Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 307): Huỳnh Hữu Uỷ (2)

Nguyễn Đức Sơn: Một đỉnh thơ kỳ dị và cô độc

clip_image001

Sơn Núi Đại Lão

   (Đinh Cường 8.8.2011)

Trong một bài viết về Bùi Giáng gần đây, tôi có nhắc đến một cô phong đỉnh của vòm thơ Việt hiện đại, đấy là tôi muốn đề cập đến Nguyễn Đức Sơn, cũng là một tài năng rất lạ lùng của nền thi ca đương đại của chúng ta. Cũng ngang ngửa với Bùi Giáng những bước đi bằng một nhịp điệu khác, cũng tài năng lồng lộng và cuộc đời thì vô cùng kỳ cục, kỳ dị, kỳ quái, bao nhiêu chữ kỳ tìm thấy trong từ điển có lẽ đều dùng được để mô tả về chàng thi sĩ này.

Mấy năm cuối thập niên 50 và đầu 60, Nguyễn Đức Sơn xuất hiện như một hiện tượng ồn ào, ồn ào nhưng vẫn chất chứa, tiềm ẩn một cái gì đó rất sâu thẳm. Văn phong tài hoa, tư tưởng khiêu khích, thái độ ngông nghênh, vung tán tàn. Sau vài bài thơ được ghi nhận là đột khởi thành một dòng riêng biệt trên Sáng TạoVăn Nghệ, Nguyễn Đức Sơn đặc biệt sử dụng báo Mai của ông Hoàng Minh Tuynh như một diễn đàn thích hợp để gây nên bao nhiêu chuyện ồn ào, từ sáng tác văn nghệ cho đến cả những lời nhắn, lời rao trên mục hộp thư. Những truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn in trên báo Mai được chủ nhiệm Hoàng Minh Tuynh giới thiệu rất trang trọng, ưu ái, có nhiều biệt nhãn, như chuyện Cái chuồng khỉ, Thiên đàng địa ngục hai bên (1) đã tạo nên một sự quyến rũ rất đặc biệt đối với lớp người đọc trẻ của một nền văn học trẻ. Thực sự thì cũng không có gì mới mẻ lắm về phương diện tư tưởng, mà chỉ xoay quanh một số chủ đề của triết học hiện sinh đang có một sức quyến rũ nồng nàn đối với giới văn nghệ và trí thức. Cái chính yếu là thái độ của Nguyễn Đức Sơn và văn phong của anh đã tạo nên cái hấp lực đặc biệt đối với người đọc của anh.

Mới đây, tình cờ mở quyển Tự đin thi ca Anh-Mỹ-Việt của Nguyễn Đình Tuyến xuất bản năm 1997 ở Houston, Texas, tôi thấy ông Tuyển xếp Nguyễn Đức Sơn vào khuynh hướng thơ hiện sinh, và để làm chứng cho điều đó, ông trích dẫn hai câu thơ dưới đây. Hai câu thơ này mặc dù còn non nớt và vụng về, viết lúc Nguyễn Đức Sơn còn ký bút hiệu Sao Trên Rừng vào những năm trước 60, tôi cũng xin trích dẫn lại ở đây để chúng ta có thể có một cái nhìn xuyên suốt về chàng thi sĩ này từ những bước chập chững cho đến ngày nay. Hai câu thơ ấy nói về sự vắng bóng của Thượng Đế, Thượng Đế đã chết, để con người có thể sống bằng tự chọn và tự do của mình.

Trông lên Thượng đế đi rồi

Hỏi mây thái cổ con người vân vi

(Đêm Khơi)

Từ Nietzsche đến Kierkegaard, Heidegger, Camus, Sartre, rồi Dostoievski, những khuôn mặt đồ sộ ấy đã thâm nhập bầu không khí tinh thần và văn nghệ của miền Nam những năm trước và sau dấu mốc 1960. Nhân cách văn hóa của Nguyễn Đức Sơn là một sự cộng hưởng để hình thành giữa bầu khí thời đại và cá tính độc đáo mãnh liệt của anh. Nên khi đề cập đến những bước chân đầu tiên của Nguyễn Đức Sơn, bước vào cõi văn chương và làm ồn ào nhiều chuyện thì không thể không đề cập đến tình thế lúc đó.

Rất hẳn nhiên, tư tưởng hiện sinh là dòng chảy mạnh nhất, cuốn phăng phăng, đưa một số người đến với những nỗi ngờ vực, hoang mang, mất hướng. Chống lại định mệnh phi lý, họ lên đường đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời. Các thần linh đã chết, con người hiện sinh khẳng định sự tự do của mình. Cùng lúc đó, một số người khác lại chuyển động trên cuộc hành trình từ triết thuyết hiện sinh để đến với chủ nghĩa Marx, rồi đi lên rừng và tham dự vào cuộc chiến đấu giữa các bưng biền.

Nguyễn Đức Sơn, con người tự do và cô đơn ấy quyết liệt báng bổ thần thánh, nên rất dễ hiểu là anh đã nồng nhiệt giới thiệu và bình luận về một tâm hồn đồng điệu: thi sĩ Tô Thùy Yên, người lên tiếng mạnh mẽ về chính nỗi cô đơn và sự tự do của con người. Bài giới thiệu ấy được in trên tờ Mặt Đất số 1 năm 1964 (2), nếu tôi nhớ không nhầm, đã xoáy trọng tâm trên những dòng thơ của bài thơ Thân phận của thi sĩ của Tô Thùy Yên. Có lẽ chúng ta cũng nên đọc vài đoạn trích từ Thân phận của thi sĩ để sống lại phần nào bầu khí tinh thần và trí tuệ mà Nguyễn Đức Sơn đang hít thở, đăm chiêu và cưu mang lúc bấy giờ:

Cô đơn bằng Thượng Đế

Yếu đuối như linh hồn

Làm sao tôi trèo lên

Vực thẳm tờ bản thảo

Trắng im lìm giá băng

Ngó thấy tự đằng xa

Cuộc đời hàm tiếu thật

Tôi lỡ dại ôm ghì

Làm dập hoa, sướt gai

Có đọc thuộc Thánh thư,

Linh hồn tôi vẫn vậy.

Tôi vẫn không thể lạy

Dù đứng trước hư vô.

Đầu tôi cứng và trơn

Thượng đế làm sao ngự?

Tôi đành trốn chủ nợ

Định mệnh đòi linh hồn.

Năm tháng những hoàng hôn

Đến rã rời thể xác

Tôi thấy đã mất mát

Tất cả trừ cô đơn.

Đọc Tô Thùy Yên khi nói về Nguyễn Đức Sơn tưởng như lạc đề, nhưng thực ra không phải vậy. Qua những dòng thơ trên, chúng ta càng dễ đến gần với Nguyễn Đức Sơn hơn bằng sự chia sẻ với không khí quanh anh lúc ấy. Chúng ta hãy đọc thêm chính những lời Nguyễn Đức Sơn tự nói về mình, in trên trang bìa tập thơ Đêm Nguyệt Đng của anh:

“Tác giả tự biết không một nơi nào trên trái đất này quạnh quẽ đến đau thương, đau thương đến chỗ muốn tự sát, như trong lòng tác giả, cũng như không nơi nào có thống khổ mênh mông và cực lạc xa vời như trong hồn tác giả (…) Một buổi chiều trốn học lang thang trên bờ biển Nha Trang, thời niên thiếu, tác giả suýt nổi cơn điên khi trực nhận mãnh liệt cái quá ư ngắn ngủi của kiếp sống và từ đó đâm ra khật khùng cho đến nay”. (3)

Rõ ràng đó chính là cái bầu khí của những Meursault và Roquentin, cũng là những mối ám ảnh và tiếng vang khi rầm rì khi bùng nổ sôi sục từ một thế giới trầm thống của chiều sâu tâm lý phức tạp nơi “Anh em nhà Kamarazov”, “Tội ác và hình phạt” hay “Hồi ký viết dưới nhà mồ”.

Có một cái gì đó hoảng loạn, hoang mang của một tiếng kêu thương sâu thẳm. Rồi những biến động chính trị và cuộc chiến bùng nổ dữ dội vào những năm 60 cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho giới văn nghệ và tuổi trẻ. Trên tất cả bối cảnh ấy, Nguyễn Đức Sơn đã tìm ra một cách phát biểu riêng biệt của mình: một hòa hợp giữa nhu cầu sôi sục của bản thân và đòi hỏi quyết liệt của xã hội, lịch sử, hóa giải những xung đột nội tâm của một tâm hồn cô đơn khốc liệt. Rồi cuộc cách mạng tính dục như một giải phóng con người trước bao nhiêu bức bách đè nặng cũng góp phần rất nhiều trong sự hình thành tính cách tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Đức Sơn, rồi sau cùng là chất thiền đạo lây lan và phát triển mạnh mẽ sau biên cố 1963, là một đáp ứng cao nhất, mặc dù hơi thời thượng, để gỡ ra khỏi ngõ bí càng lúc càng trầm trọng.

Trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan, nhà văn Võ Phiến trích in lại mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn, rồi đưa ra nhận xét có thể nói là rất xác đáng về Nguyễn Đức Sơn.

Anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước

Miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi

Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người

Em chưa đái mà hồn anh đã ướt

(Vũng nước thánh)

Và ở một bài thơ khác:

Hai đứa nhìn nhau bảo phải im ru

Em sắp đái và hồn anh chết cứng

“Giữa trời bể bao la, sao rơi sóng vỗ, ông vừa nằm vọc c… vừa suy nghĩ mông lung về lẽ huyền vi của vũ trụ, v.v. Những cái như thế không phải họa hoằn mới xảy ra. Nó xuất hiện đều đều trong thơ ông. Nó thành ra một đặc điểm của thơ ông, của tính khí, thái độ ông. Một thái độ thách thức, khiêu khích, chống đối, báng bổ thánh thần, thái độ của người méo miệng trợn mắt làm trò giữa cảnh cúng vái trang nghiêm, của người vất đồ dơ dáy lên những cái vẫn được xem là cao cả thiêng liêng.

Nếu chỉ lăng quăng gàn dở ngoài đời thì vẫn có thể đó là chuyện tính nết. Nguyễn Đức Sơn đưa nó vô trong thơ, cố tình ghép nó bên cạnh cái cao siêu, vĩ đại, thì đây không là nết riêng nữa mà là một thái độ tinh thần. Thái độ Tản Đà rất ngông, Nguyễn Đức Sơn cũng ngông; Tản Đà ngông trong thơ mộng, Nguyễn Đức Sơn ngông mà ngỗ nghịch, phá phách” (4).

Nhận xét trên rất hay nhưng những chữ “ngông mà ngỗ nghịch, phá phách” để mô tả Nguyễn Đức Sơn trong văn chương và cả ngoài cuộc đời thì tôi sợ rằng chưa đủ. Tôi muốn nói thêm rằng Nguyễn Đức Sơn là một cái gì đó rất kỳ cục, kỳ quái mà lại chất chứa một chiều sâu thâm viễn và u áo.

clip_image003

   Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

sơn dầu Đinh Cường, 1989

Dục tính là ngưỡng cửa bí hiểm và khủng khiếp nhất của con người và trời đất. Ngưỡng cửa mà cũng là lằn ranh, là biên giới. Khi bước qua được ngưỡng cửa ấy, con người sẽ thư thái hay xuất thần bước vào một cảnh giới khác. Khi Nguyễn Đức Sơn viết bài thơ chỉ có ba chữ, viết thành hai dòng Hột/thì le thì quả là khủng khiếp, anh đã thu tóm tất cả yếu chỉ tông nguyên của trời đất, vũ trụ vào trong ba chữ ấy. Mọi hạt mầm đều phải nứt vỡ để phát triển sự sống, đó là yếu tính sinh sinh hóa hóa của trời đất, của vũ trụ, vạn vật. Nguyễn Đức Sơn đang còn hệ lụy, vướng bận trên bờ ranh ấy, nửa bên này nửa bên kia, vẫn còn phải bơi lội giữa dòng dục lạc và còn một chút xíu nữa thì sẽ đáo bỉ ngạn để bước qua một chân trời khác. Khi anh viết bài thơ dưới đây ở cái tuổi của một thanh niên sung sức vừa mới lớn, anh có vẻ như đang chuẩn bị cho một bước nhảy băng cả sinh mệnh đời mình với đầy cảm hứng sung mãn:

Đầu tiên tôi thở cái phào

Bao nhiêu phiền não như trào ra theo

Nín hơi tôi thở cái phèo

Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không

Sướng nên tôi thở phập phồng

Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm

Mai sau này chỗ tôi nằm

Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru (5)

Cứ mãi bước đi giữa cái hoang vắng ấy, ăn ngủ hít thở với cô tịch còn nhuộm màu bản năng, rồi cũng đến lúc anh hoát nhiên đại ngộ. Vứt bỏ hết tất cả, chẳng còn chút trói buộc nào, anh sống và cảm cái huyền diệu của trời đất, đối đầu với cái hư vô, cái không cùng vô thủy vô chung. Mặc dầu chữ nghĩa, cách diễn đạt và ý niệm hiện đại, bài thơ dưới đây vẫn nằm trong dòng thơ thiền, và riêng tôi, tôi cảm thấy rằng đây là một trong những bài thơ rất hay của dòng thơ thiền từ thời Lý-Trần cho mãi đến ngày nay.

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cui chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ

Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi

Hn rụng rời trước mặt bãi hư vô (6)

Nguyễn Đức Sơn đã ngộ ra lẽ vô thường nhưng anh không an nhiên bước tiếp giữa cõi tĩnh lặng. Anh mặc chiếc áo nâu sồng của thiền sư nhưng chắc chỉ là để “giả dạng qua truông” sau khi đào thoát khỏi một trại lao công đào binh ở tiền tuyến vùng Tây Nguyên. Anh trở lại với cái xã hội ồn ào rồi vẫn quắt queo, hùng hục giữa cái thế giới cô độc của anh. Có lúc nhẹ nhàng, khinh khoái, nhưng thường xuyên vẫn là cay đắng, cô độc, sổ toẹt hết tất cả mọi thứ trên đời, đánh sập hết mọi bảng giá trị, lúc dữ dội nhất thì gần như thù hằn xã hội, văn minh và văn hóa của loài người.

Ông Võ Phiến đã trích dẫn một ý kiến vô cùng đặc sắc của kịch tác gia và nhà viết tiểu luận Bửu Ý về Nguyễn Đức Sơn, vẽ lại bóng dáng Nguyễn Đức Sơn như một con tê giác cô đơn: “Hình ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi… Đơn độc quắt queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển.” Võ Phiến cho biết Nguyễn Đức Sơn đã xem đó như một lời tri kỷ (7).

Nguyễn Đức Sơn có một hiểu biết rộng rãi và sức cảm sâu, sắc bén, tinh vi về văn chương, nghệ thuật nhưng anh lại phủ nhận tất cả. Trong đời sống, anh cũng thường xuyên và hung hăng nói chuyện này chuyện khác, đặc biệt là chuyện chính trị, nào là lực lượng thứ ba, các nước phi liên kết, nào là Á Phi và Châu Mỹ La Tinh, nào là Mặt Trận Giải Phóng. Anh nói với tôi là ông Nguyễn Hữu Thọ gửi thư mời anh ra khu, anh nhận lời nhưng rồi không đi, tôi không biết điều này có thực hay không vì tôi không kiểm chứng được. Thái độ của anh là bao giờ cũng đứng về phía những người yếu, người bị đàn áp nhưng thực chất thì anh là một con người vô chính phủ. Mới ngày hôm trước, tôi có cảm giác anh là người của Mặt Trận Giải Phóng thì chỉ ngày hôm sau, sau 30.4.75, anh là người đầu tiên đi loan những câu ca dao, hò vè chống Cộng, anh đến gặp tôi và cho biết tin tức về những chuyến xe bí mật chở những sĩ quan chế độ cũ đi đâu mất tiêu vào giữa đêm tối bí mật. Có một hạng người sinh ra đời để gánh chịu số phận của người bị đàn áp, hay họ luôn luôn là người chống đối, đó chính là trường hợp Nguyễn Đức Sơn.

Chống đối mà không có hàng ngũ nào để đứng vào nên bao giờ cũng là một kẻ thất thế. Sự thất thế đó chính là chọn lựa quyết liệt nhất của Nguyễn Đức Sơn. Mà hơn thế nữa, tổng hợp nhận xét của Võ Phiến và Bửu Ý đã trích dẫn ở bên trên, tôi xin thêm một chút xíu nữa: Nguyễn Đức Sơn là một con người lúc nào cũng thủ ở tay một nắm đá hay một gói đồ bẩn thỉu cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng để sẵn sàng ném vào những tượng thần, tượng lãnh tụ hay những tên khổng lồ. Năm 1971 hay 72 gì đó, nhà xuất bản An Tiêm in một tập thơ của Nguyễn Đức Sơn theo thể nhịp hai, viết mỗi câu hai chữ, đại khái về hình thức thì gần như bài Sương Rơi của Nguyễn Vỹ thời tiền chiến. Tập thơ ấy là một tuyên ngôn văn hóa chính trị của Nguyễn Đức Sơn, rất dữ dội, ương ngạnh, trâng tráo và dị hợm giữa lúc hòa đàm Paris đang tiến hành và sắp đến hồi kết cuộc. Trong tập thơ ấy, tôi còn nhớ mấy câu rất mạnh:

Địa cầu

Địa cầu

Lãnh tụ

C… lõ…

Những câu thơ của Nguyễn Đức Sơn được viết ra như thế thì làm sao Hà Nội chịu đời cho thấu, nên trên chương trình văn nghệ gửi vào Nam của đài Hà Nội, Thái Ngọc San, một người bạn cũ đã có thời lang thang giang hồ với anh ở Bình Dương, kết án anh rất nặng nề. Trên tờ Mặt Đất số 1, Thái Ngọc San đã từng in bài thơ Ngày trở lại căn nhà cũ nói về một căn nhà hoang vắng, có lẽ là nơi Thái Ngọc San và Nguyễn Đức Sơn từng lưu trú, căn nhà hiu hắt, tiêu điều với những con rắn mối, thạch sùng tới lui trên vách. Sau năm 75, Thái Ngọc San có viết một truyện ngắn về cuộc đời Nguyễn Đức Sơn cũng khá hay trên tạp chí Sông Hương ở Huế. Mà đời Nguyễn Đức Sơn thì chỉ mô tả lại đủ hay rồi, không cần phải thêm thắt gì cả, có lẽ vì thế mà Nguyễn Đức Sơn nửa đùa nửa thực bảo rằng tờ báo phải trả nhuận bút truyện ngắn ấy cho anh mới đúng chứ sao lại trả cho Thái Ngọc San.

Sau năm 75, Nguyễn Đức Sơn viết khá nhiều, nghe nói có đến mấy ngàn bài thơ và đều được anh chôn giấu rất kỹ, nơi một hang hốc nào đó trên vùng rừng núi Di Linh, Bảo Lộc hay gần khu Am Phương Bối. Anh có chép tặng tôi mấy bài, nhưng hoàn cảnh của tôi cũng không được mấy yên ổn nên không giữ được. Tôi còn nhớ loáng thoáng một bài thơ ngắn, không nhớ được rõ ràng từng chữ từng lời nhưng cũng chép lại ở đây, chỉ cốt giữ lấy cái ý mà thôi.

Bài thơ này chỉ là ba câu rất ngắn, gay gắt, sắc cạnh nhưng vẫn rất thơ mộng:

Đ.m. cây bông hồng

Mày không lao động

Sao mày vẫn trổ bông (*)

Cây bông hồng trổ ra đóa hoa tươi thắm rực rỡ là một triển nở tự nhiên. Đó là con đường của thơ, của đạo, con đường trở về với bản thể tự nhiên. Đừng hỏi tại sao đóa hoa kia nở rực, đừng hỏi tại sao con chim xanh ngứa cổ đứng hót trên cành, cũng đừng hỏi tại sao người thơ ấy đã viết những vần thơ bất tuyệt giữa niềm cô đơn tịch lặng thăm thẳm. Tôi nhớ đến một câu thơ khác của Holderlin Bông hồng nở ra vì nó nở ra một cách tự nhiên, hay một dòng thơ khác trúc trắc cầu kỳ của Gertrude Stein Đóa hồng là một đóa hồng là một đóa hồng là một đóa hồng. Nhưng ở đây, đóa hồng tuyệt đẹp và cao quý ấy đã bị kết án. Phía sau lời kết án ấy, chúng ta chỉ còn thấy một toàn cảnh xô xám, ảm đạm đến cùng cực. Ở đó, cái tươi mát của cảnh vật và nội tâm đã hoàn toàn tan vỡ, trên mặt đất chỉ còn là một thế giới của gian trá, áp bức, tội lỗi, tàn ác và xuẩn ngốc.

Thời tiền chiến, Nguyễn Vỹ viết bài thơ Sương Rơi, bài thơ cũng có cái mới của nó khi xuất hiện trên thi đàn nhưng chẳng gây được cảm xúc gì lắm, đến Nguyễn Đức Sơn thì khác hẳn, thể thơ hai chữ đã hiện ra rất tài tình trong từng chữ, từng lời. Điều quan trọng hơn hết thảy không phải chỉ là kỹ thuật, âm vận mà chính là cái hồn thơ. Chữ và lời và thi ảnh đã pha trộn, nhào nắn bằng một tâm hồn thơ mộng mà thành khẩn đến khốc liệt, bằng một kỹ thuật rất điêu luyện nên đã mang lại cho chúng ta những bài thơ tuyệt diệu. Dưới đây là một trong những bài thơ hai chữ ấy.

Hẹn một

Ngày vui

Anh đui

Em dắt

Réo rắt

Đàn kìm

Tiếng chìm

Tiếng nổi

Ăn xổi

Ở thì

Ta đi

Hát dạo

Nắm gạo

Tang thương

Nắm xương

Lạc phố (8)

Chỉ có 32 chữ được xếp trong 16 dòng mà gợi lên một cảnh tượng sống động vô song, gây cảm xúc vô bờ cho những ai còn có chút lòng khi ngoái đầu nhìn lại. Bốn câu cuối tuyệt hay làm chấn động tâm hồn người đọc. Đó đâu phải chỉ là cảnh đời của tác giả, mà chính là bức tranh của đất nước được phác vẽ lại trong một đôi nét, là một biểu ý rất mạnh. Tôi nhớ đến Cao Bá Quát và Đỗ Phủ khi đọc bài thơ này.

Đầu năm 1995, trên số báo tân niên Thế Kỷ 21, tôi được đọc hai bài thơ mới của Nguyễn Đức Sơn giai đoạn sau này. Tôi chép lại ở đây nguyên xi cả hai bài (9) để những ai trước đây chưa được đọc Nguyễn Đức Sơn có thể thấy và biết được đôi chút về anh.

(Chưa Có Đề)

Đêm xưa núp dưới đại hồng chung

Hai đứa chơi nhau sướng phát khùng

Khí chảy thấm nhuần thân hữu hạn

Tinh ra tan biến trí vô cùng

Cần gì em bấu không nghi hoặc

Mặc kệ anh ôm chẳng ngại ngùng

Rắn rết (*) vẫn bò quanh c tự

Trăng mờ đồi nhỏ bóng ung dung

(*) Rắn rết: Không cố ý ám chỉ thực dân và cộng sản (chú thích của Nguyễn Đức Sơn)

Nhu Cầu Bức Xúc Của Thời Đại

Có những ngày

Sao ta chẳng muốn làm gì cả

Gò må

Hết muốn chào

Gái nhảy ào ào

Hết muốn tránh

Trời có đánh

Cũng hết muốn né

Này cóc núi lang thang

Lặng lẽ trở về hang

Dạy ta ngáp

1993

clip_image004

   Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

sơn dầu Đinh Cường, 1999

Tôi nghe một số bạn hữu khen hai bài thơ này hay và quý, nhưng theo tôi bài thứ nhất chỉ là một bản cliché của thơ Nguyễn Đức Sơn 30 năm trước, lặp lại một cách nghèo nàn và nhàm chán. Chỉ có cái chú thích chữ rắn rết là đặc biệt, biểu lộ được vẻ tinh nghịch cố hữu của anh. Cái chú thích này đáng được khuyên một điểm son, nó cứu được bài thơ đã gần như sắp tàn rã hay thành một vật phế thải. Cơn bão thời đại dữ dằn thổi qua cả mấy chục năm nay mà vẫn chưa ngưng dứt, cả một dân tộc đang sống trong cảnh tang thương chưa từng thấy, mà chính Nguyễn Đức Sơn và gia đình anh cũng đã thay đổi hoàn toàn, cái gia đình nhỏ ấy đã trở thành một lũ người rừng và dường như còn liên hệ rất ít với xã hội, tôi tự hỏi Nguyễn Đức Sơn còn hứng thú gì để viết nên những dòng như vậy?

Về bài thơ thứ hai, ngay từ cái đề đã hay rồi. Nguyễn Đức Sơn dùng một cụm từ rất thời thượng mà rỗng tuếch “Nhu cầu bức xúc của thời đại” để đập mạnh vào giác quan người đọc. Rồi dẫn theo đó là mấy hình ảnh vừa tinh nghịch, hài hước, vừa chán chường, ngao ngán, thê lương. Ba câu cuối: Này cóc núi lang thang / Lặng lẽ trở về hang / Dạy ta ngáp cô đọng như một bài thơ hài cú, đọc thực là thú. Nguyễn Đức Sơn bao giờ cũng vậy, anh rất thành công trong sự độc đáo lạ lùng và kỹ thuật vững chắc của mình.

*

Bao giờ nghĩ đến Nguyễn Đức Sơn, tôi đều nhớ ngay đến Nguyễn Đức Sơn trong chiếc áo nâu sồng với khuôn mặt có đôi chút kỳ dị, đạm bạc và đạo vị, mang một cái túi vải đựng mấy tài liệu riêng gì đó, cái kèn harmonica, một quyển nhật ký đóng bìa cứng rất đẹp mà ngày nào anh cũng có ghi chép đôi điều vào đó. Trong cái túi vải ấy thường cũng lấp ló thò đâu ra một con chó nhỏ, có lẽ là giống chó fox hay chihuahua gì đó. Con chó này cũng khá tội nghiệp, gắn liền với Nguyễn Đức Sơn nên phải sống một cuộc đời kỳ dị quái đản không kém gì thượng thừa thi sĩ chủ nhân. Nó chỉ được nuôi bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, ngày nào cũng chỉ thấy chay tịnh ổi, xoài, mít, lúc nào sang trọng lắm thì được bồi dưỡng thêm một hai muỗng sữa chua đông lạnh vẫn bày bán ở các xe kem đầu đường. Họa sĩ Chóe có vẽ một bức chân dung Nguyễn Đức Sơn với con chó này bằng bút sắt rất đẹp, tôi chưa thấy in ở đâu cả, hy vọng là Nguyễn Đức Sơn còn giữ được vì anh khoe với tôi là anh giấu cất mấy chục quyển nhật ký và thơ của anh rất cẩn thận, cái phác thảo bằng bút sắt ấy của Chóe hẳn là cũng nằm trong số những thứ chôn giấu ấy.

Hồi trước năm 75, có một giai đoạn tôi gặp anh thường ngày, ngày nào tôi cũng thấy anh lọc cọc đạp xe lên Bình Dương, không biết để làm gì, tôi không tiện hỏi vì không muốn nhòm ngó vào sinh hoạt riêng của anh. Với chiếc áo nâu sồng, anh đi qua những trạm gác quân sự dễ dàng mặc dù đang trốn lính, trong tay chẳng có giấy tờ tùy thân gì hết. Trên đường đi nếu gặp những nhánh củi khô, những chiếc guốc gỗ thế nào anh cũng dừng lại nhặt lên, và về đến nhà thì anh đã có một bó củi đầy, đủ để đun nấu trong nhiều ngày.

Thêm một điểm đặc biệt nữa của Nguyễn Đức Sơn mà có lẽ ít người biết là anh rất để ý đến đời sống tự nhiên, sinh hoạt của chim chóc, những giống cá sống trong các ao hồ và cây cỏ lạ. Anh nói với tôi là bộ Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ còn thiếu sót nhiều, anh đã bổ túc thêm vào một số. Dĩ nhiên là anh chỉ làm việc đó vì nhu cầu riêng của anh chứ chắc là giáo sư Phạm cũng không biết đến. Tôi không biết chuyện này có đúng hay không vì anh không đưa những lời ghi chú này cho tôi xem, nhưng tôi tin là thực, ít ra cũng là thực trong cái thế giới nhiều quái dị và ảo mộng của anh, nghĩ là thực thì đã là thực rồi.

Nguyễn Đức Sơn ngổ ngáo và gây hấn hết mọi người nhưng dường như chẳng ai ghét anh. Người đồng thời cùng trang lứa như Trịnh Công Sơn và Bửu Ý, lớn tuổi hơn anh một chút là Võ Phiến, tỏ vẻ rất yêu mến anh. Thái Tuấn xem anh là bạn thân. Một số nhà văn hóa lão thành như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục thì tỏ ra quý trọng anh một cách đặc biệt. Nhà xuất bản Mặt Đất vừa mới bắt đầu hoạt động thì đã được học giả Nguyễn Hiến Lê tin cậy giao in tác phẩm Những vấn đề của thời đại, và giáo sư Nguyễn Đăng Thục thì nhờ in quyển Phật Giáo Việt Nam, và nếu không có biến cố 75 thì chắc chắn đã in một vài tập sách gì đó của cụ Giản Chi. Giữa những người giao du vong niên với Nguyễn Đức Sơn, có lẽ Giản Chi là người để mắt xanh đến Nguyễn Đức Sơn nhiều nhất. Trong một bữa ngồi uống trà ở nhà cụ Giản Chi, 80 Hoàng Diệu, Khánh Hội, tôi thấy cụ và Nguyễn Đức Sơn nói chuyện rất tương đắc, tri kỷ. Đặc biệt phải nhắc đến ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, có lẽ là người yêu mến, quý trọng và chịu đựng Nguyễn Đức Sơn nhiều nhất.

Ngày hôm qua, trên tờ Hợp Lưu số mới nhất (số 46, tháng 4 và 5, 1999), trong một trò chơi có giải thưởng của nhà xuất bản Minh Văn, tôi đọc thấy một bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, tôi chép thêm vào đây để kết thúc bài tiểu luận, tôi xin phép bỏ bớt hai câu vì thấy không cần thiết trong văn mạch của bài viết này. Bạn đọc nào muốn đọc hết cả bài thơ thì hãy lật báo Hợp Lưu mà xem, số đã dẫn, trang 241.

Mắc đái là mắc đái

Làm thơ cũng cùng hình thái

Không còn chi để phải nói lại

Trong khi thơ rụng như cây chín trái

Khôn ngoan ta đưa tay hái

Cuộc đời của Nguyễn Đức Sơn gắn bó với thơ một cách vô cùng sâu thẳm. Có thể nói thơ chính là sinh mệnh của anh. Thoạt nhìn cái thế giới thơ ấy có vẻ phức tạp, nhiêu khê, cầu kỳ, bí ẩn, mà rồi tất cả đều hóa ra giản dị, tuôn chảy tràn đầy và rơi rụng sung mãn.

Anh nhặt lấy hoa trái của thơ chất đầy túi trên con đường đi về cõi không cùng.

(Nam California, đầu tháng 4-1999)

_______________________________

Chú Thích:

(1) Các truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn được gom lại và in thành hai quyển Cát bụi mệt mỏi (1968) và Cái chuồng khỉ (1969), đều do An Tiêm xuất bản.

(2) Mặt Đất, tạp chí văn nghệ do chính Nguyễn Đức Sơn chủ biên, ra được hai số, mỏng dính trên tay người đọc vì chỉ là một tờ nhật báo 8 trang xếp đôi lại.

(3) Đêm nguyệt động, An Tiêm xb, Sàigòn 1967. Dẫn lại trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan của Võ Phiến, Nxb Văn Nghệ, California, 1986.

(4) Văn Học Miền Nam Tổng Quan, sđd, trang 118.

(5) Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển trong Những bài tình đầu, tập III, Mặt Đất xb, 1965. Trích lại trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan, sđd, trang 235.

(6) Nguyễn Đức Sơn, Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi. Tạp chí Văn, Sàigòn, số ra ngày 1-3-70, dẫn lại trong Võ Phiến, sđd, trang 117. Bài thơ này, cũng như bài Thược Dược của Quách Thoại và tập văn xuôi Nẻo Về Của Ý của thiền sư Nhất Hạnh là những tuyệt tác hiếm hoi của dòng văn học thiền trong vài chục năm vừa qua. Luôn thể, tôi xin chép lại bài Thược Dược qua trí nhớ:

Thược Dược

Đứng im ngoài hàng dậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoảng nghe em hát

Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.

(7) Võ Phiến, sđd, trang 302.

(8) Nguyễn Đức Sơn, Mơ về thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Diễn Đàn, Paris, số 1.9.1993.

(9) Nguyễn Đức Sơn (Chưa có đề), và Nhu cầu bức xúc của thời đại. Tạp chí Thế Kỷ 21, California, số 70, tháng 2.1995.

(*) Một người bạn cho tôi biết, bài thơ này trước đây đã được in trên một tạp chí ở hải ngoại. Anh đọc lại cho tôi nghe, và tôi cũng xin ghi lại ở đây như một dị bản trước khi chúng ta có dịp kiểm chứng để có một bản gốc chính xác:

Đ.m. cây bông hồng

Nếu mày không lao động

Không cho mày trổ bông.

HHU

(Mấy chân dung văn nghệ hiện đại, Nxb Văn Mới, 2013)

Comments are closed.