Đẻ sách (kỳ 10)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Chương 5

Độc giả ăn tác giả

Thư của độc giả Do Ngoc gửi tác giả Đẻ Sách

Có điều Quyên mà gật gù cao giọng phục Đạt đáng mặt anh hào tự thú công khai trong vụ chôm chỉa viết lách có tự ngàn xưa đến tận buổi nay khắp làng văn trái đất, Ngốc độc giả sẽ nhớ ngay cái câu thuộc như cháo thời nhi đồng thối tai bị thầy giáo ra tay xử phạt: “Em thưa thầy em nhận lỗi rồi lần sau em cứ thế ạ…”. Rồi thể nào Quyên cũng lại trầm ngâm nhún vai sành điệu tác giả: “À há, không thế không là học trò, không là văn sĩ!”

Tức quá, cánh bạn đọc chúng tôi lâu nay không có chỗ để đồng sáng tác. Sân chơi truyền thống và cũ mèm cho chúng tôi là dư luận, là xã hội và – vĩ đại hơn cả – là thời gian. Một khi dư luận và thời gian phải làm đồng tác giả, sẽ là điều bất ưng cho văn học. Quan niệm độc giả cũng là đồng tác giả thật ra cũ hơn cung trăng, nhưng – chó chê mèo lắm lông chút nha – chưa bố con nhà nào thực thi cho đúng quan niệm này. Vào những năm 68-70 thế kỷ trước, từ thành Ba Lê lắm hoa và lắm mồm, những tiếng hú rằng, tác giả đã chết độc giả xông vào mà sáng tác, đã vang bốn phương tám hướng:

“Lý thuyết Phê bình cũ không bao giờ chú ý đến độc giả mà cho tác giả là nhân vật duy nhất. Đó chỉ là huyền thoại. Phải lật đổ huyền thoại: Sự khai sinh ra độc giả phải được trả bằng cái chết của tác giả.” [1]

Nhưng, mỹ từ và phóng đại từ đó mới là i, đã được là y đâu: chúng chỉ đến tai chứ chưa tới tay độc giả! Rút cục, tác giả chết giả vờ hay chết thiệt, không ai biết. Tác phẩm thấy vắng hoe. Tác giả chết nằm đó với các trang văn cũ chờ đợi tác giả mới. Vì sao vắng? Cho nói hỗn nha, các ông thần của thuyết Phê bình mới, Hậu cấu trúc, từ Barthes tới Foucault, với phụ họa về sau từ các ông thánh Valéry, Proust và Eco chỉ giỏi xăng xái làm trọng tài cho tác giả và ngôn ngữ đấm bốc với nhau (mà kỳ thực các ổng thành thầy dùi xúi chúng thụi nhau chơi). Khi tác giả bị đo ván trong phòng xác, trên đấu trường sẽ còn trơ ngôn ngữ ở lại với nắm đấm giơ cao. Một là, các vị thần thánh đó đâu có cho độc giả leo lên khán đài, ngoài các câu vuốt đuôi, kiểu

“(….) văn bản chỉ có một chỗ, nơi mà tất cả số lượng (chữ nghĩa) đó nhắm đến, đó là độc giả. Sự thống nhất của văn bản nằm ở chỗ đến là độc giả, không phải nơi xuất phát là tác giả. Độc giả là không gian nơi mọi trích dẫn tạo nên bài viết không bị mất.” [2]

Hai là, có lên võ đài độc giả cũng nắm phần thua, vì khi trọng tài đã nhìn võ sĩ mới bằng nửa con chữ thì đấu làm chi cho phí đấm:

Và nơi đến này không còn có tính cá nhân: Độc giả thì không có lịch sử, không tiểu sử, không tâm lý. Đó đơn giản chỉ là một ai đó giữ lại với nhau trong một lãnh địa duy nhất tất cả dấu vết mà văn bản được dựng lên.” [3]

Tựu trung, công lao thuyết Tác giả đã chết là lập được vùng đất hứa cho độc giả. Có điều vùng đất hứa hão, hay còn gọi vùng đất nhão.

Mãi hơn 20 năm nay, của đáng tội một số ít tác phẩm thấy bảo đã vứt đi được chữ hão, hay chữ nhão, nói trên. Cứ ăn theo Đào Trung Đạo điểm sách trên gio-o.com, tạm kể ba tiểu thuyết: Những Đề Mục Đặc Biệt Trong Khoa Vật Lý Tai Họa (Special Topics in Calamity Physics) của M. Pessl; Kẻ Gây Tiếng Vang (The Echo Maker) của R. Powers, Chúa Tể Việc Vặt (The God of Small Things) của A. Roy.

Mới rồi, một nữ sĩ – văn danh vang dài từ hải ngoại chí quốc nội dù bút danh ngắn gọn nhõn một chữ: Nghịch – giả nhời phỏng vấn ý rằng, thích Nguyễn Huy Thiệp ở cái hậu hiện đại khi cho mọc hai, ba đuôi truyện để độc giả vọc đuôi vào cuộc chơi cùng. Bớ ông đọc qua hỡi bà đọc lại, chả biết các ông các bà và bà Nghịch chơi đồ của ông Thiệp ra sao. Riêng Ngốc tôi thấy chính mình – như là độc giả – thành đồ chơi của tác giả. Trước đây ba năm, Nguyễn Viện có loạt truyện thênh thang hơn cả đường cái quan tám thước của Tố Hữu thế kỷ trước. Nay đề nghị tác giả Nguyễn Viện, nếu được, thành thật khai báo xem đã được mấy hay mười mấy em độc giả sa vào truyện của mình mà ăn nằm mí tác giả?

“Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”

Tiểu thuyết, NXB Cửa, 2008, Việt Nam

Trong thư gửi về tòa soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. “Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai” là một thí nghiệm đầu tiên của truyện mở. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em.” [4]

Vòng vo hoài, đến màn mèo khen mèo dài đuôi: Đẻ Sách mới là cái bàn đẻ cho độc giả vào đẻ chung! Các độc giả và tác giả nghe tôi nói rõ không? Mời vào màn “Thấy bảo”…

Thấy bảo Đỗ Quyên từng mời rủ nhiều độc giả đầu tiên của các trang Đẻ Sách vào đẻ cùng kia mà… Đệ nhất độc giả Nguyễn Văn Thọ và đệ nhị độc giả Vũ Huy Quang, đệ nhất biên tập viên kiêm độc giả Đặng Thơ Thơ và rồi đệ nhị biên tập viên kiêm độc giả Thường Quán; sau là một chuỗi Trần Thiện Huy và Nguyễn Đình Chính và Khải Minh và Đỗ Minh Tuấn và Nguyễn Đức Tùng và Mai Văn Phấn và Đỗ Ngọc Thạch và Văn Cầm Hải và Vũ Đình Kh. và Bão Vũ và Nam Dao và Nguyễn Nguyên Thanh và Trần Nghi Hoàng và Ngô Tự Lập và Đoàn Nhã Văn và Khánh Phương và Vũ Quần Phương và Nhật Tiến và Phạm Thành Hưng và Tô Nhuận Vỹ và Trần Hạnh và Bùi Mai Hạnh và Dương Tường và Bùi Ngọc Tấn và Đỗ Hữu Tài và Tạ Duy Anh và Trần Thị NgH và Hoàng Hưng và Thái Kim Lan và Đặng Thân và Như Quỳnh de Prelle và Hòa Xuân và Nguyễn Thanh Hiện và McAmmond Nguyen Thi Tu và Vân Hải và vân vân. Đó không tác giả thời cũng tác gia tất cả tầm tướng sĩ tượng xe pháo mã đổ lên danh đã hoặc đang (cùng lắm là chưa) thành. Còn ẩn danh (bởi nhiều lý do chính đáng hoặc lãng nhách), vô danh hoặc tiểu tốt như Do Ngoc, nhiều lắm lắm! Tất nhiên, đệ nhất nội tướng kiêm độc giả mãn đời Hoài Hương thì khỏi nói. Dại miệng, cái kiểu đẻ sách giữa mạng thế này mạo hiểm hơn đẽo cày là cái chắc…

Thấy bảo giữa mớ năm mớ bảy các meo mà Quyên bật mí cho Ngốc, Đặng Thơ Thơ tán đồng vẻ nữ quyền tung mở: “Bàn tay đúng là nơi nhiều nhân tính nhất, về mặt lịch sử hay y học. Bác sĩ chữa bệnh ‘mát tay’ hay kẻ thù ‘xuống tay’ hạ thủ. Cả hai hành động đều chứa đựng nhân tính cả. Đúng quá! Ăn tay theo cách nào đúng là phép lịch sự người Mỹ. Ăn bằng ngón cái, ngón trỏ, ngón áp út và ngón út. Chừa ngón giữa lại, thế là lịch sự. Thắc mắc: Phụ nữ thủ dâm bằng ngón tay và các lesbian chắc phải Top 10 trên menu các món ăn chơi chứ nhỉ? Gọi là Tay 10 Món chẳng hạn (so với Bò 7 Món). Độc giả chắc đang hồi hộp đọc chương Ăn… Màng Trinh đó!? Thần thánh và Chánh nghĩa là hai phạm trù sẽ bị nhóm Ăn Tay Đẻ Sách xập xí xập ngầu như xoa mạt chược.” Eo ôi em chã, nhường tác giả khác món ấy…

Thấy bảo Vũ Huy Quang hất hàm: ”What’s the point? Đọc rồi, không hiểu người viết muốn nói gì! Không nhận định về hành văn, mỗi người có cách viết riêng; cách của Đẻ Sách có phải là sử dụng kiểu symbolic? Góp ý, các nhân vật nên được tô điểm bằng cách cho nhân vật phản diện đi kèm.”

Còn thấy bảo Vũ Đình Kh. cổ súy thẳng thừng: “Chúng ta được sinh ra từ bàn tay. Tôi khẳng định đúng vậy, sau khi đọc Đẻ Sách. Này nhé, ông bà già chúng ta, đúng hơn là ông già chúng ta, khi làm tình (hay gọi là đụ), thoạt tiên thường cầm dương vật đút vào âm hộ bà già chúng ta. Rồi, tới lượt mình, bà già chúng ta, trong cơn thống khoái quá độ liền cầm dương vật của ổng ấn sâu hơn chút nữa! Và chúng ta – những đứa mắc dịch – được ra đời và… lặp lại các hành động đó. Con người đã ra đời từ bàn tay của cả hai giới nam nữ. Thủy chung, cuộc đời chả có gì gọi là dung tục cả!”

Cũng còn thấy bảo Khải Minh phán và phê, chỉ và dẫn. Phán: “Thực chất đây không là ‘tiểu thuyết’ theo nghĩa ‘truyện’, mà là một loại ‘tiểu luận’ núp bóng hình thức truyện. Một ghép nối của nhiều tiểu luận, nhiều phê bình không phải chỉ ở từng bài chỉn chu, mà ở từng ý tưởng, từng đoạn rời rạc có ý đồ của tiểu luận, phê bình. Cũng có thể gọi Đẻ Sách một ‘đại truyện’ về con người, văn chương, tình yêu, thời cuộc…”

Và phê/chê: “Tổng thể của tập sách chưa ăn khớp với các ‘chốt’ và thiếu tình tiết tháo chốt, làm người đọc cứ thấy người viết ‘cầm lựu đạn’ mở chốt đứng ngồi với thế sự. Những Gyo, Stewart, Minh Rô-lăng, Hải Dớ diễn thành cảnh phiêu bạt của ‘chân’, của ‘óc’, nhưng lại bị bỏ rơi như thể sự phiêu bạt kia không để lại dấu vết. Chương 5 [là cái chương mắc dịch này đấy!] chắc chỉ viết riêng cho 2-3 người đọc; chương này giúp độc giả hiểu thêm ý tác giả nhưng cũng làm lộ chân tướng hơi quá chủ quan, quá lý tưởng đến gần như không tưởng của Đỗ Quyên”.

Chỉ và dẫn: “Có mấy gợi ý. Nối các cuộc giang hồ hay ly lạc lại thành một bố cục; thí dụ như nối Gyo, Stewart, Kangaroo thành cấu trúc nào đó; Pha loãng tính thời sự, dùng nhiều hơn nữa kiểu viết trại tên tuổi, hoàn cảnh; Sự cô đọng bằng thành ngữ dân gian hoặc địa phương, hoặc thổ ngữ hoặc điển ngữ sẽ làm người đọc ‘tầm thường’ bị hất ra khỏi câu chuyện, ngoại trừ phải chú thích, chú giải như điển tích mà Nguyễn Du làm Truyện Kiều.”

Lại thấy bảo Nhật Tiến ngạc nhiên rất ngộ nghĩnh: “Đã đọc tập truyện, tôi thật không ngờ cậu thông minh và cực kỳ quỷ quái đến vậy. Nếu biết trước, tôi đã phải tiếp đón cậu kiểu khác, chứ không thể pha ấm trà ngồi nhâm nhi theo kiểu nhà quê như hôm rồi.”

Lại thấy bảo Nguyễn Đức Tùng chém chữ theo kiểu nhát một: “1. Tôi tin đây là ‘tác phẩm lớn’ của Quyên. Ngạc nhiên quá, chưa dám đọc kỹ và phê bình đâu. Thong thả; 2. Tiểu thuyết này không khác lắm với trường ca của tác giả. Điểm mạnh, cũng là điểm yếu của ông; 3. Đẻ Sách cũng cần biên tập, tức là cần người biên tập, tầm cỡ như A. Camus bên Pháp những năm nào làm cho nhà xuất bản Gallimard. 4. Tài năng và sức làm việc của ĐQ không kém các ‘nhà văn hàng đầu’ hiện nay đâu nha. [Ồi dào cánh tác giả ca nhau đó mà, mai mốt chửi nhau mấy hồi!]. Đó là lý do tôi muốn chúc mừng khi đọc tiểu thuyết này.”

Lại còn thấy bảo Hoàng phó giáo sư (nhã nhặn từ chối nhà nước phong, và lại khoái khi văn giới tôn là) trưởng sư phụ, sinh thời từng hồi âm: “Chào Đỗ Quyên! Cảm ơn đã gửi cho tôi tập truyện. Gửi em hai tài liệu về minh triết để tham khảo và gửi cho những người có sự quan tâm. Chúc em khỏe, nhiều niềm vui và cảm hứng. Thân mến – Hiến”

He he! Các tác giả hay (ế) chữ, thường lại quả nhau. Lũ độc giả thô lậu chúng tôi gọi là hòn đất (tiểu thuyết) ném đi, hòn chì (minh triết) ném lại. Cho mi chết, lần sau khỏi tra tấn tau nữa! Xin hương linh nhị vị tiền bối cho Ngốc được nói xược mà dùng trần trùng trục tên. Phúc cho Quyên gặp Hiến, chứ nếu 300 năm trước lanh chanh gửi Đẻ Sách tới Du, ắt sẽ ẵm về bản thảo Truyện Kiều, tha hồ mà “tham khảo và gửi cho những người có sự quan tâm”; tịt đẻ!

Lại cũng còn thấy bảo Phạm Thành Hưng có hai thư chứa rất nhiều mã số. Ngốc tôi chỉ có thể giải các mã dễ:

”Bác Đỗ Quyên thân,

Tôi đọc được hơn một chương sáng nay, thứ Bảy. Cần thấy trả lời như đã hứa, tôi không thể chờ đọc xong mới viết, sợ bác chờ thư. Cảm giác đầu tiên ở những trang đầu tiên tôi đọc được, là cảm giác choáng váng vì một văn bản nghệ thuật bất thường. Nếu được công bố rộng rãi trong nước, độc giả đầu tiên tôi nghĩ sẽ là các nhà văn, nhất là các cây bút trẻ, các nhà hậu hiện đại. Người ta có thể xếp bác vào týp Kundera. Vì đây là một văn phẩm chỉ có thể xuất hiện trong một môi trường sáng tác có tính toàn cầu, nơi va đập nhiều dòng văn hóa – tư tưởng, nơi mà người Việt có cơ hội tiếp nhận những thông tin và tri thức đích thực và cần thiết. [Ơ, cái câu cuối, độc giả Do Ngoc tôi đã nhòm thấy trong lời bạt Đỗ Quyên viết cho tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ! Thế lày nà thế lào đây, hỡi các tác giả, hỡi các tiểu thuyết gia?”]

Trái bom Canada! Tất nhiên, hình dung sức mạnh và hậu quả của ngôn từ thế thôi, chứ thật ra nó có ý nghĩa phá để mà xây, bom kiểu deconstruction, nó sẽ giải phóng cho cách viết cũ, cách tiếp nhận nghệ thuật cũ và mở ra một ngã ba đường, buộc người ta phải lựa chọn một cách viết mới để tận dụng cho hết cái tự do chính đáng của nghệ sĩ, của con người.

Sách của bác còn có thể xếp vào tủ sách dạy nghề cho các nhà văn. Tuy nhiên, đã là dạy nghề, nhiều điều không nên cho nhiều người đọc. Đóng cửa bảo nhau vẫn hay hơn để công chúng biết. Vừa dễ làm họ hư hỏng và làm họ bực mình. Nhiều đoạn tôi thấy thế. [Bọn tác giả của Quyên biết bảo ban nhau, đâu như lũ độc giả quân hồi vô phèng của Ngốc]. Tôi sẽ đọc tiếp…” [Chắc không đó Phó giáo sư Ngữ văn? Nhiều cha nói vậy tức là bỏ bản thảo chạy lấy người!]

“Thực lòng, tôi nghĩ phải 5-10 năm nữa [Ô kê con gà đen. Thì sẽ chờ đến 2016 hay 2017 gì đó nếu tính từ khởi bút 2006!] Đẻ Sách mới có thể có viza hồi hương. Nó mang dòng máu Việt nhưng vẫn là đứa con lai, khôi ngô, tuấn tú thông minh theo kiểu thần đồng nhưng lại vô cùng ngỗ ngược, vì được thụ thai dưới bầu trời tự do Âu-Mỹ. Vậy thì khệnh khạng, cồng kềnh giống Gargantua và Pantagruel của Rabelais, nó trở về đất Việt lúc này rất dễ va quệt vào các tháp chuông, tượng đài, khẩu hiệu mà Việt Nam dựng khắp mọi nơi. Đẻ Sách là một cuốn sách có ý nghĩa đột biến trong thi pháp thể loại. Mai sau, cầu Giời, khi đất nước tự do hơn nữa, cuốn sách này được xuất bản giữa thanh thiên bạch nhật, nó sẽ có ý nghĩa khởi đầu cho một dòng phong cách tự sự, cho một lối kể riêng.

Đọc Đẻ Sách, tôi phục tác giả quá [Thưa, Phạm tiên sinh có phục độc giả như Đồ Ngốc đây không ạ?], vì vậy thấy rất nể những nhà vật lý hạt nhân [Đám trí thức có bệnh áo thụng vái nhau. Thông cảm!] Họ đằng vợ tôi có một người tên là K., trú tại phố H., cũng sang Dubna thực tập từ Viện Vật lý. Anh ta cũng thông minh lắm. Nhưng nếu ai cũng bỏ vật lý, đi viết văn như bác thì cánh nhà văn chuyên nghiệp phải giải nghệ quá nửa. Chúc mừng và cảm ơn bác đã cho tôi Đẻ Sách.” [5]

Không chịu thấy bảo nữa, Ngốc nhòm tận mắt meo của Hòa Xuân Trân. Đã!

“Bái phục thày đã khái quát cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội chữ nghĩa (giữa phe chiến sĩ tiền đồn văn chương và phái chuyên quyền cực trị lô cốt) bằng hình tượng Ăn thịt. Mỗi hoa văn ở đấy đều tỏa hương thơm triết học và… toán học.

Thể theo Lý thuyết hệ tiên đề (bần tăng học từ Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sau cao học với Phó giáo sư Văn Như Cương) xin có bài ăn theo lý thuyết của thày bằng minh họa sau:

1. Đẻ Sách là gieo hạt mầm chữ dân chủ, nghĩa văn minh, lời tự do. Ấy là tiên đề thứ nhất và trên hết.

2. Với phái chuyên quyền cực trị lô cốt, những hạt mầm này sẽ biến thành gậy tầm vông, chông tre, củi lửa.

3. Cho nên, tiên đề thứ ba là tất yếu: phái chuyên quyền cực trị lô cốt thích ‘ăn gỏi’ phe Đẻ Sách từ thịt cho chí chữ.

Từ hệ tiên đề trên, ta có các định lý, hệ quả sau:

1. Phái chuyên quyền cực trị lô cốt lập ra tổ chức cai quản bọn Đẻ Sách.

2. Tổ chức các hội nhà văn sẽ ăn thịt (người) Đẻ Sách.

3. Những nhà văn ăn chay này cũng ‘đẻ sách’, như một thứ thiên địch xử lý dòng văn học Đẻ Sách.

Kẻ ngoại đạo ăn nói bỗ bã, có gì ngô nghê, thày bỏ qua cho. Chúc thày sớm bảo vệ Luận cương Đẻ Sách.”

Tin buồn giờ chót: Nếu tính các bài phê bình chính tông trên báo chí in hay trên mạng, thiệt tình mới có nhõn nhị vị với nhỉnh hơn một bài. Đầu tiên của Trần Thiện Huy; thứ đến của Khánh Phương. Hai thí chủ nầy – một trong một ngoài Hình chữ S – đã tiên phong khai thị một cuốn sách đệ nhất tù mù cõi chữ nghĩa vô minh.

Trần thiện nam với bài điểm sách chiết trung vô cùng và mộng mị đáo để. Không quá dài mà cực khó trích. Sẽ là thống khoái khi coi nguyên thủy được dẫn toàn văn trong phần Phụ lục (chẳng biết các trự biên tập Đẻ Sách sẽ giữ nguyên hay cắt gọt hay cắt phăng). [6]

Khánh Phương tín nữ: dăm nhát điểm xuyết hiếm quý lóe như sao buổi sớm của phê bình gia gái là từ một bài tổng quan chuyện ta bà làng văn đương đại:

“Những Mảnh Hồn Trần (Đặng Thân), Đẻ Sách (Đỗ Quyên), và Cõi Tình (Nam Dao)

là những tiểu thuyết được công bố trên internet trong năm 2009 (…) Cả ba cuốn tiểu thuyết đều thể nghiệm lối sáng tác hậu hiện đại, chí ít là trên mức độ miêu tả văn bản. (…) Nếu xem trần thuật văn học là việc hình dung một cách nghệ thuật về thế giới, thông qua ngôn từ, trở thành nhận thức sáng tạo về thế giới, thì tư duy hiện đại và hậu hiện đại có thể không là gì khác, ngoài sự nghi ngờ đối với chính những nhận thức và kiểu nhận thức từng có. Giống như M. Kundera từng khái quát một cách thiên tài về lối trần thuật mới, được tách rời hẳn khỏi hoàn cảnh lịch sử, tác phẩm hậu hiện đại không trực tiếp đặt ra vấn đề xã hội hay lịch sử nữa, mà trực tiếp đặt ra vấn đề nghệ thuật. Nó xoay quanh tư duy và cảm thức của con người, trực chỉ mô tả điều đó, như mô tả một nội dung không đồng nhất, nhiều phiên bản, không có phán quyết, không kết thúc nổi. Nó là vấn đề nghệ thuật tự diễn tả chính bản thân. (…)

Đẻ Sách của tác giả Đỗ Quyên thể hiện năng lực theo đuổi sự nhận thức tư duy một cách mạnh mẽ, ở mức độ tổng thể hơn, tác giả có ý thức rõ rệt mô tả biến hoá và thoái hoá của tư tưởng, tâm thức con người như một ‘nhân vật trung tâm’ của tác phẩm. Tuy nhiên, người viết đã dựng nên hơi nhiều những hình ảnh vật thể, quanh quẩn với chúng, cũng như có hơi nhiều bối cảnh ‘thực tại’ (chuyện di dân, chuyện làm báo, chuyện yêu đương…) chỉ để ghim lên đó một số ý niệm nhất định, không phải lúc nào cũng phù hợp, khiến cho bạn đọc khó lòng theo dõi phần quan trọng của tác phẩm. Thủ pháp giễu nhại có lúc bị lạm dụng trở thành pha trò, ‘suy tưởng về suy tưởng’ có lúc còn nặng nề, khô khan, chưa toả được thật nhiều vẻ đẹp sắc nét, trong sáng, thu hút.” [7]

Độc giả Ngoc Do tôi còn được tác giả Đỗ Quyên cho phép cầm đèn, nói đúng ra là cầm đuôi (phụ lục), chạy trước ôtô (tiểu thuyết).

Chắc cờ đây cứ tóm tắt cái Phụ lục ra thân sách. Chúng mình tin tưởng mấy bác mấy thím biên tập viên vạn phần, mấy cô mấy chú trình bày viên ngàn phần, dưng mà phòng khi trái bút trở chuột/mouse, các đấng tối cao vô tình hay ngẫu hứng phăng teo cái đuôi mà vẫn bảo toàn thân thể xét về chủ đề tư tưởng thì sao? Hoặc giả có vị chủ tâm thiến thì ‘của tin còn một chút này…”. Đằng ấy mà bảo “Vẽ chuyện! Vô tình, ngẫu hứng hay chủ tâm luôn có chân có cánh chạy khắp thân thể tác phẩm”, thì sẽ nhận về câu phản biện: “Dù sao dao kéo làm việc trên các bộ phận không nhỏ vẫn run rẩy hơn chứ lị”.

Quyên tác giả cứ tùy nghi sử dụng. Dưới đây là tóm tắt từ Ngốc độc giả. Kệ, nếu dùng trong sách, ai thèm chê ngốc nếu không muốn ngốc hơn Ngốc.

Phụ lục của Đẻ Sách ẵm cả thảy hai phần. Phần đầu gồm các bài giới thiệu, nhận xét cuốn sách; tức các bài công khai và danh chính (ngôn thì lung tung beng, khi thuận lúc nghịch; thuận-nghịch là thuận-nghịch với tác giả, với tác phẩm, chứ không với danh người viết; bởi, danh họ đã chính rồi, đương nhiên ngôn họ sẽ thuận). Phần sau là những bình bàn, ý kiến qua thư từ riêng tư của các văn hữu, biên tập viên, chủ biên… Tùy người đọc hiểu sao cũng được; vì danh thực ra là chính, còn thực vào thì chưa; có khi phải ẩn danh, nhất là với các biên tập viên, chủ biên. Chỉ biết phần sau được soạn thảo tùy theo nhà xuất bản mà Đẻ Sách trao thân (trinh tiết thì nhừ rồi, qua tay ngót cả trăm độc giả, cả mươi nhà xuất bản hỏi còn gì nữa đâu!)

“Bác sĩ phụ khoa này tiết lộ, từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khi nước ta rộ lên phong trào xuất khẩu lao động và khám phụ khoa là một yêu cầu bắt buộc, mình đã có cơ hội được khám cho những trinh nữ. Theo số lượng thống kê của bà, 35% phụ nữ đã mất trinh trước 18 tuổi, và không nhiều người giữ được cho đến tuổi 20. Tỉ lệ phá thai khi còn trẻ cũng tương tự, có điều, ngày xưa kín đáo hơn.” [8]

Đây cũng là một bí kíp của Đẻ Sách, he hé ti hí có khi hóa hay. Tỷ như, màn “thấy bảo”, “lại thấy bảo”… ở bên trên với các bạn văn đã là một tạng của phần sau. Ngốc đang tìm cách “thấy bảo”, “lại thấy bảo” kỹ hơn để copy & paste các tiên ý từ một vài quý-vị biên tập viên, nhất là cao-quý-vị chủ biên, trưởng biên tập (chứ tầm giám đốc, tổng biên tập là siêu-cao-quý-vị, xin lỗi nhá hạng Đỗ Quyên chắc gì với tới mà i meo i mẹo ý kiến ý ruồi; vả, các đấng đó mấy khi đọc bản thảo, được cái họ tự trọng, đọc thì thưa thốt không đọc thì dựa biên tập viên mà ký giấy phép xuất bản). Màn liên quan tới các nhà biên tập rất tế nhị, đụng đến bí mựt nghề nghiệp. Khó, mạo hiểm. Nhưng không sao, Quyên ạ. Tùng, Nguyễn Đức Tùng í mà, nó nói đúng: Văn học Việt mà chưa có các Nhà biên tập Camus, sẽ không có những Nhà văn Camus! Cố lên Đỗ tác giả:

Không có đẻ gì khó

Chỉ sợ (biên) tập không bền

Đẻ núi hay đẻ sách

Quyết chí (biên) tập thì nên!

Con đầu lòng, đẻ đại đi. Không thành công, như núi chữ dưới ánh mặt trời, cũng thành chuột – một con chuột nhắt rúc rích hậu trường văn chương Việt bằng phương pháp riêng của mình: Ăn thịt người đẻ sách.

Nay nói về ban biên tập báo chí đã chịu lăng xê chút đỉnh cuốn sách, hiện mới chỉ có hai. Hu hu… Suốt gần 13 năm giời, hai lần bọ! Dẫn ngay ra cho nó lành. Đây, Lời tòa soạn Tạp chí mạng Da Màu bên Mỹ, phát đi từ Quận Cam, thủ phủ tỵ nạn Việt Nam (Cộng hòa nối dài):

Đẻ Sách là một cuốn tiểu thuyết đang thành hình của nhà văn Đỗ Quyên. Có thể gọi Đẻ Sách như một siêu tiểu thuyết, tiểu thuyết về cách viết tiểu thuyết, trong đó những nhà văn ăn thịt đồng loại để cho ra tác phẩm. Có thể nhìn toàn bộ Đẻ Sách như một ẩn dụ thông minh và tinh quái về quá trình viết, như cứu cánh và tận cùng ý nghĩa cuộc sống, nếu có, của con người. Cũng có thể thưởng thức Đẻ Sách theo từng trích đoạn, thưởng thức tính văn học cực kỳ cô đọng của từng chương; đồng thời vẫn không thay đổi cái nhìn về một cấu trúc tổng thể của tiểu thuyết, rất quy mô, phức biến, và làm chúng ta kinh ngạc.

Độc giả đã thưởng thức bút pháp tân kỳ của Đẻ Sách qua chương Ăn Tim trên Da Màu số 16 (12/1/2007), lần này chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng độc giả Chương 2 của Đẻ Sách, nhan đề Theo Chân Những Người Tỵ Nạn.” [9]

Không kém cạnh (ở khoản trân trọng giới thiệu), đến từ (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa) Việt Nam giữa thành phố Hoa Phượng Đỏ cũng có Lời tòa soạn từ trang mạng cá nhân của thi sĩ đang vang danh tam châu nhị biển Mai Văn Phấn:

“Tên tuổi Đỗ Quyên nằm trong danh sách những nhà thơ Việt hiện đại có những kiếm tìm khá đặc sắc trong các bài thơ và trường ca mà maivanphan.com đã giới thiệu gần đây. Chúng tôi mới nhận được 4 chương của cuốn tiểu thuyết Đẻ Sách đang hình thành của tác giả. Những chương này đã được giới thiệu trên một website văn học khác và đã có những đánh giá ban đầu. Chúng tôi đã nhờ nhà văn Bão Vũ, một cộng sự thân thiết của maivanphan.com, đọc và giới thiệu với độc giả.

Nhưng Bão Vũ đã nói: ‘Các nhà văn đều biết về tính bất định của việc bố cục và nội dung một cuốn tiểu thuyết trong quá trình hình thành. Cho dù có những chương tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết hiện đại, có thể độc lập tới mức không cần tới mối liên hệ với các chương khác hay toàn bộ cuốn tiểu thuyết, thì sự tổng hòa của một tác phẩm vẫn không thể không xét đến. Tôi tin rằng, chính tác giả Đỗ Quyên cũng không đoán chắc mình có thể giữ nguyên được trật tự và nội dung của những chương đầu khi anh viết tiếp những chương sau và khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Thậm chí tác giả còn có thể loại bỏ một hay nhiều chương đã viết. [Bái kính sư phụ! Do Ngoc được biết tác giả đã làm vậy khi đưa bản thảo gõ cửa các nhà xuất bản, khi bỏ hẳn một chương ở giữa, lúc thiến phăng chương kết. Giời biết vì sao!]. Vì vậy, nhận xét cuốn tiểu thuyết vào lúc này, khi nó chưa hoàn thành, là chuyện chưa thể nếu không nói là bất khả…’ [Bái kính sư phụ…]

Tuy nhiên Bão Vũ đã giúp chúng tôi chọn chương mở đầu của tiểu thuyết, cũng để độc giả biết thêm một tác giả với cuốn tiểu thuyết có dáng dấp một tác phẩm văn học thuộc trào lưu hậu hiện đại (Postmodernisme) đang thịnh hành. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương mở đầu tiểu thuyết Đẻ Sách của Đỗ Quyên trong hai kỳ.” [10]

Ờ quên, ứ phải nhõn nhị vị đâu ạ, thực ra còn ba nữa – chính danh và chính chủ – Đặng Thơ Thơ, Vũ Đình Kh. và Đoàn Nhã Văn có bài viết hẳn hoi (bài nhỏ thuộc diện “nhỏ mà có võ”) nhưng chửa công bố, đều được trình nguyên vẹn trong Phụ lục. Ngũ vị rất nên cùng ca bài “Năm chúng ta là một Gia Cát Lượng” giọng Tàu rồi qua điệu “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (hổng phải tăng T-54 made in USSR mà là De Sach made by Do Quyen). Xong.

Nhưng thật ra chưa xong. Tín nữ – nữ sĩ – nữ phê bình gia dẫn thượng còn có màn rất hoành tráng và cực ấn tượng khác. Khánh Phương. Thông tuệ và thuyết phục. Giống bản giải trình một dự án thế kỷ dụ khị rất bài bản mà da diết để các nhà đầu tư mại dzô mại dzô khi lý giải và minh họa theo từng chương hồi rằng thì mà là Đẻ Sách được viết theo khuynh hướng ý niệm với mọi cái hay cái dở mang vác trên mình mẩy nó:

Về lối sáng tác ý niệm (conceptual)

Không còn xuất phát từ các chất liệu và cách thức truyền thông sẵn có, lối sáng tác ý niệm phơi bày trực tiếp vấn đề tư duy, tâm tưởng của người sáng tạo, qua những hình thái ngôn ngữ phong phú, mang tính ngẫu hứng và cá thể rất cao, vay mượn lẫn nhau giữa các phương tiện biểu đạt đặc thù của các ngành nghệ thuật khác nhau và sử dụng tất cả biểu hiện vật chất của đời sống trong tác phẩm.

Không còn lệ thuộc logic vật chất quen thuộc của đời sống, lối sáng tác ý niệm bám vào diễn tiến tư duy và tâm trạng, nhờ thế nó đạt được sự tự do ‘tuyệt đối’ để nhanh chóng đi đến cái phi lý và cái bất định. Nó mở rộng phạm vi phản ánh thế giới và thoát khỏi những logic tạm thời mà con người lập từ trước. Tạo ra phản logic cũng là hướng tới một sự hợp lý rộng lớn hơn. Có thể điên rồ, nhưng nó cũng có thể gần gũi với tư duy của người tiếp nhận. Có thể chọn một sự vật bất kỳ của vật chất hay những đơn vị bất kỳ của lời nói làm chất liệu, có thể tạo ra bất cứ cách biểu đạt mới nào (trên nguyên lý), nhưng lối sáng tác ý niệm vẫn phải đảm bảo tiêu chí quan trọng nhất của một tác phẩm nghệ thuật; nghĩa là tác động tới cảm xúc, tư duy của người tiếp nhận, xóa bỏ tình trạng trơ lỳ, và hiển lộ chính xác ý tưởng của nhà văn…

Theo lối sáng tác trên, ta có thể xếp tiểu thuyết Đẻ Sách vào khuynh hướng ý niệm: lấy đề tài là chính các dạng thức ngôn ngữ, ngôn từ viết về chính nó; năng lực biểu hiện và tích hợp các vấn đề văn hóa, đời sống của ngôn ngữ, trong đó có việc tạo ra tác phẩm văn chương. Tuy nhiên vấn đề này lại được trình bày không theo trình tự tuyến tính mà được đặt ra từ nhiều góc độ khác nhau: làm báo, viết sách, làm luật pháp, phiếm đàm, thông tin đại chúng… Có những sáng tạo về mặt nghệ thuật ý niệm. Giọng điệu hóm hỉnh vui nhộn. Nhưng với một số bạn đọc có thể sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận, đọc tác phẩm.

Hai chương đầu (chiếm nửa cuốn sách) tác giả vẫn dùng lối trần thuật thông thường, kể lại các sự kiện, kể về con người và công việc của họ, nhưng xen kẽ vào đó là những đoạn lập luận cũng của nhân vật ‘người kể chuyện’ giải thích về tính chất vừa là bản thân (như cách hình dung sẵn có), vừa không phải là bản thân của từng sự vật, con người. Ví dụ, chi tiết cô gái đi chân thấp chân cao, thì có thể chính là cô ta ‘chân tươi chân héo’ thật nhưng cũng có thể đấy là mặt đường chỗ cô ta đi bị thấp xuống về một phía. Tuy nhiên theo tôi thấy ý tưởng của hai chương đầu chưa được triển khai nhuần nhuyễn trong tất cả các chi tiết nhỏ; các hình tượng ngụ ngôn ám dụ ‘ăn tim’, ‘ăn chân’, ‘thai phu’ chưa thật sinh động, thuyết phục. Dù là cái phi logic chăng nữa, cũng phải là thứ logic khác của nó.

Bốn chương sau là sự trình bày trực tiếp ý tưởng của nhà văn về các vấn đề ngôn ngữ, văn hóa, tư duy. Ngôn ngữ, với tính chất định danh, định tính thực ra đã bị trói chặt vào các biểu hiện vật chất của thế giới, do đó nó cũng định hình tư duy con người theo lớp vỏ vật chất tự tạo đó, logic vật chất tự tạo đó – mà chưa hề đặt ra vấn đề rằng, thực ra các khái niệm cũng như sự vật có thật ngoài đời luôn trong quá trình vận động trở thành một thứ phi định hình so với trạng thái tương đối mà khái niệm nhận thức được. Văn hóa cũng như vậy. Mọi thứ luôn vận động đến đối cực của bản thân nó. Theo tôi, đây không phải là một khám phá về triết học hay khoa học, vì triết học, khoa học đặt vấn đề này từ lâu, nhưng đó là một sáng tạo về văn chương, nhờ cách nhà văn nhìn nhận nó khá lý thú, sinh động. Là một phần viết mà ngôn ngữ và tư duy tự nói về chính nó.” [11]

Đỗ Quyên ạ,

Sắp dừng thư, chúng ta mới nói chuyện “đầu tiên”. Về nhuận bút, bản quyền…

Vì việc đẻ chung, cậy đăng trong sáng tác tiểu thuyết kiểu này chưa tiền lệ. Nên thôi, ta lấy tình văn bút nghĩa đồng bào xử đẹp với nhau. Thú thực, độc giả tôi cực cần tiền. Lại là tiền bằng chữ nghĩa, dù chữ nghĩa ăn theo, đem về dí vào ví vợ miệng con, sang cả lắm chứ. Một đồng bạc cắc giữa làng văn chương bằng một sàng bạc vạn trong phố thị. Danh? Chúng tôi chả cần. Nội cái danh độc giả đã đồng phục hóa chúng tôi về giá trị chữ nghĩa rồi. Thêm một bất công lớn trong cặp nhị nguyên Tác giả-Độc giả mà riêng Ngốc tôi không tin văn học thời đại ta giải quyết nổi. Ngay cả với Đẻ Sách. Cả khi giả dụ Đẻ Sách thành danh đoạt giải gì đó sẽ hậu xét: danh thực hay hão. Tiền thì bất kể, thực hão gì vợ con tôi cũng chơi tuốt. Tiện, nống lên tí nữa quan niệm tác giả đã chết, về mặt thi pháp, cho độc giả lên ngôi… Việc độc giả Do Ngoc (lanh chanh đòi) cùng các bạn văn kể trên đồng tác giả với Đỗ Quyên có thể nói còn trong thời kỳ thí nghiệm thủ pháp. Gần như với một vài tác giả khác; dằng dai nhứt là các trự các mợ “Lời bàn [phím] của các Netizen” với tác giả Đặng Thân ở cuốn 3.3.3.9 Những Mảnh Hồn Trần được lò chánh thống nhứt nước Nam, nhà xuất bổn Hội Nhà văn cho ra vào cuối năm 2011 như một sáng tác ngầu nhứt của dòng hậu hiện đại được hiển lộ trên mặt đất (không chỉ treo trên mạng) và dưới ánh mặt trời (không bị ủn vào bóng tối hay ánh trăng). [12] Bài toán đồng tác giả cũng từng được đặt ra nhiều lần trong vấn về dịch giả, e vụ này quá ư nhớn với Đẻ Sách nên Ngốc chỉ cập nhật qua vài con số biết nói:

‘Danh sách rút gọn của giải thưởng văn học Quốc tế Impac Dublin gồm 10 nhà văn vừa được công bố trị giá 100 nghìn Euro, được xem là một trong những giải thưởng thu hút nhất trong giới văn chương được trao hàng năm tại Dublin: nhà văn Haruki Murakami, Michel Houellebecq… Nếu tác phẩm đoạt giải là tác phẩm dịch thì số tiền thưởng sẽ được chia cho tác giả và người dịch. Tác giả sẽ được nhận 75 nghìn Euro, còn người dịch sẽ được nhận khoản tiền trị giá 25 nghìn Euro. Đây là một danh sách rút gọn có chất lượng văn học cao, bao gồm 5 tác phẩm dịch. Những nhà văn Nobel từng có vinh dự đoạt giải: Herta Műller với tác phẩm The Land of Green Plums và Orhan Pamuk với My Name is Red.” [13]

Nhưng ai cũng hiểu đó là chút ánh sáng tóe ra trong đường hầm sách dịch mà thôi.

“Năm ngoái trong Ngày quốc tế dành cho dịch thuật có một thống kê của các bản dịch. Tại Anh, dịch chỉ chiếm 2,5 % trong tổng số ấn phẩm, và chiếm 4,5 % sách văn học. Tại Hoa Kỳ, một quốc gia tự hào về lịch sử di dân là 3%. Đáng kinh ngạc là tại Ba Lan, sách dịch chiếm 46%, Pháp 15%.” [14]

Bóng tối luôn ngự trị các ấn bản và bản thảo không viết bằng các thứ tiếng “chính chủ” tham gia xa lộ giao thông ngôn ngữ nhân loại.

“Nếu bạn nhận được chi phí 100% cho việc dịch, đó là sự may mắn với bạn. Đôi khi bạn còn chẳng nhận được gì, thậm chí còn phải đối mặt với việc bị phớt lờ. Lý do rất đơn giản, chi trả cho việc dịch là một cái giá quá đắt. Nếu như một nhà xuất bản quyết định cho ra lò một cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh, tác giả của nó thế nào cũng sẽ là người từng đoạt giải thưởng văn học, hoặc một danh hiệu nào đó tương đương.” [15]

Xạo! Chẳng hóa Đẻ Sách còn xơi mới được xuất bản ở Ca Na Điên – đệ nhị tổ quốc của nó – ư? Có nhẽ đâu thế! Có nhẽ đâu thế!

Thế giới ngày càng toàn cầu hóa, dịch thuật không chịu chỉ làm cây cầu, nó đòi là cả con sông chuyên chở văn hóa làng này qua làng nọ. Con sông thứ hai khi là bóng lúc là hình của con sông thứ nhất. Nhưng dịch giả đồng tác giả chỉ nắm khâu kỹ thuật: kỹ thuật của nghệ thuật, tức chỉ là những người mang thai; xét về ngôn ngữ và văn bản, họ cũng như tác giả. Các bà đẻ thời hậu hiện đại cần các bà đỡ tương xứng, trong khi các bà đỡ còn lạch bạch ở thời tiền hiện đại; thậm chí tệ hơn, tiền hiện thực tư bản chủ nghĩa, nói cho sớm chợ: tiền!

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi sách dịch đa số được thực hiện bởi các nhà xuất bản nhỏ và độc lập. dù không có thu nhập đối với xuất bản sách dịch, nhưng nó vẫn được thực hiện. Điều này có nghĩa là vẫn có những người thực sự nghiêm túc và đam mê đối với văn học dịch. Sức ép từ các nhà xuất bản lớn và rủi ro trong xuất bản là rất lớn. Các nhà xuất bản lớn sẽ tiếp tục củng cố vị thế của họ, họ điều khiển và vận hành xuất bản không phải bằng niềm đam mê đối với một câu chuyện hay.” [16]

Bingo! Đẻ Sách còn chút hy vọng…

Độc-giả-đồng-tác-giả hậu hiện đại còn chính là các biên tập viên (lớn cũng như nhỏ) cùng các nhà xuất bản (nhỏ). Hãy vinh danh các bà đỡ hậu hiện đại! Không có bà đỡ hậu hiện đại, không có tác giả hậu hiện đại!

Nhà xuất bản nhỏ thì thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi không được trả tiền, nhưng chúng tôi vẫn làm. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các giải thưởng ở Anh đã bao gồm cả tên của các bản dịch và các giải thưởng độc lập cho tác phẩm của người nước ngoài. (…) Vương quốc Anh cần phải ném đi cái ảo tưởng thuộc địa rằng, chỉ có tiếng mẹ đẻ mới có thể cung cấp các tư tưởng vĩ đại (…) Bây giờ là trận chiến văn hóa mới xung quanh tiếng nói của văn học dịch và các nhà xuất bản nhỏ độc lập. Họ đã đưa cánh tay lên để thách thức và tạo cơ hội cho những người khác tham gia vào cuộc chiến này.” [17]

Hura! Đẻ Sách đây nè, “cánh tay” ơi, cho tớ “tham gia vào cuộc chiến này” với! Đẻ Sách nói, “cánh tay” nghe rõ không thì bảo!

Những cánh tay đủ màu da đang bay như các cánh buồm trắng trên đại dương sách dịch xanh thẳm mịt mù, như các lá cờ đỏ tiên phong trên chiến trường dịch sách đẫm mồ hôi đầm nước mắt. Chúng ta, tác giả và độc giả Đẻ Sách càng hồ hởi phấn khởi bao nhiêu, càng vung sâu và mạnh cánh tay bé nhỏ mà rắn rỏi của mình vào việc đẻ sách và đọc đẻ sách. Quyên nghe rõ lời Ngốc chứ? Còn việc dịch Đẻ Sách, hai chúng mình thừa hiểu, nó theo duyên chữ nghĩa, ép dầu ép mỡ không ai nỡ ép dịch Đẻ Sách. Thật ra, chỗ thân tình nói thiệt, nội việc đọc (cái của nợ) Đẻ Sách đã là một thứ mắc dịch rồi!

Thế là từ nay, độc-giả-đồng-tác-giả gồm ba loại: độc giả chỉ đọc (nếu cần thì phê bình và đó là chuyện khác); độc giả đọc xong rồi dịch; độc giả đọc bản dịch xong rồi cho in. Họ sẽ trồng được các cây leo gì trên mảnh đất tác giả? Có đưa chính các con chữ mượn hồn mình vào trang văn không, hay vẫn các suy nghĩ nhung nhăng, hơn lối đọc truyền thống một chút?

Để kết thúc, vì tương lai con chung chúng ta, độc giả (chỉ đọc) là Do Ngoc tôi xin kèm năm trích đoạn đây, tùy các đồng tác giả hậu hiện đại xử lý (nói theo lối miền Bắc xã hội chủ nghĩa) hay xử trí (kêu bằng kiểu miền Nam trước 1975). Khéo thay! Mỗi trích đoạn – một ngón tay của bàn tay. Với người này, trích đoạn đầu có thể là ngón cái, trích đoạn cuối có thể là ngón út, v.v… Với người khác, có thể có một bàn-tay-văn-học hoàn toàn khác.

Ngón tay thứ 1

“Kêu gọi bản thảo cho cuộc thi tiểu thuyết lần 3 & 4:

Mảng đề tài lịch sử, mảng đề tài miền núi, được các cây bút quan tâm, nhưng cuộc thi cần nhiều hơn nữa những tiểu thuyết về nhịp sống đương đại. Cuộc thi tiểu thuyết lần 3, kéo dài từ năm 2005 đến 2008 có quy chế khá linh động: đề tài tự do. [Hừm chuyện ăn thịt người để viết sách ắt là lọt? – Đồ Ngốc viết leo] Hội Nhà văn Việt Nam mong trong giai đoạn nước rút, sẽ có nhiều hơn nữa những bản thảo được các tác giả khắp nơi gửi về Hội.” [18];

Trại sáng tác tiểu thuyết năm 2013 (…) mở tại Nhà Sáng tác Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (từ 1 đến 15/4/2013) quy tụ các nhà văn có thành tựu về tiểu thuyết trên nhiều vùng miền đất nước. Trong lời phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có sự liên tưởng, so sánh rất vui: Tiểu thuyết là cỗ trọng pháo trong các thể tài văn học, là đỉnh cao, vì vậy, Hội Nhà văn Việt Nam mời các nhà văn lên đỉnh cao Tam Đảo để sáng tác những tác phẩm có chất lượng cao (…) đóng góp thành công cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội.” [19]

Ngón tay thứ 2

“Vắng bóng tiểu thuyết hay:

Kỳ hạn nộp tác phẩm tranh tài tại Cuộc thi tiểu thuyết 2005-2008 đã hết, nhưng điểm mặt những cuốn tiểu thuyết được nhắc đến nhiều trên báo chí từ đầu năm vẫn chưa lấp đầy nổi một bàn tay. Có thể làm phật lòng các nhà văn khi khẳng định tiểu thuyết Việt Nam mang quá đậm tính báo chí. (…) Trong khi đó, các cây viết trẻ cũng im hơi lặng tiếng. Những tuyên ngôn đao to búa lớn về cách tân, về văn học hậu hiện đại vẫn chưa thấy chứng tỏ bằng tác phẩm nào. (…) Tiểu thuyết là một thể loại khó, và càng khó với người viết trẻ, bởi nó đòi hỏi vốn sống, sự tích lũy, trải nghiệm và khả năng suy tư. Không phải người trẻ không có được những điều ấy. Sự thành danh một cách dễ dãi khiến cho nhiều người viết trẻ nhầm lẫn và ảo tưởng (…) Không phủ nhận một số cây bút đã có những bứt phá đáng kể và khao khát mãnh liệt trong việc thoát khỏi ràng buộc của tiểu thuyết truyền thống để tiếp cận với tiểu thuyết hiện đại. Chỉ có điều cái áo ấy cho đến hiện tại thì chưa hẳn nhà văn Việt Nam trẻ nào có khả năng mặc vừa.” [20]

Ngón tay thứ 3

“Lạm bàn về ‘Tả thực’ và hệ lụy văn chương:

Thông thường, Ý tưởng là điểm xuất phát tác phẩm, và ý tưởng ấy thuộc về Đề tài nào là ngẫu nhiên. [Chuẩn!] Nhưng khi nhà văn không xuất phát từ Ý tưởng mà bắt đầu từ Đề tài thì tác phẩm sẽ hình thành trên cơ sở Cốt truyện. [Cũng chuẩn, về ý tưởng; mà chửa chắc hẳn, cần chỉnh, về các trường hợp riêng!] Đọc và khái quát, tôi thấy tác phẩm văn xuôi của đa số nhà văn Việt Nam lâu nay được bắt đầu từ việc phác dựng một cốt truyện có lớp có lang, rồi viết theo lối kể cho xong cốt truyện. Cách đây vài năm, đọc một bài viết của Hoàng Ngọc Hiến, thấy ông đưa ra nhận xét tương tự với khái niệm ‘kể nội dung’. Nếu đó là nhận xét xác thực thì các nhà văn cũng nên tham khảo, để thay đổi một vài thói quen sáng tác. ‘Nghiền ngẫm về hiện thực’ – như ý kiến của Lê Ngọc Trà, không phải là một quá trình đơn giản; đó là diễn biến phức tạp trong tâm trí nhà văn, ám ảnh và làm họ day dứt nếu như không cầm bút.” [21]

Ngón tay thứ 4

“Viết như là một ý thức văn chương:

(…) nền kinh tế nước ta khiêm tốn, nền giáo dục khiêm tốn, vậy làm sao bắt được các nhà văn đạt được những điều quá sức của họ. Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã chứng minh được rằng, con người chỉ đạt những điều vừa với tầm tay với của họ. Trong khi, tạo hóa đã tạo ra con người Việt Nam bé nhỏ về vóc dáng. Ý thức văn chương tốt, họ có ý chí vươn lên, làm mới, họ đã cố gắng cả rồi, còn đạt được bao nhiêu lại là chuyện khác. (…) Một phần do yếu tố đời sống văn hóa của ta quy định, phần khác do chây lười. [Nói vậy thì không sai nhưng… huề vốn.][22]

Ngón tay thứ 5

“Chúng ta chưa có tác phẩm khó:

Thi hào T.S. Eliot hoàn toàn có lý và rất sâu sắc khi cho trong thời đại chúng ta đang sống, một thời đại phong phú và phức tạp, thơ ‘phải khó’. Tôi thêm, có thể Eliot chỉ nhắc đến thơ vì ông đang bàn đến thơ. Sự thật, có lẽ cả văn xuôi cũng cần phải khó. Việc đơn giản hóa văn chương hoặc đánh đồng cái lớn với sự đơn giản sẽ chỉ đặc biệt nghiêm trọng với các nhà văn hơn là với các nhà thơ. Phần lớn các nhà văn vẫn chuộng loại văn phong giản dị, lối kể chuyện mạch lạc và đều muốn chia sẻ với người đọc những mối bận tâm về chính trị, xã hội của thời đại. Ít có nhà văn dám mạo hiểm thí nghiệm những kỹ thuật mới lạ, thách thức với thị hiếu của người đọc. [Cô cho em viết leo một cái thôi: Ít, rất ít, đúng thế; và Ngốc đã biết một trong số rất ít ấy đấy. Nhưng nhớ lời thơ Nguyễn Nhược Pháp “nên chả chép vào đây”]. Tôi thành thực ao ước được đọc những tác phẩm mà mình mơ hồ cảm thấy là hay nhưng lại hoàn toàn không hiểu, những tác phẩm vượt lên trên tầm hiểu biết – chính những tác phẩm như thế mới thực sự đóng góp lớn vào việc thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển.” [23]

Siết chặt hai tay – nhất là tay cầm bút – của Đỗ Quyên.

Chào thân ái và quyết đẻ sách!

Do Ngoc


[1] Roland Barthes; theo Trần Hữu Thục, “Tác giả / Cuộc thăng trầm”, Hợp Lưu số 95, 6 & 7/2007

[2] Nt

[3] Nt

[4] Theo Nguyễn Viện; Tiểu sử và tác phẩm, tienve.org

[5] Phỏng theo thư riêng của các nhân-vật-tác-giả sau khi đọc bản thảo Đẻ Sách

[6] Trần Thiện Huy; “Cảm nhận tiểu thuyết Đẻ Sách của Đỗ Quyên”; damau.org 9/4/2007

[7] Khánh Phương; “Nhìn từ năm 2009, một số căn bệnh văn chương”, Tạp chí Sông Hương số 256 – 6/2010; tapchisonghuong.com.vn 8/7/2010

[8] Lê Thị Kim Dung; “Ám ảnh chuyện bác sĩ phá thai 10.000 ca”, kienthuc.net.vn 10/4/2013

[9] damau.org các ngày 27/1, 18/430/4/2007

[10] maivanphan.com giữa tháng 3/2008

[11] Trích tư liệu của nhân-vật-tác-giả

[12] Lã Nguyên; “Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống”, phebinhvanhoc.com.vn 29/12/2012; hay Đỗ Quyên; “Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân”, vanhoanghean.com.vn 12/1/2012

[13] Theo vannghequandoi.vn 15/4/2013

[14] Joanna Zgadzaj và Nancy Roberts; Vũ Thị Huế dịch, “Câu chuyện về sách dịch”, Văn nghệ số 16/2013, vanvn.net 20/4/2013

[15] Nt

[16] Nt

[17] Nt

[18] Anh Vân; eVan.com.vn 20/07/2007

[19] Hoàng Quảng Uyên; trannhuong.com 15/4/2013

[20] Hoàng Hồng; anninhthudo.vn 25/8/2008

[21] Rút ngắn từ Nguyễn Hòa; phongdiep.net 19/9/2008

[22] Diên Khánh; cand.com.vn 5/10/2008

[23] Co rút từ Cô Chi; tienve.org 29/8/2007

Comments are closed.