Nguyên Ngọc
Năm 1991 của tôi là một năm rất lắm chuyện, dồn dập, có lẽ cũng cần và nên kể. Chỉ riêng chuyện giải thưởng Hội Nhà văn 91 đã khá ầm ĩ, còn nợ chưa kể hết, lần này lại xin khất. Chuyện kể hôm nay có phần dính dáng ít nhiều đến anh Trần Độ, chắc cũng không ngẫu nhiên.
Anh Trần Độ tham gia cách mạng từ năm 1939, ở tù Pháp nhiều lần, lần sau cùng là tù Sơn La, cùng các ông Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy…, năm 1943 anh vượt thoát trên đường bị giải từ Sơn La đi Côn Đảo, quay về Hà Nội tham gia khởi nghĩa tháng Tám. Trong kháng chiến chống Pháp anh là chính ủy sư đoàn 312 đánh trận Him Lam mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ; trong chống Mỹ là Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam… Một con nguời có cuộc đời đầy ắp và dãi dầu như thế, thật lạ, lại có một tâm hồn vẫn trẻ trung, đặc biệt giữ được tính tò mò rất quý ở trẻ con mà hầu hết chúng ta được gọi là người lớn đã đánh mất (người ta bảo trừ các nghệ sĩ tài ba và các nhà bác học cao siêu)
Một hôm anh khoe với tôi vừa đọc được trên báo nào đó bài của Phương Quỳnh viết về ngôi miếu cổ ở Hà Nội thờ hai cô ca nữ, anh rất thích và tò mò muốn biết tường tận. Tôi nói tôi có quen Quỳnh, đấy là một là người Hà Nội gốc, rất am hiểu văn hóa Hà thành. Anh bảo nếu có thể thì mời Phương Quỳnh hôm nào đến chơi. Quỳnh đồng ý, hẹn ngày, khoảng 2 giờ chiều. Gần 2 giờ chiều hôm ấy, tôi đang nghỉ trưa, sực nhớ nhà anh Độ có cái cổng quấn dây xích sắt mấy vòng, nhà cẩn thận ban ngày vẫn thêm ổ khóa bên trong nhưng nhà anh thì chẳng bao giờ, ai vào cứ tự gỡ dây xích ra mà vào, mấy hôm đó chuông cổng nhà anh lại hỏng, chưa sửa. Tôi sợ Phương Quỳnh đến, không biết tự gỡ xích sắt mở cổng, bấm chuông mãi chẳng ai ra, sẽ rất lúng túng. Tôi vội chạy đến, quả nhiên thấy cô đang loay hoay với chiếc chuông câm. Tôi mở cổng, đưa Quỳnh vào. Hóa ra trong nhà đang có khách: Dương Thu Hương và một người đàn ông lạ, khá béo, mặc áo nâu nhạt, cúc bằng vải, vừa hơi giống thầy tu vừa giống Tàu. Từ phút đầu tôi đã thấy không có thiện cảm với vị khách bất ngờ ấy, chưa hiểu vì sao, một cảm giác hơi khó chịu. Dương Thu Hương thì rất vui, cô vồn vã giới thiệu: Đây là anh Bùi Duy Tâm, mới ở Pháp về. Rồi cô quay sang chúng tôi: Xin giới thiệu với anh Tâm, đây là chị Phương Quỳnh, còn đây là anh Nguyên Ngọc… Người tên là Tâm ấy nói như reo lên: Ôi, quý hóa quá. Xin chào chị Quỳnh, xin chào anh Ngọc! Rồi ông ta nhận xét ngay: Anh Ngọc giống anh Nguyễn Quang Sáng quá! Phương Quỳnh nãy giờ vẫn im lặng, bỗng lên tiếng, giọng sẵng: Ông Bùi Duy Tâm nhầm rồi, anh Ngọc và anh Sáng rất thân nhau nhưng lại hoàn toàn khác nhau, một người thích tự do ăn chơi, một người cũng tự do nhưng rất nghiêm túc…
Không khí nhạt nhẽo, ngồi lại nữa vô duyên, Quỳnh và tôi đứng dậy kiếu ra về. Đến cổng, Quỳnh bảo sao mới trông đã thấy khó chịu, chẳng ra làm sao.
Mấy bữa sau tôi có hỏi lại anh Độ sao đã hẹn Quỳnh anh lại tiếp Bùi Duy Tâm cùng lúc? Anh bảo mình có biết trước gì đâu, con Hương cứ thế tự động dắt ông ấy tới gọi là ra mắt, mình cũng bất ngờ. Quen biết gần gũi nhau đã rất thân, có lần Thế Thanh và tôi đã nói với anh: Anh Độ ơi, anh tốt quá, nhưng nói thật anh chơi với mọi người rất “tạp”, ai cũng có thể thản nhiên tự xông vào nhà anh, có ngày chúng hại anh như không. Anh cười: Mình sống đàng hoàng, mọi thứ đều công khai, có gi phải đề phòng cho mệt…
Ấy là vào đầu năm, khoảng tháng 3. Đến tháng 4, anh Độ lại có chuyện tò mò mới. Nghe đồn trên Hòa Bình có cô bé có thể nói chuyện với tiên, anh rủ tôi và Nguyễn Văn Hạnh lên xem thử. Muốn xem người có khả năng ly kỳ thế thì phải nhờ đến anh Nguyễn Hoàng Phương, là nhà vật lý tên tuổi đồng thời chuyên nghiên cứu hiện tượng ngoại cảm, dẫn đường. Anh Phương đã nhận lời, nhưng sáng hôm ba chúng tôi đánh xe đến đón ở Hàng Chuối, anh chạy ra xin lỗi, vừa có một bà ngoại cảm cơ sở của anh trên Sóc Sơn bị công an bắt, anh phải lên cứu ngay. Đành đánh xe về.
Trên đường về anh Độ bỗng nảy ý kiến ghé lại thăm Dương Thu Hương ở 25 Ngô Thời Nhiệm, nghe cô ấy ốm đã mấy hôm. Tôi bàn: Có lẽ không nên các anh ạ, ba anh em mình đều là đối tượng thường xuyên bị theo dõi, cùng đến nhà Hương một lúc chẳng hay đâu, để rồi từng người lần lượt đến thăm sau. Anh Độ và Hạnh đều thấy phải. Chúng tôi bèn rẽ vào nhà Phương Quỳnh. Thì thấy một anh công an đang ngồi ở đấy. Hỏi ra, Quỳnh có cậu con trai học trường Sân khấu Điện ảnh, đám này tối tối hay tụ tập cờ bạc, khoảng hai tuần trước bị công an ập vào, nhưng chỉ bắt mỗi con trai Quỳnh, giam tận trên Diễn. Người công an đến là để báo sáng nay họ sẽ thả cậu ấy, yêu cầu Quỳnh lên Diễn nhận con về… Thế là đi đến đâu cũng chẳng được gì, ba chúng tôi đành giải tán…
Tôi về nhà, khoảng hai rưỡi chiều thì nghe tin Dương Thu Hương bị bắt, chắc trong lúc ba chúng tôi đang định ghé thăm cô. Còn việc bắt con trai Quỳnh rồi hôm nay công an đến tận nhà báo tin sẽ thả, yêu cầu mẹ đi đón con về, hẳn là chi tiết tính trước rất chặt chẽ trong “kế hoạch tác chiến” của người ta. Quỳnh rất thân Hương, cần cách ly cô ra xa trong lúc bắt Hương. Về sau anh Độ bảo: Sao bữa đó cậu Ngọc sáng suốt thế nhỉ, chút nữa thì ba chúng mình đã có thể sa vào tình huống rất chi là bi hài. Còn anh Hà Sĩ Phu thì lại vô tình lâm vào đúng cái vố chúng tôi tình cờ tránh được. Từ tận Đà Lạt xa xôi, anh ra Hà Nội và đến thăm Dương Thu Hương đúng lúc công an ập vào bắt cô. Theo nguyên tắc bắt người, anh bị họ giữ luôn vì là người lạ đang có mặt tại chỗ, bị đưa về trụ sở Bộ Công an trên đường Trần Bình Trọng tra vấn suốt ngày, rồi liên tiếp mấy ngày sau phải đến trình diện để giải trình… Cứ nghĩ đến cảnh sáng hôm ấy cả ba chúng tôi, dẫu sao cũng đều là nhân vật tên tuổi và khá oai phong, bỗng rơi vào vở kịch tương tự Hà Sĩ Phu thì sẽ khôi hài và bi đát đến phải ghi vào sử sách mất!…
Ngay xế chiều hôm ấy tôi đi Tuyên Quang hồi đó còn là tỉnh lỵ Hà Tuyên. Chả là Hội Văn nghệ Hà Tuyên mở trại sáng tác, có lời mời lên giúp.
Lúc này tôi đang đọc các tiểu luận của Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội. Ra đi trong đầu vẫn lởn vởn những câu đang tìm cách dịch cho thoát tinh thần của tác giả. Còn ám ảnh vì những ý tưởng của ông về tiểu thuyết.
Kundera là nhà văn Tiệp, bị chính quyền đàn áp ông đã lưu vong sang Pháp, được Tổng thống Mitterrand trao quốc tịch Pháp. Về sự kiện này, nhà phê bình Guy Scarpetta viết: Bằng cách đuổi Milan Kundera ra khỏi nước mình, Tiệp đã tặng châu Âu một nhà tiểu thuyết hàng đầu thế giới. Ở ta Phạm Xuân Nguyên đã liên tiếp dịch nhiều tiểu thuyết của Kundera: Sự bất tử, Bản nguyên, Chậm rãi… Bên Mỹ, anh Trịnh Y Thư đã dịch rất hay Đời nhẹ khôn kham, gần đây lại có Tập sách cái cười và sự lãng quên… Tôi chỉ dịch một tiểu thuyết Lễ hội của vô nghĩa được coi là tác phẩm cuối cùng của ông. Tôi thích dịch các tiểu luận của ông hơn. Kundera viết tiểu luận rất hay. Các tiểu luận của ông là những tiểu thuyết về số phận của tiểu thuyết, trong đó tiểu thuyết là một nhân vật với những chìm nổi bất tận của nó. Ông coi tiểu thuyết không chỉ là một thể loại, mà là một cấp độ tư duy của con người khi Thời Hiện đại ra đời, niềm tin vào lý tính lên ngôi, trong cơn say mê hiểu biết của nó, liên tục chẻ thế giới ra thành những phần nhỏ riêng rẽ ngày càng tách biệt. Tiểu thuyết xuất hiện nhằm “cứu” thế giới bằng cách chăm chú gìn giữ cái nhìn tổng thể toàn vẹn về sự vật và con người. Cho nên tiểu thuyết về bản chất là rất mở và tự do, nó là thể loại dung nạp mọi thể loại. Tôi có cảm giác, dù còn mơ hồ, có vẻ đấy là cái tôi đang đi tìm trong trăn trở vất vả nhiều năm qua. Và, lạ vậy, cũng chưa thật hiểu vì sao, dường như tất cả những điều đó lại liên quan đến chính chuyến đi này của tôi.
Hẳn cũng đã manh nha từ những chuyến đi trước nữa. Tôi là người chậm chạp, phải góp nhặt từng chút. Kỳ thực dù đã đắm minh quá sâu trong sử thi thời chiến và khá trì trệ trong viết lách, hơn mười năm ngụp lặn chìm nổi sau 1975, nhất là từ khi được ném vào chính giữa dòng xoáy của đời sống văn học gay gắt tính xã hội, trong các tế bào sâu kín của tôi không thể ít nhiều không có biến đổi, tôi cũng đã phải biết nhìn đời nhìn người khác đi. Anh Nguyễn Đăng Mạnh trong một cuốn sách phê bình văn học đã gọi tôi là “con người lãng mạn”, anh chê tôi mới đúng một nửa. Chính xác hơn tôi là nhà văn lãng mạn anh hùng ca. Từng vang dội một thời. Tôi biết tôi phải thay đổi nhưng để thay đổi mà vẫn còn là tôi thì phải lãng mạn đời hơn, mà đời, hôm nay tôi biết rồi, vốn đầy cay đắng.
Trong chuyến lang thang mấy năm đi tìm dấu vết con đường mòn Biển Đông, khi mò xuống tới cái xóm heo hút nằm sát mép sóng tận cuối huyện Duyên Hải của Trà Vinh, tôi chỉ nói chuyện qua với thuyền trưởng anh hùng Ba Thắng, còn thì bỗng tập trung chú ý đến một bà già lưng còng đến thành hình thước thợ suốt ngày lom khom ngoài vườn, đến tối hỏi ra mới biết đấy chính là vợ anh Ba. Lưng chị bị gãy đến thế không phải vì một tai nạn nào, mà vì mười năm gánh một khối hạnh phúc lạ lùng đến không thể tưởng.
Chuyện éo le thế này: Hồi cuối những năm 50 thế kỷ trước, từ chi bộ thôn xã cho đến huyện ủy, tỉnh ủy Trà Vinh, nói chi đến gia đình và xóm giềng, đều yên trí anh Ba Thắng mới cưới vợ được mấy tháng đã bỏ nhà nhảy bưng theo cách mạng, chỉ vài người cao nhất ở Khu ủy Khu 9 biết anh được chọn gửi ra Bắc học thành thuyền trưởng cho con đường Biển Đông đang bí mật hình thành. Rồi anh đi hàng chục chuyến mạo hiểm đưa hàng nghìn tấn “hàng” từ Bắc vào các bến, chủ yếu từ Sóc Trăng, Bạc Liêu xuống tới Rạch Gốc, Đầm Cùng hai phía mũi Cà Mau. Mãi tới đầu 1965 mới có một chuyến về đích thị bến Duyên Hải Trà Vinh cách nhà không đến mươi cây số. Anh trưởng bến vốn biết rõ Ba Thắng cười hỏi có muốn gặp vợ chút không. Nhớ thương đứt ruột nhưng Ba Thắng bảo đâu dám. Bí mật con đường Biển Đông là thiêng liêng. Anh trưởng bến thương hại quá bèn im lặng làm một việc liều lĩnh: tìm gặp vợ Ba Thắng, yêu cầu chị đi cùng anh một chuyến công tác gấp, dẫn chị đi vòng tận Sài Gòn để đánh lạc hướng, rồi quay về bến Duyên Hải bấy giờ đóng trong rừng tràm. Vợ chồng gặp nhau như trong mơ, được sống cùng nhau hai ngày đêm hạnh phúc ngỡ trên trời rơi xuống. Anh trưởng bến lại dẫn chị vòng tận Sài Gòn, rồi mới trả về nhà. Đã gặp chồng ở đâu, chị không hề biết. Ba Thắng cũng không. Anh lại lên đường, lại tiếp tục hàng chục chuyến mạo hiểm vào các bến xa, không còn lần nào được trở lại Duyên Hải.
Còn chị trở về, lâng lâng hơn cả ngày mới cưới. Hạnh phúc bất ngờ tới không dám tin. Nhưng rồi tai họa bỗng ập xuống như sét đánh: kỳ kinh hằng tháng chờ mãi không đến. Một tháng. Hai tháng. Rồi ba…Giọt máu của chồng đã nở trong chị. Có ai nữa trên khắp thế gian này phải mang trong mình một hạnh phúc cùng lúc lại là tai họa ngày càng lớn đến vậy. Dù chỉ mơ hồ thôi, song chị biết bí mật của tất cả những gì liên quan đến việc chồng đang làm, đến cả sự còn tồn tại của anh, là thiêng liêng. Nhưng cái nụ mầm của chồng chị đang được mang cũng là thiêng liêng. Sau này chị sẽ nói với anh không giây phút nào chị thoáng nghĩ đến hủy bỏ nó. Chưa bao giờ thời gian lại trôi vừa quá nhanh lại vừa quá chậm khủng khiếp đến thế, tháng thứ ba rồi tháng thứ tư, mà chiến tranh thì vời vợi… Không còn giấu được nữa, chị quyết định: Liều! Ghê gớm nhất là cho đến bao giờ? Chỉ có ngày thắng lợi hoàn toàn mới giải được cho chị. Thôi thì cứ… Chị “thú nhận” với chi bộ, với cha mẹ chồng đi buôn lỡ ăn nằm với người lạ. Bị đuổi ra khỏi Đảng. Cha mẹ chồng đuổi đi. Cha mẹ ruột cắn răng muối mặt nhận về. Xóm giềng cười nhạo khinh miệt… Bao nhiêu? Mười năm. Ba Thắng không hề hay biết. Anh trưởng bến nghĩ mình đã làm được một việc quá hay, cũng đã biệt tăm. Có thể anh đã chuyển bến khác, cũng có thể anh đã hy sinh. Không chỉ trên biển lớn, cuộc chiến đấu ở các bến cũng ác liệt chẳng kém. Mà anh còn và anh biết, thì liệu anh làm được gì?
Mười năm, 1965-1975. Cho đến ngày người anh hùng Ba Thắng vinh quang trở về, ôm đứa con gái đẻ hoang của vợ, trịnh trọng tuyên bố: Đừng có nói bậy, đây là con tôi.
Ngày tôi về ngôi nhà bên mép sóng tận cuối Duyên Hải, Trà Vinh, người đàn bà ấy đã bị khối hạnh phúc hai ngày đêm bất ngờ của mình đè gãy gục lưng thành hình thước thợ…
Có vô số những số phận như vậy trên con đường mòn Biển Đông. Tôi đã biết gạt bớt những tên tuổi lẫy lừng đế nghĩ và viết về họ.
Nhưng văn chương không chỉ, thậm chí không phải là viết gì. Mà là viết thế nào. Còn gọi là lối viết. Là trò chơi ma thuật các từ. Mà từ thì chẳng hề vô tri. Năm 1997, theo gợi ý của anh Vương Trí Nhàn ở nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi có dịch cuốn sách của nhà lý luận văn học Pháp Roland Barthes Độ không của lối viết, mỏng dính mà vừa nổi tiếng hay vừa nổi tiếng khó, nhưng cực tinh, tôi đã đọc nguyên bản từ nhiều năm trước (sách được xuất bản năm 1953, tôi đọc được sau 1975). Đọc mà cứ tưởng như ông đang nói về chính tôi.
Đây là một đoạn ông nói về lối viết và từ: “… đúng lúc Lịch sử chung đề xuất – hay áp đặt – một cục diện mới của hành ngôn văn học, thì lối viết vẫn còn đầy ắp những ký ức về những cách dùng trước đây, vì hành ngôn không bao giờ vô tư: các từ có một trí nhớ thứ hai còn kéo dài một cách bí ẩn giữa những ý nghĩa mới. Lối viết đích thị là sự thỏa hiệp giữa một tự do và một ký ức ấy, nó là cái tự do có hồi ức đó, là tự do trong hành vi lựa chọn, nhưng đã không còn tự do nữa khi nó kéo dài ra. Ðương nhiên hôm nay tôi có thể chọn cho mình lối viết này hay lối viết khác, và qua hành vi đó khẳng định tự do của tôi, hướng tới một sự tươi mới hay một truyền thống; tôi đã không còn có thể phát triển lối viết tự do đó khi kéo dài ra mà không dần dần bị cầm tù trong những từ của người khác và thậm chí những từ của chính mình. Một sự tồn dư ngoan cố, lưu lại từ tất cả các lối viết của chính tôi, át mất giọng nói hiện tại của các từ tôi đang dùng. Mọi dấu vết của cái viết ra đổ dồn đến như một nguyên tố hóa học thoạt đầu còn trong suốt, vô tư và trung tính, rồi sự kéo dài ra dần dần làm hiện lên trong đó cả một quá khứ còn treo lửng, cả một mật mã càng lúc càng đậm đặc…”
Tôi đã cố tình gạt người anh hùng Ba Thắng ra, để chỉ viết về cái khối nặng hạnh phúc khủng khiếp anh trút lên thân phận chị suốt mười năm đằng đẵng. Tất nhiên phải viết “những từ cố làm mới”, nhưng chỉ được đâu năm bảy dòng, cái “tồn dư ngoan cố lưu lại từ tất cả các lối viết của chính tôi” – Barthes dùng chữ và chỉ ra thủ phạm mới giỏi làm sao! – bỗng đã bắt đầu ló dạng, “thoạt đầu còn trong suốt, vô tư và trung tính” rất dễ khiến tôi mất cảnh giác, để tới khi kéo dài ra thì chúng lén lút và xảo trá “dần dần làm hiện lên trong đó cả một quá khứ còn treo lửng” “át mất giọng nói hiện tại của tôi”. Tôi quá biết “cái quá khứ còn treo lửng”, cái “mật mã càng lúc càng đậm đặc” ấy của tôi rồi. Đó là những Đường chúng ta đi vang lừng, những rừng xà nu tít tắp chạy đến chân trời anh hùng ca của tôi từng gọi bao thế hệ cầm súng ra đi, hẳn có thể đã gọi cả chính Ba Thắng ở tận cái xóm sát mép sóng xa lắc xa lơ kia nữa.
Người cầm bút không có gì khác ngoài các từ, mà từ thì cực kỳ nguy hiểm. Làm mới văn chương, cho tình thế mới của xã hội và lịch sử là vật lộn để rứt ra cho được khỏi cái trí nhớ thứ hai bí hiểm và cực dai còn kéo dài một cách bí ẩn giữa những ý nghĩa mới ấy. Tất cả những điều tôi đã làm từ sau 1975, nhất là từ sau chuyến đi Nông Pênh và nhận ra Pôn Pốt, là những nỗ lực vùng vẫy cố rứt ra nhọc nhằn đến rớm máu đó…
Lên Tuyên Quang, tôi định làm việc rất chu đáo, tâm sự cùng anh em những điều tôi nhận được ở Kundera và ít nhiều nữa ở Barthes. Song kỳ thực còn một âm mưu: rồi bắt người ta trả công chứ, sẽ vừa đòi vừa xin các bạn ở Hội, có thể cả ở Ủy ban tỉnh, tổ chức cho một chuyến trở lên vùng cao Mèo Vạc – Đồng Văn.
Trở lên, trở về. Nơi hơn 30 năm trước tôi đã sa đà với người với núi, người thì là người Mèo, nay gọi là H’mông, dân tộc kỳ lạ nhất thế giới (rồi tôi sẽ nói, rất ly kỳ và khá dài đấy) cùng người Lô Lô ít hơn, núi thì toàn núi đá tai mèo trọc lóc, lởm chởm nhọn hoắt đen nhẻm, gần suốt hai năm chìm đắm say mê. Vừa đòi vừa xin, bởi giờ đâu có còn như trước, trẻ trung cuộc đời nhẹ tênh, lang thang bất chấp. Đến mức có lần đột ngột bỏ ra đi Hà Nội -Lạng Sơn đúng đêm 30 Tết bằng xe lửa, cả chuyến tàu mười mấy toa chỉ có mỗi mình là khách, anh trưởng tàu quá cô đơn tìm đến ngồi tâm sự suốt đêm hỏi liệu có gì thất chí chăng mà ra đi lạ lùng thế này… Nay phải tự biết đã già và nặng nề lắm rồi. Mà vẫn tha thiết muốn trở lên trở về trên ấy, đất và người bao năm thương nhớ.
Và tôi đã vừa đòi vừa xin được. Tôi đã định viết kể với các bạn về chuyến đi này, đã thử cầm bút mấy lần, nhưng rồi cứ loay hoay mãi, viết rồi lại bỏ, lại viết lại bỏ… sau cùng mới nhận ra là bởi vì về chuyến đi nhớ đời này tôi đã viết một lần rồi, vào cuối cái năm 1991 rất lắm chuyện của tôi ấy. Thôi thì chi bằng cứ xin in lại vào đây những dòng còn nóng hổi đủ thứ, cả hào hứng và bực tức vì những rắc rối chẳng đâu vào đâu. Hóa ra, tôi nhận ra đối với tôi cần có cả hai thứ ấy thì ngòi bút của tôi mới chảy được.
Bài viết của tôi ngày ấy có tên đơn giản thật thà là Trở lại Mèo Vạc, tuy cũng không thật thà đơn giản lắm đâu, ứa máu là khác, nguyên văn như sau:
TRỞ LẠI MÈO VẠC
Tôi trở lại Đồng Văn – Mèo Vạc những ngày cuối tháng tư năm 91. Chả là Hội Văn nghệ Hà Tuyên mở trại sáng tác, có lời gọi lên giúp. Tôi đi cùng Xuân Thiều, riêng nuôi một âm mưu: làm việc ở Tuyên Quang mấy bữa, rồi sẽ liệu cách nài các anh ở Hội, ở tỉnh tạo cho một chuyến trở lên vùng cao. Trở lên, trở về. Từ ngày ở miền Nam ra, thấm thoắt đã 16 năm, lòng vẫn day dứt một nỗi nhớ và ước ao được thăm lại chốn xưa, mà chẳng dễ gì. Ngày trước trẻ trung, rảnh rang, muốn đi là a-lê hấp, ba-lô lên vai, thành thị dửng dưng bỏ lại sau lưng, lang thang khắp núi rừng, rồi ăn dầm nằm dề trên ấy hàng năm trời, nhẹ gánh như không. Bây giờ chẳng được thế: vợ con, nhà cửa, công việc – những công việc có thể rất là vô tích sự nhưng nhùng nhằng níu kéo, lại xe cộ, tiền nong… trăm thứ nhiêu khê. Mới hay đã già và mình đã trở nên nặng nề lắm rồi.
Anh Tiết Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh nghe nói tôi từng có dự cuộc tiễu phỉ Hà Giang hồi 1959 thì bỗng nhiệt tình quá, chạy mượn kỳ được chiếc u-oát tốt nhất ủy ban và anh lái xe giỏi nhất tỉnh, tên là Gác, trẻ khỏe, đằm tính, đặc biệt thuộc lòng từng thước đường suốt dọc bốn trăm cây số từ Tuyên Quang ngược tới Lũng Cú. Đường này đúng phải xe ấy, tài ấy, như một cuộc thám hiểm mà.
Định đi một tuần, nhưng rồi la đà đến hơn nửa tháng. Xuân Thiều mới lên lần đầu, sững sờ, kinh ngạc. Còn tôi trăm mối ngổn ngang, bồi hồi bao kỷ niệm một thời trai trẻ trong veo và nông nổi, xao xuyến gặp lại đất cũ người xưa; người xưa chẳng còn mấy, trải sóng gió thăng trầm, lác đác tựa lá mùa thu, đều đã già đi, tàn tạ như chính mình; và lại trằn trọc thêm những lo âu mới mà biết chắc, rất chắc rằng mình chẳng còn góp phần tháo gỡ được chút gì.
Hôm trở xuống Tuyên Quang, Xuân Thiều hăng hái tuyên bố giữa đông đảo anh em tỉnh chuyến này về Hà Nội sẽ xung phong gánh hết mọi công việc linh tinh để ông Ngọc rảnh tay ngồi viết cho kỳ xong cái ký.
Cùng lên Đồng Văn còn có Ma Liễu, phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, người Tày mà viết thơ tiếng Kinh thật nhuyễn:
… Sự đời chẳng khéo lo toan
Xòe bàn tay biết là oan nỗi gì!
(Ơ hay, cái anh chàng sinh viên Tổng hợp Văn Hà Nội, rồi sĩ quan tên lửa, trắng trẻo trẻ trung này, lại đã sớm có nỗi oan khiên nào để mà viết hai câu thơ đau đáu ngơ ngác đến vậy?).
Ma Liễu cũng dặn:
– Anh viết nhé, nhớ gửi lên cho bọn em.
Ừ, phải viết chứ, Xuân Thiều đã hứa hộ tôi trước bàn dân thiên hạ rồi… Và tôi cũng tự hứa với mình, với Mèo Vạc – Đồng Văn, với Lũng Phìn, Mậu Duệ, Yên Minh, Cổng Trời… Chỉ nóng lòng về đến nhà là ngồi vào bàn và cầm bút.
Nhưng chẳng ai học được chữ ngờ. Hóa ra ở Hà Nội lại có chuyện rắc rối đang chờ mình, những phiền toái chả đâu vào đâu, vô nghĩa và rối rắm. Rồi ngày tháng qua, ồn ào mà uể oải. Có cơ sẽ nhạt nhòa đi tất cả…
Cho đến cách đây đúng một tuần bỗng nghe điện thoại réo:
– A-lô, Tô Hoài đây… Này, mình đang viết cái hồi ký, vui lắm, có muốn đọc chơi không? Được ba tập rồi. Tập bốn sẽ có chuyện ông với bà Thào Mỹ đấy…
Gớm cho cái ông Tô Hoài, im ỉm vậy mà chuyện gì cũng biết, cặp mắt nheo nheo đến là tọc mạch, mà viết thì cứ sòn sòn như gà đẻ trứng, cục ta cục tác lại ra một quả, chẳng ngày nào sai.
Năm hôm sau tôi đã cầm được trong tay cả bốn tập của anh. Tập bốn, cái đoạn anh dọa sẽ đến “chuyện ông với bà Thào Mỹ” ấy như thế này, tôi mạn phép Tô Hoài chép lại nguyên văn, cũng ngắn thôi:
“… Thào Mỹ bây giờ nghỉ hưu đã lâu. Đầu năm 1991 Nguyên Ngọc trở lại cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc thì hóa 30 năm đã qua. Nguyên Ngọc kể lại Thào Mỹ bây giờ ngồi ngôi hàng nước ở chợ Mèo Vạc. Ôi thế mà còn nhớ, có lời hỏi thăm. Một thời sôi nổi và sóng gió. Thào Mỹ bị ép lấy chồng từ thuở bé. Đến khi lớn, Thào Mỹ đã bỏ về nhà mình – một việc mà chưa người đàn bà nào dám làm. Trong chiến dịch tiễu phỉ năm 1959, Thào Mỹ đã đi dịch tiếng địa phương giúp bộ đội. Gặp Nguyên Ngọc lần ấy trên mặt trận. Cũng chưa hỏi xem cái truyện ngắn Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của Nguyên Ngọc có dây mơ rễ má với Thào Mỹ thế nào mà trong sổ tay công tác của Thào Mỹ chỉ thấy ghi một câu gọi: Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi!. Thào Mỹ hỏi thăm tôi về Nguyên Ngọc, về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Chắc là Thào Mỹ thầm yêu cả hai người – một đam mê của Thào Mỹ, người cầm bút, người cầm đàn đã gặp Thào Mỹ trong trận tiễu phỉ trên núi. Tôi bảo Nguyên Ngọc bây giờ đang ở chiến trường miền Nam. Thì đôi mắt xanh nâu của người con gái đẹp im lặng…”
Thôi thì đành thú nhận vậy. Tôi lặn lội gần 200 cây số Hà Nội – Tuyên Quang, rồi gần 400 cây số leo ngược mấy Cổng Trời, chính là để thầm mong gặp lại đúng cái điểm kỷ niệm xưa cũ long lanh ấy. Một miền đất có thể nào lắng sâu mãi trong lòng mình dẫu đã xa cách nghìn dặm và hàng mấy chục năm trường nếu ở đấy thiếu đi bóng dáng một người con gái không dễ quên. Mà Thào Mỹ thì chẳng hề là một người con gái bình thường chút nào, con người và số phận. Hình như xưa nay không ai gọi đất là cha. Đất bao giờ cũng là Mẹ, là đàn bà. Ấp ủ, yêu thương, thai nghén, sinh nở, đau khổ, hạnh phúc. Cả cái vùng miên man lởm chởm toàn đá là đá ấy, diện mạo số phận một miền đất đó có thể nhận ra được trong số phận những người đàn bà ở đấy, phải chăng?
“Thì hóa ra 30 năm đã qua” – Tô Hoài viết. Ừ nhỉ, những năm tháng ấy, trẻ trung, lãng mạn, tôi thường lang thang dọc dài những vùng biên giới Việt Bắc đẹp như thơ. Gọi là đi thực tế, được biểu dương hẳn hoi ở cơ quan đấy, kỳ thực là những cuộc du ngoạn triền miên, gặp nơi nào thích thì dừng năm bảy bữa, cái gì hay thì viết mấy trang. Lên Quảng Uyên – Thông Huề bên kia đèo Mã Phục, làm quen với hai cô giáo, một Hàng Bông, một Hàng Trống Hà Nội, chơ vơ giữa một đám học trò toàn người Dao đỏ, người Nùng, người Quý Châu, người H’mông. Các cô bảo ở lại chơi, thì ở! Và viết cái truyện ngắn Dũng cảm. Lang bạt qua Bắc Kạn, Bạch Thông, Đèo Giàng, gặp mấy anh bưu điện kỳ lạ và viết Rẻo cao. Lại vào Hà Quảng, ghé nhà anh thanh niên mù gần Bế Triều, Nước Hai, và viết Pồn… Một bữa, ở thị xã Cao Bằng, rét như cắt, đi ăn món coóng-phù khuya, nóng bỏng môi, vừa thổi vừa ăn… thì gặp tỉnh đội trưởng Mỹ Sơn cũng đi đâu đấy về rất khuya, vẻ rất tất tả.
– Này, bên Đồng Văn vừa nổi phỉ đấy, chúng nó chiếm mẹ hết cả huyện rồi. Lệnh Quân khu phải đánh hai mũi, một từ thị xã Hà Giang lên, một từ Cao Bằng sang. Sáng mai bọn này xuất binh. Có đi không?
– Đi chứ!
Vậy là mờ sáng hôm sau lên đường. Ô-tô từ Cao Bằng qua Nguyên Bình, Tà Sa, lên Tĩnh Túc. Lại ô-tô từ Tĩnh Túc lên Bảo Lạc. Đường Tĩnh Túc – Bảo Lạc mới mở xong, tôi có đi chuyến khánh thành ấy, ngồi cạnh cậu lái, hỏi:
– So với đường bên Điện Biên thế nào?
Trề môi:
– Đường Điện Biên ấy à, phải gọi bên này bằng ông nội!
Tới Bảo Lạc thì mút đường. Anh Mỹ Sơn chiếu cố nhà văn, mượn cho được con ngựa. Cả đời đã ngồi lưng ngựa bao giờ đâu, nhưng từ chối thì xấu hổ, thôi thì cứ liều. Hóa ra cũng chẳng ghê gớm gì lắm. Chỉ khổ một nỗi phải lo cái ăn cho nó, cỏ đâu, ngô đâu, đến là khốn. Và nhất là khi gặp ngựa cái đi ngược chiều. Gớm cho cái giống mê gái quá thể này. Nó ngửi thấy hơi gái từ xa hàng cây số.
– Mã mé! Mã mé! – Các anh lính Tày hét to.
Mỹ Sơn gào:
– Ghìm cương ngựa lại!
May mà vừa kịp. Con ngựa lồng lên, suýt quật mình gãy cổ…
Nhưng tất cả những cái ấy, cả những hiểm nguy của cuộc chiến đấu đang chờ phía trước nữa, đều chẳng nghĩa lý gì so với cảnh đẹp đến nghẹt thở nơi đất trời núi non biên giới. Những sườn núi Nùng thoáng rộng đến vô cùng, nở nang và hoang vắng như những khuôn ngực đàn bà hoang sơ nào đấy, tưởng có thể hít thở đến ngợp cả hai khuôn phổi hương da thịt nồng nàn của đất thuở khai thiên còn nguyên vẹn. Đường đi trên các sống núi, ngước lên thăm thẳm màu xanh biên thùy, nhìn xuống thung sâu hun hút, lác đác những bản làng nhỏ xíu phơi mình trong nắng chói chang. Chúng tôi đi hàng một, người và ngựa, và súng ống lỉnh kỉnh, cảm giác một cuộc vạn lý trường chinh nào đấy, hay là một cuộc “Tây du ký” nhỉ? Thật khốn khổ cho cái chủ nghĩa hiện thực tôi được dạy từ ngày cầm bút. Ở đây tất cả đều siêu thực, núi non, mây gió, đất trời, xóm mạc, sông suối, con người, và cả những con ngựa này nữa, lên cao chúng bỗng trở nên trầm mặc và nhẹ tênh, có thể chúng cũng biết nói đấy nhưng không mở miệng nên lời được chỉ vì bị đắm đuối bởi cái đẹp quá thể tràn ngập bốn bề.
Một ngày thì đến Khâu Vai. Gớm thật cái thằng Tây, đâu từ một trăm năm trước nó đã đến đây và xây một cái đồn thật kiên cố trên mỏm Khâu Vai trống trải, chót vót. (Tôi nhớ có lần Nguyễn Tuân kể dọc đường số 4, mạn giữa Đông Khê – Thất Khê – Cao Bằng, ở chỗ hiểm trở nhất có một cái miếu tên là miếu Cặp Bỉ Tiên. Vốn rất tọc mạch, ông Tuân mần mò tìm hỏi cho kỳ ra nguồn gốc vị tiên được thờ ở chốn đèo heo hút gió ấy. Thế mà cuối cùng tìm được. Hóa ra là cái miếu thờ một tên quan ba Pháp đổ xe bỏ xác ở đấy. Quan ba: capitaine – dân gian hóa, thần thánh hóa thành Cặp Bỉ Tiên!).
Đêm chúng tôi ngủ trong đồn Khâu Vai xây toàn bằng đá khối to bự, cao ba tầng, lỗ chỗ ổ châu mai, phải thay nhau thức gác, hết phiên gác vẫn trằn trọc không ngủ được vì con ngựa dưới sân đòi ăn đạp đổ cái máng lục cục mãi và vì những tiếng động mơ hồ mà rõ rệt của rừng đêm bí mật, đe dọa. Ở đây muôn đời nay vẫn thế: ngày khoáng đạt, bình lặng, yên ả quá; đêm lại đầy hiểm nguy: những toán phỉ táo tợn, bọn buôn lậu thuốc phiện cũng xảo quyệt và hung hãn như bọn cướp, chốn biên thùy là đất dụng võ bất cứ thời nào của chúng.
Mất ngủ, nhưng cái lạnh ghê người buổi sớm tinh mơ lại khiến chúng tôi tỉnh như sáo. Lại lên đường khi còn đặc sương. Lại một ngày rong ruổi đi giữa siêu thực. Chẳng hạn là siêu hay là thực cô gái H’mông phơi váy ở cái làng bé tẹo treo lơ lửng ven sườn núi tít dưới sâu hút kia, chiếc váy lanh phơi trên đá, nở xòe hệt một đóa hoa trắng long lanh? Là siêu hay là thực cái đoàn gần chục cô gái Nùng đi chợ đâu tận từ bên Trung Quốc về, hát Nàng ới vang cả sườn núi, ghẹo chúng tôi và thách chúng tôi hát đối lại?
Mỹ Sơn gọi:
– Nào, anh văn nghệ, lên tiếng đi! Chịu thua à?
Chịu thua thật, đối sao nổi, bởi các cô thì siêu quá, khéo là hồ ly tinh hiện hình cũng nên, còn lũ lính chúng tôi lại thực quá, lỉnh kỉnh những soong nồi súng ống trần tục thế này!…
Đường đi càng về chiều càng lên cao, và hình như núi non mỗi lúc một thắt lại, hiểm trở hơn, hiểm ác heo hút hơn. Vẫn lên nữa. Lên mãi. Đã nghe thỉnh thoảng tiếng súng rộ từng hồi, rồi đột nhiên im bặt, lạnh tanh. Tức là đơn vị đầu tiên, lên trước chúng tôi một ngày, đã chạm địch. Vẫn lên nữa, lên mãi…
Ba giờ chiều, rất đột ngột, bỗng thấy mình đã đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt,… Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác.
Cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc đấy.
Người, ngựa đổ xuống dốc đá vôi đứng sững. Sáu giờ chiều, đánh một trận qua quít và tràn vào chợ Mèo Vạc. Đơn vị đi trước đã làm nhiệm vụ xuất sắc, chúng tôi chỉ đánh quét nốt cái đuôi. Những ngày sau đánh tiếp một số trận nữa, Pả Vi, Thào Trứ Lũng, Xà Lũng, Mã Pi Lèng, Săm Pun, Xà Phình, Phó Bảng, Lũng Cú… Chẳng trận nào lớn. Nhưng hiểm nguy thì nơm nớp từng giờ, ngày đêm. Có lẽ chẳng đâu còn có loại lính thiện chiến bằng những người H’mông đánh du kích. Họ chỉ dùng mỗi loại súng kíp dài ngoẵng, bắn đạn ria nhồi hạt chì, vết thương không nóng mà lạnh tanh. Bao giờ cũng chiếm những mép núi tai mèo cao và lộng gió, đối phương ngước nhìn lên sẽ lóa mắt vì bị mặt trời chói thẳng vào mặt, còn họ thì cứ thong dong tỉa từng phát một, phát súng vừa bắn ra gió lộng lập tức xua tan mất khói không cách gì xác định được vị trí người vừa nổ súng để phản pháo… Cái thế khốn đốn cổ điển của quân chính phủ đi đánh nhau với quân nổi dậy…
Ngày 22 tháng 12-1959, đánh trận Lũng Cú, rét cắt xương. Cũng đúng hôm ấy, cánh từ thị xã Hà Giang lên, có cả chủ lực Quân Khu, phá được Cổng Trời, tràn vào thung lũng Yên Minh, Mậu Dụê, đánh lên Phó Cáo, Phó Bảng, Xà Phình… Nhưng có lệnh tuyệt đối không được đánh tiêu diệt: phỉ cũng là dân, toàn huyện. Người H’mông, sinh ra và vật lộn suốt đời trên cao nguyên đá, sống bằng loại cây kỳ ảo nhất trên đời này – cây thuốc phiện – vốn là những người thâm trầm mà rất cảm tính. Trung thực, thẳng thắn, dữ dội, nhiều mưu lược, nhưng cũng dễ bị kích động, cuồng nhiệt. Cuộc sống hàng trăm năm nay ở đây là cuộc đánh vật ngày đêm với từng bụm đất nhỏ đúng bằng bàn tay còn sót lại giữa các hốc đá cheo leo để giành lấy một miếng ăn còm cõi, và cuộc đánh nhau triền miên đẫm máu giữa các dòng họ bị chi phối bởi các thế lực chằng chịt trong và ngoài nước. Cho nên diệt phỉ không khéo thì cũng là diệt dân, cả một dân tộc. Chúng tôi được chỉ thị kiên trì đánh từ từ, chủ yếu là đánh tan rã, tóm dần đối phương lại, dồn họ vào một chỗ, vây chặt, kiên nhẫn chờ, mỗi ngày chỉ giọt vào đấy vài chục quả cối uy hiếp, đợi cho hàng nghìn người dân H’mông bị ép buộc, bị lừa phỉnh mà đi làm phỉ cạn lương đói rã tan dần ra, cuối cùng mới tìm truy diệt mấy tên đầu sỏ. Một thứ chiến tranh chậm chạp, uể oải, mệt nhừ. Tướng thì gà gật ngủ suốt ngày, đêm lại thức trắng bức xúc văng tục chửi bới ầm ĩ, lính thì đổ bệnh, chết mòn vì sốt rét và vì cái lạnh biên thùy căm căm.
Đâu đến cuối tháng giêng đầu tháng hai 1960 điểm dồn cuối cùng của địch ở Lũng Phìn mới tan rã hết. Bộ đội Hà Giang, Cao Bằng rút lui. Mỹ Sơn hỏi:
– Về chứ?
– Anh về trước đi.
– Phải lòng cô Mèo nào rồi sao?
– Cũng có thể…
Tôi không nói với anh rằng tôi đã bị đá mê hoặc. Tôi ở lại với cao nguyên đá…
Tôi xin lỗi bạn đọc đã kể dông dài bao nhiêu chuyện linh tinh xưa cũ. Chẳng phải vô tình đâu. Ấy là người viết chuẩn bị không khí cho nhân vật chính xuất hiện đấy: Thào Mỹ.
Đúng ra thì nhân vật chính ra mắt sớm hơn đôi chút kia. Ấy là cái bữa chúng tôi mòn mỏi bao vây Lũng Phìn. Giọt cối chừng chừng, kết hợp binh vận. Mỹ Sơn chợt nhớ Nguyễn Trãi. Anh thảo một bức thư dài, nhờ dịch ra tiếng H’mông, và cho người cầm vào Lũng Phìn, đưa tận tay tên tướng phỉ tại sào huyệt của nó, dụ hàng. Ai đi? Một cô gái H’mông. Sáng ấy tôi vắng mặt, không được gặp cô khi cô lên đường. Trưa tôi mới về chỉ huy sở đóng trong nhà Dương Trung Nhân, một tên lãnh chúa từng thống trị cả vùng này, đánh nhau với Vương Chí Sình, về sau thua, bỏ chạy vào Nam theo giặc. Nhà xây toàn đá hộc, hai tầng, tối om, bí hiểm, tường lởm chởm lỗ châu mai. Ngồi ở cái căn gác thấp xịt ngổn ngang súng ống nhà Dương Trung Nhân, chúng tôi nóng ruột chờ cô gái trở về. Trưa. Rồi chiều. Rồi tối. Vẫn bặt tăm. Lòng dạ như đốt.
– Khéo chúng nó ăn thịt mất con bé rồi. Thì tớ lĩnh kỷ luật chuyến này mất – Mỹ Sơn lo lắng. Anh đứng dậy, cái xà nhà thấp quá đánh bộp vào đầu một phát, lại cau có ngồi xuống.
“Ăn thịt con bé” là nói theo nghĩa đen. Hôm mới chiếm Lũng Phìn, bọn phỉ bắt được năm cô gái mậu dịch, đã giở trò tùng xẻo, cắt mũi, cắt tai, cắt vú, mổ bụng moi tim nấu ăn thật sự. Về sau giải phóng Lũng Phìn xong, chúng tôi vào, còn tìm được mấy cái chảo chúng nó rán mỡ người…
Mãi đến hơn 12 giờ đêm, bỗng nghe có người kêu to dưới sân:
– Thào Mỹ đã về!
Chúng tôi đứng bật cả dậy. Mỹ Sơn lại va bộp đầu vào đúng cái xà lúc nãy, nhưng chẳng còn ai chú ý. Có tiếng bước chân rất thong thả bình tĩnh lên cầu thang, và trước mặt tôi hiện ra, không phải một “cô bé” mà là một người con gái khoảng hăm bốn hay hăm nhăm, hai má đỏ au vì xúc động hay vì rét, đôi mắt – Tô Hoài quan sát giỏi thật – đúng là một đôi mắt xanh nâu đẹp im lặng. Chưa bao giờ tôi đứng trước một người con gái có sức thu hút mãnh liệt như vậy. Gọn gàng, nở nang, rắn rỏi mà mềm mại, đôi mắt hơi cười nhưng vẫn thấm đẫm một nỗi đau, một nỗi buồn tê tái nào đó cứ buộc mình phải đoán, phải cố tưởng tượng. Có một vẻ gì đó, ngay từ phút gặp đầu, vô cùng đắm đuối ở người con gái ấy. Chiếc áo H’mông bị xé rách để lộ một mảng ngực trắng ngần, Thào Mỹ chẳng cần đưa tay che lại. Chị cứ đứng như vậy mà bình tĩnh kể cho chúng tôi nghe cuộc mạo hiểm của mình hôm nay, bằng thứ tiếng Kinh bập bẹ, chen lẫn tiếng H’mông, tiếng Quan Hỏa lộn xộn.
Đúng là Mỹ Sơn đã đánh một nước bài quá liều. Anh đã đưa Thào Mỹ vào tay Vàng Chỉnh Cáo, tên đầu sỏ nguy hiểm nhất trong tất cả những tên đầu sỏ nguy hiểm của cuộc nổi loạn này. Thào Mỹ đúng là suýt bị nó ăn thịt thật. May chị lợi dụng một mảnh đá tai mèo sắc nhọn tự cứa đứt dây trói chạy thoát về đây… Một năm sau, Vàng Chỉnh Cáo bị tuyên án tử hình tại phiên tòa xử vụ phỉ Đồng Văn – Mèo Vạc, mà Thào Mỹ ngồi ghế hội thẩm nhân dân…THÀO MỸ NGÀY ẤY
... Còn “Thào Mỹ bây giờ ngồi ngôi hàng nước chợ Mèo Vạc”. Ngôi hàng nước ấy, nơi tôi tìm gặp lại được Thào Mỹ sau 30 năm, cách ngôi nhà Dương Trung Nhân nơi tôi biết chị lần đầu chỉ mấy bước chân.
Xuân Thiều nhận xét:
– Đôi mắt vẫn còn đẹp lắm!
Vậy thì tôi có bươn bả hơn 600 cây số để gặp lại một đôi mắt ấy, đáng để mà lặn lội quá, phải không?
Ngày tôi ở Đồng Văn – Mèo Vạc về, cuối năm 1960, không theo tuyến Bảo Lạc nữa, mà xuôi đường thị xã Hà Giang. Đầu 1962 lại lên một chuyến, coi như chuyến thăm từ giã trước khi vào chiến trường miền Nam, cũng đi đường Hà Giang. Bấy giờ từ thị xã Hà Giang lên chưa có đường ô-tô. Mới lác đác dăm ba công trường phá đá làm đường mạn Pác Sum, Làng Đán… Ngày nay đã khác xa rồi: ô-tô leo tới tận mãi Lũng Cú. Một công trình vĩ đại. Hơn hai trăm cây số đèo dốc hiểm trở, toàn đi trên đá, nghe nói cứ mỗi cây số trung bình phải tốn 8 tấn thuốc nổ phá mở đường. Cũng là một thứ Kim Tự Tháp thời hiện đại chẳng ngoa.
Buổi sáng sớm, xuất phát từ Tuyên Quang, cậu Gác lái xe bảo:
– Trưa nay ta ghé Bắc Quang ăn cơm, rồi cố chạy một mạch, tối ngủ Quản Bạ.
Sướng thật. Ngay trước cuốc bộ, Hà Giang lên Quản Bạ, thật dẻo chân cũng phải mất ba ngày trường trải.
Gác thực hiện chương trình rất chính xác: trưa ăn cơm Bắc Quang đàng hoàng. Hai giờ chiều, ghé thị xã Hà Giang làm chén cà-phê cho tỉnh táo. Ba giờ qua Làng Đán, trước nổi tiếng nhiều hổ (“Muỗi Pác Sum, hùm Làng Đán”), hồi chiến tranh biên giới là một trong những trọng điểm chịu đựng nhiều pháo nặng nhất. Ba giờ rưỡi, leo Cổng Trời Pác Sum.
Xuân Thiều đã bắt đầu kinh ngạc:
– Gớm, toàn đi trong mây!
Gác và Ma Liễu chỉ cười. Còn tôi thì ra vẻ thông thạo:
– Đã thấm gì, cái dốc tráng miệng thôi. Ngày mai mới biết tay nhau.
Năm giờ rưỡi, đến Quản Bạ. Quản Bạ chào khách bằng một cảnh tượng tuyệt vời: đôi núi Vú Nàng Tiên đứng ngay đầu thị trấn. Một cặp núi, thật lạ, mơn mởn đôi vú trinh nữ, cao nhọn, gọi mời, thách thức. Người mới đến đã có ngay cảm giác vùng cao nguyên dữ dội và bí hiểm này chắc là định dành cho mình những thiên tình sử lạ kỳ nào đây.
Mà đúng vậy. Dữ dội, quằn quại, trữ tình, say đắm là rừng núi của đá và của những dục vọng va đập nghìn đời nay.
Sáng sau Gác bảo:
– Hôm nay các vị cố mà chịu đựng nhé, ta đi một mạch cho đến Mèo Vạc luôn. Ngày mai là phiên chợ Mèo Vạc mà. Bây giờ phiên đúng ngày chủ nhật.
Tôi hơi bất bình: sao lại sinh ra cái lệ tính phiên chợ theo lịch Tây thế này? Về sau mới rõ: hóa ra các cơ quan nhà nước, cả cơ quan Đảng, đoàn thể nữa, trên này chẳng ai sống được bằng đồng lương còm cõi, đương nhiên. Cũng phải bám các phiên chợ mà làm ăn, mà sống thôi: mua bán, đổi chác, đầu cơ, tích trữ… Cứ như trước, phiên họp khác ngày chủ nhật, thì các cơ quan chẳng còn ma nào làm việc.
Ra cái thơ mộng lâu đời những vùng rẻo cao cũng đã bắt mùi kinh tế thị trường của đổi mới rồi. Còn số phận những con người ở đây, những Thào Mỹ, những Sùng Chóa Vàng, những Lùng Sùng Páo… từng rất thân thiết một thời xưa của tôi trải cuộc dâu bể ba mươi năm nay ra sao?
– Ông Ngọc kể tiếp chuyện Thào Mỹ đi. Cho khuây khỏa… và cũng đỡ sợ – Xuân Thiều bảo.
Ra anh chàng đã bắt đầu sợ! Hôm nay dốc ác liệt quá, toàn quanh gấp, đứng sững, dưới bánh xe hầu như không có một chút đất, chỉ tuyền đá tảng nham nhở trơn trật. Gác bảo: Đường này không được phép để trôi xe quá nửa mét, sẽ lao xuống vực ngay. Mà vực thì sát bên lề, cách có vài gang tay, thăm thẳm hun hút như chốn địa phủ, chỉ cần liếc nhìn xuống đã nghẹt thở vì ngợp.
Chúng tôi chạy dọc sông Tráng Kìm một đoạn, rồi đột ngột rẽ qua cầu và lập tức leo Cổng Trời Cán Tỷ.
Mấy hôm sau tôi có dẫn Xuân Thiều lên thăm Mã Pi Lèng, ngọn đèo nổi tiếng chắn giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Có hai cách dịch chữ Mã Pi Lèng, tùy theo lối đọc nhấn mạnh hay nhẹ âm i ở chữ Pi: hoặc là sống mũi con ngựa, hoặc là tên một bộ phận khiến cho con ngựa cái được coi là ngựa cái. Mã Pi Lèng và Cán Tỷ là hai kỳ quan đặc sắc nhất của vùng núi non này. Bạn đã có dịp nghe hát dân ca H’mông bao giờ chưa? Đó là sự kết hợp bất ngờ đột ngột kỳ diệu của những âm vực gần như không thể tưởng tượng nổi: cao chót vót, và trầm sâu đến đáy. Không có cái giữa chừng, không có sự trung bình, chỉ có cực điểm. Núi non ở đây là thế. Con người là thế. Thào Mỹ là thế.
MÃ PI LÈNG VÀ SÔNG NHO QUẾ
Hãy ngửa cổ nhìn lên cái đỉnh Cán Tỷ hay đỉnh Mã Pi Lèng kia mà xem, thăm thẳm trong mây. Anh còn tinh mắt không? Anh sẽ nhận ra, loang loáng trong mây, tít tận chỗ sát trời xanh kia, một làng H’mông lơ lửng chơ vơ. Trời ơi, sao lại leo lên đến tận trên ấy mà ở, mà làm nhà, mà sinh sống, yêu đương, sinh nở, cha truyền con nối? Đố ai mà hiểu được.
Và bây giờ hãy vịn chắc tảng đá bên bờ vực này mà cố nhìn xuống con sông Nho Quế dưới kia. Hàng nghìn thước sâu có thừa. Ngọn núi lớn có lẽ từ hàng triệu năm trước, một hôm nào đó, đột ngột bị một nhát rìu khổng lồ chém đứt làm đôi, nhát chém dữ dội và sắc lẹm quá, cả trái núi đá hàng vạn ki-lô-mét khối bị bổ dọc, nứt toác ra, hai bờ thẳng đứng, bên này là Mã Pi Lèng, bên kia là Sam Pun, ở giữa dưới nghìn mét sâu là con sông Nho Quế leo lẻo xanh đến rợn người. Thế mà nhìn kỹ xem, vẫn có đường mòn men theo sườn đá dốc đứng mà leo xuống: dưới ấy vẫn có làng, có người, có nương. Mỗi cái nương là hàng vạn, hàng triệu bụm đất nhỏ bằng bàn tay còn sót lại trong các hốc đá lô nhô, lởm chởm, chằng chịt. Người H’mông nổi tiếng về nghệ thuật xếp đá. Họ có thể xếp những bức tường toàn bằng đá cao hàng chục mét, dài hàng trăm mét, thẳng tắp, không cần bất cứ một chất kết dính nào. Xếp đá để chống chọi lại với trời đất, với dông bão, với mưa lũ xói mòn, cum cúp giữ gìn từng chút đất. Họ lại có thể đàng hoàng cày bằng bò trên những nương đá ấy đấy. Có nghệ thuật cày ruộng nào sánh bằng. Và trên từng bụm đất quý hơn vàng ấy, cắm xuống một cái cây. Để mà tồn tại.
Cây gì?
Ba mươi năm trước, người H’mông chuyên trồng loại cây đắt giá nhất, kỳ ảo nhất, say đắm nhất trên đời này: cây thuốc phiện.
Bây giờ thuốc phiện bị cấm rồi. Thay bằng cây ngô. Trồng ngô ở đây, thì chết đói.
Trồng thuốc phiện – thì hư hỏng. Hư hỏng cả xã hội.
Làm sao?
Cuộc nổi phỉ và cuộc tiễu phỉ ác liệt năm 1959, với tất cả sự đan chen vô cùng phức tạp của các mưu đồ chính trị lớn và nhỏ, trong nước ngoài nước… đều dính líu chằng chịt đến chuyện trồng cái cây gì trên bụm đất nhỏ xíu còn sót lại giữa các hốc đá nham nhở nơi này.
Trồng cây gì?
Câu hỏi chừng đơn giản vậy mà đẫm máu, mà chi phối khắc nghiệt số phận hàng vạn con người, từng số phận con người, từng chặng đường số phận mỗi con người.
Tôi nhớ mãi cái buổi đầu tiên tôi thật sự làm quen Thào Mỹ. Ấy là bữa bộ đội Cao Bằng, Hà Giang rút về, chúng tôi ở lại, một số cán bộ từ các tỉnh gần quanh bổ sung sang cùng với vài trung đội vũ trang, để làm nốt cái đuôi còn lại nhưng cũng là cái việc gian nan nhất của công cuộc tiễu phỉ: “đại quân” phỉ đã tan rã hết rồi, đã trở về các xóm làng của họ, đã trở lại thành dân thường, song bọn đầu sỏ gian ác cũng “tan” theo, tản vô các xóm làng rải rác heo hút trên ngàn vạn núi đá hiểm trở, cũng trở thành “dân”, được dân che chở nuôi giấu hoặc do bị chúng khống chế, hoặc do tình cảm tộc họ lâu đời chằng chịt. Bây giờ phải mạo hiểm, len lỏi vào từng làng, từng hốc núi, hết sức kiên trì phát động quần chúng, moi tìm cho ra những tên cầm đầu nguy hiểm này mà trừ tiệt đi.
Câu chuyện dông dài lắm. Tôi chỉ nói vắn tắt thế này: chúng tôi mất đúng một năm trời, và không ít máu.
Mỗi xã lập một đội phát động quần chúng tiễu phỉ. Mèo Vạc, bấy giờ còn là một xã, cũng có một đội như vậy. Anh Trương Cộng Hòa, cán bộ người Tày bên Bạch Thông Bắc Kạn điều sang, làm đội trưởng. Tôi được cử làm đội phó. Tất nhiên đội phải có người địa phương thông thuộc phong tục tập quán, địa hình, tiếng nói mới mong dần dần nhập được vào dân mà truy ra đầu sỏ. Anh Cộng Hòa bàn với tôi chọn lấy ba người đáng tin cậy nhất: Lùng Sùng Páo người Lô Lô ở Chúng Pả, ngày bọn phỉ nổi lên chiếm Đồng Văn, Mèo Vạc, chính Lùng Sùng Páo đã vượt mọi hiểm nguy, chạy sang tận Bảo Lạc đón bộ đội về dẹp loạn.
Người thứ hai là Sùng Chóa Vàng người H’mông ở Pả Vi, đã đi cùng chúng tôi suốt những ngày đánh nhau ác liệt, là một tay súng cực kỳ thiện xạ, mà cũng là cái thùng rượu không đáy.
Người thứ ba, tất nhiên: Thào Mỹ.
Hôm họp đội lần đầu tiên ở căn gác nhà Dương Trung Nhân, hình như Thào Mỹ có hơi say. Chẳng phải vì rượu đâu. Không có thứ rượu nào làm cho Thào Mỹ say nổi. Vì một nỗi rộn ràng nào đó, tôi chưa đoán được. Hai má đỏ chín. Chị nói nhiều, cười nhiều, rồi có lúc đột nhiên im bặt, và nhìn kỹ thấy long lanh hai giọt nước mắt.
Tan họp, chị kéo tôi ra chợ Mèo Vạc.
Bạn đã ghé một phiên chợ vùng cao bao giờ chưa? Hoàn toàn không chỉ là chỗ buôn bán. Ở cái nơi mà con người quanh năm sống cô độc đìu hiu cách biệt trong im lặng tưởng đến vĩnh hằng của những hốc núi trơ trụi này, chợ là ngày hội. Của hội ngộ, của bạn bè, của vui chơi, của tình yêu, của say đắm, của sàm sỡ, của thỏa thuê. Mỗi phiên chợ như một sự bùng nở, một vụ bùng nổ của con người khát khao bị đè nén, bị ức chế. Không gì thích bằng nhìn những đôi chân người H’mông từ các sườn núi chót vót mờ sớm đổ xuống chợ. Họ đi hăm hở, gấp gáp, hối hả giành nhau mà đi, đạp lên đá nhọn sắc, lên gai góc mà đi, hấp tấp, bất chấp tất cả, như sợ muộn mất cuộc vui, như sợ lỡ cuộc hẹn hò nào khẩn thiết lắm, cấp bách lắm. Con trai đeo khèn. Con gái gùi củi tấu. Chẳng có gì để bán cũng đi chợ. Người và ngựa, và ô, và khèn, và những chiếc váy Mèo dệt bằng lanh giặt bằng nước tro lao xao óng ánh theo bước đi uyển chuyển.
Khói um một góc trời. Ấy là lò nấu món đặc sản không thể thiếu ở các phiên chợ vùng cao này đấy: món thắng cố. Thịt trâu hay thịt bò xả ra từng mảng, xương xẩu để nguyên, tim gan tì phế để nguyên, cả ruột non ruột già nữa cũng để nguyên, chẳng cần rửa ráy gì hết, tống tất vào những cái chảo khổng lồ, vứt vào đấy một nắm muối và một nắm thảo quả, đun sôi sùng sục. Múc bằng những muôi gỗ to tướng, mỗi người một bát đầy, xì xụp húp bỏng miệng. Và uống rượu ngô men lá, rượu cũng phải uống bằng bát, bưng cả hai tay mà uống. Và xì xầm nói chuyện, và hò hét cãi vã, và bỗng dưng cất tiếng hát dìu dặt… Tôi cứ nghĩ mãi vì sao món thắng cố của người H’mông lại được nấu một cách cố tình liều mạng như vậy: có lẽ đây cũng là một lối bùng nổ cho đến hết ga, cho thật hả hê chăng?…
Thào Mỹ kéo tôi đến một hàng thắng cố. Ăn thắng cố thì phải ngồi bệt ngay ra đất. Mỗi người một tô lớn. Và một bát rượu đầy.
Chà, cô gái đáo để này muốn thử thách mình đây. Thì chơi! Tôi nốc một tô rượu lấy đà, rồi nhắm mắt nuốt trôi cả bát thắng cố Thào Mỹ trao tận tay…
Tôi đã vượt qua thắng lợi cuộc thử thách đầu tiên như thế.
– Về thôi anh – Thào Mỹ bảo.
Chúng tôi lại quay về căn gác nhà Dương Trung Nhân. Chỉ còn hai người. Thào Mỹ nói:
– Từ nay anh là anh trai của em. Em là em gái. Anh dạy em học tiếng Kinh nhé. Em sẽ dạy anh học tiếng Mèo. Rồi em sẽ kể hết cuộc đời em cho anh nghe.
Suốt đêm ấy Thào Mỹ hát. Những bài hát Mèo buồn tê tái.
Cuộc đời Thào Mỹ, tôi đã kể lại trong Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng rồi. Tất nhiên đấy là truyện ngắn, có thật, có bịa. Tôi cũng đã đổi tên người, tên đất. Tôi gọi chị là Vàng Thị Mỹ. Nhưng chính Thào Mỹ lại thấy mình trong ấy. Tô Hoài chẳng đã từng kể trong thiên hồi ký của anh: giữa một trang giấy chỉ thấy Thào Mỹ ghi một câu gọi Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi! là gì. Còn tôi quả tình đọc lại cái truyện viết gần 30 năm trước tôi lẫn lộn tất, chẳng còn phân biệt được đâu là thật là giả. Nghĩa là, thôi thì quả đúng vậy, Thào Mỹ ngày ấy, người con gái H’mông đau khổ và quyết liệt đã thử thách tôi bằng bát thắng cố và tô rượu bự ở chợ Mèo Vạc, đã dạy tôi tiếng H’mông và là người học trò tiếng Kinh thông minh và chuyên cần của tôi, đã dạy tôi cả những bài hát tiếng H’mông buồn tê dại:
Tà à dù tùa tỳ lâu lê
Nà nề pề lâu lư
Sí tù pê lau thua
Tu à du
Cứ cà cào dùa sê cào
Chí dùa sê
Cào mua pế tau lờ ta vê
Lù tà che, tù à dù
Cú cà cào dúa se cào
Chí dùa nhê
Cào mu pê tau lở ta về
Lù la thê, tù à dù…
Trời xanh đẹp, về hả anh
Tao bảo mày lấy vợ, mày không lấy
Mày đi ba bốn ngày quay trở về vào nhà
Trời xanh đẹp, tao bảo mày lấy vợ mày không lấy hả
Mày đi ba bốn ngày quay trở về vào nhà
Trời xanh đẹp…
Rồi chúng tôi đi công tác cùng nhau suốt một năm dài, ăn mèn mén và uống rượu men lá, cũng nhiều lần phải nổ súng ác liệt, đêm ngủ trên các sàn bếp nhà người H’mông chật cứng và um khói đen kịt, ngày len lỏi lên các xóm H’mông lơ lửng trong mây. Có lẽ chúng tôi đã đi đến hàng nghìn cây số đường núi đá tai mèo, Pả Vi, Xà Lũng, Thào Trứ Lũng, Mã Pi Lèng, Cán Trứ Lũng, Chúng Pả, Sàng Pả, Lũng Phìn, Phó Cáo, Xà Phình, Phó Bảng, lên tận Sam Pun, Lũng Cú, cũng có khi qua đến Cán Tỷ, Bát Đại Sơn, Thèng Phùng… Thào Mỹ càng đi càng đẹp ra. Một vẻ đẹp rất lạ, cuốn hút vô cùng, khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Sam Pun…
Chúng tôi là bạn, là đồng chí, là anh em, là gì nữa… chính tôi và chị đều không biết.
Rồi tôi trở về Hà Nội, mang theo một đống tài liệu cho cuốn tiểu thuyết đến nay vẫn chưa viết và để lại trên ấy một phần đời lãng mạn và đẹp nhất của mình.
Rồi tôi đi vào Nam, miền Nam gọi.
Thào Mỹ ở lại. Đoạn đời sau của chị, chính Tô Hoài kể với tôi. Việc công: Thào Mỹ làm cán bộ xã, rồi làm phó chủ tịch huyện, ngồi ghế hội thẩm nhân dân phiên tòa lớn xử vụ phỉ Đồng Văn, rồi làm cán bộ phụ nữ tỉnh, có chân cả trong ban lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương…
Việc tư: Thào Mỹ đã bỏ thằng chồng nhóc con bị ép lấy từ thuở dậy thì. Thào Mỹ yêu nhiều, người ta yêu Thào Mỹ nhiều, cán bộ Kinh, Tày, Nùng, Lô Lô, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương… Nhưng đều dang dở. Hồi làm Phó Chủ tịch huyện, Thào Mỹ yêu một cậu cảnh vệ rất đẹp trai, nhỏ hơn Mỹ đến mươi tuổi. Mà phong tục cách mạng thì chẳng chấp nhận chuyện ấy. Mấy lần ăn lá ngón đều không chết, số trời đày ải còn lâu. Cuối cùng Thào Mỹ lấy một anh Lô Lô quê mãi Lũng Cú, trẻ hơn Mỹ cũng gần chục tuổi, không biết chữ. Cán bộ phụ nữ H’mông cấp huyện, tỉnh, Trung ương thì cũng là đàn bà H’mông thôi. Chiều chồng hết mực, còng lưng lo cho nó cái ăn, lo cho nó cái rượu uống, nó say rượu nằm thượt ra giữa đường núi đá nắng chang chang thì ngồi đó cầm ô che cho nó suốt ngày, đến tận khuya, nó hơi tỉnh dậy thì dìu, thì cõng nó về nhà. Nó đánh Thào Mỹ như đánh một con chó, mặt mày rách nát, ngực bê bết máu, nó chửi “Cái con Mèo già, cút mẹ mày đi!” Vẫn yêu thương, vẫn nâng niu, vẫn chăm nó như con…
Tôi lặn lội tìm gặp lại Thào Mỹ sau 30 năm. Để sẽ gặp lại ai đây?
Gác lái xe bảo:
– Ta dừng lại Lũng Phìn đã anh nhé.
– Ừ thì Lũng Phìn.
Tôi sực tỉnh, nghe đâu đó trong tận sâu của chính mình, tê tái buồn, và nhớ.