Làm báo Văn Nghệ (kỳ 3)

Hồi ký Nguyên Ngọc (trích)

Lê Ngọc Trà mở đầu bài viết của mình nhẹ nhàng, thận trọng, nhưng liền đó cũng tỏ ngay ý muốn bàn lại chuyện này một lần cho rành rõ. Anh viết: “Mấy chục năm qua đất nước chúng ta sống chủ yếu bằng đời sống chính trị. Cách mạng, chiến tranh, các sự kiện chính trị, sinh hoạt chính trị đi vào cuộc sống hằng ngày. Mọi thứ đều được đo bằng chính trị… Do tầm quan trọng của nó, vấn đề chính trị và văn nghệ trở nên một đề tài có cái gì như là hơi “thiêng”, và vì vậy ít người dám bàn hoặc giả có bàn thì cũng chỉ nói một cách kính cẩn. Mà trong khoa học đã cung kính như thế thì khó có thể có ý kiến gì cho mới mẻ, sáng tạo…”. Tức anh bảo ta nên thử giải “thiêng” mà nói chyện này một cách trần tục hơn, tức thật hơn, đời hơn, xem sao. Và anh nói thẳng: “Chính trị là cái cốt yếu quan trọng của xã hội, nhưng cuộc đời rộng hơn chính trị…”.

Mà văn học thi nói về cuộc đời, nên nó rộng hơn chính trị. Rộng hơn và lâu dài hơn.

Rồi anh viết tiếp:

“Lịch sử nhân loại đã biết đến hai hình thức xưng tội chủ yếu là tôn giáo và nghệ thuật. Ở nhà thờ, con người sám hối trước Chúa, Phật, trong văn học con người xưng tội trước chính mình. Văn học là lương tâm của xã hội. Lương tâm xã hội bị cắn rứt trong văn học, không yên. Nghệ thuật như tấm gương lớn của xã hội đặt ra trước mặt, mỗi người đến tự soi mình, nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, tự phán xử, kiêu hãnh với những gì tốt đẹp có ở mình, ở cuộc đời, đồng thời cũng hổ thẹn vì những gì trái với lương tâm, đau đớn với tội lỗi, bất công trong xã hội…

“Văn nghệ phải trở thành lương tâm của xã hội. Giáo dục lương tâm là mảnh đất riêng của văn học nghệ thuật, là sở trường của nó, là đóng góp độc đáo của nó đối với xã hội. Một xã hội nhân đạo và cởi mở sẽ đẻ ra những tư tưởng chính trị lành mạnh, hiện thực.

“Nói khác đi, chất chính trị cao nhất của văn nghệ nằm ngay trong bản thân nó. Làm thật tốt nghĩa vụ xã hội đặc trưng của mình, đó cũng là làm chính trị. Nói như Puskin, “Mục đích của thơ ca – đó là chính thơ ca…”.

Sau bài đầu tiên này của anh Trà, anh Nguyễn Đình Thi gọi điện bảo tôi cần dừng lại và Ban Thư ký sẽ có bài đáp. Anh Chính Hữu gửi cho tôi một bài của Bondarev, lý lẽ cũ mốc, bảo đăng. Tôi trả lời các anh chúng tôi là báo của Hội, phải theo chỉ đạo của Hội, nhưng tôi là Tổng Biên tập, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự ở đây, vậy đề nghị Ban Thư ký bảo phải đăng bài nào không được đăng bài nào thì xin có công văn rõ ràng, có chữ ký của các anh và đóng dấu của Hội để mọi sự được rành mạch. Không thấy các anh nói gì nữa, cũng không thấy bài đáp lại của các anh.

Sau Văn học và chính trị, tôi có dịp sang Moskva nhân một cuộc họp gì đó, được gặp anh Trà và hai anh em bàn với nhau về bước đi thứ hai: Văn học và Hiện thực. Anh Trà hỏi ý tôi về mối quan hệ này. Tôi nói theo tôi, phản ánh hiện thực không phải là chức năng, tức nhiệm vụ của văn học. Nhà văn viết, dù muốn hay không, đều đương nhiên ghi lại dấu ấn của thời mình sống, vậy hiện thực là thuộc tính đương nhiên của văn học, cũng như ở mọi hoạt động tinh thần khác của con người. Khi Marx nói rằng đọc Tấn trò đời của Balzac giúp ông hiểu về chủ nghĩa tư bản hơn tất cả nghiên cứu của mọi nhà kinh tế, xã hội gì gì đó nữa cộng lại, ấy là muốn nói với tư cách là người đang chăm chú tìm hiểu chủ nghĩa tư bản, ông tìm thấy lợi ích đó cho công việc ông đang làm; chứ là nhà trí thức lớn và cũng đầy tâm hồn nghệ sĩ, hẳn Marx không chỉ nghèo nàn thưởng thức có chừng đó ở Tấn trò đời… Anh Trà và tôi hoàn toàn thống nhất, và anh đã triển khai một bài khá viết thuyết phục về mối quan hệ vừa khó lại vừa đang là một cản trở dai dẳng và không nhỏ trong văn học ở ta…

Tôi đã nói kha khá chuyện này ở một số chương khác. Song nhìn lại có lẽ về mối quan hệ thứ hai này bài viết của anh Trà còn chưa thật “sướng”, chưa thật mở. Cũng dễ hiểu thôi, Đổi Mới lúc này chỉ mới he hé, phản ánh luận của Lenin bấy giờ vẫn còn “thiêng” lắm, chưa ai dám động mạnh tới… Vả lại, hồi đó cũng chưa có các tiểu luận của Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp, quan trọng đến mức Guy Scarpetta đã phải nói: Bằng cách đuổi Kundera ra khỏi nước mình, Tiệp Khắc đã tặng cho châu Âu một nhà tiểu thuyết hàng đầu thế giới. Không chỉ thế, Kundera còn là một nhà lý luận về tiểu thuyết sâu sắc và độc đáo. Với ông, vấn đề ta đang quan tâm được hiểu một cách rốt ráo hơn nhiều.

Trước hết ông không coi tiểu thuyết chỉ là một thể loại. Mà là một cấp độ tư duy mới khác của con người, loài người. Ông cho rằng người khai sinh ra Thời Hiện đại không chỉ là Galilae và Descartes, đề cao đến tuyệt đối khoa học và lý tính. Ấy là khi niềm ham mê hiểu biết xâm chiếm lấy con người, khiến họ không ngừng chẻ thế giới và con người ra thành những thành phần ngày càng nhỏ tách biệt, để tìm hiểu cho đến chi li tường tận. Thì oái oăm thay, cùng lúc và bằng cách ấy, họ lại đánh mất đi cái nhìn tổng thể về thế giới và cả cái nhìn về chính mình. Tư duy cơ học thắng thế, cuộc đời và con người chỉ còn là cái máy tinh vi nhưng hoàn toàn có thể tháo ra thành từng miếng nhỏ để “biết” đến tận cùng…

Kundera không tin như vậy, ông bảo Thời Hiện đại không chỉ ra đời bằng Galilae và Descartes; nó còn ra đời bằng hai người khổng lồ khác nữa, Cervantes và Rabelais, những ông tổ của tiểu thuyết. Cuộc sống vốn rất hiền minh. Cùng lúc với khoa học và lý tính, nó còn cho ra đời tiểu thuyết, để giữ lấy cho con người cái nhìn tổng thể về thế giới và cả cái nhìn về chính mình, cái mà khoa học và lý tính trong cơn hăng hái kiêu căng của nó đã đánh mất.

Điều thứ hai rất quan trọng: Kundera nói rằng lịch sử tiểu thuyết như ta vẫn quen thấy, quen đọc, nhất là quen được dạy ở nhà trường, chỉ là một trong những khả năng của lịch sử tiểu thuyết. Tiểu thuyết từ khi mới ra đời, vào buổi bình minh của Thời Hiện đại, đã mở ra những khả năng phát triển rộng lớn, tự do hơn rất nhiều. Cứ đọc lại Đôn Kihôtê của Cervantes cùng Gargantua và Pantagruel của Rabelais thì rõ. Châu Âu phiến diện, cũng vì ảnh hưởng của say mê lý tính mới mẻ, suốt mấy thế kỷ đã bỏ quên bao nhiêu khả năng phát triển phong phú khác của tiểu thuyết, chỉ tập trung chọn một trong các khả năng ấy, khả năng tiểu thuyết hiện thực, từng tạo nên những tác giả và những thành tựu vĩ đại, những Victor Hugo, Dickens, Stendhal, Proust… Nhưng rồi mải miết đi theo mỗi con đường độc đạo ấy, nó đã suy kiệt, hao mòn dần…, cho đến lúc đã phải hoảng hốt kêu lên thất thanh: Nhân vật đã chết, tác giả đã chết, tiểu thuyết đã chết…

Ta thường bảo đó là do lối dĩ Âu vi trung, lấy châu Âu làm mẫu để đánh giá mọi thứ. Kỳ thực chỉ là dĩ Tây Âu vi trung. Bởi vì còn có một nền văn học châu Âu khác, của Trung và Đông Âu mà Tây Âu kiêu căng không biết đến, hay biết tới rất chậm, ở đấy văn học đã đi con đường khác, bắt nguồn và trung thành giữ nguồn vốn rộng mở, tự do, đa dạng từ những nhà sáng lập tiểu thuyết đầu tiên. Họ đã làm nên những tên tuổi lớn của tiểu thuyết Hung, Áo, Ba Lan, Tiệp… những Robert Musil, Witold Gombrowicz, Jaroslav Hasek, chưa kể đến Kafka mà Tây Âu biết đến cũng khá muộn… Milan Kundera đi theo chính con đường này… Rồi tiểu thuyết được gọi là hiện thực huyền ảo của châu Mỹ La-tinh nữa. Tôi còn muốn nghĩ đến tiểu thuyết Nhật của những Mishima, Oe…

Từ cách nhìn trên, Kundera quan niệm rất khác về nhân vật. Ông không coi nhân vật là những điển hình xã hội, với “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” như công thức đã thành kinh điển của Engels. Ông nhắc câu châm ngôn Do Thái “Một lần không phải là một lần”. Một lần bao giờ cũng là lần duy nhất. Không ai có thể có hơn một cuộc đời, mỗi tình huống trong đời anh, anh cũng chỉ sống qua được một lần, không còn cơ hội sống lại để biết lần ấy mình đã sống đúng hay sai. Thật kỳ diệu, tiểu thuyết cho anh cái khả năng Trời không cho ấy. Kundera gọi nhân vật là cái tôi tưởng tượng (le moi imaginaire), còn quan trọng hơn nữa, là cái tôi thử nghiệm (le moi expérimental), anh có thể dùng nhân vật là cái tôi do anh tưởng tượng ra đó, để dấn mình vào vô số tình huống, sống thử nghiệm thêm vô số khả năng sinh tồn mà một cuộc đời duy nhất không cho anh có được…

Vậy đó, một quan niệm tiểu thuyết, một quan niệm văn học đã đi xa hơn biết bao nhiêu văn học phản ánh luận, văn học hiện thực. Nó cho con người được sống và trải nghiệm thêm vô số cuộc đời mà Chúa chỉ keo kiệt cho có một.

Sau những bài đăng như vậy, chúng tôi tổ chức ở tòa soạn những cuộc hội thảo nhỏ hội tụ một số nhà lý luận, phê bình, nhà văn, cả độc giả nữa, phong phú, sôi nổi và vui. Lần hội thảo sau bài Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa của Nguyễn Minh Châu là một cuộc bùng nổ mà chúng tôi đã cố ghìm bớt lại không để quá ồn ào.

***

Trong thời gian ngắn ngủi làm báo Văn Nghệ của tôi có hai sự kiện đáng chú ý, cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đông đảo đại biểu văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa, đến hơn 100 người, trong 2 ngày 7 và 8 tháng 10-1987, và Kỷ niệm 40 năm báo Văn Nghệ vào tháng 4 năm 1988.

Các nhà văn chúng ta vậy mà rất dễ bốc. Nguyễn Khải vốn là người chín chắn và thường khá thận trọng, vừa tan họp đã hớn hở oang oang: “Lần này thì đúng xuất hiện minh quân thật rồi!”.

Báo Văn nghệ tất nhiên có một bài tường thuật dài trang trọng. Câu cuối của bài tường thuật ấy là như thế này: “Anh Nguyễn Kiên là một nhà văn thường được anh em trong giới coi là người rất trầm tĩnh, thận trọng, chín chắn. Anh đứng lặng rất lâu sau khi bước ra khỏi khu hội trường, rồi nói nhỏ, chậm rãi: “Có cảm giác là chúng ta đã bắt đầu bước sang một thời kỳ khác”…”.

Cuộc họp được mở đầu bằng một lời giới thiệu ngắn của anh Trần Độ, rồi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào cuộc rất khéo. Ông nói: “… Tôi có một băn khoăn: hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng. Còn nếu đúng như thế thì tại sao? Hay do lãnh đạo có sự kiểm duyệt, sự hạn chế gì?… Nếu có tình hình ấy, tôi đề nghị có thể đó là một chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được nghe ý kiến các đồng chí…”. Sau đó ông để cho mọi người nói gần suốt hai ngày, tha hồ phơi bày bao nhiêu phê phán, bất bình. Cuối cùng ông mới kết luận, cũng ngắn gọn thôi, trong đó có một câu thường sẽ được nhắc đi nhắc lại mãi: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu!”. Ý nói: Đảng đã cởi trói cho các anh rồi, bây giờ đến lượt các anh tự lo lấy đi, ráng mà phục vụ cho tốt vào.

Riêng tôi, thật tình tôi không mấy hứng khởi với cuộc họp trấn an ấy đối với giới trí thức, trong đó thường ồn ào hơn cả là mấy anh văn nghệ. Tôi cũng không mấy hứng thú với lời kêu gọi “Hãy tự cứu mình…”. Trước đó, tôi có viết một bài ngắn trên báo Văn Nghệ, đại ý nói Đổi Mới chẳng qua là bỏ bớt đi một số bó buộc vô lý với cuộc sống vốn là tự nhiên của con người. Cũng là do từ một cuộc nói chuyện với anh Hồ Nghinh. Anh Nghinh kể với tôi hồi mới vào Sài Gòn anh có thử đi hỏi bà con bây giờ cách mạng về cho bà con đủ thứ, chính sách này chính sách nọ, lại còn các món trợ cấp, v.v., vậy chính quyền Sài Gòn trước đây có cho bà con gì không. Dân Sài Gòn trả lời rất Sài Gòn: Không, họ không cho gì hết trọi. Chỉ cho làm ăn thôi.

Hay thế!

Tôi không đồng ý nói Đảng cởi trói cho xã hội, cho nông dân, cho văn nghệ. Xã hội bị đẩy đến cùng cực, sắp chết ngạt đến nơi, đã tự mình đứng dậy, bứt tung dây trói phá ra mà đi tới, tự cứu mình và cứu nước. Cứu cả Đảng nữa.

Và cũng chỉ mới được có chừng đó. Còn cái chủ nghĩa, cái hệ ý thức, cái tư tưởng tăm tối đã trói xã hội đến nghẹt thở suốt bao nhiêu năm, thì ngay trong hai ngày muốn tỏ ra cởi mở nhất của ông, Tổng Bí thư Linh đã dám chạm gì đến nó đâu. Vì cái đó mà anh đã trói chặt người ta gần chết, bây giờ anh lại bảo tôi hãy tự cứu mình đi trước khi trời cứu, lâu nay anh là trời chứ còn ai nữa, vậy mà…

Thật tình cuộc họp hai ngày ấy không làm tôi vui. Sau đôi chút ồn ào, rồi nó đã lặng lẽ trôi qua, nay chẳng mấy ai còn nhắc tới. Thậm chí, có người nghĩ lại, đã thốt lên: Lần nữa chúng mình lại ăn một quả lừa, một quả lừa rất to, các cậu ạ. Người đầu tiên nói ra câu đó lại chính là Nguyễn Khải…

Riêng tôi thì còn nhớ một chi tiết rất ngoài lề. Hôm ấy, ngồi chủ trì ở bàn phía trên cạnh ông Nguyễn Văn Linh là anh Trần Độ. Trong chiến tranh chống Mỹ, anh Trần Độ là Phó Chính ủy Quân Giải phóng Miền Nam, ông Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương cục, nên về danh nghĩa là Chính ủy. Nhưng bí thư thì trăm nghìn việc, nên nhiệm vụ chính ủy thực chất do anh Độ đảm nhiệm. Họ đã sống và làm việc với nhau những ngày chiến tranh ác liệt, cùng vào sống ra chết. Tôi thấy hai ngày họp họ thường đùa nghịch với nhau rất vui vẻ thân tình, nhiều lúc còn trêu chọc nhau rất bạn bè…

Vậy mà rồi sau đó xảy ra một sự cố đáng buồn, đến mức tệ hại. Họ cùng nhau đi xem một vở kịch gì đó tôi không còn nhớ tên, ông Linh có ý chê, thậm chí lên án, muốn cấm. Về họp ở Ban Văn hóa Văn nghệ, anh Độ nói: Đối với một tác phẩm nghệ thuật, thì khi đi xem,ý kiến của Tổng Bí thư cũng chỉ là ý kiến của một khán giả. Kỳ thực anh Độ, với tư cách Trưởng ban, cũng là một người khá chặt chẽ, anh còn nói thêm: Tuy nhiên, với trách nhiệm là Tổng Bí thư, nếu thấy tác phẩm thật sự nguy hiểm cho xã hội, đất nước, ông ta có thể có ý cấm. Song cấm hay không không phải là việc của Tổng Bí thư, ông phải lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa là đảng viên của ông ban hành lệnh cấm. Có cả ba vế hoàn chỉnh như vậy. Nhưng tay nịnh thần về tâu lại ông Linh chỉ nhắc mỗi một vế đầu. Ông Linh giận tím mặt, từ đó coi và đối xử với anh Độ như kẻ thù. Những bi kịch cuối đời chẳng ra làm sao của anh Độ đều bắt nguồn từ đây. Không đủ độ lượng, dễ thù cá nhân và thù dai, thậm chí từ chuyện vặt ở một người thường đã không hay, ở người giữ cương vị tối cao càng tệ và nguy hiểm.

Tôi quen và gần anh Độ nhiều, tôi biết anh là người trung thực, dũng cảm và cương trực, hết sức trong sáng nhiều khi đến ngây thơ và rất dễ tin người. Theo chỗ tôi biết, anh đã có lần được cơ cấu làm Chủ tịch Quốc hội, tức vào cái chỗ gọi là tứ trụ triều đình, nhưng anh từ chối, bảo để mình làm việc với anh em văn nghệ vui và thích hơn. Anh giới thiệu anh Lê Quang Đạo thay, khi anh Đạo nói em không đủ sức đâu, anh bảo cậu cứ nhận đi, tớ sẽ làm phó giúp một tay. Và anh làm phó, giúp thật, tận tình. Gần như không được đào tạo gì, nhưng anh Độ là người rất ham đọc, ham học, say mê văn học nghệ thuật, chân tình yêu quý anh em văn nghệ, và đặc biệt nhạy cảm, tinh tế trong lĩnh vực này. Anh đã khiến tôi kinh ngạc khi bảo tôi lúc tôi nói tới mong ước có những đỉnh cao mới trong văn học: “Tớ nghĩ trong nghệ thuật muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới, cậu ạ”. Tôi thân với anh cũng là từ đó…

Báo Văn Nghệ còn có va chạm với Tổng Bí thư trong một chuyện đúng ra là đáng buồn cười. Về cái vụ bi hài gọi là “Quay hộp đen”. “Nguyên do hình như là bắt đầu ở Viện Tính toán và Điều khiển có một vị tiến sĩ và cộng sự suốt ngày nói về hộp đen (black box), tuy chẳng ai hiểu cho rõ nó là cái gì, chỉ lơ mơ “Đại loại hộp đen là cái hộp mà người ta chẳng biết nó làm gì bên trong, chẳng ai hiểu nguyên lý. Các nhà khoa học thử nghiệm bằng cách cho dữ liệu đầu vào (input data), quan sát dữ liệu đầu ra (output data), để đoán mò cách thức hoạt động. Ấn đầu này, đầu kia không phản ứng gì, là input có vấn đề. Đối với dân thường, bóng bán dẫn là cái hộp đen, vì ai biết có gì bên trong, nhưng lắp vào cái đài, nó nói như nghị quyết trung ương. Hay như bộ não người, thấy khát thì nhớ nước, thấy đói muốn ăn, thấy trái tai muốn lên tiếng, nhưng chẳng biết nguyên lý các tế bào não trao đổi với nhau ra sao”.[*] Chẳng may câu chuyện nghe có vẻ hay ho đó đến tai Tổng Bí thư, ông rất lấy làm thích thú, và đúng như anh Hoàng Ngọc Hiến nói “Cái nước mình nó thế”, ông cho rằng cải tiến quản lý và kỹ thuật liên quan đến cái hộp đen, say sưa đưa cái nguyên lý khoa học hiện đại này vào chuyện cơ chế khoán trong sản xuất, mỗi khi gặp khó cứ đưa các dữ liệu đang bí vào đầu input, quay một phát, trong hộp đen sẽ diễn ra các thao tác bí ẩn, và giải pháp hoàn hảo sẽ ló ra rõ ràng ra ở đầu ouput, cứ thế mà làm, mọi việc sẽ suôn sẻ. Đến mức báo Nhân Dân mở hẳn một mục hằng ngày gọi là “Quay hộp đen” tiếp sau mục “Những việc cần làm ngay” của NVL.

Cụ Hoàng Tụy và anh Phan Đình Diệu quá bức xúc vì chuyện vớ vẩn này, viết bài phê phán gởi báo Nhân Dân. Tổng Biên tập Hà Đăng biết đúng nhưng không dám đăng. Tôi gọi điện bảo thế thì tôi đăng nhé. Bài được đăng lên trang nhất báo Văn nghệ là một bài báo đặc biệt, đâu chỉ có 200 từ mà ký tên hai nhà toán học vào loại lớn nhất nước hồi bấy giờ. Báo Nhân Dân biết điều, từ đó lặng lẽ bỏ luôn mục “Quay hộp đen”. Nhưng Ban Chấp hành Hội Nhà văn thì không tha: chúng tôi bị tính thêm một tội rất nặng: dám khinh Tổng Bí thư dốt.

***

Báo Văn Nghệ có một lịch sử khá dài, báo ra đời từ tháng 4 năm 1948 trong rừng Việt Bắc, bìa và minh họa đều là của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ngày 6 tháng 4 năm 1988, chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm báo tại Cung Văn hóa Việt Xô, Hà Nội. Rất đông vui. Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ đến dự, phát biểu chào mừng thành tựu của báo, coi tờ báo là một mũi tiên phong của Đổi Mới, và trao cho báo huân chương Độc lập hạng Hai. Sau đó đến phát biểu của Tổng Thư ký Hội Nhà văn Nguyễn Đình Thi. Về sau, dư luận cho rằng buổi lễ kỷ niệm từ lúc này mới thật sự bắt đầu hay. Nó không còn chỉ là một buổi lễ nữa, nó đã biến thành một hội thảo, một cuộc tranh luận cố giữ vẻ lịch sự nhưng khá gay gắt.

Diễn từ của anh Thi có gì đó hao hao kiểu Điếu văn của ông Vũ Mão ở đám tang anh Trần Độ mấy năm sau. Bắt đầu bằng một ít lịch sử, một số lời biểu dương, rồi là tập trung lên án những lệch lạc nặng nề nguy hiểm của báo Văn Nghệ dưới sự điều khiển của tôi, và kết thúc bằng răn dạy và răn đe. Tôi vẫn ngồi im. Trả lời anh Thi không phải là tôi, mà là một đại biểu của các nhà văn, anh Xuân Cang. Trầm tĩnh, Xuân Cang bác bỏ toàn bộ và từng điểm kết luận về tờ báo của anh Thi, không chỉ tán thành mà còn yêu cầu Văn Nghệ tiếp tục kiên định con đường đang đi. Sau Xuân Cang là một nhân vật rất đặc biệt và có phần bất ngờ, ông Hứa Như Ý, một độc giả đã đứng tuổi, người đã đọc toàn bộ báo Văn Nghệ từ số 1 thời Việt Bắc cho đến tận bây giờ. Ông bảo ông đã lặn lội từ Thanh Hóa ra đây để chào mừng những bước đi mới ở “tờ báo ruột của ông”, trân trọng tiếng nói dũng cảm của báo, coi tờ báo là niềm tin cho trào lưu dân chủ hóa hiện nay.

Rồi cũng đến lượt Tổng Biên tập phải nói chứ. Tôi hoàn toàn không nhắc gì đến ý khiến của anh Thi. Diễn từ ngắn của tôi có tên là Đối diện với cuộc sống. Tôi cám ơn mọi người, cám ơn sự đồng hành của các báo bạn, cám ơn bạn đọc cả nước, và tuyên bố kiên định mục tiêu từ đầu và cách làm của báo, không lay chuyển.

Buổi chiều, chúng tôi tổ chức một cuộc trưng bày thú vị ở phòng triển lãm trên đường Ngô Quyền. Hà Nội có một nhân vật rất hay, ông Phạm Văn Bổng ở 79 Hàng Buồm, là cán bộ một cơ quan hành chính gì đó của thành phố, đồng thời là một nhà sưu tầm say mê, công phu và tinh tế các tư liệu liên quan đến đời sống văn nghệ của đất nước. Ông có bộ sưu tập toàn bộ tranh minh họa trên báo Văn Nghệ từ số 1, của Tô Ngọc Vân, cho đến tận hôm nay. Thành Chương, Phạm Minh Hải và tôi đến tận nhà ông xin mượn. Triển lãm ở phố Ngô Quyền chiều hôm ấy kể lại sinh động và thật đẹp lịch sử 40 năm của báo Văn Nghệ bằng hơn trăm tranh minh họa của hầu hết các họa sĩ tài danh nhất nước.

Buổi tối, rất hay, các họa sĩ, không hề báo với tôi, tự tổ chức ngay tại phòng triển lãm một buổi quan họ, họa sĩ Đỗ Dũng là người hát quan họ hay nhất, chẳng hề thua các liền anh nổi tiếng bên làng Lim, cùng với Đỗ Phấn, rồi đến cả Phạm Minh Hải nữa, tài hoa không ngờ…

Tất nhiên tôi phải nói về nội bộ tòa soạn chúng tôi một năm rưỡi sôi nổi ấy. Cũng có vài người hơi lãng đãng đôi chút, nhưng không có gì nặng nề. Còn thì tất cả là một khối gắn kết. Điều khiến tôi mừng và vui hơn cả là chỉ qua 4-5 số báo tôi đã nhận ra, sớm đến chính tôi không ngờ, không chỉ các anh chị trong Ban Biên tập, phóng viên, thư ký tòa soạn, mà cả các bộ phận phục vụ, trị sự, thư viện, kế toán, tài chính, bảo đảm vật tư, liên lạc với nhà in, phát hành, đánh máy, bảo vệ, lái xe, công vụ…, đều hiểu và đồng cảm với ý tưởng của Tổng Biên tập, chuyển động và định hướng mới của tờ báo, những mục tiêu chiến đấu mới của nó, những mối quan hệ mới của nó với xã hội, những kỳ vọng mới nó đang muốn tìm đến, cả những thách thức và hiểm nguy nó đang và sẽ phải đương đầu, nhất là khi Văn Nghệ, từng bước nhưng rõ ràng đang trở thành mũi nhọn không chỉ của báo chí mà của cả Đổi Mới. Nhiều lúc tôi mang máng nhớ lại không khí đặc biệt của những ngày tháng chiến trường đã xa, những Điện Hòa, Gò Nổi, Phước Lý, Tây Nguyên… Những ngày như thế này, tôi từng biết, rất lạ, không ai bảo ai, mỗi người cứ tự tìm ra và đứng chính xác vào đúng vị trí của mình, độc lập, tự động, đầy trách nhiệm và sáng tạo.

Chúng tôi làm mise báo vào sáng thứ ba, lẽ ra chỉ có Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn Phạm Hữu Nhuận, một hay hai Phó Tổng Biên tập, các Trưởng ban của các bộ phận nội dung, hai họa sĩ là Thành Chương và Phạm Minh Hải, khi cần thì thêm anh Ngô Vĩnh Viễn chuyên về dịch thuật, nhưng rồi hôm nào các anh chị em ở các bộ phận khác, có khi cả trị sự, kế toán, đánh máy, cả vài ba cộng tác viên nữa cũng xúm đến, rất vui, chen vào góp ý kiến này nọ, hoặc chỉ là thích thú đứng nhìn hình thù tờ báo hiện dần ra trên các trang maquette, bình luận, cả cãi nhau nữa, nhiều lúc om sòm đến mức tôi phải đuổi bớt đi… Báo ra chính thức ngày thứ bảy, nhưng kỳ thực khoảng 9, 10 giờ thứ Sáu đã có những tờ đầu tiên được đưa về, cả tòa soạn bắt đầu xôn xao hẳn lên, anh nào cũng giành lấy vài tờ ngắm nghía, một số bạn đọc ruột đã đến giành lấy trước, xích lô đã sắp hàng dài dọc đường Trần Quốc Toản, đến trưa thì báo về ồ ạt, các chị các cô rất nhanh tay chất đầy báo mới, người lên xe máy người lên xe đạp đi bỏ ở các quầy khắp thành phố. Báo lên thế mà tôi là người quản lý tồi, chỉ tập trung chăm chú vào nội dung và trăm thứ đối phó, buồn thay chủ yếu là với Ban Thư ký Hội, chẳng lo được bao nhiêu cho đời sống của anh chị em, đi bỏ báo đang được hâm mộ ở các quầy là cách kiếm thêm đôi chút cho gia đình của các cô các chị. Trong suốt thời gian tôi ở báo, chỉ cùng chị Ngọc Trai lo chạy được vài chục căn hộ ở chung cư Ngọc Khánh cho một số gia đình anh chị em quá khó khăn.

Trong những ngày ngồi viết lại chút kỷ niệm vậy mà đã ngót ba mươi năm trước, tôi có gọi điện thăm một số anh chị em xưa, chị Ngọc Trai, anh Phạm Hữu Nhuận, Phạm Minh Hải, Trần Huy Quang, Đỗ Bạch Mai…, có người chỉ nhắn thăm được qua bạn bè. Một số đã mất, Bế Kiến Quốc, Thiếu Mai, Ngô Vĩnh Viễn, Phạm Tiến Duật, anh Từng bảo vệ, chị Đoan người rất đảm đang và khéo tay đã móc cho tôi chiếc mũ len theo kiểu mũ phớt rất điệu tôi vẫn còn đội đến bây giờ mỗi lần có gió mùa Đông Bắc về; cả Trần Quốc Thực nữa, sao mất sớm thế hở Thực. Thực là học trò của tôi ở trường Nguyễn Du, ra trường thất nghiệp, tôi phải lấy về làm bảo vệ, bổ sung vào tổ Thơ, thỉnh thoảng có những bài thơ rất hay, và lạ, rất tân kỳ… Hôm vừa rồi gọi cho Đỗ Bạch Mai, Mai hỏi: Anh biết em năm nay bao nhiêu rồi không? Bảy mươi rồi đấy anh ạ. Ôi, thời gian. Tôi hỏi thăm Xẻng, con gái Đỗ Bạch Mai và Bế Kiến Quốc, bố là Quốc, gọi nghịch là “Cuốc” nên tên tục của con là Xẻng. Nó đã chồng con đâu đó rồi, Mai bảo, em lên bà ngoại lâu rồi, anh có tưởng tượng được không… Rồi Mai nói, giọng bỗng trầm xuống: Dẫu sao đấy là những ngày thật hạnh phúc, với tất cả chúng em, với tất cả chúng ta… Còn bây giờ…

***

Có một điều tôi không hề tính, cũng không hề muốn từ đầu: báo Văn Nghệ, do con đường đi của nó, cách làm của nó, vô hình trung đã trở thành mũi nhọn, một trung tâm của Đổi Mới và của Dân chủ hóa. Đương nhiên, cũng là nơi hội tụ những khát vọng tự do, của con người và của nghệ thuật.

Có hiện tượng rất cụ thể, các nghệ sĩ hầu đủ các ngành đến với chúng tôi.

Chưa bao giờ báo Văn Nghệ tập họp được một lực lượng họa sĩ minh họa đông đảo và đặc sắc đến thế. Ngoài Thành Chương và Phạm Minh Hải rất tâm huyết, thuộc biên chế của báo, là các họa sĩ nổi tiếng nhất: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, cả anh Văn Cao nữa, và một loạt họa sĩ trẻ đầy tài năng, mới mẻ và hết sức đa dạng: Đỗ Dũng, Đỗ Phấn, Lê Trí Dũng, Hoàng Đình Tài, Vũ Huyên, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu, Việt Dũng… đều vui vẻ hăng hái tham gia minh họa cho báo, gắn bó và tự coi mình là người của báo. Chúng tôi cũng dành trang 16 của báo toàn cho biếm họa, và anh Lý Trực Dũng cùng một số anh khác đã biến nó thành một trang đặc biệt hấp dẫn.

Các nhạc sĩ cũng đến. Anh Trần Tiến tự đến tổ chức một buổi biểu diễn tại tòa soạn báo, trình bày các bài hát sôi nổi tính xã hội nóng bỏng, có thể nói mở ra một trào lưu nhạc chiến đấu. Tôi đề nghị và được anh Trần Tiến đồng ý, chúng tôi đăng trọn một trang toàn ca từ của anh như một trang thơ. Tôi cũng đã vào Sài Gòn, gặp và bàn với anh Trịnh Công Sơn cho đăng trọn hai trang toàn ca từ của anh, sẽ là hai trang thơ rất đặc biệt. Trịnh Công Sơn đã chuẩn bị xong, nhưng rồi không kịp, thời làm báo Văn Nghệ của tôi đã chấm dứt, người kế tục tôi không còn quan tâm…

Cũng đã hình thành thực tế một sự liên kết giữa các báo rõ rệt xu hướng cấp tiến, ở Hà Nội với báo Lao Động của các anh Xuân Cang, Tống Văn Công, Hoàng Hưng, báo Tổ Quốc của ông Nguyễn Xiển khi Đảng Xã Hội còn chưa giải tán, ở Sài Gòn với báo Tuổi Trẻ của Kim Hạnh, báo Phụ N(Thành phố Hồ Chí Minh) của Thế Thanh và Minh Hiền, báo Sài Gòn Giải phóng của anh Tô Hòa; và cả một loạt tạp chí văn nghệ rộn rịp của các tỉnh: Cửa Việt ở Quảng Trị của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập, Sông Hương ở Huế của Tô Nhuận Vỹ, Cánh Én ở Nha Trang của Cao Duy Thảo, Lang Bian ở Đà Lạt của Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự…

Sự tập họp, độc lập và tự phát thôi, nhưng nó báo hiệu một thức tỉnh có vẻ đồng loạt, khiến người ta lo ngại. Không chỉ Ban Thư ký Hội Nhà văn. Cả bên an ninh nữa. Anh Quang Phòng, Tổng Cục phó An ninh, thỉnh thoảng mời chúng tôi sang chơi. Rất lịch sự. Lần nào cũng đón tiếp sang trọng, có cà phê, bánh trái, cả hoa nữa. Các anh bảo mục đích làm quen, gần gũi nhau hơn, và nhân thể thông tin cho chúng tôi biết một số âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước để chúng tôi cảnh giác hơn trong một công việc vốn nhạy cảm như chúng tôi đang làm. Chúng tôi cám ơn, và đáp lại tôi cũng xin mời các anh thỉnh thoảng sang chỗ chúng tôi chơi, có dịp hiểu thêm công việc và cách nghĩ của chúng tôi, tiện giúp chúng tôi tốt hơn. Các anh hứa, nhưng rồi không thấy sang.

Tôi cũng có đôi lần gặp lại anh Tâm Long. Cũng lạ, tôi không hỏi nhưng chính anh lại chủ động nói với tôi về ông Chẩn Vua Lốp. Ông ấy đã được thả, nhưng máy móc bị tịch thu thì không trả được vì đã bị “phân tán” hết. Vậy mà ông không hề đòi, cũng không bắt đền. Anh Tâm Long kể với tôi anh đã tìm gặp lại ông ấy mấy lần. Để làm gì vậy, tôi hỏi. Anh bảo anh muốn tìm hiểu con người ấy. Cũng thật lạ, anh ạ, máy móc của ông cũng khá tiền, có ít đâu, là công ông tự sáng chế ra cả, vậy mà ông không cần nói một tiếng. Hôm thả ra, chỉ cười. Nay ông đã lập xưởng mới, hiện đại hơn, sản xuất thêm nhiều thứ nữa, làm ăn phát đạt. Tôi đến gặp và nhìn ông mãi, trông ông trẻ ra, và rất vui, một con người hạnh phúc. Tôi nói với Tâm Long: Anh ạ, tôi cũng từng nghĩ nhiều về ông ấy, đấy không chỉ là một tài năng, còn là một nghệ sĩ, chỉ khát khao sáng tạo… Câu sau này thì chính Tâm Long nói: Vậy mà ta từng có lúc muốn dập, cho kỳ chết. Sao “ta” lạ vậy, giải thích thế nào?…

Tôi còn có một cuộc khác với Tâm Long, mãi về sau, năm 1995, tôi đã về hưu, Tâm Long đã lên làm Thứ trưởng Công an.

Dạo ấy chúng tôi đi làm bộ phim Đất nước đứng lên ở Tây Nguyên. Theo kịch bản cần quay một cái đồn Tây. Xây cả một cái đồn Tây để quay thì gay quá, tiền đâu? Tôi cùng đạo diễn Lê Đức Tiến lang thang đi tìm. Đến cách thị xã Kontum khoảng 5,6 km thì thấy có một cái trại tù của Bộ Công an, nhìn hơi xa cũng hao hao giống một cái đồn Tây ngày xưa, cũng mấy lớp rào dây thép gai dày đặc, cũng bốn góc bốn chòi canh có lính bồng súng đứng gác… Hay quá rồi. Nhưng ai cho phép anh quay một cái trại tù của Bộ Công an, dù chỉ quay bên bên ngoài, không động gì đến bên trong? Tôi bảo Lê Đức Tiến cứ để đó cho tôi. Tôi gọi điện thoại cho Thứ trưởng Tâm Long: Anh Tâm Long ơi, có việc này phải nhờ đến anh đây, giúp nhau chút được không. Bọn tôi đang đi làm phim Đất nước đứng lên ở Tây Nguyên đây, anh hùng Núp, anh đọc chưa?… Đọc rồi, thì phải giúp nhé. Bọn tôi cần quay một cái đồn Tây, mà không có tiền để xây một cái đồn giả. Tôi tìm thấy một cái trại tù của các anh ở phía Bắc Kontum, trông xa xa nó giống đồn Tây ta vẫn đánh ngày xưa quá. Nhờ anh điện một tiếng cho ai đó có quyền ở đây cho phép chúng tôi quay cái trại tù này, đảm bảo quay bên ngoài và từ xa xa thôi… Được không?

Vậy là tối hôm đó, chính anh trại trưởng trại tù ấy ra tìm gặp chúng tôi ở khách sạn bàn việc quay phim “theo lệnh của Bộ”, còn hỏi các anh cần chi tiết những gì nữa để chúng em chuẩn bị cho chu đáo…

Anh Quang Tuấn quay phim, học ở trường Vờ-gích Liên Xô về bảo: Tôi chưa thấy ai quyền hành to như ông Ngọc này, ra lệnh được cho cả Thứ trưởng Bộ Công an!…

***

Cuối cùng việc phải đến rồi cũng đến. Vừa rồi lục mớ giấy tờ cũ, tôi tìm thấy một mẩu thư Chính Hữu nguệch ngoạc mấy chữ gửi cho tôi. “Anh Nguyên Ngọc thân mến, Chúng tôi mời anh sáng thứ hai (28/11/1988) 9h gặp chúng tôi để bàn công việc. Chúng tôi muốn bàn với anh một lần nữa về cách chuẩn bị Đại hội và tuần báo Văn Nghệ. Thân ái – Chính Hữu”, có gạch dưới mấy chữ “một lần nữa” và viết thêm dưới góc “Xin gặp tại cơ quan Hội. Chúng tôi định gặp anh chiều nay (26/11) nhưng không thấy anh đến họp”.

Đúng là chiều 26/11 có một cuộc họp gì đó ở Hội nhưng tôi đã không sang. Tôi đang rất giận. Tôi biết họ vừa làm một việc tệ hại, họ vừa gửi lên tận Ban Bí thư Trung ương Đảng một cái gọi là “Tờ trình”, ký tên ba người, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Nguyễn Khải, tố cáo “Báo Văn Nghệ đã thoát khỏi sự kiểm soát của Ban Thư ký Hội Nhà văn, đã lọt vào bàn tay điều khiển của Ban Văn hóa Văn nghệ, của anh Trần Độ. Ban Thư ký tuyên bố không chịu trách nhiệm về tờ báo nữa”. Đúng ra, tôi giận và buồn nhất là về Khải. Còn Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu thì quả thật đến ngày ấy, tôi nghĩ, không còn đáng để tôi giận, nói chi đến buồn.

Lẽ ra Khải và tôi, sống với nhau đã bao nhiêu năm, Khải phải hiểu tôi là người suốt đời không bao giờ chịu để cho ai điều khiển. Cuộc đời tôi có đúng có sai, đều là do tự tôi làm, tự tôi chịu trách nhiệm. Vậy mà Khải… Đây là lần thứ hai Khải nhầm về tôi. Lần thứ nhất là hồi vụ Đề dẫn, khi gay go Khải bảo: Mình tưởng sau lưng cậu có ông Võ Chí Công với ông Chu Huy Mân chứ. Một ông bấy giờ là Chủ tịch, một ông là Phó Chủ tịch nước! Hóa ra tôi chẳng có ai cả… Lần này Khải lại tự đẩy mình vào thế kẹt. Mấy ngày sau, khi Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu tuyên bố cách chức tôi bằng cái trò vụng về gọi là “thuyên chuyển công tác” thì Khải lại gây khó cho hai ông bằng một bức điện bất ngờ từ Sài Gòn đánh ra: “Tôi không đồng ý thay Tổng Biên tập báo Văn Nghệ”.

Ở đời, giữ được cái Tôi thật khó.

Cuối đời Nguyễn Khải viết Đi tìm cái tôi đã mất.

***

Không có gì nhiều để kể thêm về buổi làm việc ở Hội sáng 28/11, hôm ấy có cả chị Ngọc Trai, Phó Tổng Biên tập của báo. Tôi chỉ thêm kinh ngạc về con người. Cũng vậy, về buổi tối cuối cùng Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu kéo sang tòa soạn để công bố cái quyết định đánh lừa mà tôi đã kể ở Hòa bình khó nhọc.

Sao họ lại chọn buổi tối nhỉ?

Lại nhớ đến Năm ngày của Phạm Thị Hoài.

Anh ấy đã định để đèn sáng đêm cuối cùng đặng còn thử nhìn mặt người của nhau. Nhưng rồi, như bằng bản năng, anh lại đưa tay tắt công tắc.

1999-2020

TÔ NGỌC VÂN THỜI TRẺ

Họa sĩ Tô Ngọc Vân thời trẻ

CHÂN DUNG TÔ NGỌC VÂN KỶ NIỆM TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHÓA  I  TRƯỜNG MỸ THUẬT VN

Chân dung Tô Ngọc Vân kỷ niệm Triển lãm Mỹ thuật Khóa đầu tiên Trường Mỹ thuật VN ở chiến khu Việt Bắc

LÝ TRỰC DŨNG

Họa sĩ Lý Trực Dũng phụ trách trang biếm họa

PHẠM MINH HẢI TRANG TRÍ KỶ NIỆM 40 NĂM BÁO VN

Họa sĩ Phạm Minh Hải đang trang trí Kỷ niệm 40 năm báo Văn Nghệ

LÊ NGỌC TRÀ

Tiến sĩ Lê Ngọc Trà

image

Tòa soạn báo Văn Nghệ

Từ trái qua, hàng ngồi: Trần Huy Quang, Minh Oanh (đánh máy), Ngô Ngọc Bội, Thành Chương, Nguyên Ngọc, Thế Hùng, Xẻng (con Quốc và Mai), Phạm Minh Hải, Đăng Bẩy.

Hàng sau đứng: Kim Thu (thủ quĩ), Thiếu Mai, Kim Liên (kế toán), Trần Thị Thắng, Hữu Thỉnh (đến chơi, không phải người của báo), Kiều Chinh (trả nhuận bút), Hoàng Minh Châu, Ngọc Trai, Nguyễn Thị Năm (thư viện), Đỗ Bạch Mai, Ngô Vĩnh Viễn, Võ Văn Trực, Trinh Bảo.


[*] Hiệu Minh, Lan man về… hộp đen, 15/9/2014.

Comments are closed.