Vòng tròn ma thuật (kỳ 10)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

“Những lời tuyên bố trước đây của tôi”, Rubashov chậm rãi nói, “là nhằm mục đích chiến thuật. Chắc chắn là anh biết rằng một số nhà chính trị đối lập bị buộc phải đưa ra những tuyên bố như thế để không bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng bây giờ tôi có quan điểm khác…”

“Nghĩa là lần này anh chân thành?”, Gletkin hỏi ngay, giọng nói không có vẻ gì là chế giễu cả.

“Vâng”, Rubashov bình tĩnh đáp. “Còn trước đây là nói dối?”

“Cứ cho là như thế.”

“Để giữ lấy cái đầu của mình chứ gì?” “Để được tiếp tục công tác.”

“Không còn đầu thì chẳng thể công tác được. Nghĩa là để giữ cái đầu?”

“Cứ cho là như thế.”

Trong khoảng thời gian ngắn xen giữa câu hỏi nhát gừng của Gletkin và câu trả lời của mình, Rubashov còn nghe rõ tiếng sột soạt của ngòi bút chì của cô thư ký và tiếng lạo xạo của cái đèn pha. Từng luồng ánh sáng chói loà hắt thẳng vào mặt, nóng khủng khiếp, Rubashov phải rút khăn ra lau mồ hôi trán. Dù đã rất nhức nhối, anh vẫn cố gắng mở mắt, song thời gian nhắm vẫn càng lúc càng dài hơn; buồn ngủ quá và sau một loạt câu hỏi, khi Gletkin ngưng lại trong giây lát, Rubashov bỗng nhận ra rằng cằm anh đã gục sát vào ngực. Giật mình tỉnh giấc vì câu hỏi tiếp theo, anh không còn biết mình đã ngủ bao lâu nữa.

“Tôi nhắc lại”, có tiếng Gletkin nói. “Những lới sám hối trước đây của anh là chỉ nhằm lừa dối Đảng và để bảo vệ cái sọ của mình.”

“Tôi đã công nhận như thế rồi”, Rubashov nói.

“Đấy cũng là mục đích khi anh công khai đoạn tuyệt với cô thư ký tên là Arlova?”

Rubashov gật đầu. Bây giờ không chỉ hố mắt bên phải bị nhức mà có cảm tưởng như toàn bộ má bên phải đều đau rát không thể nào chịu được. Ngay cái răng sâu cũng bắt đầu đau trở lại.

“Anh có biết rằng Arlova đã nhiều lần đòi anh ra làm chứng không?”

“Có, người ta đã nói với tôi như thế”, Rubashov đáp. Cái răng ngày càng nhức hơn.

“Chắc chắn là anh biết rằng lời tuyên bố của anh lúc đó, bây giờ thì anh cho là giả dối, đã đóng vai trò quyết định trong bản án tử hình của Arlova?”

“Người ta đã nói với tôi như thế.”

Rubashov có cảm giác như phía má bên phải đau như đang bị chuột rút. Suy nghĩ trở nên chậm chạp, đầu nặng như chì, ngồi cho thẳng là cả một vấn đề. Giọng Gletkin như xoáy vào óc:

“Như vậy nghĩa là công dân Arlova có thể đã là người vô tội?”

“Có thể là như thế”, Rubashov đáp với vẻ giễu cợt đầy cay đắng.

“…Và cô ta đã bị hành quyết là do anh nói dối để bảo toàn mạng sống của mình?”

“Có thể là như thế”, Rubashov nói. “Đồ đểu”, anh tự nhủ một cách bực tức đầy bất lực và mệt mỏi. “Dĩ nhiên là mày nói đúng. Vậy thì tao với mày, thằng nào đểu hơn? Nhưng hắn đang nắm cổ mình mà mình thì không làm gì được vì không thể chết một cách đơn giản như thế được. Chỉ cần nó cho mình ngủ một giấc. Mày mà còn tra tấn như thế này nữa thì tao sẽ im luôn, tao toi mà mày cũng không thoát đâu.”

“… Sau những việc như thế mà anh còn đòi người ta tôn trọng ư?”, Gletkin tiếp tục. Đúng nhưng ác quá. “Anh vẫn tiếp tục phủ nhận không phải là tội phạm được ư? Sau những việc làm như thế mà anh còn đòi chúng tôi tin anh ư?”

Đầu Rubashov gục xuống, anh đã chịu thua, không giữ thẳng được nữa. Dĩ nhiên là Gletkin không thể tin anh. Chính anh cũng bắt đầu thấy lúng túng trong một mớ bòng bong những điều dối trá có chủ đích và những trỏ giả vờ đầy biện chứng, cũng bị lạc trong sự mù mờ giữa chân lý và ảo tưởng nữa là hắn. Chân lý tối hậu thì ngày càng xa, trước mắt chỉ thấy rặt những điều dối trá mà thôi. Đường thì xa, lối rẽ thì nhiều, còn phải lộn trái lương tâm mình bao nhiêu lần nữa đây! Làm thế nào để Gletkin tin rằng lần này anh nói thật? Trước đây anh thường phải tranh luận, phải thuyết phục, phải nói chuyện với một người nào đó, còn bây giờ anh chỉ muốn lăn ra ngủ, muốn biến đi luôn cho xong…

“Tôi không đòi hỏi gì cả”, Rubashov vừa nói vừa cố gắng ngẩng đầu lên. “Tôi chỉ muốn chứng tỏ lòng trung thành với Đảng mà thôi.”

“Chỉ có một cách”, giọng Gletkin lại vang lên, “đấy là thú nhận hoàn toàn. Chúng tôi đã chán ngấy cái trò ‘quan điểm đối lập’ và động cơ cao thượng của anh rồi. Chúng tôi yêu cầu anh thú nhận hoàn toàn và công khai các hoạt động tội phạm sau khi anh chuyển sang lập trường chống đối như thế. Chỉ có một cách giúp Đảng, đấy là cảnh báo cho quần chúng thấy – trên cơ sở hoạt động của chính anh – thái độ chống Đảng có thể đưa người ta đến những hậu quả tai hại như thế nào.”

Rubashov chợt nhớ đến những bữa ăn nhẹ của Anh Cả. Bên má phải có vẻ như đã sưng phồng lên nhưng chỉ âm ỉ chứ không còn đau rát như trước nữa. Khi nghĩ đến bữa ăn nhẹ của Anh Cả, khuôn mặt anh bỗng rúm ró lại như vừa ngửi thấy mùi gì rất khó chịu vậy.

“Tôi không thể thú nhận những tội lỗi mà tôi không phạm”, Rubashov dứt khoát nói.

“Không”, Gletkin trả lời. “Không, anh không thể làm như thế được.” Rubashov có cảm tưởng như đây là lần đầu tiên anh nghe thấy Gletkin nói bằng giọng chế giễu như thế.

Từ đó trở đi Rubashov chỉ còn nhớ một cách rất mù mờ. Sau câu “anh không thể làm như thế được”, anh nhớ rõ câu này vì chất giọng đặc biệt của nó, thì đến một khoảng trống.

Sau này anh có cảm tưởng là lúc ấy mình đã ngủ thiếp đi, hơn nữa còn thấy một giấc mơ dễ chịu nữa. Giấc mơ có lẽ chỉ kéo dài vài giây đồng hồ, gồm những phong cảnh không liên quan gì đến nhau: một vùng đất tràn ngập ánh sáng với hàng cây già thẳng tắp bên đường vào trang trại của bố anh, một đám mây màu trắng lững lờ trôi trên hàng cây mà anh từng nhìn thấy ngày thơ ấu.

Sau đó là tiếng Gletkin sang sảng ngay trên đầu, chắc chắn là hắn đã đứng và nhoài người qua mặt bàn để nói, và trong phòng còn có thêm một người nữa.

“…Anh có nhận ra người này không?”

Rubashov gật đầu. Anh nhận ra ngay Môi Thỏ dù anh ta

không trùm áo mưa như những lần đi dạo ngoài sân trại giam. Một loạt các con số bỗng hiện về trong trí não: 2–3, 1–1, 4–3, 1–5, 3–2, 2– 4… “Môi Thỏ gửi lời chào”. Vì sao 402 lại truyền cho anh câu này nhỉ?

“Anh gặp người này khi nào và ở đâu?”

Phải khó khăn lắm Rubashov mới nói được, môi anh khô, lưỡi như đã rộp lên và có vị đắng ở trong cổ.

“Tôi đã nhiều lần nhìn thấy anh ta đi dạo ngoài sân trại.”

“Trước đây anh chưa từng gặp anh ta chứ?”

Môi Thỏ đứng ngay ở cửa ra vào, chỉ cách Rubashov vài bước chân, ánh sáng của cái đèn pha chiếu thẳng vào người anh ta. Mặt anh ta thường ngày vàng vọt thì nay trắng bệch ra như bôi phấn, cái mũi nhọn hoắt, môi trên tách đôi, sưng vù, run rẩy để lộ ra cái lợi trống không. Hai tay anh ta buông thõng đến gần đầu gối, trông chẳng khác gì một hình nhân trước ánh đèn sân khấu. Lại một loạt con số nữa xuất hiện trong trí não Rubashov: “4–5, 3–5, 4–3…” – “…bị tra tấn hôm qua”. Đồng thời trong trí nhớ cũng hiện lên hình ảnh mù mờ một người, giống như anh em sinh đôi với cái hình nhân này, mà anh gặp đã lâu, trước khi bước vào buồng giam 404 ở đây.

“Tôi không dám chắc”, anh lưỡng lự đáp. “Nhưng tôi có cảm giác rằng đã từng gặp anh ta rồi.”

Ngay khi chưa nói hết, Rubashov đã cảm thấy không nên nói câu này. Rõ ràng là Gletkin không để cho anh có thì giờ suy nghĩ. Hắn hỏi một cách dồn dập chẳng khác gì con chim săn mồi rỉa nạn nhân của nó.

“Lần gặp gần đây nhất là ở đâu và lúc nào? Người ta vẫn nói là anh có trí nhớ tốt lắm cơ mà.”

Rubashov không đáp. Anh không thể nhớ đã nhìn thấy cái hình nhân đang mấp máy môi giữa luồng ánh sáng chói chang kia ở đâu. Môi Thỏ đứng bất động. Anh ta đưa lưỡi liếm chỗ môi sưng, mắt thì dáo dác hết nhìn Rubashov lại nhìn Gletkin.

Cô thư ký đã ngừng viết, chỉ nghe thấy tiếng rì rì của cái đèn pha và tiếng lách cách của chiếc thắt lưng của Gletkin; hắn ta chống khuỷu tay lên tay vịn của cái ghế, nhoài người ra phía trước và cất tiếng hỏi:

“Anh từ chối trả lời câu hỏi?”

“Tôi không nhớ”, Rubashov đáp.

“Tốt thôi”, Gletkin nói. Hắn nhoài hẳn lên bàn, toàn thân hướng thẳng về phía Môi Thỏ và hạ lệnh:

“Anh có thể giúp công dân Rubashov nhớ lại được không? Anh gặp ông ta lần cuối cùng ở đâu?”

Môi Thỏ đã trắng lại càng trắng hơn. Đôi mắt anh ta hướng về phía cô thư ký, rõ ràng là bây giờ mới phát hiện ra cô, nhưng ngay lập tức ánh mắt lại đảo lia lịa, như có ý tìm chỗ trốn. Sau khi liếm chỗ môi sưng, Môi thỏ vội vã nói:

“Công dân Rubashov xúi giục tôi đầu độc lãnh tụ Đảng ta.”

Lúc đầu Rubashov hơi ngạc nhiên vì nghe thấy giọng nói trầm và du dương, khó có thể nghĩ rằng một kẻ tả tơi thế kia lại có thể nói như vậy. Trái ngược hoàn toàn với vẻ bề ngoài, giọng nói của anh ta vẫn đầy sức sống. Phải một lúc sau Rubashov mới hiểu được điều anh ta nói. Từ lúc trông thấy Môi Thỏ anh đã nghĩ đến chuyện này và dự cảm được mối nguy nhưng vẫn không ngờ là mọi chuyện lại lố bịch đến như thế. Ngay lúc đó, từ phía sau – Rubashov đã quay mặt về phía Môi Thỏ –

Glekin đã vội vã lên tiếng. Giọng hắn có vẻ run run:

“Chưa ai hỏi anh cái đó. Tôi mới hỏi anh là anh gặp Rubashov ở đâu?”

“Ngu”, Rubashov chợt nghĩ. “Lẽ ra hắn ta không được nhấn mạnh rằng đấy là một câu không đúng chỗ. Mình sẽ không nhận ra được.” Anh có cảm giác là đầu óc đã hoàn toàn tỉnh táo, tâm trạng cực kì phấn khích. “Nhân chứng chỉ là một cái máy hát, thế mà lại hát sai”, anh lại tự nhủ. Câu trả lời tiếp theo của Môi Thỏ còn du dương hơn:

“Tôi gặp công dân Rubashov sau buổi tiếp tân của Đại diện Bộ Thương mại ở B. Tại đây ông ta đã xúi giục tôi đầu độc lãnh tụ Đảng ta.”

Trong khi nói đôi mắt láo liên của anh ta hướng hẳn về phía Rubashov. Rubashov đeo kính lên và nhìn lại một cách chăm chú như có ý dò hỏi. Nhưng trong ánh mắt của anh ta không có vẻ gì là sự ân hận, mà ngược lại, chứa đầy sự tin cậy và thậm chí trách móc của một kẻ bị hành hạ đến thân tàn ma dại. Không chịu nổi, Rubashov phải quay mặt nhìn đi chỗ khác.

Từ phía sau, giọng Gletkin lại vang lên, vẫn tự tin và gay gắt như cũ:

“Anh có nhớ ngày tháng không?”

“Tôi nhớ rõ”, Môi Thỏ vẫn nói một cách dịu dàng đến mức khó tin. “Đấy là sau buổi tiếp tân nhân kỷ niệm 20 năm ngày Cách mạng thành công.”

Anh ta vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Rubashov, làm như Rubashov có thể cứu được anh ta vậy. Rubashov đã nhớ, ban đầu còn mù mờ nhưng sau thì rõ hẳn. Bây giờ thì anh nhớ đã gặp Môi Thỏ ở đâu. Nhưng điều đó cũng không gợi trong anh bất kỳ tình cảm nào ngoài sự ngạc nhiên. Quay lại phía Gletkin, mắt nheo lại vì ánh đèn, Rubashov bình tĩnh nói:

“Anh ta nói đúng đấy. Tôi không nhận ra con trai giáo sư Kieffer vì mới gặp anh ta có một lần trước khi anh ta rơi vào tay các người. Phương pháp của các người quả là hiệu nghiệm, rất đáng khen đấy.”

“Nghĩa là anh công nhận có quen với người này, kể cả ngày tháng hai người gặp nhau, đúng không?”

“Tôi đã nói rồi”, Rubashov uể oải đáp. Tâm trạng phấn khích đã không còn, trong đầu lại vang lên những tiếng ù ù như búa gõ như cũ. “Nếu anh nói ngay từ đầu rằng đây là con của giáo sư Kieffer bất hạnh, bạn tôi, thì tôi đã nhận ra anh ta rồi.”

“Trong cáo trạng có đầy đủ tên tuổi ông ta”, Gletkin nói.

“Tôi chỉ biết bí danh của ông ta, tức Giáo sư Kieffer thôi.”

“Chuyện vặt”, Gletkin nói. Hắn lại nhoài người ra phía trước như muốn đè bẹp Môi Thỏ. “Tiếp tục đi. Các anh bàn bạc những chuyện gì?”

“Lại lẫn rồi”, Rubashov tự nhủ, dù lúc ấy anh đã buồn ngủ lắm. “Đấy không phải là chuyện vặt. Nếu quả thật mình định lôi kéo người này vào một âm mưu ngu xuẩn như thế thì chắc chắn chỉ nhắc là mình phải nhớ ngay, cần gì tên tuổi.” Nhưng anh đã quá mệt, không thể nào giải thích được, vả lại muốn giải thích thì anh phải quay mặt về phía ánh đèn. Thà không nói còn hơn.

Trong khi hai người tranh luận thì Môi Thỏ đứng yên, đầu cúi gằm, môi trên mấp máy liên tục, khuôn mặt bệch ra dưới ánh sáng gay gắt của ngọn đèn pha. Rubashov nhớ lại Kieffer, người bạn, người đồng chí cũ, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Cách mạng. Trên những ảnh chụp các đại biểu Đại hội – tất cả đều để râu và đều có một vòng tròn nhỏ đánh số phía trên đầu trông như vầng hào quang – ông ngồi phía bên trái Ông Cụ. Kieffer là trợ lý của Ông Cụ về các vấn đề sử học, là bạn chơi cờ và cũng có thể là người bạn tâm giao duy nhất của Cụ. Là người gần gũi như thế cho nên sau khi Ông Cụ qua đời, Kieffer được giao nhiệm vụ viết tiểu sử của Người. Nhưng cuốn tiểu sử mà Kieffer bỏ ra mười năm mới hoàn tất đã không bao giờ được xuất bản. Trong mười năm đó các sự kiện cách mạng đã được giải thích một cách hoàn toàn khác, vai trò của các nhân vật chính đã được viết lại, các giá trị đã bị xới tung lên hết; nhưng Kieffer kiên quyết không chịu nhượng bộ, ông không chấp nhận cách suy nghĩ của thời kì mới dưới triều của Anh Cả…

“Tôi theo cha”, Môi Thỏ tiếp tục ngân nga, “tham dự Hội nghị Quốc tế về Nhân chủng học, trên đường trở về có ghé vào B. vì cha tôi muốn thăm người bạn cũ của ông, tức là công dân Rubashov…”

Rubashov lắng nghe, tò mò pha lẫn buồn thương. Môi Thỏ nói đúng, ông bạn già Kieffer đã ghé thăm anh, vừa để tâm sự vừa tìm lời khuyên. Buổi tối họ ngồi với nhau có lẽ là những giây phút vui vẻ cuối cùng trong cuộc đời Kieffer trên thế gian này.

“Chúng tôi chỉ có một ngày”, Môi Thỏ vừa nói vừa nhìn chòng chọc vào Rubashov như muốn được giúp đỡ và khích lệ. “Đấy chính là ngày kỷ niệm Cách mạng, vì vậy tôi mới nhớ rõ như thế. Hôm đó Rubashov rất bận nên chỉ gặp bố tôi có một lúc. Nhưng buối tối, khi buổi tiếp tân tại Công sứ quán chấm dứt thì ông ta mời bố tôi đến phòng riêng, tôi được đi theo. Ông Rubashov có vẻ mệt, mặc áo ngủ nhưng tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Ông ta mang ra nào rượu vang, rượu cô nhắc, bánh kẹo, rồi ôm lấy cha tôi và bảo: “Coi như đây là bữa liên hoan của những người Mohican cuối cùng…”

Sau lưng Rubashov bỗng có tiếng Gletkin ngắt lời:

“Anh có nhận thấy rằng Rubashov cố tình chuốc rượu để dễ bề lôi kéo anh tham gia vào âm mưu của ông ta không?”

Rubashov có cảm giác như trên khuôn mặt tả tơi của Môi Thỏ thoáng hiện một cái gì đó như là nụ cười: đây là lần đầu tiên anh thấy người đứng trước mặt có nhiều nét giống chàng thanh niên mà anh từng gặp tối hôm đó. Nhưng nụ cười đã tắt lịm ngay lập tức, Môi Thỏ chớp mắt và thè lưỡi ra liếm đôi môi khô.

“Tôi cũng thấy ngờ ngợ nhưng chưa hiểu được kế hoạch của ông ta.”

“Đồ chó đẻ”, Rubashov thầm nghĩ, “chúng đã làm những gì với nhà ngươi…”

“Tiếp tục đi”, Gletkin lại ra lệnh.

Phải một lúc sau Môi Thỏ mới tập trung được tư tưởng. Người ta nghe rõ tiếng cô thư ký gọt bút chì.

“Rubashov và bố tôi nhắc lại kỷ niệm cũ. Đã lâu họ không gặp nhau. Họ nói về những ngày trước Cách mạng, về cuộc Nội chiến, về những người bạn cũ mà tôi chỉ nghe nói chứ chưa gặp bao giờ. Họ thường nói bóng gió nên không phải lúc nào tôi cũng hiểu, đôi khi họ phá lên cười nhưng tôi cũng không biết họ cười cái gì.”

“Anh có uống nhiều không?”, Gletkin hỏi.

Môi Thỏ chớp mắt liên tục. Rubashov nhận thấy anh ta có vẻ lắc lư, dường như sắp ngã đến nơi.

“Tôi nghĩ là nhiều”, Môi Thỏ tiếp tục. “Mấy năm gần đây tôi chưa thấy bố tôi vui như thế bao giờ.”

“Thế đấy”, Gletkin lại lên tiếng, “ba tháng sau thì bố anh bị kết tội phản động và ba tháng sau nữa thì bị thủ tiêu, đúng không?”

Môi Thỏ lại liếm môi, mắt đờ đẫn nhìn vào ngọn đèn và đứng im, không nói. Rubashov đột ngột quay hẳn lại phía Gletkin, nhưng ánh đèn chói quá đành nhắm mắt và ngoảnh mặt sang hướng khác, rồi lấy kính lau vào ống tay áo. Cô thư ký đã ngừng viết. Một lúc sau mới thấy Gletkin lên tiếng:

“Lúc đó anh đã biết những hoạt động phản cách mạng của bố mình chưa?”

Môi Thỏ lại liếm mép.

“Có”, anh ta đáp.

“Anh biết là Rubashov đồng quan điểm với bố mình.” “Vâng.”

“Hãy kể lại buổi nói chuyện. Không cần đi vào chi tiết.” Môi Thỏ vòng hai tay ra đằng sau, vai tựa vào tường.

“Sau đó bố tôi và ông Rubashov chuyển sang nói về thời hiện tại. Họ chê bai công tác Đảng và các biện pháp của Lãnh tụ. Bố tôi và ông Rubashov gọi Lãnh tụ là Anh Cả. Rubashov bảo rằng từ ngày Anh Cả ngồi vào ghế lãnh tụ thì không khí trong Đảng trở nên ngột ngạt, không thể nào thở được. Chính vì thế mà ông ta xin ra nước ngoài công tác.” Gletkin quay sang Rubashov.

“Nếu tôi không lầm thì chỉ một thời gian ngắn sau đó anh đã công khai tuyên bố trung thành với Lãnh tụ Đảng?”

Rubashov khẽ nghiêng người về phía ánh đèn.

“Đúng như thế”, anh nói.

“Họ có thảo luận ý định đó của Rubashov không?”, Gletkin hỏi Môi Thỏ.

“Có. Bố tôi trách Rubashov và bảo rằng ông rất thất vọng. Rubashov cười và gọi bố tôi là Don Quixote. Ông ta bảo rằng quan trọng là phải sống đã và sẽ chờ cơ hội.”

“Câu ‘chờ cơ hội’ có nghĩa là gì?”

Môi Thỏ lại nhìn Rubashov với ánh mắt tuyệt vọng và thật đáng thương. Anh chỉ muốn đứng dậy và hôn vào trán anh ta. Anh vừa nhếch mép cười cái ý nghĩ kì quặc đó thì đã nghe thấy giọng trầm bổng của Môi Thỏ:

“Đấy là lúc Lãnh tụ bị lật đổ.”

Gletkin đã nhận thấy nụ cười của Rubashov, liền hỏi:

“Kỷ niệm cũ làm anh buồn cười à?”

“Có thể như thế”, Rubashov đáp và nhắm mắt lại.

Gletkin xắn lại tay áo rồi tiếp tục hỏi Môi Thỏ:

“Nghĩa là Rubashov nói đến việc lật đổ Lãnh tụ Đảng. Chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào?”

“Bố tôi cho rằng sự chịu đựng sẽ có giới hạn, Đảng sẽ phế truất ông ta hay buộc ông ta phải từ chức; phe đối lập phải tuyên truyền tư tưởng này cho quần chúng đảng viên.”

“Thế còn Rubashov?”

“Rubashov cười và lại gọi bố tôi là Don Quixote ngốc nghếch. Ông ta nói rằng không phải vô tình mà Anh Cả nắm được quyền lực, đấy là một trong những tính chất của con người, mà cụ thể là niềm tin tuyệt đối vào sự đúng đắn của mình và vì vậy mà cũng tuyệt đối phi luân. Không bao giờ ông ta tự nguyện từ bỏ quyền lực, chỉ có cách là dùng vũ lực. Chẳng thể hi vọng gì vào quần chúng đảng viên được bởi vì Anh Cả nắm hết mọi quyền lực, tất cả các vị trí then chốt đều do bộ máy quan liêu trung thành với ông ta nắm giữ, họ biết rằng sẽ mất hết nếu ông bị loại và vì thế sẽ trung thành đến cùng.”

Mặc dù ngái ngủ, Rubashov cũng phải ngạc nhiên khi nghe thấy chàng trai này nhắc lại một cách chính xác đến như thế ý kiến của anh hôm đó. Chính anh cũng không còn nhớ cụ thể câu chuyện ngày hôm đó, nhưng chắc chắn là Môi Thỏ đã kể lại một cách hoàn toàn chính xác. Rubashov ngạc nhiên nhìn chàng trai, anh lại thấy mình tỉnh táo trở lại.

Giọng Gletkin đã lại oang oang ngay phía sau:

“Nghĩa là Rubashov khẳng định rằng phải dùng vũ lực chống lại Anh Cả, ý tôi muốn nói là chống lại Lãnh tụ Đảng?”

Môi Thỏ gật đầu.

“Lý lẽ của ông ta lại nhân lúc ngà ngà say đã tạo ấn tượng mạnh đối với anh, đúng không?”

Môi Thỏ không trả lời ngay. Một lúc sau anh ta mới đáp, giọng nói nhỏ hơn bình thường:

“Thực ra là tôi không uống. Nhưng tất cả những điều ông ta nói đều rất thuyết phục đối với tôi.” Rubashov gục đầu xuống. Một mối ngờ vực bỗng xoáy vào lòng anh, đau hệt như một vết thương, làm anh quên hết mọi chuyện khác. “Chả lẽ anh chàng tội nghiệp này lại rút ra những kết luận thực tiễn từ những suy nghĩ của chính ta; chả lẽ anh ta, kẻ đang đứng trước luồng ánh sáng chói chang kia lại là hiện thân của lý thuyết mà ta từng theo đuổi hay sao?”, Rubashov tự hỏi.

Gletkin không để anh kết thúc luồng suy nghĩ. Cái giọng the thé của hắn đã lại vang lên:

“…Sau khi chuẩn bị về mặt lý luận là đến chỉ thị hành động à?”

Môi Thỏ không đáp, chỉ chớp chớp mắt vì chói quá.

Gletkin đứng đợi. Rubashov ngẩng đầu lên. Thời gian cứ thế trôi, chỉ nghe thấy tiếng tí tách của chiếc đèn pha; rồi giọng Gletkin, lần này còn khô khan và đúng mực hơn:

“Anh có muốn giúp đỡ để nhớ lại không?”

Gletkin cố ý phát âm một cách lãnh đạm, nhưng nghe xong Môi Thỏ bỗng giật bắn người lên như vừa bị quất roi vào lưng vậy. Anh ta lại liếm môi, trong ánh mắt thoáng hiện nỗi sợ hãi của một con vật bị đuổi đến đường cùng. Sau đó giọng anh ta lại vang lên thánh thót:

“Không, chiều hôm đó thì không, mãi sáng hôm sau, khi chúng tôi gặp riêng thì ông ta mới nói như thế.”

Rubashov mỉm cười. Dĩ nhiên là thằng Gletkin đã chuyển câu chuyện tưởng tượng này sang ngày hôm sau vì tuy ngu nhưng nó cũng biết rằng không bao giờ ông Kieffer lại chịu để cho người ta lôi kéo con mình vào trò đầu độc như thế… Rubashov đã quên cơn choáng váng vừa rồi, anh quay lại phía ánh đèn rồi vừa nheo mắt vừa hỏi:

“Tôi nghĩ rằng bị đơn cũng có quyền hỏi khi đối chất?”

“Anh có quyền”, Gletkin đáp.

Rubashov lại quay sang phía chàng trai và nói với anh ta:

“Theo tôi nhớ thì anh đã tốt nghiệp đại học tổng hợp ngay trước chuyến đi.”

Đây là lần đầu tiên Rubashov nói với Môi Thỏ; ánh mắt anh ta lại loé lên sự tin cậy và niềm hi vọng. Môi Thỏ gật đầu.

“Thế ra tôi nhớ không sai”, Rubashov nói. “Nếu tôi nhớ không lầm nữa thì lúc đó anh có ý định xin vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Lịch sử của cha mình. Ước mơ của anh có thành hiện thực không?”

“Có”, Môi Thỏ đáp, và sau một hồi lưỡng lự, anh ta nói thêm: “Sau khi bố bị bắt thì tôi cũng bị cho thôi việc.”

“Rõ rồi”, Rubashov nói. “Anh không thể ở lại Viện và phải tìm công việc khác…”. Ngừng lại một lúc, rồi quay sang Glekin, Rubashov tiếp:

“…Điều đó chứng tỏ rằng trước khi gặp nhau, tôi cũng như cậu thanh niên này không thể biết anh ta sẽ làm gì trong tương lai cho nên việc xúi giục anh ta đầu độc là không khả thi ngay cả về mặt lý thuyết.”

Tiếng xột xoạt của ngòi bút chì trên mặt giấy đột ngột ngừng bặt. Dù không nhìn lại, Rubashov cũng biết rằng cô thư ký đã ngừng viết và đã quay khuôn mặt trái xoan của cô ta về phía Gletkin. Môi Thỏ cũng nhìn chằm chằm vào Gletkin, nhưng trong ánh mắt đã không còn niềm hi vọng nữa, chỉ còn sự bối rối và nỗi sợ hãi. Rubashov bỗng có cảm giác như niềm hân hoan đã nhạt hẳn, có cảm tưởng như đã cắt đứt con đường dẫn tới chiến công vang dội. Quả nhiên giọng Gletkin càng lạnh lùng và nghiêm khắc hơn:

“Anh còn hỏi gì nữa không?”

“Tạm thời thì chỉ thế thôi”, Rubashov đáp.

“Không ai khẳng định rằng anh bảo phải đầu độc”, Gletkin bình tĩnh nói. “Anh hạ lệnh giết, người thực hiện có thể lựa chọn biện pháp.” Hắn quay về phía Môi Thỏ: “Có phải thế không?”

“Vâng”, Môi Thỏ đáp, giọng nói đã bớt căng thẳng.

Rubashov nhớ là lời buộc tội có ghi “xúi giục hạ sát bằng cách đầu độc”, nhưng anh bỗng nhận ra rằng mọi sự chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Dù anh chàng Michael này có thực sự làm cái việc điên rồ ấy hay chỉ dự định làm một chuyện gì đại loại như thế hay tất cả hoặc một phần lời thú nhận đều do người ta mớm cho thì đấy cũng chỉ là để trình diễn tại toà chứ chẳng liên quan gì đến tội lỗi của anh. Điều quan trọng là cái hình nhân tội nghiệp kia chính là hiện thân của con đường mà anh đã đi qua. Vai trò đã thay đổi, không phải Gletkin mà chính là anh, Rubashov, đã làm rối sự việc bằng cách “chẻ sợi tóc ra làm tư”. Lời buộc tội mà cho đến lúc đó anh vẫn coi là phi lý thực ra chỉ đưa thêm vào, dù có vẻ vụng về và thô thiển, những mắt xích còn thiếu để tạo ra một mớ lý luận hoàn hảo mà thôi.

Nhưng Rubashov cho rằng lời buộc tội vẫn còn một điểm chưa hoàn toàn đúng. Song anh đã kiệt sức, không thể suy nghĩ thấu đáo và nói cho gẫy gọn được nữa.

“Anh còn hỏi gì nữa không?”, Gletkin lên tiếng.

Rubashov lắc đầu.

“Anh có thể đi được rồi”, Gletkin bảo Môi Thỏ. Hắn bấm chuông. Một nhân viên bảo vệ bước vào, khoá tay Môi Thỏ, đưa đi. Trước khi bước ra khỏi cửa Môi Thỏ còn ngoái lại nhìn

Rubashov, như anh ta vẫn thường làm sau mỗi lần đi dạo ngoài sân trại. Đối với Rubashov đây quả là một gánh nặng, anh tháo kính và lau vào ống tay áo rồi quay mặt đi.

Khi cánh cửa đã đóng lại thì Rubashov bỗng cảm thấy phát ghen với Môi Thỏ. Nhưng tiếng Gletkin như đã xoáy vào màng nhĩ:

“Anh có công nhận rằng lời khai của Kieffer phù hợp với những điểm chính của kết luận điều tra không?”

Rubashov lại phải quay về phía ánh đèn. Tiếng réo ù ù đập bập bùng trong màng nhĩ, còn ánh sáng nóng và chói thì như xuyên thủng cả mí mắt. Nhưng anh không bỏ qua mấy từ “những điểm chính”. Đấy là cách để Gletkin sửa chữa sai lầm, chuẩn bị thay “xúi giục hạ sát bằng cách đầu độc” sang “xúi giục hạ sát”.

“Phù hợp ở những điểm chính”, Rubashov nói.

Có tiếng thắt lưng lạch cạch, cô thư ký cũng ngọ nguậy trên ghế. Rubashov biết rằng đối với họ, anh vừa nói một câu có tính quyết định và đã thú nhận tội lỗi của mình. Làm sao bọn Neanderthal đời mới này biết được quan điểm của anh về chân lý và sự công bằng?

“Ánh sáng có làm anh khó chịu không?”, Gletkin bất ngờ hỏi.

Rubashov mỉm cười. Gletkin thanh toán đây. Đấy là tâm lý của lũ người Neanderthal. Nhưng khi ánh đèn vừa dịu đi một chút là Rubashov đã cảm thấy nhẹ nhõm, thậm chí một cái gì đó như lòng biết ơn.

Mặc dù ánh sáng vẫn còn gay gắt, nhưng Rubashov đã có thể nhìn thẳng vào mặt Gletkin. Anh nhìn thấy một vết sẹo lớn trên cái đầu cạo trọc.

“…Trừ một điểm mà tôi cho là cực kì quan trọng”, Rubashov nói.

“Cụ thể là điểm nào?”, Gletkin hỏi, vẫn với giọng cứng rắn và lạnh lùng như cũ.

“Dĩ nhiên là nó nghĩ rằng mình sẽ nói đến buổi gặp gỡ tay đôi với anh chàng kia”, Rubashov tự nhủ. “Đối với hắn thì đây là điều quan trọng: mọi thứ đều phải tròn trịa, dù có hơi lem luốc cũng không sao. Dĩ nhiên hắn cho rằng như thế là đúng…”

“Điểm này liên quan đến tôi”, Rubashov nói thành lời. “Đúng như bản luận tội, lúc đó tôi đã nói đến sự cần thiết của bạo lực. Nhưng ý tôi muốn nói là hành động chính trị chứ không phải là khủng bố cá nhân.”

“Nghĩa là nội chiến chứ gì?”, Gletkin nói.

“Không. Hành động của quần chúng.”

“Như chính anh cũng biết, hành động đó nhất định sẽ đưa đến nội chiến. Đấy là sự khác biệt mà anh cho là quan trọng à?”

Rubashov không trả lời. Trước đây vài phút anh cho đấy là điều cực kỳ quan trọng, nhưng nay thì không. Trên thực tế, nếu phe đối lập chỉ có thể thắng được bộ máy quan liêu của Đảng bằng một cuộc nội chiến thì giải pháp này có gì hay hơn là trộn một ít thuộc độc vào bữa ăn nhẹ của Anh Cả, cái chết của ông ta có thể sẽ làm cho chế độ sụp đổ một cách mau hơn và ít tốn xương máu hơn? Giết một người chả lẽ lại không tốt hơn là giết nhiều người hay sao? Chàng thanh niên tội nghiệp kia có thể đã không hiểu ý anh, nhưng có thể ngay cả khi lầm lẫn như thế anh ta vẫn hành động một cách nhất quán hơn là thái độ của anh trong mấy năm vừa qua?

Đã phản đối chế độ độc tài thì phải coi nội chiến là phương tiện. Không chấp nhận nội chiến thì phải từ bỏ đối lập và chung sống với độc tài.

Mấy câu này anh viết đã lâu, đấy là trong cuộc bút chiến với các nhân vật gọi là “cải lương”, hoá ra lại là bản án dành cho chính mình. Không còn sức tranh luận với Gletkin nữa. Anh cảm thấy thanh thản sau khi biết rằng mình đã thất bại hoàn toàn: cuộc chiến đã chấm dứt, trách nhiệm cũng không còn, cơn buồn ngủ lập tức ập tới, không gì cưỡng lại nổi. Tiếng ù ù ở trong đầu lập tức dịu hẳn, có cảm giác như không phải Gletkin mà là Anh Cả đang ngồi ở kia, với ánh mắt cười cợt đầy cảm thông khi họ bắt tay lần cuối cùng trước lúc chia tay. Anh chợt nhớ đến hàng chữ ghi trên cổng ra vào nghĩa trang Errancis, nơi chôn Saint–Just, Robespierre và mười sáu đồng chí của họ:

Dormir – Ngủ

Từ đó cho đến hết buổi thẩm vấn, Rubashov không còn nhớ được rõ như trước nữa. Có lẽ anh đã ngủ thiếp đi một lúc, vài phút mà cũng có thể là vài giây, nhưng lần này thì hình như không mơ thấy gì hết. Anh được Gletkin gọi dậy để ký biên bản. Anh cầm chiếc bút máy và cảm thấy ghê ghê vì nó vẫn còn ấm vì vừa được lấy từ túi áo của Gletkin ra xong. Cô thư ký đã ngừng viết, một sự im lặng nặng nề bao trùm lên toàn bộ căn phòng. Cái đèn pha cũng không còn kêu cọt kẹt nữa, ánh sáng cũng đã dịu, thậm chí hơi nhạt; bên ngoài cửa sổ, một ngày mới đã bắt đầu.

Rubashov ký. Cảm giác nhẹ nhõm và phó mặc vẫn còn mặc dù anh không biết tại sao lại như thế, rồi vừa gà gật anh vừa đọc biên bản, trong đó anh thú nhận rằng đã xúi giục Michael Kieffer đầu độc Lãnh tụ Đảng. Bỗng nhiên anh có cảm giác rằng đây là một sự hiểu lầm tai hại, chỉ muốn xoá ngay chữ ký và xé quách tờ giấy, nhưng may mà cảm giác này trôi qua rất nhanh, anh trả tờ giấy cho Gletkin và lấy kính lau vào ống tay áo.

Việc tiếp theo anh còn nhớ được là đang đi ngoài hành lang, bên cạnh tay bảo vệ cao to, không biết từ bao giờ, chính người này đã từng đưa anh đến phòng Gletkin. Nửa thức nửa ngủ, anh đi ngang qua buồng cắt tóc, cầu thang xoắn; nhớ lại nỗi sợ hãi lúc đi qua đây anh khẽ mỉm cười. Sau khi nghe thấy tiếng đóng cửa anh liền khoan khoái ngã lăn ra giường; ánh bình minh màu xám nhạt chiếu qua khung cửa sổ có tờ báo nhét ở phía trên, anh thiếp ngủ ngay lập tức.

Khi có người mở cửa buồng giam – trời vẫn chưa sáng hẳn – anh mới ngủ được khoảng một tiếng đồng hồ. Anh tưởng là đã đến bữa ăn sáng; nhưng bên ngoài không phải là người giám thị già mà là tay bảo vệ cao to. Rubashov hiểu rằng anh phải quay lại chỗ Gletkin và việc lấy cung sẽ tiếp tục.

Anh lau trán và cổ bằng nước lạnh ngay cạnh bồn rửa mặt, đeo kính lên và tiếp tục bước theo hành lang, qua buồng cắt tóc và cầu thang xoáy mà không nhận ra rằng chính mình đã lắc lư theo nhịp bước khi đi xuống cầu thang.

Comments are closed.