Phạm Duy – người thích rong chơi trên quê hương

Lê Học Lãnh Vân

Tôi nhỏ hơn Phạm Duy hơn ba mươi tuổi, chưa từng tiếp xúc cá nhân với ông trước năm 1975 dù cùng sống ở Sài Gòn, chẵng những vậy mà còn có ý né ông nữa. Năm 1989 Phạm Duy sang Pháp, dịp đó tôi được gặp ông hai lần. Một lần tại nhà chị Thu Ba trong vùng Paris, nơi các bạn họp nhau nghe ông tâm sự và giới thiệu một số bài hát mới. Một lần tôi mời ông tới phòng thí nghiệm nơi tôi làm việc trong trường Paris 7, đi dạo vườn Thực Vật (Jardin des Plantes), uống cà-phê rồi dùng cơm trưa tại một quán ăn trong quận 5.

Những gì ông nói, tôi tin là lời chân tình của một người thuộc lớp trước gởi lại lớp sau. Những dòng này được chép lại ngay sau đó làm tài liệu (năm 1989).

Chữ TÔI trong phần dưới đây là của Phạm Duy. Xin mời anh chị lắng lòng nghe…

Tôi và Kháng Chiến, Cách Mạng

1) Tôi ưa vui nên theo kháng chiến, cách mạng. Những ngày đầu tiên tôi rất tự do, xách cây đàn rong ruổi, tới chỗ nào hát chỗ đó. Tới chỗ nào vui, đẹp tôi sáng tác. Lúc đó tôi cũng đã có chút tên tuổi, các cô gái nghe tôi hát cứ nhìn rồi thúc nhau cười rúc rích. Đời rất vui.

Càng về sau càng gò bó. Phải sinh hoạt tổ. Phải học chính trị.

Khi Thái Hằng, vợ tôi, mang thai, tôi đau xót. Không đủ điều kiện cho một phụ nữ mạnh khỏe sống, sinh hoạt, làm sao người phụ nữ mang thai và yếu đuối như Thái Hằng chịu nổi?

Thế là tôi rời kháng chiến.

Nhưng mà, nói thiệt, tôi rời kháng chiến vì thấy nó không còn hợp với mình nữa. Tôi ham vui chơi, thích tự do mà lúc đó kháng chiến cực khổ, gò bó… Họ không để tôi vui chơi và tự do như trước.

Tôi rời kháng chiến cũng dễ dàng như khi tôi tham gia. Nói vậy chứ cũng có tâm trạng buồn bực, mà cũng có nao nao khi bỏ các anh em ở lại trong chiến tranh!

Rời kháng chiến chúng tôi vào ngay Sài Gòn.

Từ đó tới năm 1975, tôi ráng không để mình dính vào chính trị. Tôi không muốn chống lại các anh em mình đã rời bỏ họ, cũng không muốn chống lại cái hệ thống mình từng cộng tác.

Tất nhiên điều đó cũng khó, vì tôi nổi tiếng. Nhưng mà tôi đã làm hết sức của tôi. Nhưng mà dù làm hết sức tôi cũng vẫn không được như ý. Trong ngành cải lương có anh Năm Châu. Ảnh cũng như tôi, từng cộng tác với kháng chiến, ảnh khác tui là khi ra ngoài còn hoạt động ủng hộ cách mạng. Nhưng mà rồi vợ ảnh cũng đóng kịch chửi cách mạng. Nghe nói sau này ảnh cũng bị rầy rà vì chuyện đó.

2) Rồi họ, cách mạng ấy, họ cũng thành công. Thiệt ra tôi đã nghe nói họ sẽ thành công từ một hai năm trước, khi ký hiệp định Paris. Nhưng tôi ít để ý tới chính trị, lại không lo xa nên không nghĩ tới nhiều.

Khi mất Đà Nẵng, chúng tôi bàn nhau thế nào Miền Nam cũng mất. Tôi phải ra đi thôi. Tôi ra đi để yên thân chứ thật lòng tôi khâm phục họ. Tôi ra đi mà bứt rứt vì thấy đời mình chỉ lo vui chơi, còn họ sống có mục đích, có lý tưởng, làm nhiều việc tốt cho đời. Họ giành độc lập dân tộc, rồi thống nhất nước nhà. Mai mốt nước giàu lên là do công của họ. Họ đúng quá, còn tôi thì sai quá!

Sống ở Mỹ tôi cứ nhìn về Việt Nam nghĩ đất nước sẽ giàu lên. Thế rồi phân biệt cách mạng với ngụy quân ngụy quyền, lại bắt người ta đi tù học tập cải tạo. Rồi đánh tư bản tư sản, tịch thu nhà cửa của cải người ta. Rồi chiến tranh Việt Nam – Cam Bốt. Rồi chiến tranh Việt Nam – Trung Cộng. Rồi thuyền nhân ùn ùn bỏ nước kéo nhau đi, đi cả triệu người chứ ít sao. Chết cũng nhiều. Cả nước đói khổ! Trời ơi, cái Miền Nam nước mình mà làm cho đói được thì quá tệ. Tôi lại nghĩ, thế là họ sai, tôi bỏ họ mà đi là đúng.

Gần đây tôi thấy hình như họ có sửa. Nếu họ tiếp tục sửa thì ngày kia tôi sẽ về Việt Nam. Họ sĩ diện lắm, chắc bắt tôi phải xin phép này phép nọ, hối cải ăn năn trăm thứ bà dằn rồi mới cho về. Họ muốn gì tôi cũng làm theo hết, miễn về được! Tôi không cần nước giàu, bây giờ chỉ cần đủ ăn, mình sống tự do sáng tác từ đáy tâm tình với quê hương. Tôi sẽ không đụng gì tới họ hết. Tôi chỉ sống vui ở Việt nam thôi. Tôi chỉ sống với cảnh vật Việt Nam, nếp sống Việt Nam thì tôi mới sáng tác được. Ở nước ngoài tôi sáng tác bằng ký ức, mà lâu ngày ký ức cũng nhạt!

Tôi và Bạn Bè, Quê Hương

3) Không biết sao, lòng tôi không lúc nào không có hình ảnh quê hương. Mấy ông cộng sản nói yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Nếu yêu nước gần gũi với yêu quê hương thì câu nói đó không đúng. Tôi không biết chủ nghĩa xã hội, mà mái đình, bờ tre, đường đê lúc nào cũng ấm áp trong lòng. Vô Sài Gòn sung túc, mấy lúc nằm nghỉ trưa, nhớ lại cảnh đó mà hạnh phúc.

Hồi nhỏ chơi bắn bi đánh đáo với đám bạn con nít, tới giờ tôi còn nhớ mảnh sân, góc nhà, cái bếp. Lớn lên đi đây đó, thấy hàng tre lại nhớ quê. Mà nhớ nhất là khi thấy hàng tre trong sương xa xa.

“Xe gập ghềnh nghiêng nghiêng đôi bánh gỗ

Tre làng dăm đảo biếc trong sương”

Vũ Hoàng Chương nói thay tôi đó. Đường đê. đường làng. Dưới ruộng có đám rơm. Bao lần tôi ôm cô gái trong đám rơm… Nhớ lắm!

Hồi đó, tôi quen một cô gái vùng Lim. Tôi ôm cô ấy sau đám rơm, cô ấy cũng ôm tôi, ôm chặt, thấy người cô rắn chắc. Cô con nhà khá giả. Nếu hồi đó tôi lấy cô rồi ở lại đó luôn thì không biết trên đời có Phạm Duy nhiều tai tiếng không!

Nhưng làm sao ở lại được, tôi đi. Lúc nào cũng bị thôi thúc đi. Đi chơi nhiều nơi, có nhiều bạn. Vào kháng chiến tôi thân với Văn Cao, với Hoàng Cầm. Về sau thân với Quang Dũng. Hoàng Cầm gần tôi nhất, mưa phùn hút thuốc lào, khói trắng không bay cao, mày với tao, cùng bình phẩm những cô má đỏ răng đen. Mong ước lớn nhất của tôi là được gặp lại những người bạn đó, cầm tay, ôm nhau, kể chuyện xưa, cùng ngủ trong căn nhà miền Bắc. Rồi cùng chết trên đất quê hương. Thằng chết sau vuốt mắt cho thằng chết trước. Người lang bạt thì bạn bè là quí nhất. Lớn tuổi rồi, chả còn mấy năm, tôi chỉ mong chết nơi mình sinh ra.

Tôi và Phụ Nữ

Người ta nói nhiều về tính lăng nhăng phụ nữ của tôi. Tôi cũng bực mình. Mà người ta nói cũng đúng đấy. Nhưng mà trời sinh ra tôi vậy thì biết sao!

Tôi không thể sống thiếu phụ nữ. Mà với phụ nữ thì tôi dễ yêu họ lắm. Yêu thì phải gần, phải làm tình. Gần phụ nữ tôi rất sung sướng, hạnh phúc.

Đời tôi có nhiều phụ nữ. Thân nhau rồi tôi thích ngắm họ khỏa thân. Ai nói thích gần phụ nữ khỏa thân là dục vọng thấp hèn, nhưng với tôi, những lúc đó tôi lại thăng hoa. Tình Yêu và Hứng Thú hòa một, cao độ. Sau này mỗi khi nhớ lại, thấy đời mình trải qua những giờ phút không thể nào quên.

Tính tôi vậy là do trời phú, hay tại hồi nhỏ tôi cùng đám bạn hay rình xem phụ nữ cởi đồ riết rồi thành tính? Quê tôi nhà tắm không quây kín, cầu tiêu thì chỉ che phía trên, phía dưới trống. Tụi tôi ưa rình xem. Mấy đứa bạn xem vài lần rồi thôi, còn tôi xem hoài. Buổi sáng lạnh lạnh, buổi trưa nắng trắng, buổi chiều nắng vàng. Mấy đứa kia xem ai rồi trêu chọc hay coi thường, tôi xem ai rồi thì yêu mến người đó.

Đôi khi tôi tự hỏi mình có yêu nước hay không. Tôi không biết. Nhưng chắc chắn tôi rất yêu quê hương. Trong các hình ảnh quê hương của tôi, có hình ảnh phụ nữ, và cả cơ quan sinh dục của người phụ nữ!

Lê Học Lãnh Vân (ghi chép năm 1989)

Viết thêm:

Những năm cuối thập niên 1980 tôi thân với anh Nghiêm Xuân Hải, dạy toán tại đại học Orsay. Anh Hải và tôi cùng đến dự buổi gặp mặt Phạm Duy tại nhà chị Thu Ba. Sau buổi đó, trên đường về, anh nói tôi:

Trước kia mình rất không thích Phạm Duy, vì cái tội ổng bất chấp, lăng nhăng quá [ý anh muốn nói chuyện phụ nữ của Phạm Duy]. Mình biết Vân cũng vậy. Nhưng bữa nay thì mình bỏ qua hết, quên hết. Chỉ còn biết các bài hát của Phạm Duy thôi. Vân có chú ý lúc Phạm Duy hát và múa theo bài Đàn Chim Việt không? Thấy tóc bạc với cái lưng nghiêng nghiêng chầm chậm, mình thương ổng. Rõ ràng, một nghệ sĩ về già!

Tôi cũng có quen một bậc đàn anh mà tôi kính trọng là GS. Cao Huy Thuần, tác giả những bài viết về học thuật được nhiều người hâm mộ. Hai năm trước, khi tôi thuật lại cho một cử tọa nghe về Phạm Duy, ông Cao Huy Thuần góp ý là không nên biện minh cho quan niệm của Phạm Duy về cách sống với phụ nữ. Tôi nói: “Em có cùng quan điểm với anh, nhưng đây chỉ là em thuật lại lời của Phạm Duy”. Ông Cao Huy Thuần nói “nhưng qua cách thuật đó anh Vân đã biện minh cho Phạm Duy rồi!”. Và nói thêm “Không ai chê Phạm Duy kém tài, không ai công kích Phạm Duy sống tự do. Nhưng ổng không được công nhiên nêu quan điểm và cái gương lăng nhăng bậy bạ trước công chúng. Tôi phản đối điều đó

Khi gởi bài viết này cho ông Cao Huy Thuần đọc trước, tôi nhận được bức thơ của ông. Xin cám ơn tình cảm người anh và xin đính kèm theo đây làm tài liệu.

Riêng tôi thì nghĩ Phạm Duy đã qua đời để lại sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, giàu sang, đầy tình tự dân tộc. Qua những gì ông tâm sự, cùng những gì được nghe kể về ông, tôi hình dung ông như một nghệ sĩ có sự nhạy cảm tinh tế, một nghệ sĩ gắn bó với quê hương, thích rong chơi phiêu lãng. Con người đó không nên bị câu thúc trong những cái vòng quốc gia, độc lập… mà nên được tự do bay bổng cất tiếng hót rung động trần gian… (Lê Học Lãnh Vân, 07/05/2019).

===================================

(Thơ ông Cao Huy Thuần gởi Lê Học Lãnh Vân, gởi qua email ngày 07/05/2019)

Anh Lãnh Vân thân mến,

Tôi rất cám ơn anh đã gửi bài viết của anh cho tôi đọc, trong đó anh có trích dẫn lời tôi nói trong một buổi chuyện trò với đồng nghiệp và sinh viên trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP Hồ Chí Minh. Chuyện trò về văn hóa nói chung, rất rộng, câu hỏi về Phạm Duy chỉ đặt ra như một câu hỏi nhỏ trong bối cảnh đó. Vì không phải là đề tài chính của buổi nói chuyện, và cũng vì ngôn ngữ nói không chính xác như ngôn ngữ viết, người nói không lột hết ý khi phải đi vào những vấn đề rất tế nhị.

Nay, đọc thư anh và bài anh gửi, tôi xin nói thêm như sau: tôi thấy những lời ông Phạm Duy nói trong đó về “tính lăng nhăng phụ nữ” của ông, là những lời tâm sự rất bình thường. Rất bình thường! Tôi có thể nói thêm là có nhiều chỗ rất đẹp. Rất đẹp! Ôm một cô gái sau đám rơm, và được cô gái ôm lại, giữa ruộng đồng, có đường đê, có tre biếc mập mờ trong sương, là một hình ảnh và tình tự về quê hương không thể đẹp hơn. Cái đó không phải là “lăng nhăng”. Phụ nữ khỏa thân là một bức tranh quá đẹp của tạo hóa, thích ngắm nhìn đâu có gì là “lăng nhăng”. Thậm chí, đến một mức nào đó – vâng, đến một mức nào đó – bị thu hút bởi bộ phận sinh dục của phụ nữ cũng không phải là “lăng nhăng”. Courbet đã để lại cho hậu thế một bức tranh nổi tiếng (“Origine du monde”) vẽ bộ phận sinh dục của phụ nữ thì sao! Ông Phạm Duy chẳng có gì là “lăng nhăng” cả khi ông cắt nghĩa mối liên hệ giữa phụ nữ và hứng khởi trong sáng tạo văn nghệ của ông, những lời tâm sự rất thành thật của ông chỉ làm chúng ta mến ông mà thôi. Nhưng đừng biến người phụ nữ thành ra chiến lợi phẩm của một người đàn ông đầy dương tính. Khoe cái virilité của mình chẳng có gì là nghệ sĩ. Khoe trên giấy mực lại càng không nên. Nhất là ông Phạm Duy đã bị công luận phê phán về đạo đức trong vụ “lăng nhăng” với vợ của người em trai vợ. Làm tan nát gia đình của người em không phải chỉ là “lăng nhăng”, cũng không nên đổ thừa tất cả là do “trời sinh”.

Tôi mê Phạm Duy từ nhỏ, đặc biệt mê một câu hát khi ông tả buổi chiều ở thượng du, có khói bốc lên trên mái nhà sàn và có “cô nàng Mường để suối tương tư”… Bức tranh quá đẹp về quê hương. Và về phụ nữ. Cô nàng Mường tắm xong, tất nhiên là khỏa thân, đi về nhà sàn, tôi, anh, chúng ta, tất cả mọi người đàn ông, tất cả họa sĩ, nghệ sĩ đều là suối tương tư. Khỏa thân đi vào nghệ thuật đẹp như thế, đẹp cả về đạo đức, Phạm Duy của tôi là thế. Khi ông đi quá lố, viết quá lời, viết như khoe cái virilité, vừa để khoe, vừa để biện minh, tôi rất tiếc là tôi có mất đi một phần Phạm Duy trong tôi. Cái đẹp của Phạm Duy trong tôi bị sứt mẻ khi vướng vào cái đực. Nhưng đó là đọc hồi ký của ông. Còn lời hát, Phạm Duy vẫn là Phạm Duy.

Thân mến,

CHT

Comments are closed.