Tưởng nhớ nhà thơ Chim Trắng

13 năm trước, vào ngày 28/9/2011, nhà thơ Chim Trắng đã ra đi, sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Sự ra đi của ông là một mất mát cho nền thi ca Việt Nam đương đại. Nhưng, điều ông để lại không chỉ là Thơ, hơn thế, ông đã để lại trong tâm khảm chúng ta hình ảnh một con người trung chính, nhân hậu, sống đến giây phút cuối cùng vì sự lựa chọn của mình.

Sau khi ông ra đi, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học đã viết về Chim Trắng với biết bao kỷ niệm, biết bao ân tình, biết bao nhớ tiếc, quý trọng.[1]

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong bài viết của mình, đã đưa ra một nhận xét chân xác, đầy thuyết phục về ông:…Chim Trắng là người trực tính, yêu ghét rõ ràng. Ông là một nhân cách lớn cả trong văn chương lẫn trong đời sống. Người như vậy, ắt phải có kẻ thù. Nhưng người yêu mến ông và cảm phục ông nhiều hơn gấp ngàn lần.[2]

Nhà thơ Trần Hữu Dũng đã ghi lại lời dặn dò con cháu của Chim Trắng vào phút lâm chung:

Không quàn xác ở nhà tang lễ Lê Quý Đôn

– Không nhận phúng điếu

– Không đọc điếu văn, làm tang lễ rườm rà

– Không giao cơ quan, đoàn thể đứng ra làm mà con cháu phải đích thân lo tổ chức tang lễ.[3]

Tang lễ của ông đã được gia đình tổ chức tại căn nhà của ông ở Bình Dương và chỉ có những người bạn thân thiết được đến tiễn biệt người bạn, người anh của mình.

Tưởng nhớ ông, Văn Việt giới thiệu bài viết của nhà thơ Ý Nhi về lần gặp gỡ sau cùng với nhà thơ và một số bài thơ của ông được rút từ tập thơ Lời chào ngọn gió.

Văn Việt

Lần gặp sau cùng với nhà thơ Chim Trắng

Ý Nhi

Từ hồi nghỉ việc, Chim Trắng thường về sống ở Bình Dương. Thỉnh thoảng về lại Sài Gòn, anh gọi cho tôi, rủ đi ăn sáng ở 45 Đinh Công Tráng. Quán này yên tĩnh và có thể ngồi lâu để trò chuyện. Thường thì câu chuyện của chúng tôi là chuyện bạn bè, chuyện văn, chuyện nhân tình thế thái. Thường thì, tôi chỉ ngồi nghe, còn Chim Trắng nói. Thường thì, anh giành trả tiền cho bữa sáng với câu nói quen thuộc: “Để tui, tui mời mà”.

Tôi biết, anh cần nói ra những suy nghĩ, những bực bõ, những dằn vặt của mình, với một người bạn.

Tôi biết, với những bạn bè khác, nhất là những người bạn còn trẻ, chưa thể hiểu cảnh ngộ và tâm tư của anh.

Giữa chừng những câu chuyện, vài lần anh nói: “Tôi bây giờ phải tập thói quen sống một mình, không tụ hội bạn bè, để có ra đi cho nhẹ nhàng”. Vài lần khác, anh nhắc đến căn bệnh của anh, nói về việc chữa chạy, về tiến triển của bệnh… Nhưng bao giờ, khi chia tay anh cũng cười cười: “Nói vậy chớ cũng chưa đến nỗi nào đâu.

Thế rồi, suốt tháng 6, tháng 7 năm 2011, tôi không có cách gì liên lạc được với anh. Giữa tháng 8 tôi về quê, ghé thăm Thanh Thảo. Nghe tôi than phiền không gọi được cho Chim Trắng, Thanh Thảo mở máy gọi thử cũng không được.

Tôi biết Chim Trắng đang bệnh, định đi Bình Dương thăm thì nhận được điện thoại của anh. Anh gọi vào máy cố định, nói là đã để lạc số di động của tôi. Anh báo tin đang trị bệnh ngoại trú ở 45 Nguyễn Phi Khanh[4]. Ngay hôm sau (19/8/2011) tôi đến thăm anh.

Lúc bước vào phòng, tôi hơi bàng hoàng khi thấy anh mặc pyjama, nằm trên đệm, đang truyền thuốc.

Tôi đã quen với hình ảnh một Chim Trắng luôn ăn mặc lịch lãm, hơi có chút kiểu cách, và, nhất là, đã quen với một Chim Trắng mạnh mẽ, đĩnh đạc.

Nghe thấy tiếng chào, anh bật ngồi dậy. Tôi chưa kịp hỏi han, anh đã vội vã nói một hơi: “Có chuyện này tôi phải nói với cô ngay, lỡ tôi có sao, không nói được với Ý Nhi thì tôi ân hận lắm. Ông Tư Sâm [tên thân mật của nhà văn Trang Thế Hy] bảo tôi là người đã giúp cho ở ngoải [ngoài miền Bắc] biết đến ổng. Tôi đã nói với ổng, không phải vậy. Người thu gom bài vở, lo bản thảo là Ý Nhi. Tôi chỉ lo việc in ấn thôi”. Thấy anh có vẻ căng thẳng, tôi cười: “Chuyện đó có gì đâu mà anh lo. Chim Trắng bảo: “Hôm nay nói được rồi tôi mới an tâm. Rồi anh cười: “Ờ, thôi. Cho qua chuyện đó đi. Bây giờ còn một việc muốn nhờ Ý Nhi. Tôi còn khoảng 40 bài thơ chưa in. Nếu tôi không kịp làm thì Ý Nhi biên tập giúp rồi giao cho Lâm Xuân Thi in.

Lúc tôi chào ra về, anh dặn: “Cô không được nói chuyện tôi bệnh cho ai biết. Cô mà nói là tôi nghỉ chơi với cô luôn. Biết tính anh nên tôi không dám báo tin cho bạn bè, dù tôi biết có rất nhiều người yêu quý anh.

Anh cũng dặn, khi nào anh nhắn thì hãy đến vì anh còn phải nhập viện.

Nhưng đợi mãi mà không có tin, tôi mở máy gọi hú họa thì may mắn được gặp anh. Anh cho biết vừa từ bệnh viện trở về 45 Nguyễn Phi Khanh.

Sáng 27/9 tôi đến thăm anh, gặp nhà văn Nguyễn Trọng Tín và nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đang ở đó. Hai anh đem cho Chim Trắng CD cuốn phim Đài Truyền hình thành phố vừa hoàn tất về cuộc đời anh.

Vừa trông thấy tôi, Chim Trắng đã hỏi: “Lại quên mang sách cho tôi hả.

Chim Trắng đang truyền thuốc. Anh nhấc cả cái trụ treo bình thuốc theo, đến ngồi ở mép giường để trò chuyện.

Anh cho pha một ấm trà Bắc, mời mọi người uống nước, hút thuốc. Anh nói cười vui vẻ, nhẹ nhàng như thể không có chuyện gì phải bận tâm. Giữa chừng câu chuyện, một người cháu của anh đến bàn về việc làm thủ tục nhượng quyền sử dụng ô tô cho con gái Thụy Khanh của anh. Thấy thủ tục có vẻ rườm rà, anh khoác tay bảo cháu: “Thôi, để lo sau.

Có vẻ như, anh tiếc chút thời gian ít ỏi giành để chuyện trò với bạn bè. Anh kể cho chúng tôi chuyện họa sĩ Thanh Châu cũng đang nằm viện cùng anh, bây giờ hay khóc lắm, cứ nhắc chuyện cũ là khóc, anh kể chuyện anh đang nhờ Văn Định lo cho loại thuốc chế từ rắn lục đuôi đỏ. Rồi anh nói, giọng trầm tĩnh: “Đại khái là bệnh viện chê rồi. Mình tự lo thôi”. Anh bảo, anh không sợ ra đi, chỉ lo bị đau đớn, dằn vặt.

Lúc chào ra về, nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đạo diễn Mỹ Hà từ Hàn Quốc về, sẽ đến thăm anh. Chim Trắng cười, khẽ gật đầu. Chắc là anh rất mong gặp người bạn vong niên này.[5]

Khi hai nhà văn ra đến sân rồi anh còn gọi với theo, bảo họ đem thuốc lá về để hút. Nguyễn Trọng Nghĩa quay lại cầm bao thuốc trên bàn. Nhưng anh vừa bước ra thì Chim Trắng lại gọi với theo lần nữa, bảo còn một bao Dunhill đây. Dường như anh còn bịn rịn, muốn giữ họ ở lại lâu thêm nữa, chuyện thuốc thang chỉ là cái cớ mà thôi.

Mà có thể, chính anh cũng không hiểu rõ nỗi bịn rịn ấy của mình.

Tôi ở lại thêm một lúc, cùng cháu Thảo Ly, con gái anh. Anh kể với tôi, bên Thành ủy có tìm anh để bàn chuyện ngôi nhà này. Anh bảo, cách nay ít lâu, anh đã làm việc với vị đại diện của Ủy ban và đã nói rõ, anh muốn giao ngôi nhà này lại cho Ủy ban.

Thấy anh có vẻ bực, cháu Thảo Ly nhìn tôi ra dấu, tôi vội nói: “Anh đã nói một lần dứt khoát rồi, đừng bận tâm nữa. Anh cười hiền lành, như người biết lỗi: “Ừ, bực thì huyết áp lại lên.

Khi tôi ra về, anh bắt tôi đem hộp sữa về, cho biết dạ dày anh không thích hợp với loại sữa tôi mang đến. Rồi, có lẽ lo tôi sẽ mua loại sữa khác, anh dặn: “Đến chơi thôi, đừng mua thứ gì nha. Tôi còn nhiều đồ ăn lắm”. Rồi dặn, lần sau nhớ mang theo sách.

Nhưng không có lần sau.

Sáng 29/9 tôi nhận tin anh đã ra đi. Con dâu của anh gọi cho tôi, báo tin lúc lâm chung, anh muốn được đưa về Bình Dương. Có lẽ anh muốn tránh xa mọi ồn ào của cuộc đời này.

Anh Chim Trắng ơi, vậy là anh đã ra đi. Vậy là tôi mất đi một người bạn lớn, người mà tôi luôn tin cậy bởi sự chính trực, sự quảng đại và lòng chung thủy.

Hẳn những ngày sắp tới sẽ buồn hơn.

SG, trưa 29/9-3/10/2011

This image has an empty alt attribute; its file name is image-65.png

THƠ CHIM TRẮNG

 

 

HẠ

 

Hạ im lìm trong đáy cốc

Táo xanh rơi

Ta đi trước thời gian thời gian giật ta lộn ngược

Em là hạ là tình yêu thứ nhất

Mùa thu bức tử em rồi

Đâu phải vực sâu nào cũng có trên đời

Hư ảo thế mà ta vẫn ngã

Vết thương đau cũng tự lòng ta rên rỉ

Hạnh phúc là thành tâm ngẫm nghĩ

Có những mùa gặp gỡ đã đi qua.

 

 

 

NHÂN DIỆN BẤT TRI HÀ XỨ KHỨ

 

Chợt một mình ở Tuyết*

Một chiếc máy bay vừa cất cánh

Tháng năm mưa đủ tôi buồn

 

Ly vang đỏ vẫn đầy như thế

Ghế bên tôi trống một chỗ ngồi

 

Rượu tri kỷ không thể một mình uống cạn

Không thể là rượu tiễn đưa nhau

 

Trái đất này một ngày lắm cuộc chia tay

 

Hạnh ngộ cứ như là tia chớp

 

Sang nay ở Seoul có một người đang khóc

Chính trị gia nào đi xa

 

Tôi chẳng tiễn đưa ai chẳng tiễn đưa mình

Mỉm cười tay vẫy những ngày qua

 

*Tên một quán ăn Nhật ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

CÂY SẬY TRANG THẾ HY

 

                 Thân tặng ông Trang Thế Hy

 

Trong khu rừng già thâm u ồn ã tiếng ve chuông

Nghệ thuật không dùng thay cần câu cơm

Nhà văn nặn tượng

Đau đớn thay Nụ cười của đá* đã không thành một nụ cười

Bão tố quất lên đôi vai gầy ông tưởng không còn đứng nổi

Nhưng ông đã thành nhà tiên tri

 

Ông vẫn đi qua những hố bom bãi mìn và viết

Bất tài đố kỵ ấu trĩ giả dối rượt ông đến tận cùng

 

Hòa bình-những cánh chim câu hãy còn rơi

nước mắt

Những con sóc dừa làm xiếc, dòng kinh đùng đục

            vắt qua cửa nhà mình. Ông hát nhỏ

 

Đôi khi hồi nhớ một đám mưa dầm, nghe lại

                   một giọng hát một tiếng khóc xé lòng

          đôi vai nhọn nhô lên yêu thêm cuộc đời này

 

Khỏa lấp món nợ nước mắt chưa trả nổi bên

            ly rượu ổi, giọng cười hào sảng cùng bè

            bạn bốn phương

 

Bão táp vốn không có lòng nhân ái

Ông quỳ xuống trước hai người đàn bà ông hằng

                   yêu quý van xin một người hãy cho

                ông toại nguyện bên cạnh một người vợ

                                                     một người tình

 

Bão vẫn rớt. Mùa đông giá rét phủ tuyết trắng

     xóa cây sậy Trang Thế Hy. Rồi tuyết vẫn tan

                            mùa xuân vẫn đến

 

Dưới bóng dừa xanh đôi chân chậm dần chậm

dần hai ngón cái cặp kè nhau duy chỉ đôi mắt

                         nhà văn luôn rực sáng

Hình như ông đang hào hứng chuẩn bị cho mình

                     một cuộc lên đường nữa thật dài…thật.

 

*Nhan đề một truyện dài của Trang Thế Hy hoàn thành năm 1971 thế kỷ 20 còn ở dạng bản thảo. Với tác phẩm này, ông đã bị một “tai nạn văn xuôi” trong quá trình lao động sáng tạo của mình.

 

 

 

BÓNG ĐỒI

Đi nửa vòng đồi chưa được nửa lời

Đi một vòng đồi chưa được một lời

Đi hai vòng đồi hai người đối diện

Đi ba vòng đồi đôi chân đã mỏi

 

Thêm nửa vòng đồi hai người đâu lưng

Hai người bước vội

Bóng đồi đổ mát chia hai

 

May mắn khi ta chưa nói trọn lời

Không có mùa đông nào mình giá lạnh

Mình cúi xuống ngực mình chạm cỏ non xanh

 

 

 

TƯỢNG

 

Trong veo-Muốn nhìn chiếc lá xoay tròn bay tít

Vườn nhà ta im lặng quá

 

Lặng-mù sương

Lặng- bàn tay lạnh cóng bếp lửa đỏ ven đường

Gió hào phóng cũng kiệm lời

 

Đến với con đường không có lời hẹn trước

                                  với con đường

 

Hoa ban chợt trắng lưng đồi

Mắt nâu chợt nâu miền biển lạ

 

Hình như ta đã nhen một bếp lửa vừa ngún khói

                                         bên đường

 

Tượng phía sau ta đẫm mù sương rực rỡ

Đã xa lăng lắc đã gần một vách đã tình lên men

 

 

 

PHÚT GIÂY YÊN TĨNH

 

Những con đường những dòng sông đưa ta lang

               thang trên trái đất này bây giờ đã khác

Vầng trăng dẫn ta tới nhau bây giờ đã khác

Tóc đã rụng mấy lần

Niềm tin vỡ vụn mấy lần

Xanh biếc ban đầu để lại cho nhau

 

Đã khác

Đã khác

Còn tốc độ thời gian không hề thay đổi

Con đường không hề thay đổi

Tất cả đều dẫn về một nhúm tro thôi

 

Vứt bỏ bài ca cũ quá nhiều nhịp chõi

Tôi đổi lấy tự do bằng cả trái tim mình

Không đau thương không hối tiếc

Còn chút nghĩa cũ càng tôi không quên.

 

 

 

CHO MỘT NGƯỜI ĐÃ XA

 

Gió thổi từ một hướng

Ngọn nào hong ấm đời ta

Hoa nở từ bốn góc

Góc nào hương nhả cho ta

Nỗi đau từ bốn phía

Phía nào rây nát tim ta

 

Đứng giữa nhìn chín hướng

Hỏi người người đã đi xa

 

 

KHÔNG BÁU VẬT NÀO TRONG TAY TA CẢ

 

Tôi đã từng qua những cánh rừng bạt ngàn từng

                        xanh từng úa vàng theo lá từng có

những câu hỏi vu vơ về số phận của lá cuối cùng

                         không có câu trả lời nào

 

Trên-con-đường-tôi bất ngờ em rụng xuống

không rõ cội nguồn không rõ từ đâu tới khi hốc

 mắt ta đã khô trái tim đã mệt nhừ loạn nhịp, ta ôm chặt em vào lòng như một báu vật ban tặng từ số phận. Dự cảm sẽ phải buông em ra như buông một chiếc lá khi thoáng hiện con đường

 trước mắt mình đã cuối một con đường-không thể-bịn rịn nào cũng làm em tan nát và ta lớn

tiếng phủ nhận chia lìa.

 

Mẹ tôi nói từ một miền thẳm xa- không có báu

vật nào trong tay con cả hãy mở nhẹ bàn tay-

Con là báu vật của mẹ

Vâng ta cũng chỉ là chiếc lá kia thôi

 

 

ĐÁY SÔNG

 

Những nhánh bần gie ngang chiều làm tôi nhớ

Mây trắng lang thang làm tôi nhớ

Con tàu chậm chạp trôi trên sông làm tôi nhớ

Sông nước này làm tôi nhớ

 

Em là chấm nhỏ trên bầu trời kia hay con cá

đang ngược nước dưới đáy sông này?

Câu hỏi quẳng lên trời rơi tõm xuống đáy sông sâu

Không mùa

 

Vì người ta mang theo mình một bông mai mới nụ

Biển đang có mùa xuân

Dương Đông* chiều ba mươi nhà ai vàng hoa cúc

Biển rơi vào thế vô cùng

Mùa thu nào lạc xuống Dương Đông?

 

Không có mùa nào trên biển

Tình yêu cũng không mùa.

 

*Thị trấn Dương Đông của huyện Phú Quốc

 

 

Ở PHÍA MÊNH MÔNG

 

Thất lạc một người tình biển là nơi ta nương tựa,

ảo giác về vô thanh của sóng ta nghe rõ tiếng

nói cười, những giọt nước mắt chậm chạp lóng

lánh của người ta yêu dấu, ảo giác về con tàu

đang ngược sóng niềm hy vọng gặp lại lòng ta

khoảnh khắc nhẹ nhàng hơn

 

Tôi không tự đánh mất cuộc tình nào, làm thất

lạc cuộc tình nào, tất cả tồn tại trong tôi như

một làn hương không phai nhạt bao giờ. Nhưng

khi đau khổ tận cùng căm giận tột cùng vì lòng

nhân ái bị hủy hoại, thói ích kỷ đố kỵ được vỗ

về nuôi dưỡng không may tôi nhìn thấu rõ trong

cuộc đời trắng đen này, lúc ấy tôi khẩn cấp đi

về phía biển, biển sẽ phục sinh tôi, ở đó ta sẽ

nghe lòng lắng lại trước rong rêu, trước những

con tàu, những cánh hải âu sải cánh phía chân

trời, ở đó ta với biển hòa quyện trong nhau.

Ta đã biển.

 

 

LỜI CHÀO NGỌN GIÓ

 

Nắng chơi đẹp

Vài chú kiến chết sấp trước ngón chân cái

Ngắt bông hồng sắp tàn thả xuống nước

Từng cánh từng cánh thi nhau rả

 

Tôi yêu cách rã của hoa trước lúc lụi tàn

 

Không thể nụ hai lần hoa hai lần

Hương còn gì cho ai

Nến lụn bấc không sáng nổi mình

Sáng gì cho ai

Gởi lời chào hai ngón tay ta

Gởi lời chào ngọn gió.


[1] Lời chào ngọn gió. NXB Văn hóa Văn nghệ, 2012

[2] Nguyễn Nhật Ánh, Nhớ Chim Trắng – Người chờ hoa rụng. Trong tập Lời chào ngọn gió, sđd.

[3] Trần Hữu Dũng, Tưởng nhớ nhà thơ ChimTrắng: “Tôi là người Tự do”. Trong tập Lời chào ngọn gió, sđd.

[4] Nhà 45 Nguyễn Phi Khanh vốn là trụ sở của báo Văn Nghệ TPHCM. Sau này Tòa soạn báo dời về 81 Trần Quốc Thảo.

[5] Đạo diễn Mỹ Hà từng mời Chim Trắng đóng vai thám tử trong bộ phim Thám tử tư của mình.

Comments are closed.