Chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa: quả pháo tịt ngòi?

Đào Tiến Thi

Với một đất nước 90 triệu dân, và đặc biệt do nhu cầu, cách thức học tập mới của thời đại, việc cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa (SGK), từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề nhức nhối.

SGK thực chất cũng là một thứ hàng hóa, lẽ ra phải tuân theo quy luật của sản xuất và tiêu dùng ở ít nhất hai khía cạnh: Thứ nhất, như mọi thứ hàng hóa, nếu không có cạnh tranh thì khó có thể có hàng tốt. Thứ hai, người dùng phải bỏ tiền ra mua thì phải có quyền được lựa chọn. Khi không được quyền lựa chọn thì người mua luôn cảm thấy bị ép buộc, có tâm lý bực bội, ngay cả hàng tốt cũng có thể thành mất cảm tình. Việc bới lông tìm vết, thậm chí nhục mạ những người làm SGK đã trở thành hiện tượng xã hội phổ biến trong khoảng hai thập niên qua và xu hướng này ngày càng dữ dội, có cội rễ từ hai nguyên nhân trên.

Không có mô tả ảnh.

Chính vì muốn thoát khỏi tình trạng đó mà ra đời Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, trong đó ghi rõ:

“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Chủ trương trên mở ra một cơ hội đổi mới SGK – và kéo theo là đổi mới cả chương trình, vì khi chấp nhận nhiều bộ SGK thì nội dung chương trình phải rất khác trước kia. Chương trình bộ môn được công bố cuối năm 2018 chính là chương trình phục vụ cho việc soạn nhiều bộ SGK.

Một nước cùng thể chế với Việt Nam là Trung Quốc, ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, họ cũng đã thực hiện chủ trương “nhất cương đa bản” (một đề cương, nhiều bộ sách), và sách không còn do Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân độc quyền nữa.

Trở lại Nghị quyết 88 của Quốc hội, đây là một bước tiến nhưng thực ra cũng mới chỉ là bước quá độ, vì vẫn có một bộ SGK của Bộ GD – ĐT. Chúng tôi được biết, theo đúng tinh thần của nó, bộ SGK này mang tính chất dự phòng an toàn, đề phòng khi nhiều đơn vị chỉ làm SGK cho một số môn học chứ không làm đủ bộ. Còn đúng đắn nhất là Bộ GD – ĐT không dính dáng đến việc làm SGK. Bởi vì là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ chỉ nên đứng ra thẩm định, phê duyệt. Chả lẽ Bộ lại thẩm định, phê duyệt chính bộ sách của mình?

Trên tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, chúng tôi được biết, nhiều đơn vị ngành xuất bản đã chuẩn bị làm SGK mới từ mấy năm trước. Và ngay khi chương trình dự thảo được công bố (18/1/2018), các đơn vị ấy đã hối hả bắt tay vào làm SGK mới với một tinh thần cạnh tranh ngấm ngầm mà quyết liệt. Ngày 27/12/2018, Bộ GD – ĐT công bố chương trình chính thức, các đơn vị làm sách nói trên càng hối hả hơn nữa, quyết liệt nữa.

Tuy nhiên, các con tàu bị khựng ngay lại trước quan điểm thay đổi bất ngờ của Quốc hội. Ngày 21/2/2019, trong cuộc khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Thị Kim Ngân nói: “Hiện nay điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước chưa cho phép nên trước mắt vẫn thống nhất chỉ một bộ sách giáo khoa, đến khi nào điều kiện đất nước phát triển đảm bảo các điều kiện cần thiết thì sẽ thực hiện chủ trương nêu trên”.

Thế là tất cả các đơn vị tổ chức bản thảo, các tác giả, các biên tập viên bị dội gáo nước lạnh. Tiếp theo đó, như ta thấy, hưởng ứng bà Chủ tịch Quốc hội, những gáo nước lạnh còn được dội tiếp từ một số phó chủ tịch Quốc hội, một số chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội.

Riêng bà Chủ tịch Quốc hội còn dội tiếp những gáo nước lạnh hơn nữa. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sáng 12/3/2019, theo tường thuật của VietNamnet, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Có những môn học không thể có nhiều bộ sách” và lấy ví dụ: “Như môn Lịch sử, có thể có câu chuyện minh họa, bổ sung nhưng lịch sử Việt Nam ai dám biên soạn khác hay không?” Hay “Địa lý Việt Nam, núi non, sông ngòi, làm sao một môn học có nhiều sách giáo khoa được. Không được!”. Về mặt khoa học chúng tôi sẽ bàn sau về ý kiến này, nhưng với phát biểu mang tính chỉ đạo của bà Chủ tịch Quốc hội như thế thì coi như quan điểm của Quốc hội đã thay đổi 180 độ rồi!

Với tinh thần trên của Quốc hội, hiện nay bên Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD – ĐT biên soạn bộ SGK của Bộ GD – ĐT. Theo tường thuật của vnexpress, chiều 28/2, tại cuộc họp với các đơn vị khối giáo dục, PTT. Vũ Đức Đam nêu rõ: “Bộ Giáo dục chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết Quốc hội giao”.

Như vậy ta lại thấy thêm mấy điều mới:

1. Bộ SGK của Bộ GD – ĐT được mang tên là bộ CHÍNH THỐNG, những bộ SGK khác nếu được phép dùng mặc nhiên là “phi chính thống”.

2. Bộ SGK “chính thống” được “tập trung biên soạn”. Có nghĩa là, khác hẳn các bộ SGK “phi chính thống”, bộ này do Bộ GD – ĐT trực tiếp tổ chức bản thảo. Và mặc nhiên nó được ưu tiên cả sức người lẫn sức của (các bộ SGK khác, đơn vị tổ chức bản thảo phải tự bỏ tiền ra làm, còn bộ này tiền lấy từ ngân sách quốc gia).

Như thế bộ sách của Bộ sẽ chiếm thế thượng phong về mọi mặt, làm gì có sự bình đẳng như Nghị quyết 88 của Quốc hội và như nhiều quan chức Bộ GD – ĐT vẫn nói.

Tóm lại, chủ trương thay SGK lần này, lúc đầu có vẻ rất mới, nhưng rốt cuộc, ta thấy nó “Vũ Như Cẫn” (vẫn như cũ), tức là chỉ một bộ SGK. Các bộ SGK khác nếu có cũng chỉ là “phi chính thống”, không bình đẳng.

Đáng nói hơn nữa: ngay cả bộ SGK “chính thống”, cách làm hiện nay cũng là bước thụt lùi. Bởi các lần thay SGK trước kia, Bộ GD – ĐT vào cuộc ngay từ đầu, tức là tổ chức làm SGK gần như song song với làm chương trình, có cả thời gian mấy năm để dạy thử nghiệm, sau đó, để thành sách chính thức, lại có thời gian khoảng một năm chỉnh sửa, góp ý, thẩm định (nhiều vòng). Còn lần này, cho đến tận bây giờ (đầu tháng 4/2019), Bộ vẫn chưa có gì trong tay, trong khi theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội – nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết 88 – thì thời hạn phải có sách cho lớp đầu cấp tiểu học là năm học 2020 – 2021, lớp đầu cấp Trung học cơ sở là năm học 2021 – 2022 và lớp đầu cấp THPT là năm học 2022 – 2023. Chưa kể, vì Bộ GD – ĐT không có kế hoạch từ đầu nên các tác giả có “tay nghề” viết SGK cho đến nay hầu như đã nằm ở các nhóm SGK “phi chính thống” như trên đã nói. Nếu Bộ GD – ĐT tìm cách nào đó kéo được họ ra thì họ sẽ phải hủy bỏ hợp đồng với đơn vị tổ chức bản thảo, gây nên sự bất tín không hay ho gì.

Thật đáng buồn, SGK, ngành giáo dục, cũng như hàng loạt lĩnh vực khác của đất nước, luôn vẫn có những tư tưởng đổi mới, muốn thoát ra khỏi khủng hoảng, song hóa ra cũng chỉ để bàn thế thôi, rốt cuộc nó như cái đèn cù, sau khi quay tít mù nó lại về đúng chỗ cũ[*].

Đ.T.T


[*] Xem thêm: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-co-nen-lam-bo-sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-moi-nua-khong-post196157.gd

Comments are closed.