Lê Thanh Trường
0.
Tôi không đọc sách Phan Thúy Hà theo đơn vị “cuốn”, dù có những khoảng chờ dài ngắn giữa các cuốn ấy. Luôn luôn là một phần tiếp theo, một khía cạnh khác, những chi tiết làm sống động thêm ký ức – những cuốn sách như phần phụ lục dài tiếp nối song song với phần chính văn không hiện trên mặt giấy. Phần chính văn cứ hiển hiện, mồn một trên từng trang, từng tập, bên dưới những dòng phụ lục liên miên khủng hoảng.
Tôi gọi đó là lịch sử. Nhưng Phan Thúy Hà không phải người chép sử, không phải “nhà văn” (như cô luôn từ chối) – Hà là người thâu thập, và ở mức độ nào đó, cô sống dùm cho độc giả những cay đắng trả giá cho sự hiểu biết của họ. Cô chịu cơn sốt vật vã của vác xin, để trao cho bạn sự miễn dịch.
1.
Bao nhiêu nhân vật đã xuất hiện trong những cuốn sách của Phan Thúy Hà? Bạn đọc có thể kể ra tên họ không?
Tôi thì không. Hầu như không nhớ tên ai cả. Hà đã đi, đã gặp từng người, lắng nghe, ghi chép. Tỉ mỉ và kỹ càng. Mỗi nhân vật đều có tên tuổi địa phương đầy đủ. Vậy mà những thông tin đó là thứ cuối cùng tôi có thể nhớ tới sau khi đọc hết những câu chuyện của họ. Có phải là mất công tác giả quá không? Hay là tôi thiếu trân trọng những con người trong ấy? Những con người mà phần đời họ kể lại làm nên một lịch sử chân xác và sống động!
Đối với tôi, chính điều cuối cùng đó đã biện minh cho sự quên của mình. Tôi đọc, lắng nghe chuyện đời của những con người cụ thể. Những chi tiết ly kỳ có thể khiến người đọc thương xót, đau đớn, phẫn nộ, buồn bã, cảm thấy kỳ quái như một ác mộng phi lý, như một sự hư cấu tàn nhẫn… Nhưng rốt cuộc, khi cảm xúc ngơi đi, còn lại là sự nhận hiểu sâu xa về một giai đoạn lịch sử, vừa bao quát vừa tỉ mỉ. Của đất nước xứ sở này.
2.
Những nhân vật trong sách của Hà vì vậy, chìm lặn vào sự vô danh của lịch sử. Như những lát màu hòa vào toàn cảnh bức tranh lớn. Sở dĩ họ có thể trở nên vô danh, vì chuyện đời họ không phải chỉ là chuyện đời riêng tư. Mỗi chi tiết trong câu chuyện của họ đều quá điển hình, mỗi số phận là một đại diện – những bi kịch cá nhân tiếp nối nhau, kết nối lại trên một nền bối cảnh chung gọi là “hoàn cảnh lịch sử”, và chúng đan thành tấm lưới trùm lên một thời đại. Đọc bao nhiêu chuyện, nhìn thấy bao nhiêu mắt lưới, nhưng dừng đọc rồi vẫn thấy những ô lưới còn nối dài tỏa rộng trên toàn xứ sở và thời kỳ, không bỏ sót một ai.
Vậy chăng mà đọc sách của Phan Thúy Hà, rồi bước ra nhìn những mặt người, thấy ai ai cũng là nhân vật, ai cũng là một nhân chứng. Ai cũng có thể là một vết màu góp lên bức tranh lịch sử. Chỉ cần có người biết khơi lên, nắm lấy, mang mẩu màu ấy đặt đúng trên toan ấy.
Lâu nay khoa lịch sử thường được quan niệm một cách chung chung là khô khan, chỉ đầy những ngày tháng năm và sự kiện lớn lao – những hành động được ghi chép lại thường mang tính cách biểu tượng; những tên tuổi những công tội, thường được nhìn như sự minh họa cho “động lực lịch sử”, thứ lực đẩy cái bánh xe lịch sử lăn tới ầm ầm và át đi bóng dáng của con người cá nhân.
Những nhân vật của Phan Thúy Hà, với ký ức cá nhân của họ, đem cho người đọc một lịch sử sống, người đọc có thể nhìn thấy lịch sử như chiếc lá tươi đầy diệp lục, như cánh bướm đang bay lượn trên cỏ hoa lay động, chứ không phải những gân lá, những xác bướm ép khô quắt queo trong những trang sách cũ.
3.
Phan Thúy Hà đã làm cái việc sống cùng từng nhân vật của cô, sống với tất cả đau khổ oan khiên của từng người từng người, để chưng lại cho bạn đọc một điều lớn hơn rất nhiều: biết và hiểu về hàng triệu cuộc đời vô danh khác, trong một thời đoạn khốn khổ đau thương của đất nước mình. Bởi nếu không được như vậy, thì việc đọc những cuốn sách ấy thậm vô ích. Chỉ là một cuộc ngồi lê hóng chuyện giết thì giờ. Nếu không nhìn thấy tính chất “điển hình” của từng mẩu chuyện, nếu không thể khái quát mỗi “tai nạn” riêng tư để thấy một “kiếp nạn” chung của những con người cùng chia sẻ một “hoàn cảnh lịch sử”, thì những tức thở, bức bối vân vân khi đọc sách chỉ làm tổn thương tim máu bạn một trận tơi bời mà thôi.
Tuy nhiên, những chữ “nếu” tôi vừa nêu lên đó, có lẽ thừa. Nói một cách sáo mòn là những “bài học” đó, tự nhiên nhi nhiên mà hình thành trong tâm trí sau khi lội qua những trang sách bề bộn của Hà. Đó hiển nhiên trở thành kinh nghiệm cá nhân cùng với sự xác tín của một nhân chứng, một người trong cuộc. Người đọc tự nhiên tham dự vào lịch sử chứ không còn là kẻ bàng quan. Và cảm nhận trách nhiệm trực tiếp của mình đối với mọi thứ đang diễn ra xung quanh – từ trách nhiệm của nhân chứng bước tới trách nhiệm của người tạo tác.
4.
Trên bìa sách “Những ngày tháng năm”, Hà ghi chú một tuyên bố: đây là “cuốn sách cuối cùng về chiến tranh”. Cuối cùng của cô ấy thôi – dĩ nhiên, và điều đó khiến tôi nghe buồn bã.
Không phải là hụt hẫng, tôi không mong Hà chép thêm những chuyện như vậy, vì có lẽ chừng đó là đủ với cô rồi. Nhưng tôi chắc chắn sẽ chờ đón những cuốn sách kiểu vậy, những câu chuyện kiểu vậy, vì, không biết bao nhiêu là đủ cho câu chuyện về lịch sử và con người. Nhất là trong hoàn cảnh còn quá nhiều sự hời hợt và lầm lẫn hôm nay.
Tôi cảm thông với tình trạng kiệt sức của Hà. Không chỉ là sự tiêu tốn năng lượng ghê gớm khi sống cùng những câu chuyện và nhân vật của cô, suốt bao năm trời. Còn là những chuyện trời ơi đất hỡi xoay quanh việc đưa những cuốn sách tới với độc giả. Ở cuốn sách “cuối cùng” này, cái bút danh quen thuộc Phan Thúy Hà đã phải trốn đi, vì cái tên ấy đã là “thương hiệu” gắn liền với “loại sách ấy” – và nó không được chờ đợi chút nào trong ngành xuất bản, nói sòng luôn, là trong cái não trạng kiểm duyệt như con ngáo ộp luôn muốn bóp chết những gì khác khẩu vị của nó. Tôi nghĩ rằng Phan Thúy Hà có thể viết một cuốn sách khác về hành trình xuất bản những cuốn sách của cô, và nó cũng không thiếu kịch tính và đau thương hơn những “sách chiến tranh” này đâu.
5.
Trừ đi cái vai trò “lịch sử” của những cuốn sách, thì khía cạnh văn chương – thứ mà tác giả dường như không coi là chính yếu – cũng nên kể tới. Cách lắng nghe, cách kể, cách tham dự của tác giả vào những câu chuyện… giúp cho người đọc vừa giữ được khoảng cách để không chìm ngập vào các bi kịch, vừa đủ gần để nhận diện niềm lân mẫn khởi lên trong mình. Lân mẫn với nỗi đau, ghê sợ với sự tàn bạo, cảnh giác với sự dốt nát, tự vấn với những xác tín… Đó là một sự đào luyện tự nhiên mà đáng giá, để trở nên ý thức hơn trong đời sống vốn chứa đầy xung đột hôm nay.