Văn học miền Nam 54-75 (446): Túy Hồng (16)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 13)

Trâm đặt bé Hiền nằm ở góc vườn, đem mấy thước sa-tanh tuyết nhung trải ra ngồi cắt quần. Một trong những việc làm dễ nhất của đàn bà là cắt quần đáy giữa cho mình. Xếp đôi khổ vải lại cầm kéo cắt từ lưng xuống đáy một đường xéo, từ đáy đi vào đùi một đường cong cong, từ đùi xuống bàn chân một đường tương đối thẳng. Rồi ngồi lên bàn máy đạp trong chốc lát đã xong cái quần. Trâm nói:

– Cắt hai quần thành ba, cho con Cúc cái quần ráp ống ở giữa.

Tôi thay áo, vội vã cầm miếng mãng cầu xiêm ăn lấy ăn để rồi đi ngâm me vào nước muối. Trâm hỏi:

– Anh Nghiễm khoẻ nhiều không?

– Cả ngày nằm thẳng cẳng coi chuyện kiếm hiệp, với ăn với ngủ, sao không khoẻ.

– Đang viết văn, đang làm cái nghề lao lực nhất bỗng dưng được nằm… sướng thiệt. Trâm gật đầu.

Tôi lựa con dao nhọn mũi nhất rửa sạch, múc một thau nước lạnh hòa tan muối hột, lấy chiếc ghế nhỏ ngồi lên bắt đầu gọt me, vừa gọt vừa trông chừng thau mứt khoai đang rim bên cạnh. Gọt me là cả một công trình: sống dao con bào sạch cuống me, mũi dao nhọn lách vào trong cạy nhẹ từng mảnh vỏ mỏng, chẻ hai trái me moi lấy hột. Thảo đi xuống nói:

– Chịu khó ăn Tết quá ta.

Gọt được vài chục quả me thì thấy mấy ngón tay móp và cơ hồ mỏng ra, tôi đứng dậy, đấm lưng, nấu nước đường rồi vào giường nằm. Một lát lâu, Trâm kêu:

– Bà Khanh ơi, nước đường nguội rồi, ra mà dầm me nì.

Những trái me dài trắng nõn xanh non nằm trong chiếc thẩu pha lê trong trẻo tự nó không có một mùi thơm nào nhưng đôi mắt lại ngời được hương vị Tết. Những trái me dầm kiểu Huế sau hai tuần lễ tôi sẽ cầm lên mút một cái rồi cắn ăn từng miếng giòn rụm, nước me sẽ đổ ra cốc uống với đá lạnh. Tôi bảo Cúc:

– Còn sáu chục trái me chưa lột vỏ, tối nay mi với con Thảo và con Thảo con Út lột cho tau, rồi dầm cho tau. Sáng mai tao mua trái kim quất về làm mứt.

– Sang quá ta, chồng đau mà chưng diện cái Tết dữ quá ta.

Thau mứt khoai đã khô. Tôi đi pha một bình trà lấy ra năm cái chén sứ nhỏ vật gia bảo mang từ Huế vào đặt lên chiếc khay. Tôi lên gác mời cha mẹ xuống, kêu Thảo và Trâm xuống và tôi, cùng ngồi vào bàn, rót ra năm tách nước trà để thưởng thức món mứt khoai còn nóng. Cha nói:

– Mai là có thợ đến quét lại nhà. Chỉ cần thêm vài chậu cúc là tàm tạm một cái Tết.

Tấm lịch bỏ túi của Út vứt trên bàn vẽ hai con chó đang sủa một cành hoa mai. Hai con chó thật vui, thật yêu đời. Tôi cũng vui, cũng yêu đời như hai con chó. Tôi sẽ mua thêm hạt dưa, kẹo, bánh, sẽ làm thêm nhiều món mứt nữa vì cái Tết và vì tôi. Đối với tập quán, phong tục cổ truyền, luôn luôn mình phải là một đứa con nít. Cha nói:

– Cái thằng chừ răng? Ăn Tết riêng hay ăn Tết chung?

– Con chưa có ý kiến, để tối con vào hỏi anh ấy xem. Tôi đáp sau cái ngáp.

– Tết ra là con Khanh đẻ rồi… đứa con ra đời trước sẽ rước hết bao nhiêu rủi ro cho cha mẹ. Mẹ nói.

Tôi đặt chén trà còn chút nước cặn xuống bàn đứng lên nói:

– Thôi con phải sửa soạn đi cái đã, cha mẹ thời.

Chiếc áo dài màu khói thuốc lá, thêm một chiếc áo bầu màu khói thuốc lá, bộ mặt đánh lướt qua một lượt phấn trắng, đánh lướt lại một lượt phấn hồng, tôi coi trong gương thấy mình nặng trình trịch ra, nặng sưng sỉa ra với trọng lượng của đứa con đang là cái thái lớn, trọng lượng của nỗi buồn đang bào buốt tâm hồn.

Xuống xe lam ở quảng trường Quách Thị Trang, tôi muốn vào chợ Bến Thành nhưng ngại không đủ can đảm để chen lấn. Người chi chít, người đông nghịt che lấp các gian hàng bày bán, phải vạch người ra mới thấy hàng hóa để mua. Đám cưới đã qua ba cái Tết. Ba mùa xuân không ai khuyến khích mình may áo mới. Luôn luôn Nghiễm bảo: Có chồng rồi không cần mang soutien ở nhà, có chồng rồi ra đường khỏi cần đánh phấn, có chồng rồi không cần duyên, không cần diện, không cần làm dáng, phải từ biệt tất cả bạn bè, đừng để ai đến thăm, đừng nói chuyện dông dài với ai hết… Tôi trề môi nhún vai đi vào chợ. Nhất định phải may một tấm áo thật sang, sang hơn gấm Hồng Kông, gấm Đài Loan gì cả… Đi ngang một gian hàng bán áo đầm bé gái, tôi cầm lên chiếc áo nhỏ, hỏi:

– Bao nhiêu?

– Sáu trăm.

– Ba trăm.

Trả giá xong, tôi biết mình hớ, vội bước đi thật nhanh. Bà hàng chạy theo, nắm tay lại:

– Cô ơi, thôi ba trăm đồng bán cho cô một chiếc.

Tôi nhìn bà hàng cười âu sầu:

– Bà gói cho tôi chiếc màu hồng đi, bây giờ mà tôi không mua thì chết với bà.

Mua chiếc áo cho con xong thì hết cả hứng sắm áo cho mình. Đến nơi Nghiễm nằm dưỡng bệnh, cửa phòng khép hờ, tôi xô nhẹ vào. Nghiễm nằm nói chuyện với Bích Vân đang ngồi. Nghiễm vụt đửng lên hất rơi tờ báo. Bích Vân vội vắt chân chữ ngũ. Rõ ràng Nghiễm cười, rõ ràng Bích Vân cười như tôi bị cưỡng bức cười theo. Trời ơi! Sao đôi mắt tôi biến thành mây xám, sao hai chân tôi mềm như bún sợi, sao hai vành tai tím ngắt run giật. Khanh ơi, gói đồ cầm trên tay hãy giữ chặt đừng đánh rơi… Khanh ơi, đừng để nước mắt chảy ra nhanh như một tia chớp… Khanh ơi, đừng để tiếng nói nát nhão ra như cháo… Khanh ơi, hãy ngồi xuống, đằm đẹ ngồi xuống, hiền từ mở cái gói ra đưa cao chiếc áo đầm của con ra khoe. Khanh vẫn đứng và đang giữ nụ cười bắt buộc. Khanh thấy tất cả những chiếc quạt máy khổng lồ đang xoay, tất cả những bánh xe đang xoay… Khanh ơi, đừng ngã, đừng khuỵu xuống. Ngã lần này là ngã mãi, gượng lên không nổi, khuỵu lần này là ngã mãi, gượng lên không nổi, khuỵu lần này là khuỵu luôn, nằm luôn… Khanh ơi, đừng khóc, không ai dỗ đâu, Khanh ơi, đừng buồn, không ai chọc cười đâu, Khanh ơi, đừng giận… bình tĩnh là hay nhất, tự nhiên là hay nhất. Phải can đảm, phải tự tin, phải cứng cỏi. Can đảm như một con lạc đà, tự tin như con ngựa của Quan Công, cứng cỏi như cặp sừng trâu trong chuyện kiếm hiệp. Tôi bước tới ngồi cạnh Bích Vân:

– Lâu ngày quá!

Bích Vân nhoẻn miệng cười:

– Em sợ chị bận nên không lại thăm.

Tôi sốt sắng:

– Lại thăm cháu một chút cho có tình.

Nghiễm nhìn tôi:

– Sao hôm nay vô sớm vậy?

– Em giao công việc cho mấy đứa định đi phố mua sắm tí tẹo, nhưng thấy người ta quá đông… sợ luôn.

– Con chơi không? Nghiễm cười.

– Chiều mai em đem nó vào thăm anh nhé. Anh Nghiễm này, Tết này anh ăn ở đây sao, anh ăn Tết ở đây thì… em cũng ăn ở đây.

– Về nhà chứ, ăn Tết ở đây chịu sao nổi, về nhà cho qua cái Tết rồi trở lại.

Bích Vân rút thuốc lá ra cầm ở tay, nói:

– Đi nam, đi bắc, đi đông, đi tây… đi đâu rồi cũng phải quay về.

Nghiễm bảo tôi lấy kẹo mời Bích Vân, tôi nói:

– Để em đi mua nước ngọt mời cô Bích Vân.

Bích Vân xua tay:

– Cám ơn chị… thôi… khỏi… khỏi… em bước ngay bây giờ.

Tôi tiễn Bích Vân ra tận đường, nhanh nhẩu vào trách Nghiễm:

– Con Bích Vân xinh như vậy mà anh chê người ta hai tay đeo bốn chiếc nhẫn, cổ đeo một nắm hột cườm, quần áo hoa hòe hoa sói, chân đi giày màu hồng hình quả tim, tim thì để nằm dưới đất.

– Chán thấy mẹ! Nghiễm nói nhanh.

– Em thấy cô ta đẹp, cao sang… Tôi cười.

– Mất thì giờ.

– Cô ấy ngon như một bát cơm rời, còn em chỉ là cơm cháy.

– Nhiều chuyện.

– Cô ấy mát rượi như nước sinh tố.

– Em sao nói nhiều quá!

– Cô ấy tươi non như sà-lách Đà Lạt.

– Thôi đi, khen mãi.

– Cô ấy mặn mòi như cá thu kho nước chè tàu.

– Em thật lắm lời.

– Cô ấy béo bùi như xôi vò.

Tôi cười khúc khích, khi vào phòng trong thay áo tôi vẫn cười khúc khích. Ở ngoài chắc Nghiễm đang nghe tôi cười khúc khích, ở ngoài chắc Nghiễm đang nghe tôi hát nho nhỏ: “Khoai lang củ bở của trân, Lấy chồng nên tránh họ Trần ai ơi”.

Ngày xưa, ở một làng nhỏ gần quận Gio Linh, có một người đàn ông cùng hung cực ác, cả ngày đấm đánh vợ, bỏ đói vợ, cả đêm thì chửi bới vợ, cấm ngăn không cho vợ ngủ, nên lũ trẻ con trong làng mới hát lên câu đó.

Nghiễm đã bày các thức ăn ra bàn, đang ngồi cắt thịt. Tôi bước ra khen:

– Hôm nay anh giỏi quá… Ăn xong anh rửa bát đũa cho em xem báo, anh nhé!

– Hôm nay cái miệng em tía lia, có hôm thì lấy muỗng cà phê cạy miệng cũng không nói.

– Em vừa làm xong một mớ me dầm đẹp quá, em vừa ý quá… em vừa ý công trình của em quá, em vui cả buổi chiều cho đến bây giờ.

Tôi còn nói tôi vui suốt cả bữa ăn, vui cho tới lúc rửa bát đũa và cười khúc khích khi leo lên giường ngủ. Nhưng, chớp một cái, nước mắt đã chảy ra. Đêm hằn lên nỗi thổn thức, đêm chua như tình chồng vợ, đêm tùng xẻo từng mảng tâm hồn biến nỗi ghen hơn thành những chiếc răng gậm nhấm thịt xương ướt sũng. Từng mảnh mộng nhỏ nổ bung như bụng con ếch khoe khoang, từng niềm tin đơn sơ chợt mất đi để lại những sự thật xấu xa như đom đóm ban ngày, hết rồi chồng một tấm, hết rồi hạnh phúc một nguồn. Đám cưới vừa sáng rực ngày nào đó, ngọn đèn đêm động phòng vẫn còn nguyên đó, những đứa con ra đời năm một sẽ cười sẽ khóc đó… thế mà, những khớp xương đã rời, những đôi môi đã rạn nứt, hai chiếc lưng đã quay, hai cái đầu đã cúi, hai cặp mắt đã nhìn lãng. Đôi mắt Nghiễm nhìn lãng để thấy Bích Vân, đôi mắt tôi nhìn lãng để thấy cô đơn sương khói. Tôi cô đơn vô cùng, vô cùng, tôi rên lên như người bệnh rằng tôi cô đơn vô cùng vô cùng. Tiếng kêu rên như lời nấm hèn mọn mọc trên phiến gỗ mục đặt ở chỗ bẩn. Tôi cô đơn bắt đầu từ đây, tôi cô đơn bắt đầu từ cái Tết Canh Tuất này… Anh Nghiễm ơi, mùa xuân đi riêng ra cho em một nửa buồn, cho anh một nửa vui; những lát mứt gừng và cành hoa thủy tiên cho anh, một thẩu mứt me buồn dầm kiểu Huế cho em. Em sẽ ăn thẩu mứt me dầm kiểu Huế một mình, em sẽ buồn như người đi tu.

Nước mắt bứt rứt tôi khó với hai hằm răng cắn ngón tay trỏ. Căn cứ trên một ông chồng tôi đã xác định mình có tất cả, mình đủ tất cả; bây giờ, không căn cứ trên một ông chồng nữa, tôi xác định lại mình chẳng còn chi, tất cả của mình đã mất rồi, mất tiêu rồi. Chồng tôi đã làm tôi mất niềm tin rồi, chồng người khác đã làm người khác mất niềm tin rồi. Tôi sẽ cầm thẩu mứt me dầm kiểu Huế do chính tay tôi dầm để ăn Tết Canh Tuất này. Những người khác sẽ cầm những thẩu mứt nào đó do họ làm để ăn Tết Canh Tuất này. Thôi, bàn tay hãy đưa ra để lau lệ cho đôi mắt, thôi, đôi môi hãy hé rộng để cho mười chiếc răng cười một cái. Ngày xuân tôi xin chúc tôi tươi trẻ mãi mãi, vui vẻ mãi mãi, mạnh khoẻ mãi mãi, đẹp đẽ mãi mãi. Ai chúc mình cũng không bằng mình chúc mình, ai khen mình cũng không bằng mình khen mình.

Tôi đang bắt đầu đi trên bước đường cùng của tôi. “Đường em cứ đi, đường quanh lối co, nhịp chân trói vo…”. Hình như Phạm Duy làm mấy câu này dành riêng cho tôi hát. Mấy câu này tôi sẽ hát đi hát lại mãi như con kiến bò lui bò tới quanh miệng chén. “Đường em cứ đi, nhịp chân trói vo, đường quanh lối co, đường em cứ đi, đường quanh lối co…” tôi chỉ thuộc có chừng này, hát tới hát lui cũng chừng này mà thôi…

– Khanh chưa ngủ hả?

Nghiễm trở mình day qua hỏi tôi, tôi nói:

– Vừa mới chợp mắt tí… khi không choàng dậy.

– Sang đây nằm với anh.

– Em tê chân đau điếng cả người, lấy cho em lọ dầu Nam Vang đi.

– Khanh à, anh tính là hai mươi sáu tháng chạp về nhà ăn Tết rồi ở luôn, trả cái phòng này lại.

Tôi quơ hai tay lên không:

– Thôi thôi, về nhà là đau lại liền, nhà mình ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu không khí.

– Anh ngài ngại.

– Anh mà đau lại thì chết chứ không phải chơi đâu… thôi cứ về nhà ăn Tết rồi lại đến đây dưỡng bệnh vài ba tháng hẵng hay.

Nghiễm ho lên một tiếng rồi im. Tôi chợt cười:

– Anh nằm đây sướng đã đời còn nói chi nữa, hoa thơm bướm lượn vèo vèo.

– Nhảm nhí, bỏ bê nhà cửa con cái, điên cha cái đầu.

– Con Bích Vân đẹp từ đầu đến chân, đẹp từ ngoài da tới ruột già, em mê có cái miệng đẹp như nó mà không được.

– Người nó cao. Nghiễm chép miệng.

Tôi nói nhanh:

– Chân nó dài… trường túc đa dâm.

– Bỏ chuyện con nhỏ đó đi, nói mãi.

– Nó đẹp, nó hách thì nó phải được nói tới.

– Em đẹp chứ, anh thấy em đẹp.

– Em xin thề: nếu em tin lời anh thì cha chết mẹ chết.

Đầu tôi gối lên cánh tay Nghiễm mà tưởng như kê trên chiếc đòn gánh. Tôi là con nộm tháng bảy, con nộm tháng bảy đang gối đầu lên một chiếc đòn gánh. Bây giờ bàn chân không còn gác lên bàn chân, bây giờ những ngón tay không còn ngọ nguậy tình ái, những sợi tóc không còn tìm nhau trong hơi thở. Bây giờ, bây giờ là màn nhì của cuộc sống.

Buổi sáng trước khi về nhà, tôi ghé vào Tax mua một món đồ thì gặp Phượng, một bạn cũ học trường Đồng Khánh ngày xưa. Phượng hỏi:

– Mấy con rồi?

– Sắp sửa hai.

Phượng trợn mắt:

– Mới đám cưới đây… báo chí mới đăng tùm lum đây, tưởng như vừa mới mấy tháng mà đã hai con rồi.

– Mỗi năm một đứa, đẻ cho hết một dây rồi nghỉ, đẻ rốc ra một hồi rồi nghỉ.

Phượng kéo tay tôi đi một đỗi rồi hỏi:

– Con ngoan không?

Tôi buông xuôi lời nói:

– Con tau thì ngoan, còn chồng tau thì quấy lắm, chồng tau hư lắm.

Phượng cười buồn:

– Chồng tau không hư, chồng tau không quấy, chồng tau ngoan, nhưng tau không được ở với chồng tau.

– Răng rứa?

– Anh ấy là một sĩ quan tác chiến ở Pleiku. Trong lúc tau ngày ngày đi phố thì anh ấy ngày ngày đi đánh giặc.

– Mi mấy con rồi mi?

– Năm

Phượng kéo tôi đi suốt dọc hành lang Tax mua phấn, mua son, mua áo Montagut, quần ống voi, áo lót, áo đan.

– Mi sắm chi mà dữ, con người cao bao nhiêu bê một gói hàng bấy nhiêu. Tôi trợn mắt.

Phượng nguội lạnh:

– Tau đang hưởng lạc thú, chung quanh tau chắc cũng có nhiều người đang hưởng lạc thú như tau.

Tôi thở dài cho tôi nghe khi nhìn thoáng những người đàn bà sung sướng trong hành lang tax. Có những kẻ đang giàu lớn giữa xã hội hôm nay, những kẻ đang giàu lớn hiện đang ôm mặt đón những giọt nước mắt sẵn sàng chảy ra nhanh như chớp, đón những dòng chữ cáo phó đời sẽ gửi tang mình trên trang lưng của mấy tờ báo. Những gia đình giàu lớn đó, bao nhiêu người sống dựa vào một người, một người hầu như luôn luôn không có mặt trong nhà, một người đi nam đi bắc, đi đâu cũng ít khi về và có khi không về. Đó là người đi tác chiến xa chết cái chiến tranh chung với Mỹ, chung với Đại Hàn… Ngày xưa, hồi cuộc chiến đang lung tung có Pháp có Việt Minh cũng có những người đàn ông ra đi như vậy. Những người đàn ông Việt Nam ra đi như những hình sương bóng khói. Ngày xưa, ngày hôm nay, ngày mai thật là giống nhau, thật là ít thay đổi… Thời gian chỉ là những tờ lịch chưa bóc và đã bóc rồi. Người đàn ông ra đi, cả nhà lén lau những giọt lệ, cả nhà khắc khoải đợi trông, đêm đêm bốn cây hương thắp lên khấn vái bốn phương trời. Người đàn ông ra đi cho nguồn sống cả nhà, một tháng không về, hai tháng không về, ba tháng không về…, thế là hết, nỗi lo lắng nát bấy lòng ruột… và thế cũng là chết. Người đàn ông chết, thế là núi vàng của gia đình sập, bao nhiêu người chỉ cậy có một mạng mong manh đó. Người đàn ông chết, đời chỉ còn lại chuyện buồn… Ngày hôm nay có những người đàn bà đang đi sắm đồ ở hành lang Tax, ngày mai có những người đàn bà vào mua hàng ở Saigon – Départo, những người đàn bà sung sướng trước những nhu cầu vật chất đó chắc chắn rằng phải đau thương cả chín chiều gan ruột khi tin buồn, tin tang thương, tin chết chóc bất chợt đến ở ngày mốt, ngày kia. Hòn núi đã sụp, cả gia đình tiêu. Cái chết là vòng đai ôm choàng sự sống. Tôi cầm tay Phượng:

– Thôi tau về nghe. Nhà mi ở mô để mai mốt tau lại thăm.

Mỗi người đàn bà đều mở ví rút một miếng giấy vuông chép cái địa chỉ. Tôi nói:

– Chồng tau đang đau nặng, chồng tau đang quấy tau.

Phượng cười:

– Luôn luôn có một ông chồng ở bên nách còn kêu.

Tôi nhanh nhẩu tính thầm trong bụng: mi với tau hãy đổi nhau cái căn phần đau khổ của mỗi đứa đi!

Tôi chợt cười hắc một tiếng. Về nhà, tôi la to với mẹ:

– Hai ngày nữa là anh Nghiễm về nhà ăn Tết rồi.

Trâm nhảy vào hét:

– Phải dọn dẹp lại, trả cái phòng lại cho anh ấy… lâu nay bày hàng xén.

Trâm thường đứng sau kêu giật:

– Chị Khanh!

Tôi quay lại cái phắt nhìn Trâm. Trâm nói liền:

– Người đang có mang mà thình lình bị gọi mà quay đầu bên trái để nhìn lui, đó là điềm sinh con trai… chuyến này chị đẻ con trai rồi.

– Bụng nhọn quá, nhọn vắt tròn vo, con trai rồi, con trai rồi. Mẹ thường ngắm cái bụng tôi mà nói.

– Bụng nhọn đẻ con trai, thế bụng bằng đẻ con gái hả mẹ? Thảo nói.

Nghiễm đặt bàn tay lên bụng tôi đi êm êm bằng những ngón dài:

– Người ta bảo có mang bụng như thế này đẻ con trai hả em?

Tôi kêu ngầm trong bụng: Anh đã hết quyền hạn đặt tay lên bụng tôi, bàn tay anh bây giờ vô thẩm quyền đối với chiếc trống nhỏ này vì tình của anh đã chia thành hai cuộc đồng đều… Người đàn bà này rất tham lam trong vấn đề danh dự, người đàn bà này không chịu như vậy. Nghiễm nói:

– Chuyến này mà đẻ con trai thì buồn cười lắm nhỉ? Thôi được, đẻ con trai hay con gái gì cũng buồn cười hết! Rồi Nghiễm lại cười, tiếng cười nhè nhẹ như chiếc bánh men: Mọi người coi chiếc bụng đều đoán con trai…, hay nhỉ?

Đêm tôi lên bàn đẻ hứng nhận cơn đau chỉ có trời và đàn bà biết, cô mụ đón đầu hài nhi reo lên như một tiếng động khô ráo:

– Con gái!

Tôi nhỏm dậy chào con ra đời với nụ cười chưa có cảm giác. Cô mụ mắng:

– Nằm ngay xuống! Chết chưa! Liều chưa!

Con bé trắng như ly sữa tôi uống khi mang thai nó. Cô đỡ phụ nâng đầu tôi lên đổ mấy muỗng rượu thuốc vào miệng, tôi ngủ dài và thức giấc khi mấy đứa em vào thăm lao xao cơn ồn nhỏ:

– Đẻ con gái… tức cười. Thảo nói.

Mẹ chép miệng:

– Mới hai đứa, người ta còn đẻ cả dây con gái.

Thảo vén mùng nhìn vào nôi cháu:

– Trông cô ả trắng nồn nộn.

Tôi ngáp:

– Tau đẻ ra đứa con trắng như ly sữa tau uống.

Trâm cười:

– Đẻ con gái… Trời và đàn bà thật vô duyên.

Thảo nghếch mắt:

– Đẻ con gái đẹp như ri còn đòi chi nữa… Ham con trai quá, sợ đẻ ra cao bồi. À… thôi… thôi, để con đi báo cho anh Nghiễm biết.

– Chiều ni chắc anh mới vô đây thăm chị Khanh.

Tôi loay hoay với nụ cười chưa nở ra ở miệng, với ý nghĩ vụn chưa phát thành lời nói. Chuyện ông Phán Trân có năm đứa con gái ở ngoài làng, bà vợ dở dạ lần thứ sáu, ông Phán Trân lật đật vào nhà bảo sanh thăm con, ông leo lên hết cầu thang ba từng, nghe người nhà bảo vợ lại sanh con gái, ông Phán liền quay phắt xuống lầu đi về nhà một nước, giận vợ, giận đứa con thứ sáu từ đấy.

Lúc Nghiễm vào thăm, tôi muốn nhắm mắt quay mặt vào tường lắm lắm, nhưng tôi vẫn mở to đôi cánh mắt nặng nề nhìn chàng rồi mỏi mệt ngó lên trần nhà. Nghiễm ngồi xuống giường, càm tay tôi xoa xoa mấy sợi gân nổi:

– Anh pha sữa cho em uống nhé?

Chàng cầm ly sữa không cà phê, đút từng muỗng canh vào miệng tôi đắng chát. Chàng quay sang mẹ:

– Mợ luộc cho Khanh một con gà ăn cho bổ.

– Đâu có được, gái đẻ phải ăn cơm với tiêu muối, uống nước đái con nít…

– Mấy bà già chồng ngày xưa thật tàn nhẫn. Con dâu đẻ đã đau còn bắt uống nước đái. Nghiễm cười.

Nghiễm mở gói nho đặt lên bàn. Nghiễm cắt ra từng chùm nhỏ, chàng bảo để tôi ăn cho dễ. Nghiễm đặt kí táo ở đầu giường nằm hỏi mẹ, Khanh ăn thứ này có được không? Nghiễm xẫn vẫn xoay quanh chiếc nôi, đến ngồi lên giường vợ một lát lâu. Thảo giục chàng ra về kẻo mệt.

Sáng hôm sau, Bích Khuê cùng với Trâm và Thảo đến thăm nói chuyện nhao nhao như bầy bồ chao. Bích Khuê bảo:

– Con nhỏ giống bố như hai hạt bắp.

– Đôi mắt con nhỏ với cái cằm giống bà Khanh chứ! Đôi mắt bé Hiền mới giống bố, mắt trố, mắt trắng trợn. Thảo cãi.

– Bé Hiền mắt nai, con này mắt thuyền…, anh Nghiễm cũng mắt nai. Tôi cười.

– Mắt nai tơ gì! Mắt bé Hiền ốc nhồi như mắt con gái Trương Phi.

Thảo, Trâm loay hoay mở mấy gói đồ mừng của Bích Khuê đem cho để ăn bánh ăn cam chắp chắp cái miệng. Bích Khuê nói:

– Để tau kho cho mi một nồi thịt hoạn nạn ăn cho có sữa.

Trâm nuốt mau múi cam:

– Mẹ đã hầm giò heo với bắp chuối sứ cho chị ăn rồi.

Bích Khuê bỏ sang ngồi lên giường tôi, cúi xuống hỏi nhỏ: Tình hình gia đình mi ra sao?

Câu hỏi giật nhẹ mình tôi. Đôi tai tôi thốt nghe lại những lời chỉ trích nhòn nhọn của Nghiễm: Cô chưa đứng hẳn vào vai vế chủ nhân một gia đình, cô luôn luôn muốn quay về với cha mẹ em út của cô. Nhiều lúc cô quên hẳn mình đã có chồng có con, điều đó tôi không trách cô vì cái thời gian cô làm con gái nó dài gần ba chục năm, nó dài đến nửa đời người… Nửa đời người cô sống chung với những kẻ cùng máu mủ nên bây giờ cô khó tách rời, khó rứt ra. Con gái người ta mười tám mười chín tuổi lấy chồng, hai mươi hăm mốt tuổi lấy chồng, lấy chồng ở cái tuổi thích thoát ly gia đình nên người ta dễ dứt khoát, dễ tách rời, dễ ích kỷ, ngay với em út, dễ vơ vét của cải cha mẹ cho về nhà chồng… Còn cô, cô chưa sống đúng nghĩa một kẻ đã thành gia thất… Tôi không trách cô vì cái thời gian cô sống với gia đình cô quá dài, hình ảnh của cha mẹ, hình ảnh của em út cô nó bám riết, nó hòa tan trong máu huyết của cô quá thâm sâu.

Bích Khuê hỏi lại:

– Tình hình giữa hai vợ chồng bây chừ ra răng?

Tôi cười buồn:

– Tau năm một chỗ đây rồi… tha hồ… tha hồ…

– Nghiễm lại thăm mi chưa?

– Rồi… Tận tình lắm, chu đáo lắm, cảm động lắm, thương yêu nhiều lắm, nhưng mười voi không được bát nước xáo.

Trâm, Thảo ngồi bên chiếc đi-văng chợt cười to. Thảo nói sang:

– Phải rồi, nãy giờ mới nhớ ra, đôi mắt bé Hiền giống hệt đôi mắt Astroboy.

– Chê hoài… chê con gái người ta hoài, đẻ con ra mà chê. Bích Khuê bĩu môi. Rồi Bích Khuê hạ giọng: Bây giờ Nghiễm chỉ ăn ngủ rồi nằm dưỡng sức chứ có viết lách gì nữa không?

– Bao nhiêu tờ báo mời Nghiễm viết lại mà tau giấu Nghiễm hết!

– Có một thời gian nằm mà đọc sách thật sung sướng.

– Mi ơi, dạo ni Nghiễm mê đọc Tam Quốc quá, đàn ông càng mê đọc Tam Quốc càng nói láo, càng phản bội vợ.

Bích Khuê trở lại ngồi với Thảo và Trâm, Thảo nói, có con nuôi cực, thường ba kilô thịt đỏ khóc oe oe mà nuôi lên từ từng giọt sữa… sợ lắm, để ngay ra một người trưởng thành, đẻ ngay ra một đứa con lớn bằng cha nó thì sướng cho đàn bà biết mấy. Bích Khuê cười, ngày xưa chị thấy gái đẻ bôi nghệ chị ham quá, người đàn bà Bắc kỳ sanh xong là bôi nghệ đấy, bôi cả vào nách, vào rốn, rồi cả người lột da trắng như bóc… chỉ ham chừng đó. Bích Khuê lớn tiếng khuyên lo tôi phải bôi nghệ, bôi gừng, xát muối vào da, băng bụng nịt rốn cho kỹ để con đầy tháng mà đi chơi. Bảy buổi sáng nằm ở bảo sanh, Nghiễm đều vào thăm con, qua ngày thứ tám về nhà, tôi khuyên chàng hai ba ngày đi thăm con cũng được. Tôi bôi nghệ, bôi gừng, mặc gaine qua bốn mươi lăm ngày thì mẹ bảo xuất hành về hướng Bắc Saigon tức là Phú Nhuận để bán phong long. Sau bốn lăm ngày ăn kiêng ở cữ, băng trên nịt dưới, tôi cảm thấy tôi sạch, tôi nhẹ, tôi mát, tôi tươi, tôi dễ chịu.

– Mi đẻ dậy xinh quá! Bích Khuê la lên.

– Da chị láng như lụa, chị này đẻ đứa con thứ hai mới bảnh. Trâm cũng khen.

Bây giờ mỗi buổi tối vào với Nghiễm, trước khi đi ngủ tôi đều bôi kem nuôi da chống nắng. Nghiễm quở:

– Hai con rồi còn diện.

– Đàn bà lấy chồng rồi ví như cái bếp dầu hôi, em bây giờ đối với anh như cái bếp dầu hôi… càng xài càng thấy hư… càng xài càng mất cảm tình, càng ghét, càng muốn bỏ… Tôi chép miệng. Nghiễm làm thinh, tôi tiếp: Bỏ đi để sắm cái bếp mới và cái bếp mới, cái bếp dầu hôi mới, rồi cũng sẽ hư.

Nghiễm nuốt vội viên thuốc với hớp nước cười nhăn nhó:

– Cứ thấy mặt là nghe cằn nhằn, cắn đắng… Luôn luôn những lời buộc tội rả rích.

– Tôi sám hối hộ cho anh.

– Trời ơi, nghe đau lỗ tai quá. Từ ngày lấy em, có những lúc anh thấy hai tai anh thừa, hai tai thừa, hai tai dư, tai hại. Nghiễm đưa hai tay bưng tai.

– Cắt cho em hai cái tai của anh để em vác đi nghe tội lỗi của đàn ông. Tôi vẻ nhếch người lên.

Tiếng cười khúc khích kéo tôi nằm xuống nhìn một nửa khuôn mặt Nghiễm in lên vách tường. Chiếc mũi của chàng thật cao giữ vững một vẻ ngay ngắn, hai hàng lông mi cũng in được nét hình cong cong. Chiếc bóng Nghiễm không có râu mọc hỗn như khuôn mặt chàng đang gắn nhẹ trước cái nhìn của tôi. Da chàng hồng sẫm, căng láng như thể được uống bao nhiêu mật ông nguyên chất, đôi má béo ra nên cười được đồng tiền. Trong hai con mắt của Nghiễm không còn những đường chỉ đỏ cồm cộm, đôi ngươi sáng lên đằm thắm long lanh nhìn ngang nhìn dọc. Ngày xưa con gái, tôi vẫn thường ước ao ăn bao nhiêu cà rốt, uống bao nhiêu dầu gan cá để có được đôi mắt như vậy. Tôi như nhủ thầm, nhờ ngoại tình mà Nghiễm tươi tốt, Nghiễm trẻ dại ra, ngoại tình là một liều thuốc bổ. Ôi! Khi đã làm chồng mình rồi, người đàn ông vẫn còn bao nhiêu nguy hiểm! Tôi tắt tiếng cười nói nhỏ:

– Anh Nghiễm này, bốn mươi lăm ngày em nằm nơi, chắc có nhiều tin mừng, có nhiều chuyện rực rỡ.

Nghiễm xì một tiếng trước, nói sau:

– Người ta đang lo thấy mẹ, cứ ăn nói như ma trêu, người ta đang lo thấy mẹ…

– Lo gì… lo gì… anh lo cho bò không biết dùng kem Hynos để đánh răng chắc?

Nghiễm quát:

– Thôi đi, ăn nói như cháu ngoại giỡn bà.

– Vậy già lo chuyện gì?

Loáng thoáng khuôn mặt Bích Vân hiện ra yên lặng rồi cười, rồi nói, màu sắc, hào quang đắc thắng dễ dàng, mười cánh tay mọc ra cướp chồng tôi.

Miệng Nghiễm cười hơi méo:

– Anh lo quá là chính mình chưa kiếm được mái nhà để ở mà… hai đứa con rồi. Lo quá, hai đứa con rồi, mà vợ chồng thì sống cách trở như lưu đày.

– Ngày nào em cũng coi báo “Chính luận” để kiếm nhà.

– Anh cũng vậy, anh có nhờ bao nhiêu thằng lo tìm cho mình.

– Em thích ở Phú Thọ.

– Anh thích ở Phú Nhuận.

– Tại sao lâu nay anh ghét Phú Thọ, thôi thì mình ở Khánh Hội vậy.

– Không, anh chỉ ở Tân Định.

– Em chỉ thích ở những khu có chợ bán đồ ăn rẻ như Phú Thọ.

– Em không biết tí gì về Saigon hết, em chọn lựa nhà cửa không được, mình phải ở khu yên tĩnh, không cao bồi, du đãng, cướp giật Honda, bóp đầm. Em cứ quen như ở Huế, chẳng biết gì Saigon hết.

Tôi chợt cười, cảm thấy đôi môi đau hết sức. Mấy ngày này Saigon nóng độc, người tôi nổi nhiệt mọc cái mụt ở miệng bất thần cười nói đau đáo để.

Nghiễm đăm chiêu:

– Phải có một căn nhà riêng ngay. Em thấy con bé Hiền mười mấy tháng rồi mà vẫn chưa biết nói.

Tôi cười xòa:

– Lo bò hết duyên, ăn nhậu gì đến cái nhà… ngày xưa con Trâm bốn tuổi chỉ biết độc một tiếng “mẹ”…

– Tại vì mình không có một căn nhà riêng nên con mình chậm biết nói. Cha thì nói tiếng Bắc, bà ngoại ông ngoại mấy dì… thì nói tiếng Huế, mẹ thì nói lơ lớ lung tung khi Bắc khi Huế, hàng xóm thì nói tiếng Nam… Con bé bỡ ngỡ không biết lựa thứ ngôn ngữ nào. Mỗi lần nó chạy chơi, cha nó kêu: đừng chạy ngã, bà ngoại mấy dì kêu: khéo bổ, đừng chạy bổ, ông hàng xóm thì nói với sang: té, con ơi, té té… Con bé phải học đến ba thứ chữ… Rồi thì: bẩn, dơ, nhớp… Anh muốn có nhà riêng để tập cho con nói duy nhất một thứ tiếng.

– Thế thì thuê nhà ở Phú Thọ mà ở.

– Anh nhất định tìm nhà ở Tân Định.

Sáng hôm sau, tôi về đến nhà thì đã thấy Bích Khuê đang thay tã cho con nhỏ. Bích Khuê nhìn tôi:

– Con nhỏ này không giống con chị mấy, sơ sơ thôi.

– Đôi mắt giống tau.

– Đẻ con mà một mặt, mà giống hệt nhau, cha mẹ khó làm ăn lắm.

Tôi ngồi xuống một bên bạn:

– Mi tới tau có chuyện chi không mi?

– Tới rủ mi đi chơi đây.

– Chơi ở đâu?

– Mi phải theo tau mà ăn chơi, tau phải dạy mi ăn chơi. Chồng có mèo như vậy, không đi chơi với tau cũng uổng.

– Tau không biết đánh bạc, đánh bạc run tay lắm.

– Đánh bạc gì mà run tay, đánh bạc cho đổ mồ hôi ra.

– Nhưng, tau chỉ biết đánh bài xệp, đánh tứ sắc mỗi lịnh một đồng bạc với mấy đứa em ở nhà thôi.

– Bộ chỉ có đánh bạc thôi sao, tao muốn mi nếm mùi ăn chơi một thời gian. Bích Khuê nói như nạt.

– Nhưng, tau sợ lắm.

– Ai bắt bớ chi mà sợ, chồng mèo mỡ mê mê ra vậy thì mình cũng phải chơi một chút cho khuây cái đời.

– Chơi nghĩa là làm sao? Chơi ăn thiệt hay chơi ăn chơi.

– Theo tau rồi biết, không ai bắt mi phải cắm sừng Nghiễm đâu!

Bích Khuê hút hết điếu thuốc lá, uống vội miệng nước rồi quày quả ra về. Bé Hiền lủn đủn đi tới đi lui, rúc vào lòng tôi cầm vạt áo dài lên dày vò. Tôi nói với mẹ:

– Con nhỏ này chậm biết nói vì cha người Bắc, mẹ người Huế, nó lưỡng lự không biết nói tiếng của quê hương nào.

Sáu giờ chiều, lúc tôi đang chiên món cà phát-xy thì Bích Khuê lật đật đi vào, nói nhỏ:

– Mi sai con Thảo mang cơm vào cho Nghiễm, mi đi với tau một lát rồi tám giờ tối hãy vào.

Tôi chùi tay vào quần đen, nhăn mặt:

– Thằng cha hay hạch hỏi khắt khe lắm, thằng cha hay bực mình lớn về những chuyện vặt.

– Đêm nay mi vào Nghiễm có hỏi thì mi nói: Em gặp con Bích Vân ở chợ Bến Thành, em mời hắn đi ăn bún ốc để hỏi tí chuyện nên vào chậm… thằng chồng mi sẽ sợ trắng con ngươi ra. Bích Khuê vênh váo.

Bích Khuê bảo tôi nên để mái tóc rớt thẳng tự nhiên, đánh đậm quầng mắt và đánh nhạt làn môi. Tôi bịn rịn nhìn hai đứa con tôi không dứt khoát. Tôi ăn tối ở nhà Bích Khuê với một người đàn bà lạ nữa, người Bắc, ăn cháo gà với thịt gà luộc bóp, muối tiêu rau răm.

– Chị Loan đây là giàu lắm… mười hai sở nhà cho thuê. Bích Khuê nói.

Tôi cười gượng:

– Chị Loan vừa thông minh lại vừa đẹp.

Loan dựa lưng vào thành ghế, ngồi chồng chân lên nhau:

– Lâu nay em không giao thiệp với người Huế, nay biết chị Bích Khuê, chị Khanh, lại quen với nhiều người nữa…, thấy họ cũng hiền như người Bắc vậy.

– Dạ… may quá! Tôi đáp.

Loan khoe mấy chục tấp hình vừa mới chụp ở Cấp. Bích Khuê khen:

– Chị Loan trông người gầy vậy mà mặc đồ tắm thì vốn liếng lại hiện ra.

Vừa lúc, một người đàn ông bước vào, chưa kịp ngồi xuống ghế, Loan đã chụp nói:

– Viễn này, toa trông moa chụp hình đây này, moa mặc bikini lồ lộ ra này…

Người đàn ông cầm một tấm hình lên xem, Loan vội vã đưa ra tấm khác, dí ngón tay vào trán y:

– Đây này, toa coi đây này, hình moa mặc đồ tắm đây này… Toa còn dám bảo moa vu khống nữa không, moa vu cáo mà…

– Toa vu khống rõ ràng. Người đàn ông lắc đầu.

– Mo vu cáo rõ ràng.

Bích Khuê cười đưa tách nước trà mời:

– Anh Thiệu hôm qua không lại dây. Chắc đêm qua anh làm ăn lớn.

Người đàn ông trố mắt, múa tay năm ngón: Đêm qua cháy năm trăm.

Một bọn ba người tiến vào, tất cả đều bỏ áo ra ngoài quần, Bích Khuê bấm tay tôi, mắng nhiếc nhỏ:

– Mi uống nước trà đi chứ, ăn cam đi chứ, ăn nho đi chứ, hay mi chụp một tờ báo mà coi…, cứ ngồi đực cái mặt ra ngó hết người này rồi ngắm nghía người kia!

Người đàn ông mặc áo Montagut màu huyết dụ ngáp rồi nói:

– Năm nay có ít nhất bảy tờ báo lớn ra đời, tháng mười này tranh cử vào thượng viện.

Bích Khuê hỏi:

– Anh Vỵ dám bỏ ra mười triệu để vào không?

Người đàn ông búng móng tay:

– Ăn nhằm gì mười triệu, chính mắt tôi thấy một tờ báo dám chi bốn triệu để quảng cáo.

– Lát nửa đây đánh xì tẩy, mi ngòi chung một chân nghe? Bích Khuê nói vài tai tôi.

Tôi hốt hoảng:

– Đánh xì tẩy ra sao tau quên mất rồi, hồi xưa tau có tập, bây giờ bỏ không đánh, quên ròi.

– Yên chí… rồi sẽ đê mê lắm.

– Tau sợ quá!

– Vô duyên!

– Tau sợ bủn rủn cả người ra rồi… hai đứa con tau ở nhà, chồng tau đang bệnh.

– Đi ăn, đi chơi, đi hội đi hè mà làm như lên đoạn đầu đài.

– Tau đã dại dột theo mi vào chỗ hang hùm nọc rắn.

Bích Khuê dí ngón tay vào màng tai tôi:

– Rứa mà cái miệng cứ bô bô đòi ly dị.

– Tau về đây. Tôi vuốt tóc.

– Không được, mi không trả thù thằng chồng mi sao? Mi phải ăn chơi cho hắn trắng mắt ra, hắn trố mắt ra, hắn trợn trừng mắt ra.

Tôi lấy khăn lau mồ hôi, Bích Khuê tiếp:

– Bộ mi tưởng thằng chồng mi lấy ẩu một mình con Bích Vân sao? Nhân tình của thằng cha xâu từng xâu như tôm khô ở quán bà Ba Bủng.

Chiếc đồng hồ dán trên tường thảnh thơi báo hiệu đã qua mười lăm phút, tôi nhìn lên, nói:

– Chết, chín giờ rồi…, mi nói để tám giờ tau vào với Nghiễm.

– Đêm nay mi ngủ đây với tau, chồng mi ngủ với mèo. Bích Khuê bình tĩnh.

Canh phé kéo dài đến mười hai giờ đêm, mọi người nghỉ tay ăn nho thì tôi đi ngủ. Giấc ngủ bị gọi dậy bởi đôi mắt mở hết hình tròn, bởi những lời nói nhấn giọng từng chữ của Thảo: Nhà chị Bích Khuê hả? Cái ổ chứa bạc ăn xâu, khiếp lắm, đánh lớn lu bù ăn thua tới bạc triệu, đánh cả bằng tình, đánh cả bằng tiền… khiếp lắm! Chị Bích Khuê người thì lành mà làm chuyện chẳng lành…, ban đêm vào ra nhà chị Bích Khuê là ớn lắm, sợ lắm.

Thảo còn nói đó là nơi vào sống ra chết, vào tỉnh ra điên, nơi đổ xốc của người túi tiền bạc triệu, nơi báo oán trả thù của những hồn ma đen đỏ. Triệu phú vào đó, thương gia vào đó, những ông tướng sao sau một quãng đời làm tướng trên quê hương vào đó, những nghị sĩ của Thượng nghị viện hiện tại ra vào đó, những dân biểu của Hạ viện hiện tại ra vào đó. Những gia tài lớn tiêu tan ra ở đó, những sự nghiệp lớn đổ nát ở đó, và ở đó, người ta kể rằng có kẻ đã hộc máu ra chết với cả một đời danh giá hư vữa.

Tôi nhìn bức ảnh Bích Khuê kê trên chiếc tủ đầu giường nhớ lại lơi hắn đã mắng mình: Cái mặt mi là cái mặt đệt, ngồi đánh bạc mà run như cầy sấy, ngồi đánh bạc là sướng hàng đầu mà không biết… đồ ngu! đồ bệt! Con này không được một cái gì hết. Cái mặt mày là cái mặt thường, cái mặt mày trời nắn ra để làm đàn bà, để đặt dưới nách đàn ông. Phi thường lên một tí đi mày. Đời tau, tau đánh bạc, tau hưởng cái sướng hàng đầu, tau hưởng cái u mê ưu tiên. Đồng thời, tau cũng phải ráng chịu cái cùng cục của tuyệt vọng, cái vô biên của khẩn trương nguy hiểm. Tau đánh bạc, đánh lớn suốt đời, tau liều mình táng mạng, thấy chết không lo, thấy máu không lùi. Khi tau ngồi trên chiếc chiếu đỏ đen, lập tức, tau vô nghĩa hóa đồng tiền, tau tận diệt lòng tham, tau bừng sáng, bừng sáng đôi mắt, ý thức và bừng sáng cả hai bàn tay. Đồng tiền là giấy, bàn tay bừng sáng của tau lùa vào lòng tau rồi đẩy ra cho người khác; đồng tiền là lá rụng để bàn tay bừng sáng của tau hốt cho xong rồi vng. Tau không biết đỏ mặt, không biết tái mặt, không biết run tay, không biết lạnh chân mà chỉ biết đổ mồ hôi. Mồ hôi đổ từng cơn, từng trận, đầu tiên mồ hôi đọng mấy giọt ở thái dương rồi bắt đầu xuất khi canh bạc bắt đầu lớn. Tau kể cho mi nghe câu chuyện này, chuyện thật… chuyện đánh phé (người Huế gọi đánh phé là đánh xì tẩy).

Làng tau là một làng giàu có. Cái độ tản cư bỏ thành phố về thôn quê, mấy ông bự, ông bảnh bọc vàng bọc bạc theo trong mình, lúc đó đồng tiền phá giá hết cỡ, phá giá kinh hoàng. Mấy ông bự, ông bảnh ăn rồi cũng chỉ biết tìm nhau đánh bạc. Họ mê nhất là đánh xì phé, đánh bằng tiền. Nhưng đồng tiền lúc đó xuống thấp quá rồi ăn thua không đủ, không thấy sướng, họ tố nhau bằng của cải ruộng vườn vàng ngọc. Hồi đó, cha tau kể lại, trong một canh phé có ông Huyện, ông Phủ, ông Thượng với một ông thương gia. Ông Phủ lên được ba già mới lên mặt tố, ông tố ông Thượng, ông Thượng đang có một đôi xì, ông Phủ chỉ tưởng ông Thượng có một đoi xì với một đôi nào đó thôi, ông Phủ lúc ấy chạy tản cư mang theo đúng năm mươi lạng vàng… năm mươi lạng vàng lúc ấy phải biết… ông mang cả năm mươi lạng vàng đặt lên ba con già tố ông Thượng. Bài lật ra, ông Thượng có ba xì. Mồ hôi ông Phủ toát ra đầy cả lỗ rốn, ông hét lên: “Tất cả gia tài của cải của tôi, của vợ tôi, của mười đứa con chỉ còn có năm mươi lạng vàng này thôi”. Ông Thượng điềm nhiên hút thuốc lào, ông Phủ nói: “Bác có đành lấy năm chục lạng vàng của tôi không?”. Ông Thượng vẫn rít thuốc lào, ông Phủ nói: “Hay là bác cho tôi nợ, có ba bác đây làm chứng, có giấy chứng nhận cam kết, có ba bác đây”. Ông Thượng lạnh mặt lắc đầu, ông Phủ hộc ra một đống huyết, ngã xuống chiếu. Lúc đưa năm mươi lạng vàng cho ông Thượng, ông Phủ trù: “Bác lấy năm mươi lượng vàng để đức lại cho bảy đứa con gái của bác”. Rồi ông Phủ bệnh nặng, sau đó ông chết. Lời trù của ông Phủ theo bám ông Thượng. Bây giờ gia đình ông Thượng hiện còn lại ở Nha Trang, bảy cô con gái của ông Thượng vẫn còn nguyên bảy cái hồng nhan ế ẩm không lấy chồng được, bảy bà già ở lì chung một gia đình. Bích Khuê tiếp: “Người Nha Trang ở chung quanh gọi gia đình ông Thượng là gia đình người Chàm. Vì trai Chàm thì ít mà gái Chàm quá nhiều. Linh hồn những uổng tử Chàm bị người Việt Nam tiêu diệt ngày xưa vẫn lẩn quất trong mỗi gia đình người Chàm để ngăn cấm gái Chàm không được lấy trai Việt, hết trai Chàm thì thôi, đành ở vậy…”.

Hai giờ đêm, nhà ngoài sòng bạc vẫn chưa tan, đôi mắ tôi líu ríu cơn buồn ngủ cùng với hình ảnh Nghiễm, mím môi trước khi mỉm cười cùng với câu hát giỡn của Bích Khuê: mình ngỡ nó hai đôi, ai ngờ nó ba xì…

Chín giờ sáng hôm sau, tôi ngủ dậy chỉ còn kịp đi chợ Bến Thành mua sắm thức ăn.

Nghiễm đón tôi vào với nụ cười không mở, với hai lông mày xích lại trên một nét nhăn:

– Trình bày lý do sao tối đêm qua không vào, đi đâu với Bích Khuê cả đêm?

Tôi tần ngần vừa cởi áo dài vừa hỏi:

– Tối qua, Trâm nó có mang cơm vào cho anh không?

Nghiễm đứng lên:

– Cô đi chơi suốt cả đêm hôm qua phải không?

– Em đi công chuyện với Bích Khuê một tí rồi bị gió, ói mửa lung tung lang tang, phải ở nhà thoa dầu uống thuốc.

– Cô sao bị gió luôn luôn liên hồi vậy?

Tôi nhìn Nghiễm cười gằn, che miệng ngáp rồi đi vào trong soạn bát đĩa bày những món ăn. Nghiễm gằn giọng:

– Tôi không ăn uống gì được nữa hết nếu cô không giải thích đêm qua cô đi ngủ lang ở đâu?

Lời tra hỏi như những ngón tay nhỏ gãi vào lòng bàn chân, cù trên cần cổ, và chích nhẹ vào nách, tôi cảm thấy phiền tôi, bực mình tôi vô hạn.

– Hôm qua em mệt lả, con Bích Khuê đánh xe đưa em về nhà.

Nghiễm nhìn xuống những viên gạch bông bặm môi, hai bàn tay không nắm, rồi nhìn thẳng tôi:

– Tôi tạm tin lời cô nói vì tôi cho rằng lời nói của cô đang còn có giá trị.

Cái đuôi của lời nói là tiếng cười. Sức nặng của lời nói, nỗi cay của lời nói, vị chua của lời nói, lời nói mếch lòng tôi nhiều bề cho cơn giận trồi cao có góc cạnh, có mũi nhọn, có xiên ngang ê ẩm. Nỗi công phẫn rướn lên, tâm hồn dài ra ngòng ngoèo, tôi phản ứng mạnh, cong người lại mà phản ứng, phồng thái dương ra mà phản ứng.

– Chuyện đôi qua thật hết sức ngoài ý muốn. Anh đừng đa nghi quá độ. Anh nên nghĩ rằng không bao giờ tôi có thể phản bội anh dù chỉ một ngày còn ở với anh, dù chỉ một giờ còn ở với anh.

Sau bữa cơm, Nghiễm lại bàn định đến chuyện mướn một căn nhà. Tôi bảo chàng hãy nhẫn nại ở lại đây đã, nhà bây giờ đụng tới là bạc triệu nếu mua, nếu sang, đụng tới là hàng chục nghìn nếu thuê. Nghiễm vứt tờ báo “Chính luận” ra giường, chửi đổng:

– Mẹ cha mấy cái anh giàu có bán nhà đắt, ông không có tiền.

Tôi thở dài một hơi cho khoẻ, Nghiễm tiếp:

– Mấy cái anh nhà giàu ở Saigon bây giờ định trốn chạy ra ngoại quốc cứ bán toàn biệt thự, nhà lầu…

Tôi chắc lưỡi:

– Tình thế không biết có nguy ngập lắm không mà bao nhiêu nhà giàu lục tục đi ngoại quốc.

– Nguy thì nguy với ai giàu có béo bổ chứ tụi mình thì hề gì.

– Mấy ông thầy bói nói rằng miền Nam không mất được, miền Nam khó mà mất… nếu có mất thì mất ngay ở cái năm Mậu Thân rồi.

Tôi cảm thấy lòng tôi đang nở nụ cười nhỏ như trái sim. Giữa tôi và người đàn ông nằm chồng lên tôi, chồng tôi đó… có hằng hà sa số mối dây gắn bó. Gắn bó trong câu chuyện chính trị, gắn bó trong công việc làm ăn, gắn bó trong hàn huyên đêm huyền, gắn bó trong câu nói thứ nhất đầu ngày và gắn bó trong câu nói vào khuya khởi sự giấc ngủ, gắn bó mê man từ hai mạng sống vợ chồng đến hai xác chết vợ chồng. Tháo gỡ sự gắn bó thiên thu vạn tải đó ra là ly dị. Tôi sẽ ly dị Nghiễm trong tương lai gần. Luật vợ chồng là vậy, luật trời và luật đời. Tôi làm theo luật trời và luật đời chứ không phải luật của tôi. Trời ơi! Tôi đã làm việc phải! Tôi phải, tôi đúng lý, tôi đúng luật, tôi thật giỏi, tôi thật tốt. Nước mắt tôi liền chảy ra nhanh như chớp.

Buổi mai thức dậy trời nhẹ bâng, Nghiễm uống cà phê sớm hơn thường. Khuôn mặt Nghiễm điểm nét cười vu vơ, chiếc muỗng và chiếc ly reo vui canh canh êm ái, tôi nằm trong mùng nhìn chàng hớn hở lẩm bẩm:

– Chúc anh một hạnh phúc tròn với Bích Vân.

Khi quay lại khóa trái cánh cửa để ra về, Nghiễm dặn với:

– Tối nay vào sớm nhé.

Về tới nhà, con bé thứ hai đang ngủ ngon hồng hào, tôi thay vội quần áo rồi cầm chiếc kéo nhỏ cắt cụt hai hàng lông mi của con bé và hớt tóc ở trán cho tóc khỏi đâm vào mắt con. Tôi mở tủ lấy cuốn “Sách của con tôi” ra ghi vào một trang giấy vẽ hoa: Mấy ngọn tóc sữa trước trán mini mẹ cắt đợt đầu ngày tám tháng tư năm một chín sáu chín.

Bích Khuê lại chơi giúi vào tay tôi mười nghìn bạc bảo đêm đó được lớn vì vía tôi hên. Tôi phụng phịu bảo bạn:

– Từ nay mi đi đâu đừng tha tau theo nữa, cả đêm hôm qua thằng cha cằn nhằn tau nhức xương buốt tủy.

– Đem mi đi theo cực như chuột cắp trứng chứ bộ sung sướng chi đó mà ham. Bích Khuê bĩu môi.

Bích Khuê ra về thì tôi cũng sửa soạn vào với Nghiễm. Trâm nhìn bụng tôi nói:

– Bộ có mang nữa hay sao mà cái bụng lùm lùm.

– Thôi đừng trù nữa mi. Tôi háy dài.

– Đẻ cho hết, đẻ thốc ra một thôi cho không còn một cái trứng nào trong bụng nữa. Trâm chắc lưỡi.

Tôi ra phố trời hãy còn chiều, ánh nắng hớn hở nhảy long tong trên một đường cong nào đó do tôi tưởng tượng. Chiều trước mắt tôi nhẹ nghiêng như cánh cung dĩ vãng. Đằng cuối chiều tôi nhìn thấy hình bóng Nghiễm.

Nghiễm nằm trên giường hất tờ báo sang bên cười:

– Hôm nay em vào sớm… tiến bộ!

– Mai em cũng vào sớm nữa!

Nghiễm và tôi cùng nhìn ra khi cánh cửa phòng chợt mở, Bích Vân lách vào. Mặt Nghiễm nhăn lại như bị vá nhiều miếng:

– Cái gì đó?

Bích Vân đứng ở cửa nhìn đồng hồ nói nhanh:

– Ghé qua bàn với anh tí việc, nhưng anh sắp ăn cơm rồi, thôi để khi khác… Em về, chị Khanh nhé!

Nghiễm không trả lời, chàng ngồi lên và giữ cái thế ngồi chồm tới trong một lát ngắn. Tôi nói:

– Anh bình tĩnh lại để ăn cơm.

Tôi đứng lên bật đèn nhìn chồng, khóe mắt và nụ cười cùng tươi sáng. Mặt Nghiễm vẫn còn nhăn hai nét lớn ở lông mày và miệng, chàng vẫn ngồi ở cái thế chồm tới.

Tôi chúc mặt tới gần Nghiễm nói láu táu:

– Hú ba hồn bảy vía anh Nghiễm về ăn cơm với quả trứng. Anh Nghiễm hễ thấy gái là mất hồn liền. Tỉnh lại! Tỉnh lại!

Nghiễm nhìn tôi hơi lâu, cười:

– Nhảm nhí!

– Nếu con Bích Vân xin anh, em cho liền, nếu cô nào xin anh, em cũng cho liền.

Nghiễm đưa tay lên che miệng ngáp quay mặt vào tường co đôi chân lên ôm chiếc mền vào bụng. Nghiễm cười lên hức hức quay lại nhìn tôi rồi xây mặt vô vách cười hoài. Bỗng dưng tôi muốn ngồi bệt xuống đất, đầu gối đưa qua mang tai, úp mặt khoanh hai tay ra ngay đầu. Đứng đó là chồng, đứng đó là Nghiễm, người cứ làm nước mắt tôi chảy ra nhanh như chớp, người sẽ làm hạnh phúc tôi đen như mực Tàu, người nói dối tôi như Cuội. Tôi trầm giọng nói:

– Anh có dám đến Lăng Ông bẻ cổ gà mà thề với em rằng anh vẫn yêu em tròn trịa nha ngày làm đám cưới, anh không hề yêu ai ngoài em, anh không hề ngủ với ai ngoài em.

Nghiễm nhăn mặt lại rồi cười hề hề:

– Ghen tuông vu vơ chẳng ra cái gì cả. Không biết em học được của ai cái tính ông đồng bà bóng đó.

– Đàn bà uống nước bọt của nhau, trộn chung nước bọt nhau mà uống để truyền cho nhau cách giữ chồng, cách duy trì hạnh phúc, cách ghen tuông, dạy nhau học chữ ngờ. Bởi đó, em phải đánh hơi anh đã phụ rẫy em chưa, em phải ngửi anh đã phản trắc em chưa, em phải ngờ anh đã san sẻ yêu thương cho kẻ khác chưa.

– Em càng ngày càng lộn xộn, những điều hay không học, cứ đi bắt chước cái xấu của người ta.

– Em linh cảm rằng em nhất định mất anh, dễ mất quá, anh Nghiễm ơi. Bây giờ em đang ngồi nhìn về hướng tây, chớp nhoáng, em quay mặt lại hướng Bắc… anh mất lúc nào em không hay, anh mất biến lúc nào em không biết…

Liền với câu nói, nước mắt tôi lại chảy nhanh như chớp. Tôi liên tưởng đến câu nói nhiều vần: “Trời mưa trời gió, vác đó ra đơm, chạy vô ăn cơm, chạy vô mất đó, kể từ ngày xa đó, đó ơi!…”. Tôi lẩm bẩm: Ư… ừ… đúng mình về nhà mình một cái là con Bích Vân thổi chồng mình… đúng cái phóc. “Trời mưa trời gió, vác đó ra đơm, chạy vô ăn cơm, chạy ra mất đó…”.

Nghiễm quay hỏi:

– Nói năng lâm râm cái gì vậy?

Tôi nhoẻn cười:

– Tại em không biết rào cô lập, em không biết rào kẽm gai anh, không biết bố trí canh phòng.

– Em hóa điên mất rồi, Khanh ơi!

Tôi im lặng đứng dậy đi tới, Nghiễm và tôi cùng ngồi xuống mâm cơm.

Ba ngày sau, Bích Khuê lại chơi, tôi khóc:

– Nghiễm với con nhỏ đó bây giờ quá thể, mi ơi…

Bích Khuê trợn mắt:

– Rứa hả, chuyện chi rứa?

– Có mặt tau đó mà con nhỏ vẫn vào thăm Nghiễm nói chuyện như khuất tau vậy.

– Hai đứa véo von ngay trước mặt mi?

– Ta chắc là còn không bao lâu nữa Nghiễm với con nhỏ đó sẽ công khai diễn ra trước mặt tau những điều mà họ có thể làm được.

Bích Khuê đốt thuốc lá trầm ngâm:

– Chồng con chi mà chán phèo… Mi phải nói cho Nghiễm biết tất cả sự thật, tất cả ý định và quyết định của mi. Tình trạng nát thế này thì làm sao mà sống được.

Tôi khóc đầm đìa cả mắt, mũi, miệng, khăn tay, tôi khóc ráo cả nước trong người. Tối hôm đó, sau khi tiễn một người bạn đến thăm muộn, Nghiễm ngáp dài trong một tiếng kêu thoải mái, tôi nói:

– Anh hãy khoan đi ngủ, tôi có câu chuyện muốn nói.

Nước mắt tôi lại chảy ra nhanh như chớp rồi tôi chậm rãi kể lại: Một buổi chiều tôi nghỉ dạy hai giờ, tôi lại ngay với chồng tôi, tôi vén bức rèm tím nhìn vào, tôi thấy hai thân thể hổn hển, một thân thể là chồng tôi và một thân thể đang đầu thú dưới tay chồng tôi. Tôi trở về nhà em tôi cạo gió cho tôi, tự đó chồng tôi khiển trách tôi về thái độ lạnh chàng thấy tôi cư xử với chàng. Thâm tâm tôi kêu gào ly dị và bây giờ tôi tuyên bố ly dị với chồng. Tôi đi trên con đường cùng của tôi. “Đường em cứ đi, đường quanh lối co, nhịp chân trói vo…”.

Đêm gắn dầy những vì sao mất hồn, tôi quay mặt qua khung cửa cổ ngước lên rồi mắt đờ đẫn nhắm lại với cơn khóc. Hết, tôi không còn gì ngoài tôi, tôi không còn gì ngoài con tôi, ly dị là sự hủy hoại cuối cùng. Qua một giây phút nào đó, tôi mở mắt ra, tôi đang lọt trong vồng ôm của Nghiễm, Nghiễm nói trong tóc tôi:

– Em là đàn bà, em lại là vợ anh, việc anh làm đó, dù em có vị tha mấy, em cũng không tha thứ được cho anh một phần nhỏ.

– Bây giờ anh đang thời kỳ chờ đợi phục hồi sức khoẻ, chúng ta không làm gì được… Nhưng rồi, em sẽ ly dị cho anh mừng.

– Anh chờ đợi sự trừng trị, chờ đợi mọi sự trừng trị, nhưng anh không chờ đợi sự trừng trị đó.

Tôi tháo gỡ cánh tay đang quấn nửa vòng qua cổ tôi, đẩy nhẹ cái cằm đang ẩn trên vai tôi, tránh xa một bên má đang áp vào một bên má tôi. Một bàn tay Nghiễm để không thôi đừng vùi trong tóc, thôi đừng đi trên ngực, thôi đừng lần xuống bụng, thôi đừng vỗ nhẹ đùi thịt tôi, thôi đừng ve vuốt sống lưng. Tôi ngồi xích ra dựa lưng vào vách tường thở mấy hơi ngắn. Nghiễm nhào tôi bắt tôi vào lòng:

– Sao em không phản ứng, sao em không phản ứng một tí nào mà em chỉ quyết định.

– Em đã phản ứng rồi, em đã quyết định rồi.

– Trong câu chuyện này chỉ có người đàn ông mới hiểu người đàn ông… Anh thề có bóng đèn trên đầu, nếu anh không yêu em như ngày cưới, nếu anh có một manh tâm nào phản bội em, thì lát nữa anh sẽ tắt như ngọn đèn.

Tôi bình thản cười nhạt:

– Em nhận thấy không còn ích lợi gì nữa để bắt anh bẻ cổ gà thề trước Lăng Ông, bắt anh chỉ bóng đèn mà thề, với sinh mạng mình. Ngày xưa, vì đàn bà mà thằng Cuội nói láo; và, ngày nay cũng như ngày xưa, vì đàn bà mà những người đàn ông bắt chước tên Cuội… Em không muốn tại em mà đôi khi anh nói láo.

Nghiễm giữ chặt tôi:

– Anh đã hết quyền hạn tự biện hộ, tự bào chữa. Lúc này, anh nói tì cũng chỉ làm em nghi ngờ thêm, anh chỉ xin em hiểu rằng tội của anh nhỏ lắm, tội của anh dễ hiểu lắm và đáng tha thứ lắm nếu em hiểu biết chuyện đời thêm một mức nữa.

Tôi nghe trong bụng ngầm nổi lên một tràng cười liên tục, một tràng cười cồm cộm từng hạt tròn đính chuỗi vào nhau qua một mối dây chắc và cứng, một tràng cười lớn đáng lẽ dồn dập thoát ra ở ống cổ ngước cao, một tràng cười vừa điên vừa mê bằng âm thanh nổi, một tràng cười khô ráo để được tiếp theo bằng cơn khóc.

– Cho em lui… Em bây giờ không còn gì nữa ngoài em, ngoài con…

Nghiễm đập nhẹ bàn tay xuống tường:

– Em không suy nghĩ thật lâu, thật sâu, thật chín chắn… chuyện ly dị là chuyện ác đức nhất, tổn thọ nhất mà em cứ lấy làm câu nói đầu miệng đầu lưỡi, vợ chồng không thể trong một nháy mắt mà xa nhau được, không thể trong một cái trở mình mà xa nhau được… Vợ chồng liền nhau như cật với ruột, dính nhau như mỡ với da… thương nhau, hiểu nhau, cần nhau, nghĩa nặng hơn non, không làm sao có thể có vấn đề ly dị được. Em phải suy nghĩ thật lâu, thật sâu, thật chín muồi…

Tôi bỡ ngỡ:

– Thế thì vấn đề ly dị đặt ra cho ai? Thế thì lấy gì giải quyết số phận em?…

Nghiễm nhăn mặt:

– Em cần khôn ngoan ra, hiểu biết ra một tí, em mới hiểu nổi trường hợp anh. Ngoài em ra, anh còn phải đặt vấn đề tôn trọng Bích Vân dù Bích Vân không đáng được tôn trọng tí nào…

Tôi ngồi duỗi chân, nắm tay lại gõ gõ vào đầu gối:

– Tôi không cần biết anh yêu ai, cũng không cần biết cái lý lịch của người anh yêu… Lúc này, tôi rất đầm, rất mát, tôi không biết la hét, đập phá, không biết làm gì cả.

Nghiễm cầm tay tôi nâng lên cao:

– Chuyện xảy ra càng khiến anh thương em vô cùng vô tận, anh thương em hơn bao giờ hết, anh hiểu em quá rõ ràng.

Lời nói tôi phản đối nhưng bàn tay vẫn nằm ngoan:

– Bắt đầu từ ngày mai, anh có rộng quyền để tiếp Bích Vân bất cứ lúc nào, tiếp ngày tiếp đêm, tôi để cho cô ả ăn dầm ở dề tại đây… ngày mai tôi hết phiên ở đây, tôi không vào đây, tôi ở nhà, tôi đi chơi, tôi đi chơi cho sướng xác.

Nghiễm trầm giọng:

– Anh tự biết cái phần tội lỗi anh làm ra. Trong lúc em đang cơn giận, em sẽ làm những điều…, nhưng anh đã hết quyền hạn khuyên can em, anh chỉ chờ em suy nghĩ kỹ.

Đêm hôm đó, Nghiễm cũng thao thức như tôi. Nghiễm không trở mình, nhưng cơn mất ngủ trằn trọc ở đôi chân.

Sáng mai, trước khi về nhà, tôi ghé Bích Khuê bảo:

– Tau tưởng tau không có gan nói thẳng chuyện đó vào mặt Nghiễm. Ai ngờ… nói ra được mát mặt ghê mi ơi!

Bích Khuê đưa mặt tới, nhướng mắt to:

– Coi cái bọ thằng cha ra răng?

– Thằng cha cũng cay đắng không kém gì tau… Khế với chanh một lòng chua xót…

Comments are closed.