trước thế kỷ 4, 5) có tiếp xúc tôn giáo và giao lưu văn hoá với Trung Quốc qua ngõ Triều Tiên mà ban đầu có tính tự phát quy mô địa phương, hào tộc, Phật giáo bước đầu hưởng hương vị “quốc giáo” là thời kỳ Thiên hoàng Suiko, gắn với uy danh Thái tử – Nhiếp chính Shotoku (đầu thế kỷ 7), vị anh hùng văn hoá và đại hộ pháp của Phật giáo Nhật Bản (tiện lưu ý nhận định của G. B. Sansom trong công trình Japan – A Short Cultural History (New York: Century, 1931) nhấn mạnh vị trí lịch sử của ngài Shotoku, nhưng nhận xét vai trò cá nhân của nhân vật lớn này đã được đề cao quá mức thực tế – và người viết bổ sung một chi tiết nhỏ: nhiều tài liệu nhấn mạnh việc tự học, tự nghiên cứu Phật học của ngài Shotoku, nhưng có tài liệu dẫn rõ tên tuổi các nhà sư Triều Tiên hoằng pháp tại Nhật Bản trước đó và một trong số họ là sư phụ của Phật tử Shotoku!) và các Thiên hoàng nhiệt tình với Phật giáo tiếp đó – Thiên hoàng Temmo – Thiên Vũ (672-686) là vị vua chính thức công nhận Phật giáo là quốc giáo của vương quốc Đại Hoà với một loạt hành động hộ pháp đầy nhiệt huyết. Quý hồ chớ quên điều mà các sử gia thỉnh thoảng lưu ý, trừ ít khoảng thời gian nhập nhằng giữa quyền lực chính trị và sự chi phối của tôn giáo (Phật giáo) ngắn ngủi thời Nara, không thể có sự so sánh giữa quyền lực tôn giáo – dù là Thần đạo hay Phật giáo – với quyền lực chính trị ở Nhật Bản như vẫn thường bị tô đậm.

Tính cách của Phật giáo, cụ thể là đại bộ phận đại sư là tự xem là thần dân – tu sĩ, tệ hơn – do dựa dẫm vào trợ cấp tài chính và nhận tăng tước (chức tước triều đình ban), là “quan” tôn giáo (tăng quan) – nên có thể nói suốt rất nhiều thế kỷ và ngay từ thời kỳ du nhập, quan hệ của họ với chính quyền có tính “kí sinh” hay “tầm gửi”. Và không ngạc nhiên trong những đợt nổi dậy mang tính cách xã hội lẫn tôn giáo của Phật tử bình dân Nhật, trong đối tượng căm ghét có cả chư đại sư gốc đại gia một lòng một dạ theo chính quyền này. Có vẻ như thành phần sư quốc doanh Việt Nam hiện nay nên nghiên cứu thêm lịch sử Nhật để tìm tiền bối và cảm hứng để hoàn thiện đội ngũ và sứ mệnh của mình. Vấn đề là khác với sư quốc doanh nhà mềnh chỉ có phá hoại, một bộ phận tăng lữ Nhật Bản có mặt “hư” thì Phật giáo cơ bản vẫn có mặt ưu việt và có đóng góp to lớn cho di sản văn hoá văn minh Nhật Bản và nói riêng cho văn hoá Phật giáo Nhật Bản. Và sẽ không công bằng nếu không ghi nhận dù có yếu tố lợi dụng tôn giáo, giới cầm quyền Phù Tang không thiếu người thực lòng tín mộ Phật pháp và Phật giáo, trong đó có cả các Thiên hoàng và Sứ quân. Không chỉ theo thông lệ nhiều bậc thượng hoàng (vua cha) và pháp hoàng (vai ông của Thiên hoàng, cha của thượng hoàng) khi từ giã quyền lực – thậm chí khi chưa hẳn dứt bỏ quyền lực – đã vào chùa (thường là các đại tự do chính mình đầu tư, củng cố trước đó), mà lịch sử ghi nhận cả trường hợp đại sứ quân “chán đời” giao quyền cho con cái, tìm chốn chùa chiền (tráng lệ, nguy nga xây dựng bằng thuế của dân đen) xuất gia để tu tập, hưởng nhàn và thường khi để lánh đoạn kết một cuộc chơi quá nguy hiểm đã rành rành trước mắt.

Có thời kỳ tăng lữ suy đồi, lộng quyền, xen vào chính trị nhưng các chủ trương xây chùa, trả lương cho sư sãi, quy định mỗi họ tộc phải cử một người xuất gia và cử các đoàn sư sãi qua Trung Quốc nghiên cứu và thỉnh kinh kệ chủ yếu là qua lệnh của triều đình – dù trừ vài thời kỳ cực ngắn quyền lực rơi vào tay Thiên hoàng, còn thực quyền trong lịch sử Nhật Bản thì trừ chủ yếu vào thời kỳ Asuka kéo dài qua Nara, thêm một thời gian sơ kỳ Heian, nằm trong tay giới quý tộc và đại sứ quân (còn trước đó nữa, trước cuộc vùng dậy của ngài Shotoku, đã có ghi nhận sự khuynh loát của đám hào tộc có quyền uy rồi – hai họ Vật Bộ (Mononobe) và Tô Ngã (Soga) là một ví dụ). Ngay chủ trương tân tăng (cho phép sư sãi lấy vợ) ban đầu từ chủ trương của một số cá nhân tu sĩ, tông phái và phần nào do chủ trương “quần chúng hoá” của các phong trào Phật giáo bình dân cũng chỉ phổ biến hơn khi do chính nhà nước quy định và khuyến khích (dù trước đó có sử gia cho biết ngoài sự phê phán của một số tông phái thì chính quyền Nhật cũng từng lên án).

Đặc điểm vừa nêu, mang hơi hướm của “chủ nghĩa toàn trị” kiểu Nhật – tất nhiên áp dụng chủ yếu cho thứ dân, còn việc bí mật tính toán ngay từ cấp cực quyền sao cho tầng lớp tăng ni quý tộc, tay chân có đặc lợi đặc quyền thì miễn bàn – tất phải dẫn tới một dạng Phật giáo “đèm đẹp” và “thuần tuý” hợp gu dân quý tộc và quan lại (tôi đang bàn thiên về chính trị; về phương diện văn hoá, ảnh hưởng tích cực, phi phàm của Zen với nghệ thuật, tâm thức Nhật Bản sẽ bàn thêm sau), thông qua “tăng quan” để “giữ” dân, cấm tu sĩ gốc thứ dân giữ địa vị cao trong giáo hội để dành cho tu sĩ gốc quý tộc, tiện thể nắm chắc giáo quyền hỗ trợ thế quyền. Về phía tu sĩ Phật giáo, hệ quả là phát sinh lớp tu sĩ quý tộc – tình hình không khác dạng tăng lữ Thiên Chúa giáo ở Âu châu thời Trung cổ mấy – gắn bó với triều đình, quen mùi quyền lực và kèn cựa địa vị. Do sự cất nhắc, thăng tiến từ tay triều đình – triều đình đặt cả một hệ thống và quy chế định ra chức sắc, quan tước, lương bổng cụ thể cho tu sĩ song song với hệ thống chức vụ, phẩm trật của bá quan – nên giới tăng lữ có khuynh hướng gắn bó với quyền lực chính trị, nếu không nói hiện tượng bám chặt kinh đô, cố lấy lòng hoàng gia, các Shogun và tầng lớp quý tộc cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Thật ra việc quan hệ gắn bó và tiếp cận để “lấy lòng” giới cực quyền không khó vì bản thân các cao tăng cũng xuất thân quý tộc, nếu không đoán ra rằng một số do chính giới chính trị cấy vào tôn giáo để hỗ trợ thế quyền. Có thể nhận xét dù sang trọng và hợp lòng bá tánh tới đâu, việc xuất hiện dòng tu sĩ quý tộc đời Trần ở nước ta và việc chư vị nắm các địa vị cao trong các chùa đền và xây dựng được thế lực xã hội thời kỳ đó nhất định có chủ trương và bảo hộ chính trị. Mỗi nền chính trị và ngay cả “Phật hoàng” đời Trần đều có vũ khí tuyên huấn của mình cả thôi và một nhà chính trị chuyên nghiệp không bao giờ nhúng tay vào bất cứ việc gì – dù chuyện tín ngưỡng hay một việc khơi khơi như làm thơ – mà không có dụng ý tâm lý chiến (nếu không, thưa rằng e không đáng mặt làm chính trị gia!). Vua Trần Nhân Tông quả ném ngự bào (ngai vàng) như ném đôi dép cũ thiệt, nhưng ngài ném cho con trai là vua Trần Anh Tông, chứ không phải cho đám quý tộc dòng thứ nhặt. Cái gương sư Vạn Hạnh triều Lý cùng phát động chính trị lật đổ triều Tiền Lê còn đó, các vua Trần sao dám quên. Vấn đề là riêng quan hệ Đạo và Đời của quý tộc đời Lý Trần – phân biệt công nghiệp thuần tuý thế sự và quốc sự có chỗ vĩ đại, vô cùng đáng tán thán, có chỗ thấp thỏi, thiếu gương mẫu mà vụ bức tử Lý Huệ Tông, gả chị dâu cho Trần Cảnh và bậc bề tôi Trần Thủ Độ lại lấy chị họ, vợ Lý Huệ Tông làm vợ là những trang sử bị vấy bẩn – có phần chính nghĩa, có cái thế đường đường chính chính của nó, có khác với trào lưu can thiệp dấm dúi, u u minh minh hiện nay – người ta đi với Đạo không thiếu lòng thành tín và tâm sám hối, tập họp một quần chúng đa phần là Phật tử nhằm hưng quốc an dân là có khí thế và phong độ đại nghĩa, khác với chuyện mình công khai phủ định, nghi ngờ lý tưởng tôn giáo thì lén lút vào chùa và nhà thờ người ta làm gì!

Có thể nói đặc điểm “quốc gia hoá” cả tôn giáo – người viết đang nói tới Phật giáo, không chỉ Thần đạo – của Nhật Bản nói lên nhiều thứ. Mặt mạnh dễ thấy, với sự hỗ trợ chính thức về vật chất, tinh thần – nếu không nói rõ là hỗ trợ chính trị – từ trung ương và bằng văn bản, sắc chỉ hẳn hoi ngay từ thời mon men xuất hiện trên sân khấu quốc gia, Phật giáo Nhật từ vị trí một tôn giáo ngoại lai đang bị thế lực Thần đạo chống báng và kèn cựa, nhanh chóng trở thành một tôn giáo có địa vị gần như quốc giáo. Tốc độ tất nhiên nhanh hơn và không thấm máu tín đồ, so với Thiên Chúa giáo cho tới khi có sự chính thức chấp nhận và ủng hộ của Hoàng đế Constantine.

Mặt khác, không khó đoán, địa vị “chính thức” (không hẳn là quốc giáo vì vị trí Thần đạo vẫn không hay ít thay đổi) do chế độ chính trị đẻ ra và “trả lương” – theo nghĩa đen – thì tu sĩ, trước hết quý cao tăng, đã là một dạng “công nhân viên chức” và tình nguyện chịu sự kiểm soát của quyền lực chính trị. Tuy nhiên – xin bạn đọc lưu ý – bản thân giới tăng lữ Nhật vốn cũng có tinh thần quốc gia mạnh mẽ không kém, nghĩa là họ có tính tự nguyện trong sứ mạng hưng quốc, có lòng tự hào phục vụ Thiên hoàng không kém chi các thần dân thế tục. Cần lưu ý không có chủ trương, tiền của đầu tư của chính quyền Nhật làm sao có chuyện vượt biển tầm đạo và Phật giáo Nhật sao có thành công rỡ ràng đến thế. Lòng trung trinh với thế quyền của sư sãi Nhật dễ giải thích, ban đầu có lẽ gần với ý chí báo hoàng ân và tình cảm ái quốc. Chỉ cần điểm qua các tên chùa, danh xưng các cao tăng kèm những “Hộ quốc”, “Trấn quốc” – liên tưởng tên chùa “Trấn Quốc” ở Thăng Long – là rõ.

Một điểm khác mà người đọc lịch sử Nhật Bản và lịch sử Phật giáo Nhật Bản dễ nhận ra và thỉnh thoảng tôi có nhắc lại là việc nhập đạo Phật có thể nói là cùng với việc nhập nguyên gói văn minh lục địa, với tình hình Nhật Bản thế kỷ thứ 7, là việc chào đón văn minh thế giới.

Ở bình diện có thể xem là mặt trái (thoái hoá), chỉ xem qua trang sử nhà chùa thành lập Tăng binh (Sohei), sư sãi vũ trang tận răng – người Nhật còn giữ tranh khắc hình ảnh, hiện vật áo giáp và vũ khí của đám tăng binh “chẳng giống ai” một thời (chưa nói tranh vẽ bãi chiến trường mà xác hai phe thắng và thua trận còn đẫm máu đều nhất thiết hệt nhau: đầu trọc, áo cà sa và quân phục tăng binh) là đủ cho bạn đọc rõ về khoản nhiệt huyết “dấn thân” vì đại sự quốc gia hay đại sự phe nhóm của một bộ phận tăng sĩ Nhật Bản trong lịch sử. Còn cuộc dấn thân này có hợp với tôn chỉ Phật giáo không thì không bình luận các bạn đã rõ! Trong tiểu mục “Tăng binh” (Sohei), tôi sẽ có bình luận, làm rõ về mặt thực chất và lịch sử hiện tượng lạ lùng này, có thêm cách lý giải cho khách quan hơn.

Cần bổ sung ý rằng không khó để kết luận hễ xướng một Pháp môn tu học, một chủ trương tông phái, một trước tác Phật giáo, cái nhìn của các tu sĩ trước tiên e không phải hướng về Phật Tổ, đại chúng tín đồ mà phải e dè hướng về phía Hoàng Cung và pháo đài của các Shogun – họ cũng là Phật tử và cũng có gu tôn giáo riêng của mình, trừ chuyện có quyền lực và vũ khí tận răng – nếu muốn yên thân và không bị cắt nguồn hỗ trợ. Có lẽ sự thực này phần nào lý giải sự nghiệp thiên về mô phỏng và minh hoạ, ít sáng tạo của truyền thống sớ luận Phật giáo Nhật Bản cổ điển (sự lựa chọn muốn hay không ỷ vào các trào lưu “mẹ” từ đại lục và sở thích của giới chính trị bảo trợ, khó quyết đoán và độc lập tư tưởng). Riêng các phong trào dân chủ hoá Phật giáo ở các thế kỷ sau (với các nhà sư tên tuổi như Shiran – Thân Loan và Nichiren – Nhật Liên) ban đầu không hợp tạng chính quyền xin có đôi lời sau, chưa vội bàn ở đây. Một lý do cá nhân là tôi ít hào hứng vì xét về bản chất, các phong trào này không có bước tiến ý nghĩa lớn gì về phương diện Phật pháp – nếu không nói là rất nhiều điểm đối nghịch hẳn – và nét “tích cực” nằm ở phương diện đấu tranh xã hội. Nếu đánh giá thấp giá trị xã hội của các cuộc vận động tôn giáo này thì không có gì sai lầm bằng, ý tôi chỉ muốn nói đó là một phản ứng thực chất mang tính chính trị của quần chúng dưới sự hướng dẫn của tầng lớp tu sĩ “bình dân” mới – chú ý dùng khái niệm “bình dân”, nhưng phần lớn các cao tăng chủ xướng là những bậc thức thời, thông tuệ, thậm chí cá biệt có vị mang dáng dấp của một nhà cách mạng xã hội – tôn giáo theo phong cách Jesus như có người ví von trong lòng quần chúng tín đồ. Do đó việc có nhà phân tích gọi đấy cũng là một phản ứng “xây dựng” tôn giáo (bằng phương tiện sặc mùi dân tuý – NTV) cũng có lý riêng, theo nghĩa có áp lực đòi bình đẳng trong tín ngưỡng, chống lại xu hướng độc quyền và kẻ cả ngay trong lĩnh vực tôn giáo của giai cấp quý tộc. Và cũng theo nghĩa nếu ai đó xác định được một lập trường và phong trào có tác dụng hữu ích trước mắt cho đại chúng, thì mọi phương tiện đều khả dụng, kể cả hiện tượng “lợi dụng tôn giáo” và “xuyên tạc kinh điển” liên quan một số tăng sĩ!

Để kết phần này không gì bằng quay lại buổi bình minh của Phật giáo ở Vương Quốc mặt trời mọc mà nhớ rằng ngay việc ủng hộ địa vị chính thức của Phật giáo ở Nhật Bản của họ tộc Soga (Tô Ngã) chống họ tộc Mononobe (Vật Bộ) vốn có thiên hướng phù Thần đạo, chống Phật giáo cũng có một phần bắt nguồn từ những tính toán đậm mùi chính trị cung đình cho họ tộc (ý đồ tán đồng tôn giáo mới với sự hợp lực của dòng Tô Ngã đi với ý chí hạn chế và tiêu diệt quyền lực hào tộc của họ Vật Bộ – điều mỉa mai là đến lượt họ tộc Soga này trở thành lộng thần, bức bách Thiên hoàng). Và một trong những Thiên hoàng đầu tiên bảo trợ Phật giáo ở thế kỷ thứ 7 đã từng nói rõ mục đích của mình là truyền bá Phật giáo để phủ dụ thần dân, nối kết tín đồ nhằm bảo vệ quyền lực của hoàng gia. Một thông điệp không thể nhẩm lẫn được, chính trị, không phải Phật pháp hay lý tưởng nhà Phật, mới là ngọn cờ chính. Vấn đề cẩn trọng bình thêm là ê-kíp quý tộc này có một chủ trương vừa thuận lợi cho họ tộc mình, đồng thời có một chọn lựa lịch sử đầy sáng suốt cho dân tộc. “Chọn lựa lịch sử” vì không chỉ là chọn tôn giáo mới mà còn chọn con đường lớn thoát ra trình độ phát triển thấp thỏi và tình trạng cô lập “hải đảo” đến với văn minh lục địa và cũng là văn minh nhân loại và thời đại (mà đương thời chính là văn hoá văn minh rực rỡ tầm thế giới của các triều Tuỳ Đường). Tên tuổi và công đức của vị thái tử nhận trách nhiệm Nhiếp Chính khi vừa tuổi hai mươi và qua đời ở tuổi bốn mươi chín đã trở thành biểu tượng truyền thống chính trị văn hoá, đạo đức trong sáng và cao cả trong tâm thức người dân Phù Tang và cả những ai am hiểu lịch sử và lịch sử văn hoá Nhật Bản.

3. TÍNH KỶ LUẬT, HỢP TÁC VÀ TÔN TRỌNG TÔN TI TRẬT TỰ

Những phẩm chất có giá trị trong tiêu đề trên đều có trong tính cách Nhật Bản – còn mặt trái của nó ta sẽ phân tích thêm.

Có câu chuyện nhiều người đã nghe đại khái rằng một người Việt thông minh hơn một người Nhật, nhưng ba người Nhật thì chấp luôn cả mười người Việt Nam – thực ra cách nói từ nguồn nước ngoài, nhiều dị bản, có chuyện liên quan một quốc tịch khác: Do Thái. Tôi nhắc lại và miễn cưỡng bình luận đây hẳn là sáng tác của người Việt ta, vì ngay vế đầu “một người Việt thông minh hơn một người Nhật” e đã chủ quan mất rồi. Riêng sức mạnh theo cấp số nhân của “ba người Nhật” cộng lại ở vế sau thì cả thế giới ắt cũng phải gật đầu thừa nhận, không riêng người Việt mình. Điều lạ là có nhà cải cách Nhật Bản lại diễn ý khác, cho rằng cá nhân một người Nhật căn bản là tốt, nhưng kết hợp lại thành một tập thể thiếu hiệu quả, “rách việc” – một suy nghĩ tỉnh táo, đặc biệt trong ngữ cảnh chỉ trích sự chia rẽ trong một giai đoạn nhất định của người Nhật.

Dù chia sẻ tính sĩ diện, thà chết hơn “mất mặt” của người dân các quốc gia “đồng văn” với Trung Hoa tới mức áp dụng cả phép “mổ bụng” (seppuku) – hay dễ nghe một tí là “harakiri” – để bảo toàn danh dự khi bị xúc phạm, thì chỗ quý của dân Phù Tang là khái niệm danh dự thường gắn đại sự hơn tiểu sự, tiểu tiết. Lịch sử Nhật chép vô số màn tự xử khi chiến bại, nhưng không nghe màn đâm cổ tự sát vì mất phần thịt thái lao của nhà vua, hay bị chiến hữu cướp quả táo tiên trong bàn tiệc như trong sử Trung Hoa, idol một thời của họ. Trọng tập thể nên có kỷ luật, biết kiềm chế bản thân, đặt cá nhân sau đại cục nhằm phục vụ đại cục là lẽ tất nhiên.

Một yếu tố hỗ trợ nữa là thói tôn ti trật tự rất mực trong tính cách Nhật. Xuất phát từ sự tôn trọng hoàng gia như trực hệ của Nữ Thần Thái Dương – không có chuyện người trần dám so sánh hay ganh tỵ với thần thánh –, trọng nể các thế lực quý tộc ngoài lý do sợ quyền lực và trả thù, còn vì lòng tin các họ tộc có thế lực này cũng là dây mơ rễ má với thân nhân Nữ Thần – một giọt máu đào (quý tộc) hơn ao nước lã (bần dân) kia mà! Chi tiết ngay từ thời cổ đại được sử Tàu ghi lại, người bình dân đi đường thấy các bậc ở tầng lớp trên, dù là một chức quan nhỏ, cũng vội quỳ lổm ngổm vệ đường, đầu rạp xuống, không dám đối mặt cho ta thấy đôi điều về ý chí bảo vệ tôn ti trật tự kiểu Nhật.

Hình ảnh cuối vừa nhắc có phần khó coi, nếu không nói quá quắt theo cách nhìn hiện đại. Nhưng ắt có quan hệ với hình ảnh trên dưới một lòng, vua tôi và tướng sĩ có mặt lúc cần đoàn kết, ở những khúc quanh lịch sử – còn tuỳ thời kỳ mà quyền uy thiên về ai (Thiên hoàng, đại thần hay tướng quân) khoan luận ở đây. Tập tục này chi phối cả trong hệ thống công sở, kinh doanh nơi người Nhật xem việc bám trụ một đời, nhiều đời với một ông chủ nhất định là niềm tự hào (nghe nói tập quán này đã có thay đổi). Và hiện tượng Karoshi (過労死 quá lao tử) mà phương Tây gọi là “workaholic”, có khi chết tại công sở, hẳn có liên quan tính cách này! Trong thời kỳ chiến tranh – đầu và giữa thế kỷ 20 – những câu chuyện về ý chí quyết tử vì Thiên hoàng, chuyện lính Nhật Bản lẩn lút trong rừng sâu hàng chục năm vì chưa có mệnh lệnh của cấp trên, chuyện các phi đội Thần Phong (Kamakaze) và chuyện tướng sĩ mổ bụng khi nghe tin Nhật Bản đầu hàng thì cả thế giới đều rõ. Người xúc động và ngưỡng mộ, người cảm nhận có thoáng mùi cực đoan, ngu trung – và ta phải thừa nhận tất cả đều có phần đúng.

Nhưng dù thiên về nhận định nào trong hai ý trên liên quan tính cách Nhật, cả nhân loại phải nghiêng mình trước một đất nước đứng dậy từ thất bại, tủi nhục sau 1945, trên những hoang tàn mang tên Hiroshima, Nagasaki… để phục sinh với hiện tượng Thần Kỳ Nhật Bản. Cái khí thế phi thường và có thể nói cả dị thường tất nhiên nổi lên tự gốc rễ là tính cách và đởm lược anh hùng và cao quý của dân tộc của họ. Hình ảnh hàng triệu dân Nhật già trẻ, nam nữ ẩn nhẫn, bình thản ngay trong đợt thiên tai kinh hoàng năm trước đây, đi đứng trật tự, nhường nhịn nhau cả khi đói lả chờ cứu trợ nhắc nhân loại sự có mặt của một dân tộc thừa phẩm hạnh và đầy tự trọng đang sống chung hành tinh với mình.

Chủ nghĩa tập thể quốc hồn quốc tuý này có nét cực đoan và phân tích xã hội học cho thấy nó có liên hệ với tâm lý ức chế trong thời bình lẫn thời chiến, tất nhiên nguy hiểm nhất là trong thời chiến và ở bên ngoài Nhật Bản. Khẩu hiệu quốc gia chủ nghĩa và tập tính tuân thủ lãnh đạo một cách mù quáng, tiêu diệt tư duy và lương tri cá nhân đã dẫn tới hành động cuồng tín và cả tội ác là điều mà lịch sử đã ghi nhận và không ít học giả Nhật từng nêu công khai.

4. CHỦ NGHĨA DUY MỸ KÌ ĐẶC CỦA DÂN TỘC NHẬT

Một đặc điểm thú vị, rất “Nhật Bản” nữa là kỹ năng thẩm mỹ và đáng gọi là chủ nghĩa duy mỹ đặc thù của người xứ Phù Tang. Khuynh hướng về cái đẹp, tiến tới ý thức tìm tòi, sở đắc cái tận mỹ được các nhà nghiên cứu bản địa cũng như nước ngoài xác nhận nguồn gốc từ thời ban sơ, thuở còn trình độ văn minh thị tộc. Một ví dụ được nhắc là sau khi đã tỉ mẩn hoàn thành một sản phẩm thủ công phục vụ sinh hoạt hay nông nghiệp chẳng hạn, người Nhật vẫn nấn ná thêm thắt gì đó. Điều mà các nhà nghiên cứu cho là xuất phát từ nhu cầu tự thân, vô vị lợi và cũng là thao tác phi thực tế, nhờ nó mà có nghệ thuật, có cái đẹp. Cái hồn nghệ sĩ của cả một dân tộc làm nên sắc thái, phong thái siêu đẳng cấp cho văn hoá Nhật Bản là như thế và do thế. Chê mình lúc đang khen người có thể gây hiểu lầm, nhưng biết tự phê, tự trào đúng chỗ vẫn là bản lĩnh cần thiết. Tôi cẩn thận trước khi nhắc một ý kiến thú vị của nhà khảo cổ Trần Quốc Vượng. Con người nổi tiếng thông minh, bạo miệng từng nhận xét rằng: cùng sản xuất trống đồng “Đông Sơn” (được tìm thấy ở Vân Nam, Trung Quốc, ở Nam Đảo, không chỉ ở Đông Sơn, Việt Nam), nhưng người ta cẩn thận cho tới nét hoa văn cuối cùng, trong khi nét vẽ của cha ông ta càng cuối càng cẩu thả. Và Trần tiên sinh buông câu kết rất đắt: “Thì ra tính cẩu thả của dân tộc ta đã có từ đời tổ tiên!”.

Xét cho khách quan, hai lần “chiến thắng” người Mông Cổ của người Nhật – thế giới đều biết – là nhờ yếu tố “Thần Phong” (Kamakaze), không có cơ sở so được với ba lần đại thắng quân Nguyên Mông của quân dân thời vua Trần nước ta – đáng tiếc là thế giới biết rất ít –; chưa nói trong khi nước Nhật được cả một vùng biển rộng song to gió lớn làm biên giới tự nhiên thì Trung Quốc chỉ cách đất Việt dãy núi không quá hiểm trở và theo đường biển có khi thả thuyền trôi theo hải lưu nội ngày là xâm nhập vịnh Bắc Phần (tại sao không, nếu tập kết ở vùng cận vùng biển Việt!). Nhưng mặt khác, theo thiển ý, nên thừa nhận thẳng thắn rằng tấm lòng yêu cái đẹp, óc thẩm mỹ tinh tế, niềm đam mê dâng hiến cho lý tưởng thẩm mỹ của người Việt thua xa dân tộc Nhật, phải tôn họ làm thầy. Nhân đây nhắc một nhận xét được các học giả chia sẻ rằng vài thế kỷ đầu tiếp xúc với Phật giáo Trung Quốc, trong thực tế người Nhật không lĩnh hội nổi và không thực chú ý chiều sâu của kinh luận nhà Phật từ lục địa, nhưng hạn chế này – một phần do vấn đề ngôn ngữ – không ngăn cản được sự mô phỏng tài tình và thành công lớn trong một loạt lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội hoạ, đúc tượng, thi ca và cả thư pháp (Sho), tuy có người cho cả nghệ thuật bonsai và cắm hoa (Ikebana) vốn cũng gốc gác Trung Hoa (?). Trừ thi ca thuộc văn chương, gần như tất cả là nghệ thuật tạo hình. Đặc điểm này – chú trọng và có thiên hướng thẩm mỹ, thiên về nghệ thuật, đặc biệt thị giác sắc sảo, nhanh nhạy về cái Đẹp hình thức (form) dường như lây lan, áp dụng cả trong tôn giáo, triết học và nói riêng triết học Phật giáo mà theo thiển ý của tôi gợi lên một câu hỏi lớn, nên dùng một từ quen dùng ở miền Nam trước 1975, “vấn nạn”, lơ lửng: chân lý tuyệt đối của Thiền có diễn tả được bằng hình thức, khuôn trong khái niệm “Form” của nghệ thuật, cái Đẹp và tiêu chuẩn thẩm mỹ “thế đạo” hay không? Một phần riêng trong loạt bài chung chủ đề sẽ được dành tản mạn quanh ý tưởng có phần trừu tượng này.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh như thế là do nhớ lời biện bạch của một số nhà nghiên cứu Việt rằng ta không có công trình mỹ thuật, kiến trúc lớn vì ta nghèo, không muốn dân khổ, lại bận bịu chiến tranh giữ nước – xin lỗi trước, để cho thực sự khách quan nên bổ sung bao gồm cả các thởi kì bận bịu “chiến tranh chiếm đất của nước láng giềng” – và nhận thức tính vô thường của đền đài, cung điện xa xỉ. Cái vế cuối – kiến trúc kỳ vĩ – còn nghe được, nhưng óc và tài thẩm mỹ đâu phải chỉ trong kiến trúc nguy nga, đồ sộ. Bàn tay nghệ sĩ như bàn tay vua Mida tất nhiên đặt vào đâu – một cái bát, một xâu chuỗi, một cái vòng đeo tai – hẳn để lại dấu vết thiên tài, óng ánh không phải vàng ròng hay vàng 999 của ngài Mida mà là chất vàng nghệ thuật vĩnh cửu. Còn thời gian? Thời gian xây cất Kim tự tháp hay A Phòng không nói, nặn một tượng đất sét, đất nung, gốm sứ ắt chiếm không nhiều thời gian và khâu đầu tư. Mà người Việt ta khối chi thời gian, “tháng giêng là tháng ăn chơi – tháng hai cờ bạc…” kia mà. Vậy dù có ngoại đề, nhân ca ngợi óc thẩm mỹ cao thượng của người Nhật ta cũng nên thừa nhận truyền thống kém tỉ mỉ, bay bổng, không dám chết sống vì cái Đẹp và xu hướng “cẩu thả” của dân ta (nhất là không xấu thiếp hổ chàng chi một khi nguồn gốc được tiên sinh Trần Quốc Vượng quái quỷ chỉ ra đâu tận đời tổ, đời sơ lận!). Chỉ lướt qua lịch sử gần thì Champa, Khmer, xa thì Hy Lạp, Ai Cập xem ra người ta sáng tạo cả giữa hai cuộc chinh chiến lẫn thời kỳ đang chiến tranh. Lập luận hễ ham mê văn nghệ là mất nước e chỉ là một lối lý sự gượng gạo có khí vị AQ chăng!

Không dám gọi là một đặc điểm dân tộc e xúc phạm người anh em Nhật Bản, nên bổ sung này xem như là một câu hỏi. Nói tới sự kinh hoàng của chiến tranh giữa các phe phái ở Nhật, kể cả các cuộc đánh nhau giữa các chùa, tông phái mà sâu bên trong là động lực chính trị và kinh tế – đứng về giáo pháp và pháp môn từ bi nổi tiếng của Phật giáo thì phải thận trọng nói là không có kinh kệ nào dám chủ trương bạo động và đi sâu phân tích thì hiển hiện bộ mặt thế đạo, quyền lợi của một hạng sư sãi suy đồi đáng ghét và một bộ phận đám quý tộc nhận quản lý chùa đền như tiếp nhận cơ hội kinh doanh lớn sau khi không bon chen nổi vào chính trường – thì e quốc gia nào cũng có. Cái may là có thể an ủi dzui dzui rằng ngoài thời kỳ choảng nhau giữa những người đang choảng nhau, người Nhật (và Phật tử Nhật) đối xử với nhau rất mẫu mực, cung cách văn minh, giàu nhẫn nhịn, từ ái của một dân tộc tự trọng, có kỷ luật, có nền tảng văn hoá sâu sắc. Chưa nói, với độ lùi của lịch sử và bằng chứng, ta tha hồ phê phán, nhưng có thể phán đoán ngay lúc đương thời có khối gì người dân Nhật, và nói riêng Phật tử Nhật, nhận ra những màn oái ăm đạo đức giả của các bộ mặt chính trị và tôn giáo đương thời – đại khái y như tâm lý quần chúng hiện nay với những xen suy đồi lố lăng của tục lẫn tăng.

Có một thời rất xưa, trước thời kỳ Nara (Nại Lương) và tiếp tục qua cả thời Heian (Bình An), người Nhật học văn hoá Trung Quốc, tiếp nhận ảnh hưởng Trung Quốc qua người Triều Tiên, mời chuyên viên hai nước qua Nhật – khi xâm lấn Triều Tiên còn trịnh trọng “áp tải” thẳng người tài Triều Tiên về nước mình – và công khai đãi ngộ hào phóng, xem họ là bậc thầy, không lấy làm tự ái. Còn việc khi có cơ duyên là chớp thời cơ cướp đất, cướp nước của thầy chưa bàn ở đây.

Ham lan man tản mạn, xin quay về ý của “tiểu mục” này: câu hỏi về một tính cách Nhật Bản. Không rõ sao cái nhân thân đầy phẩm hạnh của người Nhật, một nền văn hoá trong sâu thẳm tâm linh tìm về với thiên nhiên hài hoà, lý tưởng xã hội thanh bình thể hiện rõ trong cách ứng xử trầm tĩnh, tương kính giữa đồng bào với nhau lại tỏ ra quyết liệt, tàn nhẫn khi tiến hành chiến tranh ra nước ngoài. Chỉ cần nhắc hai sự kiện nhiều người biết: Vụ hàng triệu người Việt chết đói năm 1945 do chính sách bỏ lúa, trồng cây công nghiệp phục vụ quân đội Thiên hoàng và vụ tàn sát ở Nam Kinh Trung Quốc. Vụ Ất Dậu ta không lạ gì, xin nói qua vụ Nam Kinh. Có nguồn cho số dân Trung Quốc bị tàn sát là khoảng hai trăm ngàn người, có nguồn tư liệu khác cho con số thấp hơn. Tất cả – kể cả một viên chức của chính quyền Đức Quốc Xã, ông John Rabe (người được Iris Chang, tác giả cuốn The Rape of Nanking (Basic Books, 1997) gọi là “the Nazi Hero of Nanking”) đang công cán ở Nam Kinh và đã tận lực cứu được vô số nạn nhân – khẳng định cuôc tàn sát bất nhẫn đều hướng vào người không có vũ khí. Trong tác phẩm The Rape of Nanking này có những tấm ảnh chụp cảnh những hố mới đào dọc đường, nơi lính Nhật bắn và chém người dân Nam Kinh và đẩy luôn xuống hố, không cần xét xử, tuyên án, có tấm hình một thiếu phụ Trung Quốc có bầu bị lột truồng đứng bên cạnh một lính Nhật với tư thế chụp hình souvenir, đầy phong thái. Phía sau cảnh lia kiếm chặt đầu một người dân Trung Hoa trong tư thế quỳ là ba binh sĩ Nhật, hai trong số này nở nụ cười toe toét, khoái chí. Có cả những bức ảnh tột cùng man rợ: một thiếu nữ trần truồng, mặt sưng tấy và hỗn loạn bị cột vào ghế và bị hãm hiếp tập thể, cùng một bức nữa với một lưỡi lê cắm phập vào cửa mình một xác chết bị lột quần. Một đoạn bờ sông Dương Tử, chất đầy xác người đan vào que, cành cây, cỏ lá sắp bị tống xuống sông y như số phận một loài bèo rêu, cỏ rác. Những Samurai kiểu mới đều mang phong cách truyền thống, nghiêm nghị, kỷ luật, cảnh giác. Không có ý thức gì về bản chất và hành vi xâm lược và tàn bạo của mình. Không nghi ngờ gì nữa, đấy là những người chơi bonsai, biết thưởng thức một bình hoa cắm theo phong cách thiền cổ và cầm chắc có cả những hành giả có công phu thực hành Zen bậc thầy. Nhớ câu chuyện các phi công quốc xã trước khi leo lên máy bay dội bom lên đầu người vô tội vẫn say sưa nghe nhạc Chopin và Mozart – trong trường hợp này không rõ vai trò của Zen, Chopin và Mozart là gì!

Chuyện gì xảy ra với tính cách Nhật? Chỉ có thể nói người Nhật và cả phần nhân loại phi-Nhật-Bản đều nên cùng suy nghĩ. Người Mỹ có thiết chế dân chủ được ca ngợi, nhưng tới đâu chỉ khoái bỏ đô la thuê bao vài gã độc tài biết vâng lời chủ, bỏ lại dân chủ ở Washington. Khi một đất nước nhỏ bé như Syria có vấn đề nội bộ, giải pháp nhân loại thấy trên màn hình là hết người Nga, người Mỹ tới người Pháp, người Iran và nay tới người Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau dội bom. Trong mỗi bài diễn văn của một nhà chính trị, tuỳ lập trường mỗi người mà quyết chỗ này thật, chỗ kia giả, nhưng có một cái thật 100% không ai có thể bác bỏ là hàng trăm ngàn người Syria lần lượt chết trước khi bọn lái súng và bọn buôn dầu mỏ đa quốc tịch thoả thuận ngầm xong vụ đưa chiến tranh qua chiến trường mới nào.

Vậy cả loài động vật thường gọi là loài người – không riêng người Nhật Bản – có văn hoá tử tế, nhưng qua đất nước người bỗng thành những tên hiếu sát có khi do không vượt qua tâm thức ta là Đại Cồ Nhật, Đại Cồ Hoa, Đại Cồ Việt… còn bọn các ngươi là man di gà vịt, là món ăn trưa chiều của ta – không có khái niệm đồng loại thương cảm ở đây hay chăng. Gà vịt là để làm món ăn, món nhậu không phải đối tượng để bàn chuyển giao dân chủ, hoà bình! Ngay giữ người Việt với nhau – mà toàn người Việt anh hùng có thừa đang quyết chống giặc Mông Nguyên đại ác, sẵn sàng chết cho tổ quốc Đại Việt tồn tại – mà một viên tướng Đại Việt (Trần Khánh Dư) vẫn tỉnh bơ đưa ra triết lý đại khái dân chúng và lính tráng là chim sẻ, chim sâu làm mồi cho các tướng quân là chim bằng, chim hộc là lý đương nhiên kia mà!

Nếu có thành viên hội ái hữu hội Nhật-Việt nào đọc qua mấy dòng này mà phật lòng, cho là giọng tổn thương quan hệ hai dân tộc “đồng văn” thì đâm oan cho người viết. Phần tươi đẹp nào về nước Nhật mà các tour du lịch hay sách báo ta lâu nay quen ca ngợi, giới thiệu – với lòng chân thật pha tí màu marketing – không phải nói thêm. Lý do mạnh mẽ hơn, đâu phải dân Việt, sử Việt ta không có vấn đề. Chúng ta còn phải suy nghĩ nhiều về ý kiến của hai bậc danh sĩ. Ông Trần Quốc Vượng (đầu thập kỉ 80) gọi thẳng việc tướng sĩ dưới quyền chỉ huy của vua Lê Thánh Tông đã giết bốn vạn quân dân Champa, và cuộc chiến do vua Lý Thánh Tông trực tiếp chỉ huy có số tử vong của cùng đối tượng là 60.000 (tôi cho các con số do chính người chiến thắng nêu lên là có phóng đại với mục đích tuyên truyền và răn đe – NTV) là “diệt chủng” và ông Nguyễn Khánh Toàn (từ đầu những năm 20 thế kỷ trước) đánh giá trước và sau cuộc chiến tranh với Champa dưới sự chỉ đạo của vua Lê Đại Hành là sự khác biệt giữa chiến tranh bảo vệ biên giới và chiến tranh xâm lấn. Có một lưu ý là người xưa ưa phóng đại số tử vong của đối phương để hăm doạ và nâng cao thắng lợi của mình, quên rằng lúc chính nghĩa không về phía phe ta thì rơi vào tình huống tự tố cáo mình. Một ví dụ về sự phóng đại là sử Tàu ghi đại tướng nhà Tần Đồ Thư đem 50 vạn quân đóng ở biên giới, phân quân qua đánh xứ ta – chắc có ý đồ bình định cả vùng Bách Việt! – rồi bị cha ông ta đánh du kích, từ chối “hợp tác” (thà lên non ở với ác thú còn hơn ở chung với giặc phương Bắc) và phần do dịch bệnh chết không kể xiết, phải kéo quân về. Con số 500 ngàn quân hẳn là do tuyên giáo Tàu Ô phao ẩu ra để uy hiếp quân dân Bách Việt. Còn nếu quả thật như vậy thì địch lại quảng cáo cho ta, đến Tần Thuỷ Hoàng cũng phải e dè sức mạnh quân dân con cháu đức Hùng Vương khi còn thời Liên Minh Bộ Lạc hay chăng!

5. SỰ HỌC VÀ CÁCH HỌC KHÁC ĐỜI CỦA NGƯỜI NHẬT

Các nhà nghiên cứu thống nhất có hai kì học tập lớn trong lịch sử Nhật, một kéo dài tính bằng nhiều thế kỷ và một rút gọn chỉ vài thập kỉ. Kì đầu học văn minh Trung Quốc, còn gọi là văn minh lục địa, của người quyết xoá văn minh hải đảo hạn chế và thô phác của mình. Kì hai học một nền văn minh xa lạ với tàng thư phương Đông nghìn năm – tạm bỏ qua nhận xét Nhật Bản có nhiều đặc điểm giống phương Tây hơn Tàu – có nền khoa học kỹ thuật mấy trăm năm vượt hẳn mình và thần tượng năm xưa.

Kết quả việc học và hành của người Nhật thế nào chúng ta đã rõ, không cần nói nhiều. Sau đây là vài nhận xét:

– Cùng gọi là quốc gia “đồng văn” (hay “Hán hoá”), nhưng Cao Ly và Việt Nam ngày trước là nước bị xâm chiếm, trở thành quận huyện của Trung Hoa và khởi đầu cùng kéo dài việc học do nhà cầm quyền nước ngoài tổ chức, định hướng. Nhật Bản có tư thế khác hẳn: Họ – nói rõ là với ý chí và tổ chức của chính quyền các Thiên hoàng và sứ quân – học và “du học” tự nguyện đúng nghĩa và dĩ nhiên học theo định hướng, mục tiêu của chính mình. Tư thế khác tất nhiên chất lượng phải khác.

– Nếu tính riêng số học viên được tuyển sang Tàu học, số người đi từ Việt và Cao Ly có giới hạn và lộ trình phải an toàn hơn. Người Việt đi đường bộ, nếu bằng đường thuỷ dọc duyên hải mức nguy hiểm không sánh được với hành trình vượt biển qua Trung Hoa của người Nhật – chú ý trình độ đóng thuyền và kinh nghiệm hàng hải còn hạn chế, nhất là vào những thế kỷ thứ 7, 8.

– Du học sinh Nhật, nói riêng các trường hợp được ghi nhận là tăng sĩ, có thời được quyền du hành khắp đất Trung Hoa tầm sư học đạo, thời gian hình như không hạn chế (?) vì cá biệt có vị ở tới 30 năm.

– Các du học sinh thành tài trở về Nhật Bản được nhà nước, tu viện bố trí công việc thích hợp và trước tác được đầu tư và bảo trợ in ấn. Sự trân trọng cho lớp người học vì nước, vì quê hương (tới độ có vị vong thân, gửi thây xứ người và ngoài biển cả) tới độ tên tuổi không ít các du học sinh cả 15 thế kỷ trước còn được lưu trữ) mang tính quốc sách.

– Học và du học chủ động nên tri thức cũng thực tế và kịp thời. Thực tế vì học cả chữ, kinh sách lẫn nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng cầu cống. Một ví dụ cho nhận xét “kịp thời”: khi ngài Huyền Trang (theo một số nhà nghiên cứu nên phát âm là Huyền Tráng) thỉnh kinh về, lao vào dịch kinh, thuyết pháp, ưu tiên cho Duy Thức Tông, Pháp Tướng Tông thì nhà sư Nhật đưa tông phái này về Nhật Bản là đệ tử trực tiếp của chính hai ngài Huyền Trang và Khuy Cơ. Không dám xem thường đồng bào mình chứ tôi ngờ tuyệt đại đa số tín đồ Việt biết ngài Huyền Trang là qua bộ mặt Đường Tam Tạng trên màn ảnh TV với Tôn Ngộ Không, Bát Giái và Sa Tăng nhảy loi xoi chung quanh!

– Thêm một nhận xét về sự học ban sơ của Nhật Bản là địa vị lớn, trung tâm của sư sãi. Việc học của tu sĩ bao quát cả văn minh lục địa nói chung, không chỉ nội dung Phật giáo. Có thể gọi hoài bão học tập của họ là của một dạng công dân – tu sĩ hơn là tu sĩ thuần tuý. Rất có thể tựa như tình hình nước ta thời Đinh-Tiền Lê, lực lượng sư sãi gần như độc quyền trong việc tiếp xúc, đọc và hiểu chữ Hán mà họ gọi là Kanji, thứ chữ người Nhật tiếp xúc rất khó khăn, nên việc đa số họ cứ thế mà thành “cán bộ nhà nước” cũng không khó hiểu lắm. Thậm chí chính quyền và giới quý tộc Nhật ban đầu còn thuê giới tu sĩ, sĩ phu từ Cao Ly, Trung Hoa làm dịch vụ liên quan giấy tờ, chữ nghĩa y cách một số quốc gia, công ty thuê chuyên gia vi tính bây giờ. Tư liệu còn tồn trữ cho thấy trong đoàn “du học sinh” Nhật đi Trung Hoa có người Tàu lẫn công dân Cao Ly. Và đứng đầu một cơ quan văn hoá trong cung đình đầy uy tín có dạo là một người Cao Ly.

Slogan nổi tiếng, nêu rõ chí khí học tập kiểu Nhật là “Học người, bắt kịp người và vượt người”.

6. TÍNH CÁCH NGƯỜI NHẬT: HÀI HOÀ HAY CỰC ĐOAN?

Có lẽ cả hai, cho dù hai khái niệm hài hoà và cực đoan đúng là khó lòng đi với nhau.

Hài hoà? Người Nhật – như đã lưu ý từ đầu – không từ bỏ cả những yếu tố ban sơ, nguyên thuỷ. Từ cái gọi là tinh thần Thần đạo, đến giá trị thiêng liêng của ba thứ quốc bảo (Sanshu no Jingi 三種神器Tam Chủng Thần Khí) độc đáo gồm thanh kiếm Kusanagi no Tsurugi (草薙剑 Thảo thế kiếm) ), Chiếc gương Yata no Kagami (八咫镜 Bát chỉ kính) và hòn ngọc Yasakani no Magatama (八尺瓊勾玉 Bát xích quỳnh câu ngọc – mà có người nói thẳng tuột ra là “Đấy là một thanh kiếm sắt dài y như những thanh kiếm dễ thấy khắp vùng Bắc Á, một cái gương bằng đồng thau tượng trưng cho Nữ Thần Thái Dương, nhưng rõ ràng có gốc gác Trung Hoa và một món được gọi là một thỏi ngọc dạng móc câu, một hòn đá quý kích thước nhỏ có hình dấu phẩy, có lẽ vốn là biểu tượng cho cái móng gấu rất dễ kiếm trong các món mà ngành khảo cổ khai quật được ở Triều Tiên.” (They are a long iron sword like those common throughout Northeast Asia, a bronze mirror representing the Sun Goddess but clearly derived from China, and a so-called curved jewel (magatama), a small comma-shaped stone, perhaps originally representing a bear claw and common also in Korean archeological finds.” (Edwin O. Reischauer, 1989. Japan, the Short Story of a Nation. New York: Afred A. Knopf, tr. 23-24), rồi từ các món kịch Nô, thơ Haiku, Bonsai lỉnh kỉnh đến Sado – trà đạo… nhất nhất gìn giữ, bảo kê. Qua chính thông tin của chính người Nhật, thâm tâm nhiều công dân Nhật hiện đại e không còn… “vũ như cẩn” nữa rồi, đến Thiên hoàng Chiêu Hoà – Hirohito sau 1945 còn có tuyên cáo xác định với “thần dân” cũ rằng mình không phải là thần linh và con cháu thần linh, nhưng cảm tình và lòng hâm mộ phảng phất sự tôn kính dành cho Hoàng gia vẫn còn đó như một mỹ tục, biểu cảm văn hoá. Những biểu cảm từ tốn, khoan hoà, kiên nhẫn, hiếu khách gây ấn tượng với dân du lịch và khách nước ngoài. Từ những năm 70 vào thế kỷ 19, phu nhân Tổng thống Mỹ U. Grant – anh hùng trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ – đã nhận xét trong chuyến viếng thăm Nhật Bản “dù đã ghé thăm nhiều nước và được tiếp đón nhưng không thấy nơi nào nhân dân thân thiện như người Nhật Bản”; còn phần Tổng thống U. Grant, theo lời Donald Keene, tác giả công trình Thiên hoàng Minh Trị (Ca Câu La dịch, NXB Dân Trí, Hà Nội, 2019) thì “suốt đời không quên [cuộc tiếp đón của Thiên hoàng và nhân dân] Nhật Bản”.

image_thumb

Tam Chủng Thần Khí

Cực đoan ư? Không khó chứng minh. Chỉ một khái niệm “Hiếu” người Nhật xem ra đã có dư luận hơn người – mà đã “Hiếu” thì khó lòng “Hài” và “Hoà” được. “ Hiếu thắng, hiếu chiến” như Châm Vũ Nguyễn Văn Tần nhận xét, dù phải thấy cả mặt tích cực và tiêu cực.

– Học người hơn mình là phải “Hiếu” học. Học tất, học tới bến, đi tận nơi về tận chỗ. Học thiệt tình, thầy ra thầy, trò ra trò, chưa “chiếm đóng” được nước thầy thì vẫn đãi thầy ngồi chiếu sư phụ (Cao Ly), vừa đuổi xong kẻ thù lại đuổi theo để giao thương và học tập vì kẻ thù còn khối cái hơn mình, không chính thức thì bán chính thức hay bí mật (trường hợp liên quan nhà Nguyên). Không có chuyện văn phẩm, trước tác của đồng bào mình (Miền Nam trước 1975) cũng chủ trương xoá tiệt vì sợ ảnh hưởng “thực dân mới” hay giữ lại vô tình có bằng chứng không có ta lãnh đạo mà lại dám có tác phẩm… hay! Hỗn!

– Cái kì tích học văn minh Tây, mấy chục năm bằng mấy trăm năm nằm trong lề lối học hết mình, gọi là học ra học, làm ra làm truyền thống, nằm thâm căn cố đế trong tích cách “cực đoan” Nhật, phải đâu chuyện một sớm một chiều.

Riêng cái sự hiếu chiến của quân phiệt Nhật như cuối thế kỷ 19, tiền bán thế kỷ 20 khi nền tảng chưa hẳn vững vàng đã mơ màng chia hai, chia ba thế giới dẫn tới kết thúc mang tên Hiroshima và Nagasaki thế giới ai cũng rõ, miễn bàn thêm vậy.

– Về phẩm chất “hiếu thắng”, “hiếu chiến”, có thể nói thêm e không sai lắm: có cả tí “hiếu sát”. Để tránh xúc phạm số nhà Nhật Bản học nhìn đâu cũng thấy toàn chất thẩm mỹ và chất Zen – không một tì vết – của dân tộc Phù Tang, xin lấy ngay ý trích dẫn từ một sử gia bản địa, ngài Ishi-da Kazu-yoshi Ishi (Nhật Bản tư tưởng sử, tập 1– bản dịch của Nguyễn Văn Tần. Sài Gòn: Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, 1972) và về chính nội tình lịch sử Nhật.

– “Tuy nhiên, cũng vì lòng trung trinh với chúa mà giai cấp quý tộc luôn luôn xung đột đến đẫm máu, bôi vào dòng lịch sử của hoàng gia nhiều vết hoen ố… cốt nhục tương tàn” (trang 162).

– “…Vị thử, dù tiên quân vẫn còn tại vị nhưng các hoàng tử đã kết bè tạo cánh để giành ngôi báu sau này về cho mình… nhưng tại hậu trường chính trị thì người ngầm theo hoàng tử này, người bí mật theo hoàng tử kia, ngày đêm bàn mưu tính kế, chẳng từ một hành động cứng rắn thâm độc nào” (trang 166).

– “…Quan thấp thì mưu để lên cao, lên cao rồi thì phải tính đường triệt đồng liêu để địa vị được vững bền; thắng thì giết đồng liêu, thua thì mai phục trả thù, giàu rồi thì thì vơ vét để được giàu hơn nữa”.

Không ai xem những đánh giá gay gắt trên là tiếng nói cuối cùng về tính cách của người Nhật, và lại càng sai lầm mà cho nó là tính cách đặc thù của riêng đám quý tộc, chính trị gia suy đồi đất Phù Tang – nó là thứ tà hạnh chia đều cho quân ăn trên ngồi trốc cơ hội chủ nghĩa đủ mọi thời, đủ mọi quốc tịch; vấn đề là cần nhắc lại cho đủ hai mặt của đồng tiền và tránh thói khen chê xốc nổi, một chiều dù về mình hay về người. Tính cách không phải nói lên tất cả một cách tuyệt đối, nhưng dù là cá nhân hay đối với một dân tộc, nó tạo ra một phần thân phận và cái gọi là số phận. Với đối tượng quen tên nhưng không hẳn quen tính như Nhật Bản, tôi cho rằng nghe cho hết nhận định của nhiều phía, không ngại lặp lại, vẫn rất cần và thậm chí thú vị trong chuyện nghiền ngẫm lịch sử – xin lỗi, nếu không thì học lịch sử làm gì!

Khảo sát của các nhà nghiên cứu cho thấy phần đông du khách đánh giá cao tính lịch thiệp, tử tế và trầm tĩnh khi tiếp xúc với nhau và với khách nước ngoài của người bản địa. Nói thêm tính trật tự, tôn trọng kỷ luật mà có người cho phần nào là do ảnh hưởng Nho giáo. Có thuyết phục không? Nước ta gần 2.000 năm, cả thời kỳ giành được độc lập rồi, cũng chịu ảnh hưởng Nho giáo đấy thôi, nhưng không nghe ai tán thán kỷ luật xếp hàng và tôn trọng trật tự nơi công cộng của người Việt. Bên kia Ải Nam Quan, đích thị quê hương cụ Khổng, qua phản hồi nghe kha khá vụ mất vệ sinh, đại khái cho con đái ngay cột trụ cẩm thạch của đại bảo tàng Nga ở Petersburg (?) và ở tiệm ăn ở nước ngoài thì phát huy truyền thống speaking Chinese to hơn ong vỡ tổ. Rất có thể một đất nước buổi ban sơ kinh qua bao thảm hoạ thiên nhiên (sóng thần, động đất, bảo tố…) và nghệ thuật sống sót phải gắn với cứu hộ tập thể, cần trật tự, trầm tĩnh tối đa và câu chuyện một thiếu niên mặt non choẹt sau cơn sóng thần từ chối nhận trước xuất ăn cứu đói trong lúc đang đói lã người vì thực ra em… “đến sau”, làm ta mủi lòng và bất giác kính trọng một dân tộc giáo dục con em một tinh thần minh bạch và cao thượng như thế.

Có khen có chê, tôi không nhớ Edwin O. Reischaufer, G. B. Sansom, John Whitney Hall (nhất thời không nghĩ ra để kịp tra cứu) – tên các nhà Nhật Bản học được thế giới đánh giá cao – có nhận xét người Nhật có nét cứng cỏi (mất tự nhiên). Trên tôi có đề cập nhận xét người Nhật thiếu khả năng đón nhận ý tưởng trừu tượng của Richard Tames. Cũng ông này vừa khen người Nhật “loyal” và “hard-working” vừa thêm “conformist and not profoundly inventive” (tính cách đồng dạng và không thực sự sáng tạo), một ý kiến quả đáng ngạc nhiên so với những gì ta quen nghe xưa nay, nhưng không quá bất ngờ với người chịu quan sát. Và chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi có sử gia bản địa nồng nàn ca ngợi dân tộc và các anh hùng văn hoá – chính trị Nhật Bản mà ở một trang khác vẫn thở dài nhận xét lịch sử đất Phù Tang từng đau lòng chứng kiến thái độ và hành động phi nhân tính của khối người đối với chính đồng bào của mình.

Bài đã khá dài, nhưng không đồng nghĩa với đầy đủ, dù mục tiêu chỉ mong đem lại cho bạn đọc đôi nét tổng quát. Nhưng thôi… nếu tìm hiểu sâu xa các bạn còn dịp nghe ý kiến của các nhà Nhật Bản học. Vả lại, tài liệu ở ta có phần giới hạn, mà có biết nguồn khai thác cũng không đủ thời gian, tâm thế và đặc biệt tiền bạc, đành biết tới đâu bàn tới đấy vậy.

Comments are closed.