Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 278): Bể dâu – Nam Dao (15)

MÙA RỪNG ĐỘNG (15)

Tiếng gọi cất lên giữa trưa. Chồm dậy, Dân nhìn qua song cửa. Người lạ khom mình loay hoay dựng chiếc xe đạp Phượng Hoàng vào dậu, mặt khuất sau chiếc nón cối sùm sụp che nửa mặt. Giụi cặp mắt còn ngái ngủ, Dân chờ anh ta ngửng lên. Nhổm người, Dân cất tiếng reo ‘‘A, anh Cự!’’, vội vàng chống tay ngồi dậy. Chống nạng ra đến cửa thì Cự vừa vào. Nhìn xuống chân Dân, Cự nói, giọng bùi ngùi:

– Cậu bị thương tôi có được báo. Nhưng không biết là phải… cưa chân.

– Ôi chao, chuyện đã rồi! Sống được là còn may. Anh vào đã!

Cự giúp Dân đun ấm nước. Nhìn Cự có già đi nhưng Dân vẫn nhận ra, nhất là giọng nói. Dân vui vẻ:

– Tôi biết anh có ghé thăm nhưng không gặp. Còn tôi, chân thế này có muốn qua Nghi Dương với anh cũng khó…

– Cậu có qua, cũng chẳng gặp mình, vì sau đó mình đi ngay lên Hòa Bình. Và mới về được nửa tháng, rối bù lên đủ chuyện.

– …

– Chuyện riêng tư ấy mà. Báo với cậu là mình sắp lấy vợ!

– Mừng cho anh. Chắc là chị ở làng chờ anh từ khi đi B?

Cự cười:

– Không! Mình gặp Xuân ở mặt trận đường số 9 giáp Khe Sanh, trước khi về đại đội có cậu. Sau chiến dịch Quảng Trị, mình bặt tin Xuân. Trở về, mình mới biết Xuân bị thương, điều trị xong thì về Phúc Xá. Mình đến Phúc Xá, Xuân lại lên Hòa Bình. Ðấy, chuyến đi Hòa Bình là vì vậy!

– Thôi, thế là trời có mắt. Tối nay, mình uống với nhau một chén rượu mừng!

Cự ngắt, mắt hóm hỉnh:

– Còn cậu? Lần mình ghé đây gặp Thành, nghe nói hình như Duyên, cô em Thành, ‘‘tích cực’’ với cậu lắm mà!

Cười buồn, Dân thở dài:

– Không xong đâu! Duyên nó còn bé, biết gì…

– Còn bé? Ở cái tuổi bẻ sừng trâu mà cậu bảo còn bé… Hay là vì chuyện cậu xin đi học trên đại học, cậu ngại đèo bồng vợ con thì sẽ cản trở?

– Không, không phải thế… Nhưng sao anh biết tôi xin đi học?

– Thì mình ghé Ủy Ban Hành chính Huyện, anh Cần phụ trách thương binh-xã hội có nhắc chuyện này. Anh ấy cho biết Huyện đã đồng ý, chỉ còn đợi ý kiến của xã nữa là xong. Ủy Ban xã có trao đổi với cậu chưa?

Dân thót bụng, không đáp nhưng hỏi lại:

– Trên Huyện họ đồng ý bao giờ?

– Chắc cũng hai ba tháng rồi, trước ngày mình lên Hòa Bình…

Một cơn giận ùa đến. Máu bốc lên mặt, Dân cố dằn lòng, giữ vẻ thản nhiên. Cự ôn tồn khuyên:

– Lấy vợ cho nó yên thân, còn việc học thì cứ đi học. Cậu biết, có an cư thì mới lập nghiệp được. Nghe chuyện Duyên có ý xây dựng với cậu, tôi đã mừng…

Dân giơ tay chặn lời Cự, nói nhanh:

– Nhưng Duyên không còn ở xã nữa!

Cự điếng người, nhìn Dân, ánh mắt dọ hỏi. Dân kể cho Cự nghe buổi tối hôm Duyên bỏ nhà ra đi. Bàng hoàng, Cự nhỏ giọng hỏi:

– Cậu bị ‘‘ hỏng’’ cả… cái ấy nữa à?

– Tôi nói thế thôi chứ lý do là tôi không quên được Thắm. Và chẳng muốn lường gạt tình cảm của Duyên!

– Thắm… À cái cô cấp dưỡng ở Vĩnh Mốc phải không?

Dân gật đầu. Cự im lặng nhìn Dân. Hai người không nói gì, cùng lảng nhìn ra ngoài. Một lúc sau, Cự hỏi mới biết đến nay Dân vẫn chưa có tin tức gì của Thắm. Nay nàng sống hay chết? Nguyên vẹn hay tật nguyền? Cự ngẫm trường hợp mình với Xuân. Hiểu nỗi sợ của kẻ đi tìm mà chẳng biết người mình yêu nay ra sao, Cự nhỏ nhẹ:

– Giá nào thì cậu cũng phải tìm Thắm. Rồi ra sao thì ra… Chứ cứ vật vờ thế này, làm sao yên cho được!

Nhìn xuống cái chân cưa quá gối, Dân cắn răng không nói, tay vỗ nhè nhẹ vào cây nạng để bên, nói với Cự như hỏi chính mình:

– Một người đàn bà có thể hạnh phúc với một kẻ què cụt à!

Cự ngẫm nghĩ, cười một tiếng rồi đáp:

– Xuân bị mảnh đạn đánh vào khớp chân. Và tôi, tôi nghĩ tôi có thể hạnh phúc với Xuân dẫu Xuân tật nguyền, Dân ạ!

*

Hai Ủy viên của Huyện xuống xã làm việc để tìm phương án giải quyết vụ việc tranh chấp giữa đám bộ đội phục viên và gia đình của họ với chính quyền cấp xã. Ðồng chí Trưởng phòng kinh tế Huyện đòi ông Chủ Tịch Ủy Ban xã và chủ nhiệm Hợp Tác xã trình hồ sơ về việc chấm công, giật mình khi Dân báo cáo:

– Có hai bản hồ sơ. Bản đồng chí đang xem là bản do đồng chí chủ nhiệm Hợp Tác xã đề xuất. Bản tôi đưa trình lên Ủy Ban xã là bản này…

Cầm văn bản Dân chìa ra, Trưởng phòng kinh tế hỏi:

– Có khác nhau nhiều không?

Bà Chủ tịch cười xuề xòa:

– Bản Ủy Ban xã đề xuất dựa trên cơ sở bản của đồng chí Dân, khác thì có, nhưng nhiều thì không! Đồng chí Dân mới công tác nên chưa rõ ‘‘ truyền thống ’’ xã chúng tôi. Khác là ở chỗ ấy!

Ðưa mắt nhìn, Trưởng phòng kinh tế có ý đợi Dân cho ý kiến. Ngẫm nghĩ, Dân chậm rãi giải thích từng điểm, từ việc chấm công không được nông dân đồng tình cho đến thuế nặng, nghĩa vụ cao vì thổi phồng thành tích khiến trên thực tế, tổng số công chia cho xã bị trừ giảm đến hai mươi phần trăm. Dân nhấn mạnh chính vì nông dân làm nhiều ăn ít nên mới lãng công, tranh thủ thời giờ làm kinh tế ‘‘gia đình’’, và chín mươi nhăm phần trăm đất hợp tác xã là đất canh tác kém cả lượng lẫn chất. Dân kết luận:

– Thưa đồng chí, tóm lại khó khăn vì ruỗng ra…

Trưởng phòng kinh tế ngắt, giọng nghiêm khắc:

– Ðồng chí bảo ruỗng… ruỗng gì?

Dân trầm giọng, nói từng tiếng:

– Ðầu tiên là ruỗng niềm tin vào sự công bằng xã hội. Rồi sau, ai cũng lo riêng thân mình, phó mặc sản xuất tập thể, chạy chọt kiếm ăn bằng đủ hình thức từ làm bún, đắp than, làm gạch, nuôi gà vịt mang bán chợ Huyện. Thế, chỉ có đói… Đói, là ruỗng ruột! Như xác kén mùa khô!

Bà Chủ Tịch, chủ nhiệm Hợp Tác xã, giọng chua ngoa chen vào:

– Ðồng chí nó thế là nói xấu chế độ, không được!

Dân nóng mắt, nhìn lên, gằn:

– Lính chúng tôi suýt bỏ mạng trên chiến trường, được Ðảng giáo dục là đi chiến đấu chẳng phải chỉ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn nhắm xây dựng một xã hội công bằng, không có chuyện người bóc lột người. Cho nên biết có ruỗng thì mới sửa được! Nguyên tắc là phê, và tự phê. Cứ mỗi lần phê mà bị chụp cái mũ nói xấu cả chế độ thì còn ai dám mở miệng nữa!

Trưởng phòng kinh tế thấy găng, đứng dậy. Ủy viên thứ hai của Huyện phái xuống là Cần, người trách nhiệm công tác thương binh – xã hội. Gặp Thành, Sự và cả đám phục viên bất mãn, Cần hiểu là Dân ngấm ngầm ủng hộ họ. Khi Dân đi tìm hiểu nguyện vọng của xã viên, Thường Vụ xã báo cáo đó là một hình thức vận động quần chúng chống lãnh đạo. Dẫu biết ngành công an là một ngành nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhưng báo cáo đó đặt ra những nghi vấn. Cần đề nghị trao đổi với Dân. Nghe Dân trình bày xong những vướng mắc với lãnh đạo xã, Cần ôn tồn:

– Bộ đội chúng mình với nhau, tớ nói thật. Tại sao cậu đã được chấp thuận nguyện vọng đi học mà lại dính vào những chuyện rách việc thế này?

– Anh Cự có cho tôi biết, bảo là Huyện còn chờ ý kiến cơ sở xã về chuyện này…

Cần ngắt lời Dân, giọng bực bội:

– Thế nhưng ‘‘ người ta’’ báo về công an Huyện bảo cậu đang lũng đoạn chính sách để làm áp lực lên chính quyền cơ sở thì chúng tôi trên Huyện làm gì được? Thời thế này, thằng dại chết, thằng khôn cũng chết! Chỉ thằng nào biết sống thì sống! Nói thật cho cậu nắm, với tình hình hiện nay, cậu ở lại xã này sẽ chẳng xong đâu. ‘‘Họ’’ rồi moi móc đủ chuyện cho mà xem!

Chia tay, Cần khuyên:

– Dân ạ! Phải thỏa hiệp, thậm chí nhượng bộ. Tôi sẽ điều đình!

Cán bộ lãnh đạo Huyện và xã họp kín với nhau. Bàn bạc thế nào mà tối mịt thì Cần đến gõ cửa nhà Dân. Phương hướng giải quyết: dỗ ăn một số để chia rẽ lực lượng đối kháng, đồng thời đàn áp đám đầu đàn nhằm dập tan những mầm mống biến động trong tương lai. Dỗ ăn, cho không một số công điểm cho những gia đình có bộ đội phục viên nhưng chưa công ăn việc làm ổn định. Ðàn áp, dĩ nhiên Dân là đối tượng đầu. Cần nói:

– Ðề nghị anh viết một bản kiểm thảo nội bộ cho chi bộ Ðảng, tự phê đến nơi đến chốn, ít nhất là nhận có những sơ hở có tính « hành chính » vì thiếu kinh nghiệm nên gây ra tình trạng dao động trong xã viên. Thứ đến, anh xin thôi công tác để đi học như đã đề đạt từ trước. Cuối cùng, cần có ‘‘biện pháp’’ với một đối tượng ‘‘điển hình’’. Ðối tượng đó kích động, xúi giục quần chúng, thông tin sai lệch khiến anh ‘‘mất lập trường’’. Có thế, mọi việc sẽ được giải quyết thông suốt…

Dân hỏi:

– Ðối tượng điển hình là ai?

– Anh Thành, Cần trả lời.

Ngẫm nghĩ một lát, Dân kể lại cái việc Duyên và Kiên, biết Kiên muốn trả thù vì mất mặt trong xã. Cần thở ra, lắc đầu rồi dặn:

– Ðêm nay viết bản kiểm thảo. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, tôi sẽ mang tay báo cáo của xã về nguyện vọng tiếp tục đi học của anh. Ðến trưa, chúng tôi phải quay về Huyện, cố làm cho nhanh gọn nhé!

Chia tay Cần, Dân vào chong đèn rồi giở bức thư của cha mình ra đọc lại, nước mắt ròng ròng trên má. Dân lẩm bẩm ‘‘Không thế được! Nhất định không thể thế được!’’. Ngồi xuống, rồi lại đứng lên, Dân lê bước đi đi lại lại, tiếng chiếc nạng gỗ lộc cộc gõ trên nền đất.

Đến sáng, Dân viết xong bản kiểm thảo, trong đó có đoạn:

‘‘ Tôi chưa đi sát thực tế, nóng vội nhìn hiện tượng mà không phân biệt với bản chất, đã nhất thời mất lòng kiên định, dao động và vì thế tạo ra dao động trong tập thể xã viên. Tôi khẳng định tôi hoàn toàn trách nhiệm, không hề bị ai kích động hay xúi dục, sẵn sàng chịu mọi kỷ luật của Ðảng. Trong trường hợp này, tôi xin Ðảng cho phép tôi được ngưng công tác ở Hợp Tác xã, như một cách thể hiện khuyết điểm của tôi trước quần chúng…’’.

Ðưa bản kiểm thảo vào tay Cần, Dân buồn rầu:

– Tôi chỉ làm được có thế này thôi, anh Cần ạ. Dẫu sau có thế nào, tôi cũng xin cám ơn anh.

Lãnh đạo lại họp. Rất căng. Cuối cùng, đến chiều thì cán bộ Huyện mới rời xã đi về, sau khi bà chủ nhiệm Hợp Tác xã đã gói ghém ít thứ quà tặng lặt vặt bà ngọt ngào gọi là đặc sản quê em.

*

Ít lâu sau vụ gặt, xã viên lại lao vào trăm thứ việc. Cày lại đất, rồi bừa, sửa soạn gieo mạ cho mùa sau. Người đông, hợp tác xã quyết định thôi không xin Huyện đưa máy cày, máy kéo đến làm thay người để khỏi phải trả chi phí qui ra thóc. Nhằm xoa dịu một số bất bình, Huyện giảm nghĩa vụ cho xã, tuyên dương đồng chí Chủ Nhiệm Hợp Tác xã đã ứng xử linh động phục vụ xã viên, và đồng ý ngưng công tác để đáp ứng nguyện vọng được tiếp tục đi học của Dân.

Ngày tháng như dài ra. Dân nay bỏ thời giờ học tiếng Pháp. Một tháng ở cạnh Tín, Dân đã cố nắm văn phạm cơ bản. Khi chia tay, quà Tín tặng là một cuốn từ điển Pháp – Việt, một cuốn sách tựa là ‘‘ Les Misérables’’ của Victor Hugo và bản dịch đã mất bìa tên ‘’ Những người khốn khổ’’. Tín dặn, cứ đọc nguyên bản và khi không hiểu, tra bản dịch. Trong khi chờ đợi tin nhập học, Dân hay sang nhà bà Nhiều, mỗi lần ở một hai ngày rồi mới về. Liên hệ với Thành không còn như thuở Duyên chưa bỏ nhà ra đi. Khi gặp nhau, Dân có cảm tưởng phạm một thứ tội lỗi mà không sao chuộc lại được. Ðối với xã viên, Dân tránh. Có những người thông cảm với Dân. Nhưng cũng có nhiều kẻ không. Sự hùng hổ: ‘‘ Thế là vì chuyện đi học mà mày thỏa hiệp với bọn cường hào ác bá mới! ’’. Dân ngỡ ngàng khi Sự thay đổi cách xưng hô, không gọi mình là anh như trước. Rồi Sự bô bô: ‘‘Ai chứ thằng Sự này thì sẽ đấu tranh để có một xã hội công bằng, mỗi người cho mọi người, mọi người cho mỗi người! ’’. Cũng vì bạo mồm nên Sự chỉ có vài anh phục viên cứng cựa dám gần gũi, còn lại thì đều lảng, sợ vạ lây.

Dân quyết định đi Nghi Dương chào Cự khi biết mình được nhận vào khoa Văn ở trường đại học Tổng Hợp Hà Nội. Sáng bảnh mắt, Dân đã lên đường. Ðến xế chiều, Dân mới vào được nhà Cự, mồ hôi nhễ nhại, chiếc chân lành còn lại mỏi nhừ. Cự hỏi:

– Ði mệt lắm hả?

– Nó thì không! Dân vỗ vào chiếc nạng, giọng vui vẻ.

Cự mừng cho Dân có dịp thực hiện một ước mơ, chỉ thắc mắc:

– Sao lại chọn Văn! Thời đại chúng ta là thời đại kỹ thuật khoa học cơ mà!

– Thì anh biết, lính chúng mình kè kè với những thứ kỹ thuật giết người nên giờ tôi sợ kỹ thuật lắm…

– Làm gì với kỹ thuật là chuyện con người! Cự ngắt.

– Vâng! Chuyện làm gì của con người thì khoa Văn đóng góp được! Ngập ngừng, Dân tiếp – Vả lại, ý tôi là xin vào Sư Phạm với ước nguyện học xong thì xin đi dạy Văn cấp 2. Nhưng Hà Nội bảo Sư Phạm hết chỗ, xếp tôi học ở Tổng Hợp! Hôm nay, có dịp xin anh kể thêm về chị Xuân. Tôi sợ vẫn chưa đủ can đảm đi tìm Thắm!

Kể sơ cho Dân nghe mình gặp và yêu Xuân trong hoàn cảnh nào, Cự bảo từ khi vào Vĩnh Mốc sửa soạn trận Quảng Trị thì bặt tin. Sau Hiệp Ðịnh Paris, Cự dò hỏi, biết Xuân bị thương và có thể đã hồi hương. Tìm đến Phúc Xá ven sông Hồng dịp trước Tết, Cự gặp chị của Xuân. Chị bảo ‘‘ Em nó nhắn có anh Cự đến tìm thì bảo lên Nông Trường 3 Hòa Bình, hỏi thì hỏi Xuân « què »’’. Cự lặn lội đi ngay, hiểu chữ « què » đệm vào tên là Xuân cố ý báo cho mình biết trước, tìm hay không tùy mình. Ðến Nông Trường, Cự báo tên, xin gặp. Xuân không ra, viết ‘‘ Anh đã nghĩ kỹ chưa?’’. Cự đáp ‘‘ Rất kỹ, anh đợi ’’. Nửa ngày sau thì Xuân xuất hiện, Xuân nghẹn ngào ‘‘Ở Nông Trường này ngoài đám thanh niên xung phong chúng em, thấy bóng là chỉ bóng những con khỉ. Không ai còn mơ ước được một người đàn ông vào thăm, anh đến đúng là phép lạ! ’’.

Dân thở ra, ngậm ngùi:

– Chị Xuân đi, sợ gặp anh rồi bị hất hủi. Anh đi tìm chị, dễ hơn nhiều! Còn tôi, tôi ở trường hợp chị Xuân chứ không phải trường hợp anh!

Cự chép miệng:

– Nhưng Dân không thể sống với một sự hoài nghi, nhất là hoài nghi đối với một người mình yêu. Nói dại, Thắm đã hy sinh thì thôi, nhưng nếu Thắm sống, chắc chắn yêu cậu thì Thắm cũng đang chờ như Xuân đã chờ tôi. Mình không chủ động sẽ không bao giờ có cái phép lạ như cách Xuân nói, Dân ạ!

Ở chơi với Cự thêm một ngày, Dân về để sửa soạn chuyến đi Hà Nội. Buổi tối, Dân thu xếp đồ đạc. Vài quyển sách, bức thư của cha, tấm ảnh có mẹ chụp với Nhân và Dân thời thơ ấu, và tấm ảnh của cha thời thanh niên mà chú Tín còn giữ được. Ngoài ra, hai bộ quần áo, vẫn là quần áo bộ đội. Và bốn mươi mốt đồng, để ít ra có tiền đi xe và tiền ăn trong một tháng. Ngày hôm sau, Dân ra viếng mộ bà và mộ cha. Tay nhổ đám cỏ dại, lòng Dân lắng xuống, bâng khuâng tự hỏi nguồn cội của mình là đây nhưng rồi cũng phải bỏ mà đi. Và đi lần này, Dân nhớ câu nói của Cần, người phụ trách thương binh-xã hội, có về thì chắc cũng không sống nổi với làng xã. Dân ngậm ngùi nhìn xung quanh, cố ghi nhớ nơi đã nuôi nấng chàng và cũng là nơi chôn xuống ba tấc đất những người chàng yêu thương nhất.

Sau bữa cơm chiều, Dân xách nải chuối và nửa tá cam sang nhà Thành. Mở cửa, Thành không có vẻ ngạc nhiên. Dân nói:

– Sáng mai tao đi. Cho tao chào ông cụ nhà mày. Chìa quà ra, Dân tiếp, đây là hoa quả tao cúng bà tao, mang qua biếu ông cụ.

Thành cầm lấy, lẳng lặng đưa mắt bảo Dân theo vào. Dân chỉ vào hàng hiên, bảo:

– Ở tí thôi, ngồi đây cho mát.

Lát sau, ông bố Thành đi ra, nách cắp chai rượu. Từ ngày Duyên đi, đây là lần đầu Dân có dịp uống với ông. Giọng cố làm vui, ông ề à:

– Uống chén rượu tiễn… Mai cháu đi hả?

Nhìn Dân gật đầu, ông ới Thành:

– …mang mấy củ lạc ra đây, Thành ơi?

Ba người ngồi, nhưng chẳng ai nhìn ai. Có một cái gì như bẽ bàng, mặc dầu thật ra chẳng có chi đáng để thế. Dân bặm môi, đánh bạo:

-Thưa bác… nhà có tin em Duyên chưa?

Không đáp, ông bố Thành đưa mắt nhìn ra khu vườn ánh chiều nhuộm hồng những tàn cây đung đưa. Thình lình ông khóc tu tu lên:

– Bu mày bỏ tao rồi lại mày… Sao thế hả Duyên? Mày để bố mày với anh mày như hai con gà trống nhìn nhau mãi mà phát chán!

Dân chẳng biết nói gì, chỉ im lặng nhìn Thành. Lát sau, Dân kiếu. Tay nắm lấy tay ông bố Thành, Dân linh cảm như lần này là lần cuối. Thành đưa Dân ra đến ngoài con đường đất nện. Khi chia tay, Dân thì thào, tay đưa cho Thành một phong thư:

– Bao giờ gặp Duyên, mày chuyển hộ. Chắc tao không về đây nữa! Cái nhà tao mày giữ. Khi Duyên lấy chồng, bảo tao cho nó. Nhờ mày giúp tao chăm nom mộ bà tao và mộ ông bác tao!

Nói xong, Dân quay ngoắt đi.

Lộc cộc, lộc cộc…

Âm thanh chiếc nạng trên mặt đất cằn như lời nguyền lập đi lập lại. Thành đứng nhìn cho đến khi Dân khuất bóng.

Sáng sớm tinh mơ, Dân khoác chiếc ba lô lên vai, mở cửa nghiêng người bước ra. Thành đã đứng chờ, tay nắm ghi đông một chiếc xe đạp.

– Tao đèo mày ra đến chỗ có xe khách đi Nam Ðịnh!

Dân ngạc nhiên, cảm động. Ngập ngừng, Dân hỏi:

– Hết giận rồi hả?

Không đáp, Thành cao giọng:

– Tao mượn cái xe có póc-ba-ga, cứ việc kê đít ngồi lên sau, nhớ đừng quên cặp nạng kẹp dọc theo xe.

Thấy ánh mắt Dân có chiều ngờ vực, Thành cười ha hả:

– Còn một tay, vẫn lái được. Hai chân thì đạp, đi đến đâu cũng đi! Và đã đi, đâu sẽ rồi cũng đến!

Hai người mặc tiếng chó sủa theo, cứ thế leo lên xe đạp ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Không có tiếng nạng chống trên con đường đất nện, ánh bình minh trên đầu những tàn cây nơi cổng làng rướn lên như ước hẹn với tương lai, ở một chân trời khác, trước mặt.

Comments are closed.