Vòng tròn ma thuật (kỳ 3)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

9.

Pietà… Đấy là một buổi chiều, thứ hai đầu tuần, trong một phòng tranh ở miền Nam nước Đức. Gian phòng vắng ngắt, chỉ có Rubashov và một thanh niên đã hẹn gặp từ trước; họ ngồi nói chuyện cạnh một cái bàn tròn giữa căn phòng trống, các bức tường xung quanh treo đầy những bức tranh phụ nữ hở hang do các họa sĩ Flemish nổi tiếng một thời vẽ. Chuyện xảy ra vào năm 1933, những tháng đầu tiên của vụ khủng bố, trước khi Rubashov bị bắt không lâu. Phong trào ở Đức đã bị dẹp tan, các đảng viên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị truy lùng và đánh đập cho đến chết. Đảng đã tan rã, nó giống như một con vật ngàn đầu, ngàn tay nhưng đang mất máu một cách nghiêm trọng. Trong những chi bộ riêng lẻ, hoạt động vẫn còn diễn ra nhưng thực ra đấy chỉ là những cú co giật của một con thú đã bị tử thương. Các nhóm nhỏ may mắn sống sót sau tai họa vẫn có mặt khắp nơi và đã đi vào hoạt động bí mật. Họ hẹn gặp nhau khi thì dưới tầng hầm, khi thì ở trong rừng, khi thì ở ga xe lửa, viện bảo tàng và câu lạc bộ thể thao. Họ phải thường xuyên thay đổi chỗ ở, thay đổi họ tên và cả thói quen nữa. Họ chỉ biết nhau qua bí danh và không bao giờ được hỏi địa chỉ của nhau. Số phận người này phụ thuộc vào người kia nhưng chả ai dám tin ai. Họ bí mật in truyền đơn để tự khẳng định và thuyết phục người khác rằng họ vẫn còn sống. Ban đêm họ luồn lọt trong những khu phố vắng ngoại ô và viết lên tường những khẩu hiệu cũ để chứng tỏ rằng họ vẫn tiếp tục hoạt động. Họ trèo lên ống khói nhà máy và treo lên đó những lá cờ cũ để chứng tỏ rằng họ vẫn còn hiện diện đâu đây. Chẳng có mấy người đọc truyền đơn, chỉ nhìn thấy chúng là người ta đã phát run lên rồi; khẩu hiệu thì bị xoá ngay, cờ thì bị xé bỏ, nhưng chúng lại xuất hiện, khi chỗ này, khi chỗ khác. Vì những nhóm nhỏ vẫn có mặt khắp nơi, họ tự gọi mình là “tử sĩ biết đi” và dành toàn bộ cuộc đời còn lại để chứng minh rằng mình vẫn còn sống.

Các nhóm này không thể liên lạc được với nhau vì đầu não của Đảng đã bị tiêu diệt, họ phải hoạt động một cách độc lập. Nhưng rồi các nhóm bắt đầu đưa người đi bắt liên lạc với các nhóm khác. Từ nước ngoài các thương nhân có vẻ giàu có với hộ chiếu giả và va li hai đáy với những tài liệu hướng dẫn bắt đầu thâm nhập khắp nơi. Họ thường bị bắt, bị tra tấn và bị giết. Người này chết thì có người khác đến thay. Đảng đã chết, nhưng cơn hấp hối thì vẫn tiếp tục, các lãnh tụ ở nước ngoài vẫn đưa vào cơ thể đã cứng ngắc của Đảng dòng điện kích hoạt để chân tay của nó tiếp tục lên những cơn co giật.

Pietà… Rubashov đi đi lại lại trong phòng, sáu bước rưỡi ra rồi sáu bước rưỡi vào, anh đã quên 402 rồi. Anh thấy mình đang ngồi bên chiếc bàn tròn trong phòng tranh, nồng nặc mùi bụi và mùi véc–ni. Anh đã đi thẳng từ nhà ga đến đây, trước giờ hẹn mấy phút. Anh tin rằng không có cái đuôi nào bám theo cả. Anh đã cất chiếc va li đựng dụng cụ chữa răng đời mới nhất do một công ty Đan Mạch chế tạo trong tủ chứa đồ của phòng tranh. Anh ngồi cạnh chiếc bàn tròn, say sưa ngắm những bức vẽ phụ nữ hở hang treo đầy trên tường và đợi.

Chàng trai mang tên Richard, cầm đầu tổ chức Đảng trong thành phố đến muộn mất mấy phút. Anh ta chưa gặp Rubashov bao giờ, dĩ nhiên là Rubashov cũng chưa bao giờ gặp anh ta. Rubashov đặt trên đầu gối cuốn Faust của Goethe, đấy là tín hiệu nhận dạng. Vừa nhận ra cuốn sách, người thanh niên lập tức nhìn quanh rồi đến ngồi bên cạnh Rubashov. Anh ta có vẻ ngượng nên ngồi cách xa Rubashov, mũ đặt trên đầu gối. Anh ta vốn là thợ chữa khóa nhưng lúc này lại diện bộ com–lê màu đen vì nếu mặc đồng phục bảo hộ mà vào bảo tàng viện thì bị nghi ngờ ngay.

“Xin lỗi, tôi đến muộn”, anh ta bảo.

“Không sao”, Rubshov đáp. “Trước hết cho xem qua người của anh. Anh có mang theo danh sách chứ?”

Chàng trai mang tên Richard vừa lắc đầu vừa nói: “Tôi không có danh sách. Tôi nhớ hết mọi người, cả họ tên lẫn địa chỉ.”

“Thôi được”, Rubashov bảo. “Nhưng nếu chúng bắt được anh thì sao?”

“Danh sách thì có”, Richard nói, “nhưng tôi đưa cho Anny giữ rồi. Cô ấy là vợ tôi, anh ạ.”

Richard ngừng lời và nuốt nước miếng, cục yết hầu giật lên giật xuống liên hồi. Sau đó, đây là lần đầu tiên kể từ lúc hai người gặp nhau, anh ta nhìn thẳng vào mặt Rubashov. Hai con ngươi anh ta hơi lồi, đỏ đọc, với những tia máu chằng chịt; đôi gò má và cằm lún phún râu.

“Chúng bắt được cô ấy đêm hôm qua, anh ạ”, anh ta vừa nói vừa nhìn Rubashov như thể Rubashov, một phái viên của Ban Chấp hành Trung ương, thi triển được phép lạ và cứu được vợ anh ta vậy.

“Thế à?”, Rubashov vừa hỏi vừa lau kính vào ống tay áo.

“Bản danh sách rơi vào tay cảnh sát rồi chứ?”

“Không”, Richard đáp, “vì khi chúng tới thì trong nhà còn có một người chị dâu của tôi nữa, Anny đã kịp đưa bản danh sách cho chị ấy. Chị ấy thì theo chúng ta nhưng chồng lại là cảnh sát nên không sao đâu.”

“Tốt rồi”, Rubashov nói. “Thế lúc vợ bị bắt thì anh đang ở đâu?”

“Chuyện là thế này”, Richard trả lời. “Đã ba tháng nay tôi không ngủ ở nhà rồi. Chả là tôi có một người bạn làm nghề chiếu phim, khi rạp phim đóng cửa thì tôi có thể ngủ ở trong buồng chiếu phim. Có thể trèo từ ngoài phố, theo cầu thang cứu hỏa. Còn được xem phim miễn phí nữa…” Anh ta lại ngừng để nuốt nước bọt. Anny cũng được anh ta cho vé miễn phí, khi đèn tắt thì cô ấy có thể quay lại, nhìn lên buồng chiếu. Cô ấy không nhìn thấy tôi, nhưng đôi khi tôi có thể nhìn rõ mặt cô ấy, nhất là khi màn ảnh có nhiều ánh sáng…”

Richard lại ngừng. Trước mặt họ là bức tranh “Ngày phán xử cuối cùng”: những tiểu thiên thần tóc quăn, mông múp míp vừa thổi kèn vừa bay vào những đám mưa dông. Bên trái là một bức tranh của một họa sĩ Đức; phần lớn bức tranh bị đầu Richard và thành ghế che khuất, Rubashov chỉ nhìn thấy một phần, đấy là đôi bàn tay gày guộc của Đức Mẹ Đồng Trinh đưa ra phía trước và hơi khum lại như một cái bát cùng với một khoảng trời nhỏ không một gợn mây. Richard ngồi bất động như thế trong suốt buổi nói chuyện.

“Thế hả?”, Rubashov nói. “Cô ấy bao nhiêu tuổi?” “Mười bảy”, Richard đáp.

“Thế hả? Còn anh bao nhiêu?”

“Mười chín.”

“Có mấy cháu rồi?”, vừa hỏi Rubashov vừa nghển cổ lên nhưng anh vẫn không nhìn thấy phần còn lại của bức tranh.

“Đây là cháu đầu”, Richard đáp. Anh vẫn ngồi bất động như một pho tượng.

Họ ngồi yên lặng một lúc, sau đó Rubashov yêu cầu cung cấp tên tuổi các đảng viên. Có khoảng ba mươi người. Rubashov hỏi thêm vài câu và ghi tên một số người vào cuốn sổ đặt hàng của hãng chế tạo dụng cụ chữa răng Đan Mạch. Anh ghi tên những người này xen giữa danh sách những bác sĩ chữa răng và những người nổi tiếng trong thành phố mà anh đã ghi từ một cuốn danh bạ điện thoại. Sau đó Richard nói:

“Bây giờ tôi xin báo cáo công tác của chúng tôi.”

“Được”, Rubashov đáp, “nói đi.”

Richard báo cáo. Anh ta vẫn ngồi bất động như thế, người hơi cúi về phía trước, hai bàn tay thô ráp và ửng đỏ đặt trên đầu gối. Anh kể về việc treo cờ trên ống khói nhà máy, về những khẩu hiệu viết trên tường, về những tờ truyền đơn dán trong phòng vệ sinh với một giọng đều đều và mệt mỏi như một nhân viên kế toán báo cáo sổ sách với ông chủ. Trước mặt anh ta là các thiên thần vừa thổi kèn vừa bay vào những đám mây dông, còn đầu anh thì che mất một phần bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh với đôi bàn tay gầy guộc đang đưa ra phía trước; còn trên tất cả các bức tường xung quanh là những phụ nữ da thịt, đùi vế ngồn ngộn đang nhìn xoáy vào họ.

Ngực trắng như bọt li sâm banh đầy, Rubashov chợt nhớ lại. Anh đứng trên hàng gạch đen thứ ba kể từ cửa sổ và chú ý lắng nghe xem 402 còn gõ nữa không. Không một tiếng động nhỏ. Anh đến gần lỗ nhòm để nhìn sang buồng 407 nơi ban nãy có người tù đưa bàn tay gầy gò ra nhận mấy mẩu bánh mì. Nhưng tất cả chỉ là một tấm cửa bằng thép xám với một lỗ nhòm màu đen bé tí. Hành lang vẫn chìm trong ánh điện vô hồn và yên ắng như cũ, thật khó tin rằng đằng sau những cái cánh cửa kia lại có con người đang sống.

Rubashov bình thản lắng nghe Richard báo cáo. Trong số ba mươi người được Richard xâu chuỗi sau thảm họa chỉ còn mười bảy người hoạt động. Hai người, một là công nhân và vợ anh ta đã nhảy ra khỏi cửa sổ và hi sinh trước khi bị bắt. Một người đào ngũ, và không ai biết hiện nay anh ta đang ở đâu. Hai người bị nghi là mật vụ, nhưng cũng không chắc lắm. Ba người ra khỏi Đảng để phản đối chính sách của Ban Chấp hành Trung ương. Năm người, kể cả Anny bị bắt đêm qua, trong đó ít nhất có hai người đã chết. Như vậy là chỉ còn lại mười bảy người tiếp tục tham gia rải truyền đơn và viết biểu ngữ lên tường.

Richard thuật lại một cách tỉ mỉ nhằm giúp Rubashov hiểu rõ tất cả các mối liên hệ cá nhân và những vụ việc quan trọng; anh không biết rằng Ban Chấp hành Trung ương đã cài người của mình vào trong nhóm và người này đã báo cáo với Rubashov từ trước rồi. Anh cũng không biết rằng người này chính là bạn anh, tức là anh chàng nhân viên rạp chiếu bóng mà đêm đêm anh vẫn ghé ngủ nhờ; anh cũng không biết rằng người này chính là tình nhân của Anny. Richard không biết, nhưng Rubashov thì biết. Phong trào đã tan rã, nhưng Cục Bảo vệ và Cục Phản gián thì vẫn còn hoạt động và Rubashov chính là người đứng đầu tổ chức này. Chuyện này Richard cũng không biết, anh chỉ biết rằng Anny đã bị bắt, nhưng việc rải truyền đơn và kẻ khẩu hiệu thì vẫn phải tiếp tục làm; anh chỉ biết rằng Rubashov là phái viên của Trung ương, anh phải tin yêu như cha ruột mình nhưng đồng thời không được hé lộ bất cứ biểu hiện tình cảm hay sự dao động nào, dù là nhỏ nhất. Vì những kẻ ủy mị và dao động thì không thể thực hiện được nhiệm vụ, sẽ bị khai trừ và rơi vào bóng tối cô đơn.

Có tiếng chân bước ngoài hành lang. Rubashov bước lại

phía cửa, tháo kính và ghé sát mắt vào lỗ nhòm. Hai bảo vệ có đeo súng lục trên thắt lưng da đang dẫn giải một thanh niên có dáng nông dân, phía sau là người giám thị tay cầm một chùm chìa khoá. Nét mặt người tù mới không có một chút biểu hiện tình cảm nào, nhưng một con mắt thì sưng húp còn môi thì có một vệt máu khô; khi đi ngang buồng Rubashov anh ta bỗng giơ tay lên quệt vết máu đang rỉ ra ở mũi. Đoàn người khuất dần, phía xa có tiếng cửa mở rồi đóng lại. Chỉ có hai bảo vệ và người giám thị quay lại.

Rubashov tiếp tục đi bách bộ trong phòng. Trí tưởng tượng lại đưa anh trở về quá khứ, anh thấy mình như đang ngồi bên cái bàn tròn, Richard vừa báo cáo xong, xung quanh thật là yên tĩnh. Anh ta vẫn ngồi bất động như cũ, hai tay để trên đầu gối, chờ đợi. Như một con chiên vừa xưng tội xong. Rubashov yên lặng hồi lâu. Sau đó mới khẽ hỏi:

“Hết rồi hả?”

Richard gật đầu, cục yết hầu lại giật mạnh.

“Có một vài chỗ chưa rõ lắm”, Rubashov bảo. “Anh đã nói đến các khẩu hiệu và những tờ truyền đơn mà các anh tự làm. Chúng tôi đã phê bình nội dung những cái này nhiều lần rồi. Có một số câu Đảng không thể nào chấp nhận được.”

Richard hốt hoảng nhìn Rubashov, mặt anh ta đỏ lựng lên, những vệt máu trong con ngươi càng rõ hơn và dầy thêm.

“Mặt khác”, Rubashov tiếp tục, “chúng tôi vẫn thường xuyên gửi cho các đồng chí tài liệu để phân phát cho quần chúng, trong đó có những văn bản của Ban Chấp hành Trung ương. Các đồng chí có nhận được không?”

Richard gật đầu, mặt anh ta vẫn còn chưa hết đỏ.

“Nhưng các đồng chí đã không cho phân phát tài liệu do chúng tôi cung cấp; trong báo cáo không thấy nói gì đến chuyện đó cả. Trong khi đó các đồng chí lại cho phân phát những tài liệu chưa được Đảng chấp thuận.”

“Chúng…chúng tôi buộc…buộc phải làm…làm như…như thế”, khó khăn lắm Richard mới nói được câu đó.

Rubashov chăm chú ngắm chàng thanh niên, trước đó anh không hề biết rằng chàng ta có tật nói lắp. “Kỳ nhỉ”, anh chợt nghĩ, “đây là tay nói lắp thứ ba mình gặp trong hai tuần qua. Hoàn cảnh đã làm người ta như thế hay là bản thân phong trào chỉ thu hút được những kẻ bất thành nhân thế này…?”

“Các…các đồng…đồng chí phải…phải thông…thông cảm”, Richard tiếp tục một cách tuyệt vọng. “Tài…tài liệu của…của các đồng… đồng chí nặng…nặng nề quá…”

“Nói nhỏ thôi”, Rubashov gắt, “đừng quay đầu ra ngoài cửa.”

Một chàng trai mặc đồng phục màu đen của quân cận vệ tay ôm ngang eo cô bạn gái tóc vàng, còn tay cô ta thì đặt trên vai anh chàng vừa bước vào phòng tranh. Họ dừng lại trước bức tranh các tiểu thiên thần thổi kèn, lưng quay về phía Rubashov và người đồng sự.

“Nói tiếp đi”, Rubashov nói như ra lệnh rồi lấy bao thuốc lá ra. Nhưng sau đó chợt nhớ rằng không được hút thuốc trong viện bảo tàng, anh lại cho thuốc lá vào túi. Richard ngồi yên như thể bị thôi miên, anh ta nhìn trừng trừng hai người mới vào. “Nói tiếp đi”, Rubashov nhắc lại. “Anh nói lắp từ bé à? Nói đi. Đừng nhìn họ như thế.”

“Đôi…đôi…đôi khi”, phải cố gắng lắm Richard mới nói xong được mấy từ.

Đôi trai gái tiếp tục ngắm tranh. Họ dừng lại trước bức tranh vẽ người phụ nữ khỏa thân đang nằm trên giường, mặt hướng về phía người xem. Chàng trai thì thầm cái gì đó, chắc là buồn cười, chỉ thấy cô gái khúch khích cười và đưa mắt liếc nhanh về phía Rubashov và Richard. Họ bước đến trước bức tranh vẽ tĩnh vật là mấy con gà lôi đã chết với vài quả táo.

“Chúng ta đi chứ?”, Richard thì thầm.

“Không”, Rubashov đáp. Anh sợ rằng trong lúc bối rối như thế, nếu đứng lên Richard nhất định sẽ bị lộ. “Họ sẽ ra bây giờ đấy. Họ đứng sau chúng ta, không nhìn thấy đâu. Anh hãy thở thật chậm và sâu mấy lần. Tốt lắm đấy.”

Cô gái vẫn còn khúc khích cười trong khi hai người đang bước dần ra ngoài. Khi đi ngang, cả hai đều quay đầu nhìn về phía Rubashov và Richard. Sau đó, khi đã gần bước ra khỏi phòng cô gái bỗng đưa tay chỉ vào bức tranh Pietà và họ dừng lại cạnh bức tranh.

“Tôi nói lắp khó nghe lắm à?”, Richard khẽ hỏi, mắt nhìn xuống dưới sàn nhà.

“Hãy cố gắng tự chủ”, Rubashov đáp. Anh không muốn câu chuyện tỏ ra thân mật.

“Không sao. Chỉ một lúc là hết mà”, Richard nói, cục yết hầu lại giật lên giật xuống không ngừng. “Anny vẫn thường diễu tôi chuyện này đấy.”

Trong khi hai người kia chưa đi ra thì Rubashov không thể lái câu chuyện theo đúng hướng được. Anh chàng mặc đồng phục đen đang tì hẳn lưng vào thành ghế của Rubashov. Nhưng mối hiểm nguy lại làm cho chàng thanh niên bớt ngại ngùng, anh ta thậm chí còn xích lại gần Rubashov thêm một chút.

“Nhưng dù sao thì cô ấy vẫn yêu tôi”, anh ta thì thầm, gần như không còn nói lắp nữa. “Tôi chẳng thể nào hiểu được cô ấy. Cô ấy không thích có con, nhưng không làm thế nào được. Có thể bọn chúng sẽ không hành hạ vì cô ấy đang có bầu cũng nên. Tuy chưa trông rõ lắm. Chả lẽ chúng đánh cả đàn bà chửa à?”

Richard hất hàm về phía anh chàng mặc đồng phục. Đúng lúc đó anh chàng kia cũng ngoái lại, bốn mắt nhìn nhau trong giây lát. Anh chàng mặc đồng phục thầm thì gì đó với cô bạn gái; cô ta cũng quay đầu lại. Rubashov bóp chặt bao thuốc lá, nhưng lần này không rút ra. Cô gái cũng ghé tai anh chàng thì thầm gì đó rồi kéo bạn trai theo mình. Hai người chậm rãi bước ra khỏi phòng, sau khi họ đã ra đến bên ngoài người ta vẫn còn nghe thấy tiếng cô cười. Tiếng bước chân xa dần, xa dần rồi tắt hẳn.

Richard xoay người và nhìn theo cho đến khi họ đi khuất hẳn. Lúc anh ta xoay nghiêng, Rubashov có điều kiện nhìn rõ bức tranh hơn; thì ra đấy là đôi tay Đức Mẹ Đồng Trinh gầy guộc, nhỏ như bàn tay của một đứa trẻ, đang hướng về phía cây thánh giá nắm khuất bên trong.

Rubashov nhìn đồng hồ. Chàng thanh niên vô tình ngồi dịch ra xa một chút.

“Chúng ta thống nhất thế này”, Rubashov nói. “Nếu tôi không lầm thì các anh cố tình không phân phát các tài liệu do chúng tôi cung cấp vì không đồng ý với nội dung của chúng. Nhưng chúng tôi cũng hoàn toàn không đồng ý với nội dung các tờ truyền đơn của các anh. Hậu quả chắc chắn là phải có.”

Richard ngước đôi mắt đầy những tia máu đỏ nhìn Rubashov.

“Chính đồng chí cũng biết rằng các tài liệu đó nói toàn những chuyện nhảm nhí”, Richard chán nản trả lời. Anh ta không còn nói lắp nữa.

“Không, tôi chẳng biết gì cả”, Rubashov đáp cộc lốc.

“Các anh làm như chưa có chuyện gì xảy ra vậy”, Richard vẫn nói với giọng mệt mỏi như cũ. “Chúng đã đánh cho Đảng tơi tả thế mà các anh vẫn viết về ý chí quyết thắng giống hệt báo chí thời Đại chiến vậy. Người ta sẽ nhổ vào những tài liệu như thế. Các anh phải biết điều đó chứ.”

Rubashov nhìn xéo chàng trai, anh ta hơi cúi về phía trước, khuỷu tay đặt lên đầu gối, cằm chống lên hai nắm tay.

“Đây là lần thứ hai anh định gán cho tôi quan điểm của anh. Tôi đề nghị chấm dứt kiểu đó đi”, Rubashov nói.

Richard ngước nhìn, trong tròng mắt đỏ đọc của anh ta ánh lên mối ngờ vực. Rubashov vẫn tiếp tục nói:

“Đảng đang trải qua giai đoạn thử thách khắc nghiệt. Các đảng cách mạng khác cũng đã từng phải vượt qua những giai đoạn còn khó khăn hơn. Nhân tố quyết định là ý chí quyết thắng của con người. Những kẻ ủy mị và dao động thì không thể đứng trong hàng ngũ của chúng ta được. Những kẻ cố tình gây ra cảnh hoảng loạn là tay sai của kẻ thù đấy. Động cơ là gì thì cũng vậy thôi. Họ đang phá hoại phong trào và sẽ bị xử lý thích đáng.”

Richard quay mặt về phía Rubashov, cằm vẫn chống lên hai nắm tay như cũ.

“Hóa ra tôi đã phá hoại phong trào”, anh ta nói. “Hoá ra tôi là tay sai của kẻ thù. Hay là tôi được chúng trả tiền để làm chuyện đó? Cả Anny cũng thế à…?”

“Trong các tờ truyền đơn mà anh nói là do anh viết”, giọng Rubashov vẫn khô khan như cũ, “có những câu như: Chúng ta đã bị thất bại, Đảng đã gặp phải tai họa, chúng ta phải khởi sự từ đầu và phải thay đổi đường lối một cách toàn diện. Đấy gọi là thất bại chủ nghĩa, làm giảm sức chiến đấu của Đảng.”

“Tôi chỉ biết một điều”, Richard nói, “đấy là phải nói cho quần chúng biết sự thật, cái sự thật mà mọi người đều đã biết rồi. Lúc này mà còn che giấu thì thật là lố bịch.”

“Trong đại hội vừa rồi”, Rubashov tiếp tục, “Đảng đã tuyên bố là không gặp thất bại mà chỉ là tạm thời rút lui về mặt chiến lược và không có lý do gì mà phải thay đổi chính sách cả.”

“Nhưng đấy cũng là nói dối”, Richard đáp.

“Nếu anh còn tiếp tục như thế”, Rubashov đáp, “thì tôi cho rằng chúng ta nên kết thúc câu chuyện ở đây.”

Richard không trả lời. Trời bắt đầu tối, đường nét của những thiên thần và phụ nữ trong những bức tranh trên tường trở nên mờ ảo hơn.

“Xin lỗi”, Richard nói, “ ý tôi là lãnh đạo Đảng đã lầm. Các đồng chí nói về rút lui chiến lược trong khi một nửa đảng viên của chúng ta đã bị giết, những người thoát nạn thì chỉ mong sống nên đã chạy sang phía kẻ thù. Những nghị quyết mà các anh soạn ra ở ngoại quốc chẳng mang lại lợi ích gì hết…”

Bóng tối làm cho đường nét của Richard cũng trở nên mờ ảo. Anh ta ngừng vài giây rồi nói tiếp:

“Việc của Anny đêm qua cũng là ‘rút lui chiến lược’ đấy. Xin đồng chí hiểu cho là chúng tôi đang bị săn đuổi chẳng khác gì thú vật…”

Rubashov chờ xem anh ta còn nói gì nữa không, nhưng

Richard ngồi yên. Bóng đêm đổ xuống rất nhanh. Rubashov cầm kính lên và lau vào ống tay áo.

“Đảng không bao giờ sai”, Rubashov bình thản nói. “Đồng chí có thể sai, tôi có thể sai, mỗi người chúng ta đều có thể sai. Nhưng Đảng thì không. Đảng là hiện thân của lý tưởng cách mạng trong tiến trình lịch sử. Lịch sử không biết dao động là gì. Nó chỉ có tiến, tuy chậm chạp nhưng bao giờ cũng hướng đến mục đích đã xác định. Trên mỗi khúc quanh của lịch sử đều có vô số xác của những kẻ chậm tiến và lầm lạc. Lịch sử không bao giờ lầm lẫn và không gì có thể ngăn chặn được. Chỉ những ai tin tưởng tuyệt đối vào tiến trình Lịch sử mới có thể đứng trong hàng ngũ của Đảng.”

Richard không nói gì, cằm anh vẫn chống trên hai nắm tay, mặt quay về phía Rubashov, bất động. Thấy anh ngồi im, Rubashov tiếp tục:

“Các anh đã không phân phát tài liệu do chúng tôi cung cấp; các anh đã chặn đứng tiếng nói của Đảng. Các anh đã rải những tờ truyền đơn với những lời lẽ sai lầm và có hại. Các anh viết: ‘Các lực lượng còn lại của phong trào cách mạng phải tập hợp lại và tất cả những lực lượng thù địch với chính thể chuyên chế phải thống nhất lại, chúng ta phải chấm dứt cuộc đấu tranh trong nội bộ và bắt đầu cuộc chiến đấu mới’. Thế là sai. Đảng không thể liên kết với bọn cải lương. Họ đã phản bội phong trào nhiều lần rồi và nhất định sẽ còn phản bội nhiều lần nữa. Liên minh với họ cũng có nghĩa là chôn vùi cách mạng. Các anh viết: ‘Khi nhà cháy thì mọi người phải tham gia dập lửa, nếu cứ tranh luận về phương pháp thì nhà sẽ cháy ra tro’. Thế là sai. Chúng ta thì phun nước cứu hỏa, trong khi những kẻ khác lại đổ dầu vào. Cho nên trước khi đoàn kết phải nói đến phương pháp chữa cháy đã. Không thể làm chính trị theo kiểu đó. Không thể vội vàng, hấp tấp được. Đường lối của Đảng đã được xác định một cách cực kỳ chính xác, như một con đường hẹp giữa hai sườn núi. Trượt chân một cái, dù tả hay hữu cũng là xong. Cần phải kiên định, chỉ một phút dao động là hỏng.”

Trời càng lúc càng tối thêm, Rubashov đã không còn nhìn thấy hai bàn tay Đức Mẹ nữa. Hai hồi chuông ré lên một cách đột ngột, mười lăm phút nữa viện bảo tàng sẽ đóng cửa. Rubashov nhìn đồng hồ, chỉ còn một việc: tuyên án và buổi gặp sẽ kết thúc. Richard ngồi yên lặng, gần như bất động, khuỷu tay tì lên đầu gối.

“Vâng, tôi chẳng biết nói thế nào nữa”, cuối cùng anh ta lên tiếng, giọng vẫn mệt mỏi và chán nản như cũ. “Anh nói hoàn toàn đúng. Con đường hẹp giữa hai sườn núi cũng hoàn toàn đúng. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng bị đánh tơi tả rồi. Những người còn sống thì đã đào ngũ hết. Có thể là con đường của chúng ta lạnh lẽo quá chăng. Còn đường của người ta thì có tiếng kèn, tiếng sáo; có cờ hoa và lửa sưởi. Có phải vì thế mà họ thắng? Và vì thế mà tất cả chúng ta thất bại chăng?”

Rubashov không trả lời. Anh muốn nghe tiếp, rồi sau đó mới tuyên án. Dù Richard có nói gì thì bản án cũng đã được định đoạt rồi, nhưng anh vẫn kiên nhẫn đợi.

Bóng tối làm cho thân hình vạm vỡ của Richard càng trở nên mờ ảo hơn. Anh ta đã ngồi dịch ra xa thêm một chút; hai vai so lại, đôi bàn tay gần như chụp kín lấy mặt. Rubashov cũng ngồi bất động, yên lặng chờ đợi. Anh cảm thấy hơi đau ở hàm trên, chắc là tại cái răng sâu. Một lúc sau Richard mới lên tiếng:

“Tôi phải làm gì bây giờ?”

Rubashov lấy lưỡi tìm cái răng sâu. Anh cảm thấy cần phải đưa ngón tay lúc lắc cái răng sâu trước khi nói, nhưng kìm lại được và lạnh lùng bảo:

“Tôi phải thông báo rằng, theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, từ nay anh không còn là đảng viên nữa.”

Richard không có phản ứng gì. Rubashov ngồi thêm một lúc rồi đứng lên. Richard vẫn ngồi. Anh chỉ khẽ ngước mắt lên và hỏi:

“Anh đến đây vì việc này à?”

“Chủ yếu là thế”, Rubashov nói. Cần phải đi ngay, nhưng anh vẫn đứng trước mặt Richard và đợi.

“Tôi phải làm gì bây giờ?”, Richard lại hỏi. Thấy Rubashov không trả lời, Richard tiếp tục:

“Từ nay tôi không được ngủ ở phòng chiếu phim của bạn tôi nữa à?”

Sau vài giây lưỡng lự, Rubashov đáp:

“Tốt nhất là không.”

Anh lập tức cảm thấy ân hận vì đã nói câu đó, đồng thời anh cũng không tin rằng Richard đã hiểu đúng ý mình. Anh cúi nhìn chàng thanh niên một lần nữa và bảo:

“Tốt nhất là chúng ta nên đi tách ra. Thôi, xin chào.”

Richard ngồi thẳng lên nhưng vẫn không đứng dậy. Trong bóng tối chập choạng, Rubashov chỉ có thể đoán được những ý nghĩ đang lóe lên trong đôi mắt đỏ ửng và hơi lồi của chàng trai trẻ mà thôi, nhưng hình ảnh của chàng công nhân tuyệt vọng, chìm trong bóng đêm thì sẽ còn ở lại trong tâm trí anh suốt đời.

Rubashov bước ra khỏi phòng đó và một phòng nữa, cả hai phòng đều tối và vắng lặng như nhau. Không một tiếng động nhỏ, tiếng bước chân trên mặt sàn gỗ nghe rõ mồn một. Chỉ sau khi đi ra ngoài rồi anh mới sực nhớ là mình chưa kịp xem bức tranh Pietà. Hai bàn tay Đức Mẹ gầy guộc, khum khum đang giơ lên; đấy là tất cả những gì còn lại trong đầu.

Anh dừng lại ngay trên tam cấp lối ra. Cái răng sâu càng đau hơn, trời lạnh. Anh quấn chặt cái khăn màu xám cũ quanh cổ. Đèn điện trên quảng trường trước mặt viện bảo tàng đã bật sáng, giờ này ở đây rất vắng, một chiếc tàu điện vừa đi vừa rung chuông trên con phố hẹp hai bên trồng đầy những cây du nhỏ. “Không biết có taxi không?”, Rubashov vừa tự hỏi vừa bước xuống đường.

Richard đuổi kịp Rubashov khi anh vừa đặt chân xuống phố và lầm lũi đi theo. Rubashov tiếp tục bước, không nhanh hơn và cũng không chậm hơn, mắt vẫn nhìn thẳng. Richard vừa cao hơn, vừa to hơn, nhưng lúc này, đi bên cạnh Rubashov anh ta phải so vai lại và bước chậm hơn. Đi được mấy bước và sau khi lấy hết can đảm Richard mới dám lên tiếng:

“Có phải khi tôi hỏi liệu tôi có được đến ngủ ở chỗ người bạn và anh nói rằng tốt nhất là không là một lời cảnh báo không?”

Rubashov nhìn thấy một chiếc taxi, anh đứng đợi ngay khúc quanh. Richard cũng dừng lại ngay bên cạnh.

“Tôi đã nói hết rồi, Richard ạ”, Rubashov vừa nói vừa giơ tay ra hiệu cho taxi dừng lại.

“Đồng…đồng…chí không…không thể coi.. coi tôi là kẻ thù được…” Richard nói. Chiếc taxi đã giảm tốc độ, nó chỉ còn cách họ chừng hai mươi bước chân. Richard nhìn thẳng vào

mắt Rubashov và nắm lấy ống tay áo anh. Rubashov cảm thấy cả hơi thở và luồng không khí vừa ấm vừa nóng phà thẳng vào trán mình.

“Tôi không phải là kẻ thù của Đảng”, Richard nói. “Đồng chí không được làm thế. Bọn chó ấy sẽ giết tôi…”

Chiếc xe đã dừng hẳn, chắc chắn là người tài xế đã nghe được mấy lời cuối cùng. Đuổi Richard đi là việc vô ích, hơn nữa, ngay đằng trước, chỉ cách vài chục mét đang có một viên cảnh sát. Người lái xe, một lão già nhỏ thó, mặc một chiếc áo khoác da, lạnh lùng liếc xéo Rubashov.

“Ra ga”, Rubashov vừa nói vừa bước vào xe. Người tài xế ngoái lại và vòng tay đóng chiếc cửa sau. Richard đứng trên hè phố, tay vẫn giữ khư khư cái mũ, yết hầu chạy lên chạy xuống không ngừng. Chiếc taxi lấy đà và tăng tốc, rồi chạy ngang qua viên cảnh sát. Rubashov cố tình không ngoái cổ lại, nhưng anh biết rằng Richard vẫn đứng trên hè phố, mắt không ngừng dõi theo ánh đèn đỏ phía sau xe của anh.

Họ đi qua những khu phố đông đúc, thỉnh thoảng người lái xe lại quay đầu nhìn, dường như ông ta muốn khẳng định rằng ông khách vẫn còn ngồi trên xe. Rubashov chẳng hiểu gì phố xá ở đây cho nên cũng không biết chắc là họ có đi theo hướng ra ga hay không. Phố xá thưa dần, rồi cuối đường có một ngôi nhà khá to với một chiếc đồng hồ sáng rực, xe dừng lại. Đến ga rồi.

Ở đây taxi chưa có máy tính tiền, Rubashov vừa bước ra vừa hỏi: “Tôi phải trả bao nhiêu?” “Không cần”, người tài xế đáp. Mặt ông ta đầy vết nhăn.

Ông ta rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn mùi xoa mầu đỏ và xỉ mũi ầm ĩ.

Rubashov chăm chú quan sát người tài xế. Anh chưa từng gặp ông ta bao giờ, chắc chắn là như thế. Người tài xế cho khăn mùi xoa vào túi.

“Không bao giờ chúng tôi lấy tiền của những người như các ông”, ông ta vừa nói vừa lúc lắc tay phanh. Rồi bất ngờ ông ta đưa tay ra ngoài. Hai bàn tay già nua, gân nổi sần sùi, móng tay cáu bẩn. “Chúc ông vạn sự như ý”, ông ta vừa nói vừa cười ngượng nghịu. “Nếu người bạn trẻ của ông cần gì thì xin nhớ: tôi luôn đậu trước viện bảo tàng. Ông có thể cho anh ta số xe của tôi.”

Rubashov bỗng nhìn thấy ở bên phải đường có một người phu khuân vác đứng tựa lưng vào cột điện và đang chăm chú quan sát họ. Anh không bắt tay người lái xe mà chỉ đặt vào bàn tay đang giơ ra một đồng xu rồi im lặng bước vào nhà ga.

Một giờ sau tàu mới chạy. Anh uống một li cà phê rẻ tiền, cái răng sâu càng đau hơn. Vừa lên tàu là anh đã ngủ ngay lập tức, anh mơ thấy mình đang chạy ngay trước mặt đoàn tàu. Richard và người lái xe taxi đang lái tàu, họ muốn cán chết anh vì anh không trả đủ tiền vé. Bánh xe ngày càng gần hơn, mà chân thì không nhấc lên được. Khi tỉnh dậy anh thấy buồn nôn, trán lấm tấm mồ hôi lạnh; mấy người ngồi cùng khoang nhìn anh tỏ vẻ ngạc nhiên. Bên ngoài, trời tối như hũ nút, con tàu đang lao đi trong màn đêm của đất nước thù địch; cần phải giải quyết xong việc của Richard; răng nhức không thể chịu nổi. Ba tuần sau Rubashov bị bắt.

Comments are closed.